Sự kết nối dựa trên tình bạn

Thảo luận trong 'OBAMACARE' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 18/7/17.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Sự kết nối dựa trên tình bạn
    Tình bạn - Bí quyết biến chàng sinh viên vô danh trở thành người đàn ông giàu nhất Nhật Bản

    [​IMG]

    Vào ngày 20 tháng 5 vừa rồi, truyền thông Ả Rập Saudi đã làm bất ngờ giới chính khách cùng giới kinh doanh ở cả Mỹ lẫn Nhật Bản

    Khung cảnh hoàng tráng bên trong cung điện ở thủ đô Riyadh, tường trắng bao quanh sảnh lớn và một tấm thảm tuyệt đẹp dẫn tới chỗ ngồi của Vua Salman, ông đang có buổi gặp mặt với Tổng thống Donald Trump đến từ Mỹ. Phòng họp được chia làm 2, một nửa là các quan chức tới từ Ả Rập Saudi trong trang phục truyền thống, nửa còn lại là khách tới từ Mỹ

    Và rồi, thật bất ngờ, chủ tịch SofBank, ông Masayoshi Son bước ra từ hàng ngũ khách mời phía Mỹ, ông rảo bước tới trước mặt Vua Salman và trao đổi tài liệu với giới chức Ả Rập Saudi cũng như bắt tay với họ. Trump nhìn Masayoshi với con mắt tự hào, ông nở một nụ cười lớn với người bạn tới từ quốc gia Mặt Trời mọc

    [​IMG]
    Cuộc gặp mặt lịch sử của Masayoshi Son và Vua Salman

    Khung cảnh phía trên từ thoả thuận trị giá 93 tỷ USD giữa Masayoshi Son và Ả Rập. Điều bất thường ở đây là nó diễn ra trong cuộc hội nghị giữa Mỹ với lãnh đạo cấp cao Ả Rập

    Người ta từng nói đùa rằng không có một ai trên thế giới là Masayoshi Son không thể gặp được. Đó cũng chính là yếu tố tiên quyết giúp tạo nên một tỷ phú thành công như ngày hôm nay, mọi chuyện bắt đầu từ khi ông gặp gỡ người đàn ông quan trọng

    "Tôi bảo lãnh cho anh chàng này"

    Vào ngày 28 tháng 4 năm 2014, Masayoshi Son và ban lãnh đạo SoftBank gặp gỡ tại nhà hàng Toyoken ở quận Motoakasaka, Tokyo, Nhật. Họ tới đây để mừng sinh nhật ngài Tadashi Sasaki bước sang tuổi 100

    Tadashi Sasaki hay còn được biết với tên gọi Rocket Sasaki là một kĩ sư Nhật, phó chủ tịch của tập đoàn điện tử Sharp, người đã dẫn đầu công ty trong cuộc cạnh tranh máy tính cầm tay với đối thủ nội địa sừng sỏ Casio Computer

    Son đứng dậy và nói vài câu, trong đó có đoạn: "Nếu như tôi không gặp ngài, thầy Sasaki, vào thời điểm tôi còn là một sinh viên tại Berkeley, sẽ không có bất kì nhân sự SoftBank nào ngồi tại đây cả. Cho tới giờ phút này, tôi vẫn bồi hồi mỗi khi nghĩ về nó"

    "Mọi thứ chỉ bắt đầu từ ngày tôi gặp thầy, cám ơn thầy rất nhiều", Son nói và rồi nước mắt chảy trên gò má ông

    Son gặp Sasaki vào mùa hè năm ông 21 tuổi, khi ông vẫn đang là sinh viên của trường Đại học California, Berkeley. Thời điểm đó, Son quay về Nhật Bản để bán những chiếc máy dịch được ông sáng tạo nên cùng những giáo sư tại Berkeley. Ước nguyện lớn nhất của Son lúc đó là gặp được Sasaki để nhờ Sasaki bán sản phẩm của mình. Cảm phục trước nỗ lực và tài năng của Son, Sasaki đồng ý

    [​IMG]
    Son coi Sasaki như vị cứu tinh của đời mình, người đưa cho ông cơ hội đầu tiên để bắt đầu sự nghiệp

