THINKTANK NETWORK

Thảo luận trong 'Vietnam ThinkTank Technology' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 5/10/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Cuộc đua trở thành siêu cường quốc công nghệ
    - Bản báo cáo vừa được Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) công bố hồi đầu tháng 12 này đã ghi nhận Trung Quốc là cường quốc công nghệ số với tiềm năng tăng trưởng khổng lồ. Cuộc đua tranh về việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến giữa các cường quốc kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản đang ngày càng trở nên quyết liệt

    MGI cho biết giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc hiện lớn hơn con số cộng gộp của năm nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Tổng giá trị thanh toán di động tiêu dùng cá nhân của Trung Quốc trong năm 2016 đạt tới 790 tỉ đô la Mỹ, gấp 11 lần con số này tại thị trường Mỹ

    Trong khi đó, Trung Quốc hiện là một trong ba điểm đến hàng đầu của các hoạt động đầu tư mạo hiểm trong những lĩnh vực như thực tế ảo, ô tô tự lái, in 3D, robot, thiết bị bay không người lái và trí thông minh nhân tạo

    Sự trỗi dậy của thị trường đông dân nhất thế giới

    Một phần ba trong 262 “kỳ lân” (unicorn – công ty khởi nghiệp công nghệ được định giá trên 1 tỉ đô la) trên thế giới hiện nay là của Trung Quốc, chiếm 43% tổng giá trị của các công ty kỳ lân trên toàn cầu

    Theo MGI, ba trụ cột chính nâng đỡ sự phát triển hết sức nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ số là: một thị trường khổng lồ và trẻ trung, cho phép thương mại hóa nhanh chóng các mô hình kinh doanh số; một hệ sinh thái số phong phú đang mở rộng vượt trên tầm một số “người khổng lồ”; chính phủ tạo điều kiện và không gian để các doanh nghiệp số thử nghiệm, đồng thời vừa là nhà đầu tư vừa là người tiêu dùng các công nghệ số

    Bản báo cáo của MGI dự báo công nghệ số có thể thay đổi và tạo ra khoảng từ 10% đến 45% doanh thu công nghiệp của Trung Quốc vào năm 2030

    Jeongmin Seong, nhà nghiên cứu cấp cao của MGI, cho rằng quá trình số hóa sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc trở nên năng động hơn, cho phép thêm nhiều doanh nghiệp của nước này tham gia cuộc cạnh tranh trên toàn cầu, và thậm chí xuất khẩu các mô hình kinh doanh số “Made in China”

    Tạp chí Fortune trong số báo phát hành ngày 1-12 có bài viết “Innovation Takes Off in China” bắt đầu bằng câu “Một cuộc hỗn chiến trong thế giới thiết bị tự bay đang bắt đầu,” kể về câu chuyện đúng một năm trước đó tại sự kiện Da-Jiang Innovations Science and Technology (DJI), cho phóng một thiết bị không người lái chỉ nặng 1,6 kg và gọn gàng bằng một cuốn sách lên trời, mang theo camera để trình chiếu các đoạn video 4K từ độ cao hàng chục mét. Chiếc Mavic Pro này có độ ổn định, có khả năng phát hiện và tránh né các chướng ngại vật, và rồi tự động bay trở về điểm xuất phát trước khi hết năng lượng

    DJI là một thương hiệu ít ai biết đến, kể cả ở Trung Quốc, và Mavic là dòng sản phẩm đầu tiên của công ty. Rõ ràng DJI chẳng sánh được với các đối thủ “to con” trong lĩnh vực thiết bị bay không người lái như Parrot ở châu Âu hay như Lily Robotics tại Mỹ, nhưng chỉ ba ngày sau vụ bay thử, những hợp đồng nườm nượp đến với DJI

    Sau hơn một năm,DJI đang sở hữu 70% thị phần thiết bị bay tự hành (drone) trên toàn cầu. Công ty nghiên cứu Interact Analysis cho biết doanh số bán drone của DJI trong năm 2016 đã lên tới 1,3 tỉ đô la, và dự báo sẽ đạt đến 15 tỉ đô la vào năm 2022. Trong khi đó công ty 22 năm tuổi Parrot của Pháp đã bị bỏ lại rất xa, và Lily Roboyics cho dù đã thu được 34 triệu đô la tiền đặt trước vẫn phải đóng cửa

    Các nhà phân tích thường ví DJI là “Apple của những người sử dụng thiết bị bay”. Trong khi sản phẩm của Apple được thiết kế ở California và sản xuất tại Trung Quốc thì sản phẩm của DJI được thiết kế đồng thời chế tạo tại thành phố công nghệ Thâm Quyến nơi miền nam Trung Quốc. Thành công của DJI làm nổi bật lên một trong những sự thay đổi quan trọng của nền kinh tế thế giới: Trung Quốc, theo tác giả bài báo, sau một thế kỷ phụ thuộc vào nước ngoài, ba thập kỷ bị cô lập dưới thời Mao Trạch Đông, và ba thập kỷ đổi mới đồng thời mở cửa dưới thời Đặng Tiểu Bình, thì nay đang tìm về với vai trò lịch sử là một trong những cái nôi của sự sáng tạo và phát triển của thế giới

    Chỉ mới cách đây vài năm thôi, Trung Quốc vẫn còn là một nơi đầy rẫy những bản sao chép và ăn cắp công nghệ, và sự phát triển của nền kinh tế đã phải dựa vào lực lượng nhân công giá rẻ cùng với công nghệ nước ngoài. Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác. Năm ngoái Ren Zhengfei, nhà sáng lập Huawei Technologies, đã trở thành người đăng ký nhiều bằng sáng chế hơn ai hết trên thế giới. Nhóm chuyên viên phát triển mạng xã hội WeChat của Allen Zhang đã mang đến cho hơn 900 triệu người sử dụng những ứng dụng chat, shop, pay, play và làm bất cứ thứ gì trên mạng xã hội đó. Và Robin Li, chủ nhân của trang tìm kiếm Baidu thống trị địa bàn Trung Quốc, cho biết những chiếc xe tự lái của họ sẵn sàng để bán ra thị trường trong năm 2018

    Những sự thành công của các công ty công nghệ nói trên lại thúc đẩy một vòng sáng tạo mới. Hai tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và Tencent đang dẫn đầu thế giới về thương mại điện tử, thanh toán di động, truyền thông xã hội và trò chơi điện tử. Họ và những công ty lớn khác tại Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào các công ty khởi nghiệp, và điều này biến Trung Quốc thành một thị trường đầu tư tư bản khổng lồ

