Quản trị nhân tài và tầng lớp sáng tạo

Thảo luận trong 'Cờ Vây Phúc Đức' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 22/4/17.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Quản trị nhân tài và tầng lớp sáng tạo
    - Quản trị nguồn nhân lực là một vấn đề thông thường, hầu như doanh nghiệp, tổ chức nào cũng phải làm. Nhưng quản trị nhân tài là một vấn đề khác, không phải ai cũng hiểu đúng và làm đúng. Người ta hay nói nhân tài như lá mùa thu. Nhưng lá mùa thu cứ tiếp tục rơi rụng, và người ta cứ vô tình hay cố ý giẫm đạp lên không thương tiếc

    Bức tranh nguồn nhân lực

    Người ta cũng hay nói nước ta rừng vàng biển bạc và đổ xô khai thác đến cạn kiệt, nhưng đất nước vẫn nghèo nàn và tụt hậu. Nước ta có một cái “mỏ người” khổng lồ, nhưng hầu như không biết cách khai thác. Người ta hay nói đến xuất khẩu lao động, chứ không thấy nói đến xuất khẩu chất xám

    Gần đây người ta lại nói đến xuất khẩu cử nhân và thạc sĩ, nhưng đó không phải là chất xám, mà là nhân lực thừa ế (hàng chợ) do chất lượng đào tạo quá kém. Trong khi đó, hiện tượng chảy máu chất xám (brain drain) ngày càng tăng, vì không được trọng dụng. Đó là một nghịch lý. Lá mùa thu cứ rơi rụng và nhân tài tiếp tục bị gió cuốn đi xa

    Đó là khái quát bức tranh nguồn nhân lực và nhân tài ở Việt Nam, phản ánh tình trạng quản trị yếu kém hiện nay, và lý giải tại sao năng suất lao động thấp nhất khu vực. Làm thế nào để khai thác được cái mỏ người khổng lồ đang còn là tiềm năng, và cái mỏ vàng nhân tài đang bị vô hiệu hóa ? Làm thế nào để kiến tạo đất nước đang tụt hậu ?

    Năng lượng sáng tạo và nhân tài

    Các nhà khoa học khẳng định rằng năng lượng sáng tạo của con người là nguồn tài nguyên duy nhất có thể sinh ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Đó chính là cái mỏ vàng có khả năng tái tạo, không bao giờ cạn. Có mấy vấn đề cơ bản cần đặt ra

    - Thứ nhất, phải hiểu đúng về nguồn năng lượng sáng tạo. Nó không giống cái mỏ than lộ thiên cứ thế mà đào, hay cái mỏ dầu khí cứ thế mà hút cho cạn. Muốn khai thác mỏ nhân tài phải biết chăm sóc và nuôi dưỡng, vì trồng người khó hơn trồng cây

    - Thứ hai, phải biết cách thu hút và quản trị nhân tài để có tầng lớp sáng tạo. Đó là một nguồn tài nguyên đặc biệt rất khó quản trị, là sức mạnh mềm của quốc gia. Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn tuy là người Việt nhưng không phải “made in Việt Nam”

    Đối với mỗi doanh nghiệp hay mỗi quốc gia, năng lực sáng tạo (creativity) và tầng lớp sáng tạo (creative class) là những động lực thiết yếu để thúc đẩy xã hội đổi mới và phát triển

    - Thứ ba, muốn kiến tạo một nền kinh tế tri thức, phải thu hút và quản trị được nhân tài. Phải thay đổi tư duy và thể chế, để tạo ra được các trung tâm sáng tạo cho tầng lớp sáng tạo. Silicon Valley (một vườn ươm tài năng công nghệ cao), không giống như khu công nghệ cao Hòa Lạc

    Đối với mỗi doanh nghiệp hay mỗi quốc gia, năng lực sáng tạo (creativity) và tầng lớp sáng tạo (creative class) là những động lực thiết yếu để thúc đẩy xã hội đổi mới và phát triển. Đó là những quy luật khách quan, hầu như không có ngoại lệ

