Phúc Đức công nghệ

Thảo luận trong 'Cờ Vây Phúc Đức' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 19/7/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Kỹ sư công nghệ khủng hoảng tuổi trung niên
    Đang là quản lý ở tập đoàn lớn, có 2 căn hộ với thu nhập khá, anh kỹ sư Trung Quốc tìm đến cái chết khi bị thôi việc

    Lấy bằng từ hai trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc, có kinh nghiệm làm việc tại hai công ty công nghệ lớn, sở hữu hai căn hộ tại Thâm Quyến với mức thu nhập tốt và một gia đình hạnh phúc, Ou Jianxin được coi là thành đạt và đích hướng tới của nhiều người trẻ. Tuy nhiên, lập trình viên 42 tuổi ở tập đoàn viễn thông ZTE này lại chọn kết thúc đời mình bằng cách nhảy xuống từ tầng 26 trụ sở công ty

    Sự việc xảy ra cuối năm 2017 nhưng vẫn gây dư âm tới nay và phản ánh hiện thực nghiệt ngã về sự cạnh tranh nhân lực trong ngành công nghệ Trung Quốc cũng như sức ép kinh tế, xã hội với những người ở độ tuổi trung niên

    Trước khi chết, Ou bị buộc thôi việc khi đang giữ chức quản lý và phải bán lại cổ phần với giá rẻ vì công ty thay đổi cơ cấu tổ chức

    Vụ việc đã châm ngòi một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số người chỉ trích công ty vì quá nhẫn tâm khi sa thải nhân viên lâu năm trước thời hạn. Một số khác ngờ vực về khả năng chấp chận chuyện bỗng dưng bị thất nghiệp của anh Ou, thậm chí kết luận rằng anh bị đuổi việc vì quá tự mãn với vị trí hiện tại và thiếu khả năng chấp nhận khó khăn

    Tuy nhiên nhiều người lại nhắm vào số tuổi của anh. Con số 42 được cho là quá già với một kỹ sư ở Trung Quốc, nơi 3/4 nhân viên công nghệ dưới 30 tuổi, theo thống kê của trang Zhaopin

    Có mái tóc ngắn, làn da mịn màng và vẻ ngoài trẻ trung, Helen He, 38 tuổi, một chuyên viên tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ tại Thượng Hải luôn bị sếp nhắc nhở đừng tuyển những người trên 35. "Hầu hết những người ở độ tuổi 30 đều đã lập gia đình và phải chăm lo cho tổ ấm, không thể tập trung hoàn toàn cho công việc cường độ cao", Helen nói. "Nếu một ứng viên 35 tuổi chưa từng có vị trí quản lý thì CV của họ thậm chí chẳng được công ty tuyển dụng ngó ngàng tới"

    Theo Bloomberg Businessweek, áp lực lên các nhân viên lớn tuổi tồn tại ở tất cả các ngành nghề tại Trung Quốc, nhưng đặc biệt nghiệt ngã trong ngành công nghệ

    Một bài đăng tuyển lập trình viên của một công ty khởi nghiệp về công nghệ tại Bắc Kinh yêu cầu người ứng tuyển không nhất thiết phải có bằng đại học nhưng không được quá 30 tuổi. "Làm việc trong ngành công nghệ giống như làm vận động viên chuyên nghiệp. Bạn phải dốc sức lúc 20 đến 40 tuổi và hy vọng đạt đến đỉnh cao. Sau đó là lúc chuyển sang việc khác và nhường chỗ cho người trẻ hơn", Robin Chan, một doanh nhân và nhà đầu tư vào các công ty như Xiaomi và Twitter đúc kết

    Những vết nhăn căng thẳng, chiếc bụng phát tướng, tóc lưa thưa trên đầu, vẻ ngoài nhếch nhác, mặt mệt mỏi thiếu ngủ, tay lăm lăm chiếc bình giữ nhiệt đựng nước ấm là đặc điểm chung của nhiều nam giới trung niên Trung Quốc. Họ đang trải qua giai đoạn lo âu và căng thẳng sâu sắc - một đặc điểm nổi bật của khủng hoảng tuổi trung niên thường gặp ở độ tuổi 45-55