    Khi hệ sinh thái công nghệ dựa vào dân số

    Ở một khía cạnh khác, những dòng vốn đầu tư cho công nghệ cũng đang nuôi sống thị trường khổng lồ tại quốc gia 1,38 tỉ dân và tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh gồm những nhà cung ứng, nhà hậu cần và nhà sản xuất. Kết quả là Trung Quốc đã sinh ra ngay trong nước mình một thế hệ doanh nhân mới, những người có khả năng tạo nên những sản phẩm mang tầm thế giới, những người có thể phát triển công nghệ của họ và tạo nên những mô hình doanh nghiệp đạt những mức độ và tốc độ mà nền kinh tế thế giới chưa bao giờ thấy. Kai-Fu Lee, Giám đốc điều hành tại Sinovation Ventures và là người trước đây đứng đầu Google China, nói với báo giới rằng: “Thời kỳ sao chép đã lùi lại phía sau chúng tôi. Chúng tôi đang trên đà vượt lên phía trước”

    Giữa các năm 2014-2016 Trung Quốc đã lôi kéo được 77 tỉ đô la tiền đầu tư, so với chỉ 12 tỉ đô la của cả hai năm trước đó. Trung Quốc bây giờ là thị trường đầu tư lớn nhất thế giới về công nghệ số bao gồm thực tế ảo, xe tự lái, in 3D, thiết bị bay và trí thông minh nhân tạo (AI)

    Richard Ji, đồng sáng lập viên của All-Stars Investment, nói: “Chỉ có Trung Quốc và Mỹ là hai siêu thế lực thực sự về công nghệ. Không một nền kinh tế nào có thể bằng hai cường quốc này.” Vốn là một nhà đầu tư đến từ Hồng Kông, Richard Ji có thể chỉ đúng theo quan điểm của ông, nhưng lời nhận định này lại cho thấy một điều là nền công nghệ Trung Quốc đang trỗi lên mạnh mẽ, và những nguồn tài lực đang được sử dụng để thoát ra khỏi cái bóng sao chép của mình. Ví dụ, trong khi Alibaba vẫn thu lợi từ việc bán hàng giá rẻ thì JD.com đã tìm hướng đi khác cho mình là bán hàng chất lượng cao, và rõ ràng là công ty Trung Quốc này đang cố vượt qua định kiến là “bản sao của Amazon” bằng hoạt động nghiên cứu và phát triển các thiết bị giao hàng không người lái

    Đặc trưng đông dân và ưa chuộng cái mới đang là động lực thúc đẩy nền công nghệ Trung Quốc, một sự phát triển đặc thù không chịu sức ép cạnh tranh từ bên ngoài và sự tiến bộ đạt được nhờ vào chính sự cạnh tranh trong nội địa, nổi bật nhất là giữa hai tập đoàn công nghệ hàng đầu Alibaba và Tencent. Giới công nghệ thấy hào hứng với những cuộc đua của hai người khổng lồ này, thông qua các khoản đầu tư trong đại lục và vươn ra nước ngoài, rót vào các công ty khởi nghiệp mà họ thấy rằng sẽ kiếm được lợi nhuận hoặc để tạo thành một thế chiến lược. Một điểm đáng chú ý khác là chính quyền Trung Quốc vẫn coi trọng doanh nghiệp quốc doanh nhưng luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, và sự uyển chuyển này lại trở thành động lực thúc đẩy sự sáng tạo công nghệ

    Chiến lược cạnh tranh

    Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho phép Tencent thiết lập ứng dụng mã QR (QR Code) của họ để đẩy nhanh việc thanh toán di động và phát triển phương thức thanh toán này qua sản phẩm của mạng xã hội WeChat gọi là WeChat Pay. Trong khi đó Alibaba phát triển hệ thống thanh toán di động AliPay và đầu tư vào Yu’e Bao để giúp công ty này thực hiện các khoản tín dụng cho những người sử dụng AliPay. Nền kinh tế Trung Quốc đi nhanh về hướng không sử dụng tiền mặt, không phải chỉ từ kế hoạch của ngân hàng trung ương mà còn từ chính nhu cầu của những công ty công nghệ tư nhân. Một trong các nguyên nhân mà nền công nghệ Trung Quốc phát triển nhanh là họ không quá coi trọng vấn đề riêng tư và cũng chẳng cần biết đến luật chống độc quyền. Truyền thống sao chép và luật lệ dễ dãi này đang ủng hộ sự vươn lên mạnh mẽ của nền công nghệ nước này, trên thực tế người tiêu dùng Trung Quốc cũng chẳng mấy ai quan tâm đến quyền riêng tư

    Việc đầu tư ra nước ngoài cũng trở thành một phần sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, và việc này cũng do các tập đoàn công nghệ tư nhân thực hiện, với tham vọng toàn cầu của chính họ. Alibaba đầu tư mạnh mẽ vào Mỹ, nơi những công ty khởi nghiệp giàu tiềm năng như Snap, Lyft và Magic Leap. Năm ngoái, tập đoàn của tỉ phú Jack Ma đã bỏ ra một lúc 1 tỉ đô la để mua lại Lazada nhằm đặt chân vào thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á, trong khi công ty tài chính của tập đoàn là Ant Financial góp vốn vào PayTM ở Ấn Độ và những công ty công nghệ tài chính tại Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Đầu tháng 12 này, Alibaba công bố dự tính chi tiêu 15 tỉ đô la trong ba năm để thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại bảy thị trường quan trọng, bao gồm San Mateo, Bellevue ở Washington, Moscow ở Nga, Tel Aviv ở Israel và Singapore

    Trong khi đó, Tencent đầu tư vào Snap, Tesla ở Mỹ, Hike Messenger ở Ấn Độ và năm 2016 đã bỏ ra 8,6 tỉ đô la để kiểm soát Supercell ở Phần Lan. Tại “chiến trường” Đông Nam Á, Tencent đã bỏ vốn vào Sea (Singapore) – chủ sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee và Go-Jeck (Indonesia)

    Nhiều nhà phân tích cho rằng đã đến lúc đặt câu hỏi “liệu trong tương lai Trung Quốc có thống lĩnh nền công nghệ toàn cầu không?” Người ta có thể có nhiều cách trả lời nhưng tựu trung dựa trên một nguyên tắc xã hội quan trọng nhất, bền vững nhất là “không được bỏ lại bất cứ người nào ở phía sau”. Câu trả lời dù là “có” hay “không” thì để có thể nuôi sống nền công nghệ của mình, Trung Quốc vẫn phải lệ thuộc vào những phát minh, những nguyên liệu và những sản phẩm công nghệ nhập khẩu, và với các cường quốc khác cũng vậy