    Vào năm 1981, sau khi quả trở lại Mỹ, Son thành lập nên SoftBank. Mặc dù vậy, SoftBank thời điểm đó nhanh chóng gặp phải nhiều vấn đề về tài chính, buộc Son phải tới ngân hàng làm khoản vay 100 triệu Yên. Tất nhiên, các ngân hàng không đồng ý do SoftBank thời đó thiếu quá nhiều chứng từ, họ không đảm bảo rằng SoftBank có thể trả được khoản tiền mình vay

    May mắn thay, vấn đề của Son bằng cách nào đó tới được tai Sasaki, ông nhấc điện thoại lên, gọi cho giám đốc ngân hàng, một người bạn thời thơ ấu

    "Tôi bảo lãnh cho anh chàng tên là Masayoshi Son. Tôi muốn ông cho cậu ta vay khoản vay ấy, tôi có thể sử dụng lương hưu cùng nhà của mình làm tài sản thế chấp nếu ông cần", Sasaki nói

    Và cuộc điện thoại đó đã thay đổi cuộc đời Masayoshi Son

    Tình bạn

    SoftBank một lần nữa gặp phải khủng hoảng vào năm 1986, chỉ 5 năm sau khi được thành lập. Thời điểm này, có tới 20 lãnh đạo rời SoftBank và thành lập nên những công ty khác với mô hình tương tự. Họ mang theo toàn bộ danh sách khách hàng, kéo theo một số nhân sự xuất sắc, doanh thu của SoftBank cắm đầu xuống vực thẳm, một thời điểm không thể tệ hơn

    Son gọi những người bỏ đi là lũ phản chủ, thế nhưng Sasaki nhẹ nhàng nói: "Này, Son, cậu nên nghĩ về những mối quan hệ ngoài kia. Tôi nói về những mối quan hệ giữa người với người. Nhớ rằng, không có mối quan hệ nào trên đời mạnh hơn tình bạn"

    Lời của người thày Sasaki như khắc sâu vào tâm trí Son, từ đó về sau cách thức ông xây dựng các mối quan hệ cá nhân hoàn toàn thay đổi

    Nhớ lại, Son nói: "Tôi không thể chia sẻ nhiệt huyết của mình với họ, những người rời đi không thật sự xuất sắc và tôi cũng chưa có được tố chất để kết nối họ với nhau". Giờ đây, nguyên lý quản trị của Son được dựa trên sự chia sẻ về nhiệt huyết và nó thật sự rất nhiệu quả

    Không lâu sau đó, Son bắt đầu áp dụng lối suy nghĩ được người thày Sasaki dạy cho mình. Thời điểm này, có một người mà ông rất muốn gặp. Đó chính là Bill Gates, người đứng đằng sau người khổng lồ Microsoft

    Chỉ hơn Son 2 tuổi, thế nhưng Bill Gates là một tượng đài đối với Son và ông ngưỡng mộ Bill Gates trong tất cả các khía cạnh không chỉ có công việc. Son tin rằng không sớm thì muộn, SoftBank cũng sẽ chuyển từ một công ty chuyên phần cứng sang phần mềm, giống với Microsoft và Bill Gates vậy

    Không chờ quá lâu, tới tháng 7 năm 1987, Son bay tới Seattle để phỏng vấn Bill Gates cho tập san riêng của SoftBank. Mặc dù vậy mãi tới khi đặt chân đến Seattle, Son mới đặt được lịch hẹn với Bill Gates

    Ngay khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, Bill Gates cầm lên một số của tờ tạp chí PC Week và nói với Son rằng đây là một tạp chí rất đáng đọc

    Từ tình bạn này tới tình bạn khác

    Son ghi lại từng từ mà Bill Gates nói trong tâm trí. Thậm chí, ông bán đi cổ phần tại SoftBank để có tiền mua luôn nhà xuất bản Ziff Davis, chủ sở hữu tạp chí PC Week. Lần này, Son hỏi chủ tịch của Ziff Davis xem Son nên đầu tư vào thứ gì, câu trả lời ông nhận được là Yahoo, một startup chân ướt chân ráo trong làng công nghệ

    Son lập tức gặp người sáng lập Yahoo, ông Jerry Yang. Và cuộc gặp gỡ chóng vánh với kết quả Son quyết định đầu tư vào Yahoo

    Từ Yang, Son được giới thiệu với Jack Ma Yun trong một buổi đi dạo quanh Vạn Lý Trường Thành. Jack Ma được cử đi làm người giới thiệu cho Son về kì quan này. Buổi gặp mặt này diễn ra vào cuối năm 1999, tới nay, thứ mà Son nhớ nhất vẫn là một người đàn ông tài năng đến lạ thường. Có một số tin đồn cho rằng Son quyết định đầu tư vào Alibaba chỉ 5 phút sau khi gặp Jack Ma

    Thú vị hơn nữa, Steve Jobs, phù thuỷ làng công nghệ và là người đồng sáng lập nên Apple cũng có mối quan hệ tốt đẹp với Son. Steve Jobs đồng thời rất ngưỡng mộ Sasaki nên Steve Jobs và Son giống như hai đồng môn thất lạc. Sau khi rời Apple vào năm 1985, Steve Jobs đã đến gặp Sasaki tại văn phòng Sharp ở quận Ichigaya, Tokyo. Jobs xuất hiện với mái tóc dài, chiếc quần jeans bạc màu và lao thẳng vào phòng Sasaki để xin ý tưởng

    Cuộc gặp mặt của Steve Jobs với Son cũng hết mức kì lạ. Nó bắt đầu từ lúc Son gặp Larry Ellison, người sáng lập nên Oracle và rồi Larry Ellison giới thiệu Son với Steve Jobs. Cả 3 tới nhà của Ellison và cùng bàn bạc về tương lai ngành công nghệ. Tất nhiên vì cùng có một người thày nên cả Jobs lẫn Son đều rất kính trọng đối thủ

    Một khi Son xác định mối quan hệ với những doanh nhân khác là bạn bè, ông nhanh chóng gặp thêm nhiều người bạn mới và những thứ mới để đầu tư. Ông cho rằng thứ tình bạn ấy không thể thiết lập được bằng tiền. Đối với Son, tình bạn là một thứ tài sản không thể được thống kê bằng các báo cáo tài chính

    Người thày lớn nhất cuộc đời

    [​IMG]
    "Rocket" Sasaki tại một trung tâm chăm sóc người lớn tuổi, tháng 11 năm 2016

    Người thầy Sasaki ngày nào giờ đây đã 102 tuổi, ông quên khá nhiều và gặp phải chứng "lẫn" ở những người tuổi đã cao. Có những thứ ông nói không còn có nghĩa và ít ai hiểu được Sasaki đang thật sự nghĩ gì. Thế nhưng, trong một buổi gặp mặt, Sasaki lặng lẽ lấy ra một tờ tạp chí, đó là một số của tờ Nikkei Electronics và trên bìa có nội dung về thương vụ mua lại ARM Holdings của SoftBank, tất nhiên là có cả mặt người trò Son trên bìa

    Sasaki lặng lẽ nhìn xuống, ông im lặng trong vài phút và rồi nói: "Có vẻ như trò Son sẽ tiếp tục chiến đấu, chẳng có gì thay đổi từ ngày đầu tiên tôi gặp trò"


    Van Vu

     
    Chỉnh sửa cuối: 20/7/17
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Đôi bạn thân 30 năm Trần Đình Long - Trần Tuấn Dương

    [​IMG]

    Từ đôi bạn thân thời đại học trở thành chiến hữu đồng cam cộng khổ gây dựng tập đoàn tỷ đô

    Giới kinh doanh trong nước không còn xa lạ về truyện truyền kỳ: khi biết ông Trần Đình Long quyết định làm thép, một trùm buôn thép thời đó mỉa mai "biết gì về thép mà làm". Thời điểm đó, thủ phủ ngành thép ở Việt Nam đặt tại Thái Nguyên suốt mấy chục năm, ông chủ Hòa Phát chỉ là tân binh

    Nhưng nếu ai cũng chùn bước trước lời chê bai, không dám nghĩ khác làm khác, Việt Nam đã không có một tỷ phú đô la Trần Đình Long như hôm nay, một ông trùm giàu lên nhờ thép - thứ mà đồng nghiệp cùng ngành từng xem thường ông chẳng biết gì

    "LÚC THÀNH LẬP CÔNG TY, CHÚNG TÔI CHẲNG CÓ ƯỚC MƠ GÌ. ĐƠN GIẢN CHỈ MONG KIẾM SỐNG TỐT HƠN!"

