WeWork

Thảo luận trong 'Vietnam ThinkTank Technology' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 15/8/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    WeWork sẽ là “Alibaba kế tiếp”

    [​IMG]
    Bloomberg

    Tập đoàn viễn thông SoftBank Nhật Bản vừa đồng ý đầu tư thêm 1 tỷ USD vào công ty chia sẻ văn phòng WeWork
    Ông Masayoshi Son, CEO của SoftBank tuyên bố ông đã thấy được tiềm năng của công ty này, giống như lần ông đã đặt cược đầu tư vào Alibaba

    Theo WeWork, khoản tiền đầu tư này sẽ ở dạng trái phiếu chuyển đổi. Năm ngoái, SoftBank và Quỹ Tầm nhìn SoftBank, một quỹ được tài trợ bởi A Rập Xê Út, đã đầu tư 4,4 tỷ USD vào WeWork. SoftBank và WeWork cũng đã mở rộng doanh nghiệp chia sẻ văn phòng này tại Nhật Bản với mức liên doanh 50 -50

    Mặc dù đã đầu tư vào rất nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau nhưng rất hiếm khi ông Son đầu tư nhiều tài nguyên như vậy vào một công ty duy nhất. Nhưng ông cho biết WeWork không chỉ là một công ty cho thuê văn phòng: nó là “một thứ hoàn toàn mới sử dụng công nghệ để xây dựng và kết nối các cộng đồng”

    “WeWork là Alibaba kế tiếp”, ông Son nhắc đến khoản đầu tư trước đây vào Alibaba, và ông đã thắng lợi lớn khi công ty thương mại điện tử này phát triển thần tốc nhờ vào sự phát triển của Internet ở Trung Quốc. Ông Son cho biết ông tin WeWork sẽ phát triển đến một quy mô đáng kể và trở thành một trong những công ty chủ đạo của tập đoàn

    Điện thoại di động và Internet đã khiến mọi người có thể làm việc ở bất cứ đâu, thúc đẩy nhu cầu văn phòng dùng chung trên toàn thế giới. WeWork được sáng lập năm 2010, là một trong những công ty nổi bật nhất trong lĩnh vực này, với hơn 250.000 thành viên tham gia và hơn 200 địa điểm tại hơn 20 quốc gia. Công ty này đã báo cáo doanh thu của năm 2017 là hơn 900 triệu USD, gấp 12 lần 4 năm trước đó

    [​IMG]
    Mayayoshi Son, CEO Softbank

    Điều làm WeWork khác biệt là công ty này dùng kho dữ liệu lớn để kết nối con người và các công ty tạo điều kiện cho các cơ hội kinh doanh mới

    Địa điểm đầu tiên của WeWork tại Nhật Bản, mở cửa hồi tháng 2 tại quận Roppongi ở Tokyo đã phản ánh mục tiêu này. Địa điểm được chia sẻ này mở cửa cho cả thành viên và người chưa đăng kí, phục vụ cà phê và bia miễn phí. Một nhóm 3 người gọi là “tổ cộng đồng” sẽ theo dõi hồ sơ và sở thích của từng thành viên, sử dụng dữ liệu này để chủ động tạo mối quan hệ giữa những người tham gia với những người cộng tác thích hợp

    Những công ty lớn NTT Communications và Marubeni sử dụng WeWork với hy vọng tận dụng những mối quan hệ nói trên để khuyến khích sáng tạo. WeWork đã có kế hoạch sẽ mở 10 đến 12 địa điểm tại Nhật Bản vào cuối năm nay

    Việc sử dụng các dịch vụ chia sẻ địa điểm làm việc để xây dựng các mối quan hệ không phải độc quyền của riêng WeWork. Nhưng lợi thế của công ty này nằm ở dòng dữ liệu đều đặn mà công ty này thu được từ thành viên, được chia sẻ với các địa điểm khác và người dùng trên toàn thế giới có thể truy cập được thông qua ứng dụng WeWork. Ý tưởng ở đây là càng nhiều dữ liệu càng nhiều thì sáng tạo càng nhiều – một mô hình khiến cho ông Son cảm thấy hứng thú với WeWork

