Internet và nghịch lý giá heo hơi

Thảo luận trong 'OBAMACARE' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 8/6/17.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Internet và nghịch lý giá heo hơi

    - Tom Katis, tuổi vào tầm 45, là người sáng lập hãng Voxer, một startup của vùng Silicon Valley, chuyên sản xuất phần mềm truyền thông cho điện thoại thông minh (smartphone)

    Ý tưởng làm ra sản phẩm này đến với anh trong một tình huống thập tử nhất sinh. Sau khi người bạn gái của anh bị hại trong sự kiện 11-9-2001, anh tình nguyện nhập ngũ và chiến đấu ở Afghanistan, trong một đơn vị đặc biệt. Trong một lần bị phục kích, xe tăng của anh nổ tung và lật ngược. Bị thương nhưng anh vẫn cố gắng bò ra với máy bộ đàm và tìm chỗ ẩn nấp. Tom tìm cách liên lạc với bộ chỉ huy, đơn vị không kích và đơn vị cứu thương, đồng thời anh phải liên lạc với những đơn vị đang trực tiếp tham chiến. Trong giây phút sống chết này anh mới nhận ra rằng quân đội hùng hậu, tối tân của anh chỉ truyền thông qua một tần số, với một máy bộ đàm đơn giản. Muốn liên lạc với đơn vị nào anh phải mò chuyển sang tần số mới và mất liên lạc ngay với đơn vị khác. Mạng sống của anh và đồng đội lúc đó tùy thuộc vào sự bình tĩnh, nhanh nhẹn, khéo léo chuyển làn sóng và đoán mò tình hình của anh. “Thay vì giúp, những máy này còn ngăn trở sự truyền thông, làm cho người sử dụng không nắm được tình thế..., lỗi này là một sai lầm cơ bản của hệ thống”

    Sau khi thoát chết trở về căn cứ Tom nhận định thêm rằng, nếu một quân đội như Mỹ mà không có một máy bộ đàm có thể giúp truyền thông cùng lúc với cùng nhiều đơn vị, thì cũng không ai có thể có nó. Anh quyết định rời quân đội và khởi nghiệp với hãng Voxer để nghiên cứu làm ra một sản phẩm truyền thông mới có đủ những tính năng như anh hoạch định (Telefon-Walkie-Talkie). Qua bao nhiêu khó khăn, phải tự làm ra những phần cứng (hardware) không có sẵn trên thị trường, phiên bản đầu tiên của Voxer vừa tung ra thị trường thì sau đó không bao lâu Steve Jobs trình làng iPhone đầu tiên. Tom “như bị sét đánh” vì nhận ra rằng iPhone tuyệt vời, hơn hẳn sản phẩm của anh, là một hardware cơ bản phát huy được ý tưởng của anh. Tom hiểu anh chỉ cần làm ra một chương trình phần mềm (App) mới cho điện thoại thông minh này. Quyết định chịu lỗ, nhưng không chịu thua, Tom làm lại từ đầu và thành công với sản phẩm mới trên thị trường, được dùng rất nhiều, nhất là trong ngành chuyên chở, hậu cần (logistics)

    Câu chuyện của Tom tiêu biểu cho hai tính cách của những startup vùng Silicon Valley. Thứ nhất là đi tìm lời giải công nghệ thông tin cho những vấn đề của cuộc sống, vấn đề càng phức tạp càng tốt. Thứ hai là can đảm thay đổi mô hình kinh doanh (Pivoting) để làm ra sản phẩm theo sát với đà tiến triển (theo “Christoph Keese: Silicon Valley - Was aus dem mächtigsten Tal der Welt auf uns zukommt”)

    Vậy một ngành sản xuất - sản phẩm heo - với những nghịch lý ở Việt Nam xảy ra trong những tháng vừa qua, có dính dáng chi đến những sản phẩm trí tuệ cao cấp dựa trên nền tảng Internet ?

    Trong vấn đề nghịch lý heo hơi, điểm thứ nhất của một trong hai điểm lý giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là cung và cầu không cân đối, là nguyên nhân chính. Nhưng giải quyết vấn đề này như thế nào thì bộ chỉ đưa số liệu thống kê của 20 năm qua ra dẫn chứng. Hiện tại dư thừa khoảng 200.000 tấn !

    Trong gần 50 năm qua ta có thể thấy điểm đặc thù của người Việt là “hùa” nhau vào sản xuất một sản phẩm đang sinh lợi, càng nhiều và nhanh càng tốt. Hết gà Mỹ, trứng cút, tôm cho đến dưa hấu, bưởi... điêu đứng đầu ra lặp đi lặp lại mà bài học về cung-cầu không quân bình học mãi chưa có giải pháp. Nhưng làm sao có thể tính toán được cân đối cung-cầu khi họ, người sản xuất, chỉ nghe, thấy cái lợi trong hiện tại và chỉ mù mờ mong sẽ có lợi với sản phẩm trong tương lai ?