    So với những người trẻ vừa bắt đầu bước vào đường đời đang tận hưởng tự do và đời sống độc thân, người trung niên gánh trách nhiệm phải chăm lo cho cha mẹ và con cái. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc không chỉ mang tới những lợi ích lớn lao mà còn làm tăng áp lực kinh tế, xã hội lên nhóm này. Với chi phí sinh hoạt nhảy vọt, giá nhà và khoản lo học hành cho con cái không ngừng tăng, ngân sách chăm sóc sức khỏe lớn, người trung niên đang oằn mình trước nhiều sức ép, dẫn tới sức khỏe kém đi và thiếu động lực để theo đuổi bao điều mới mẻ trong cuộc sống

    Sự thay đổi trong quá trình phát triển sự nghiệp cũng có thể ảnh hưởng tới họ. Không như những người trẻ vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu bước lên nấc thang sự nghiệp, rào cản vô hình khi đã ở vị trí cao và sự thay đổi công việc gây ra những sợ hãi và căng thẳng ở người trung tuổi. Thay đổi nghề nghiệp, dù chủ động hay bị ép, đều gây lo âu cho họ

    Người ta tin rằng Ou sốc vì không thể chịu được áp lực đột ngột mất việc và anh quá sợ hãi khi nghĩ mình sẽ chẳng thể chăm lo cho gia đình. Hệ quả là, anh tự tử để trốn tránh những điều ấy, để lại cha mẹ già, vợ và các con đối mặt với thảm kịch

    [​IMG]
    Nơi anh Ou Jianxin làm việc tại tập đoàn ZTE

    Ngay từ bây giờ, chị Helen He đã chuẩn bị cho ngày chị bị coi là quá già cho công việc của mình. Chị có căn hộ thứ hai tại Thượng Hải đang cho thuê để có thêm thu nhập, đồng thời nghĩ tới việc viết sách trong tương lai. Chị đã viết chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp trên blog và xuất bản một cuốn sách trên mạng vào tháng 4 về cách các công ty có thể sử dụng WeChat để tiếp cận ứng viên

    Chị khuyên những người khác nên đi theo hướng này. "Chúng ta lo ngại rằng khi già đi mình có thể mất việc. Làm sao chúng ta có thể chăm lo cho gia đình và sống an nhàn sau đó? Vậy thì, phải bắt đầu làm gì đó từ bây giờ", chị nói

    Chia sẻ với Globaltimes, Cui Bowen, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Ngôn ngữ và văn hóa Bắc Kinh cho rằng, để tránh rơi vào bi kịch khủng hoảng tuổi trung niên, mỗi người cần không ngừng học hỏi, cải thiện năng lực để theo kịp thời đại, xây dựng những sở thích và kết bạn mới. Sự lạc quan hướng tới cuộc sống bên ngoài cũng như bên trong con người mình cũng rất quan trọng

    Cui dẫn chứng trường hợp một học viên 49 tuổi của mình, là quản lý cao cấp tại một công ty bất động sản lớn. Anh ngày nào cũng bận rộn và thường xuyên phải đi công tác nước ngoài. Năng lực và hiểu biết đã đạt tới đỉnh nhưng anh vẫn tiếp tục học những điều mới. Ai tiếp xúc cũng nhận ra thái độ tích cực của anh hướng tới cuộc sống, sự tò mò muốn khám phá thế giới. Giấc mơ đi vòng quanh thế giới cùng gia đình sau khi nghỉ hưu càng thúc đẩy anh học ngoại ngữ chăm hơn. Tất cả những điều đó giúp anh không rơi vào tình trạng khủng hoảng, lo âu như nhiều người cùng độ tuổi