    Như Mai
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Công ty Coworking space 20 tỷ USD nhảy vào Việt Nam

    [​IMG]

    WeWork được xem là một trong những startup thành công và lớn nhất hiện nay về Coworking space (văn phòng chia sẻ). Sau 7 năm ra mắt đã trở thành startup lớn thứ ba tại Mỹ và thứ sáu trên thế giới, được định giá lên tới 20 tỉ USD

    Hãng nghiên cứu thị trường Jones Lang LaSalle (JLL) vừa mới tiết lộ về kế hoạch mở rộng tới thị trường Việt Nam của WeWork trong một báo cáo mới đây của mình. Theo hé lộ của JLL, công ty tỷ đô này đang nhắm tới một cao ốc có vị trí tại quận 4 gần khu vực được xem là phố wall Sài Gòn (quận 1) để mở văn phòng và kinh doanh mặt bằng cho thuê văn phòng theo mô hình mới này

    Coworking Sapce chỉ mới được biết đến ở Việt Nam được vài năm gần đây, chỉ có một vài đơn vị kinh doanh mô hình này như Regus, Toong, Up, Dreamplex…mới đây có sự xuất hiện của CoGo với 3 trung tâm mới mở tại Hà Nội có tổng diện tích sàn 7.000m2

    Mặc dù có tốc độ tăng trưởng mạnh trong một hai năm qua, trung bình khoảng 58%, nhưng quy mô thị trường này tại Việt Nam còn rất nhỏ, theo dự báo của CBRE thì tổng diện tích mặt bằng coworking space tại Việt Nam đến cuối năm 2018 chỉ vào khoảng 90.000m2 sàn, một con số rất khiêm tốn so với văn phòng truyền thống hiện có, riêng Hà Nội và TP.HCM mỗi thành phố đều có hơn 1 triệu m2 sàn

    [​IMG]
    Coworking Space được xem là mô hình văn phòng trẻ trung, hiện đại, thân thiện và tiết kiệm chi phí…do vậy, mô hình này đang phát triển khá nhanh, đặc biệt phù với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trẻ mới starup

    Với thị trường tiềm năng như Việt Nam thì việc một công ty tỷ đô như WeWork tham gia thị trường được xem như một "cú huých" cho thị trường này bùng nổ trong những năm tới. Và ngay cả những công ty non trẻ trong nước như CoGo cũng đang tỏ ra khá tham vọng với lĩnh vực này. Theo kế hoạch thì CoGo sẽ tiếp tục nâng tổng diện tích sàn năm nay lên con số 12.000m2 sàn dù chỉ mới ra mắt hồi giữa năm

    Còn với WeWork, họ đã có động thái nhắm tới thị trường Việt Nam từ trước đó. Giới kinh doanh trong ngành có thể dễ nhận thấy động thái này khi thương vụ Wework thâu tóm thành công một coworking space lớn tại Trung Quốc là nakedHUB với trị giá 400 triệu USD được kích hoạt. Bởi lẽ hiện nakedHUB đang sở hữu hai trung tâm coworking space tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

    Theo định giá mới đây thì giá trị của Wework có thể lên tới 35 tỷ USD khi Softbank đang dự tính đầu tư thêm 3 tỷ USD nữa vào Wework. Đối tượng khách hàng của Wework rất đa dạng từ những startup nhỏ, freelancers cho đến các tập đoàn lớn như General Motors, Samsung, Microsoft…Vì thế, đơn vị này đang mở rộng sang thị trường châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam

    Các hoạt động xúc tiến tìm hiểu thị trường cũng như thăm dò khách thuê được WeWork tổ chức rầm rộ trong quý III/2018. Theo JLL, dự kiến trong tháng 12 tới đây WeWork sẽ ra mắt tại TP.HCM, với quy mô trung tâm vào khoảng 5.000m2 – được xem là trung tâm có diện tích lớn nhất Việt Nam về coworking space

    Theo đánh giá của JLL, thị trường coworking space Việt Nam lọt vào tầm ngắm một tay chơi sừng sỏ trong giới khởi nghiệp BĐS thế giới là một tín hiệu tích cực. Bởi WeWork thuộc nhóm công ty khởi nghiệp lớn nhất nước Mỹ chỉ sau Uber và Airbnb, có ty hiện có tới 250.000 thành viên sau 8 năm thành lập

    Tuy nhiên, đáng chú ý là trong một chia sẻ gần đây trên Reuters, WeWork dự báo công ty còn tiếp tục thua lỗ, trung bình khoảng nửa tỷ USD mỗi năm, nguyên nhân là bởi đơn vị này liên tục mở rộng và khai trương nhiều trung tâm mới khắp toàn cầu và rót tiền cho hoạt động tiếp thị. Tỷ lệ thuê trung bình được WeWork tiết lộ là 84% tính tới cuối quý II/2018. Sáu tháng đầu năm 2018, WeWork đã báo cáo lỗ 723 triệu USD

    Nhật Minh
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    CEO Wework
    "Vợ là người bạn đời, cũng là đối tác tin cậy giúp tôi thành công"

    [​IMG]

    Adam Neumann là doanh nhân tỷ phú trẻ tuổi người Israel thành công nhất thế giới. Anh là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành WeWork - công ty cung cấp không gian làm việc chung, phát triển công nghệ khởi nghiệp và dịch vụ cho các doanh nhân

    Hàng năm, CEO Adam Neumann thường tổ chức cắm trại hè cho các nhân viên trong công ty như một cách giúp họ giảm căng thẳng, vui chơi bên ngoài văn phòng và xây dựng văn hóa công ty. Trong kì nghỉ vừa qua của WeWork, vị tỷ phú 39 tuổi đã khiến mọi nhân viên ngưỡng mộ và xúc động khi thổ lộ tình cảm với người vợ của mình

    Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ. Đúng vậy! CEO Adam Neumann đã kết hôn với Rebekah Neumann, một người phụ nữ nhiều tuổi hơn anh vào năm 2008. Cặp đôi đã có 5 người con sau 10 năm chung sống. Rebekah Neumann nắm giữ chức vụ giám đốc thương hiệu của Wework. Trong một buổi họp báo, cô đã từng bước lên sân khấu và hướng về phía em gái của Adam Neumann vừa khóc vừa bày tỏ lời cảm ơn vì đã giúp đỡ chồng mình từ những ngày đầu chuyển đến New York khởi nghiệp

    CEO Adam Neumann cũng ngọt ngào ghi nhận vợ chính là người đã giúp anh thay đổi cuộc sống và lối suy nghĩ. Anh nói rằng 12 năm trước, khi gặp vợ, anh đang theo đuổi giấc mơ giàu có nhưng thất bại nặng nề. "Tôi từng đem tiền bạc và cuộc sống bận rộn trở thành động lực khi bắt tay vào sự nghiệp kinh doanh. Trước đây, tôi bán quần áo trẻ sơ sinh và bị ám ảnh bởi việc kiếm tiền. Sự nghiệp thất bại khiến tôi rơi vào bế tắc. Tôi trở thành kẻ nghiện thuốc lá và sút gần 10kg chỉ trong khoảng thời gian ngắn"

    "Mọi chuyện thật sự thay đổi khi tôi gặp được Rebekah. Khi đó, cô ấy đã không ngại mắng tôi là kẻ ba hoa mà không thể hiện được điều gì. Tôi thậm chí không thể mời cô ấy một bữa ăn tối. Sau đó, cô ấy cảnh cáo tôi chấm dứt làm những điều sai lầm. Đừng cắm đầu làm việc vì tiền mà thay vào đó hãy tìm kiếm công việc bản thân yêu thích"

