Internet toàn cầu

Thảo luận trong 'Quốc Gia Công Nghệ' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 8/4/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Nóng cuộc đua phủ sóng Internet toàn cầu
    - Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk đang có tham vọng phóng lên không gian mạng lưới 4.400 vệ tinh để phủ sóng Internet toàn cầu

    Những nơi trên thế giới vẫn còn nằm ngoài tầm với của tín hiệu điện thoại di động, đồng nghĩa có hàng tỉ người vẫn chưa thể tiếp cận được truyền thông kỹ thuật số. Tuy nhiên, thực trạng này có thể thay đổi nhờ những vệ tinh có kích thước ngày càng nhỏ và chi phí giảm dần

    Những kế hoạch lớn trên không gian

    [​IMG]
    Vệ tinh của OneWeb

    Các dịch vụ điện thoại di động có chi phí thấp hơn, hoạt động từ không gian sẽ sớm trở thành hiện thực nhờ những vệ tinh nano của công ty Sky and Space Global (SAS) sẽ truyền tín hiệu giọng nói hoặc tin nhắn của người sử dụng từ một tàu vũ trụ này sang tàu khác và điểm đến cuối cùng là người họ muốn liên lạc. “Mọi người đang nghĩ đến việc sử dụng vệ tinh nano để chụp hình trái đất nhưng không ai nghĩ đến việc khai thác chúng vào việc cung cấp dịch vụ gọi điện, nhắn tin. Chúng tôi là những người đầu tiên”, ông Meir Moalem

    Giám đốc điều hành công ty có trụ sở ở Israel này, cho biết SAS đặt mục tiêu cung cấp cho khách hàng kết nối điện thoại di động thông qua một nhóm 200 vệ tinh có kích thước cỡ chiếc hộp đựng giày và chỉ nặng 10kg. Số vệ tinh này dự kiến đi vào hoạt động năm 2020, cung cấp các dịch vụ tin nhắn, gọi điện thoại và dữ liệu đến các vùng xích đạo của trái đất – trong đó có phần lớn châu Mỹ Latinh và châu Phi – phục vụ thị trường có đến ba tỉ người. Theo ông Moalem, các dịch vụ di động giá cả phải chăng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của nhiều nước đang phát triển

    Doanh nhân này cũng tin rằng các vệ tinh nano của SAS sẽ tác động không nhỏ đến thị trường truyền thông dựa trên không gian. “Toàn bộ số vệ tinh nano của chúng tôi chỉ có giá 150 triệu đô la, rẻ hơn một vệ tinh truyền thông chuẩn”, ông giải thích

    SAS chỉ là một trong số ngày càng nhiều công ty đang ấp ủ kế hoạch lớn cho không gian lúc này. Tham vọng nhất có lẽ là công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk, với ý định phóng lên không gian mạng lưới 4.400 vệ tinh để phủ sóng internet toàn cầu. Công ty sẽ sử dụng tên lửa Falcon 9 của chính mình để phóng vệ tinh và hy vọng mạng băng thông rộng gọi là Starlink này sẽ đi vào hoạt động năm 2024. Công ty OneWeb (Mỹ), được sự hậu thuẫn của những tên tuổi như Airbus, Qualcomm, Intelsat, Hughes… cũng có kế hoạch phóng 800 vệ tinh từ giờ đến năm 2020, tập trung vào băng rộng toàn cầu. Trong khi đó, Google và Samsung đang xem xét những sáng kiến tương tự

    Một khi toàn bộ số vệ tinh nói trên được phóng lên không gian, quỹ đạo trái đất thấp - ở độ cao 2.000 km trở xuống so với trái đất - sẽ trở nên ngày một đông đúc. Điều này có thể làm cho các lần phóng sau đó thêm khó khăn và nguy hiểm do mối đe dọa từ các mảnh vỡ trong không gian. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) gần đây chỉ trích mạnh mẽ công ty khởi nghiệp Swarm Technology vì phóng bốn vệ tinh cực nhỏ, gọi là SpaceBEE, mà không xin phép. Loại vệ tinh này được thiết kế để cung cấp mạng kết nối thiết bị tại ngôi nhà và xe hơi. Hồi cuối năm ngoái, FCC đã từ chối cho phép công ty này phóng vệ tinh, lấy lý do chúng quá nhỏ nên khó có thể theo dõi, từ đó có nguy cơ trở thành mối đe dọa đối với sự an toàn của tàu không gian trên quỹ đạo trái đất

    Một vấn đề khác là tài chính. Không phải mọi dự án nào cũng tìm thấy những nhà đầu tư có đủ tiền để hậu thuẫn, ngay cả khi một số chuyên gia nhận định SAS có thể là “một lựa chọn thay thế hấp dẫn” do chi phí vốn thấp

    Thu hẹp khoảng cách số

    Ông Vincent Chan, giáo sư chuyên ngành kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), tin rằng việc thu nhỏ vệ tinh và các phương tiện phóng rẻ hơn đồng nghĩa vệ tinh nano đã sẵn sàng phục vụ công chúng. Những cơ sở hạ tầng chi phí thấp như thế này có thể mang lại sự giao tiếp di động cần thiết cho những khu vực còn nghèo khó trên thế giới, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách số. Tuy nhiên, ông Chan cho rằng việc SAS tập trung vào các dịch vụ điện thoại, tin nhắn hơn là Internet băng thông rộng cho thấy khoảng cách số sẽ thu hẹp nhưng không biến mất

    Mạng di động đầu tiên trên mặt trăng ?

