Viện Cờ Vây Vietnam

Thảo luận trong 'ThinkTank Cup' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 23/5/21.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Uớc mơ thành lập Viện cờ vây Việt Nam


    Lê Kiều Khánh Linh, sinh năm 1994, sang Hàn Quốc tháng 8/2016 sau khi nhận được học bổng toàn phần từ trường Đại học Myongji, ở thành phố Yongin (tỉnh Gyeonggi) cho chương trình học thạc sĩ Khoa Cờ vây học. Trước đó, Linh tốt nghiệp hệ cử nhân tại Đại học Ngoại Thương (Hà Nội, Việt Nam) chuyên ngành Kinh tế Quốc tế vào năm 2016. Linh chia sẻ bạn bắt đầu biết tới và học cờ vây từ năm lớp 5 sau khi tham gia một khóa học hè khoảng ba tháng. Đến năm lớp 11, Linh lại có cơ duyên được học lại môn cờ này. Sau đó, bạn tham gia vào Câu lạc bộ cờ vây Hà Nội, từng thi đấu giải quốc gia và một số giải quốc tế. Ngoài ra, Linh còn tham gia thành lập và hoạt động ở Hiệp hội cờ vây Hàn-Việt

    Theo học thạc sĩ ngành cờ vây tại Hàn Quốc, ngoài các lớp luyện kỹ năng chơi cờ, Linh được học rất nhiều môn học khác như lịch sử, văn hóa, tâm lý, marketing, thống kê và tất cả mọi thứ liên quan tới việc phát triển bản thân và tinh thần của cờ vây. Bạn yêu thích và muốn phổ biến môn cờ vây tới nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ. Hiện tại, Linh đang biên dịch và biên soạn một cuốn sách về sử dụng chiến lược cờ vây trong kinh doanh, dự định xuất bản trong năm nay. Toàn bộ số tiền kiếm được từ việc bán sách Linh muốn dùng để tổ chức một giải đấu ở Việt Nam nhằm phát triển phong trào cờ vây. Ngoài ra trong tương lai, Linh muốn có thể thành lập một tổ chức như Viện cờ vây Hàn Quốc, cũng như các khóa học bổ ích cho mọi người

    Trong chương trình hôm nay, chúng ta cùng trò chuyện với Khánh Linh, lắng nghe bạn chia sẻ về tình yêu với cờ vây và những trải nghiệm khi học cờ vây tại Hàn Quốc nhé!


    [​IMG]
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Bỏ đi, bỏ thì thắng
    Chướng ngại chủ yếu khiến nhiều kỳ thủ cờ vây mắc kẹt ở trình độ 1-2 kyu và không thể bước lên dan, đó là họ không biết buông bỏ. Họ khăng khăng đuổi giết bằng được đám quân đối phương để rồi bị phản đòn. Họ ngoan cố tìm cách cứu sống một đám quân không quan trọng, để rồi không những vẫn chết, mà còn chết với thiệt hại nặng nề hơn. Họ muốn tất cả trong khi không muốn cho đối phương thứ gì cả. Và khi đã định làm gì đó thì họ không bao giờ chịu dừng

    “Bỏ đi, bỏ thì thắng” – họ cần ghi nhớ câu nói kinh điển này

    Như vậy thái độ sẵn sàng buông bỏ có vẻ là một phẩm chất đáng ca ngợi của người chơi cờ. Không sai, nhưng cũng không hẳn đúng. Tôi từng chứng kiến hơn một lần trong ván đấu của học trò mình những tình huống đối sát/sống chết mà chỉ cần đi tiếp một nước là họ sẽ thắng hoặc dễ dàng nhìn ra con đường thắng, nhưng họ bỗng nhiên từ bỏ. Khi tôi hỏi, họ nói vì thấy đối thủ vẫn không ngừng lì lợm và mạnh bạo lấn tới, nên đoán rằng tình huống này kiểu gì mình cũng thua. Một kịch bản khác, họ thấy đối thủ đang xây một vùng đất lớn nhưng lại không dám đả nhập, hoặc chỉ đả nhập một nước rồi… thôi, không đi tiếp. Khi tôi hỏi, họ bảo vì nhảy vào chắc kiểu gì cũng chết (họ từng chết trong vài lần thử trước đây), nên thà không làm cho khỏi mất công, cố gắng rồi lại thất vọng

    Biết từ bỏ quả thực sẽ giúp bạn vượt qua mốc 1 kyu, nhưng bạn thậm chí sẽ không thể chạm tới 1 kyu nếu không tập làm đến cùng mọi thứ