    Vấn đề là mỗi nền kinh tế, dù đã phát triển, đang phát triển hay kém phát triển, cần tìm cho mình một ưu thế, một chỗ đứng hợp lý trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Israel, quốc gia chỉ có 8,5 triệu dân lại là nước xuất khẩu công nghệ lớn nhất thế giới, qua mặt cả Nga. Nền công nghệ thế giới hy vọng ngày càng có thêm các siêu cường quốc để đóng góp nhiều hơn nữa vào tri thức và sự phát triển của nhân loại

    Hoàng Việt - Minh Anh
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/5/19
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Vườn ươm khởi nghiệp Thái Lan
    Thái Lan đang học hỏi và tìm cách phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ theo mô hình vườn ươm mà Singapore đã áp dụng. Chính phủ Thái Lan đã hình thành một lộ trình cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác thu được lợi nhuận miễn thuế từ việc bán cổ phần của các startup

    [​IMG]

    Các chính sách ưu đãi thuế được ban hành vào tháng 6-2022 và áp dụng cho các công ty hoạt động ở Thái Lan trong một số lĩnh vực, bao gồm công nghệ xe hơi thế hệ tiếp theo, điện tử thông minh và công nghệ sinh học. Thái Lan đang ráo riết học kinh nghiệm thu hút nhà đầu tư được nhiều như Singapore dù còn gặp rất nhiều thách thức

    Trước một Singapore thu hút nhiều nhà đầu tư

    Singapore đã thành công trong việc tạo ra các startup hàng đầu từ nhiều thập niên qua

    Gempei Asama, quản lý cấp cao của tập đoàn Deloitte Tohmatsu, cho rằng: “Singapore thu hút các quỹ đầu tư bởi nhà đầu tư rất dễ dàng thoái vốn”

    Singapore là nền kinh tế đứng đầu châu Á trong chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm nay do hãng nghiên cứu thị trường StartupBlink của Israel công bố – đứng thứ sáu toàn cầu, Trung Quốc hạng 12 và Nhật Bản hạng 18. Tham nhũng thấp, thủ tục giấy tờ dễ dàng và dân số có trình độ tiếng Anh cao là những yếu tố góp phần vào thứ hạng cao của Singapore. Sự thuận lợi của môi trường kinh doanh của Singapore ngang bằng với các nước phương Tây

    Trong khi đó, Thái Lan đứng thứ 52 trên thang điểm hệ sinh thái khởi nghiệp, sau Indonesia ở hạng 41 và Malaysia xếp thứ 43

    Những thách thức của Thái Lan

    Deloitte đã xác định 13 điểm thách thức lớn ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Thái Lan, trong đó có tình trạng độc quyền của các nhóm lợi ích hay tập đoàn, thiếu nhà đầu tư và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này có thể khiến các startup thoái lui. Tuy nhiên, việc miễn thuế lãi từ vốn hiện đang bắt đầu thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp khởi nghiệp

    Theo DealStreetAsia, các startup Thái Lan đã huy động được 530 triệu đô la trong quí 1-2023, nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch. Ngân hàng Ayudhya của Thái Lan cũng có kế hoạch ra mắt quỹ khởi nghiệp trị giá 1 tỉ baht (28,7 triệu đô la) vào tháng 9 sắp tới với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái cho các công ty khởi nghiệp Thái Lan

    Phần lớn vốn tập trung vào các startup tương đối quy mô hoặc đang trong giai đoạn tăng trưởng, nên các startup Thái Lan ở giai đoạn đầu gặp khó khăn về vốn. Vốn cho những startup non trẻ vẫn trong tình trạng khan hiếm

    Ngoài ra, thủ tục giấy tờ và quy định về kinh doanh khá phức tạp ở Thái Lan vẫn là mối lo ngại; không có cơ quan chính phủ tập trung vào việc xử lý giấy tờ hay hỗ trợ các công ty mới. Người sáng lập phải mang đơn đến nộp ở nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ yêu cầu các startup phải gửi văn bản để được hỗ trợ, việc phê duyệt có thể mất nhiều năm…

    Cuối năm 2022, Bangkok được xếp hạng 99 trên toàn thế giới về các chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp, tụt 28 bậc so với năm 2021 – theo bảng xếp hạng của StartupBlink

    Câu chuyện của Thai Union

    Thái Lan có nền nông nghiệp khá mạnh ở Đông Nam Á. Thế nhưng, danh sách 10 startup hàng đầu của nước này chỉ bao gồm các ngành giải trí và công nghệ. Các startup công nghệ nông nghiệp và thực phẩm của xứ chùa vàng vẫn còn chậm hơn các bạn đồng lứa ở Singapore

    SPACE-F là chương trình vườn ươm và gia tốc dành cho các startup ngành công nghệ thủy hải sản có quy mô toàn cầu của Thái Lan. Đây là chương trình được thành lập bởi Cơ quan đổi mới sáng tạo Thái Lan (NIAT), Đại học Mahidol và Thai Union Group – một trong những tập đoàn thủy hải sản lớn nhất thế giới, chiếm đến 20% sản lượng cá ngừ đóng hộp toàn cầu

    [​IMG]


    Hiện chiếm 20% lượng cá ngừ đóng hộp toàn cầu, Thai Union đặt mục tiêu là 40%. Thai Union đang nghiên cứu khai thác dầu cá từ đầu cá ngừ vốn bỏ đi để thành “động cơ tăng trưởng và lợi nhuận mới”
    Tiến sĩ Chris Aurand, người phụ trách các chương trình đổi mới sáng tạo của Thai Union, rất tự hào về nền tảng công nghệ, nghiên cứu và vốn mà Thai Union có thể hỗ trợ các startup

    Năm 2019, tập đoàn đã chi 300 triệu baht (hơn 9 triệu đô la) để thành lập Global Innovation Center (GIC), một trung tâm nghiên cứu đồ sộ ở Bangkok với 130 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, châu Âu và Trung Quốc

    Cuối năm 2021, GIC đã bổ nhiệm Maarten Geraets đứng đầu bộ phận đạm thay thế (alternative protein) mới thành lập. Garaets được xem là “nhân vật đáng bái phục” khi có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị và R&D tại tập đoàn Nestle. “Thai Union sẽ đứng đầu thế giới về các loại hải sản chế biến từ đạm thực vật”, Garaets nói với Nikkei Asia

    Các viên xíu mại có hương vị cá ngừ và thịt cua làm từ đậu nành và bột mì đã được Thai Union bán ở các siêu thị khắp Thái Lan với giá hơn 100 baht/vỉ, khoảng 3 đô la. Tập đoàn còn nhận được các đơn hàng hải sản chế biến từ đạm thực vật của châu Âu và chuẩn bị tung ra các sản phẩm thực vật có hương vị tôm. Sức mua của thị trường Thái Lan hiện khá khiêm tốn và chỉ chiếm 10%, trong khi đó châu Âu nhập đến 29% và Mỹ tiêu thụ đến 43% các loại “hải sản giả chay” của Thai Union