    Nếu nhìn vấn đề của sản xuất là một chuỗi tạo giá trị sản phẩm thì dữ liệu và mô hình là hai yếu tố cơ bản cho việc tối ưu hóa chuỗi này. Nhưng tối ưu cho một đơn vị sản xuất riêng rẽ lại đem đến vấn đề mất cân bằng cho mô hình tổng thể của quốc gia. Ta phải cần đến dữ liệu và mô hình cho bình diện cả nước. Khi đã nói đến dữ liệu và mô hình trên bình diện rộng tức là phải nghĩ đến giải pháp số hóa (digitalization), công nghệ thông tin, kỹ năng Internet cho việc xử lý dữ liệu, giải quyết vấn đề

    Chỉ đơn giản thu thập những số liệu thống kê trong năm 2010, một bản đồ “mật độ bò, heo trên 100 héc ta” ở nước Đức (xem hình) được Nha Thống kê phổ biến trên Internet, giúp ích nhiều cho những đơn vị có liên quan đến chuỗi sản xuất, dịch vụ cung ứng, chuyên chở... và những ai quan tâm. Tập bản đồ trực tuyến này bao gồm 16 lĩnh vực của nền kinh tế nông nghiệp Đức

    Tạo ra một sản phẩm trí tuệ công nghệ thông tin sử dụng tất cả những kỹ năng Internet để phục vụ cho quy trình sản xuất của một sản phẩm khác là điều thực tiễn trước mắt ta có thể hướng đến và khai triển; không vấn vương lạc hướng bàn nhiều đến viễn cảnh hàng loạt robot có khả năng “leo cao, luồn sâu... sẽ làm dôi dư nhiều lao động” (http://www.thesaigontimes.vn/160402/Co-hay-khong-cach-mang-cong-nghiep-40.html)

    Ta thử phác thảo một giải pháp công nghệ thông tin với ứng dụng kỹ năng Internet vào việc giải quyết vấn đề cung-cầu cho chuỗi tạo giá trị sản phẩm “heo”

    Dữ liệu đầu vào: Một phần mềm (App) cho phép một đơn vị (cơ sở chăn nuôi hoặc đơn vị hành chánh, thú y) qua điện thoại thông minh, máy tính bảng, mạng Internet (Wifi-WAN, Mobil 3G/4G) báo cáo định kỳ lên máy chủ những thông số cần thiết về sản phẩm (chủng loại, số lượng, tuổi, sức nặng, lượng thức ăn, tình trạng chích ngừa, đơn vị hành chánh...) cho một ngân hàng dữ liệu (databank)

    Mô hình trung tâm: Một phần mềm trên máy chủ, thông minh, có khả năng xử lý, phân tích dữ liệu đầu vào theo một mô hình mô phỏng chăn nuôi (data model). Tính toán dự đoán trên bình diện rộng, cập nhật cung-cầu cho ra những số liệu cần thiết (simulation)

    Dữ liệu đầu ra: Hiển thị truy cập trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, cung cấp số liệu có ích cho những đơn vị trong chuỗi tạo giá trị sản phẩm (người chăn nuôi), chính quyền sở tại, dịch vụ chuyên chở, bảo quản, cung cấp thức ăn, thuốc ngừa, người tiêu dùng... để tính toán kế hoạch đầu ra giúp cân bằng cung cầu trên thị trường. Bản đồ mật độ như trên chỉ là một sản phẩm “phụ”. Ta (chủ quản hệ thống) còn có thể sử dụng thêm dịch vụ Twitter làm luồng thông tin nhanh để thông báo cho những đơn vị có ghi danh (followers) về một sự kiện quan trọng nào đó (dịch, bệnh...)

    Một sản phẩm dịch vụ như thế có thể áp dụng cho tất cả những chuỗi tạo giá trị sản phẩm trong chăn nuôi và nông nghiệp, với những mô hình khác nhau nhưng cơ bản có một phương thức giống nhau

    Sự thâm nhập của Internet vào xã hội Việt Nam với mạng 3G/4G, Wifi phủ trùm đến nông thôn, việc dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng rộng rãi, không giới hạn thành phần; cùng đội ngũ công nghệ thông tin trẻ, năng động là những yếu tố thuận lợi. Thời gian qua những ứng dụng Internet như Cổng thông tin điện tử

    Chính phủ, Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến là những khích lệ rất lớn. Nhưng sự thành công cho một sản phẩm công nghệ cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như khả năng về lập trình thiết kế một phần mềm thực dụng dễ dùng, về thiết kế một mô hình thông minh chứa đựng những kinh nghiệm, hiểu biết sản xuất (knowhows), về đầu tư khéo léo cho một sản phẩm mới tiếp cận thị trường...

    Nhận thức và muốn giải quyết những vấn đề thực tiễn; dám làm, chấp nhận thua và làm lại là những yếu tố tinh thần làm nên sự thành công của những startup như hãng Voxer của Tom Katis, thúc đẩy sự tiến triển của xã hội và nền kinh tế

    Thái Thanh Phương
    Munich CHLB Đức
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/8/18

Chia sẻ trang này