Nhân tài số

Thảo luận trong 'Vietnam StartUp' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 15/5/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Gìn giữ nhân tài số trong chuyển đổi số
    - Thế nào là nhân tài số ?

    Từ khóa “Chuyển đổi số” đang trở thành cụm từ “nóng” trên Google tìm kiếm cũng như trong cộng đồng doanh nghiệp. Chuyển đổi số được hiểu đơn giản là quá trình doanh nghiệp chuyển đổi hoàn toàn cách thức, sản phẩm/dịch vụ kinh doanh và quy trình trên nền tảng số hóa bao gồm công nghệ, phần cứng và phần mềm. Chuyển đổi số chính là kết quả tạo ra từ việc doanh nghiệp áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào hệ thống kinh doanh. Để thực hiện được điều đó doanh nghiệp cần một lực lượng nhân lực phù hợp gọi tắt là nhân lực số trong đó thành phần tinh nhuệ nhất là nhân tài số

    Như thế nào gọi là nhân tài số và họ như thế nào là hai câu hỏi mà các lãnh đạo doanh nghiệp và trưởng phòng nhân sự cần định nghĩa chính xác để có thể thu hút đào tạo và phát triển phù hợp. Nhân tài số không chỉ đơn giản là một bạn trẻ biết sử dụng các thiết bị số, ứng dụng số và các công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn phải có nhiều đòi hỏi khác nữa. Nhân tài số có thể là các nhân viên có tuổi đời 40-50 hoặc già hơn nữa. Tổng quát, nhân tài số là các nhân viên sử dụng tối ưu các công nghệ số để phục vụ khách hàng tốt hơn thông qua kiến tạo các giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ

    Vượt lên những đòi hỏi bình thường về sử dụng số hóa trong cuộc sống, nhân tài số cần phải biết các công nghệ và thiết bị sẽ đem lại hoặc cải tiến những giá trị gì cho khách hàng và công việc hàng ngày. Thứ hai, họ cần phải hiểu và tích hợp được các công nghệ đó vào trong quy trình kinh doanh và các nguyên tắc làm việc truyền thống trong doanh nghiệp. Thứ ba, họ cần phải biết chuyển đổi kinh doanh truyền thống sang nền tảng số. Thứ tư, nhân tài số cần nắm vững cách thức phối hợp với các đồng nghiệp và đối tác gia tăng hiệu quả trong công việc. Thứ năm, họ biết tận dụng các giải pháp số hóa gia tăng hiệu năng làm việc cá nhân. Cuối cùng, nhân tài số cần biết đổi mới sáng tạo để tạo ra những cải tiến và giá trị mới trong công việc trong không gian số

    Một nhân viên tài năng số trong lĩnh vực bán hàng sẽ hiểu rất rõ các giá trị giải pháp bán hàng trên công nghệ đám mây sử dụng bằng máy tính bảng đem lại cho khách hàng như tốc độ đáp ứng, khả năng chia sẻ thông tin, cập nhật sản phẩm cho khách hàng. Nhân viên bán hàng số hóa đó biết cách tích hợp giải pháp bán hàng cùng với các quy trình kiểm soát KPI (chỉ số đánh giá thực hiện công việc), nhật ký thăm viếng khách hàng, quy trình báo cáo cho công ty... trên nền tảng số hóa. Nhân viên nắm rõ cách thức phối hợp với các đồng nghiệp trên toàn bộ chuỗi cung ứng số để giải quyết các vấn đề phức tạp mà khách hàng đòi hỏi. Bên cạnh đó, nhân viên tận dụng những tính năng của giải pháp bán hàng như tài liệu, video trình bày, các bảng biểu cập nhật trực tuyến giúp khách hàng đặt hàng cũng như có dịch vụ khách hàng tốt hơn

    Gìn giữ nhân tài số

    Để có được nhân tài số, doanh nghiệp cần đầu tư khâu tuyển dụng, đào tạo và phát triển các kỹ năng số, tri thức số, tâm thế số và lãnh đạo số. Chuyển đổi số là lĩnh vực mới mẻ tại Việt Nam do vậy doanh nghiệp cần tập trung cho đào tạo phát triển và tối ưu hóa hiệu suất nhân viên. Sau khi có được nhân tài số phù hợp, doanh nghiệp cần có chiến lược gìn giữ nhân tài số

    Chiến lược gìn giữ nhân tài số có những điểm khác biệt với chiến lược gìn giữ nhân tài truyền thống trên phương diện tích hợp. Gìn giữ nhân tài không chỉ là những chính sách, quy định, quy chế mà còn là cách thức làm việc, tích hợp giữa công nghệ/tự động và con người, mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống tích hợp gìn giữ nhân tài số - văn hóa số trên những cơ sở như sau

