Quản trị nhân tài và tầng lớp sáng tạo - Quản trị nguồn nhân lực là một vấn đề thông thường, hầu như doanh nghiệp, tổ chức nào cũng phải làm. Nhưng quản trị nhân tài là một vấn đề khác, không phải ai cũng hiểu đúng và làm đúng. Người ta hay nói nhân tài như lá mùa thu. Nhưng lá mùa thu cứ tiếp tục rơi rụng, và người ta cứ vô tình hay cố ý giẫm đạp lên không thương tiếc Bức tranh nguồn nhân lực Người ta cũng hay nói nước ta rừng vàng biển bạc và đổ xô khai thác đến cạn kiệt, nhưng đất nước vẫn nghèo nàn và tụt hậu. Nước ta có một cái “mỏ người” khổng lồ, nhưng hầu như không biết cách khai thác. Người ta hay nói đến xuất khẩu lao động, chứ không thấy nói đến xuất khẩu chất xám Gần đây người ta lại nói đến xuất khẩu cử nhân và thạc sĩ, nhưng đó không phải là chất xám, mà là nhân lực thừa ế (hàng chợ) do chất lượng đào tạo quá kém. Trong khi đó, hiện tượng chảy máu chất xám (brain drain) ngày càng tăng, vì không được trọng dụng. Đó là một nghịch lý. Lá mùa thu cứ rơi rụng và nhân tài tiếp tục bị gió cuốn đi xa Đó là khái quát bức tranh nguồn nhân lực và nhân tài ở Việt Nam, phản ánh tình trạng quản trị yếu kém hiện nay, và lý giải tại sao năng suất lao động thấp nhất khu vực. Làm thế nào để khai thác được cái mỏ người khổng lồ đang còn là tiềm năng, và cái mỏ vàng nhân tài đang bị vô hiệu hóa ? Làm thế nào để kiến tạo đất nước đang tụt hậu ? Năng lượng sáng tạo và nhân tài Các nhà khoa học khẳng định rằng năng lượng sáng tạo của con người là nguồn tài nguyên duy nhất có thể sinh ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Đó chính là cái mỏ vàng có khả năng tái tạo, không bao giờ cạn. Có mấy vấn đề cơ bản cần đặt ra - Thứ nhất, phải hiểu đúng về nguồn năng lượng sáng tạo. Nó không giống cái mỏ than lộ thiên cứ thế mà đào, hay cái mỏ dầu khí cứ thế mà hút cho cạn. Muốn khai thác mỏ nhân tài phải biết chăm sóc và nuôi dưỡng, vì trồng người khó hơn trồng cây - Thứ hai, phải biết cách thu hút và quản trị nhân tài để có tầng lớp sáng tạo. Đó là một nguồn tài nguyên đặc biệt rất khó quản trị, là sức mạnh mềm của quốc gia. Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn tuy là người Việt nhưng không phải “made in Việt Nam” Đối với mỗi doanh nghiệp hay mỗi quốc gia, năng lực sáng tạo (creativity) và tầng lớp sáng tạo (creative class) là những động lực thiết yếu để thúc đẩy xã hội đổi mới và phát triển - Thứ ba, muốn kiến tạo một nền kinh tế tri thức, phải thu hút và quản trị được nhân tài. Phải thay đổi tư duy và thể chế, để tạo ra được các trung tâm sáng tạo cho tầng lớp sáng tạo. Silicon Valley (một vườn ươm tài năng công nghệ cao), không giống như khu công nghệ cao Hòa Lạc Đối với mỗi doanh nghiệp hay mỗi quốc gia, năng lực sáng tạo (creativity) và tầng lớp sáng tạo (creative class) là những động lực thiết yếu để thúc đẩy xã hội đổi mới và phát triển. Đó là những quy luật khách quan, hầu như không có ngoại lệ Nhân tài và tầng lớp sáng tạo Hai Lúa là câu chuyện về anh nông dân ở Tây Ninh làm trực thăng, từng gây ồn ào và tranh cãi. Nhưng điều đáng nói là trong khi người Việt không biết trọng dụng, thì người Khmer lại biết trọng dụng Hai Lúa. Chưa biết anh ta có đủ tiêu chí nhân tài hay không, nhưng Hai Lúa là một dấu hiệu cho thấy tầng lớp sáng tạo đang hình thành ở nước ta Tầng lớp sáng tạo không chỉ gồm các nhà khoa học hay kỹ sư có bằng cấp, mà còn gồm những người có tinh thần và năng lực sáng tạo, nhưng không có bằng cấp. Tại sao lại khắt khe, bắt bẻ một nông dân sáng tạo phải giống một nhà khoa học? Câu chuyện làm trực thăng hay xe bọc thép chỉ là biểu hiện cụ thể của tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp Có lẽ người Việt sống quá lâu trong khuôn mẫu chính thống, nên hễ thấy ai khác biệt là dị ứng và “ném đá”. Điều đáng lo ngại là cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu đổi mới tư duy. Nếu Bill Gates hay Mark Zuckerberg mà khởi nghiệp tại Việt Nam, thì chắc chắn thất bại. Tuy Hai Lúa và Bill Gates hay Mark Zuckerberg khác nhau, nhưng họ đều có các đặc tính chung là đam mê sáng tạo, đầy năng lượng sáng tạo, và không chịu bỏ cuộc dễ dàng Tầng lớp sáng tạo và trung tâm sáng tạo Tầng lớp sáng tạo là một thuật ngữ kinh tế xã hội học mà giáo sư người Mỹ Richard Florida (Carnegie Mellon University) đề cập trong tác phẩm The Rise of the Creative Class (xuất bản năm 2002). Sau hơn 10 năm, Richard Florida đã phát triển thêm những khái niệm mới như: “3T Indicators” (technology, talent, tolerance), “Creativity Index”, “Creativity Rankings” và trở nên nổi tiếng (nhưng cũng gây tranh cãi) Theo Florida, tầng lớp sáng tạo bao gồm những người làm khoa học và công nghệ, kiến trúc và đồ họa, giáo dục và nghệ thuật, âm nhạc và giải trí, mà vai trò của họ là sáng tạo ra những ý tưởng mới, công nghệ mới, và nội dung mới. Lực lượng nòng cốt bao gồm các nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, diễn viên, thiết kế, cũng như những người làm việc trí óc khác như nghiên cứu và phân tích, biên tập viên và nhà báo... Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 40 trung tâm sáng tạo, chiếm 17% dân số, nhưng đã tạo ra hai phần ba GDP toàn cầu, và phát minh ra 85% sáng kiến. Những nước có trung tâm sáng tạo đều có trình độ phát triển cao (như Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Úc). Tại Mỹ, tầng lớp sáng tạo có khoảng 40 triệu người, bằng khoảng 30% lực lượng lao động. Lương trung bình của những người này thường gấp đôi, gấp ba so với những người lao động bình thường khác (như công nhân và nhân viên phục vụ) Tầng lớp sáng tạo đòi hỏi một môi trường văn hóa tôn trọng nhân tài, tôn trọng sự đa dạng, tôn trọng tự do cá nhân. Xã hội sẽ bị trì trệ và lạc hậu, nếu duy trì các khuôn mẫu cứng nhắc để bắt những người có ý tưởng sáng tạo phải khép mình vào đó. Chế độ kiểm duyệt hạn chế sáng tạo bằng hình thức phê duyệt và cấp phép. Nhưng có một hình thức tự kiểm duyệt còn tệ hại hơn, đó là bắt người dân sống trong khuôn mẫu lâu thành quen, nên họ phản đối mọi sự phá cách không theo quy chuẩn, và trông chờ vào nhà nước can thiệp Trọng dụng nhân tài và tầng lớp sáng tạo Những người nhiều năng lượng sáng tạo thường điên khùng và lập dị. Ý tưởng của họ thường phá cách và kỳ quặc, ngược lại với các khuôn mẫu chính thống. Thay vì khoan dung, tôn trọng và khuyến khích, người ta thường bài bác họ. Cách đây vài năm, hiện tượng Zone 9 tại Hà Nội là một ví dụ về sự hình thành tầng lớp sáng tạo ở Việt Nam Một lần, khi nghe một giáo sư người Israel (dạy 20 năm tại MIT) nói về bài học quốc gia khởi nghiệp và nền kinh tế sáng tạo của Israel, tôi bỗng nghĩ đến số phận của Hai Lúa và Zone 9. Khoảng cách sáng tạo giữa các quốc gia còn lớn hơn khoảng cách số. Tại Israel, tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp lây lan như một thứ virus. Cứ 20 sinh viên tốt nghiệp thì có 4 người khởi nghiệp. Họ bất chấp rủi ro, sẵn sàng phá bỏ luật lệ, coi thất bại như trường học để khởi nghiệp, bằng năng lựợng sáng tạo Israel là một bài học, tuy nghèo về tài nguyên thiên nhiên, nhưng họ biết khai thác tài nguyên con người (mỏ năng lượng sáng tạo) nên đã phát triển thần kỳ. Việt Nam tuy có “rừng vàng biển bạc”, nhưng vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng. Tầng lớp sáng tạo là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, nhất là những công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Năng lượng sáng tạo này được coi là tài sản có giá trị nhất Nhưng làm thế nào để thu hút và sử dụng năng lượng sáng tạo ? Richard Florida có một câu nói nổi tiếng: “Thành phố nào không có người đồng tính và các ban nhạc rock chắc chắn sẽ thất bại trong cuộc đua về kinh tế”. Điều đó làm ta nhớ đến câu nói của Friedman trong cuốn sách Thế giới phẳng: “Ở đâu có McDonald thì ở đó không có chiến tranh”. Cuộc chiến giành nhân tài Cơn sốt săn lùng nhân tài là cuộc chiến khốc liệt trong thời đại công nghệ cao, không chỉ giữa các công ty mà còn giữa các quốc gia, để cân bằng nhân tài (như cân bằng quyền lực). Hiện nay, Mỹ, Canada, Anh, Úc