    [​IMG]
    Nebekah Neumann là người phụ nữ đã luôn bên cạnh CEO Adam Neumann trong những giai đoạn khó khăn nhất từ những ngày đầu khởi nghiệp

    "Cô ấy nói với tôi rằng nếu tôi có đam mê và định hướng đúng đắn, nó sẽ dẫn tôi đi đúng hướng và trở thành người thực sự hạnh phúc. Tiền bạc sau đó cũng sẽ tự tìm đến", vị tỷ phú 39 tuổi chia sẻ lời nói của vợ Rebekah đã giúp anh thức tỉnh và nảy ra ý tưởng khởi nghiệp. Adam Neumann là người đam mê kiến trúc tòa nhà và yêu thích kết nối mọi người lại với nhau. Đó là lý do anh sáng lập ra WeWork, nơi chia sẻ không gian làm việc thân thiện. Rebekak cũng là người phụ nữ duy nhất khiến anh phải từ bỏ thói quen hút thuốc lá

    Từ một chàng trai bán quần áo trẻ em và không đủ tiền để ăn trưa, Adam Neumann đã trở thành doanh nhân trẻ quyền lực sở hữu giá trị tài sản ước tính 2.5 tỷ USD, theo Forbes. Không chỉ riêng CEO WeWork, nhiều nhà quản lý quyền lực khác như cựu Tổng thống Barack Obama và người sáng lập Facebook Mark Zuckergberg cũng khẳng định thành công mà họ có được không thể thiếu vắng sự cống hiến của người bạn đời

    Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Porter, Rebekah Neumann cũng chia sẻ về cuộc hôn nhân và quãng đường đồng hành khởi nghiệp cùng chồng: "Điều quan trọng là phụ nữ chúng ta có thể giúp người đàn ông của đời mình nhận thấy cơ hội để vươn lên và luôn bên cạnh lúc họ cần"

    Hơn 10 năm chung sống, vợ chồng nhà Neumann vẫn gìn giữ được hạnh phúc và tình yêu dành cho nhau. Rebekah cho biết dù rất bận rộn nhưng chắc chắn Adam Neumann luôn ở nhà ăn tối cùng gia đình vào mỗi thứ 6 và thứ 7. Họ sẽ có bữa tối lãng mạn với ánh nến, thư giãn và trò chuyện cùng bạn bè: "Anh lấy là người luôn ưu tiên gia đình. Chúng tôi không làm việc, không trả lời điện thoại hay sử dụng công nghệ trong khoảng thời gian đó. Chúng tôi cắt đứt liên hệ với thế giới nhưng thực tế là đang kết nối quan hệ với nhau. Hai vợ chồng tôi cố gắng dành nhiều thời gian cho gia đình và gặp mẹ nhiều hơn"

    Nguyễn Linh
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    SoftBank đầu tư số tiền lớn chưa từng có trong lịch sử vào WeWork

    [​IMG]
    WeWork là công ty cung cấp không gian hợp tác (co-working space)

    SoftBank có thể đầu tư 15 đến 20 tỷ USD vào WeWork để nắm thị phần lớn trong công ty chuyên về cung cấp không gian làm việc chung cho startup và doanh nghiệp (co-working space)

    Theo Thời báo Phố Wall, SoftBank đang thảo luận về khoản đầu tư 15 đến 20 tỷ USD vào WeWork . Thương vụ nếu xảy ra sẽ là khoản đầu tư lịch sử, chưa từng có tiền lệ vào một công ty tư nhân, giúp tập đoàn của Nhật Bản nắm phần lớn cổ phần trong WeWork. Nó cũng củng cố vị thế của Chủ tịch SoftBank, ngài Masayoshi Son, như thế lực thống trị trong nền kinh tế công nghệ hiện đại với mọi thứ từ bán dẫn trong smartphone đến mạng lưới viễn thông dưới đế chế của mình