    Ông Trần Đình Long sinh năm 1961, tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hải Dương. Dù có tình yêu đặc biệt với văn học nhưng cậu học sinh ngày ấy lại thi vào khoa Toán Kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Long ra trường với tấm bằng cử nhân loại xuất sắc vào năm 1986

    Trong những năm ngồi trên giảng đường, ông Long quen biết và thân thiết với người bạn Trần Tuấn Dương (SN 1963), cũng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1986. Có lẽ đôi bạn chí cốt ngày ấy cũng khó lòng tưởng tượng ra viễn cảnh sẽ là kề vai sát cánh gần 30 năm, cùng nhau trở thành những doanh nhân giàu có bậc nhất Việt Nam

    Trước khi khởi nghiệp, cả hai đều là “người nhà nước”. Trong khi ông Long công tác tại một công ty nhà nước thuộc Bộ Xây dựng thì ông Dương là nhà báo thuộc Thông tấn xã Việt Nam

    Năm 1992, ông Long và ông Dương cùng những người bạn của mình thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát, trong đó cụm từ Hòa Phát mang ý nghĩa “Hòa hợp để Phát triển”. Công ty khi ấy chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về

    "Nói thật, lúc thành lập công ty, chúng tôi cũng chẳng có ước mơ gì. Đơn giản chỉ mong kiếm sống tốt hơn thôi", ông Trần Tuấn Dương – Tổng Giám đốc Hòa Phát chia sẻ về ngày đầu lập nghiệp cùng Chủ tịch Trần Đình Long

    [​IMG]

    Thuộc nhóm công ty đầu tiên ra đời sau Luật Doanh nghiệp năm 1990 nên việc thành lập cũng lắm gian nan. Đầu tiên phải qua phòng Thương mại và Công nghiệp quận Hoàn Kiếm làm hồ sơ, chứng minh tài sản, mượn tiền, góp vài chục triệu vào ngân hàng để phong tỏa tài khoản, rồi xin giấy phép xác định nhân thân từng người. Công ty còn phải mượn nhà ông Long làm địa điểm vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký, rồi phải chứng minh vốn bằng cách đóng tiền vào ngân hàng, thậm chí đi mượn tiền người khác để đóng vào làm vốn pháp định

    Mùa xuân năm 1993, lần đầu tiên dàn lãnh đạo sang nước ngoài khảo sát thị trường. Hồi đó công ty tư nhân chưa được phép xuất nhập khẩu chính ngạch nên chỉ có thể nhập khẩu bằng đường biên, đi khảo sát cũng bằng hộ chiếu đường biên

    "Đến đoạn lên núi, hôm đó trời mưa phùn nên phải bò qua bằng cả hai tay hai chân tay để không trơn ngã. Người lấm bê bết bùn đất, bò qua biên giới mấy cây số. Mà không riêng gì mình, những người đi buôn tiểu ngạch thời đó đều đi như thế cả”, ông Dương kể lại trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hòa Phát

    Nếu như trước đó công ty chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về thì đây là lần đầu họ sang nước ngoài để nhập khẩu hàng hóa một cách tương đối bài bản. Bởi vậy sự kiện này có thể nói là bước thay đổi quan trọng của Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát

    "ỐNG THÉP CHỈ LÀ THÉP CẮT RA RỒI HÀN LẠI, MÀ MUA KHÓ NHƯ VẬY THÌ HAY LÀ MÌNH... TỰ LÀM"

    Đến năm 1994-1995, công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát có văn phòng tại đường Giải Phóng nên cần mua ít bàn ghế. Thời điểm ấy, các cửa hàng nội thất chủ yếu nhập từ Đài Loan về, bàn ghế làm từ gỗ, còn ghế văn phòng xoay tròn như ngày nay được liệt vào dạng cực hiếm, giá lên tới vài trăm nghìn đồng một chiếc. Mấy anh em chỉ tìm mua vài cái bàn, 50-70 cái ghế mà khó quá

    Người ta “khó quá bỏ qua”, nhưng với anh em ông Long và ông Dương, khó quá thì ta tự làm, nước ngoài làm được thì mình cũng làm được. Thế là họ thành lập công ty nội thất Sơn Thủy, bước đầu chủ yếu nhập khẩu từ một số nhà cung cấp Đài Loan, Malaysia, Singapore,...