    Vương Linh
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Elon Musk bật khóc khi phỏng vấn
    Thừa nhận sức khỏe đang suy yếu, phải dùng thuốc để có thể ngủ

    Trong cuộc phỏng vấn vừa diễn ra với New York Times, Elon Musk đã giải thích một số hành vi kỳ lạ gần đây của ông. Cuộc phỏng vấn liên tục bị gián đoạn và đã có lúc Elon Musk bật khóc


    [​IMG]

    Ông chủ Tesla thừa nhận rằng phải uống thuốc để ngủ được và đã có một năm đầy khó khăn. Xen kẽ giữa buổi phỏng vấn là những tiếng cười và cả những lúc Elon Musk bật khóc

    Ông tiết lộ rằng những căng thẳng trong năm nay đã khiến sức khỏe thể chất của ông bị suy yếu. "Thật ra tôi không ổn lắm. Một vài người bạn, những người thực sự quan tâm, đã tới thăm tôi", Musk kể

    Dường như Elon Musk đã sắp xếp cuộc phỏng vấn này với New York Times để giải thích những tranh cãi xung quanh tweet về Tesla mà ông đăng tải trên Twitter gần đây

    Ông đã khiến thị trường và giới công nghệ tài chính toàn thế giới dậy sóng khi đăng trên Twitter rằng sẽ đưa Tesla trở lại thành công ty tư nhân. Đây là một quyết định đánh dấu một thời điểm quan trọng với Tesla và Musk tuyên bố ông đủ tiền để làm điều ấy

    "Tôi đang cân nhắc biến Tesla thành công ty tư nhân ở mức giá cổ phiếu 420 USD", Musk viết trên Twitter. "Tôi đã chuẩn bị đủ tiền"

    Nhưng sau đó, người ta phát hiện ra rằng tweet này không được sự đồng thuận của các bộ phận khác tại Tesla và nguồn tiền không hề được đảm bảo như những gì Musk nói. Các cơ quan chức năng thậm chí đã vào cuộc, điều tra tweet của Musk vì nó gây hoảng loạn trên thị trường tài chính. Điều này buộc Tesla phải tuyên bố rằng họ mới chỉ thảo luận với các nhà đầu tư tiềm năng về việc mua lại toàn bộ cổ phiếu

    Về phần mình, Musk nói ông đăng tweet này trong khi đang lái xe tới sân bay. Và ông chỉ muốn làm điều này vì sự minh bạch

    Ngoài ra, tweet này còn được chú ý khi con số 420 gợi sự liên tưởng tới cần sa. Nhưng Musk cho rằng nó đơn giản là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông muốn đưa ra con số cao hơn 20% so với giá cổ phiếu của Tesla ở thời điểm đó nhưng 419 USD là một con số xấu xí nên ông đã làm tròn lên 420 USD

    "Có vẻ như 420 USD sẽ hấp dẫn hơn 419 USD", Musk nói trong cuộc phỏng vấn. "Tôi không dùng cần sa. Cần sa không giúp tôi tăng hiệu suất làm việc, nó sẽ khiến bạn ngồi ì ra như tảng đá vậy"

    Tuy nhiên, Musk thừa nhận ông phải dùng thuốc để có thể ngủ và thường dùng Ambien. "Thường thì tôi phải chọn giữa việc thức trắng hoặc dùng thuốc Ambien", ông nói với New York Times

    [​IMG]

    Cũng theo New York Times, hội đồng quản trị Tesla đang tỏ ra lo lắng khi thuốc ngủ đôi lúc không có tác dụng giúp Musk ngủ ngon mà thay vào đó lại khiến ông tweet linh tinh lúc nửa đêm. Và trong những trong những thời điểm ấy Musk hay đưa ra những tuyên bố bất thường hoặc gây tranh cãi. Hội đồng quản trị Tesla cũng cho rằng đôi lúc Musk có dùng những chất giải trí khác, điều mà ngôi sao nhạc rap Azealia Banks cũng tiết lộ gần đây, nhưng phía Tesla đã ra thông báo phủ nhận