    Một số công ty đang lên kế hoạch thiết lập mạng di động 4G đầu tiên trên mặt trăng vào năm tới, cho phép truyền dữ liệu và video độ phân giải cao về trái đất. Nhà mạng Vodafone Germany, hãng thiết bị mạng Nokia, hãng xe Audi và công ty PTScientists cho biết đang bắt tay tiến hành dự án này

    Dự kiến, tên lửa Falcon 9 của SpaceX sẽ được phóng vào năm 2019 để đưa tất cả thiết bị của mạng nói trên lên mặt trăng. Một nguồn tin cho biết dự án quyết định chọn xây dựng mạng 4G, thay vì 5G, trên mặt trăng vì mạng thế hệ mới này vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và không đủ ổn định để có thể hoạt động từ bề mặt mặt trăng. Một mục tiêu của dự án là ủng hộ sứ mệnh đầu tiên của tư nhân nhằm đưa tàu đáp xuống mặt trăng trong năm 2019

    Về phần mình, SAS đang sử dụng một phương pháp phi truyền thống để đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Chúng sẽ được phóng từ giữa không trung bởi công ty Virgin Orbit, thuộc tập đoàn Virgin của tỉ phú người Anh Richard Branson. Chiếc máy bay Boeing 747-400 (đã qua chỉnh sửa) của Virgin sẽ bay tới độ cao 10.000 m. Tại đó, rốc-két LauncherOne sẽ được phóng để đưa số vệ tinh của SAS vào quỹ đạo. Ưu điểm của việc phóng vệ tinh từ máy bay là rốc-két có thể phóng đi theo hướng phù hợp với quỹ đạo dự kiến của vệ tinh

    Virgin đang lên kế hoạch tiến hành vụ phóng đầu tiên bằng phương pháp nói trên trong năm nay. Riêng vệ tinh của SAS sẽ được phóng vào năm 2019. Chi phí phóng thường vào khoảng 12 triệu đô la, thấp hơn nhiều so với một vụ phóng truyền thống. Ông Dan Hart, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Virgin Orbit, cho biết mức phí này hứa hẹn giúp đưa cộng đồng vệ tinh nhỏ đi vào quỹ đạo, dẫn đến sự ra đời của một loạt ứng dụng viễn thông và sử dụng công nghệ cảm biến từ xa

    SAS đã chứng minh hệ thống của họ vận hành được thông qua ba vệ tinh thí điểm và đang ký thỏa thuận với các đối tác ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, trong đó có một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh lớn nhất châu Mỹ là Globalsat Group. Giám đốc điều hành tập đoàn Globalsat, ông Alberto Palacios, cho biết các khách hàng hiện tại của công ty – trong lĩnh vực khai thác mỏ, năng lượng, ngân hàng, quốc phòng và chính phủ – vẫn đủ khả năng chi trả cho các cuộc gọi điện thoại vệ tinh truyền thống. Tuy nhiên, ông tin rằng vệ tinh nano sẽ làm thay đổi cuộc chơi

    SAS cũng tự tin vào khả năng dịch vụ của họ sẽ lấp vào khoảng trống trong thị trường giữa các nhà nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh hiện có (Iridium, Inmarsat, Globalstar…) và các mạng di động trên mặt đất, như Vodafone, Telefonica, Airtel và Safaricom. Công ty cũng đang nhắm mục tiêu đến khách hàng có thu nhập chưa đến 8 đô la mỗi ngày. Mặt khác, ông Moalem không hề lo ngại trước sự tham gia của các đối thủ vào lĩnh vực vệ tinh truyền thông nano. “Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh, bởi như thế có nghĩa đây là lĩnh vực kinh doanh nhiều tiềm năng và có cơ hội kiếm tiền… Chúng tôi có lợi thế là người tiên phong”, ông Moalem khẳng định

    Tại Ghana, SAS vừa ký hợp đồng năm năm với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Universal Cyberlink để hỗ trợ các dự án nông nghiệp của chính phủ và những dịch vụ công. “Người dân thường bị mất sóng khi đi lại bên ngoài một thành phố ở châu Phi do hạ tầng thiếu thốn và chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này. Người dân tại nhiều nơi trên thế giới không quan tâm đến Internet tốc độ cao mà chỉ muốn gọi điện thoại, nhắn tin hoặc chuyển tiền. Đó là những nhu cầu cơ bản”, ông Moalem giải thích

    Châu Phi chắc chắn sẽ trở thành một thị trường quan trọng đối với các dịch vụ di động. Theo Hiệp hội thông tin di động toàn cầu (GSMA), châu lục này hiện có 420 triệu khách thuê bao di động vào năm 2016 và đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên hơn 500 triệu số thuê bao, chiếm khoảng một nửa dân số tại đó

    Minh Huy
     

Chia sẻ trang này