Made in China 2025

Thảo luận trong 'Alibaba' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 9/9/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Trung Quốc tham vọng trở thành cường quốc CNTT
    10/10/2002

    Nói đến xuất khẩu phần mềm, người ta nghĩ ngay đến Ấn Ðộ, một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, giá thành sản xuất phần mềm tại Ấn Ðộ đang tăng lên, mở đường cho các đối thủ cạnh tranh mới nhảy vào


    Trung Quốc là một trong số đó với mục tiêu đề ra là trở thành nước xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu thế giới từ 2007-2010. Quốc gia này hiện có hơn 300.000 lập trình viên và được bổ sung thêm 30.000 người tốt nghiệp lĩnh vực này hàng năm. Chi phí sản xuất phần mềm ở đây thấp hơn từ 15-20% so với Ấn Ðộ và chỉ bằng 1/6 so với Mỹ

    Tuy nhiên, con đường đi đến thành công vẫn còn rất dài. Doanh thu xuất khẩu phần mềm hàng năm của Trung Quốc hiện nay chỉ vào khoảng 600.000 USD, quá khiêm tốn so với doanh số 6,2 tỉ USD của Ấn Ðộ trong năm nay. Ngoài ra, còn có những trở ngại khác ảnh hưởng đến tham vọng trên. Chỉ có 10% những người làm việc trong lĩnh vực này có kinh nghiệm thực hiện các công việc lập trình phức tạp. Trình độ tiếng Anh và khả năng tổ chức cũng là một hạn chế khác của lập trình viên Trung Quốc. Theo nhận xét của Tony Perlins, Giám đốc hãng tư vấn McKinsey & Company tại Bắc Kinh, so với các đồng nghiệp Ấn Ðộ, lập trình viên Trung Quốc có trình độ tương đương, nhưng lại không quản lý nổi các dự án phức tạp

    Trung Quốc biết rõ những hạn chế của mình và đang thực hiện nhiều biện pháp để phát triển ngành công nghiệp phần mềm trong nước. Trung Quốc đã gửi các phái đoàn tìm hiểu tình hình thực tế sang Bangalore, trung tâm CNTT của Ấn Ðộ, trong khi Bắc Kinh đã xây dựng một trung tâm thúc đẩy CNTT và thực hiện các chương trình đào tạo lập trình viên. Mặt khác, khi Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc học Anh văn sẽ trở thành một ưu tiên, và lợi thế về giá cả có thể thu hút các dự án từ Ấn Ðộ, mang lại cho các lập trình viên Trung Quốc những kinh nghiệm cần thiết

    Những nỗ lực trên bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định. Các công ty nước ngoài bắt đầu sử dụng lập trình viên Trung Quốc để thực hiện các dự án mà trước kia Ấn Ðộ thường làm. Tại Objectiva, một công ty xuất khẩu phần mềm Mỹ hoạt động tại Bắc Kinh, các kỹ sư đang phát triển nhiều ứng dụng doanh nghiệp phức tạp sử dụng J2EE, một nền (platform) mới nhất dành cho các phần mềm doanh nghiệp của hãng Sun. Trong khi đó, các kỹ sư Trung Quốc tại IT United đã tạo ra một loạt các trình ứng dụng đa dạng, trong đó có hệ thống đánh giá khả năng làm việc của người lao động. Dolster, một nhà đăng ký tên miền tại Mỹ, sử dụng các lập trình viên Trung Quốc để phát triển các giao diện đa ngôn ngữ cho trang web của hãng

    Theo một số nhà phân tích, những trở ngại về ngôn ngữ có thể khiến các công ty hướng đến thị trường Ðông Á, như Nhật và Hàn Quốc. Ngoài ra, những công ty Trung Quốc và Ấn Ðộ có thể liên doanh để kết hợp những lợi thế của mình với nhau: yếu tố giá thành của Trung Quốc với kỹ năng quản lý dự án và lập trình của Ấn Ðộ. InfoSys Technology, hãng xuất khẩu CNTT lớn nhất Ấn Ðộ đánh giá nghiêm túc tham vọng của Trung Quốc. Hãng này đang xây dựng một trung tâm phần mềm ở Thượng Hải và đang tập trung vào việc tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để phòng khi lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của Ấn Ðộ sụt giảm

    Phương Võ
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tham vọng 4.0 của Trung Quốc có thể đảo lộn trật tự thương mại toàn cầu

    [​IMG]