    Nói về cái tên “Sơn Thủy”, ông Dương nhớ lại: “Thực ra hồi mới thành lập mấy anh cũng không biết đặt tên là gì, may có anh Sơn "đèn" cấp cứu kịp thời "Lấy luôn tên 2 vợ chồng tôi đi", thế là thành Công ty Sơn Thủy”

    Chuyện làm thép cũng không khác là bao

    Công ty Thiết bị Phụ tùng thường xuyên phải mua ống thép về làm giàn giáo, nhưng thu mua rất khó khăn, chờ đợi, xin phê duyệt rồi phải có tiền "lobby" mới mua được 5-10 tấn. Nghĩ bụng ống thép chẳng có gì, chẳng qua thép cắt ra, hàn lại thành ống mà mua khó như vậy thì hay là mình… làm ống thép. Thế là Công ty Đài Nam ra đời, tiền thân của Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát

    Nguồn gốc của cái tên Đài Nam cũng rất đơn giản, chỉ vì công ty của Việt Nam, nhập lô máy móc thiết bị đầu tiên của Đài Loan thì ghép lại thành Đài Nam. Về sau, tên công ty được thống nhất đổi thành Hòa Phát vì niềm tự hào hàng Việt Nam, không cần sính ngoại

    Thực tế, trong những năm cuối của thập kỷ 90, thủ phủ của ngành thép Việt Nam nằm ở Thái Nguyên, còn ông Long thực sự là "lính mới toe". Thế nhưng, nhìn thấy cơ hội lớn từ thép và tinh thần không biết sợ của những người sáng lập là lý do khiến công ty này vẫn tiến bước

    Năm 1996, Hòa Phát bắt đầu sản xuất ống thép từ nhà máy đầu tiên ở Hưng Yên. Bốn năm sau, thép xây dựng xuất hiện trong danh mục sản phẩm mới của doanh nghiệp. Rồi công ty có thêm nhà máy mới ở Bình Dương, Đà Nẵng, Long An, khu liên hợp tại Hải Dương và đặc biệt là khu liên hợp Dung Quất

    Chuyện bắt đầu vào mùa đông năm 2002, hai vị lãnh đạo có dịp sang Nhật Bản tham quan một trong số những nhà máy thép nổi tiếng nhất: Kobe Steel. Mọi thứ đều choáng ngợp, tổng công suất tại đây lên đến 6 triệu tấn một năm, vị trí nằm kề biển và có cảng rất lớn. Một con tàu đang đỗ ở cảng trọng tải vào cỡ 100.000 tấn. Các dòng băng chuyền chuyển nguyên liệu lên kho và sau đó vào nhà máy để sản xuất. Hệ thống đường nội khu rộng, có đèn xanh đèn đỏ không khác gì cao tốc. Và thế là ông Long, ông Dương lại gieo trong mình ước mơ về một nhà máy thép tỷ đô tại Việt Nam

    Từ thời điểm cảm thấy bản thân thật nhỏ bé ấy, 16 năm sau, ước mơ thành hiện thực khi Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư năm 2017, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 60.000 tỷ đồng (3 tỷ USD)

    “Khó khăn như vậy nhưng thực ra đó mới là cơ hội cho người biết làm và dám làm. Dễ thì mọi người cùng dễ, ai cũng làm được, thế là dễ lại trở thành khó", ông Trần Tuấn Dương từng nhận định