    Thai Union buộc phải có “khẩu vị” đầu tư khác. Quỹ mạo hiểm của tập đoàn tập trung vào ba mảng chiến lược chính – đạm thay thế, dinh dưỡng chức năng và công nghệ mới nhằm tăng chuỗi giá trị thực phẩm
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/7/23
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Thủ tướng mong các tập đoàn công nghệ Mỹ khai thác thị trường 100 triệu dân
    Thủ tướng mong các tập đoàn công nghệ của Mỹ tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các giải pháp công nghệ, chuyển giao công nghệ; hợp tác về tài chính, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số

    Chiều ngày 18/9 (giờ địa phương), tại thung lũng Silicon, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với tập đoàn công nghệ Meta (Facebook trước đây), Nvidia

    Thị trường Việt Nam rất lớn và tiềm năng

    Ông Joel Kaplan, Phó Chủ tịch Meta phụ trách chính sách công toàn cầu, đánh giá rất cao sự kiện Việt Nam – Mỹ vừa thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và nhấn mạnh thị trường Việt Nam rất lớn và tiềm năng

    Phó Chủ tịch Meta cho biết trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Meta đã bắt đầu sản xuất tại Việt Nam một số thiết bị cho “vũ trụ ảo” metaverse - thuật ngữ chỉ môi trường tích hợp liên kết tất cả các sản phẩm và dịch vụ của công ty

    [​IMG]
    Thủ tướng tin tưởng các hoạt động hợp tác với Meta sẽ ngày càng hiệu quả, thực chất hơn, nhất là trong các lĩnh vực chủ chốt như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo,...
    Tuy nhiên, việc này đã bị gián đoạn do đại dịch. Vì vậy, bây giờ tập đoàn muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục sản xuất các thiết bị của metaverse cho những năm tới

    Ông cho biết, ngay trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Meta đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vinh danh 12 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất đại diện cho 12 hạng mục giải thưởng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, lựa chọn từ 758 hồ sơ đăng ký tham gia từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ

    Ông Joel Kaplan dẫn chứng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam đã trở thành một đối tác chiến lược, quan trọng và hiệu quả tại Việt Nam của Meta ngay từ trước khi đại dịch Covd-19 bùng nổ. Hiện, trang fanpage trên Facebook của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có 4,2 triệu người theo dõi thường xuyên với tương tác rất tốt...

    Từ hình mẫu hợp tác này, Meta mong muốn triển khai chương trình hỗ trợ thực hiện ngoại giao số, hỗ trợ tiêm chủng… với các cơ quan khác

    Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện vừa xác lập, Việt Nam – Mỹ đã xác định hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá mới trong quan hệ song phương, nhất trí hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp

    Thủ tướng cho rằng, tương lai của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ phụ thuộc rất lớn vào khả năng hiện thực hóa các tiềm năng và cơ hội giữa các doanh nghiệp hai nước. Việc này nhằm phát triển đầu tư kinh doanh ở các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp Mỹ nói chung và Meta nói riêng

    Thủ tướng tin tưởng các hoạt động hợp tác với Meta sẽ ngày càng hiệu quả, thực chất hơn, nhất là trong các lĩnh vực chủ chốt như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, nội dung số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp…

    Thủ tướng mong Meta tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các giải pháp công nghệ, chuyển giao công nghệ nhiều hơn; hợp tác về tài chính để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số

    Đồng thời, hợp tác nâng cao năng lực quản trị trong các lĩnh vực mà Meta có thế mạnh; hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác phòng chống tội phạm mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và tăng cường cung cấp những thông tin tích cực, chính xác về quan hệ hai nước

    Thủ tướng hoan nghênh việc Meta tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thời gian tới với Trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng như các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam trên tinh thần cùng thắng, khai thác tốt nhất thị trường Việt Nam với 100 triệu dân, có lợi cho Mỹ, cho Việt Nam và cho quan hệ hai nước

    Mong Nvidia sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam

    Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian trao đổi với ông Jensen Huang - Chủ tịch của Nvidia về xu hướng phát triển AI toàn cầu và tiềm năng hợp tác rất rộng mở giữa công ty với Việt Nam, cũng như những góp ý cho chiến lược quốc gia về bán dẫn mà Việt Nam đang xây dựng

    Thủ tướng đề nghị Nvidia tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà tập đoàn có thế mạnh và Việt Nam cũng đang dành ưu tiên cao, góp ý, tư vấn về chính sách, hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực công nghệ và quản trị, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng

    [​IMG]
    Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch của Nvidia Jensen Huang
    Thủ tướng mời Chủ tịch Nvidia thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, với mong muốn Nvidia sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, lấy Việt Nam làm cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á

    Thủ tướng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các bộ tham gia đoàn công tác (Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đồng hành, hỗ trợ, cùng đại diện của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trao đổi cụ thể lại với Nvidia để có các kế hoạch triển khai các chương trình, dự án thời gian tới

    Nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng, Chủ tịch Nvidia đánh giá Việt Nam đang có những thay đổi rất lớn; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; kỳ vọng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này tại Đông Nam Á
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Synopsys hỗ trợ thành lập Trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại Hòa Lạc
    Theo biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam vừa được Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Synopsys ký kết, doanh nghiệp Mỹ hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip

    Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT vừa cho biết, ngày 18/9, tại Sunnyvale, California, Mỹ, Tiến sĩ Robert Li, Phó Chủ tịch Synopsys phụ trách kinh doanh tại Đài Loan và Nam Á và Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam

    Lễ ký có sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các lãnh đạo khác của Việt Nam trong chuyến thăm trụ sở Synopsys

    [​IMG]
    Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Synopsys diễn ra tại Mỹ vào ngày 18/9
    Hiện nay, NIC đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng

    Hợp tác mới ký kết với Synopsys nhằm đào tạo lực lượng lao động thiết kế vi mạch chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp thiết kế chip tại Việt Nam. Chương trình hợp tác này cũng hỗ trợ chiến lược của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp

    Cụ thể, Synopsys sẽ cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình “Đào tạo Giảng viên” cho NIC để giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip. NIC sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng mô phỏng và tạo mẫu công nghệ thông tin để thành lập trung tâm ươm tạo dự kiến đi vào hoạt động trong tương lai gần

    NIC cũng cho biết, trong phát biểu tại lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn và một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi

    Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam; đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT và các bộ, ngành xây dựng chương trình hành động để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030

    “Việc hợp tác giữa NIC và Synopsys sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực, các doanh nghiệp về thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam, cũng như tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định

    Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài cho biết: “Synopsys nổi tiếng với các giải pháp phần mềm thiết kế bán dẫn, IP và bảo mật phần mềm đầu ngành. Việc hợp tác thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch NIC tại Việt Nam có thể nhận được những lợi ích từ công nghệ thiết kế tầm cỡ thế giới của công ty bằng cách đào tạo các nhà thiết kế chip tương lai của chúng tôi theo những xu hướng mới nhất của ngành. Hợp tác cũng có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam”

    Ông Robert Li, Phó Chủ tịch Synopsys kỳ vọng việc hợp tác với NIC sẽ không chỉ mang tới những công nghệ mới cho các đối tác của tập đoàn tại Việt Nam mà còn bồi dưỡng tài năng trẻ cũng như giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam

    “Sự phát triển thành công của ngành bán dẫn đòi hỏi phải có tinh thần đồng đội và hợp tác giữa chính phủ, các trường đại học công nghệ, viện nghiên cứu và doanh nhân. Synopsys sẽ hợp tác chặt chẽ với NIC để giúp củng cố sự phát triển của ngành bán dẫn và nâng cao vị thế dẫn đầu trong khu vực”, ông Robert Li chia sẻ

    [​IMG]
    Những năm gần đây, doanh nghiệp Mỹ Synopsys đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho việc đào tạo nguồn nhân lực thiết kế chip tại Việt Nam
    NIC được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập tháng 10/2019 với sứ mệnh hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, góp phần đóng góp mô hình tăng trưởng đất nước dựa trên khoa học và công nghệ

    Trước đó, vào tháng 8/2022, Synopsys và Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác thành lập mô hình Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao. Trên cơ sở thỏa thuận này, từ tháng 10 cùng năm, Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch khu công nghệ cao (SCDC) bắt đầu đi vào hoạt động

    Gần đây nhất, vào đầu tháng 9/2023, SCDC đã được hợp nhất với Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC), để hình thành nên Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC)

    Qua đó, tạo thành một hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch
     
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Nvidia muốn lập cứ điểm tại Việt Nam để phát triển hệ sinh thái bán dẫn và AI
    Chiều 10-12, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Jensen Huang của Nvidia khẳng định Nvidia mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới

    [​IMG]
    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Jensen Huang, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia (Mỹ)
    Ưu tiên tập trung ngành công nghiệp bán dẫn

    Chiều 10-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Jensen Huang, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia (Mỹ), công ty sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1,2 nghìn tỉ USD

    Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước

    Do đó, cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực mà Việt Nam và Mỹ đã có văn bản hợp tác, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

    Thủ tướng cho biết Việt Nam hiện có khoảng 6.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước

    Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao từ nay tới năm 2030, trong đó ưu tiên đào tạo các kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn

    Cùng với đó, Việt Nam có gần 30.000 sinh viên sang học tập tại Mỹ mỗi năm, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng trong top 5 các nước có nhiều du học sinh nhất tại Mỹ. Cùng với đó, đang có khoảng 2,2 triệu Việt kiều tại Mỹ

    Thủ tướng đề nghị Nvidia xác định tầm nhìn chiến lược, lâu dài trong việc hợp tác, đồng hành, hỗ trợ Việt Nam xây dựng, thực hiện chiến lược bán dẫn quốc gia, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở cả ba công đoạn là thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip và đóng gói, kiểm thử

    Thủ tướng Chính phủ đề nghị Nvidia tập trung hợp tác đầu tư hạ tầng, xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn và công nghệ trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu lớn, tính toán hiệu năng cao và các chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam

    Nvidia đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam


    Chủ tịch Huang của Nvidia cho rằng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Mỹ tạo điều kiện, nền tảng rất thuận lợi cho các hoạt động hợp tác và lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai nước

    Ông Huang đánh giá cao tiềm năng, cơ hội lớn và chiến lược, tầm nhìn, cách tiếp cận rất rõ ràng, trọng tâm đầu tư hạ tầng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, và đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này - đây là nguồn tài nguyên lớn

    Việt Nam đang đứng trước thời khắc quan trọng trong quá trình phát triển; nếu thành công trên con sóng bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam sẽ thành công trong những khâu, lĩnh vực quan trọng nhất của công nghiệp, công nghệ

    Người Việt Nam rất giỏi về toán, Việt Nam có năng lực phần mềm tốt và đang có vị trí rất tốt để phát triển lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chủ tịch Nvidia đánh giá

    Cũng theo ông Huang, Nvidia đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam, xác định Việt Nam là thị trường quan trọng

    Với quan điểm coi Việt Nam là ngôi nhà của mình, ông khẳng định Nvidia mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai… góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam

    Nvidia rất hân hạnh có thể tham gia vào quan hệ đối tác với Việt Nam

    Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn những đánh giá và cam kết mạnh mẽ của chủ tịch Tập đoàn Nvidia, cho biết Việt Nam sẽ thành lập tổ công tác để triển khai, thúc đẩy các thỏa thuận, nội dung hợp tác giữa hai bên, do chính Thủ tướng làm tổ trưởng

    Tháng 9-2023, trong chuyến công tác tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm trụ sở Nvidia, mời ông Jensen Huang thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Đáp lại lời mời của Thủ tướng, chỉ sau chưa đầy ba tháng, chủ tịch Nvidia đã đến Việt Nam
     
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Boeing khủng hoảng truyền thông vì chiến lược thuê ngoài
    Tương tự như Apple, nhiều doanh nghiệp như Boeing cũng bắt chiếc tích cực thuê ngoài sản xuất để cắt giảm chi phí. Thế nhưng một chiếc iPhone hỏng thì dễ xử lý khủng hoảng truyền thông hơn nhiều so với một chiếc máy bay

    [​IMG]

    Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay Boeing cũng tương tự như nhiều doanh nghiệp Mỹ khác khi tích cực học tập Apple, tập trung thuê ngoài sản xuất để giảm chi phí

    Thế nhưng vụ tai nạn ngày 5/1/2024 của hãng hàng không Alaska Airlines khi chiếc 737 Max 9 bung cửa ở độ cao hơn 4.000 m khiến áp suất giảm đột ngột và gây nên nỗi kinh hoàng cho hành khách đã khiến Boeing phải nhìn nhận lại sai lầm

    Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên sản phẩm của Boeing gây tai tiếng khi các vụ tai nạn của 737 MAX 8 năm 2018-2019 đã khiến hãng bị gián đoạn sản xuất suốt gần 2 năm. Dẫu vậy, công ty vẫn chẳng học hỏi được gì từ những lỗi lầm đó