là bốn “đế chế trí thức” hàng đầu thu hút nhân tài toàn cầu, chiếm 75% nhân lực tay nghề cao của các nước OECD (riêng Mỹ chiếm 40%). Tại thung lũng Silicon, gần 70% kỹ sư là đến từ ngước ngoài. (The War for Talent, Steven Hankin, McKinsey, 1997) Chỉ số phát triển (Development Indicators) của một quốc gia (như tốc độ tăng trưởng GDP, bình quân đầu người, và năng suất lao động...) thường tỷ lệ thuận và tương ứng với chỉ số tài năng (Talent Indicators) của quốc gia đó (thu hút, trọng dụng nhân tài và tầng lớp sáng tạo). Nhân tài là yếu tố đầu tiên để phát triển, nên quốc gia nào càng thu hút được nhiều nhân tài, thì càng phát triển bền vững. Hơn ba phần tư các nhà quản trị nguồn nhân lực trên toàn cầu (được khảo sát) cho biết việc thu hút và giữ chân nhân tài là “ưu tiên số 1” Trung Quốc đã cất cánh và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy kinh tế bắt đầu suy thoái nhưng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn còn hơn 3.000 tỉ đô la Mỹ. Tiềm lực kinh tế của Trung Quốc là một thực tế không thể phủ nhận, nhưng có một thực tế khác cũng khó phủ nhận là 64% người giàu Trung Quốc (có 1,6 triệu đô la Mỹ trở lên) đã và đang rời bỏ đất nước. Không phải chỉ có người giàu, mà 85% cán bộ cao cấp của Trung Quốc cũng sẵn sàng ra đi. Trong khi tài nguyên thiên nhiên vẫn đổ về Trung Quốc, thì tài nguyên con người và dòng vốn đang chảy ra nước ngoài. Đó là một nghịch lý và là một tử huyệt. Nếu không đảo ngược được xu hướng này thì sẽ là một thảm họa Nguyễn Quang Dy
Vietnam sẽ là điểm đến của đổi mới sáng tạo toàn cầu Ông Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch AVSE Global nhận định người Việt có nhiều tố chất để hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo, trở thành điểm đến toàn cầu Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đức Khương hiện là Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Ông xếp hạng thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ hàng đầu thế giới bởi RePEc (Research Papers in Economics) tháng 2/2016 và có tên trong từ điển "Who’s Who in the World" của Mỹ, ấn bản từ năm 2012. Hiện ông là Phó phám đốc phụ trách Nghiên cứu tại IPAG Business School (Pháp), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhiều năm qua, thông qua AVSE Global, ông có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng cộng đồng trí thức Việt Nam tại nước ngoài cũng như hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam - Ông đặc biệt quan tâm đến kết nối mạng lưới trí thức Việt Nam trên toàn thế giới xuất phát từ điều gì? - Kết quả của một nghiên cứu quốc tế chỉ ra hai yếu tố quan trọng để một quốc gia phát triển vượt trội là văn hóa và nhân tài Lực lượng trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước của Việt Nam là một trong những nguồn lực vô cùng quý, có vai trò quyết định trong xây dựng năng lực kỹ năng, sáng tạo tri thức và công nghệ phục vụ cuộc sống, tiến bộ kinh tế, xã hội Tôi thấy rõ tiềm năng lớn và khát khao cống hiến cho đất nước của các thế hệ trí thức và chuyên gia Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, ngay những ngày đầu đến Pháp. Điều này cũng đúng ở hầu hết cộng đồng người Việt ở khắp nơi. Mong muốn kết nối, giúp đỡ lẫn nhau và phát huy sức mạnh tri thức tập thể phục vụ sự phát triển của đất nước chính là khởi nguồn để tôi lan toả, chia sẻ cảm hứng với các cộng sự Sự ra đời của AVSE Global tháng 5/2011 tại Paris là một khởi đầu thành công, chứng thực niềm tin vào sức mạnh tập thể và tầm nhìn lớn về một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và vươn xa. Sau 9 năm, AVSE Global ngày một trưởng thành, với hơn 10 hoạt động hội thảo khoa học - diễn đàn chính sách lớn hàng năm, hơn 20 chương trình đào tạo cán bộ quản lý cấp cao và hơn 20 tham vấn - tư vấn chính sách cho nhiều bộ, ngành và địa phương, cùng báo cáo chiến lược trên những chủ đề trọng điểm Nguồn lực đang tham gia thường trực trên các dự án, chương trình hợp tác trong nước và ngoài nước là