SoftBank

Thảo luận trong 'OBAMACARE' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 6/9/17.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tỷ phú Nhật chiêu mộ 96 tài năng trẻ, cam kết đầu tư hỗ trợ để họ 'thay đổi thế giới'

    [​IMG]

    Son cũng đang kỳ vọng rất nhiều vào Yamauchi. Cậu là một trong số 96 người trẻ tuổi mà Son nhận thấy tiềm năng trở thành nhà lãnh đạo công nghệ tài năng trong tương lai. Được biết cả 96 người được chọn có tuổi từ 8 – 26 tuổi

    Ngày mà Soto Yamauchi - vẫn còn học tại trường cấp 2 thuộc Đại học quốc tế Gakugi Tokyo, cậu đã là CEO của một công ty về tiền ảo. Mục tiêu của Yamauchi là xây dựng được một đế chế kinh doanh "vượt" cả Softbank của Masayoshi Son

    Tháng 12 năm ngoái, Son đã sử dụng tiền túi của mình để thành lập nên Masayoshi Son Foundation – đơn vị hỗ trợ tài chính và những vấn đề khác cho những người mà ông tin rằng có đủ năng lực mà những nhà lãnh đạo tương lai cần. Tháng 7 vừa qua, Son và tổ chức của mình đã chọn được nhóm người trẻ tuổi đầu tiên để hỗ trợ cho họ

    Tôi gặp Yamauchi và 96 đồng đội xuất sắc của cậu tại Shibuya Cast – tổ hợp là ngôi nhà sinh hoạt chung của hàng loạt những nhà sáng tạo trẻ tuổi cách ga Shibuya khoảng 10 phút đi bộ. Ở đây được trang bị máy in 3D và nhiều thiết bị khác

    Yamauchi chia sẻ rằng hình mẫu lý tưởng của cậu là Richard Branson. "Tôi muốn quản lý một công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ông ấy và tạo ra một công ty đứng vị trí số 1 trên thế giới. Tôi sẽ vượt qua cả Softbank của ngài Son", Yamauchi nói

    Yamauchi chứng tỏ tài năng thiên bẩm của mình từ năm 2012 khi cậu mới học lớp 6. Yamauchi tham gia cuộc thi lập trình quốc tế dành cho các học sinh cấp 2 và giành giải cao nhất khi mới 15 tuổi

    Khi vào trung học cơ sở, cậu đã trở thành kỹ sư của một startup và sau đó, cậu tự thành lập công ty của riêng mình là Walt

    Walt có 10 nhân viên, có nhiều người trong độ tuổi 40. Công ty này hứa hẹn sẽ đơn giản hóa quy trình thanh toán, giao dịch tiền bạc và những giao dịch về tiền mặt khác. Do Yamauchi còn phải tham gia việc học nên cậu phải nỗ lực rất nhiều để cân bằng giữa việc học ở lớp và việc làm ở trên công ty

    Yamauchi cùng một người bạn trong nhóm tài năng trẻ được Masayoshi Son chiêu mộ

    Khi Son học năm thứ nhất ở trường cấp 3, ông đã tới Mỹ để học. Ở tuổi 19, ông đã có tham vọng khởi nghiệp kinh doanh. Vì vậy Son rất muốn thúc đẩy thế hệ sau mình tiếp tục tham vọng này

    Trên thực tế khi ở tuổi của Yamauchi, Son đã luôn được gọi là "người nói lớn"

    Yamauchi cũng nói thành thạo tiếng Anh. Cậu thậm chí được chấp nhận lời mời tới trò chuyện tại Đại học British

    Shinnosuke Chuman, 14 tuổi hiện là học sinh trung học. Cậu đã phát triển được một ứng dụng dành cho những người khổ sở vì dị ứng thức ăn. Bản thân Chuman cũng bị dị ứng trứng

    Chuman nhớ cảm giác thất bại trong lần đầu tiên thuyết trình trước nhóm của tỷ phú Son nhưng khi quay lại ghế của mình, Son nói với cậu rằng: "Điểm yếu của một người có thể biến thành điểm mạnh"

    Và quả thật sau đó, Chuman đã đạt được danh sách dài những thành tựu đáng ngưỡng mộ: Trong năm 2015, khi vẫn còn là học sinh cấp 2, cậu đã chiến thắng trong một cuộc thi lập trình được tổ chức bởi Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp nhật Bản dành cho những người dưới 22 tuổi

    Cùng năm đó, cậu cũng giành được một giải thưởng khác trong cuộc thi Teens Apps Awards. Năm ngoái, cậu tiếp tục rinh giải thưởng BCN IT Junior để biểu dương thành tựu của những người trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin

    Mặc dù giấc mơ ban đầu của Chuman là trở thành phi hành gia nhưng hiện cậu muốn học về công nghệ kỹ thuật số tại Singapore với sự giúp đỡ từ quỹ của Son

    Son tìm kiếm gì từ những nhân tài trẻ này

    Son hiện 60 tuổi là một trong số ít những doanh nhân tỷ phú đôla tại Nhật Bản. Vốn hóa thị trường của Softbank hiện đã chạm mốc 10 nghìn tỷ yen (tương đương 91,4 tỷ USD). Tuy nhiên ông vẫn luôn hoài niệm về tuổi trẻ

    "Tôi thấy ghen tị với độ tuổi trẻ trung của các bạn. Tôi muốn thời gian quay lại một lần nữa"

    Ngoài ra, ông cũng chưa bao giờ hài lòng với cuộc sống của mình. Tại buổi công bố báo cáo kết quả kinh doanh vào ngày 7/8, Son đã được hỏi là tự đánh giá mình mấy điểm. Ông đã chỉ cho mình 28 trên 100 và nói rằng ‘tương lai rất sáng lạn"

    Ở độ tuổi của ông, một trong những thử thách lớn nhất là tuyển dụng và tìm những người kế nghiệp tiềm năng

    Son cũng đã tuyên bố công khai rằng sẽ tìm người kế nghiệp sau đó chuyển giao công việc kinh doanh cho họ trước năm 70 tuổi

    Thứ mà Son tìm kiếm ở người kế nhiệm của mình là sự hiểu biết về kinh doanh toàn cầu cũng như kiến thức về công nghệ và tài chính

    Yamauchi đã đùa khi chúng tôi nói chuyện với cậu ở Shibuya: "Cháu băn khoăn là hình như ngài Son đang muốn sử dụng quỹ của ông ấy để tạo ra một bản sao của chính mình"

    Quỹ của Son bắt đầu tìm kiếm những ứng viên tiềm năng bằng việc mời các trường giới thiệu những người sáng giá. Khoảng 1.100 người đã gửi hồ sơ. Chỉ 110 tham gia vào vòng cuối cùng

    Tuy nhiên, chỉ 96 người vượt qua bài phỏng vấn cuối cùng vẫn đang trong quá trình thử thách. Họ là "thành viên hội đồng" trong 1 năm. Sau đó, sẽ trải qua một vòng thi khác, nếu vượt qua, họ sẽ nhận hỗ trợ về tài chính trong 4 năm. Sau 4 năm hoạt động, họ sẽ tiếp tục mở rộng khả năng và cơ hội của mình cho tới năm 28 tuổi. Hiện thành viên trẻ tuổi nhất của tổ chức mới 8 tuổi

    Về mức độ trợ giúp của tổ chức với mỗi người sẽ khác nhau thông qua việc trao đổi cụ thể với từng ứng viên. Đổi lại, Genda nói Son và Softbank "không kỳ vọng bất cứ thứ gì". Hy vọng duy nhất của họ là "đào tạo nguồn nhân lực – những người sẽ tạo ra lợi ích cho xã hội và thay đổi thế giới"

    Vân Đàm
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/9/17
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Ông chủ SoftBank muốn đầu tư gần 900 tỷ USD vào công nghệ
    Masayoshi Son đang lên kế hoạch huy động 880 tỷ USD để đầu tư vào ít nhất 1.000 hãng công nghệ trong 10 năm tới

    Vài tháng sau khi thành lập một trong những quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới, ông chủ SoftBank vừa cho biết sẽ sớm giới thiệu thêm một quỹ khác. Ông chia sẻ trên Nikkei rằng đang có mục tiêu huy động khoảng 880 tỷ USD để đầu tư vào ít nhất 1.000 doanh nghiệp trong 10 năm tới

    "Vision Fund chỉ là bước đầu tiên. Chúng tôi sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô. Vision Fund 2,3 và 4 sẽ được thành lập trong 2-3 năm tới", tỷ phú người Nhật nói. Hiện tại, Vision Fund đang đầu tư rất nhanh và đổ nhiều tiền vào các startup như WeWork, Slack, Flipkart...

    [​IMG]
    Ông chủ SoftBank hiện là một trong những nhà đầu tư quyền lực nhất giới công nghệ

    Masayoshi Son đã trở thành một ông vua mới trong lĩnh vực công nghệ. Gần một năm trước, ông ra mắt Vision Fund. Quỹ đầu tư này được hỗ trợ bởi Saudi Arabia, SoftBank, Apple và nhiều tên tuổi lớn khác. Tính đến tháng 5, ông đã gọi vốn được 93 tỷ USD - một phần trong kế hoạch 100 tỷ USD của Vision Fund dành cho các hãng công nghệ

    "Cuộc chạy đua vàng cho công nghệ đã bắt đầu. Những khoản đầu tư lớn của SoftBank để nuôi một con ngỗng có thể đẻ trứng vàng", ông Son phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng 5

    Trong một buổi phỏng vấn mới đây với Bloomberg, ông chủ SoftBank đã kể về cuộc gặp và thuyết phục vua Saudi Arabia - Mohammed bin Salman bin Abdulaziz đầu tư 45 tỷ USD vào quỹ Vision Fund chỉ trong 45 phút. "Mỗi tỷ được huy động trong một phút", ông Son nói

    Son là người có nhiều phát ngôn táo bạo. Ông từng tuyên bố đã có kế hoạch 300 năm cho Softbank và muốn đưa công ty thành doanh nghiệp giá trị nhất thế giới. Với Vision Fund, Son cũng cam kết trở thành nhà đầu tư công nghệ lớn nhất trong thập kỷ tới. Ông đang đặt cược vào tương lai của trí tuệ nhân tạo, thiết bị kết nối, vệ tinh và việc tích hợp giữa máy tính và con người


    Anh Tú
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tham vọng của Softbank sau thương vụ Grab thâu tóm Uber

    [​IMG]
    Theo nhiều nguồn tin, Softbank là tác nhân chính thúc đẩy thương vụ hợp nhất giữa Grab và Uber lần này

    Softbank hưởng lợi nhiều nhất ?

    Thương vụ giữa hai đối thủ kình địch là Uber và Grab nhưng hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong các bài báo sáng 26.3, lại là Masayoshi Son – người đứng đằng sau kịch bản Grab thâu tóm Uber. Và được cho cũng sẽ là "nhạc trưởng" của thị trường xe tự lái trong tương lai. Bởi không phải Uber hay Grab, chính tập đoàn Softbank của Nhật Bản do Masayoshi Son sở hữu mới là người được hưởng lợi nhiều nhất. Thương vụ Grab mua lại Uber chỉ là một trong những toan tính đầy tham vọng của ông trùm đầu tư người Nhật Bản

    Chấp nhận bán mình cho Grab. Dù thương vụ này có giúp Uber "làm đẹp bảng báo cáo tài chính" trước khi IPO nhưng vẫn là một thất bại đau đớn của Uber, với tư cách công ty khởi nghiệp giá trị nhất hành tinh

    Đây cũng là lựa chọn bất đắc dĩ của CEO của Uber, khi hồi đầu năm, chính vị này còn đích thân đến châu Á để đẩy mạnh việc hợp tác với các công ty taxi của Nhật Bản và Ấn Độ - nhằm mở rộng thị phần chứ không chỉ bó hẹp ở Mỹ và châu Âu

    Theo nhiều nguồn tin, gã khổng lồ Nhật Bản là tác nhân chính thúc đẩy thương vụ hợp nhất giữa Grab và Uber lần này. Bởi Softbank không chỉ đầu tư cho Uber, mà còn cho tất cả các đối thủ lớn nhất của Uber như Didi Chuxing ở Trung Quốc, ứng dụng gọi xe 99 tại Brazil, Ola ở Ấn Độ và Grab ở Đông Nam Á

    Uber đã rút khỏi Trung Quốc, nhường sân cho Didi Chuxing. Còn với thương vụ mới nhất vừa rồi, Grab đã loại được một đối thủ nặng cân nhất và gần như trở thành độc chiếm thị trường Đông Nam Á, khi bây giờ chỉ còn lại cái tên Go Jek là cần dè chừng. Trong khi Uber chật vật cạnh tranh với công ty taxi lớn nhất Nhật Bản Nihon Kotsu, Softbank đã âm thầm đứng đằng sau Didi Chuxing để dàn xếp quan hệ hợp tác với một công ty khác làm đối trọng ở Nhật