    Một năm khó khăn của Musk bắt đầu từ áp lực phải sản xuất đủ số lượng xe Model 3. Điều này khiến Musk phải ngủ trong nhà máy để đảm bảo mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch. Musk kể trong nước mắt rằng ông suýt nữa bỏ lỡ đám cưới của em trai, không có thời gian gặp bạn bè và thậm chí vài ngày liền không ra ngoài

    Áp lực đó dẫn tới việc Musk phải làm 120 giờ mỗi tuần, ông kể. Musk cho rằng chính lịch làm việc căng thẳng cộng với việc thường xuyên thiếu ngủ đã khiến ông có những hành vi gây tranh cãi và thậm chí công kích một nhà phân tích khi ông này đặt ra các câu hỏi khó trong cuộc họp với các nhà đầu tư

    Việc không thể giải quyết hết các tranh cãi càng khiến năm nay trở nên bực bội hơn với Musk. Ông không đề cập tới việc tại sao lại quá sốt sắng trong việc hỗ trợ giải cứu đội bóng nhí Thái Lan bị mắc kẹt cũng như hành vi xúc phạm một thợ lặn người Anh

    Musk cũng nói rằng ông không có kế hoạch từ chức Chủ tịch kiêm CEO của Tesla mặc dù nhiều nhà đầu tư muốn điều này. Tuy nhiên, Musk nói rằng nếu tìm ra ai đó giỏi hơn mình, ông sẽ nhường lại những vị trí ấy cho người ấy

    "Nếu bạn biết ai có thể làm công việc này tốt hơn, hãy cho tôi biết với", Musk nói. "Nếu có bất cứ ai làm công việc này tốt hơn họ có thể nhận chúng ngay bây giờ"

    Cafef
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Giới trẻ Hàn Quốc vỡ giấc mộng đổi đời bằng tiền ảo
    - Một bộ phận thế hệ trẻ Hàn Quốc, vốn bế tắc với triển vọng nghề nghiệp, đã lao vào đầu tư tiền ảo với ước mơ đổi đời nhưng rốt cục họ càng mất mát lớn hơn, theo tờ The New York Times

    [​IMG]
    Kim Ki-won đã mất vài chục ngàn đô la khi bong bóng tiền ảo xì hơi

    Lối thoát cho tương lai bế tắc ?


    Kim Ki-won, 27 tuổi ở Seoul, vẫn đang sống chung với cha mẹ và anh giấu họ một bí mật. Anh đã mua bán một số lượng lớn tiền ảo, đã từng kiếm được những khoản lợi nhuận khá nhờ tiền ảo và thoải mái chi tiêu 1.000 đô la mỗi tháng. Vì thế, anh bỏ công việc đang làm, vay mượn thêm để đầu tư tiền ảo với hy vọng sẽ kiếm được tiền mua một căn nhà

    Giờ đây, anh cảm thấy suy sụp vì mất rất nhiều tiền, có lẽ là vài chục ngàn đô la khi bong bóng tiền ảo xì hơi

    “Tôi không cho rằng sẽ là điều công bằng nếu mọi người xem đó là đánh bạc nhưng có những yếu tố đỏ đen ở trong đó”, Kim Ki-won nói về cơn ám ảnh đầu tư tiền ảo của anh

    Một thế hệ trẻ Hàn Quốc, những người giống như Kim Ki-won, đang tìm lối thoát ra khỏi tương lai bế tắc, đã biến nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trở thành thủ đô của thế giới tiền ảo. Giờ thì thị trường tiền ảo đã sụp đổ gần như hoàn toàn và nhiều nhà đầu tư tiền ảo đang ngập trong nợ nần và thua lỗ. Tuy vậy, nhiều thanh niên Hàn Quốc vẫn tiếp tục xem tiền ảo như là lối thoát để giúp họ đổi đời