    Đó cũng chính là câu châm ngôn về cờ vây đầu tiên tôi dạy học trò ngay từ buổi đầu lớp nhập môn, và nhắc lại vô số lần trên quãng đường trưởng thành của họ. “Làm gì cũng hãy làm đến cùng”

    Thực tế là trong một tình huống giao tranh, người thắng chưa chắc là người đọc cờ tốt hơn, mà đôi khi đơn giản là người gan lì hơn. Dẫu tình thế có vẻ nan giải đến đâu, hãy cứ dấn thêm một bước. Có khi ngay sau một bước đó bạn sẽ nhìn thấy giải pháp. Cũng có khi ngay sau một bước đó đối thủ sẽ mắc sai lầm. Bước tiếp chưa chắc bạn thắng, nhưng từ bỏ thì chắc chắn bạn thua

    Tương tự, có thể bạn sẽ thất bại trong lần đả nhập này vào đất đối thủ, nhưng nếu không làm thử chắc chắn bạn sẽ không bao giờ biết cách làm thành công. Đừng dừng lại cho đến khi kết quả ngã ngũ, dù kết quả đó là bạn sống hay chết. Bởi vì bạn đã làm – và làm đến cùng, bạn sẽ rút được tối đa kinh nghiệm cho lần sau. Bởi vì bạn đã làm – và làm thất bại, bạn mới có động lực (chính từ sự thất vọng, tức giận và nuối tiếc) để tự nghiền ngẫm hoặc hỏi ý kiến người khác hòng tìm ra phương pháp thành công

    Thái độ cố chấp này thoạt tiên có vẻ mâu thuẫn với phẩm chất sẵn sàng buông bỏ. Nhưng đơn giản là bạn sẽ không bao giờ biết được mình nên từ bỏ thứ gì, và từ bỏ lúc nào – nếu bạn chưa từng làm đến cùng những thứ bạn có thể làm. Khi trình độ còn thấp, chỉ có qua thử nghiệm đến cùng mọi ý tưởng, mọi kĩ thuật, bạn mới nhìn nhận được các giới hạn của năng lực bản thân lẫn giới hạn của tình huống. Và từ sự nắm rõ các giới hạn đó bạn mới biết thứ gì nên bỏ, lúc nào cần buông

    Và dẫu bạn chỉ chơi cờ để vui chứ không đặt nặng việc tăng trình độ, thì hãy nhớ lại xem niềm vui ban sơ nhất mình từng có khi mới học cờ là gì? Có phải là khi bạn để ý mấy quân cờ ít khí của đối phương, mò mẫm bao vây chúng và cuối cùng bắt được chúng? Niềm vui của người kì thủ vốn dĩ, và vĩnh viễn nằm trong quá trình tự mình đề ra một ý tưởng, và chọn từng nước đi để hiện thực hóa ý tưởng đó đến cùng

    Có rất nhiều phẩm chất mà một người rèn luyện được nhờ cờ vây. Nhưng nếu phải chọn ra chỉ một phẩm chất tiêu biểu, tôi luôn nghĩ rằng nó là Ý chí. Ý chí để dám chọn cho mình một mục tiêu, một lý tưởng, một cách sống… và nỗ lực vì chúng đến cùng, không dễ dàng từ bỏ. Có thể một ngày nhìn lại bạn sẽ thấy những mục tiêu đó chưa sáng suốt, chưa tối ưu, chưa hẳn phù hợp với mình. Một ngày bạn sẽ đủ chín chắn để biết từ chối đúng thứ, biết từ bỏ đúng lúc

    Nhưng hãy nhớ rằng sự buông bỏ thông thái ấy chỉ có thể được đắp bồi từ rất nhiều tháng ngày miệt mài, cố chấp và ngây thơ đuổi theo đến tận cùng những điều bạn hằng khát khao và tin tưởng

    Trần Việt Hà
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Cờ Vây Công Nghệ
    Cuộc đua công nghệ cũng giống như chơi cờ vây

    Một mặt, bạn không thể chậm chân, chậm chỉ 1 nước là bạn rơi vào thế thụ động, rượt đuổi theo đối phương hoặc ngay cả nhu cầu và kỳ vọng của thị trường cũng liên tục thay đổi biến bạn trở thành kẻ tụt hậu

