Thuê ngoài dịch vụ phần mềm

Thảo luận trong 'Quốc Gia Công Nghệ' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 24/9/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Thuê ngoài dịch vụ CNTT
    Sẽ ngày càng “nở rộ” trong bối cảnh cách mạng 4.0

    Thuê ngoài dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) đã là xu hướng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ CNTT để tối ưu hóa chi phí. Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh cách mạng 4.0, IT Outsourcing sẽ ngày càng “nở rộ”

    Xu hướng phát triển tất yếu


    Theo các chuyên gia, thuê ngoài dịch vụ CNTT (IT Outsourcing, ITO) là khái niệm để chỉ việc một tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ liên quan đến CNTT từ các nhà cung cấp chuyên nghiệp bên ngoài, thay vì tự tổ chức thực hiện. Các dịch vụ được thuê ngoài có thể là một phần hoặc toàn bộ các công việc từ xây dựng đến quản lý, vận hành và chuyển giao tất cả các thành phần của hệ thống thông tin gồm phần mềm, hạ tầng CNTT, chính sách khai thác, vận hành, nguồn nhân lực

    Mục đích của việc thuê ngoài dịch vụ CNTT là nhằm tối ưu hóa chi phí, tận dụng nguồn nhân lực của các nhà cung cấp dịch vụ CNTT bù đắp thiếu hụt về nhân lực CNTT của tổ chức để nâng cao chất lượng hệ thống CNTT, đạt được một mức độ an toàn và sẵn sàng cao hơn của hệ thống, cũng như khả năng tập trung phát huy những mặt mạnh của tổ chức, doanh nghiệp

    Thuê ngoài dịch vụ CNTT hiện đã trở thành một xu hướng phổ biến trên thế giới. Theo thống kê từ Gartner, tổng chi tiêu toàn cầu cho toàn ngành CNTT đến năm 2022 dự báo đạt 4.234 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 3,7% trong giai đoạn 2016-2022. Trong đó, chi tiêu cho dịch vụ CNTT toàn cầu dự báo đến 2022 đạt 1.222 tỷ USD, chiếm 28,9% tổng chi tiêu toàn ngành CNTT và tăng trưởng 4,3%. Chi tiêu cho dịch vụ hỗ trợ IT doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng đám mây chiếm xấp xỉ 41% chi tiêu toàn ngành dịch vụ IT và có mức tăng trưởng 5,3% giai đoạn 2016-2022

    Đáng chú ý, số liệu thống kê của Gartner cũng cho thấy, trong 3 năm gần đây, từ năm 2016 - 2018, chi tiêu cho thuê ngoài dịch vụ CNTT toàn cầu đã tăng từ 296 tỷ USD (năm 2016) lên 309 tỷ USD (năm 2017) và ước tính sẽ đạt 336 tỷ USD trong năm nay. Thống kê của hãng này cũng dự báo, trong 4 năm tới chi tiêu cho thuê ngoài dịch vụ CNTT sẽ tiếp tục tăng và đạt 426 tỷ USD vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng bình quân của chi tiêu cho thuê ngoài dịch vụ CNTT trên toàn thế giới trong cả giai đoạn 2016 - 2022 đạt xấp xỉ 6,2%

    Nghiên cứu của Gartner cũng chỉ ra rằng, cơ cấu chi tiêu cho thuê ngoài dịch vụ CNTT tại các khu vực được dự báo ít thay đổi trong giai đoạn 2016-2022. Trong đó, khoảng 80% nhu cầu thuê ngoài dịch vụ CNTT vẫn ở các khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Khu vực các quốc gia mới nổi thuộc châu Á/Thái Bình Dương chiếm khoảng 3% toàn cầu


    Chi tiêu cho thuê ngoài dịch vụ CNTT (IT Outsoucing) khu vực các nước mới nổi châu Á/Thái Bình Dương (ngoài Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Malaysia) trong đó có Việt Nam tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình là 8,5% giai đoạn 2016-2022, đạt mức 1,6 tỷ USD năm 2022. Và dịch vụ hỗ trợ CNTT doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng đám mây được dự đoán là dịch vụ chiếm tỷ trọng thuê ngoài lớn nhất, chiếm 35% tổng chi tiêu trung bình các dịch vụ CNTT tại khu vực này giai đoạn 2016-2022