    Giao dịch đang trong quá trình đàm phán và kết quả cuối cùng không được bảo đảm. Đại diện SoftBank và WeWork đều chưa trả lời về thông tin này. Hồi tháng 6, CEO quỹ Vision Fund của SoftBank, Rajeev Misra, cho biết tại một hội thảo rằng WeWork đang tìm cách kêu gọi đầu tư 35 tỷ USD nhưng không tiết lộ SoftBank có tham gia vào vòng gọi vốn hay không

    WeWork thành lập 8 năm trước, thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư cho mô hình cho thuê không gian làm việc chung hay còn gọi là không gian hợp tác. Công ty đã hoạt động tại 22 nước và đang trên đà gặt hái doanh thu hơn 2 tỷ USD năm nay. Dù vậy, tốc độ mở rộng nhanh chóng và nhiều vụ thâu tóm đồng nghĩa với hãng đang “đốt tiền”. Những người hoài nghi lo lắng hoạt động cốt lõi của WeWork không thể bảo đảm cho giá trị khổng lồ của nó

    Theo truyền thông, WeWork lỗ hàng trăm triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2018 và lỗ tại Anh gần gấp 3 lần. Tuy vậy, tòa nhà flagship của hãng tại châu Âu ở Luân Đôn đã sinh lãi năm 2017, cho thấy đây là mô hình kinh doanh khả thi

    Khoản đầu tư của SoftBank có thể thông qua quỹ Vision Fund 92 tỷ USD đang được các quỹ giầu có của Ả-rập Xê-út và Abu Dhabi chống lưng cũng như vốn riêng của SoftBank. Quỹ Vision Fund tập trung vào công nghệ đã đầu tư 4,4 tỷ USD vào WeWork tháng 8/2017, giúp họ nắm 20% cổ phần

    Số vốn lớn nhất mà SoftBank từng rót vào một startup là 7,7 tỷ USD, tương đương 15% cổ phần Uber

    Du Lam
     
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    WeWork vừa được Softbank rót thêm 3 tỷ USD
    Được thành lập năm 2010, WeWork đã huy động được 10,6 tỷ USD đến thời điểm hiện tại, trong đó có tới 8,65 tỷ USD nhận trực tiếp từ Softbank

    [​IMG]
    WeWork – gã khổng lồ chia sẻ văn phòng có trụ sở tại New York chuẩn bị nhận thêm một khoản đầu tư lớn nữa từ tập đoàn Softbank của Nhật Bản

    WeWork tuyên bố vào thứ 3 vừa qua rằng họ đã ký kết thỏa thuận đầu tư trị giá 3 tỷ USD với Softbank. Thỏa thuận này cho phép Softbank mua cổ phiếu WeWork với giá 110 USD/cổ phiếu trước tháng 9/2019 dù công ty này sẽ IPO, huy động thêm 1 tỷ USD hay là bị mua lại

    WeWork hiện được định giá 42 tỷ USD sau các khoản đầu tư nhận được. Trước đó, con số này chỉ là 20 tỷ USD khi Softbank đầu tư 4,4 tỷ USD vào năm ngoái

    Thỏa thuận lần này không phải đến từ Softbank Vision Fund mà là từ bản thân tập đoàn Softbank

    Được thành lập năm 2010, WeWork đã huy động được 10,6 tỷ USD đến thời điểm hiện tại, trong đó có tới 8,65 tỷ USD nhận trực tiếp từ Softbank

    WeWork hiện hoạt động ở 24 quốc gia, tại 83 thành phố trên khắp thế giới. Trong báo cáo gửi nhà đầu tư vào thứ 3, công ty này cho biết 50% số bàn trong không gian của họ hiện ở bên ngoài nước Mỹ và trạng thái số chỗ hoạt động lên tới 84%