    Khi Tổng thống Trump đến Bắc Kinh ngày 7/11/2017, ông nói rất nhiều về thép và xe hơi. Tuy nhiên, điều mà quan chức Washington cũng như các công ty lớn trên thế giới lo lắng là kỷ nguyên 4.0 có thể giúp Trung Quốc thâu tóm công nghệ tương lai


    [​IMG]
    Cách đây 3 năm, Trung Quốc công bố một kế hoạch đầy tham vọng: Made in China 2025. Trong một thập kỷ, Bắc Kinh sẽ xây dựng một đế chế để thống trị các công nghệ tiên tiến như vi mạch tiên tiến, trí tuệ nhân tạo và ô tô điện. Trung Quốc đang tận dụng lợi thế về thị trường người dùng công nghệ lớn nhất thế giới trên chính đất nước họ

    Cái giá cho việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – sẽ là mối quan hệ đối tác hoặc quyền sở hữu trí tuệ. Điều thu hút những nhà đầu tư lớn trên thị trường quốc tế chính là lợi nhuận cùng với cơ hội gia nhập thị trường lách được những luật lệ thương mại của Hoa Kỳ

    [​IMG]
    Năm 2016, các quan chức ở Washington bắt đầu gây cản trở việc Trung Quốc mua công nghệ cao cấp. Một doanh nghiệp Mỹ đã tìm cách giúp đỡ một đối tác Trung Quốc bất chấp những trở ngại đó. Công ty, Advanced Micro Devices, lách luật bằng cách không bán các vi mạch mà lại bán bản thiết kế vi mạch độc quyền của họ. Đối tác Trung Quốc có quyền ứng dụng công nghệ đó để tạo ra các vi mạch của riêng mình. Thiết bị vi mạch tiên tiến đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Advanced Micro Devices

    Các quy tắc thương toàn cầu đang thay đổi - và Trung Quốc và Hoa Kỳ đang chạy đua để tạo ra một tương lai với tầm nhìn của riêng họ. Điều này có thể gây ra những thay đổi lớn trong luật lệ thương mại của nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21. Tiền tệ, các phát minh, và ảnh hưởng của chúng đến kinh tế sẽ bị giám sát gắt gao hơn rất nhiều

    Ngay cả trước đây, Trung Quốc cũng đã bị ám ảnh với việc tiếp thu công nghệ nước ngoài. Đó được hiểu như cách để kết thúc một thời kỳ đen tối và khôi phục sức mạnh của Trung Quốc. Nhưng Made in China 2025 tham vọng hơn tất cả những mục tiêu của họ trong quá khứ. Một chính sách công nghiệp quốc dân nhằm giành lấy quyền lực và mở rộng tầm ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc ra toàn cầu

    [​IMG]

    Trung Quốc đang dốc hàng tỷ đô la vào đầu tư vào nghiên cứu trong nước, cũng như mua công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Bắc Kinh đã đầu tư hơn 100 tỷ đô la cho một công ty nghiên cứu các chất bán dẫn. Và một kế hoạch khác dự kiến thực hiện vào năm 2030, nhằm mục đích phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, trị giá 150 tỷ đô la

    Những nỗ lực của Trung Quốc khiến một số quan chức chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu phải đánh giá lại cách Hoa Kỳ tiếp cận thương mại. Các nhà lập pháp đang tạo ra hệ thống luật lệ khắt khe hơn về mua hàng công nghệ - điều mà Trung Quốc tỏ ra rất tích cực. Họ cũng đang điều tra liệu Trung Quốc có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không

    Wilbur L. Ross Jr., Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cho biết: "Một vài công ty Mỹ đang có xu hướng chia sẻ công nghệ với các nước có tiềm năng là đối thủ cạnh tranh của chúng ta". Có vẻ như "đối thủ" mà ông đề cập đến ở đây chính là Trung Quốc. "Tôi không nghĩ đó là một ý kiến hay. Tôi nghĩ đó là tư duy thiển cận, họ từ bỏ công nghệ chỉ để tăng thêm 20-25% doanh thu"

    [​IMG]

    [​IMG]

    Trung Quốc đang phụ thuộc phần lớn công nghệ của họ vào các quốc gia phương Tây. Thậm chí là cả những hệ thống cấp cao như máy tính của chính phủ, ngân hàng và phòng thí nghiệm cũng đều sử dụng chip từ Intel và Qualcomm, phần mềm từ Microsoft hoặc Oracle, một sự phụ thuộc mà họ coi đó là lỗ hổng rất lớn