    Còn theo báo cáo khảo sát đánh giá về hoạt động thuê ngoài CNTT chuyên nghiệp được Deloitte thực hiện với các doanh nghiệp lớn đến rất lớn tại Mỹ, châu Âu và châu Á trải rộng trên 25 lĩnh vực khác nhau, những lợi ích chính từ việc thuê ngoài dịch vụ CNTT mà các công ty quan tâm nhất là: công cụ để cắt giảm chi phí; giúp doanh nghiệp tập trung vào các chức năng kinh doanh doanh chính; giải quyết các vấn đề tiềm năng; nâng cao chất lượng dịch vụ; có tầm quan trọng đối với nhu cầu kinh doanh; tiếp cận nguồn vốn trí tuệ; quản lý môi trường kinh doanh; thúc đẩy sự thay đổi nhanh hơn

    Thống kê từ khảo sát của Deloitte cũng chỉ ra rằng, có tới 58% doanh nghiệp sau khi thuê ngoài dịch vụ CNTT đã tăng chất lượng sản phẩm-dịch vụ, 44% doanh nghiệp cắt giảm được chi phí vận chuyển, 38% doanh nghiệp nâng cao được trải nghiệp người dùng và 31% doanh nghiệp đã tăng trưởng doanh thu

    Nhu cầu thuê dịch vụ CNTT tại Việt Nam 4 năm gần đây liên tục tăng trưởng

    Tại Việt Nam, thuê ngoài dịch vụ CNTT đã được triển khai nhiều ở khối các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

    Với khối cơ quan nhà nước (CQNN), tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6/2014, Chính phủ đã đồng ý chủ trương thuê dịch vụ CNTT trong các CQNN, các đơn vị hành chính sự nghiệp và giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cụ thể hóa cơ chế thuê dịch vụ CNTT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đây chính là cơ sở đưa đến sự ra đời Quyết định 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong CQNN

    Có hiệu lực từ ngày 15/2/2015, Quyết định 80 đưa ra thêm một hình thức lựa chọn trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN, đó là hình thức thuê dịch vụ CNTT. Hình thức này được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục được khó khăn về nguồn kinh phí khi triển khai ứng dụng CNTT vì các cơ quan nhà nước không phải bỏ nguồn kinh phí đầu tư, mua sắm, xây dựng lớn ban đầu mà chỉ phải trả kinh phí nhỏ hơn cho việc thuê dịch vụ CNTT trong khi vẫn được sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng cao của các doanh nghiệp về CNTT-TT. Từ góc độ của chuyên gia lâu năm trong ngành CNTT, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung cho rằng Quyết định 80 là một giải pháp để gỡ cho Chính phủ trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và đầu tư kém hiệu quả


    Trên thực tế, trong thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai song vẫn có khá nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước đã tích cực triển khai thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định 80 như Văn phòng Quốc hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND TP.Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Đắk Nông… Và mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau song hầu hết các chuyên gia trong ngành đều có chung nhận định, thuê ngoài dịch vụ CNTT sẽ giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, tăng năng suất và hiệu quả quản lý nguồn nhân lực

    Hiện nay, theo số liệu nghiên cứu của IDC, thị trường Việt Nam đang được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ” cho lĩnh vực IT Outsourcing, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng về thuê ngoài dịch vụ CNTT ở các tổ chức, doanh nghiệp khối Ngân hàng, Chính phủ, Sản xuất, Truyền thông và Giáo dục

    Cụ thể, theo thống kê của IDC, liên tục trong 4 năm từ 2015 đến nay, chi tiêu cho 3 nhóm dịch vụ Triển khai/Giám sát CNTT, Bảo hành duy trì/Hỗ trợ kỹ thuật và Vận hành của các tổ chức, doanh nghiệp các doanh nghiệp khối Ngân hàng, Chính phủ, Sản xuất, Truyền thông và Giáo dục đều tăng. Đơn cử như, ở nhóm dịch vụ Vận hành, mức chi tiêu của doanh nghiệp khối Ngân hàng đã tăng từ 8,26 triệu USD năm 2015 lên 9,65 triệu USD vào năm 2016; đạt 11,38 triệu USD năm 2017 và dự kiến năm nay sẽ tăng lên gần 13 triệu USD. Với dịch vụ bảo trì, hỗ trợ kỹ thuật, mức chi tiêu cho dịch vụ này của các doanh nghiệp khối sản xuất cũng đã tăng từ 10,95 triệu USD (năm 2015), lên 12,16 triệu USD (năm 2016), đạt 13,54 triệu USD năm 2017 và ước tính sẽ đạt 15,85 triệu USD trong năm 2018 này