    Một chiếc iPhone hỏng, phát nổ hay trục trặc có thể dễ dàng bồi thường hoặc xử lý truyền thông, nhưng một chiếc Boeing hỏng thì không dễ để người tiêu dùng và các nhà chức trách bỏ qua như vậy

    [​IMG]

    Máy bay Boeing lỗi hàng loạt


    Năm 2001, kỹ sư John Hart Smith của Boeing tại một hội nghị chuyên đề kỹ thuật nội bộ đã cảnh báo công ty về những rủi ro của chiến lược mở rộng thuê ngoài và ký kết với nhiều nhà thầu phụ có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc

    "Hiệu suất của những nhà thầu phụ chắc chắn không bao giờ có thể vượt qua được những nhà cung ứng chính. Rất nhiều chi phí ẩn mà Boeing không lường tới vì chúng không thể hiện rõ ràng lúc bình thường mà chỉ bộc lộ khi tai nạn phát sinh", kỹ sư Smith nói

    Thế nhưng lời cảnh báo của Smith bị Boeing ngó lơ vì chi phí thuê ngoài rẻ hơn, đặc biệt là khi Apple thành công với chiến lược đặt nhà máy ở Trung Quốc của mình để trở thành doanh nghiệp lớn nhất nhì thế giới

    Thế rồi 20 năm kể từ lời cảnh báo của Smith, hãng Boeing bắt đầu nếm trái đắng từ chính chiến lược của mình

    Sau hàng loạt tai nạn năm 2018-2019 và hiện nay, tờ WSJ cho hay Boeing đang gặp rất nhiều vấn đề lỗi sản phẩm mà không chịu khắc phục. Từ khoan sai lỗ, bu lông bánh lái hỏng hay mới đây là bung cửa đều xuất phát từ chiến lược dựa vào thuê ngoài lẫn nhà thầu phụ của hãng

    Lấy ví dụ một nhà máy tại Wichita thuộc bang Kansas, chuyên sản xuất các thiết bị quan trọng cho Boeing 737 và 787. Ban đầu Boeing sở hữu nhà máy này cho đến năm 2005 trước khi bán lại cho hãng tư nhân Spirit AeroSystems

    CEO Alan Mulally của Boeing khi đó cho rằng việc cắt giảm các nhà máy mà họ sở hữu cho tư nhân sẽ khiến công ty dồn được nguồn lực tài chính cho khâu thiết kế, lắp ráp cuối cùng cũng như tiết kiệm chi phí hiệu quả

    Thế nhưng chất lượng sản phẩm cùng nhiều vấn đề đã phát sinh kể từ khi Spirit nắm quyền điều hành nhà máy này từ tay Boeing

    Xin được nhắc Spirit hiện đang là nhà cung ứng thân máy bay duy nhất của Boeing để sử dụng cho nhiều dòng sản phẩm phản lực, bao gồm cả chiếc máy bay thương mại gây tai nạn của Alaska Airlnes ngày 5/1 vừa qua

    Chính sự phụ thuộc doanh thu vào Boeing này mà Spirit đã vô cùng lao đao trong giai đoạn đại dịch Covid-19 cũng như khoảng thời gian 2018-2019 khi các vụ tai nạn liên tiếp diễn ra

    Đây là khoảng thời gian gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính của Spirit khiến họ phải cắt giảm lao động và hậu quả là không đáp ứng kịp các đơn hàng của Boeing khi nhu cầu trở lại

    [​IMG]

    Với khoảng 15.900 lao động, Spirit đã sa thải hàng nghìn người trong mùa đại dịch và thế là thiếu nhân viên lành nghề lẫn người đủ trình độ giám sát tiêu chuẩn sau đó

    Từ nguyên nhân này, nhiều lao động của Spirit cho biết vấn đề chất lượng nội bộ của hãng đã bị phớt lờ do thiếu nhân lực cũng như phải cố gắng chạy cho kịp tiến độ giao hàng trong bối cảnh tình hình tài chính công ty yếu kém

    Theo WSJ, bình quân mỗi ngày các lao động của Spirit phải sản xuất 2 thân máy bay, tương đương khoảng 10 triệu lỗ cần được lắp bu lông, dây buộc hay đinh tán, chưa kể những kỹ thuật khác. Công việc này là quá tải với lượng lao động mà Spirit hiện có

    Những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra với Boeing thời gian gần đây

    Nguồn tin nhân viên của WSJ cho hay áp lực tiến độ giao hàng nhưng giảm chi phí khiến vô số máy bay rời nhà máy với những lỗi chẳng ai thèm quan tâm

    "Nếu bạn lên tiếng về vấn đề chất lượng và gây rắc rối thì bạn sẽ bị thuyên chuyển hay sa thải. Nhân viên nhà máy vẫn phải làm việc tử tế, kiểm tra kỹ lưỡng nhưng họ sẽ không được viết hay báo cáo vấn đề đó ra rõ ràng", cựu kiểm toán viên chất lượng Joshua Dean của Spirit ngán ngẩm nói

    Bản thân anh Dean là một trong số những cựu lao động tham gia vụ kiện Spirit vào tháng 12/2023 vì giấu kín những lỗi yếu kém trên sản phẩm khi giao hàng

    Theo Dean, bản thân Spirit đã thiếu đi rất nhiều lao động lành nghề và kiểm sát viên chất lượng có kinh nghiệm kể từ sau đại dịch

    Thậm chí có những bữa tiệc nội bộ mà Spirit ăn mừng về số lỗi phát hiện đã suy giảm, thế nhưng Dean cho hay mọi người đều hiểu lý do là vì chẳng ai báo cáo các lỗi này cả nếu không muốn bị đuổi

    Nhiều nhân viên giấu tên nói với WSJ rằng dù có phát hiện lỗi thì cũng chẳng đến tai quản lý khi các kiểm soát viên sợ bị "trù dập" nếu báo cáo quá nhiều vấn đề gây chậm tiến độ giao hàng

    Mùa thu năm 2023, công đoàn lao động đã phản ánh về việc các kiểm soát viên chất lượng của Spirit bị sa thải để thay thế bằng nhân viên thời vụ. Lý do là những kiểm soát viên này phàn nàn quá nhiều khuyết điểm trong hoạt động sản xuất của hãng

    Trên thực tế, vấn đề đã được chú ý tới từ vụ tai nạn rơi máy bay Boeing MAX 8 cách đây 5 năm khiến 346 người thiệt mạng, nhưng chúng bị đổ lỗi cho thiết kế chứ không phải khâu sản xuất. Hậu quả là giờ đây Boeing phải gánh chịu cơn thịnh nộ của khách hàng lẫn các cơ quan điều tra