    Nhân tài và tầng lớp sáng tạo

    Hai Lúa là câu chuyện về anh nông dân ở Tây Ninh làm trực thăng, từng gây ồn ào và tranh cãi. Nhưng điều đáng nói là trong khi người Việt không biết trọng dụng, thì người Khmer lại biết trọng dụng Hai Lúa. Chưa biết anh ta có đủ tiêu chí nhân tài hay không, nhưng Hai Lúa là một dấu hiệu cho thấy tầng lớp sáng tạo đang hình thành ở nước ta

    Tầng lớp sáng tạo không chỉ gồm các nhà khoa học hay kỹ sư có bằng cấp, mà còn gồm những người có tinh thần và năng lực sáng tạo, nhưng không có bằng cấp. Tại sao lại khắt khe, bắt bẻ một nông dân sáng tạo phải giống một nhà khoa học? Câu chuyện làm trực thăng hay xe bọc thép chỉ là biểu hiện cụ thể của tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp

    Có lẽ người Việt sống quá lâu trong khuôn mẫu chính thống, nên hễ thấy ai khác biệt là dị ứng và “ném đá”. Điều đáng lo ngại là cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu đổi mới tư duy. Nếu Bill Gates hay Mark Zuckerberg mà khởi nghiệp tại Việt Nam, thì chắc chắn thất bại. Tuy Hai Lúa và Bill Gates hay Mark Zuckerberg khác nhau, nhưng họ đều có các đặc tính chung là đam mê sáng tạo, đầy năng lượng sáng tạo, và không chịu bỏ cuộc dễ dàng

    Tầng lớp sáng tạo và trung tâm sáng tạo

    Tầng lớp sáng tạo là một thuật ngữ kinh tế xã hội học mà giáo sư người Mỹ Richard Florida (Carnegie Mellon University) đề cập trong tác phẩm The Rise of the Creative Class (xuất bản năm 2002). Sau hơn 10 năm, Richard Florida đã phát triển thêm những khái niệm mới như: “3T Indicators” (technology, talent, tolerance), “Creativity Index”, “Creativity Rankings” và trở nên nổi tiếng (nhưng cũng gây tranh cãi)

    Theo Florida, tầng lớp sáng tạo bao gồm những người làm khoa học và công nghệ, kiến trúc và đồ họa, giáo dục và nghệ thuật, âm nhạc và giải trí, mà vai trò của họ là sáng tạo ra những ý tưởng mới, công nghệ mới, và nội dung mới. Lực lượng nòng cốt bao gồm các nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, diễn viên, thiết kế, cũng như những người làm việc trí óc khác như nghiên cứu và phân tích, biên tập viên và nhà báo...

    Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 40 trung tâm sáng tạo, chiếm 17% dân số, nhưng đã tạo ra hai phần ba GDP toàn cầu, và phát minh ra 85% sáng kiến. Những nước có trung tâm sáng tạo đều có trình độ phát triển cao (như Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Úc). Tại Mỹ, tầng lớp sáng tạo có khoảng 40 triệu người, bằng khoảng 30% lực lượng lao động. Lương trung bình của những người này thường gấp đôi, gấp ba so với những người lao động bình thường khác (như công nhân và nhân viên phục vụ)

    Tầng lớp sáng tạo đòi hỏi một môi trường văn hóa tôn trọng nhân tài, tôn trọng sự đa dạng, tôn trọng tự do cá nhân. Xã hội sẽ bị trì trệ và lạc hậu, nếu duy trì các khuôn mẫu cứng nhắc để bắt những người có ý tưởng sáng tạo phải khép mình vào đó. Chế độ kiểm duyệt hạn chế sáng tạo bằng hình thức phê duyệt và cấp phép. Nhưng có một hình thức tự kiểm duyệt còn tệ hại hơn, đó là bắt người dân sống trong khuôn mẫu lâu thành quen, nên họ phản đối mọi sự phá cách không theo quy chuẩn, và trông chờ vào nhà nước can thiệp

    Trọng dụng nhân tài và tầng lớp sáng tạo

    Những người nhiều năng lượng sáng tạo thường điên khùng và lập dị. Ý tưởng của họ thường phá cách và kỳ quặc, ngược lại với các khuôn mẫu chính thống. Thay vì khoan dung, tôn trọng và khuyến khích, người ta thường bài bác họ. Cách đây vài năm, hiện tượng Zone 9 tại Hà Nội là một ví dụ về sự hình thành tầng lớp sáng tạo ở Việt Nam