    Vân Anh
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/4/21
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Nhà nước thuê ngoài dịch vụ CNTT
    - Thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) đang là xu hướng diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhưng lại đang bị hạn chế trong các cơ quan nhà nước tại Việt Nam do bị vướng bởi cơ chế, chính sách

    Thay vì bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư cho hệ thống CNTT, cơ quan nhà nước có thể đi thuê lại của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Đây là hình thức lợi cả đôi đường, nó giúp Nhà nước phân tán áp lực ngân sách, tránh lãng phí do đầu tư tràn lan mà không sử dụng hết công suất. Còn với doanh nghiệp thì đó là cơ hội để tiếp cận một khách hàng rất lớn, cơ hội đang được kỳ vọng sẽ mở ra khi bản dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ CNTT sử dụng vốn nhà nước được ban hành

    Gỡ vướng về chính sách trước


    Sau khi nghe các ý kiến tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra vào ngày 20-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu các ý kiến đều cho rằng thể chế, khung pháp lý là quan trọng để triển khai Chính phủ điện tử thì cần tập trung làm tốt việc này. Ông yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định 102 và Quyết định số 80 của Thủ tướng, hoàn thành trong tháng 11-2018

    Chủ trương thuê ngoài dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước được cụ thể hóa bằng Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng. Về lý thuyết, việc thuê ngoài sẽ giúp các cơ quan nhà nước rút ngắn thời gian triển khai ứng dụng CNTT so với thực hiện quy trình đầu tư theo Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách. Song thực tế, việc triển khai thuê ngoài này còn nhiều vướng mắc nên ít dự án được triển khai. Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ CNTT sử dụng vốn nhà nước, do Bộ Thông tin Truyền thông đang hoàn thiện, nhằm tháo gỡ những vướng mắc này

    Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp diễn ra gần đây, đại diện của Viettel cho biết vướng mắc quan trọng nhất trong Quyết định 80 là các quy định liên quan đến lập dự toán thuê dịch vụ CNTT, chi phí dịch vụ, thuê tư vấn... nhưng dự thảo mới cũng chưa thay đổi nhiều. Các dự án mà các doanh nghiệp triển khai cơ bản chưa có thị trường hoặc là các dự án đặc thù, nên khi chào giá là gặp ngay khó khăn vì chưa có giá tương tự nào để tham khảo. Các nội dung về thời gian thuê, khấu hao tính vào phí, định giá, đánh giá chất lượng dịch vụ cũng chưa rõ. Bên cạnh đó, cả Quyết định 80 và dự thảo quyết định mới chưa nói rõ về việc bảo đảm an ninh dữ liệu trong và sau ký hợp đồng thuê dịch vụ CNTT

    Vướng mắc quan trọng nhất trong Quyết định 80 là các quy định liên quan đến lập dự toán thuê dịch vụ CNTT, chi phí dịch vụ, thuê tư vấn... nhưng dự thảo mới cũng chưa thay đổi nhiều


    Còn đại diện của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, một đơn vị đã triển khai thuê dịch vụ CNTT, cho biết Quyết định 80 chỉ áp dụng được với thuê phần cứng (hạ tầng CNTT) hay phần mềm đóng gói có sẵn trên thị trường. Còn đối với thuê phần mềm có tính chất đặc thù, Hà Nội đang vướng mắc việc tính giá...