    Chính phủ Trung Quốc đang hi vọng sẽ thay đổi điều đó. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một think tank của Đức: "Trung Quốc đang nỗ lực để khuyến khích các doanh nghiệp: họ chi 45 tỷ đô la cho các công ty nội địa vay với lãi suất ưu đãi, 3 tỷ đô la đầu tư cho công nghệ và hàng tỷ đô la đã được chi trong các hỗ trợ tài chính khác"

    "Made in China 2025 sẽ được chú trọng và đầu tư đáng kể, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương", Kai-Fu Lee, một nhà đầu tư nổi tiếng ở Bắc Kinh cho biết

    [​IMG]

    Mục tiêu không đơn giản là chiến thắng Hoa Kỳ. Họ đang chuẩn bị cho một tương lai khi các ngành sản xuất giá rẻ không còn đủ sức duy trì sự năng động của nền kinh tế Trung Quốc. Họ muốn nắm bắt các ngành công nghiệp đòi hỏi chuyên môn cao mà không làm ô nhiễm môi trường

    Trung Quốc đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đáp ứng gần 75% nhu cầu nội địa đối với robot công nghiệp và hơn 30% nhu cầu về chip điện thoại thông minh. Các mục tiêu khác bao gồm những chiếc xe ô tô sử dụng năng lượng điện và các thiết bị y tế cao cấp

    Mục tiêu cho Made in China 2025 đã được tham khảo từ một kế hoạch của chính phủ Đức gọi là Industrie 4.0, đòi hỏi phát triển công nghệ tự động hóa và sự phát triển của các nhà máy tự động sử dụng rất ít nhân công. Và tham vọng thống lĩnh nền kinh tế thế giới của Trung Quốc ngày nay cũng được truyền cảm hứng từ nước Đức

    [​IMG]

    Năm ngoái, một nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc có tên Midea đã bất ngờ đạt được thỏa thuận mua lại Kuka - một công ty robot tiên tiến tại Đức với giá 3,9 tỷ USD. Thỏa thuận này khiến Midea trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực tự động hóa - nổi tiếng với tủ lạnh và nồi cơm điện

    "Quan hệ đối tác của chúng tôi với Kuka thực ra là về việc cải tiến toàn bộ nhà máy", Irene Chen, phát ngôn viên của Midea cho biết

    Trường hợp không thể mua được công nghệ, chính phủ Trung Quốc vẫn muốn các doanh nghiệp tiếp thu nó từ các công ty nước ngoài thông qua giao dịch hoặc thậm chí là chấp nhận những luật lệ khắt khe hơn

    Họ sẽ sớm yêu cầu các công ty ô tô nước ngoài sản xuất xe điện ngay ở tại Trung Quốc, nếu họ muốn tiếp tục bán các loại xe chạy bằng xăng trong thị trường Trung Quốc – thị trường xe hơi lớn nhất thế giới hiện nay. General Motors, Volkswagen và các doanh nghiệp khác đã cạnh tranh gay gắt để thành lập liên doanh với các đối tác Trung Quốc

    [​IMG]
    "Luật bảo vệ an ninh mạng được ban hành vào năm 2017 cho phép Bộ An ninh Quốc gia nắm quyền đánh giá an ninh công nghệ được bán hoặc sử dụng ở Trung Quốc", theo lời James A. Lewis, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Luật này có thể khiến các công ty bị lộ một số thông tin tuyệt mật nhất của họ

    "Tại một số công ty, các quan chức an ninh Trung Quốc đi thị thực kinh doanh tiến hành kiểm tra các "clean room" của công ty đó tại Hoa Kỳ", ông Lewis nói. Các công ty cho rằng, việc kiểm tra đó cần được giám sát để hạn chế việc các quan chức này có thể "ăn cắp công nghệ"

    Tuy nhiên nếu các công ty đó có thị phần lớn ở Trung Quốc, họ vẫn sẽ phải chấp nhận sự kiểm tra đó, ông Lewis nói. "Mọi người đều sợ bị trả đũa. Không ai muốn mất thị trường khổng lồ Trung Quốc"


    Cleanroom – "phòng sạch" là một phòng mà nồng độ của hạt lơ lửng trong không khí bị khống chế. Nó được xây dựng và sử dụng trong một kết cấu sao cho sự có mặt, sự sản sinh và duy trì các hạt trong phòng được giảm đến tối thiểu và các yếu tố khác trong phòng như nhiệt độ, độ ẩm, áp suất đều có thể khống chế và điều khiển. Cleanroom thường được sử dụng trong quá trình sản xuất công nghiệp chuyên ngành hoặc nghiên cứu khoa học, bao gồm cả sản xuất dược phẩm và bộ vi xử lý


    [​IMG]