    Phương Linh
     
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    WeWork IPO "Đầu tư vào niềm tin"

    [​IMG]
    Nhà đầu tư phải rất can đảm mới dám rót vốn vào WeWork, một công ty vẫn lỗ lớn sau 9 năm

    C ách xa các văn phòng làm việc im ắng ở trung tâm Manhattan là một cánh cửa “thú vị” ở Greenwich Village, bị kẹp giữa một quán bar ồn ào và một cửa hàng ăn. Những dòng người ăn mặc theo phong cách hippi và thời thượng đi qua đi lại trước cánh cửa, cũng có những người trong trang phục công sở, mang theo túi đựng laptop ra vào qua cánh cửa ấy. Bên trong cánh cửa là những không gian làm việc rất phong cách, có phục vụ nước trái cây và cà phê nitro (loại cà phê được phục vụ trực tiếp từ vòi giống như bia hơi). Trong một cuộc họp sôi nổi, mọi người đều ngồi trên nệm hơi và trên sàn nhà. Theo nhận xét của nhà điều hành một tập đoàn công nghệ lớn có thuê không gian làm việc ở Greenwich Village, điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra ở trụ sở công ty ông. “Các lao động trẻ muốn một môi trường làm việc thoải mái hơn và WeWork giúp chúng tôi tuyển dụng và giữ chân họ”

    Không gian văn phòng ở Greenwich chỉ là một trong hàng trăm cơ sở không gian làm việc chung của WeWork, một startup 9 tuổi. Theo thông tin trên website của WeWork, Công ty có 743 cơ sở đang hoạt động và sắp khai trương tại 124 thành phố ở hơn 36 quốc gia

    [​IMG]
    Quy mô lớn là thế, nhưng The We Company, công ty mẹ của WeWork, cũng gây nhiều tranh cãi. Một mặt, các không gian làm việc chung thanh lịch, trẻ trung của WeWork cũng như nhà đồng sáng lập kiêm CEO Adam Neumann đã khơi dậy niềm hứng khởi của nhiều khách hàng, người đi làm và cả nhà đầu tư. Bằng chứng là SoftBank (Nhật) đã rót hơn 10 tỉ USD vào Công ty, định giá WeWork lên tới 47 tỉ USD. Nhưng mặt khác, cũng “sôi nổi” không kém là lời chỉ trích từ các nhà phê bình khi cho rằng WeWork không đáng được định giá cao như vậy. Họ dẫn chứng IWG, một công ty cung cấp văn phòng làm việc chung với nhãn hiệu Regus và Spaces trên toàn thế giới nhưng có vốn hóa thị trường chỉ 4,5 tỉ USD

    Vậy điều gì khiến WeWork thực sự có giá? Giới đầu tư đã có cơ hội đánh giá WeWork khi giữa tháng 8.2019 công ty này tiết lộ bản cáo bạch tài chính, dự kiến sẽ IPO vào tháng 9 tới. Những tiết lộ trên đã vẽ ra bức tranh của một doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi từ một startup bất động sản sang một doanh nghiệp trưởng thành và kèm theo đó là những mối quan ngại lớn về khả năng tồn tại của doanh nghiệp này

    Có 4 mối quan ngại chính. Thứ nhất là WeWork vẫn chưa có lãi sau 9 năm hoạt động. Công ty cho biết đó là do các khoản đầu tư khổng lồ phải bỏ ra để đảm bảo lợi thế kinh tế nhờ quy mô. WeWork nói rằng các cơ sở “trưởng thành” hiện đã sinh lãi. Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ đạt 1,5 tỉ USD, trong khi lỗ ròng tăng khiêm tốn hơn, lên mức 905 triệu USD từ mức lỗ 723 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức lỗ 6 tháng đầu năm tăng chậm hơn là nhờ khoản thu nhập bất thường từ giao dịch các bên liên quan. Nhìn lại năm 2018, dù doanh thu tăng gấp đôi lên 1,8 tỉ USD nhưng mức lỗ cũng tăng gấp đôi lên tới 1,9 tỉ USD