    Trong một sự kiện khác, khi làm việc với Văn phòng Chính phủ, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc tập đoàn VNPT, cũng cho biết trong vài năm qua VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 tỉnh thành trên cả nước và đã triển khai các giải pháp Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, đại đa số là đang làm miễn phí vì chưa có hướng dẫn cụ thể về giá thuê dịch vụ

    Ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty Công nghệ DTT, ví việc thuê ngoài dịch vụ CNTT đối với cơ quan nhà nước không khác việc một người muốn thuê phòng khách sạn yêu cầu chủ khách sạn phải tính xem tổng đầu tư khách sạn bao nhiêu thì họ mới có thể trả giá để thuê. Về nguyên tắc có thể tính được nhưng không ai làm điều này cả

    Tham khảo bản dự thảo quyết định mới, ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc tập đoàn FPT, cho biết với dự thảo này có một vấn đề vẫn chưa giải quyết được. Theo dự thảo, các cơ quan nhà nước có thể lấy kinh phí thường xuyên để thuê dịch vụ CNTT mà thông thường kinh phí thường xuyên đã được dùng để trả tiền lương, tiền nhà, tiền nước... Nếu Nhà nước không cấp thêm kinh phí thường xuyên thì cơ quan nhà nước sẽ không có ngân sách để trả tiền thuê dịch vụ CNTT. Đây cũng là lý do suốt nhiều năm VNPT vẫn phải đi làm miễn phí cho các cơ quan nhà nước. Ông Nguyễn Thế Trung đề xuất thêm là cần phải có cơ chế điều chỉnh giá thuê dịch vụ CNTT theo thị trường chứ không thể theo định mức, định giá được. Dự thảo chưa gỡ rối được hết, nhưng cũng mở ra cánh cửa mới là đấu thầu theo thị trường thay vì đi xây dựng theo định mức. Nhưng vẫn còn vướng về định giá chi phí của hệ thống, chưa biết sẽ giải quyết ra sao

    Nhà nước được lợi nhiều hơn


    Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch tập đoàn Công nghệ CMC, hy vọng Quyết định mới nếu không gỡ được hết vướng mắc thì ít nhất cũng tạo ra được cơ hội để doanh nghiệp có thể cung cấp được dịch vụ cho cơ quan nhà nước. Ông cho rằng, giải tỏa rào cản đối với việc thuê ngoài dịch vụ CNTT không chỉ tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, mà Chính phủ cũng được lợi ích rất lớn, nên đây là nhu cầu từ hai phía. Các cơ quan nhà nước thay vì phải chi ra số tiền ngân sách ban đầu rất lớn để tự đầu tư hệ thống, thì có thể trả dần hàng năm bằng việc đi thuê. Bên cạnh đó là những lợi ích về chi phí vận hành và rủi ro nếu chẳng may hệ thống bất ổn, vì với mô hình đi thuê thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ chịu hoàn toàn rủi ro này

    “Với những doanh nghiệp đã đầu tư sẵn những hệ thống CNTT để cho thuê thì sẽ vui khi gỡ được vướng mắc về chính sách. Song với những dịch vụ mới, đặc thù thì doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc xem có nên đầu tư để cho thuê không, cam kết của bên thuê có lâu dài không. Thẩm định bên thuê có đủ lực để thuê lâu dài không”, ông Chính nói và cho biết thêm đó cũng là điểm mà dự thảo quyết định mới cần tính đến

    Cùng chung quan điểm trên, ông Lê Đăng Dũng, Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, cho rằng nếu vướng mắc về thuê dịch vụ CNTT được giải quyết thì Chính phủ sẽ có lợi nhất, tốt cho ứng dụng CNTT của Chính phủ khi ngân sách nhà nước không thể ngay một lúc có tiền trả để đầu tư các dự án. Vì với các doanh nghiệp, ai cũng muốn bán được ngay và thu tiền luôn một lần hơn là cho thuê rồi thu tiền dần. Vì vậy, theo ông, thuê ngoài dịch vụ CNTT tại các cơ quan nhà nước lợi cho Nhà nước là chính nên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT của Nhà nước sẽ phải đảm đương trách nhiệm và nghĩa vụ này. Tất nhiên doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều phải tính toán đến yếu tố lợi nhuận. Song với doanh nghiệp nhà nước đôi khi thấy lợi nhuận thấp mà vì trách nhiệm vẫn phải làm

    Tóm lại, việc thuê ngoài dịch vụ, trong đó có dịch vụ CNTT, tại các cơ quan nhà nước là hướng đi tích cực cho các cơ quan nhà nước trong điều kiện ngân sách đang khó khăn nhưng vẫn phải đẩy mạnh việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ mới để nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các đơn vị này

    Vân Oanh
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/4/21

Chia sẻ trang này