    "Thành thật mà nói hồi chuông cảnh báo về sản xuất nội bộ trong Boeing đã vang lên. Lần đầu tiên trong đời tôi phải thừa nhận rằng mình không dám để gia đình ngồi lên bất kỳ chiếc Boeing nào nữa", cựu giám đốc Ed Pierson của nhà máy sản xuất Boeing 737 tại Renton thừa nhận vào năm 2018
     
  7. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Lobby – Ngành công nghiệp tỷ đô
    Hơn ai hết, những công ty hoạt động ở Hoa Kỳ và châu Âu rất am hiểu sức mạnh của lobby. Họ biết rõ lobby có thể khiến công việc kinh doanh của công ty được thuận buồm xuôi gió

    Thậm chí, nếu doanh nghiệp “lỡ” dính vào một rắc rối pháp lý, lobby có thể khiến “việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không”. Sự thật này khiến ngành công nghiệp lobby thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm

    “Nuôi” chàng từ thuở hàn vi

    Trong loạt hồ sơ “Những cuộc chiến thương hiệu dai dẳng” đăng trên ĐTTC mới đây, chúng ta biết rằng Pepsi ra đời sau Coca Cola những 13 năm. Và trong khi Coca không ngừng vươn ra toàn cầu thì Pepsi 2 lần phá sản. Nhưng đến thời điểm hiện nay có thể Pepsi và Coca không chênh lệch nhiều

    Ngoài những nguyên nhân như cải tiến công thức, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng… còn một nguyên nhân quan trọng khác cho sự thành công của Pepsi: lobby

    Nhân vật quan trọng nhất trong chiến dịch lobby của Pepsi là Tổng thống Hoa Kỳ đời thứ 37 Richard Nixon. Dĩ nhiên, Pepsi tạo dựng quan hệ với Nixon từ khi ông chưa trở thành ông chủ Nhà Trắng. Nhờ mối quan hệ này, Pepsi đã “một bước lên mây” khi Nixon và Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev cụng ly Pepsi để chụp ảnh lên báo ở hội chợ Matxcơva năm 1959

    Và chữ ký đầu tiên của Nixon khi trở thành tổng thống là... chỉ thị gỡ bỏ hết máy tự động bán Coca trong dinh tổng thống, thay vào đó là Pepsi

    Dĩ nhiên, Coca cũng không đứng yên để chịu “ức hiếp”. Hãng này cũng tìm đến một nhân vật “máu mặt” để lobby, đó là ông Jimmy Carter. Sau khi Carter lên làm tổng thống, ông cũng làm điều tương tự: chỉ thị gỡ bỏ hết máy bán Pepsi trong dinh tổng thống và thay bằng Coca

    Cho đến nay, Coca, Pepsi và các doanh nghiệp đồ uống khác vẫn chi đậm cho hoạt động lobby. Năm 2009, ngành này chi tổng cộng 60 triệu USD cho lobby. Dĩ nhiên, Coca và Pepsi luôn dẫn đầu. Năm 2009, Coca chi khoảng 9,4 triệu USD cho hoạt động lobby, tăng vọt từ 2,5 triệu USD năm 2008. Pepsi cũng không chịu kém cạnh, tăng chi phí lobby từ 1,2 triệu USD năm 2008 lên đúng bằng 9,4 triệu USD năm 2009

    10 năm giành hợp đồng

    Năm 2010, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã gạt Airbus ra để ký với Boeing hợp đồng mua máy bay tiếp liệu trị giá 35 tỷ USD. Một số người cho rằng kết quả này là đương nhiên, vì Boeing là công ty Hoa Kỳ, trong khi Airbus là công ty châu Âu. Tuy nhiên, miếng ngon không rơi từ trên trời xuống

    Để có được hợp đồng này, Boeing đã phải chạy đua với Airbus suốt hơn 10 năm, từ khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có kế hoạch nâng cấp hệ thống máy bay tiếp liệu. “Mặt trận” chính trong cuộc chạy đua giữa 2 đại gia này không phải là công nghệ, giá cả, mà là lobby

    Chỉ trong năm 2008, 2 nhà sản xuất máy bay này đã chi tổng cộng trên 100 triệu USD cho lobby, trong đó Boeing 52 triệu USD và Airbus 47 triệu USD. Boeing cũng trội hơn Airbus khi lôi kéo được Hiệp hội Nhân công và Kỹ thuật viên Hàng không Quốc tế (IMAWA) đứng về phía mình trong cuộc chiến này

    Không rõ Boeing đã chi cho IMAWA bao nhiêu, chỉ biết IMAWA đã “nhả” ra 5 triệu USD để lobby cho Boeing. Trên phương diện “lobby công chúng”, mà cụ thể là các chiến dịch PR, Boeing cũng chi đậm hơn Airbus, khi bỏ 5 triệu USD cho các hoạt động PR ở thủ đô Washington, trong khi Airbus chi 1,7 triệu USD

    Boeing cũng trội hơn về “gà” lobby. EADS (công ty mẹ của Airbus) thuê cựu lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Trent Lott và cựu Nghị sĩ John Breaux làm lobby, trong khi Boeing thuê cựu lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện Dick Gephardt và phu nhân của cựu lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Tom Daschle, bà Linda Daschle

    Dầu tràn vẫn an nhàn

    Khi hàng triệu thùng dầu bắt đầu loang trên vịnh Mexico vào tháng 4-2010, các nhà làm luật đảng Dân chủ bắt đầu bàn bạc về số tiền mà công ty gây ra sự cố tràn dầu phải đóng phạt. Theo quy định của Hoa Kỳ, các công ty dầu mỏ phải đóng tiền vào Quỹ Nghĩa vụ dầu tràn (OSLTF) để giúp khắc phục những vụ tràn dầu lớn

    Nhưng theo Đạo luật Ô nhiễm dầu (Oil Pollution Act of 1990), một công ty chỉ phải đóng tối đa 75 triệu USD. Tuy nhiên, chính quyền liên bang cho rằng con số đó đã lỗi thời, nên nâng lên 1 tỷ USD

    Nhưng người ta nhanh chóng nhận ra rằng thiệt hại của vụ dầu tràn ở vịnh Mexico vượt xa con số đó, nên một nhóm các nghị sĩ, dẫn đầu là Robert Menendez, đã cố gắng thay đổi luật với đề xuất nâng mức trần từ 75 triệu USD lên 10 tỷ USD. Đề xuất này được phần lớn công chúng ủng hộ mạnh mẽ, nhưng vấp phải sự phản đối của đa số nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ ở các bang có dầu mỏ

    Ở giữa sự giằng co, các nhà lobby đã ra tay. Năm 2011, BP chi 8,43 triệu USD, tăng vọt so với 1 triệu USD chi cho lobby năm 2010 để các nhà làm luật “thấy” rằng thảm họa tràn dầu không phải xuất phát từ nguyên do chủ quan của công ty. BP đã thuê một trong những công ty lobby danh giá nhất là K Street

    Họ trả cho The Duberstein Group 400.000 USD để lobby các nhà điều tra vụ tràn dầu; chi 90.000 USD cho Stuntz, Davis & Staffier để giúp vận động Quốc hội điều chỉnh Đạo luật “Offshore Moratorium”; chi 320.000 USD cho The Podesta Group để vận động các nhà làm luật cho phép công ty khai thác trở lại ở vịnh Mexico...