    [​IMG]

    Mối lo ngại thứ 2 là mức định giá quá cao của WeWork. Hiện Công ty đang đa dạng hóa các nguồn tài trợ vốn. WeWork đã thu xếp được khoản vay 6 tỉ USD từ 10 ngân hàng. Điều này cho ông Neumann một lý do để chịu hạ giá chào bán cổ phiếu của Công ty trong đợt IPO

    Mối quan ngại thứ 3 là liệu một cuộc suy thoái có đẩy Công ty đến bờ vực phá sản. Điều này là có cơ sở khi Công ty “ôm” 47 tỉ USD các khoản thanh toán tiền thuê mặt bằng nhưng doanh thu tương lai được cam kết từ phía khách hàng chỉ 4 tỉ USD. Tuy nhiên, về rủi ro này, Công ty đã có một số biện pháp phòng vệ. Các hợp đồng thuê của WeWork được nắm trong tay các SPE (các công ty được lập để thực hiện một nhiệm vụ nào đó, thường là giúp làm sạch báo cáo tài chính của công ty mẹ). Vì thế, nếu có biến cố xảy ra cũng sẽ không ảnh hưởng đến công ty mẹ. WeWork cũng ký các hợp đồng chia sẻ doanh thu với một số chủ đất, nhờ đó góp phần làm giảm áp lực tài chính của Công ty. Và bởi vì WeWork tự xây dựng nên có thể làm chậm tiến trình hoàn thành các tòa nhà mới như cách Công ty đã làm suốt giai đoạn suy giảm do sự kiện Brexit

    Quan trọng hơn, khoảng 40% thành viên của WeWork là các tập đoàn lớn, tăng từ con số 20% cách đây vài năm. Những thành viên này có thể kể đến Amazon, HSBC... và họ đều có hầu bao rủng rỉnh, đặc biệt là thường ký các hợp đồng thuê văn phòng trong nhiều năm. Jeffrey Rayport thuộc Trường Kinh doanh Harvard cho biết sự kết hợp giữa chi phí thấp, tính linh hoạt và văn hóa chu đáo là sức hút đối với các doanh nghiệp lớn

    [​IMG]

    Mối lo ngại lớn sau cùng là vấn đề quản trị doanh nghiệp. Cấu trúc cổ phiếu ở WeWork rất phức tạp, cho phép ông Neumann nắm quyền kiểm soát dù chỉ giữ cổ phần thiểu số. Ngay bản thân ông Neumann cũng có mối quan hệ phức tạp với WeWork bởi ông cho Công ty thuê văn phòng trong chính những tòa nhà do ông sở hữu. Charles Elson, chuyên gia quản trị tại Đại học Delaware, khuyến cáo: “Nếu bắt đầu với văn hóa này, bạn sẽ không thể nào từ bỏ nó”

    Dù vậy, không thể thừa nhận, cho thuê văn phòng làm việc chung là một phân khúc nhiều tiềm năng. Công ty tư vấn bất động sản CBRE ước tính thị trường ngách về công việc mang tính linh động đã tăng trưởng rất nhanh lên tới 25% tại top 10 thị trường của Mỹ năm 2018 và các con số cũng tương tự tại các thành phố lớn trên thế giới. Jeffrey Rayport cũng tin rằng những cải tiến mô hình kinh doanh của WeWork đã làm phình to đáng kể chiếc bánh thị trường. Tuy nhiên, với những rủi ro đi kèm, đầu tư vào WeWork vẫn là một quyết định mang tính niềm tin nhiều hơn

    Văn Quốc
     
  7. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    SoftBank tung 5 tỷ USD cứu WeWork, kiểm soát 80% công ty
    Giá cổ phiếu của SoftBank niêm yết tại thị trường Tokyo giảm gần 3% sau tuyên bố trên...