hơn 300 thành viên, sinh sống trên hơn 20 quốc gia, cùng với mạng lưới rộng lớn trí thức và chuyên gia trên hơn 10.000 người Chương trình "Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng" (VGLF) với chủ đề "Nâng tầm thương hiệu Việt Nam" được tổ chức lần đầu tiên ở Paris vào tháng 3/2019 là một trong những ví dụ cho việc quy tụ tinh hoa người Việt khắp thế giới thực hiện khát vọng chung đánh thức tiềm lực quốc gia, đưa thương hiệu và giá trị Việt cạnh tranh trên trường quốc tế - Ông đánh giá vai trò của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế của một quốc gia như thế nào? - Đổi mới sáng tạo đã và đang thực sự trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển hàng đầu thế giới. Pháp là một ví dụ. Trước những tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và nhận thấy sự suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia tương lai, họ đã đề ra một chương trình đầu tư tương lai (PIA). Chương trình này tập trung tài trợ cho những dự án sáng tạo, trong đó có startup và hứa hẹn cho thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng lâu dài và tạo công ăn việc làm Ông Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch AVSE Global trong một sự kiện Đến 2017, PIA đã qua ba giai đoạn với ưu tiên xuyên suốt là đầu tư vào giáo dục đại học và nghiên cứu, bên cạnh những trọng tâm khác. Ví dụ, PIA1 bắt đầu năm 2010 với 35 tỷ euro, được đầu tư vào các ngành công nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiềm năng, phát triển bền vững, và kinh tế số. PIA2 có thêm trọng tâm chuyển đổi năng lượng, phát triển công nghệ hàng đầu trong ngành hàng không và vũ trụ, hiện đại hoá nhà nước. PIA3 tập trung vào nâng cao giá trị của R&D, đổi mới, phát triển lực lượng doanh nghiệp Ở châu Âu, startup cũng không bị lãng quên trong Covid-19, khi mà hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) giảm cường độ. Pháp cũng là nước tiên phong với cam kết 4 tỷ euro dành cho tài trợ, bảo lãnh nhà nước cho các khoản vay và giảm thuế đối với startups. Tiếp theo đó là Thuỵ Sĩ, Bồ Đào Nha, Đức và Anh Một nền kinh tế tăng trưởng năng động nhất nhì khu vực như Việt Nam, cùng chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, sáng nghiệp mạnh mẽ, thích ứng linh hoạt với công nghệ cao chính là môi trường lý tưởng để Việt Nam thành điểm đến cho đổi mới sáng tạo toàn cầu Với một nền kinh tế đang phát triển có trọng tâm chiến lược gồm: phát triển toàn diện, bình đẳng xã hội, hạ tầng thông minh, ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi hậu, khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên biển... Đây là thách thức của Việt Nam song cũng là bài toán hấp dẫn cho giới doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia đổi mới sáng tạo. Trong tổ chức của chúng tôi, động lực của sự phát triển là con người với tri thức tập thể, giàu khát vọng và đổi mới sáng tạo - AVSE Global làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu "góp phần đưa Việt Nam thành điểm đến đổi mới sáng tạo toàn cầu trong năm 2020"? - AVSE Global mong muốn Việt Nam tiên phong trong tìm các giải pháp sáng kiến phát triển. Thực tế cho thấy là người Việt rất cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận những điều mới, nên chúng tôi muốn thúc đẩy để hình thành nên một văn hoá đổi mới sáng tạo từ suy nghĩ, phương pháp đến hành động: phấn đấu cho hiệu quả và hoàn thiện mỗi ngày. Liên kết và học hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia quốc tế cũng là chìa khoá để nhanh chóng tích luỹ được kinh nghiệm và tránh được những sai lầm cơ bản Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua rất nhiều chương trình lớn như: những nghiên cứu sâu về thu hút nhân tài công nghệ, số hoá đến những báo cáo về chiến lược về đổi mới sáng tạo, đưa nhân tố này thành động lực phát triển cho các chiến lược kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành chúng tôi làm việc cùng Chương trình "Liên kết đổi mới sáng tạo" (Vietnam Innovation