LamDong - Điện Biên Phủ kinh tế

Thảo luận trong 'Điện Biên Phủ Kinh Tế' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 25/12/23.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    THACO muốn xây Tổ hợp kinh tế tuần hoàn 100.000 tỷ
    Theo đề xuất của THACO hồi tháng 8/2022, tập đoàn này muốn làm Tổ hợp khai thác và chế biến quặng bô xít tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng

    [​IMG]

    Ngày 25/12/2023, CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) đã có văn bản báo cáo kết quả nghiên cứu dự án Tổ hợp Kinh tế tuần hoàn Thaco. Tổ hợp này được quy hoạch để hình thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn từ khâu khai thác quặng bô-xít đến chế biến alumin, nhôm, hoàn thổ phục hồi môi trường, trồng cây nông nghiệp, nhà máy chế biến nông sản, nhà máy phụ trợ, du lịch sinh thái...

    Tổng mức đầu tư sơ bộ cho toàn bộ dự án là khoảng 103.024 tỷ đồng (hơn 4,2 tỷ USD), với 30% từ vốn chủ sở hữu (khoảng 31.000 tỷ đồng) và 70% đến từ nguồn vốn vay. Lộ trình xây dựng dự án sẽ được chia làm 3 giai đoạn và dự kiến hoàn thành, đi vào vận hành và kinh doanh ổn định cho đến sau năm 2024

    [​IMG]
    Trong tổ hợp kinh tế tuần hoàn này, Nhà máy alumin Lâm Đồng 2 là dự án thuộc địa bàn các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là nhà máy khai thác quặng bô-xít và chế biến alumin có công suất khoảng 4 triệu tấn/năm

    Vào tháng 8/2022, THACO đã đề xuất được khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp khai thác và chế biến quặng bô xít tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Theo đề xuất của THACO khi đó, dự án tổ hợp này có tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng, bao gồm: nhà máy tuyển quặng bô xít (quy mô 500ha, công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm); nhà máy chế biến alumin (quy mô 500ha, công suất 1,3 triệu tấn/năm); nhà máy sản xuất nhôm (quy mô 150ha, công suất 300.000 tấn/năm)

    Tập đoàn cũng cho biết thêm, trong quá trình triển khai dự án, sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các dự án ngành công nghiệp, dịch vụ thuộc lợi thế của THACO như: nông nghiệp, năng lượng tái tạo và sinh thái phát triển kinh tế - xã hội khác… trình UBND tỉnh cho phép triển khai sau khi hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường

    Như vậy, sau gần 2 năm nghiên cứu, Tập đoàn này đã nâng tổng vốn đầu tư dự kiến lên gấp đôi, khi trong công bố mới nhất, THACO cho biết còn nghiên cứu các dự án khác thuộc tổ hợp kinh tế tuần hoàn tại Lâm Đồng, bao gồm các nhà máy sản xuất vật liệu từ bùn đỏ, trung tâm logistics và cảng cạn ICD, cụm nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ, khu tái định cư và cụm nhà ở, trang trại trồng cây và khu sơ chế công nghệ cao, khu trang trại nông nghiệp và du lịch sinh thái...

    Theo công bố mới nhất của THACO, thời gian hoạt động của dự án Tổ hợp kinh tế tuần hoàn là 50 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, phương án đầu tư nhà máy alumin công suất 4 triệu tấn/năm có thời gian khai thác quặng bô-xít dự kiến hoàn thành trong 20 năm, thời gian còn lại nhà đầu tư sẽ sử dụng nguyên liệu thô từ nguồn cung bên ngoài cho đến hết vòng đời dự án

    Thaco dự tính có thể được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 3 và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trong tháng 12. Tập đoàn dự kiến khởi công nhà máy alumin giai đoạn 1 từ tháng 8/2025 và vận hành kinh doanh từ năm 2028, trước khi tiến vào các giai đoạn 2-3

    Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận sau thuế cho cả vòng đời dự án khoảng 570.026 tỷ đồng, tương đương tỷ suất sinh lời bình quân đạt 16,22%/năm và thời gian hoàn vốn là 10 năm 11 tháng

    Trong 20 năm khai thác trữ lượng cụm mỏ Lâm Đồng 2 (tổng trữ lượng dự kiến 178,65 triệu tấn), Thaco cũng dự phóng nộp ngân sách Nhà nước khoảng 4.800 tỷ đồng và cung cấp việc làm cho khoảng 4.000 lao động trực tiếp