    [​IMG]
    Một văn phòng WeWork ở New York

    Tập đoàn Nhật Bản SoftBank đã đạt một thỏa thuận giải cứu WeWork, theo đó giành quyền kiểm soát công ty khởi nghiệp (startup) về chia sẻ không gian làm việc này

    Trong một tuyên bố được phát đi ngày 23/10, WeWork cho biết SoftBank sẽ bơm 5 tỷ USD vốn đầu tư mới và lời chào mua thêm 3 tỷ USD cổ phần từ nhà đầu tư hiện hữu của công ty. Ngoài ra, SoftBank cũng sẽ đẩy nhanh việc thực thi cam kết rót vốn 1,5 tỷ USD vào WeWork đưa ra trước đó

    Một khi việc rót vốn và mua cổ phần này hoàn tất, cổ phần của SoftBank trong WeWork sẽ đạt xấp xỉ 80%

    "SoftBank có niềm tin vững chắc rằng thế giới đang trải qua một cuộc chuyển đổi lớn trong cách thức mọi người làm việc. WeWork đi đầu trong cuộc cách mạng này", Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) SoftBank, ông Masayoshi Son, nói trong một tuyên bố được hãng tin CNBC trích dẫn

    Vị tỷ phú người Nhật nói "những thách thức về tăng trưởng" mà WeWork đang gặp phải "không phải là điều bất thường đối với những công ty đi đầu trong việc tạo ra sự thay đổi trong công nghệ trên toàn cầu"

    "Do tầm nhìn không có gì thay đổi, SoftBank quyết định tăng đầu tư vào công ty bằng cách cung cấp thêm một lượng vốn lớn và hỗ trợ hoạt động. Chúng tôi giữ vững cam kết với WeWork, nhân viên, khách hàng và các chủ cho thuê mặt bằng của công ty", ông Son nói trong tuyên bố

    Giá cổ phiếu của SoftBank niêm yết tại thị trường Tokyo giảm gần 3% sau tuyên bố trên

    Theo thỏa thuận đạt được, WeWork sẽ bổ nhiệm Giám đốc hoạt động (COO) của SoftBank là ông Marcelo Claure vào ghế Chủ tịch điều hành Hội đồng quản trị WeWork. Nhà đồng sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc (CEO) Adam Neumann của WeWork sẽ rời cương vị Chủ tịch và trở thành "quan sát viên Hội đồng Quản trị"

    Hôm thứ Ba, tờ Wall Street dẫn nguồn thạo tin nói rằng SoftBank sẽ trao cho ông Neumann một gói bồi thường thôi việc trị giá 1,7 tỷ USD để ông từ chức Chủ tịch và từ bỏ quyền bầu

    Theo ước tính của CNBC, vụ rót vốn này của SoftBank định giá WeWork ở mức 7,5-8 tỷ USD, chỉ bằng một phần so với mức định giá 47 tỷ USD trong các vòng gọi vốn tư nhân gần đây trước khi kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của WeWork đổ bể

    Hai đồng CEO của WeWork là Artie Minson và Sebastian Gunningham đã lên thay Neumann ở cương vị này vào tháng 9, sau khi Neumann bị phê phán về phong cách lãnh đạo và sự xung đột lợi ích rõ ràng. Cuối tháng 9, WeWork phải hoãn kế hoạch IPO do hứng chịu sự chỉ trích của giới đầu tư, những khoản thua lỗ chồng chất và mức định giá công ty sụt giảm chóng mặt

    Sau khi Neumann rời ghế CEO, ban lãnh đạo mới của WeWork đã cố gắng tìm ra giải pháp nhằm đưa công ty đi theo một hướng đúng đắn, bao gồm tính đến khả năng bán lại một số bộ phận. Theo một số nguồn tin, WeWork đang có kế hoạch sa thải ít nhất 2.000 nhân viên, tương đương 13% tổng số nhân viên
     

Chia sẻ trang này