    [​IMG]

    Softbank không muốn dừng lại ở một tập đoàn viễn thông, Internet, mà còn tham vọng trở thành nhà đầu tư hùng mạnh nhất trong lĩnh vực công nghệ. Năm 2017, tập đoàn này hợp tác với Saudi Arabia và một số đối tác khác, thành lập quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới với giá trị lên đến 100 tỷ USD. Theo như tờ Business Insider đã nói, với việc đồng ý Softbank trở thành cổ đông lớn nhất của mình, "Uber đã mời hổ vào chuồng gà mất rồi"

    Tham vọng lớn của Softbank

    Sự hợp nhất giữa Grab và Uber ở Đông Nam Á không phải là ý tưởng mới. Năm ngoái, nhà mạng Nhật Bản Softbank đã bơm hàng tỷ USD vào Uber để có được tiếng nói trong công ty này. Sau thương vụ, có nhiều đồn đoán cho rằng hai hãng gọi xe này sẽ về một nhà, vì đại diện Softbank cũng có chân trong ban điều hành của Grab

    “Softbank sẽ đóng vai trò hợp nhất”, nguồn tin thân cận với Grab nói hồi năm ngoái. Nguồn tin này cũng cho rằng, với việc Softbank có chân trong ban giám đốc của cả hai hãng gọi xe, việc đàm phán giữa hai bên có thể tiến triển tốt hơn

    Tờ Independent phiên bản Singapore cho biết nếu có hợp nhất, Grab và Uber vẫn sẽ tồn tại như hai ứng dụng riêng biệt, nhưng phần vận hành phía sau sẽ gom thành một. Điều này có nghĩa là những khuyến mại, các chương trình giảm giá có thể sẽ bị cắt giảm

    Việc chuyển giao thị trường Đông Nam Á cho Grab có thể giúp Uber tập trung hơn vào các khu vực khác có lợi nhuận tốt hơn

    Tuy nhiên, Dara Khosrowshahi - CEO Uber - hồi tháng 11/2017 cho biết việc sáp nhập giữa hai bên khó có thể xảy ra. Ông cũng nói rằng khu vực này đang được rót vốn rất mạnh để tăng trưởng và việc thay đổi kế hoạch sẽ không xảy ra trong tương lai gần

    Sự hợp nhất giữa hai công ty tiêu biểu nhất trong việc gọi xe có thể có lợi cho họ trong việc tiết kiệm chi phí vận hành và tập trung nguồn lực, tuy nhiên người dùng có thể không hưởng lợi do khi không còn đối thủ cạnh tranh, giá cước có thể tăng lên

    Minh Đức Nikkei
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Softbank xây nhà máy điện mặt trời 200 tỉ đô la ở Ả rập Saudi
    - Hôm 27-3, tại New York (Mỹ), ông Masayoshi Son, Giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư Softbank (Nhật Bản) đã ký văn bản ghi nhớ với Thái tử Ả rập Saudi Mohammed Bin Salman về việc Softbank xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời trị giá 200 tỉ đô la Mỹ ở vương quốc dầu mỏ này

    Hãng tin Bloomberg cho biết dự án này là một động thái mới nhất của Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề kinh tế và phát triển Ả rập Saudi nhằm đa dạng hóa nền kinh tế để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ

    Dự án sẽ được xây dựng trên vùng sa mạc của Ả rập Saudi và có công suất lên đến 200 GW, tức cao gấp 100 lần công suất của dự án nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới hiện nay

    “Đây là một bước tiến khổng lồ trong lịch sử nhân loại”, Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman nói khi đánh giá về dự án

    Sau khi được xây dựng xong, dự án sẽ tăng gấp ba tổng công suất điện của Ả rập Saudi. Tổng công suất điện của Ả rập Saudi đạt 77 GW vào năm 2016, trong đó 2/3 đến từ khí đốt và 1/3 còn lại đến từ dầu

    Ông Masayoshi Son cho biết dự án sẽ tạo ra 100.000 việc làm và giúp Ả rập Saudi tiết kiệm 40 tỉ đô la Mỹ chi phí sản xuất điện. Dự kiến, dự án sẽ đạt công suất tối đa vào năm 2030 và lúc đó, dự án có khả năng đáp ứng cho cầu điện cho 140 triệu hộ gia đình mỗi năm

    Theo vị CEO này, vương quốc Ả rập Saudi có nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào, có diện tích đất còn dư dôi lớn và có đội ngũ kỹ sư và người lao động chuyên nghiệp. "Nhưng quan trọng hơn hết, vương quốc này có tầm nhìn tốt và dài hạn”

    Chánh Tài
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/3/19
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tỷ phú SoftBank tính mở thêm quỹ đầu tư 100 tỷ USD
    Quỹ Vision Fund 2 có thể có quy mô khoảng 100 tỷ USD - tương đương với Vision Fund hiện tại...

    [​IMG]
    Masayoshi Son

    Ông Masayoshi Son, người sáng lập, giám đốc điều hành của tập đoàn SoftBank đang tính thành lập một quỹ đầu tư 100 tỷ USD mới - phiên bản 2.0 của quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới Vision Fund, Bloomberg dẫn các nguồn tin thân cận cho biết

    Theo nguồn tin trên, doanh nhân Nhật Bản đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận sơ bộ với các nhà đầu tư về việc rót vốn vào quỹ này đầu năm 2019. Quỹ này sẽ thu hút lượng nhà đầu tư lớn hơn nhiều so với Vision Fund - quỹ có nguồn vốn chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất

    Quỹ Vision Fund 2 có thể có quy mô khoảng 100 tỷ USD - tương đương với Vision Fund hiện tại, nguồn tin cho biết. Hiện tại, khoảng 45 tỷ USD của Vision Fund được rót vào nhiều hãng công nghệ từ Uber cho tới Nvidia Corp

    "Tôi không chắc ông ấy (Masayoshi Son) có thể tìm được các cơ hội đầu tư tốt hơn ở đâu", Dan Baker, nhà phân tích của Morningstar Investment Management Asia Ltd. ở Hồng Kông cho biết. "Quỹ này có vẻ sẽ cần thêm rất nhiều vốn"

    Tại một sự kiện diễn ra tại Tokyo, Nhật ngày 15/5, tỷ phú Son tuyên bố quỹ thứ 2 này sẽ sớm được ra mắt

    "Vision Fund 2 chắc chắn sẽ được mở, giờ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Có thể sẽ trong tương lai gần", ông Son nói tại sự kiện

    Dù không tiết lộ thời gian cụ thể cũng như quy mô của quỹ đầu tư này, tỷ phú Nhật chia sẻ nhiều về cách thu hút đầu tư của mình

    "Mỗ khi đội ngũ tiến hành thẩm định, họ làm trong vài tháng và rất kỹ. Nhưng những suy nghĩ của tôi trong vài phút đầu tiên nhiều khi có ý nghĩa hơn so với tính toán chi tiết", ông Son cho biết

    "Khi đã làm rất nhiều lần, bạn thậm chí chẳng cần nghĩ, chỉ cần cảm nhận"

    Hoài Thu
     
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Hai tập đoàn Toyota và Softbank hợp tác phát triển xe tự hành
    Hai "đại gia" lớn của Nhật Bản là Tập đoàn sản xuất xe ô tô Toyota và Tập đoàn Softbank sẽ hợp tác phát triển dòng xe tự hành và các công nghệ tự động tiên tiến

    Trong thông báo ngày 4/10, hai tập đoàn trên công bố kế hoạch thành lập một liên doanh lấy tên là "Monet"

    Dự kiến, công ty này sẽ được thành lập vào tháng 4/2019 với vốn đầu tư ban đầu là 2 tỷ yen (tương đương 17,5 triệu USD) và có thể tăng tới 10 tỷ yen (87,5 triệu USD) sau đó.

    Theo thỏa thuận giữa hai bên, Softbank sẽ nắm giữ 50,25% cổ phần và Toyota nắm giữ phần còn lại

    Cùng ngày, Giám đốc điều hành của Monet Junichi Miyakawa cũng đã công bố kế hoạch vận hành của liên doanh này, theo đó trong nửa sau của thập kỷ tới, liên doanh sẽ gia nhập thị trường cung cấp dịch vụ xe tự hành sử dụng xe ôtô điện do Toyota sản xuất, đáp ứng nhu cầu xe tự hành, bao gồm các dịch vụ vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu hoặc di chuyển bệnh nhân trong bệnh viện,...

    Ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của cả Toyota và Softbank trong kế hoạch hợp tác này

    Chủ tịch Toyota Akio Toyoda cam kết chuyển đổi tập đoàn "từ một nhà sản xuất xe ôtô thông thường thành một công ty sản xuất xe ôtô tự hành" trong bối cảnh các đối thủ Mỹ, Trung Quốc, châu Âu đã tiến khá xa trên con đường "chinh phục" xe tự hành

    Xuất phát điểm là một công ty phần mềm, song đến nay Softbank đã trở thành một công ty đầu tư với nhiều dự án tại nước ngoài, bên cạnh các mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn là dịch vụ viễn thông và Internet

    Trong vài năm gần đây, Softbank đã hoàn tất nhiều thỏa thuận đầu tư vào công ty robot của Pháp Aldebaran và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc

    Lan Phương
     
  7. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Ả Rập Xê Út rót thêm 45 tỉ USD cho quỹ đầu tư của hãng SoftBank
    Ả Rập Xê Út sắp cược gấp đôi vào khả năng chọn các hãng công nghệ lớn trong tương lai của tỉ phú Nhật Bản Masayoshi Son, nhà sáng lập hãng SoftBank, công ty có quỹ đầu tư công nghệ Vision Fund lớn nhất nhì thế giới

    Số tiền 170 tỉ USD sẽ đến từ việc bán cổ phần hãng Saudi Basic Industries và đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Saudi Aramco, theo Chủ tịch PIF Mohammed Bin Salman, người cũng là Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út

    PIF muốn trở thành nhà đầu tư quan trọng trong quỹ đầu tư trị giá 100 tỉ USD mà CEO SoftBank đang muốn gọi vốn. Số tiền sắp đổ vào sẽ đưa tổng số tiền đầu tư mà PIF rót vào hai quỹ của SoftBank lên mức 90 tỉ USD. “Chúng tôi hưởng lợi rất lớn từ quỹ đầu tiên. Chúng tôi sẽ không rót thêm 45 tỉ USD từ PIF nếu chúng tôi không nhìn thấy khả năng kiếm tiền lớn trong năm đầu với 45 tỉ USD đầu tiên”, Hoàng thái tử Mohammed nói

    Kể từ khi ra mắt chiến lược biến đổi PIF thành quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, Ả Rập Xê Út thực hiện nhiều khoản đầu tư táo bạo. Nhiều trong số này tập trung vào các hãng công nghệ chưa có lợi nhuận. Bên cạnh việc rót khoản đầu tư đầu tiên cho Vision Fund, PIF còn rót vốn cho Uber Technologies, nắm gần 5% cổ pần Tesla, đầu tư 1 tỉ USD vào Lucid Inc. - hãng đối thủ của Tesla. PIF cũng đồng ý rót 20 tỉ USD vào quỹ cơ sở hạ tầng Mỹ do Blackstone Group điều hành

    Ông Son năm ngoái phát biểu tại Riyadh rằng các khoản đầu tư mà quỹ Vision Fund đầu tiên thực hiện có lời. Trong 5 tháng đầu tiên, quỹ thu về hơn 20%. Quỹ này cũng gọi vốn từ một trong các quỹ đầu tư quốc gia của Abu Dhabi và Apple. Quy mô quỹ lớn gấp bốn lần quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất từng được lập và lớn hơn bất cứ quỹ cổ phần tư nhân nào trong lịch sử

    Ông Son chia sẻ với Bloomberg Businessweek rằng ông có kế hoạch gây quỹ 100 tỉ USD mới mỗi hai hay ba năm, và sẽ chi khoảng 50 tỉ USD mỗi năm. Chỉ trong chưa đầy một năm kể từ khi quỹ Vision Fund đầu tiên bắt đầu đầu tư, quỹ cam kết 65 tỉ USD để mua cổ phần lớn trong Uber, WeWork, Slack Technologies và GM Cruise

    Thu Thảo
     
  8. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    SoftBank nhắm tới IPO huy động 18 tỷ USD từ nhà đầu tư cá nhân
    Đợt chào bán tới nhà đầu tư cá nhân này của SoftBank có thể sẽ lập kỷ lục mới tại Nhật...