    Một lần, khi nghe một giáo sư người Israel (dạy 20 năm tại MIT) nói về bài học quốc gia khởi nghiệp và nền kinh tế sáng tạo của Israel, tôi bỗng nghĩ đến số phận của Hai Lúa và Zone 9. Khoảng cách sáng tạo giữa các quốc gia còn lớn hơn khoảng cách số. Tại Israel, tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp lây lan như một thứ virus. Cứ 20 sinh viên tốt nghiệp thì có 4 người khởi nghiệp. Họ bất chấp rủi ro, sẵn sàng phá bỏ luật lệ, coi thất bại như trường học để khởi nghiệp, bằng năng lựợng sáng tạo

    Israel là một bài học, tuy nghèo về tài nguyên thiên nhiên, nhưng họ biết khai thác tài nguyên con người (mỏ năng lượng sáng tạo) nên đã phát triển thần kỳ. Việt Nam tuy có “rừng vàng biển bạc”, nhưng vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng. Tầng lớp sáng tạo là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, nhất là những công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Năng lượng sáng tạo này được coi là tài sản có giá trị nhất

    Nhưng làm thế nào để thu hút và sử dụng năng lượng sáng tạo ? Richard Florida có một câu nói nổi tiếng: “Thành phố nào không có người đồng tính và các ban nhạc rock chắc chắn sẽ thất bại trong cuộc đua về kinh tế”. Điều đó làm ta nhớ đến câu nói của Friedman trong cuốn sách Thế giới phẳng: “Ở đâu có McDonald thì ở đó không có chiến tranh”.

    Cuộc chiến giành nhân tài

    Cơn sốt săn lùng nhân tài là cuộc chiến khốc liệt trong thời đại công nghệ cao, không chỉ giữa các công ty mà còn giữa các quốc gia, để cân bằng nhân tài (như cân bằng quyền lực). Hiện nay, Mỹ, Canada, Anh, Úc là bốn “đế chế trí thức” hàng đầu thu hút nhân tài toàn cầu, chiếm 75% nhân lực tay nghề cao của các nước OECD (riêng Mỹ chiếm 40%). Tại thung lũng Silicon, gần 70% kỹ sư là đến từ ngước ngoài. (The War for Talent, Steven Hankin, McKinsey, 1997)

    Chỉ số phát triển (Development Indicators) của một quốc gia (như tốc độ tăng trưởng GDP, bình quân đầu người, và năng suất lao động...) thường tỷ lệ thuận và tương ứng với chỉ số tài năng (Talent Indicators) của quốc gia đó (thu hút, trọng dụng nhân tài và tầng lớp sáng tạo). Nhân tài là yếu tố đầu tiên để phát triển, nên quốc gia nào càng thu hút được nhiều nhân tài, thì càng phát triển bền vững. Hơn ba phần tư các nhà quản trị nguồn nhân lực trên toàn cầu (được khảo sát) cho biết việc thu hút và giữ chân nhân tài là “ưu tiên số 1”

    Trung Quốc đã cất cánh và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy kinh tế bắt đầu suy thoái nhưng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn còn hơn 3.000 tỉ đô la Mỹ. Tiềm lực kinh tế của Trung Quốc là một thực tế không thể phủ nhận, nhưng có một thực tế khác cũng khó phủ nhận là 64% người giàu Trung Quốc (có 1,6 triệu đô la Mỹ trở lên) đã và đang rời bỏ đất nước. Không phải chỉ có người giàu, mà 85% cán bộ cao cấp của Trung Quốc cũng sẵn sàng ra đi. Trong khi tài nguyên thiên nhiên vẫn đổ về Trung Quốc, thì tài nguyên con người và dòng vốn đang chảy ra nước ngoài. Đó là một nghịch lý và là một tử huyệt. Nếu không đảo ngược được xu hướng này thì sẽ là một thảm họa

    Nguyễn Quang Dy
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/3/19

Chia sẻ trang này