    Hàn Quốc vẫn là thị trường tiền ảo lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Hàn Quốc. Tổng cộng 6,8 tỉ đô la trị giá của các đồng tiền ảo được trao tay trong tháng 1-2019 ở Hàn Quốc, theo công ty dữ liệu Messari. Hàn Quốc là trung tâm giao dịch lớn của đồng tiền ảo Bitcoin cũng như hàng loạt các đồng tiền ảo khác

    Tiền ảo đã trở thành một hiện tượng văn hóa ở xứ sở kim chi. Các quán cà phê ấn hành các đồng tiền ảo của riêng họ. Một mạng lưới truyền hình quốc gia dàn dựng một game show có tên gọi “Block Battle”, trong đó, những người tham gia chơi phải tranh đấu để xây dựng một công ty dựa vào công nghệ blockchain (chuỗi khối)

    Những người trẻ như Kim Ki-won là những người đốt nóng thị trường tiền ảo Hàn Quốc. Những người này xem họ là tầng lớp xuất thân từ địa vị kinh tế và xã hội thấp kém. Vì vậy, đối với họ, tiền ảo dường như là cách để phá vỡ trật tự xã hội

    “Không có cơ hội thực sự cho những người trẻ xuất thân bình thường ở Hàn Quốc”, Kim Han-gyeol, 23 tuổi, người vừa tốt nghiệp một trường dạy nghề và là nhân viên phát triển phần mềm làm việc bán thời gian cho một công ty sách điện tử, nói

    Cô đang sống với cha mẹ và học tiếng Anh trực tuyến vào buổi tối. Ban đầu, cô kiếm được rất nhiều tiền nhờ đầu tư vào tiền ảo. Cô đã sử dụng vài ngàn đô la để mua áo quần hàng hiệu cho bản thân và mẹ cô. Cô đã mơ tưởng về việc mở một quán cà phê nhờ các khoản lợi nhuận kiếm được từ đầu tư tiền ảo. Thế rồi, cô mất sạch gần như toàn bộ lợi nhuận tích cóp bấy lâu nay khi thị trường tiền ảo chuyển biến xấu

    Tậu Rolls-Royce nhờ tiền ảo


    [​IMG]
    Nhờ các khoản lãi lớn từ tiền ảo, Remy Kim tậu được chiếc Rolls-Royce giá nửa triệu đô

    Đối với giới trẻ Hàn Quốc, để thành công trong cuộc sống, họ cần có một công việc trong bộ máy chính quyền hoặc việc làm ở một trong số ít những công ty quyền lực thuộc sở hữu gia đình ở Hàn Quốc vốn đang kiểm soát hầu hết những sản phẩm mà người dân mua sắm. Điều này đòi hỏi họ phải tốt nghiệp một trong những số ít trường đại học danh giá

    Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Hàn Quốc hiện nay là 10,5% và con số này không biến động nhiều trong suốt 5 năm qua

    Người trẻ Hàn Quốc được gọi là “thế hệ sampo”, một thuật ngữ mới ám chỉ đến ba thứ mà họ đang từ bỏ trong cuộc sống, đó là: yêu đương, kết hôn và sinh con

    Nỗi thất vọng của họ càng chồng chất khi chứng kiến hàng loạt vụ bê bối chính trị, bao gồm vụ bê bối khiến Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội, phế truất chức vụ và ngồi tù

    Sự xuất hiện của tiền ảo đã làm bùng lên các cuộc thảo luận trên mạng, tại các cuộc gặp gỡ cuối tuần hay ở các nhóm học giả ở Hàn Quốc xoay quanh chủ đề: Liệu hệ thống tiền ảo mới này có thể lật đổ trật tự xã hội cố hữu của Hàn Quốc ?