    [​IMG]
    CEO của SoftBank Masayoshi Son
    SoftBank Group Corp. đang nhắm tới huy động số tiền kỷ lục 2.000 tỷ Yên (18 tỷ USD) từ các nhà đầu tư cá nhân tại Nhật qua đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của mảng điện thoại di động, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết

    Số tiền trên là một phần trong IPO với mục tiêu huy động tổng cộng khoảng 2.500 - 3.000 tỷ Yên (21,9 - 26,4 tỷ USD) cho công ty con kinh doanh điện thoại di động, đưa định giá công ty lên khoảng 8.000 tỷ Yên (70,4 tỷ USD). Công ty này dự kiến bắt đầu hoạt động quảng cáo trong tháng này và chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo vào ngày 19/12 tới

    Động thái này cho thấy dự báo của SoftBank về nhu cầu mua cổ phiếu lớn từ các nhà đầu tư cá nhân - những người thường không được hưởng lãi từ tiền tiết kiệm. CEO SoftBank Masayoshi Son dự kiến sẽ trả cổ tức cao để thu hút nhà đầu tư

    "Các nhà đầu tư cá nhân tại Nhật rất quan tâm tới cổ phiếu SoftBank bởi đây là cổ phiếu hấp dẫn và họ có thể nhìn trước được cổ tức cao", Kazumi Tanaka, nhà phân tích IPO tại DZH Financial Research Inc. ở Tokyo, nhận định

    Đợt chào bán tới nhà đầu tư cá nhân này của SoftBank có thể sẽ lập kỷ lục mới tại Nhật, vượt qua các IPO của Japan Post Holdings Co. vào năm 2015 và NTT Docomo Inc. năm 1998 - mỗi công ty huy động khoảng 1.000 tỷ Yên từ nhà đầu tư cá nhân, theo dữ liệu của Bloomberg

    Hồi đầu tuần này, ông Son cho biết SoftBank sẽ giảm khoảng 40% số lượng nhân viên trong mảng thiết bị không dây trong vòng 2 - 3 năm tới để tăng lợi nhuận và điều chuyển sang các mảng kinh doanh mới

    "Nhiều người đang bắt đầu đánh giá mức cổ tức cao và tăng trưởng lợi nhuận, cũng như sự ảnh hưởng của những yếu tố đó tới giá cổ phiếu IPO", ông Son trả lời câu hỏi về IPO của công ty trong một cuộc họp báo hồi đầu tuần

    Đức Anh
     
  9. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    SoftBank tham gia đầu tư 1,3 tỷ USD vào các startup trong 2 ngày
    Bất chấp các phiên giao dịch đáng thất vọng của cổ phiếu công ty con mới lên sàn, Tập đoàn SoftBank cùng quỹ SoftBank Vision Fund đẩy mạnh đầu tư vào startup công nghệ...

    [​IMG]
    Masayoshi Son, CEO của SoftBank Group

    Theo tờ Nikkei, Tập đoàn SoftBank của Nhật vừa tham gia các vòng gọi vốn của 3 startup công nghệ Mỹ với tổng giá trị đầu tư gần 1,3 tỷ USD chỉ trong 2 ngày. Đây là động thái cho thấy sự tự tin của CEO Masayoshi Son vào khả năng chọn được những startup công nghệ tiềm năng trong bối cảnh làn sóng bán tháo chứng khoán đang diễn ra trên toàn cầu

    Ba startup nhận được đầu tư gồm Fair - dịch vụ thuê xe dành cho các tài xế Uber với 385 triệu USD, Relay Therapeutics - hãng công nghệ sinh học với 400 triệu USD và Cambridge Mobile Telematics - chuyên phân tích hành vi của lái xe nhằm giúp các hãng bảo hiểm giảm rủi ro với 500 triệu USD. Khoản đầu tư vào các công ty này được công bố lần lượt vào ngày 19 và 20/12

    Quỹ đầu tư 100 tỷ USD SoftBank Vision Fund là nhà đầu tư duy nhất vào vòng gọi vốn của Cambridge Mobile, và dẫn đầu nhóm các nhà đầu tư vào Relay Therapeutics. Còn SoftBank là nhà đầu tư dẫn đầu vòng gọi vốn của Fair

    Các khoản đầu tư này được đưa ra trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên toàn cầu sụt giảm mạnh, xuất phát từ mối lo về triển vọng kinh tế Mỹ. Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh vào phiên thứ sáu tuần trước, theo sau đợt bán tháo tại châu Á khiến chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật chạm đáy năm 2018

    Khi các hãng công nghệ đang gặp nhiều khó khăn khi huy động vốn từ thị trường đại chúng, sự hiện diện của SoftBank như một nguồn đầu tư lớn có thể ngày càng có ý nghĩa

    Nỗ lực huy động vốn của chính SoftBank gần đây cũng gặp trắc trở. Đợt chào bán cổ phiều lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty con mảng di động SoftBank Corp. của Tập đoàn này huy động được 2.600 tỷ Yên (23 tỷ USD), nhằm củng cố tài chính đồng thời duy trì tốc độ rót tiền đầu tư. Tuy nhiên, cổ phiếu này sụt giá ngay sau khi lên sàn chứng khoán Tokyo hôm 19/12. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu này chốt ở mức dưới giá IPO

    Ba startup Mỹ cho biết cũng bị thu hút bởi lịch sử đầu tư của SoftBank vào các hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Tỷ phú Son đã đầu tư mạnh vào nhiều công ty chưa niêm yết giá trị nhất tại Mỹ như startup gọi xe Uber, startup chia sẻ văn phòng WeWork và Didi Chuxing của Trung Quốc

    Người phát ngôn của Fair cho biết công ty cho thuê xe này có kế hoạch "tận dụng chuyên môn và các mối quan hệ của SoftBank để mở rộng nền tảng ra quốc tế"

    Cambridge Mobile, được thành lập vào năm 2010, mới chỉ huy động được 2,5 triệu USD trước khoản rót vốn 500 triệu USD từ Vision Fund, theo Crunchbase. Thương vụ này sẽ giúp công ty "thúc đẩy phát triển hoạt động quản trị yêu cầu bồi thường và tai nạn tự động, phân tích video và an toàn cho hệ thống vận tải và phương tiện mới"

    Trong khi đó, startup công nghệ sinh học Relay Therapeutics vẫn chưa tiến hành các thử nghiệm lâm sàng, nhưng cho biết đang tập trung vào phát triển thuốc chống ung thư. Khoản đầu tư từ SoftBank sẽ giúp công ty này "tiếp cận với mạng lưới các công ty chăm sóc sức khoẻ sử dụng công nghệ mà SoftBank đã đầu tư"

    Ngọc Trang
     
  10. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tầm nhìn Masayoshi Son
    Năm 2010, CEO SoftBank Group Masayoshi Son đã tiết lộ tầm nhìn tương lai 300 năm của mình. Vision Fund, Quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ USD của tập đoàn này trở thành quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất lịch sử

    [​IMG]
    Masayoshi Son: Hãy cùng tôi thay đổi thế giới, chúng ta sẽ là những người chủ lực của thế hệ mới này

    Được dẫn dắt bởi tỷ phú Masayoshi Son, Quỹ Vision của SoftBank hiện đang nắm giữ mảng công nghệ thế mạnh tại nhiều công ty công ty toàn cầu. SoftBank có phải là ngân hàng? SoftBank lựa chọn đối tác đầu tư ra sao? Ông chủ SoftBank đi gọi vốn như thế nào và tầm nhìn thay đổi thế giới của ông. Đây là câu chuyện về những gì đang diễn ra

    Vào sáng ngày 20/07/2017, tại khách sạn Prince Park Tower sang trọng bậc nhất Tokyo, Masayoshi Son nhỏ bé nổi bật trước hội trường chật cứng. Như một thói quen Son, CEO của Softbank, tập đoàn công nghệ, năng lượng và tài chính Nhật Bản ăn mặc giản dị với áo sơ mi sọc cùng vest xám. Ông mỉm cười và giới thiệu về mình bằng tiếng Nhật

    Son là người nổi tiếng với những bài phát biểu dài và phi thường của mình. Vào năm 2010, bài phát biểu về "Kế hoạch 300 năm cho tương lai" đã mở ra cho người nghe sự suy tư về bản chất của nỗi buồn khi Son hỏi một cách khoa trương: "Đâu là điều buồn nhất trong cuộc sống? Điều gì mang lại cho bạn niềm hạnh phúc tột cùng?". Vào năm 2016, ông đã đánh đồng Internet Vạn vật (IoT) với sự bùng nổ của kỷ Cambri, so sánh lợi thế tiến hóa giữa loài đầu tiên có mắt với sự kết hợp giữa cảm biến và AI của Internet Vạn vật

    Phát biểu trước hàng trăm doanh nhân và các nhà công nghệ, ông so sánh SoftBank như "quý tộc nhỏ" của Cách mạng Công nghiệp, tầng lớp có đặc quyền đầu tư vào công nghệ và khoa học vì lợi ích chung. Hai tháng trước đó thì Son cho ra mắt Quỹ đầu tư Công nghệ lớn nhất trong lịch sử, Vision Fund trị giá 100 tỷ USD. Ông nói rằng: "Tôi thực sự không muốn đi ngủ. Tôi không muốn lãng phí thời gian nữa. Đây là khoảng thời gian rất thú vị"

    Rất nhiều CEO trong hội trường ngày ấy được nhận đầu tư từ Quỹ. Chẳng có trường hợp ngoại lệ, tất cả đều từng gặp riêng Son, ở văn phòng tại Shiodome, Tokyo hoặc tại căn biệt thự 117,5 triệu USD của ông ở Woodside, California, Mỹ. Nhà đầu tư huyền thoại này, được nhiều người gọi thân mật là Masa, có giọng nói nhẹ nhàng, khiêm tốn, tầm nhìn xa trông rộng về tương lai. Danh tiếng của ngài đã được chứng minh với những thành tích đã có

    "Hãy cùng tôi thay đổi thế giới, chúng ta sẽ là những người chủ lực của thế hệ mới này"

    Vào những năm 1970, Son di cư sang Mỹ du học. Vào thời điểm đó, ông chỉ có vốn tiếng Anh ít ỏi. Ông kiếm 1 triệu USD đầu tiên của mình bằng việc nhập khẩu các trò chơi arcade từ Nhật Bản như Space Invaders. Vào năm 1996, Son chính là người đầu tư cho Jerry Yang, CEO của startup non trẻ thời bấy giờ Yahoo! khoản tiền 100 triệu USD. Nhìn nhận của Son đã được đền đáp khi vào năm 2000, Yahoo! đã trở thành công cụ tìm kiếm thống trị trong kỷ nguyên đầu của Internet

    Đó cũng là năm mà Son gặp người giáo viên trẻ Trung Quốc, nhà sáng lập hãng Thương mại điện tử có tên Alibaba. Ông thuyết phục Jack Ma chấp nhận khoản đầu tư 20 triệu USD với lời hứa sẽ giúp Alibaba trở thành Yahoo! tiếp theo. Ngày nay, khi Son có những khoản đầu tư mới, ông thường nói với các nhà sáng lập rằng: Họ cũng có thể thành công như Alibaba, họ cũng có thể trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới

    Eugene Izhikevich, CEO của Startup về AI Brain nói: "Vào năm 2000, ông ấy đã biết rằng Trung Quốc sẽ lớn mạnh nên đã quyết định đầu tư. Sau khi bong bong dotcom sụp đổ, ông ấy đã đầu tư vào Trung Quốc rồi. Khi bạn còn phải lái xe trên con đường đất giữa Hong Kong và Thâm Quyến thì ông ấy đã nhìn trước được mọi thứ trước khi chúng trở thành hiện thực. Những gì ông ấy đã nhìn ra 10 năm trước thì mọi người giờ đây mới nhìn thấy"

    Tại sự kiện ở Tokyo, Son đã giới thiệu các CEO lên sân khấu. Đầu tiên, ông giới thiệu nhà sáng lập công ty chế tạo robot Boston Dynamics, Marc Raibert. Raibert là người mong muốn thay đổi thế giới bằng việc chế tạo robot có khả năng cơ học vượt trội so với con người. (Softbank đã mua lại công ty này từ Alphabet nhưng không tiết lộ giá trị hợp đồng). Raibert mang theo cùng anh chú robot 4 chân Spot Mini ngay lập tức thể hiện kỹ năng vận động của mình. Raibert khẳng định niềm tin rằng "robot sẽ sớm lớn mạnh hơn Internet" và cảm ơn SoftBank đã hỗ trợ mình. Son cũng đáp lại: "Chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi thế giới. Chúng ta sẽ tích hợp nhiều công nghệ AI vào robot"