    [​IMG]

    Rất thận trọng, Hoa Kỳ đã sử dụng các quy tắc hiện hành để ngăn chặn việc Trung Quốc thâu doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia. Nhưng nhiều quy tắc tóm các trong số đó không ngăn chặn được triệt để các giao dịch, như trường hợp của Advanced Micro Devices

    Liên doanh A.M.D với đối tác Trung Quốc là một tòa nhà kính đặt tại thành phố Thành Đô - được gọi là Công viên phần mềm Tianfu. Công viên đại diện cho tầm nhìn của Bắc Kinh về tương lai. Dưới một dãy những tòa tháp văn phòng, khách sạn và khu chung cư, cây cối và vỉa hè chất cứng với những chiếc xe đạp. Văn phòng của các công ty sáng tạo nhất của Trung Quốc, như Huawei và Tencent, đặt ở ngay bên cạnh các đối thủ cạnh tranh nước ngoài của họ, như SAP và Accenture

    Bên trong một trong những tòa tháp kính, A.M.D. hợp tác với đối tác Trung Quốc của họ, một công ty có tên là Sugon, để sản xuất những con chip mới. Với thỏa thuận gần 300 triệu đô la, A.M.D. đã đồng ý cấp phép công nghệ sản xuấy chip cho Sugon để sản xuất chip cho các máy chủ. Bởi vì A.M.D. kiểm soát sự liên doanh này, công nghệ được coi là vẫn thuộc về Hoa Kỳ

    Tuy nhiên A.M.D. đánh dấu mối quan hệ đối tác thứ hai cho phép công ty Trung Quốc kiểm soát liên doanh. Liên doanh đó hoạt động trên các ứng dụng như tích hợp chip với máy chủ. Hai liên doanh này nằm trên tầng 11 và 12 của tòa nhà

    [​IMG]
    Các chuyên gia cho rằng quan hệ đối tác kép có thể giúp Trung Quốc phát triển một thế hệ siêu máy tính mới. Trung Quốc đã chế tạo những chiếc máy tính tốc độ nhanh nhất thế giới, nhưng họ chạy trên những con chip cây nhà lá vườn - không thể đọc được những phần mềm phổ biến cho các siêu máy tính.


    Với sự giúp đỡ của A.M.D., các chuyên gia cho rằng, Sugon có thể phát triển những con chip giúp các siêu máy tính của Trung Quốc linh hoạt hơn, thay vì phải mua chúng từ các công ty nước ngoài. "Chúng tôi đã làm việc rất rõ ràng với các quan chức chính phủ Hoa Kỳ về chiến lược và chi tiết cụ thể của hàng hóa công nghệ, đó được phân loại là hàng hóa được phép xuất khẩu", một phát ngôn viên của A.M.D. cho biết trong một tuyên bố gửi qua email

    Ông nói thêm rằng các bộ xử lý cũng có hiệu suất thấp hơn mẫu mà A.M.D. bán ở Mỹ. Các giám đốc điều hành tại Thành Đô cho biết có sự tách biệt rõ ràng giữa hai liên doanh, và liên doanh kiểm soát bở Trung Quốc thì không liên quan đến phát triển chip

    Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, Zhang Yunquan - một nhà nghiên cứu chính phủ hàng đầu và là người đứng đầu Trung tâm Supercomputing Quốc gia ở Tế Nam, Trung Quốc, cho biết Sugon có thể sử dụng liên doanh để chế tạo vi mạch siêu máy tính. Theo các chuyên gia, siêu máy tính như vậy sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết kế hệ thống vũ khí thế hệ mới

    "Khi họ lần đầu tiên công khai quan hệ đối tác, tôi đã bị sốc", Stacy Rasgon - một nhà phân tích bán dẫn trả lời Sanford Bernstein. "Bạn cho rằng sở hữu trí tuệ và liên doanh sẽ thuộc quyền kiểm soát của CFIUS (Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ)?" ông Rasgon nói "Nên là như vậy chứ, nhưng đáng ngạc nhiên là không"

    [​IMG]

    [​IMG]
    Có lẽ một số thành viên của chính quyền Trump cần phải đọc một cuốn sách của hai đại tá Không quân Trung Quốc được gọi là: "Chiến tranh không hạn chế" (Unrestricted Warfare). Cuốn sách cho rằng Trung Quốc không cần phải tuân theo quân đội Hoa Kỳ. Thay vào đó, Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế của nền kinh tế toàn cầu và Internet để hạ gục Hoa Kỳ - đối thủ chính của họ