    1. Nền tảng số hóa doanh nghiệp: Nhân tài số đã có cuộc sống và sinh hoạt quen với các thiết bị và công nghệ số. Doanh nghiệp cần phải có nền tảng số hóa trong làm việc bao gồm phần cứng trang thiết bị cũng như phần mềm như các hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP, các công cụ trên thiết bị di động cùng với các hệ thống hành chính quản trị KPI trên nền tảng số... Nhân tài số cần những công cụ và công nghệ số căn bản tương tự người lao động tri thức thế kỷ 20 cần chiếc máy tính để bàn để làm việc

    2. Văn hóa làm việc số trong doanh nghiệp: Nhân tài số đòi hỏi cách thức tương tác, trao đổi xử lý công việc rõ ràng, minh bạch, đầy đủ thông tin và tương tác rất cao trong quản trị doanh nghiệp. Để giữ được nhân tài số, doanh nghiệp cần kiến tạo văn hóa số bao gồm các yếu tố như minh bạch rõ ràng trong quản lý và giao việc cũng như trách nhiệm; các thông tin ghi nhận trong quá trình làm việc là rõ ràng và cập nhật liên tục; trách nhiệm được phân định rõ ràng giữa các phòng ban và các cấp quản lý; tương tác đòi hỏi nhanh, chính xác và đầy đủ...

    Kiến tạo văn hóa làm việc số đòi hỏi thời gian và nỗ lực từ các cấp quản lý, đặc biệt là CEO. Việc kiến tạo văn hóa số không tốt thường là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của các nhân tài số

    3. Mô hình kinh doanh rõ ràng: Doanh nghiệp số khác với doanh nghiệp truyền thống khi số hóa đã phản ánh các thành phần kết hợp trong mô hình kinh doanh cũng như nói rõ mức độ đóng góp vào trong giá trị cuối cùng sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp. Nói cách khác, tại mỗi bộ phận hay vị trí, nhân viên biết rõ ràng mình phải làm gì, mình đóng góp bao nhiêu vào giá trị sản phẩm cuối cùng

    Mô hình kinh doanh minh bạch dẫn tới nhân viên hiểu rõ mình đã tạo ra bao nhiêu giá trị và sẽ nhận được tương ứng bao nhiêu lương và quyền lợi vào cuối kỳ kinh doanh. Đây cũng là một thách thức to lớn đối với các lãnh đạo doanh nghiệp khi họ phải thay đổi cách thức quản trị nhân viên như người làm công sang tâm thế coi nhân viên như đối tác trên cơ sở chia sẻ lợi nhuận cũng như chi phí trong kinh doanh

    4. Hệ thống giám sát và đo lường hiệu năng theo thời gian thực: Taxi công nghệ đã chiến thắng taxi truyền thống nhờ minh bạch giá cả, giám sát tài xế và kiểm soát tính minh bạch của tài xế. Trong doanh nghiệp cũng vậy, các nhân tài số cần một hệ thống tự động đo lường kết quả và hiệu suất thông qua hệ thống giám sát thời gian thực. Họ muốn biết rõ họ đang làm việc hiệu quả như thế nào, cần phải làm gì cho tốt hơn, họ đóng góp và hoàn thành công việc tới đâu và từ đó tính ra được phần thu nhập của họ. Quản trị hiệu suất theo thời gian thực là thành tố quan trọng giữ được những tài năng số

    5. Gia tăng hiệu suất và kích hoạt năng lực nhân viên: Nhân tài số luôn tìm kiếm doanh nghiệp có các giải pháp, công cụ, nền tảng hay công nghệ giúp tối ưu hóa hiệu suất. Một nhân viên bán hàng là nhân tài số sẽ thích đầu quân cho doanh nghiệp có hệ thống trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn, chatbot (chương trình máy tính tương tác với người dùng qua giao diện chat) để giúp họ bán hàng hiệu quả hơn

    Đầu tư vào công nghệ chính là tảng nam châm hút và giữ nhân tài số trong tổ chức. Nhân tài số cũng tìm kiếm nơi nào có khả năng kích hoạt năng lực tiềm năng trong con người họ và kết nối những người như họ. Do vậy, đào tạo tự động trực tuyến, nền tảng kết nối sáng tạo và các chương trình huấn luyện đóng vai trò quan trọng để thu hút và giữ nhân tài số

    6. Khách hàng là trung tâm: Nhân tài số luôn hướng tới mục tiêu giúp khách hàng gia tăng giá trị trong quá trình kiến tạo và bán hàng. Nếu tổ chức thật sự không lấy khách hàng là trọng tâm, tài năng số sẽ sớm hay muộn rời bỏ công ty do triết lý kinh doanh đi ngược với nền tảng và giá trị của họ. Công nghệ có thay đổi như thế nào đi nữa, triết lý khách hàng là trung tâm luôn luôn trường tồn

    7. Cân bằng công việc và cuộc sống: Số hóa và công nghệ đã xóa mờ khoảng cách về thời gian và không gian giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Đây là gánh nặng cho tài năng số do các áp lực đòi hỏi không bao giờ chấm dứt về công việc. Nhưng chính công nghệ là cách thức giúp cho các tài năng số thoát khỏi áp lực công việc nhờ các hệ thống chia sẻ công việc, dự báo vấn đề, tự động hóa xử lý

    * * *

    Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kết quả chuyển đổi số trong tổ chức sẽ ngày càng hiện hữu trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải có được nhân tài số. Tuy nhiên, có được nhân tài số chưa đảm bảo được thành công nếu như doanh nghiệp không nhận thức, định hướng và kiến tạo nền tảng giữ chân nhân tài số ngay từ hôm nay. Nền tảng giữ chân nhân tài số và nhân tài số chính là hai nhân tố đầu tiên mà doanh nghiệp phải có trên con đường chuyển đổi số thành công của mình.