    [​IMG]
    Tiếp theo là Greg Wyler, nhà sáng lập của OneWeb. Wyler đã chỉ ra rằng khi nói về viễn cảnh tương lai siêu kết nối thì trên thế giới hiện nay vẫn có đến 54% chưa tiếp cận được với Internet. Ông đã trình bày về kế hoạch triển khai 900 trạm phát sóng phi chính phủ nhằm đảm bảo các khu vực hẻo lánh nhất trên thế giới cũng có thể truy cập Internet vào năm 2027. Kết thúc thì Wyler cũng cảm ơn SoftBank đã hỗ trợ, còn Son thì cho rằng: "Chúng ta đang cùng nhau thay đổi thế giới. Chúng ta đang kết nối mọi người cùng vào Internet

    Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu, kết nối tốc độ cao và robot tự động đều là chủ đề chung của các diễn giả ngày hôm đó. Đó là Helmy Eltoukhy, GĐ Điều hành của Guardant Health muốn điều trị ung thư nhờ dữ liệu. Đó là Matt Barnard, nhà sáng lập của nông trại trong nhà Plenty muốn sử dụng machine learning để trồng cây trong điều kiện tối ưu hóa. Đó cũng là Bill Huang, doanh nhân đứng sau startup Cloud Mind muốn chế tạo robot trên nền tảng đám mây đầu tiên

    Trước cuộc trò chuyện cuối cùng, Son đã lên sân khấu và hồi tưởng: "Khi tôi mới chỉ là chàng trai 17 tuổi, lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh của một bộ vi xử lý tôi đã bật khóc. Tôi đã bị choáng ngợp". Sau đó ông đã giới thiệu CEO của hãng thiết kế chip của Anh Arm Holdings, Simon Segars. Segars bắt đầu: "Bộ xử lý đầu tiên của chúng tôi có kích thước bằng cái nút áo. Giờ đây thì chúng tôi đã có thể cung cấp bộ xử lý với tốc độ cao hơn ngàn lần chỉ với con chip có kích thước bằng đầu kim"

    Bộ vi xử lý của Arm hiện đang được ứng dụng trong phẫu thuật robot, xe tự lái và camera thông minh. Nhưng tương lai của AI sẽ không thể thực tế nếu như tất cả dữ liệu đều phải gửi lên đám mây xử lý rồi mới quay trở lại trả dữ liệu. Segars nói rằng: "Nếu mỗi người với một chiếc điện thoại Android thực hiện 3 phút nhận diện giọng nói mỗi ngày thì Google phải gấp đôi số trung tâm dữ liệu (DC) của họ so với hiện tại. Thế hệ vi xử lý tiếp theo sẽ phải kết hợp giữa AI và xử lý dữ liệu trên chính bộ cảm biến. Chúng tôi chưa thể tự mình làm điều đó. Chúng tôi phải hợp tác cùng các công ty khác để triển khai các công nghệ này"

    Kết thúc cuộc nói chuyện, Son bắt tay Segars và nói "Arm mang đến những thứ không thể thiếu, không chỉ với SoftBank mà còn đối với toàn nhân loại. Giờ đây, họ là thành viên của gia đình chúng tôi. Chúng ta sẽ là những người chủ lực của thế hệ mới này, biến tương lai của họ trở nên tốt đẹp hơn"

    [​IMG]
    Helmey Eltoukhy, CEO của Guardant Health

    Khi thành lập công ty phân phối phần mềm PC SoftBank (viết tắt của Bank of Software) vào năm 1981, Son đã luôn cố gắng để biến nó trở thành công ty lớn nhất thế giới. Ngày đó, người doanh nhân 24 tuổi đứng trên chiếc thùng gỗ trước mặt 2 người nhân viên của mình hào hứng hứa rằng: Một ngày nào đó họ sẽ trở thành những con người vĩ đại nhất thế giới. Vài ngày sau đó, những nhân viên này nghỉ việc. Còn Son giờ đã 61 tuổi vẫn không ngừng theo đuổi tham vọng với tầm nhìn 300 năm của mình: Một cuộc cách mạng công nghệ sẽ đạt đến điểm bùng phát trong lịch sử và AI sẽ thay thế trí tuệ con người, định nghĩa lại mọi ngành công nghiệp trong nền kinh tế toàn cầu

    Trong phiên bản tương lai đó, SoftBank không phải là Google, Apple hay Microsoft tiếp theo bởi Son không hề tin một thương hiệu hay một mô hình kinh doanh có thể đủ khả năng mang lại sự phi thường. Những điều Son làm là một chuỗi "chiến lược số một" với một loạt đầu tư đa dạng: một hệ sinh thái các công ty AI do SoftBank lãnh đạo, trải dài ở khắp các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến vận tải, từ dịch vụ đi xe đến robot

    Son nói tại sự kiện năm 2018: "Chúng tôi muốn thành lập một liên minh gồm các doanh nhân có cùng chí hướng. Cuộc cách mạng sẽ chẳng thể thành công với sức mạnh của chỉ một người. Trung tâm của hệ sinh thái đó sẽ là Arm Holdings, công ty thiết kế những bộ vi xử lý nhỏ, tốn ít năng lượng hiện đang có mặt trên 95% điện thoại thông minh, chưa kể loa thông minh, máy theo dõi sức khỏe, drone và TV"

    Son bắt đầu quen với Segars từ năm 2006 khi lần đầu ông gặp CEO của Arm, Warren East. Lúc đó Segars đã là một trong những nhân viên đầu tiên. Vào thời điểm đó, Arm đã chiếm được thị phần chi phối trong thị trường di động non trẻ. Chỉ riêng thực tế này thôi cũng đã đủ gây ấn tượng với Son. Ông biết rằng sớm muộn thì điện thoại di động sẽ vượt trội so với PC và trọng tâm của Internet sẽ chuyển dịch từ máy tính sang điện thoại. Son dự tính rằng với loại vi mạch năng lượng thấp xử lý cao của Arm sẽ là trung tâm của nền kinh tế số trong tương lai

    Thực ra để có cái nhìn sâu sắc đó thì trước buổi gặp với Arm vài tuần, Softbank đã mua lại Vodafone Nhật Bản, nhà mạng di động đang gặp khó khăn trong vấn đề kết nối và các thiết bị không mấy "thời trang". Hội động quản trị SoftBank đã từng hoài nghi về việc mua lại nhưng Son thì vô cùng kiên quyết. Bên cạnh đó, ông cũng đã có lợi thế chiến lược

    Trước khi thực hiện sáp nhập, Son đã tới California để gặp Steve Jobs. Ông đã mang theo mình một bản vẽ phác thảo bằng tay của chiếc điện thoại thông minh và đưa cho CEO của Apple. Trong một cuộc phỏng vấn với The Nikkei, Son đã nói rằng: "Nhìn nó như một con cóc hết pin". Jobs ghét bản phác thảo xấu xí nhưng ông nói với Son rằng trực giác của ông đã đúng. Jobs lúc đó đang phát triển những bản mẫu đầu tiên của của chiếc iPhone. Son rời cuộc họp với một cam kết rằng: Trong trường hợp việc mua lại Vodafone được tiến hành, anh sẽ nhận được một thỏa thuận độc quyền phân phối iPhone ở Nhật Bản

    Việc mua lại Arm giúp SoftBank có vị thế gì? Làm sao mà SoftBank mua được công ty công nghệ giá trị nhất nước Anh lúc đó khiến nhiều chuyên gia nhận định "đó ngày buồn của công nghệ Anh" ?
     
  11. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tất cả các công ty dẫn dắt mọi lĩnh vực của tương lai, Masayoshi Son đều thích

    [​IMG]

    Các công ty cần mở rộng quy mô trước đã. Khi đã có quy mô, bạn sẽ đạt được mọi thứ khác. Masayoshi Son cho rằng nếu không “come global đủ nhanh, người khác sẽ đi trước

    Được dẫn dắt bởi tỷ phú Masayoshi Son, Quỹ Vision của SoftBank hiện đang nắm giữ mảng công nghệ thế mạnh tại nhiều công ty công ty toàn cầu. SoftBank có phải là ngân hàng? SoftBank lựa chọn đối tác đầu tư ra sao ? Ông chủ SoftBank đi gọi vốn như thế nào và tầm nhìn thay đổi thế giới của ông ra sao ?

    Simon Segars và Masayoshi Son gặp nhau vài lần vào năm 2006, sau đó là 2014 và 2015. Vào thời điểm Segars thay thế vị trí CEO CEO hãng thiết kế chip của Anh Arm Holdings của East năm 2013, đúng như Son dự đoán, Arm đã củng cố được vị thế của mình trong ngành sản xuất chip, được cấp phép sản xuất cho Apple, Samsung, Nvidia và Qualcomm. Giống như Son xác định, Vodafone Nhật Bản (nay là SoftBank Mobile) đã trở thành một trong những công ty di động hàng đầu Nhật Bản, nhờ thỏa thuận độc quyền với iPhone của Apple

    Vào tháng 6/2016, Segars ăn tối với Son tại căn biệt thự ở California. Sau này Segars mô tả cuộc gặp như một cuộc phỏng vấn quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Suốt buổi gặp, Segars chia sẻ với Son vấn đề nan giải mà mình đang phải đối mặt với tăng trưởng giảm, Arm đã phải giảm tỷ suất lợi nhuận thấp hơn đáng kể để đầu tư dài hạn vào các lĩnh vực như AI, cảm biến, 5G và xe tự lái: "Chúng tôi đã có những cuộc đối thoại khó khăn với cổ đông. Tôi nhớ rằng đã bị hỏi tại sao lợi nhuận của chúng tôi giảm và giải thích do chúng tôi đang đầu tư vào các cơ hội dài hạn. Tôi vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt ngạc nhiên của mọi người khi đó"

    Vài ngày sau cuộc họp đó, Son đã gọi cho Segars

    - Tôi cần nói chuyện với chủ tịch của anh càng sớm càng tốt

    Segars trả lời

    - Tôi rất tiếc vì nhưng hiện Chủ tịch của chúng tôi đang đi nghỉ ở Địa Trung Hải

    Son khăng khăng

    - Không, không, tôi nhất định phải gặp. Tôi sẽ đến chỗ đó. Anh cũng đến sân bay gần nhất đi, rồi cùng bay. Chúng ta sẽ gặp nhau ở chỗ Chủ tịch của anh

    Cuối cùng họ đã gặp nhau ở The Pineapple, một nhà hàng hải sản trên bến du thuyền ở Marmaris, Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Segars và Chambers, Son đã bao cả nhà hàng. Khi Son đến, ông ngồi xuống và nói với Segars rằng ông muốn mua Arm. Ông hứa nó sẽ vẫn là công ty con độc lập của SoftBank, ông cũng không can thiệp vào việc quản lý hàng ngày của Arm. Công ty cũng sẽ được phép đầu tư tất cả lợi nhuận vào nghiên cứu và phát triển

    Segars và Chambers quay lại Cambridge và chuyển lời đề nghị đến hội đồng quản trị Arm. Trong vòng một tuần, một mức giá được đưa ra. Thẩm định chi tiết (due diligence) kết thúc chỉ trong vòng 2 tuần. Toàn bộ quá trình diễn ra trong vòng 10 tuần. Ian Houghton, Phó Chủ tịch quan hệ nhà đầu tư của Arm: "Để mua một công ty trong nhóm 100 công ty FTSE trong khoảng thời gian ngắn như vậy thật ngoạn mục. Những quy trình này có thể kéo dài trong nhiều năm nhưng sự kiện này diễn ra quá nhanh chóng. Thực sự là tốc độ ánh sáng. Tôi không nghĩ nó có thể diễn ra nhanh như vậy bởi còn vướng vấn đề luật pháp. Nhưng đúng là nó diễn ra nhanh nhất có thể"

    Vào ngày chủ nhật, Ủy ban điều hành của Arm đã nhận được tin nhắn triệu tập cuộc họp vào tối hôm đó. Trước đó thì họ thì chưa biết liệu có chuyện gì đang diễn ra, liệu có phải Simon từ chức. Tối đó, trong phòng họp, Segars đã nói: "Tôi có bí mật cần thông báo với bạn. Ngày mai sẽ có thông tin chính thức về việc SoftBank đã mua Arm"

    Đối với nhiều người trong phòng, thông báo này chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhiều người còn băn khoăn: "Tại sao SoftBank, một công ty viễn thông Nhật Bản lại mua Arm, một công ty sản xuất chip? Tôi còn đang nghĩ, Masa là ông nào? Ông ấy là ai? Ông ấy có thực sự hiểu những gì chúng ta làm? Chuyện đầu tiên khi tôi về nhà là 'google' từ khóa SoftBank và Masa"