    Một số quan chức Mỹ tìm thấy trong đó định hướng cho các kế hoạch của Trung Quốc. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đang đề xuất để củng cố luật tiếp quản của Mỹ để đánh giá lại các thỏa thuận về kinh tế cũng như cơ sở an ninh quốc gia

    Họ cũng xem xét lại các điều luật về cấp phép và liên doanh. Đại diện thương mại Hoa Kỳ cũng đã đưa ra một cuộc điều tra về việc liệu các công ty Trung Quốc có ăn cắp tài sản trí tuệ hay không

    Greg Levesque - giám đốc điều hành của Pointe Bello - một công ty nghiên cứu ở Washington, và là cựu giám đốc điều hành của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung, nói: " Các công ty Mỹ đang bán đi chính lợi thế cạnh tranh của họ"

    Những thay đổi như vậy có thể tác động thông qua thế giới công nghệ. Các khoản đầu tư từ Trung Quốc thường là lớn hơn và lại ít ràng buộc hơn. Một số công ty công nghệ cho rằng điều đó sẽ thúc đẩy cho sự đổi mới. Đầu tư của Trung Quốc cho khoa học và nghiên cứu cũng đang tăng lên giữa thời điểm mà chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia khác thì lại cắt giảm

    Tuy nhiên, nhiều công ty Mỹ lo sợ việc lách luật cuối cùng sẽ để lại hậu quả khôn lương. Hoa Kỳ từng tin rằng đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới, nơi giám sát các tranh chấp thương mại toàn cầu, sẽ khiến Trung Quốc tuân theo các quy tắc. Nhưng W.T.O. đã tỏ ra bất lực với các vấn đề liên quan đến công nghệ

    Thông điệp đã rõ ràng: các công ty Mỹ có nguy cơ bị đánh bật ra khỏi thị trường

    Ông Jeremie Waterman, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết: "Made in China 2025 dường như đánh bật tất cả các khái niệm về lợi thế so sánh và thâu tóm các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao về Trung Quốc

    "Nếu Made in China 2025 đạt được mục tiêu của mình," ông nói, "trong tương lai, Hoa Kỳ và các nước khác có thể sẽ phải xuất khẩu những thứ như dầu, gas, thịt bò và đậu tương sang Trung Quốc"


    Nguyễn Thái Quỳnh Trang
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Made in China 2025
    Kế hoạch ngáng đường đàm phán thương mại Mỹ - Trung

    Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị công nghệ trong tương lai là một trong những rào cản lớn nhất với khả năng giải quyết chiến tranh thương mại

    Quan chức Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng có kết quả đột phá, khi Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ - Donald Trump gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina cuối tháng tới. Ông Trump vẫn đe dọa áp thêm thuế nhập khẩu. Còn ông Tập lại chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ bằng các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng lên tăng trưởng, đồng thời không phát tín hiệu nhượng bộ kế hoạch tăng cường sức mạnh công nghệ của quốc gia

    Với ông Tập, từ bỏ các ngành công nghiệp nặng truyền thống, và thống trị các ngành công nghiệp mới, sạch hơn là trọng tâm cam kết tạo ra một xã hội thịnh vượng. Chính quyền ông Trump thì lại muốn duy trì vị thế vượt trội về kinh tế của Mỹ. Trong một bài phát biểu gần đây, cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng - Larry Kudlow cho biết: “Chúng ta đang có lợi thế về kinh tế”

    Bắc Kinh đang chơi một cuộc chơi dài hạn. Năm 2015, họ lần đầu công bố kế hoạch Made in China 2025 và ngày càng thu hút nhiều sự chú ý. Nói ngắn gọn, đây là kế hoạch nhằm cải tổ Trung Quốc, biến họ thành một nền kinh tế công nghệ cao

    [​IMG]
    Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ - Donald Trump

    Made in China 2025 xác định 10 ngành công nghiệp mà họ muốn có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu trước năm 2025, và thống trị trong thế kỷ 21. Đó là robot, phương tiện giao thông năng lượng mới, công nghệ sinh học, vũ trụ, vận tải biển cao cấp, thiết bị đường sắt công nghệ cao, thiết bị điện, vật liệu mới, phần mềm và công nghệ thông tin thế hệ mới, máy nông nghiệp. Họ còn có một chiến lược phát triển riêng cho Trí tuệ nhân tạo (AI), được công bố năm ngoái. Trung Quốc muốn trở thành trung tâm đột phá về AI của thế giới trước năm 2030