    Mua tiền ảo dễ dàng hơn nhiều so với mua cổ phiếu hay vay tiền để khởi nghiệp. Kim Ki-won chỉ cần đầu tư một số tiền nhỏ trong những ngày đầu gia nhập thị trường tiền ảo. “Đó là một cơ hội để tôi kiếm được số tiền lớn”, anh nói

    Đối với Remy Kim, 29 tuổi, người điều hành một số kênh trao đổi thông tin về tiền ảo trên mạng xã hội Telegram, tiền ảo chẳng khác nào một cuộc cách mạng

    Remy Kim, có nickname trên mạng là Les Mis, viết tắt của Les Misérables (những người khốn khổ), tên một cuốn tiểu thuyết của văn hào người Pháp Victor Hugo viết về cuộc nổi dậy của những người nghèo trong xã hội Pháp vào đầu thế kỷ 19. Remy Kim cũng viết một tiểu thuyết có tên gọi Cryptopia, nói về một tương lai khi mà mọi người đều bình đẳng và các kết cấu xã hội do đồng tiền tạo ra không còn tồn tại

    “Tiền ảo góp vai trò chuyển sự thịnh vượng từ một nhóm người trong xã hội sang một nhóm người khác. Nó tác động đến xã hội Hàn Quốc rất mạnh mẽ”, Remy Kim nói

    Kim biết đến tiền ảo sau khi máy tính của anh bị một tin tặc xâm nhập và đòi tiền chuộc bằng Bitcoin. Cuối cùng, anh phải trả cho tên tin tặc 1,2 Bitcoin, tương đương khoảng 800 đô la vào thời điểm đó

    Chẳng bao lâu sau đó, Kim bắt đầu đầu tư vào tiền ảo và kiếm lời đậm khi giá mỗi đồng Bitcoin tăng lên mức hơn 19.000 đô la. Anh đã dùng số tiền lãi đó để tậu chiếc Rolls-Royce màu xanh navy trị giá nửa triệu đô la. Kim tự hào khoe: “Tôi là người trẻ nhất ở Hàn Quốc sở hữu Rolls-Royce”

    Dù đã mất sạch gần hết số tiền lãi kiếm được nhờ buôn bán tiền ảo nhưng Kim không quá buồn phiền vì dù sao anh vẫn còn chiếc Rolls-Royce

    Vẫn bám víu giấc mơ


    Năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc cân nhắc đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo vì lo ngại chúng đang ngày càng giống những sòng bạc. Tin tức này lập tức gây ra những âu lo cho giới đầu tư và làm dấy lên làn sóng phản đối. Cuối cùng, chính phủ chỉ cấm các nhà đầu tư tiền ảo mở các tài khoản tiền ảo nặc danh có liên kết với các tài khoản ngân hàng để ngăn chặn nạn rửa tiền

    Giờ đây, khi thị trường tiền ảo sụp đổ, nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi ở Hàn Quốc đã mất sạch các khoản lợi nhuận kiếm được trước đó, thậm chí còn thua lỗ. Từ đỉnh cao trên 19.000 đô la vào cuối năm 2017, giá của mỗi Bitcoin đã tụt thê thảm và hiện nay đang ở dưới mức dưới 4.000 đô la. Song những nhà đầu tư trẻ tuổi ở Hàn Quốc vẫn hy vọng thị trường tiền ảo sẽ đảo chiều

    Kim Ki-won cho biết anh sẽ sớm nói rõ cho cha mẹ về các vấn đề của mình nhưng trước hết, anh muốn kiếm đủ tiền để thành lập công ty. Anh tin chắc thị trường sẽ đảo chiều. “Tôi chẳng có gì để mất. Tôi luôn muốn trở nên giàu có”, anh nói

    Trong khi đó, nhà đầu tư tiền ảo Kim Han-gyeol nói: “Tôi cảm thấy xấu hổ khi thua lỗ trong các khoản đầu tư vào Bitcoin, không chỉ một lần mà hai lần chỉ vì lòng tham muốn giàu có nhanh chóng”. Dù vậy, cô cho biết sẽ vẫn đầu tư vào tiền ảo

    “Không có kênh đầu tư nào khác có thể giúp tôi lấy lại được khoản tiền thua lỗ”, cô khẳng định

    Lê Linh
     

Chia sẻ trang này