    Vào ngày thứ Hai, ngày 18/7/2016, Son bắt đầu ngày mới với cuộc họp sớm cùng Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne. Sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng trước đó, Chính phủ Anh e ngại về việc một công ty nước ngoài tiếp quản công ty công nghệ có giá trị nhất nước mình. Son sau đó đã đồng ý một loạt những cam kết để trấn an Chính phủ nước này, như việc tăng gấp đôi số lượng nhân viên hay giữ trụ sở tại Cambridge trong 5 năm tới

    [​IMG]
    Sáng hôm đó, thông báo về việc mua lại đã được đưa ra: Arm được SoftBank mua lại với giá 17 bảng/ cổ phiếu cùng tổng giá trị 24 tỷ bảng. Hermann Hauser, một trong những thành viên đầu tiên của Arm, một doanh nhân có tầm ảnh hưởng tại Anh nói rằng: Đây là ngày buồn cho công nghệ nước Anh

    Chiều hôm đó, Son đã đến Cambrigde để gặp các thành viên trong Ban Điều hành của Arm. Một thành viên lúc đó nhớ lại: "Ông ấy nhìn rạng ngời như một đứa trẻ có món đồ chơi mới. Đó là ngày phấn khích nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi đã chứng kiến lịch sử 30 năm của công ty. Nhưng giờ tôi đang bị ấn tượng bởi những gì công ty đã làm được"

    Một tháng sau, Ban điều hành Arm đã đến San Carlos, California để gặp Son và các đối tác của họ ở SoftBank International. Họ đã bắt đầu cuộc họp với ý kiến về kế hoạch doanh thu dự kiến cho 4 quý tiếp theo. Lúc này thì Son có vẻ không quan tâm lắm khi cứ mải chú ý đến chiếc iPad của mình. Tuy nhiên, khi những người Anh nói về tầm nhìn của công ty, Son trở nên nhiệt tình hơn và chia sẻ tầm nhìn 300 năm của mình: "Đến năm 2035, sẽ có 1000 tỷ thiết bị kết nối, Internet vạn vật với một loạt phương tiện tự lái, robot thông minh và cảm biến trí tuệ nhân tạo. Arm sẽ là công ty đứng đằng sau tất cả những thiết bị này"

    Haas, một thành viên ban điều hành nói: "Son chia sẻ biểu đồ doanh thu và lợi nhuận đến năm 2035. Tôi chắc chắn ông ý là người đầu tiên đề cập đến những thứ này. Giờ đây tôi nhận ra rằng anh ấy chỉ nghĩ những thứ tầm vĩ mô. Rồi tôi nghĩ rằng nếu mình nghĩ ra được những thứ này thì chắc tôi khùng mất"

    Việc mua lại Arm có lẽ là thương vụ công nghệ lớn nhất từng có tại châu Âu. Nó đánh dấu cột mốc nhiều người ở Anh lần đầu tiên biết đến tên tuổi của SoftBank. Giờ họ mới biết rằng công ty viễn thông Nhật Bản dường như xa lạ này hóa ra là nhà đầu tư toàn cầu "danh tiếng" chuyên cầm trịch các thương vụ mua bán lớn. Năm 2013, SoftBank mua lại công ty viễn thông Sprint của Mỹ với giá 22,2 tỷ USD, nhà phát triển games Phần Lan với giá 1,5 tỷ USD

    Vào năm 2014, SoftBank International (tiền thân của Vision) ra đời nhằm đầu tư sớm vào các công ty như các startup dịch vụ gọi xe Didi ở Trung Quốc và Ola Cabs ở Ấn Độ; hay Tokopedia, một công ty Thương mại điện tử có 80 triệu người dùng ở Indonesia. David Thévenon, một đối tác ỏ SoftBank nói: "Chúng tôi có vẻ bí ẩn một chút. Mọi người thường hay nhầm lẫn bởi tên gọi SoftBank. Liệu chúng tôi có phải là một ngân hàng? Hay chúng tôi là nhà điều hành di động? Chúng tôi thường phải giải thích rằng mình làm đầu tư quốc tế nhiều năm rồi"

    [​IMG]
    Jean Liu, Chủ tịch của DiDi. SoftBank và DiDi hợp tác để ra mắt dịch vụ gọi xe ở Nhật Bản

    Rồi khi SoftBank có tên dễ nhận biết hơn thì có một sự kiện mới xảy đến: Họ cần thêm tiền để tiếp tục đầu tư. Một giải pháp này ra cho vấn đề này là sự xuất hiện của cựu Giao dịch viên ngân hàng Deutsche tên là Rajeev Misra

    Misra lớn lên ở New Delhi. Vào năm 1981, ông học Đại học Pennsylvania ngành cơ khí và khoa học máy tính. Sau đó ông làm việc tại startup Reality Technologies, chuyên thiết kế phần mềm và mô phỏng vệ tinh trước khi quay lại trường kinh doanh. Misra gặp Son năm 2002 khi ông đang là Giám đốc tín dụng toàn cầu tại Deutsche Bank. Ông đã cho SoftBank vay tiền và rồi lại giúp đỡ trong tiếp quản Vodafone Nhật Bản. Họ gặp lại nhau 8 năm sau đó tại một lễ cưới. Lúc này, Alibaba, công ty mà Son đã đầu tư 20 triệu USD năm 2010, vừa tiến hành đợt IPO lớn nhất trong lịch sử. Vận may bất ngờ này giúp SoftBank mở rộng quy mô toàn cầu và Son bày tỏ ý muốn Misra làm việc cùng mình. Misra nhớ lại: "Tôi không biết chính xác những gì mình đang làm nhưng nó có vẻ thú vị"

    Để mua được Arm, SoftBank đã buộc phải bán cổ phần tại Alibaba và Supercell. Toàn bộ giao dịch đã đẩy số nợ của công ty này lên tới 105 tỷ USD. Misra nói rằng: "Chúng tôi muốn đầu tư vào cách mạng AI sắp diễn ra và tất cả các công ty dẫn dắt mọi lĩnh vực của tương lai. Ban có thể kể ra như: dịch vụ tài chính, xe hơi, khách sạn, văn phòng, môi giới. Chúng tôi cảm thấy bị hạn chế bởi phải tiêu nhiều tiền. Rồi chúng tôi nói với nhau, lại tăng tiền vậy. Hãy trở thành quỹ đầu tư lớn nhất trong lịch sử"

    Giả thuyết đầu tư làm cơ sở cho quỹ Vision là chiến lược toàn thắng. Họ nhắm vào các công ty đang có 50 đến 80% thị phần, họ sẽ đầu tư vượt mức để giúp chúng phát triển nhanh và đạt quy mô toàn cầu. Misra nói rằng: "Đó là điều tôi học được từ Masa. Liệu đầu tư hiệu quả quan trọng hơn hay phát triển nhanh quan trọng hơn? Hiệu quả có nghĩa là tiêu đúng và thu được lợi nhuận đúng. Đó không phải là tính toán từng đồng tiền bạn bỏ ra để mua văn phòng phẩm. Quan trọng là bạn xây dựng đường đi nước bước ở Mỹ và Ấn Độ như thế nào. Quan điểm của chúng tôi là các công ty cần mở rộng quy mô trước đã. Khi đã có quy mô, bạn sẽ đạt được mọi thứ khác. Các rào cản toàn cầu đang thấp dần, nếu bạn không "come global" đủ nhanh, người khác sẽ làm điều đó"

    Khẩu vị đầu tư của SoftBank luôn cần rất nhiều tiền. Làm sao để Masayoshi Son có số tiền khổng lồ này? Mời các bạn theo dõi tiếp kỳ 3: Hãy đầu tư 100 tỷ, Masayoshi Son tôi sẽ đưa Ngài 1000 tỷ

    Mai Lâm
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/3/19
  12. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Hãy đầu tư cho quỹ 100 tỷ USD, Masayoshi Son tôi sẽ đưa Ngài 1000 tỷ USD

    [​IMG]

    Chỉ trong một cuộc hẹn đầu tiên, Masayoshi Son rời đi cùng với cam kết đầu tư 45 tỷ USD không ràng buộc trong vòng 5 năm tiếp theo

    Được dẫn dắt bởi tỷ phú Masayoshi Son, Quỹ Vision của SoftBank hiện đang nắm giữ mảng công nghệ thế mạnh tại nhiều công ty công ty toàn cầu. SoftBank có phải là ngân hàng? SoftBank lựa chọn đối tác đầu tư ra sao? Ông chủ SoftBank đi gọi vốn như thế nào và tầm nhìn thay đổi thế giới của ông. Đây là câu chuyện về những gì đang diễn ra

    Quỹ đầu tư Vision cần vốn, rất nhiều vốn. Ban đầu thì quỹ dự kiến bắt đầu với 30 tỷ USD, một con số khổng lồ nhưng cũng chẳng nhằm nhò gì với những quỹ đầu tư toàn cầu khác. Đó là lý do Masa lựa chọn con số 100 tỷ USD

    Misra cùng Son cùng trình bày về danh mục đầu tư. Danh sách đầu tư lúc đó đã bao gồm Arm, Sprint, SoftBank Mobile, Alibaba và Yahoo! Japan. Vào 2016, khoảng giữa tháng 9 và tháng 12, họ đã đi nhiều nước, gặp gỡ các công ty ở Mỹ, các quỹ hưu trí, Quỹ quốc gia giàu có ở Mỹ và Trung Đông. Mặc dù đã đề nghị một cách lịch sự nhưng đề nghị của họ chủ yếu được những người đã làm việc với SoftBank đón nhận, bởi dù sao với nhiều người thì đây có thể là số tiền không tưởng

    Mặc dù vậy thì vẫn có nhiều người vẫn bị SoftBank mê hoặc. Có thể kể đến là Mohammed bin Salman, Thái tử Saudi Arabia

    Một phái đoàn 500 người từ Saudi đã đến thăm Tokyo vào tháng 5/2017. Trước khi gặp bin Salman, Son and Misra lần đầu đưa ra ý tưởng về Quỹ Vision này với Cố vấn thân cận nhất của Thái tử, người này Misra đã được 2 đồng nghiệp cũ ở Deutsche Bank giới thiệu. Vài ngày sau đó họ đã nhận được lời mời của Thái tử tại nhà khách nguy nga Geihinkan trung tâm Tokyo. Theo một bài phỏng vấn sau đó thì Son đã nói với bin Salman

    - Tôi muốn gửi Ngài một món quà của Masa, một món quà của Tokyo, một món quà trị giá 1000 tỷ USD

    Bin Salman đáp rằng

    - Ồ, cũng thú vị đấy

    Son cười đáp

    - Đây là cách tôi tặng Ngài món quà 1000 tỷ USD: Ngài hãy đầu tư 100 tỷ vào quỹ của tôi, tôi sẽ đưa Ngài 1000 tỷ

    Rồi Son rời cuộc hẹn cùng với cam kết đầu tư 45 tỷ USD không ràng buộc trong vòng 5 năm tiếp theo

    Sáu tuần sau đó, hai người lại gặp nhau ở Riyadh, thủ đô của Saudi. Son đã đến thăm Aramco, một công ty dầu mỏ của chính phủ và dành thời gian với Giám đốc điều hành quỹ tài sản của nước này. Vào lúc đó thì Apple, Qualcomm, Foxconn, Sharp và Mubadala của Abu Dhabi đã cam kết một khoản tiền 20 tỷ USD và SoftBank cũng góp thêm 28 tỷ USD nữa từng bảng cân đối kế toán. Một buổi lễ ký kết đã được tổ chức tại Riyadh vào tháng 5 năm 2017, trùng với chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Donald Trump với tư cách tổng thống Mỹ. Cũng lúc này thì Quỹ Vision 100 tỷ USD chính thức được ra mắt

    Từng là tập đoàn chưa bao ra ra mắt quỹ cũng như quản lý tiền của bên thứ ba với Quy mô này, SoftBank hiện sở hữu quỹ đầu tư lớn nhất trong lịch sử, bằng tổng số tiền mà các quỹ đầu tư của Mỹ huy động trong 30 tháng trở lại. CEO của quỹ, Rajeev Misra đang phải chịu áp lực lớn: "Giờ đây chúng tôi có trách nhiệm nhận ủy thác đối với tất cả các công ty này, đối với đối tác của chúng tôi và cả người dân Ả Rập Saudi. Và chúng tôi có nhận được cuộc gọi đầu tiên của ai đó đang tìm kiếm vốn 2 năm trước không?"- "Không"

    [​IMG]
    Đồng sáng lập của Slack, Stewart Butterfield nơi SoftBank có 250 triệu USD cổ phần