    Trung Quốc dĩ nhiên có lý do để làm việc này. Họ muốn chuyển dịch nền kinh tế, từ dựa vào các ngành cần nhiều lao động, sang sản xuất công nghệ cao. Chi phí nhân công tăng, trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng khiến lực lượng lao động co lại đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của nước này. Để bật lên, Trung Quốc cần chuyển sang các ngành công nghiệp mà các nước phát triển đang thống trị

    Mỹ thì tỏ ra không hài lòng với chiến lược này của Trung Quốc. Các công ty Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng hàng loạt chiêu thức nhằm buộc họ chuyển giao tài sản trí tuệ, thậm chí ăn trộm bí mật thương mại của Mỹ. Doanh nghiệp nước ngoài lo ngại sẽ không thể cạnh tranh với công ty Trung Quốc trong các ngành sản xuất công nghệ cao khi những công ty này được Chính phủ hỗ trợ. Hồi tháng 3, Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer từng tuyên bố trước Thượng viện Mỹ rằng “Có những thứ mà nếu Trung Quốc thống trị thế giới, Mỹ sẽ bất lợi”

    Giới phân tích cho rằng việc Mỹ lo lắng cũng khá dễ hiểu, dù nước này vẫn đang có lợi thế trong các ngành công nghiệp mà Trung Quốc muốn đẩy mạnh. Năm 2014, Trung Quốc đã chấm dứt sự thống trị của Nhật Bản tại châu Á trong xuất khẩu hàng công nghệ cao, ADB cho biết. Năm đó, nước này đóng góp 44% hàng công nghệ cao xuất khẩu của khu vực, như thiết bị y tế, máy bay và thiết bị viễn thông tăng so với chỉ 4% năm 2000. Trung Quốc cũng đang tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo, xe điện và sản xuất máy bay

    [​IMG]
    Máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất

    Vài tháng qua, Mỹ và Trung Quốc đã đánh thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, châm ngòi cho cuộc chiến thương mại có quy mô khổng lồ. Thuế nhập khẩu mà ông Trump đánh vào hàng Trung Quốc bao gồm rất nhiều lĩnh vực được ưu tiên trong Made in China 2025. Đánh trực diện vào kế hoạch này sẽ giải quyết được phàn nàn của nhiều công ty Mỹ tại Trung Quốc. Nó có tác dụng hơn nhiều so với các đòn thuế trước của ông Trump, đánh lên máy giặt, pin năng lượng mặt trời, nhôm và thép

    Dĩ nhiên, Trung Quốc không vì sức ép mà từ bỏ tham vọng của mình. Trước các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ hồi tháng 5, nước này còn khẳng định không chấp nhận các điều kiện ban đầu của Mỹ, trong đó có từ bỏ Made in China 2025. Sau việc Mỹ cấm các công ty trong nước làm ăn với ZTE vì bán hàng trái phép sang Iran, khiến hoạt động của đại gia viễn thông này tê liệt, Trung Quốc càng nhận ra sự cần thiết của việc nắm bắt công nghệ lớn và sáng tạo trong nước

    Dù vậy, trong vài tháng qua, Bắc Kinh lại kêu gọi quan chức và giới truyền thông giảm ca tụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Thay vì thể hiện mình như "gã khổng lồ nhiều sức mạnh", họ tỏ ra mình là một bên khiêm nhường muốn hỗ trợ cho các nước cần giúp đỡ. Truyền thông nhà nước cũng được yêu cầu giảm nhắc đến Made in China 2025

    Tuy nhiên, điều này không có nghĩa họ sẵn sàng từ bỏ kế hoạch. Bản Made in China 2025 chính thức không đề ra mục tiêu với các công ty Trung Quốc, về thị phần trong nước và toàn cầu, thậm chí khẳng định việc thực thi còn tùy thuộc vào thị trường. Nhưng tài liệu không chính thức “Made in China 2025 Major Technical Road Map” - còn có tên khác là Sách Xanh - lại liệt kê khá nhiều mục tiêu trong suốt 296 trang

    Trong một tuyên bố hồi tháng 4, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc - Miao Wei khẳng định các mục tiêu này là không chính thức và không có nhiều ảnh hưởng. Họ cam kết kế hoạch Made in China 2025 áp dụng như nhau với cả công ty trong nước và nước ngoài

    Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước. Đây từng là trọng tâm kế hoạch tăng trưởng của Nhật trong thập niên 70 và 80. Made in China 2025 cũng lấy cảm hứng từ Industry 4.0 của Đức năm 2013. Chính tại Mỹ, các đột phá trong sản phẩm bán dẫn, năng lượng nguyên tử, công nghệ hình ảnh và nhiều lĩnh vực khác cũng được hỗ trợ bởi các chính sách công nghiệp