    Mặt khác, bạn phải biết lựa chọn đúng thứ cần tập trung đầu tư, phải hiểu rõ thế mạnh của mình và thứ thị trường thực sự cần, bởi bạn không thể "tiên phong" trong tất cả mọi thứ

    Phải luôn giữ tâm thế đón trước xu hướng, định hình xu hướng, tốt nhất là định hình tư duy khách hàng nếu có thể

    Trong cuộc đua này, đầu tư trau dồi liên tục kỹ năng và tầm nhìn và mài dũa năng lực công nghệ, triển khai và thực thi, là điểm cốt lõi

    Đỗ Trung Hiếu
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    60 VĐV tham gia Giải Vô địch cờ vây xuất sắc quốc gia năm 2023
    Sáng 13-8, tại Hà Nội, Giải Vô địch cờ vây xuất sắc quốc gia năm 2023 đã khởi tranh với 60 vận động viên (VĐV) tham gia tranh tài

    [​IMG]
    Các vận động viên tranh tài tại giải
    Giải đấu do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh (2-9)

    Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, đây là dịp đặc biệt giúp các VĐV thể hiện tài năng, sự thông minh và chiến lược trong cuộc thi. Môn cờ vây đã có một lịch sử lâu đời và được coi là một trong những trò chơi trí tuệ cổ xưa. Đây không chỉ là một trò chơi giải trí, mà còn là một nghệ thuật đòi hỏi sự tư duy sắc bén và khả năng dự đoán

    "Giải Vô địch cờ vây xuất sắc quốc gia năm 2023 là một sự kiện quan trọng, nơi những VĐV cờ vây xuất sắc nhất cạnh tranh để chứng tỏ bản thân và khẳng định vị thế của mình. Khán giả sẽ được chứng kiến những trận đấu gay cấn, những bước đi đầy tính toán và cả những tình huống đầy bất ngờ ở giải đấu", ông Phạm Xuân Tài phát biểu

    [​IMG]
    Các vận động viên tranh tài tại giải
    Giải được tổ chức nhằm tạo sân chơi giao lưu, hợp tác với các nước có phong trào cờ vây phát triển, góp phần đẩy mạnh hơn nữa phong trào tập luyện môn thể thao trí tuệ này trong cả nước. Qua giải đấu này, giới chuyên môn mong muốn tuyển chọn được các kỳ thủ tài năng để xây dựng nguồn VĐV cờ vây chuẩn bị cho các giải quốc tế

    Giải sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 19-8
     
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Gần 100 kỳ thủ tranh tài tại giải Vô địch cờ vây quốc gia 2023
    Ngày 21-5 tại Khách sạn Đệ Nhất (TPHCM), giải Vô địch cờ vây quốc gia năm 2023 tranh cúp Hansoll Textile đã chính thức khai mạc, quy tụ gần 100 VĐV tham gia tranh tài

    [​IMG]
    Giải đấu năm nay thu hút gần 100 VĐV tranh tài

    Giải vô địch cờ vây quốc gia năm 2023 do Sở VH-TT TPHCM phối hợp cùng Liên đoàn cờ Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 20 đến 26-5. Sau nhiều năm phát triển, cờ vây đã trở thành một môn thể thao chính thức nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia. Các kỳ thủ Việt Nam dần khẳng định tên tuổi ở các đấu trường khu vực

    [​IMG]
    BTC trao cờ kỷ niệm cho các đơn vị tham dự giải

    Giải đấu năm nay thu hút gần 100 VĐV đến từ 5 đơn vị: TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội và CLB Kiện tướng Hoa Phượng đỏ. Các tuyển thủ sẽ tranh tài theo hệ Thụy Sĩ 6 ván ở 2 nội dung: cờ nhanh và cờ tiêu chuẩn dành cho nam, nữ, phân theo nhóm tuổi 11 và 16

    [​IMG]
    Sau lễ khai mạc, các tuyển thủ bước vào tranh tài nội dung cờ tiêu chuẩn

    Trong thời gian qua, Liên đoàn cờ Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như sân chơi giao lưu, giải đấu quy mô, hợp tác với các nước có phong trào cờ vây phát triển…nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào tập luyện môn thể thao trí tuệ này trong cả nước. Qua giải đấu này, ngoài việc phát triển phong trào tập luyện và thi đấu bộ môn khắp các tỉnh, thành, giới chuyên môn mong muốn tuyển chọn được các kỳ thủ tài năng để xây dựng nguồn VĐV cờ vây chuẩn bị cho các giải quốc tế
     

Chia sẻ trang này