    Vào buổi chiều tháng 12 năm 2018, Misra đã chào đón Wired tại trụ sở chính của quỹ Vision, một tòa nhà 4 tầng tại London. Misra đi chân trần, xắn tay áo để lộ chiếc vòng Shamballa trên cổ tay. Trong suốt cuộc gặp, cảm xúc của ông liên tục thay đổi giữa nhiệt tình và trầm ngâm, chính lúc ấy ông sẽ dừng lại và ngậm điếu thuốc điện tử

    Hiện tại, Quỹ Vision của Misra đã có danh mục đầu tư với hơn 60 công ty. Ước tính có 7 tỷ USD cổ phần của nhà sản xuất chip GPU của Mỹ Nvidia; 502 triệu USD cổ phần của startup Improbable (Anh) chuyên phát triển thế giới thực tế ảo quy mô lớn cho games và đào tạo. Đó là 250 triệu cổ phần của nhà phát triển nền tảng hiệu suất, Slack. Rồi một tập đoàn chịu sự quản lý của SoftBank cũng đầu tư khoảng 8 tỷ USD vào Uber

    Misra lãnh đạo một nhóm quản lý đối tác, trong đó có 7 người đến từ các quỹ tiền tệ của Silicon Valley, 2 người từ Nhật Bản và 2 người từ London. Họ xem xét hàng chục công ty mỗi tuần để tìm kiếm cơ hội đầu tư tiềm năng. Họ thường xuyên ngồi cùng nhau để trao đổi các thông tin về đối tác

    Những ý tưởng sẽ được đánh giá ngang hàng cùng với quá trình thẩm định chi tiết được thực hiện bởi một nhóm độc lập cùng quy trình nghiêm ngặt đôi khi mất vài tháng để hoàn thành. Ở bước tiếp theo, các thỏa thuận sẽ được đệ trình lên Ủy ban cố vấn đầu tư của SoftBank. Đó là Son và Misra. Nếu có sự đồng thuận về ý kiến, doanh nhân đó sẽ được mời đến làm việc với Son, ông luôn gặp từng nhà sáng lập cho đến khi thỏa thuận kết thúc

    Ritesh Agarwal, CEO của Oyo Rooms, chuỗi khách sạn lớn nhất Ấn độ chia sẻ: "Khi tôi gặp ông ấy vào đầu năm 2017, tôi đã trình bày việc công ty tôi trở thành công ty lưu trú hàng đầu Ấn Độ như thế nào. Tôi đã không nghĩ đây là thời điểm thích hợp để mở rộng thị trường sang Trung Quốc nhưng Son lại cho rằng tôi hoàn toàn nên mở rộng sang Trung Quốc và dành nhiều thời gian ở đó. Vào tháng 11, chúng tôi đã có khách sạn đầu tiên ở Thâm Quyến. Giờ đây chúng tôi đã nằm trong top 5 chuỗi khách sạn ở Trung Quốc. Khả năng nhìn xa của Son thật vô song"

    [​IMG]
    Rajeev Misra, CEO của Quỹ Vision 100 tỷ USD của SoftBank

    Mức đầu tư thấp nhất của Quỹ Vision là 100 triệu USD nhưng hầu hết các khoản đầu tư rơi vào 500 triệu đến vài tỷ USD, thường là từ 20 đến 40% của công ty

    Michael Marks, CEO của startup xây dựng Katerra (Mỹ) nói rằng: "Quỹ Vision đã khiến việc đầu tư trở nên kịch tính hơn. Các công ty vông nghệ đang trở thành những doanh nghiệp tỷ USD. Tôi nghĩ rằng SoftBank là công ty đầu tiên thấy rằng họ có thể đầu tư nhiều vốn hơn để thu lại lợi nhuận nhiều hơn. Họ sẵn sàng đầu tư vượt mức để giành được chiến thắng. Dù đôi khi đó có thể biến thành rủi ro vô tác dụng nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ xảy ra. Đó là một thử nghiệm hấp dẫn"

    Tất nhiên, nếu chỉ tính mỗi đầu tư và nguồn vốn đồ dào thôi thì chưa đủ để bộc lộ bản chất sức mạnh của SoftBank. Đó còn là chiến lược dẫn đầu của Son, mạng lưới các công ty liên kết, lợi nhuận từ đối tác và các cơ hội kinh doanh khi trở thành một thành viên gia đình SoftBank

    Đó là một mạng lưới toàn cầu bao gồm Apple, Qualcomm, Sharp, Alibaba, Sprint (công ty vận tải lớn thứ 4 nước Mỹ), Yahoo! Nhật Bản (không giống như công ty mẹ ở Mỹ, công ty này vẫn giữ vị thế là website phổ biến tại Nhật Bản). Và còn SoftBank Mobile, công ty vừa IPO 23,5 tỷ USD tháng 12 vừa qua, trở thành công ty niêm yết lớn thứ hai trong lịch sử. Quỹ Vision cũng là quỹ có nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu. Nó có hiện diện ở Mumbai, Singapore, Riyadh và Abu Dhabi. Khi bạn nghĩ về đầu tư, bạn hay nghĩ đến các công ty của Mỹ, nhưng họ chẳng làm toàn cầu, rất ít trong số họ làm toàn cầu thực sự. Tuy nhiên, SoftBank lại hiện diện ở khắp mọi nơi

    Nhiều công ty có quyền tự chủ để theo đuổi đối tác, đó thường là những hợp tác đôi bên cùng có lợi để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Hãy xem xét ví dụ về Ping An Good Doctor, một nhà cung cấp ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe đã ký một thỏa thuận cùng Grab. Ở Trung Quốc, người ta mất 3 tiếng để đến gặp bác sĩ rồi nhận được 90 giây tư vấn. Bởi vậy Ping muốn sử dụng nền tảng định vị địa lý của Grab để đẩy nhanh quá trình phân loại và sàng lọc bệnh nhân ban đầu

    Còn Oyo Rooms thông qua việc triển khai nền tảng machine learning để chuẩn hóa trải nghiệm dịch vụ trên toàn cầu, từ hỗ trợ đăng ký đến dọn phòng. Start-up này đã có chiến lược hợp tác cùng Didi tại Trung Quốc với việc sử dụng khẩu hiệu: "Đi xe thoải mái với Didi và lưu trú thoải mái với Oyo"

    Còn ví điện tử Paytm của Ấn Độ, start-up đang xử lý 450 triệu giao dịch mỗi tháng, gần đây đã ra mắt PayPay ở Nhật Bản cùng với Yahoo! Nhật Bản

    Và rồi, tất nhiên là Arm. Trong việc hợp tác với Mapbox, công ty thiết kế chip của Segars đã phát triển phần mềm cho phép các thiết bị sử dụng có thể tự động phân loại giới hạn đường, vạch kẻ, lề đường, ngã tư và biển báo giao thông. Boston Dynamics cũng đang triển khai chip của Arm trong động cơ điều khiển các Robot mới nhất

    Đó là những quan hệ đối tác mà SoftBank đã thúc đẩy, họ sẽ giúp Arm duy trì vị trí trung tâm trong tầm nhìn của Son. Tầm nhìn này tạo ra một tương lai với robot, máy bay không người lái, xe tự lái và hàng nghìn tỷ các thiết bị kết nối

    Jeffrey Housenbold, một quản lý đối tác tại Quỹ Vision nói rằng: "Tôi nghĩ rằng tất cả mọi khoản đầu tư của chúng tôi đều liên quan đến một thứ, đó là dữ liệu. Chính dữ liệu cùng sự hợp nhất của con người và máy móc tạo nên sự phi thường cùng ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Vậy chúng ta làm sao để xử lý dữ liệu đó nhằm giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn: con người hạnh phúc hơn, cuộc sống phong phú hơn, có những sản phẩm dịch vụ tốt hơn? Hoàn toàn chẳng vấn đề gì nếu việc sử dụng dữ liệu khiến mọi hoạt động hiệu quả hơn. Dữ liệu chạy trên hầu hết các công ty của chúng tôi"

    Đó chính là tầm nhìn của Masayoshi Son: một tương lai khi người ta sử dụng di động, gọi xe, gọi món, lưu trú, thanh toán hay thậm chí là khám bệnh, chúng ta đều đang sử dụng dữ liệu liên quan đến công ty nào đó thuộc gia đình SoftBank. Giống như Son từng nói: "Ai kiểm soát được dữ liệu, người đó sẽ kiểm soát được thế giới"

    Mai Lâm
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/3/19
  13. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tỷ phú SoftBank từng mua hụt Amazon vì thiếu tiền
    Ông chủ SoftBank Masayoshi Son đã suýt mua được 30% cổ phần Amazon vào những năm đầu của công ty này, nhưng không thành vì thiếu 30 triệu USD...

    [​IMG]
    Tỷ phú Masayoshi Son

    Tỷ phú Masayoshi Son - người sáng lập, CEO của SoftBank Group, nổi tiếng là một trong những nhà đầu tư sớm vào hãng thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba. Son cũng từng có cơ hội mua số cổ phần lớn tại Amazon nhưng ông đã bỏ lỡ chỉ vì thiếu 30 triệu USD

    Chia sẻ tại hội nghị của viện nghiên cứu kinh tế Milken Institute diễn ra tại Tokyo mới đây, Son cho biết vào những năm đầu của Amazon, ông đã gần đạt được thoả thuận mua 30% cổ phần tại hãng thương mại điện tử này với người sáng lập, CEO Jeff Bezos. Son ra giá 100 triệu USD nhưng Bezos kiên quyết đòi 130 triệu USD. Khi đó, tỷ phú Nhật đã phải từ bỏ cơ hội này, không phải vì cho rằng mức giá đó không đáng tiền, mà bởi ông không có đủ tiền

    "Chúng tôi đã cười khi nhắc lại chuyện này khi tôi gặp lại ông ấy (Bezos) gần đây", Son kể. "Đó thật là một sai lầm lớn khi tôi không thực hiện vụ đầu tư đó. Tôi đã không có đủ tiền. Tuy nhiên, đánh giá của tôi về Amazon đã đúng"

    Amazon giờ đây không chỉ là hãng thương mại điện tử số một thế giới, mà còn lấn sân sang lĩnh vực điện toán đám mây, bán lẻ thực phẩm và sản xuất thiết bị điện tử. Công ty này hiện có vốn hoá hơn 860 tỷ USD, đồng nghĩa 30% cổ phần mà Son định mua đó trị giá khoảng 260 tỷ USD. Hiện tại, khoản đầu tư của SoftBank vào Alibaba từ những ngày đầu của công ty này hiện trị giá 14.500 tỷ Yên (132 tỷ USD)

    2 năm trước, trong một cuộc phỏng vấn, Son cũng đề cập tới việc suýt mua được cổ phần Amazon. Tuy nhiên, lúc đó ông không tiết lộ con số cụ thể

    Tại hội nghị của Milken Institute mới đây, Son nói đến thương vụ hụt với Amazon khi giải thích lý do ông có đam mê mãnh liệt với việc huy động vốn đầu tư. SoftBank đã thành lập quỹ Vision Fund, huy động tới 100 tỷ USD để đầu tư vào các công ty công nghệ. Son dùng số tiền huy động được để thâu tóm cổ phần tại các startup giá trị nhất thế giới như Uber, WeWork, Didi Chuxing...

    "Lần này tôi không muốn lặp lại sai lầm đó. Vì vậy, tôi phải chuẩn bị đủ tiền", Son chia sẻ tại hội nghị

    Phương Linh
     
  14. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Quỹ đầu tư công nghệ 100 tỷ USD của SoftBank có thể sắp IPO
    Quỹ này được thành lập vào năm 2017 và đã trở thành quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới...