Links - VILinks) là nơi chúng tôi sẽ quy tụ những người Việt có tầm ảnh hưởng về lĩnh vực này trên toàn thế giới. Chương trình sẽ là không gian cho những dự án có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, sự cộng hưởng từ cộng đồng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước Chúng tôi cũng xây dựng nền tảng kết nối trực tuyến (Innovation platform) và đang được đề nghị hợp tác với một số cơ sở trong nước để xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi mở một cuộc thi về ý tưởng sáng tạo Hack4Growth (sáng tạo cho tăng trưởng), mà giai đoạn 2 có chủ đề "Covid Endgame" - AVSE Global kỳ vọng gì tại cuộc thi Hack4Growth trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng khởi nghiệp? - Hack4Growth là một cuộc thi quốc tế nhằm tìm kiếm những ý tưởng đổi mới sáng tạo, có thể hiện thực hoá để phục vụ sự phát triển của xã hội. Giai đoạn một của cuộc thi đã kết thúc nhận hồ sơ vào 31/3, hướng đến thúc đẩy văn hoá đổi mới sáng tạo trong cộng đồng người Việt Giai đoạn 2 có chủ đề "Hack4Growth-Covid Endgame", hạn nộp hồ sơ đến 30/6 tới đây có sứ mệnh hướng xã hội chung tay tìm ra giải pháp, tạo cảm hứng, đưa đến niềm tin hành động và tinh thần kiên cường vượt qua thách thức chung của đất nước. Đó có thể là các ý tưởng, sáng kiến vĩ mô hay vi mô; các giải pháp công nghệ, quy trình, bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau của kinh tế, xã hội (du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục...) hay các sản phẩm sáng tạo nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh và hồi phục phát triển kinh tế, xã hội Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp hoặc nhóm chuyên gia có thời gian hoạt động dưới 5 năm, các cá nhân từ 18 tuổi trở lên, không giới hạn sinh viên, nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp, giáo viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước Ban tổ chức cuộc thi là đội ngũ các chuyên gia đến từ hơn 15 quốc gia, sẵn sàng hỗ trợ các thí sinh phát triển ý tưởng, dự án của mình thành sản phẩm, dự án có tính ứng dụng thực tiễn cao, thông qua chương trình đào tạo và huấn luyện trực tuyến Cuộc thi này có giải nhất 10.000 USD, cùng nhiều giải thưởng giá trị, cơ hội nhận đầu tư, phát triển sản phẩm và ăn tối với một trong 15 CEO, những người có tầm ảnh hưởng hàng đầu của Việt Nam và người Việt ở nước ngoài (Bộ trưởng, Nữ hoàng khởi nghiệp, tỷ phú Việt Nam, triệu phú Silicon Valley...) Cuộc thi được sự bảo trợ của Uỷ ban người Việt ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, có sự đồng hành của Vietcombank và hơn 15 đối tác là doanh nghiệp, quỹ đầu tư, và các đối tác khác - Theo ông làm thế nào để phát triển mạng lưới nhân tài người Việt trên thế giới thời gian tới? - Hành trang quý nhất của những nhà đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là những ý tưởng mới và niềm đam mê biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Họ nên mạnh dạn theo đuổi và thể hiện ý tưởng đó càng chi tiết càng tốt, để biết được nó có thể áp dụng vào thực tế hay không, có thực sự đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng hay không Tuy nhiên, để biến một ý tưởng thành một "business" lớn thì những người làm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng cần có tinh thần doanh nhân, kiến thức kinh doanh, quản lý và những cộng sự năng lực, chia sẻ đam mê Yếu tố văn hoá (giá trị, con người, truyền thống Việt Nam), sự đồng lòng (trí tuệ, sáng tạo tập thể) và sự cộng hưởng (tính lan toả trong cộng đồng, dân tộc) là những yếu tố của thành công Nhân tài Việt Nam có mặt ở khắp thế giới, các cơ hội hợp tác, đóng góp vào sự thịnh vượng và vị thế của nước ta trên thế giới luôn rộng mở. Mục tiêu của AVSE Global là tạo ra được những điều kiện thuận lợi như nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo, các cụm tri thức... để những cá nhân và tập thể tiên phong cùng nhau thực hiện các chương trình ý nghĩa, tạo ra những ảnh hưởng tích cực, đột phá Tuấn Vũ