    Vũ Anh Tuấn
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    "Cuộc chiến AI" giữa Mỹ và Trung Quốc
    - Trung Quốc và Mỹ đang tiến hành một “cuộc chiến” khác: giành giật một trong những nguồn tài nguyên quý nhất thế giới hiện nay: các tài năng trong ngành trí tuệ nhân tạo (AI)

    [​IMG]
    Một trong số những dự án AI của Alibaba là City Brain, hệ thống quản lý giao thông ở thành phố Hàng Châu

    Thế giới đang cần khoảng 1 triệu kỹ sư trong ngành AI, nhưng hiện chỉ có 300.000 người làm việc trong ngành này, theo báo cáo của một viện nghiên cứu có hợp tác chặt chẽ với Tencent Holdings, người khổng lồ Internet Trung Quốc

    Mặc dù toàn cầu có 370 học viện đào tạo công nghệ liên quan đến AI, nhưng mỗi năm họ chỉ cho ra khoảng 20.000 kỹ sư

    Các công ty hai bờ lục địa đang hối hả lấp đầy chỗ trống nhân sự trong ngành này. Google mở một trung tâm AI ở Bắc Kinh đầu năm nay để tuyển các sinh viên Trung Quốc. Tencent và đối thủ của họ là Alibaba Group Holdings tổ chức một hội thảo AI ở thành phố New Orleans hồi tháng 2 nhằm tuyển dụng người làm

    Trong một báo cáo phát hành mùa hè 2017, Trung Quốc tuyên bố rằng công nghiệp AI của họ sẽ bằng với những nước phát triển nhất vào năm 2020 và dẫn đầu thế giới vào năm 2030

    Tháng 5-2018, Mỹ tổ chức một cuộc họp với những kỹ sư AI hàng đầu ở Nhà Trắng, đưa ra lời hứa sẽ bằng mọi giá giữ chân các nhân tài ở lại nước Mỹ

    Những khoản lương lớn đang được các công ty đang chi ra để giữ người. Một nhà khoa học về dữ liệu ở Facebook nhận lương 400.000 đô la/năm, theo bà Tomoe Ishizumi, Tổng giám đốc công ty Palo Alto Insight, một nhà cung cấp dịch vụ AI. Các vị trí như vậy ở Google và Amazon cũng được đề nghị mức lương tương đương

    “Ngay cả các công ty lớn như IBM cũng khó kiếm người”, bà nói

    Nhật Bản không giữ được mức cạnh tranh về nhân sự trong ngành công nghệ thông tin. Trung bình một kỹ sư IT ở Mỹ nhận lương 100.000 đô la/năm, nhưng chỉ nhận được một nửa số đó nếu làm việc ở Nhật Bản, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này. Nghề IT được trả lương tốt hơn 140% so với các ngành công nghiệp khác ở Mỹ nhưng chỉ được trả tốt hơn 70% ở Nhật Bản. Ở Ấn Độ và Trung Quốc, mức chênh lệch lên đến 7-9 lần

    Hệ thống đãi ngộ dựa trên thâm niên của Nhật Bản là vật cản trong việc thu hút nhân tài. Và các công ty đang cố gắng đánh đổ truyền thống này. “Chúng tôi đang cần 7 thiên tài và 50 tài năng”, ông Yusaku Maezawa, Chủ tịch công ty Start Today điều hành hệ thống bán hàng thời trang trực tuyến Zozotown, đăng trên Twitter. “Thiên tài” được ông Maezawa định giá có mức lương tối đa 100 triệu yen (908.000 đô la) một năm

    Tháng 1-2018, Toyota Motor đưa Gill Pratt, cựu quản lý một dự án liên quan đến AI của Bộ Quốc phòng Mỹ, vào vị trí điều hành trong tập đoàn. Tháng 3-2018, tập đoàn này mở một công ty phát triển chuyên sâu xe tự lái với số vốn đầu tư 300 tỉ yen và một hệ thống tuyển dụng nhân sự hoàn toàn mới nhằm thu hút nhân tài AI

    Khoảng 163 triệu tỉ (trillion) gigabyte dữ liệu sẽ được tạo ra cho đến năm 2025, gấp 10 lần so với cho đến năm 2016. Với kiến thức về toán cao cấp, thống kê và xử lý dữ liệu, các kỹ sư AI sẽ là những bộ não chủ yếu biến đại dương dữ liệu trên trở thành hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong môi trường số

    Chính Phong
     

Chia sẻ trang này