    [​IMG]
    Với thành công của Vision Fund, SoftBank đã không giấu giếm kế hoạch mở một quỹ đầu tư thứ hai

    Tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank đang tính phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vision Fund, quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ USD - tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết ngày 3/5

    Quỹ này được thành lập vào năm 2017 và trở thành quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới. Các khoản đầu tư đã được quỹ rót vào những công ty công nghệ đình đám như ứng dụng gọi xe Uber, công ty thiết kế con chip ARM, "đế chế" truyền thông và trò chơi trực tuyến Tencent, hay công ty chia sẻ không gian làm việc WeWork

    Với thành công của Vision Fund, SoftBank đã không giấu giếm kế hoạch mở một quỹ đầu tư thứ hai

    Nguồn tin từ ngân hàng xác nhận với hãng tin Reuters rằng SoftBank đang đàm phán với các ngân hàng về một vụ IPO của SoftBank. Điều này phù hợp với thông tin mà Wall Street Journal đưa ra trước đó

    Theo nguồn tin, các cuộc đàm phán đã bắt đầu từ tháng trước và quy trình chính thức còn chưa khởi động nhưng có thể sớm bắt đầu

    Wall Street Journal nói rằng ngoài ý định tiến hành một vụ IPO cho Vision Fund, SoftBank còn đang thảo luận với quốc gia vùng Vịnh Oman về rót thêm vốn đầu tư cho quỹ. Đến nay, gần như toàn bộ vốn của Vision Fund đến từ hai nước vùng Vịnh khác là Saudi Arabia và Abu Dhabi

    Trong một sự kiện ở Los Angeles cách đây ít hôm, lãnh đạo của Vision Fund cho biết quỹ đang có kế hoạch tăng gấp đôi số nhân viên trong vòng 18 tháng tới để đáp ứng tốc độ ký kết các thỏa thuận đầu tư của SoftBank

    Diệp Vũ
     
  15. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tập đoàn tham vọng dùng công nghệ thay đổi mọi ngành công nghiệp
    Sau hơn 3 năm, quỹ Vision Fund đã đầu tư hơn 70 tỷ USD – một con số khiến không ít chuyên gia tài chính và các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon phải dè chừng

    [​IMG]

    SoftBank là tập đoàn viễn thông lớn nhất Nhật Bản được Masayoshi Son thành lập năm 1981 tại Tokyo. Hoạt động của tập đoàn bao gồm viễn thông cố định, thương mại điện tử, Internet, dịch vụ công nghệ, tài chính, truyền thông đại chúng, thiết kế bán dẫn cùng nhiều lĩnh vực khác

    Truyền thống từ lâu của SoftBank là đầu tư vào rất nhiều công ty công nghệ, viễn thông và startup trên thế giới. Trong thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử năm 1995, Masayoshi Son đã đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo: Mua lại một loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao với tổng trị giá 4,5 tỷ USD chỉ trong vòng 18 tháng

    Đầu tiên, vị tỷ phú thôn tính tạp chí hàng đầu về máy tính Ziff-Davis. Sau đó ông mua 37% cổ phần mạng tìm kiếm Yahoo. Không lâu sau, ông tiếp tục đầu tư 1,5 tỷ USD vào hãng sản xuất bộ nhớ máy tính Kingston Technology. Son đánh liều làm tất cả những điều này để thực hiện tham vọng đưa SoftBank thành hãng dịch vụ Internet hàng đầu thế giới

    [​IMG]
    Tỷ phú Masayoshi Son phát biểu trong một sự kiện của SoftBank

    Ngay từ khi còn là một chàng trai 19 tuổi, Son đã quan niệm công nghệ chip xử lý nhỏ bé có tiềm năng tạo ra cuộc cách mạng trong kinh doanh. Do đó, ông đã tạo ra một loại thiết bị dịch thuật và phát minh của ông đã được Sharp Electronics mua lại với giá 1 triệu USD

    Từ số vốn ban đầu, Son thành lập công ty tiền thân của SoftBank ngày nay chuyên kinh doanh phần mềm và máy tính cá nhân. Sau đó, công ty bắt đầu mở rộng đầu tư vào mạng viễn thông và SoftBank hình thành từ đó

    Tốt nghiệp đại học xong, Son tập trung toàn lực để phát triển công ty. Đến năm 1995, SoftBank đã kiểm soát gần một nửa thị trường phần mềm máy tính của xứ sở mặt trời mọc

    Nhật Bản là một quốc gia mạnh về công nghệ, tuy nhiên, đa phần các công ty công nghệ tên tuổi của Nhật đều khá bảo thủ, chậm thay đổi và thường "chơi" theo cách an toàn chứ không sẵn sàng thử những điều mới và sẵn sàng chấp nhận rủi ro như công ty Mỹ. Trong khi đó, SoftBank lại là một trường hợp ngoại lệ

    Masayoshi Son nổi tiếng là một nhà đầu tư "liều ăn nhiều" khi luôn mạnh tay đầu tư vào các công ty công nghệ non trẻ mới nổi, trong đó đáng chú ý nhất là Alibaba và Yahoo

    Năm 1996, Son đầu tư cho Jerry Yang, CEO của Yahoo! khoản tiền 100 triệu USD. Bốn năm sau, startup non trẻ này trở thành công cụ tìm kiếm thống trị trong kỷ nguyên đầu của Internet

    Năm 2000 cũng là thời điểm Son gặp Jack Ma, người sáng lập hãng thương mại điện tử Alibaba và đầu tư 20 triệu USD với lời hứa sẽ giúp họ trở thành Yahoo! tiếp theo. 14 năm sau, khi Alibaba thành công ty đại chúng, khoản đầu tư này có giá trị lên tới 50 tỷ USD

    [​IMG]
    Masayoshi Son và Jack Ma

    Sau này, khi tiếp xúc với các nhà sáng lập của startup, Son vẫn hay nói rằng họ cũng có thể thành công như Alibaba và trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới

    Năm 2016, SoftBank mua lại ARM, đơn vị hàng đầu trong thiết kế chip với giá 31,4 tỷ USD. Công ty Nhật Bản cho thấy họ đang thâu tóm một phần rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành điện tử thế giới, một công ty mà ngay cả Apple cũng phải dựa vào để tạo ra con chip cho thiết bị của mình.

    Việc mua lại ARM được coi là thương vụ công nghệ lớn nhất tại châu Âu và giúp tên tuổi của SoftBank được biết đến rộng rãi hơn. Đến thời điểm đó, nhiều người mới biết rằng tập đoàn Nhật có vẻ xa lạ này lại chính là nhà đầu tư danh tiếng đứng sau nhiều thương vụ mua bán lớn. Trước đó, năm 2013, SoftBank đã mua lại công ty viễn thông Sprint của Mỹ với giá 22,2 tỷ USD và nhà phát triển game Phần Lan với giá 1,5 tỷ USD

    Masayoshi Son từng chia sẻ: "Chúng ta sắp chứng kiến một sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử loài người. Trí tuệ nhân tạo sẽ nổi trội hơn con người không chỉ về kiến thức mà còn về trí thông minh. Đó là điều sẽ xảy ra trong thiên niên kỷ này"

    Ở thời điểm hiện tại, việc một nhà mạng phân phối iPhone là chuyện bình thường nhưng vào năm 2008, đây lại là một quyết định mạo hiểm của SoftBank. Đặc biệt là trong bối cảnh người dân Nhật Bản lúc đó vẫn rất ưa chuộng điện thoại nắp gập với đầy đủ các chức năng tiện lợi. Thế nhưng iPhone đã trở thành một thành công lớn và giúp công ty có được chỗ đứng nhất định trong thị trường cạnh tranh khốc liệt

    Hiện tại, vị tỷ phú 61 tuổi vẫn không ngừng theo đuổi tham vọng với tầm nhìn 300 năm của mình: Một cuộc cách mạng công nghệ sẽ đạt đến điểm bùng phát và trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế trí tuệ con người để định nghĩa lại mọi ngành công nghiệp của nền kinh tế toàn cầu. Một tương lai khi mọi người sử dụng di động, gọi xe, gọi đồ ăn, lưu trú, thanh toán hay khám bệnh đều dùng dữ liệu liên quan đến một công ty nào đó thuộc SoftBank. Theo Son, ai kiểm soát được dữ liệu, người đó sẽ kiểm soát được thế giới

    [​IMG]
    SoftBank và Vision Fund đang nắm giữ tương lai công nghệ thế giới

    Vị tỷ phú từng phát biểu trước hàng trăm doanh nhân công nghệ và so sánh tập đoàn của mình với tầng lớp quý tộc của cuộc Cách mạng Công nghiệp, những người đã đầu tư vào khoa học công nghệ vì lợi ích chung của toàn xã hội. Trước đó hai tháng, SoftBank đã ra mắt Vision Fund và theo ẩn dụ của Son, quỹ này là "đỉnh cao" của cuộc cách mạng thông tin

    Đây là quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới với các khoản đầu tư rót vào hàng loạt công ty công nghệ đình đám như ứng dụng gọi xe Uber, công ty thiết kế chip ARM, một công ty của gã khổng lồ Tencent hay công ty chia sẻ không gian làm việc WeWork

    Dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập, tỷ phú "liều ăn nhiều" Masayoshi Son, quỹ Vision Fund của SoftBank hiện nắm giữ mảng công nghệ thế mạnh tại hàng loạt công ty lớn trên toàn cầu

    SoftBank và Vision Fund đang từng bước kiểm soát công nghệ thế giới. Mặc dù vậy, thành công của Vision Fund vẫn là chưa đủ và SoftBank không hề giấu giếm kế hoạch mở một quỹ đầu tư tầm cỡ thứ hai trong tương lai không xa

    Ông Rajeev Misra, Giám đốc điều hành Vision Fund chia sẻ: "Chúng tôi muốn đầu tư vào cuộc cách mạng AI sắp diễn ra và vào những công ty sẽ thay đổi mọi ngành công nghiệp trên thế giới"

    Giờ đây, sau hơn 3 năm, Vision Fund đã đầu tư hơn 70 tỷ USD – một con số khiến không ít chuyên gia tài chính và các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon phải dè chừng. Mới đây nhất, theo một nguồn tin thân cận, tập đoàn công nghệ của Son đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vision Fund

    Có thể nói, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra ngày càng rộng khắp trên thế giới và việc chủ động áp dụng sự tiến bộ công nghệ và hoạt động kinh doanh sẽ đem lại được vô vàn lợi ích cho các doanh nghiệp toàn cầu
     
  16. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    SoftBank ra mắt quỹ đầu tư 108 tỷ USD, chuyên "bơm tiền" cho AI

    [​IMG]

    SoftBank vừa công bố siêu quỹ thứ 2 của mình với trị giá 108 tỷ USD, chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn thế giới

    Được gọi là Quỹ tầm nhìn 2 (Vision Fund 2), tập đoàn Nhật Bản và các đối tác khác đã cam kết đầu tư 108 tỷ USD vào quỹ thông qua một loạt các biên bản ghi nhớ. Riêng SoftBank đóng góp 38 tỷ USD cho quỹ mới

    Nhiều tên tuổi khổng lồ trong làng công nghệ, chẳng hạn như Apple, Microsoft, nhà lắp ráp iPhone Foxconn, Ngân hàng Standard Chartered, ngân hàng tài chính khổng lồ Nhật Bản Mizuho Bank, Sumitomo Mitsui Bank Corporation và MUFG Bank đều đầu tư tiền cho Vision Fund 2

    Tuy nhiên, 108 tỷ USD chưa phải con số cuối cùng. Tổng số vốn của Vision Fund 2 có thể tăng hơn nữa trong bối cảnh nhiều cuộc thảo luận đang diễn ra nhằm gọi vốn từ các đối tác khác. Nếu tất cả đều đóng góp như họ cam kết, Vision Fund 2 sẽ gọi vốn nhiều hơn quỹ Vision Fund 1 tới 100 tỷ USD

    Quỹ Vision Fund 1 được ủng hộ bởi các quỹ tài sản có chủ quyền của Ả Rập Saudi và Abu Dhabi cùng các công ty công nghệ và viễn thông nổi danh khách. Quỹ này mang lại tỷ lệ hoàn vốn 45% cho các đối tác đầu tư sau khi trừ đi một khoản phí dựa trên vốn chủ sở hữu ròng. Những thương vụ nổi tiếng nhất của Vision Fund 1 là đầu tư vào Uber, Slack, The We Company (trước đây gọi là WeWork), cũng như công ty thương mại điện tử Ấn Độ Flipkart

    Trong tháng 5, CEO Masayoshi Son đã nói về việc gọi vốn cho Vision Fund 2 sau những thành công vang dội của quỹ đầu. Sau khi Vision Fund 2 ra mắt, cổ phiếu của SoftBank Group đã tăng 0,59% trong phiên giao dịch buổi sáng

    Linh Anh
     
  17. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Nhà đầu tư đang làm hỏng các startup
    - Một mô hình các nhà đầu tư mạo hiểm đang theo đuổi là chọn các startup (từ thường dùng để chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng một ý tưởng hay giải pháp công nghệ) có tiềm năng đảo lộn một ngành nghề nào đó, rót thật nhiều tiền để các startup lớn nhanh như thổi, bất kể lỗ nặng đến đâu, miễn sao tăng nhanh số lượng người dùng. Sau đó họ tìm cách đưa các doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán, thị giá tăng gấp nhiều lần trị giá ban đầu khi họ rót vốn đầu tư. Đó là cách các quỹ mạo hiểm làm giàu mặc dù đa phần các startup nổi tiếng hiện vẫn đang lỗ triền miên

    [​IMG]
    Tỉ phú Masayoshi Son và Hoàng thái tử Ảrập Saudi Mohammed bin Salman tại một hội nghị đầu tư ở Riyadh, Ảrập Saudi