    Dù vậy, Made in China 2025 lại đang là yếu tố thay đổi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ. Nó là một trong những điểm nghẽn được đánh giá khiến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khó đạt thỏa thuận thương mại

    Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Wilbur Ross luôn cho rằng đây là sự tấn công vào “các thiên tài của Mỹ”, do nó giúp các công ty Trung Quốc có lợi thế trước các hãng như Boeing hay Intel. Tuy vậy, giới chức Trung Quốc chỉ coi đây là cách để họ leo lên trong chuỗi giá trị toàn cầu

    “Nó cho thấy rõ ràng thứ mà mọi người đang lo lắng. Quy mô và sự chi tiết của kế hoạch này có vẻ đã khiến mọi thứ đi vào bế tắc”, Timothy Stratford - cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ cho biết

    Hà Thu
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Trung Quốc muốn lột xác nông thôn bằng công nghệ

    [​IMG]
    Với tình trạng thiếu giáo viên ở vùng nông thôn, Trung Quốc hy vọng các bài học trực tuyến sẽ tạo điều kiện để học sinh nông thôn được tiếp cận giáo dục

    Là quốc gia đông dân nhất thế giới với gần 1,4 tỉ dân, việc đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục hiệu quả là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Điều này đặc biệt quan trọng ở các khu vực xa xôi của đất nước

    Theo Đài CNBC, tại hội nghị East Tech West ở quận Nam Sa của thành phố Quảng Châu hồi tuần trước, các lãnh đạo doanh nghiệp cùng các nhà đầu tư và giới chuyên gia Trung Quốc đã thảo luận cách thức cân bằng các dịch này trên khắp cả nước

    Năm 2017, số người dùng Internet tại nông thôn lên đến 209 triệu, chiếm 30% số người sử dụng Internet của cả nước Trung Quốc

    Đây là điểm khởi đầu tốt để các ông trùm công nghệ đầu tư vào hai lĩnh vực quan trọng: Giáo dục và chăm sóc sức khỏe

    Trước hết, về mặt giáo dục, Trung Quốc đẩy mạnh giáo dục qua mạng tại những vùng sâu vùng xa. Đây là giải pháp cần thiết trước tình trạng thiếu giáo viên ở các khu vực nghèo và xa xôi của Trung Quốc

    Năm 2017, công ty VIPKid của Trung Quốc đã khởi động Dự án giáo dục nông thôn (REP). Dự án này hướng tới cung cấp giáo dục trực tuyến cho 10.000 lớp học ở nông thôn, thông qua các bài học phát trực tiếp

    Theo báo cáo của quỹ 500Startups, giáo dục qua mạng được đẩy mạnh sau khi Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu chính quyền các cấp chi tối thiểu 8% ngân sách cho việc số hóa giáo dục

    Báo cáo cho biết 55 triệu học sinh ở các trường nông thôn Trung Quốc hiện có khả năng tiếp cận các lớp học trực tuyến

    [​IMG]
    Người dân tại một ngôi làng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đi kiểm tra sức khỏe

    Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Trung Quốc mong muốn sẽ ứng dụng sâu rộng AI tại các vùng nông thôn

    Ông Jim Wang, CEO của tập đoàn NovaVision, tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở khu vực nông thôn Trung Quốc trong vài chục năm tới, giúp thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong lĩnh vực này

    "Trong 30-40 năm qua, các nguồn lực y tế không được triển khai đồng đều. AI y tế sẽ cứu giúp ích cho việc này. Chẳng hạn, chúng ta có thể huấn luyện AI để hỗ trợ các bác sĩ ở nông thôn", ông Jim Wang giải thích

    Vị này còn lấy ví dụ về khả năng phát hiện các bệnh tật chỉ thông qua một ảnh chụp mắt. Ông nói: "Ở Trung Quốc, chúng ta không có bác sĩ gia đình. Mọi người sẽ đi tới các bệnh viện lớn - nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải"

    Do đó, ông hy vọng AI sẽ giúp người dân nông thôn giảm thời gian đi những quảng đường xa xôi tới các bệnh viện lớn

    Sui Xiu Chen (66 tuổi đến từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) chia sẻ với báo South China Morning Post (SCMP) hồi tháng 4: "Trước đây tôi phải mất cả ngày để di chuyển và xếp hàng, đôi lúc ngủ lại. Chi phí đi xe buýt cũng vài chục nhân dân tệ. Giờ thì tôi không cần đi xa như vậy. Tôi có thể nói chuyện qua video với các chuyên gia ở xa để hỏi những thứ mà bác sĩ ở làng không biết"