    Không chỉ giúp giảm nhẹ các hình phạt, những đồng tiền lobby còn giúp BP giành được lợi lớn trong việc đấu thầu những giếng dầu và khí đốt ở vịnh Mexico khi chính quyền Obama đấu giá mời thầu các giếng dầu/khí đốt ở đó vào tháng 12-2011

    “Đầu tư cho các hoạt động lobby không có gì là sai vì nó thể hiện các doanh nghiệp và chính phủ đã gần nhau hơn. Nhưng thật nguy hiểm nếu lạm dụng việc này để che mắt khách hàng cũng như dư luận” - tờ New York Times bình luận
     
  8. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Bài học ‘đau đớn’ của Apple và Tesla khi Trung Quốc chọn 'cây nhà lá vườn'
    Đã từng có thời các CEO Mỹ coi Trung Quốc là vùng đất đầy cơ hội. Tuy nhiên, thời kỳ đó dường như đã trở thành quá khứ xa xôi

    Sau nhiều năm tăng trưởng thần tốc, một số tập đoàn công nghệ hùng mạnh nhất của Mỹ đã bắt đầu trượt dốc nhanh chóng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt là khi các công ty trong nước đã dần trở thành những lựa chọn thay thế khả thi. Và tất cả đã tạo nên một cuộc chạy đua xuống đáy đầy nguy hiểm để lấy lòng người tiêu dùng

    [​IMG]
    Các công ty công nghệ Mỹ như Apple đang chịu áp lực ngày càng tăng ở Trung Quốc

    Không có gì ngạc nhiên khi các công ty Mỹ từng coi đây là “thế kỷ của Trung Quốc” lại phải học một bài học đau đớn về việc kinh doanh ở Trung Quốc

    Apple đang phải vật lộn để đưa iPhone mới vào túi người tiêu dùng Trung Quốc, với dữ liệu từ Counterpoint Research cho thấy doanh số bán hàng đã giảm mạnh 24% trong sáu tuần đầu năm

    Trong khi đó, Tesla đã phải chịu sự sụt giảm lớn về lượng xuất xưởng từ nhà máy ở Thượng Hải vào tháng trước, với 60.365 xe được xuất xưởng, theo Bloomberg. Con số này thấp hơn 16% so với lượng xuất xưởng trong tháng 1 và thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc

    Điều này có thể không gây ra sự hoảng loạn ngay lập tức. Doanh thu ròng của Apple tại Trung Quốc đại lục có thể đã giảm 13% trong ba tháng cuối năm 2023 so với năm trước, nhưng họ vẫn tạo ra doanh thu 20,8 tỷ USD. Và Tesla không phải là công ty xe điện duy nhất gặp phải tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm

    Nhưng nó báo hiệu một sự trượt dốc thực sự đối với hai công ty lớn nhất của Mỹ ở Trung Quốc

    iPhone lo lắng, Tesla ngậm ngủi

    Trong trường hợp của Apple, ông Gene Munster, một đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management, cho rằng sự sụt giảm này có liên quan đến việc “các sản phẩm của Mỹ không còn được ưa chuộng ở Trung Quốc”

    [​IMG]
    Huawei khiến thế giới bất ngờ khi tung ra Mate 60 Pro
    Năm ngoái, báo chí phương Tây cho hay chính phủ Trung Quốc đã cấm các quan chức sử dụng iPhone. Thông tin này đã “xóa sạch” 200 tỷ USD khỏi giá trị thị trường của Apple

    Lệnh cấm đó trùng với thời điểm ra mắt sản phẩm Mate 60 Pro của Huawei, một điện thoại thông minh 5G sản xuất trong nước được nhiều người coi là một thiết bị đột phá sánh ngang với các tính năng của iPhone. Đặc biệt, chiếc điện thoại được ra mắt bất chấp lệnh cấm xuất khẩu ngăn cản việc sử dụng các linh kiện hàng đầu của Mỹ

    Nghiên cứu của Counterpoint cho thấy doanh số bán điện thoại Huawei đã tăng 64% trong cùng thời gian doanh số bán iPhone giảm gần 1/4

    “Cả Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng theo chủ nghĩa biệt lập hơn. Điều đó có lợi cho các thương hiệu nội địa. Với AI, động lực đó có thể sẽ tăng cường”, ông Muster cho hay

    Trong trường hợp của Tesla, sự suy thoái rộng hơn của thị trường xe điện, hình thành vào năm ngoái, có thể được cảm nhận đặc biệt vào tháng 2, do doanh số bán hàng nhìn chung chậm hơn trong dịp Tết Nguyên đán trong tháng

    Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, sự trượt dốc của cả hai đều là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến giữa Trung Quốc với Mỹ để giành quyền thống trị công nghệ đang ngày càng nghiêm trọng hơn

    Như Mate 60 Pro của Huawei cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc hiện đã có một chiếc điện thoại nội địa mang lại trải nghiệm giống iPhone

    [​IMG]
    Công ty xe điện BYD của Trung Quốc, hãng sản xuất Atto 3, là một trong những đối thủ lớn nhất của Tesla
    Trong khi đó, các nhà sản xuất xe điện địa phương như BYD đang tận hưởng sự quan tâm đột biến khi họ cố gắng thu hút người tiêu dùng bằng những phương tiện rẻ hơn nhiều so với Tesla

    Theo CarNewsChina, vào tháng 1, BYD báo cáo doanh số bán hàng tăng 43% nhưng đã mất vị trí dẫn đầu thị trường vào tay Volkswagen. Hãng cũng đã giảm giá các mẫu xe bán chạy nhất của mình trung bình 17%

    Khi Thủ tướng Li Qiang đặt ra mục tiêu tăng trưởng 5% hàng năm của Trung Quốc khi bắt đầu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc trong tháng này, mọi người đã thấy rõ công nghệ quan trọng như thế nào trong việc thúc đẩy mục tiêu đó thành hiện thực

    Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh dự kiến sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ trong nước

    Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc vừa ban hành một chị thị yêu cầu các công ty nhà nước trong nhiều lĩnh vực như tài chính và năng lượng “thay thế phần mềm nước ngoài trong hệ thống công nghệ thông tin của họ vào năm 2027”
     

Chia sẻ trang này