    Tờ New York Times tập trung vào một nhà đầu tư như thế để cho thấy họ đang phá hỏng môi trường kinh doanh bình thường như thế nào: tập đoàn SoftBank và tỉ phú Masayoshi Son

    Gốc Hàn Quốc nhưng Masayoshi Son lớn lên ở Nhật Bản, học công nghệ thông tin tại Đại học Berkeley nơi ông khởi sự kinh doanh bằng cách chế tạo một máy dịch điện tử sau này bán cho hãng Sharp. Năm 1981, ông mở một cửa hàng bán linh kiện máy tính tại Tokyo đặt tên là SoftBank rồi dần dần xây dựng nó thành một tập đoàn công nghệ và viễn thông. Năm 2000, ông đầu tư 20 triệu đô la Mỹ vào Alibaba, món đầu tư nay có giá trị lên đến 119 tỉ đô la Mỹ mặc dù ông đã bán bớt một phần cách đây ba năm. Thương vụ đầu tư vào Alibaba cũng làm tài sản riêng của Son tăng vọt lên 20 tỉ đô la Mỹ

    Masayoshi Son muốn lập lại thành công như kiểu Alibaba với nhiều doanh nghiệp khác. Quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank một lần nữa được ca tụng lên mây khi món đầu tư của họ vào Flipkart, một doanh nghiệp thương mại điện tử Ấn Độ, vào năm 2017 đã đem lại món lãi đến 1,7 tỉ đô la khi Walmart mua lại doanh nghiệp này vào năm ngoái. Với 100 tỉ đô la Mỹ trong tay, SoftBank rót tiền vào rất nhiều startup nổi tiếng như Uber, Grab, WeWork, Slack... với tham vọng thay đổi cách chúng ta làm việc, đi lại, giải trí... Chính Son đã vạch một kế hoạch 300 năm biến SoftBank thành một tập đoàn hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo, robot và các công nghệ tiên tiến khác

    Tiền đầu tư của SoftBank được một số startup xem như đích đến thành công nên nhiều startup vất bỏ mọi sự cẩn trọng, ngó lơ các khoản lỗ nặng, thậm chí tạo ra một lối suy nghĩ trong cộng đồng startup rằng các khoản lỗ chính là huy chương thành công gắn lên ngực. Triết lý của SoftBank được các nhà đầu tư khác ở Phố Wall làm theo, tạo ra một môi trường startup với những nguyên tắc kinh doanh đảo ngược mọi lý lẽ thông thường

    Nhưng, theo New York Times, Phố Wall dường như đã tỉnh ngộ, không còn đeo đuổi rót tiền vào các chiếc thùng không đáy này nữa. Giá cổ phiếu của Uber đã giảm mất 30% kể từ khi lên sàn vào tháng 5; giá cổ phiếu của Slack, một dạng không gian làm việc chung, giảm đến 40% kể từ ngày giao dịch đầu tiên vào tháng 6. WeWork từ một ngôi sao sáng trong làng startup, chuyên cung cấp không gian làm việc chung và các loại dịch vụ cho các startup hay doanh nghiệp khác, nay gặp khủng hoảng, tổng giám đốc điều hành phải từ chức sau khi WeWork lên sàn bất thành

    Các lời phê phán SoftBank tập trung vào chuyện các khoản đầu tư dễ dãi của họ đã làm vẩn đục môi trường hoạt động của các doanh nghiệp non trẻ khi khuyến khích người đứng đầu doanh nghiệp cứ chấp nhận rủi ro mà không chịu xây dựng doanh nghiệp bền vững, có thể chịu được sự thăng trầm của nền kinh tế. Ngay cả Masayoshi Son cũng phải thừa nhận các doanh nghiệp mà tập đoàn của ông đầu tư cần phải nhanh chóng trở nên bền vững về mặt tài chính, ý nói chấm dứt thua lỗ, bắt đầu làm ra lãi. Len Sherman, giáo sư trường Columbia Business School, nói ông hy vọng đây là điểm tới hạn để sau cùng thị trường vốn bừng tỉnh mà chấm dứt cách hành xử điên rồ

    Về mặt tài chính, SoftBank ắt phải ghi nhận lỗ cho một số khoản đầu tư; ví dụ, khi đầu tư vào WeWork vào tháng 1, SoftBank định giá WeWork ở mức 47 tỉ đô la Mỹ - nay giá của nó chỉ còn ở mức 15 tỉ đô la Mỹ mà cũng chưa lên sàn được. Nếu thị trường định giá WeWork ở mức này, SoftBank phải chịu ngay một mức lỗ 2 tỉ đô la Mỹ. Cú lỗ này có tác dụng xấu lên nỗ lực gọi vốn cho một quỹ Vision Fund thứ hai, dự kiến sẽ huy động được 108 tỉ đô la. Các nhà đầu tư vào quỹ Vision Fund thứ nhất tại Ảrập Saudi và Abu Dhabi chưa tỏ ý mong muốn đầu tư thêm nữa

    Các khoản đầu tư vào doanh nghiệp không phải là startup của SoftBank cũng không suôn sẻ. Năm 2013, Son bỏ ra 21,6 tỉ đô la và nhận nợ thêm nhiều tỉ đô la nữa để mua cổ phần chi phối hãng viễn thông Sprint. Son hứa hẹn sẽ giúp Sprint bắt kịp các đối thủ như Verizon hay AT&T bằng cách nâng cấp mạng lưới để cung cấp dịch vụ viễn thông nhanh hơn, tốt hơn. Lời hứa chưa biến thành hiện thực khi lợi nhuận của Sprint vẫn giữ nguyên như cũ. Hiện nay Sprint không chỉ tụt hậu xa hơn đối thủ chính mà còn mất khách vào tay T-Mobile, một đối thủ nhẹ cân hơn. Đến năm ngoái, SoftBank mới ký hợp đồng bán Sprint cho T-Mobile nhưng đang bị các cơ quan quản lý Mỹ phản đối. Nếu việc sáp nhập không thành, nhiều chuyên gia thị trường cho rằng cổ phiếu Sprint sẽ mất hết giá trị

    Tờ New York Times trích lời các nhà phân tích cho rằng sai lầm của SoftBank là các khoản đầu tư của họ vào các startup làm nâng giá trị của các startup này lên nhiều lần, một giá trị ảo mà các nhà đầu tư khác không sẵn lòng bỏ tiền ra để tham gia. Ví dụ với WeWork, chỉ cần gặp nhà sáng lập và Tổng giám đốc Adam Neumann chừng 1 tiếng đồng hồ vào năm 2016 là Son đồng ý rót tiền. Năm 2017, họ định giá WeWork ở mức 20 tỉ đô la; đến tháng 1 năm nay, SoftBank đầu tư thêm và định giá WeWork ở mức 47 tỉ đô la! Các khoản tiền y như được các tay phù thủy biến hóa tạo ra từ không khí
     
  18. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tỉ phú Masayoshi Son dồn lực đầu tư cho các sáng tạo AI
    Tỉ phú Masayoshi Son, CEO của Tập đoàn SoftBank Group (Nhật Bản), nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới, tuyên bố ông sẽ dồn hết trí lực của bản thân cho trí tuệ nhân tạo (AI) và các sáng tạo mới liên quan đến công nghệ này

    “Đã đến lúc chúng ta phải phản công. Tôi muốn SoftBank dẫn đầu cuộc cách mạng AI”, ông nói khi đề cập kế hoạch đầu tư trở lại sau khi áp dụng chiến lược phòng ngự và nằm im chờ cơ hội của SoftBank trong những năm qua do ngành công nghệ suy thoái


    • Tháng trước, SoftBank báo cáo khoản lỗ ròng 970 tỉ yen, tương đương 6,9 tỉ đô la Mỹ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2023, do khoản lỗ lớn từ các quỹ đầu tư công nghệ của tập đoàn này. Đây là năm thứ hai liên tiếp SoftBank chứng kiến thua lỗ. Tuy nhiên, mức lỗ trong năm vừa qua thấp hơn so với năm trước đó sau khi SoftBank bán gần như toàn bộ cổ phần ở Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group (Trung Quốc). Hiện tại, SoftBank đang nắm giữ lượng tiền mặt 5.000 tỉ yen (khoảng 35 tỉ đô la)

      Gần đây, Son ít xuất hiện trước công chúng hơn sau khi ngừng phát biểu mỗi khi SoftBank công bố thu nhập hàng quí. Vị tỉ phú công nghệ cho biết các cấp phó sẽ điều hành các cuộc họp hàng quí vì ông muốn tập trung vào Arm (Anh), công ty thiết kế chip thuộc sở hữu của SoftBank

      Ông tiết lộ ông đang tập trung vào phát minh của riêng mình về AI. Ông ấp ủ tham vọng này sau khi tự vấn bản thân vào cuối năm ngoái và kết luận rằng ông muốn theo đuổi ước mơ trước đây là trở thành một “kiến trúc sư” cho tương lai của nhân loại bằng cách sử dụng khía cạnh sáng tạo của bộ não

      Ông thẳng thẳn chia sẻ ông đã rơi vào khủng hoảng hồi tháng 10 năm ngoái khi tự hỏi ông đã làm được gì với tư cách là một doanh nhân

      “Có những lúc tôi cảm thấy trống rỗng thực sự. Tôi đã khóc rất nhiều. Nước mắt của tôi không ngừng rơi trong nhiều ngày”, ông nói với các cổ đông

      Ông cho biết hàng ngày, ông sử dụng ChatGPT, chatbot AI của OpenAi, để động não và đã vạch ra 630 ý tưởng trong 8 tháng qua. Ông tiết lộ đã thành lập 5 văn phòng để nộp đơn đăng ký bản quyền sáng chế liên quan đến các ý tưởng này

      “Tôi nhận ra rằng tôi thực sự muốn trở thành một kiến trúc sư, để thiết kế tương lai của nhân loại. Tôi muốn lần lượt đạt được nhiều phát minh của riêng mình và Arm sẽ cung cấp chìa khóa cho nỗ lực đó. Bằng cách sử dụng vị thế của Arm và kết hợp với ý tưởng của tôi, sẽ có một cơ hội tuyệt vời”, ông nói

      Khi cổ đông hỏi về kịch bản AI đe dọa con người, Son nói rằng ông đang phát triển công nghệ cung cấp cho các chương trình AI một chương trình tự kiểm soát để chúng làm việc và hợp tác cùng con người

      Son tâm sự rằng ông được truyền cảm hứng từ người bạn quá cố Steve Jobs, đồng sáng lập Apple, người đã thực hiện các nhiệm vụ sáng tạo như thiết kế iPhone trong những năm cuối đời

      Ông cho hay, sau một thời gian ngủ đông dài, SoftBank đã tích lũy đủ tiền để đầu tư trở lại vào AI. Ông nhận định Arm đang bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ sau khi ông tăng gấp đôi số lượng kỹ sư ở công ty này trong những năm vừa qua

      “Khi con cháu của chúng ta lớn bằng tuổi của chúng ta hiện nay, tôi tin rằng chúng sẽ sống trong một thực tế là máy tính thông minh gấp hơn 10.000 ngàn lần so với con người”, Son nói về tiềm năng phát triển của công nghệ AI

      Người đứng đầu SoftBank cảnh báo các công ty sẽ tụt hậu nếu không sử dụng AI tạo sinh, nhưng ông cũng kêu gọi tăng cường quản lý để bảo đảm công nghệ này không bị lạm dụng cho các mục đích xấu

      “Có nguy cơ dẫn đến những hậu quả đáng sợ hơn cả bom nguyên tử nếu AI bị lạm dụng bởi những người xấu. Vì vậy, chúng ta nên tranh luận và đưa ra các quy định quản lý”, ông nói

      Là người đầu từ sớm vào AI, Son bày tỏ vui mừng khi chứng kiến nhận thức của công chúng về tiềm năng của AI đang tăng lên. SoftBank đã rót nhiều tỉ đô la vào hàng trăm công ty công nghệ và giờ đây, một số công ty này đang mang lại thành quả

      Triển vọng cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Arm gần đây trở nên sáng sủa hơn nhờ cơn sốt đầu tư AI. Bloomberg đưa tin Arm đang đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm cả Intel để huy động tới 10 tỉ đô la trong thương vụ IPO vào tháng 9 tới để niêm yết cổ phiếu ở Sở giao dịch chứng khoán New York

      Sau khi Son tuyên bố thay đổi lập trường đầu tư, cổ phiếu SoftBank tăng hơn 3% trong phiên giao dịch hôm 21-6 và chạm mức cao nhất trong ngày kể từ tháng 11. Trong quí 2 này, cổ phiếu SoftBank đã tăng giá hơn 30%
     

Chia sẻ trang này