    Thaco kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, chấp thuận tổ chức cuộc họp trong tháng 1 để báo cáo chi tiết kết quả nghiên cứu sơ bộ dự án Nhà máy alumin Lâm Đồng 2; kế hoạch triển khai thực hiện dự án và các nội dung đề xuất khác có liên quan làm tiền đề cho việc triển khai Tổ hợp kinh tế tuần hoàn Thaco

    Tập đoàn này cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định trong quý I sau khi có ý kiến của các cơ quan ban ngành có liên quan
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/1/24
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Trung tâm Điều hành Thông minh đầu tiên của toàn ngành Thông tin Truyền thông
    Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng đã trở thành đơn vị đầu tiên trong hệ thống các Sở Thông tin Truyền thông cả nước khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC)

    [​IMG]
    Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Thông tin Truyền thông thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm điều hành thông minh của Sở
    Chiều 22/12, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng tổ chức tổng kết công tác năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024

    Dịp này, Sở đã khai trương Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC), Trung tâm đầu tiên trong hệ thống các Sở Thông tin và Truyền thông của cả nước

    Theo thông tin từ Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng, Trung tâm Điều hành thông minh của ngành được xây dựng với 8 hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu ngành gồm hệ thống Báo cáo chuyên ngành; cơ sở dữ liệu ngành; cơ sở dữ liệu mở; Hệ thống bản đồ số; Trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng; Hệ thống máy chủ Antivirus; Phần mềm giám sát quản lý thông tin; Trục liên thông văn bản; Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh Lâm Đồng

    Trong đó có 3 hệ thống giúp thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 35 giao, nhiệm vụ về đảm bảo an toàn, an ninh cho các cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh

    Trung tâm IOC sử dụng nhiều giải pháp công nghệ lõi khác nhau của 4 đơn vị, trong đó 5/8 hệ thống nêu trên của Công ty Cổ phần BKAV; 3 hệ thống còn lại của Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam - VSEC; Trung tâm Giám sát An toàn Không gian Mạng quốc gia (NCSC) - Bộ Thông tin Truyền thông và Bưu chính Viễn thông Lâm Đồng

    Hệ thống máy chủ được đặt tại 3 địa điểm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Lạt

    Sau khi khai trương, Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng đã trở thành đơn vị đầu tiên trong hệ thống các Sở Thông tin Truyền thông cả nước và đơn vị cấp sở thứ 2 (sau Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng) khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC)

    Tổng kết nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng đánh giá đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ về công tác tham mưu thực hiện chuyển đổi số; triển khai thực hiện “đô thị thông minh” với Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh Lâm Đồng sau thời gian vận hành thử nghiệm chính thức khai trương vào ngày 12/10/2023

    Hiện tỉnh đã có một Trung tâm Giám sát và Điều hành Thông minh tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Dự kiến, các Sở còn lại triển khai xây dựng và hoàn thành trong quý 1 năm 2024. Cấp huyện hiện có 10/12 Trung tâm Giám sát và Điều hành Thông minh tại hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện

    Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2025

    Trong đó, 5 lĩnh vực chính là là hạ tầng viễn thông băng rộng với số trạm thu phát sóng di động BTS là 1.700 trạm tăng 70 trạm đạt 104,29% so với năm 2022; 100% khu dân cư được phủ sóng băng rộng di động; 100% Ủy ban Nhân dân cấp xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; triển khai thử nghiệm 12 trạm thu phát sóng thông tin di động 5G tại khu vực đông dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng và huyện Lạc Dương

    Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng đặt ra nhiệm vụ trong năm 2024 sẽ tập trung Chuyển đổi Số trong lĩnh vực bưu chính, chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số. Sở chú trọng phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng là hạ tầng chuyển phát và hạ tầng logistic

    Trong lĩnh vực báo chí- truyền thông, Sở sẽ cung cấp thông tin chính thống, phản ánh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong tỉnh Lâm Đồng trước những vấn đề phát sinh, kịp thời định hướng dư luận xã hội

    Trong lĩnh vực Chuyển đổi Số, Sở sẽ đẩy mạnh triển khai hoạt động tổ Công nghệ Số cộng đồng, nhất là trong khâu hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và các kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản khác
     

Chia sẻ trang này