    Dù là một kẻ tay mơ nhưng cú rẽ ngang sang thép đã mang về thắng lợi lớn, không chỉ đóng góp 80% doanh thu, đưa Hòa Phát thành “ông trùm” ngành thép Việt mà còn đưa Chủ tịch Trần Đình Long vào danh sách tỷ phú USD do Forbes bình chọn, như ông Long từng tự hào: "Hòa Phát giống như xe tăng, xe lu, cứ đường thẳng mà đi. Hòa Phát cẩn trọng, nhưng đã làm là nhanh, rất nhanh"

    Theo báo cáo thường niên của Tập đoàn năm 2019, đối với các sản phẩm thép xây dựng, Hòa Phát “một mình một ngựa” tăng trưởng thị phần trong suốt thập kỷ qua, hoàn toàn ngược chiều với 4 doanh nghiệp đầu ngành còn lại là VNSteel, POM, Vina kyoei hay PoscoSS. Hiện tại, các sản phẩm thép xây dựng của Hòa Phát đang nắm giữ 26% thị phần toàn ngành

    Mảng ống thép cũng có cùng kịch bản khi thị phần tăng trưởng một mạch từ 14% (năm 2011) lên 32% (năm 2019)

    “BƯỚC VÀO NÔNG NGHIỆP NHƯ MỘT TỜ GIẤY TRẮNG"

    Năm 2015, thời điểm đã khẳng định mình với vị thế của một “ông trùm” thép, Hòa Phát lại khiến mọi người bất ngờ khi tuyên bố sẽ lấn sân sang nông nghiệp

    Trước những chất vấn của nhà đầu tư về một lĩnh vực rủi ro như nông nghiệp, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết: “Hòa Phát chỉ làm cái thị trường cần dù thép hay nông nghiệp, không xuất phát từ ý muốn chủ quan của công ty.” Đồng thời, việc mở rộng đa ngành là xu thế tất yếu, giúp Hòa Phát giảm thiểu rủi ro khi "bỏ hết trứng vào một giỏ"

    Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tập đoàn Hòa Phát, ông Long thừa nhận Hòa Phát bắt đầu làm nông nghiệp “như một trang giấy trắng”. Vì thế, khó mà tránh khỏi những vấn đề hoàn toàn mới, không thể lường trước, ví dụ như xử lý môi trường, chất thải

    Ban lãnh đạo công ty đã đi nhiều trang trại để học hỏi và từng đặt câu hỏi vì sao CP - tập đoàn Thái Lan có tiền nhưng không xây trang trại mà thuê người dân. “Đến nay, chúng tôi mới nhận ra là họ khôn hơn mình rất nhiều. Họ đẩy phần môi trường cho người dân chịu”, ông Long nói

    Cũng giống như cách mà Hòa Phát đã gây dựng ngành thép hay nội thất trong vài chục năm qua, Tập đoàn không dùng cách M&A, không thâu tóm đối thủ mà “tự tay làm hết”. Mục tiêu khi ấy cũng rất rõ ràng, đó là chiếm được 10% thị phần ngành thức ăn chăn nuôi

    [​IMG]

    Sau vài năm đầu tư chưa thấy “trái ngọt” khiến cổ đông nóng ruột, đến năm 2019, mảng nông nghiệp của Hòa Phát bắt đầu "cất cánh" với doanh thu tăng 172% nhờ mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi

    Trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập và phát triển Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát hồi cuối tháng 11/2020, ông Trần Đình Long tự hào tuyên bố: “5 năm làm nông nghiệp, Hòa Phát chúng ta đã làm được rất nhiều việc và định hình vị thế của Nông nghiệp Hòa Phát trên thị trường. Hiện tại cứ 2 con bò Úc ở Việt Nam thì có một con của Hòa Phát, đứng đầu cả nước. Đây là minh chứng rõ nhất của việc Hòa Phát luôn làm đến nơi đến chốn ở bất cứ ngành nghề nào"

    Sau gần 30 năm kề vai sát canh, Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương và Chủ tịch Trần Đình Long vẫn đang tiếp tục chèo lái con thuyền Hòa Phát vươn khơi xa. Theo lời kể của nhân viên, những người bạn từ thuở thiếu thời ấy vẫn đi ăn sáng, du lịch cùng nhau, chung sức đồng lòng để "Hòa hợp, Phát triển"
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/3/21

Chia sẻ trang này