    Tình trạng già hóa dân số (30% dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi hơn 60 vào năm 2050) cùng với chính sách khuyến khích sinh hai con gần đây là thách thức lớn của Trung Quốc sắp tới

    Theo bà Catrinel Hagivreta, nhà sáng lập MEDIjobs, AI sẽ giúp bổ sung nguồn nhân lực để giải quyết hai vấn đề này

    Tuy vậy, bất chấp sự lạc quan của giới lãnh đạo doanh nghiệp, một số nhà phân tích cho rằng việc thay đổi bộ mặt nông thôn Trung Quốc vẫn còn là vấn đề phức tạp và không thể diễn ra một sớm một chiều

    "Rõ ràng có nhiều thách thức về công nghệ, xét về khả năng tiếp cận Internet hay thậm chí điện năng", ông David Tyfield, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Lancaster của Anh, nhận định

    Bình An
     
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Trung Quốc vẫn cần Thung lũng Silicon bất chấp căng thẳng với Mỹ
    Trung Quốc có thể đang đứng giữa cuộc chiến công nghệ với Mỹ, song điều này không ngăn một số doanh nghiệp lớn nhất nước này mở rộng sự hiện diện ở Thung lũng Silicon

    Theo CNN, Tencent và ByteDance có trung tâm nghiên cứu cách Đại học Stanford chỉ vài bước. Không xa về phía đông, trên đường cao tốc 101 là trụ sở của Alibaba, Baidu và Didi Chuxing

    Các hãng internet kể trên lớn mạnh tại Đại lục, đất nước đang thúc đẩy đổi mới trong mảng mạng xã hội, thương mại điện tử và ô tô tự hành. Song sự hiện diện ở Thung lũng Silicon cho thấy những cái tên công nghệ lớn nhất Trung Quốc vẫn cần bí quyết từ Mỹ để duy trì tính cạnh tranh


    “Giới doanh nghiệp công nghệ Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc. Nhận định này không phải nói rằng các công ty Trung Quốc không giỏi đổi mới, song nếu họ muốn thứ tốt nhất thì vẫn phải đến Mỹ”, James Lewis, giám đốc Chương trình Chính sách Công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho hay

    Trung Quốc có kế hoạch đầy tham vọng là trở thành nước đi đầu công nghệ toàn cầu trong thập niên tới, cam kết đầu tư hàng trăm tỉ USD vào nhiều công nghệ đổi mới như trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự lái và siêu máy tính. Song nhóm tài năng công nghệ hàng đầu Trung Quốc nhỏ hơn ở Mỹ, nơi vẫn còn thu hút kỹ sư lẫn doanh nhân công nghệ thế giới đổ về

    Bằng cách lập văn phòng, trụ sở ở Thung lũng Silicon, công ty internet Trung Quôc dễ dàng tiếp cận sinh viên tốt nghiệp và các nhà nghiên cứu hàng top từ nhiều trường như Stanford, Viện Công nghệ California. Họ cũng có vị trí tốt để cạnh tranh với nhiều đối thủ Mỹ như Google, Facebook và Uber, các hãng cũng cố gắng thuê tuyển nhân tài. “Đó là cuộc săn nhân tài toàn cầu. Một hãng công nghệ tốt là nơi có nhân tài”, ông Lewis nhận định. Dưới đây là sơ lược những gì các hãng công nghệ lớn Đại lục đang làm ở thung lũng Silicon

    [​IMG]
    Vị trí văn phòng, trụ sở ở Thung lũng Silicon của các hãng công nghệ Trung Quốc

    Alibaba


    Hãng thương mại điện tử số một Trung Quốc thuê khoảng 350 người, làm việc tại nhiều văn phòng ở Thung lũng Silicon. Hãng mở văn phòng đầu tiên tại Santa Clara năm 2000. Văn phòng tập trung vào việc thuyết phục giới doanh nghiệp Mỹ bán hàng trên nhiều nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba. Một trung tâm ở San Meteo thì phát triển kinh doanh, kỹ thuật cho mảng điện toán đám mây của Alibaba và Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến lớn do Ant Financial, công ty con của Alibaba quản lý

    Alipay đang được chấp nhận một cách chậm chạp tại nhiều khách sạn, hãng bán lẻ ở Mỹ và hưởng lợi từ số khách du lịch đến Mỹ mỗi năm. Dù vậy, nỗ lực phát triển nhanh hơn nhờ thâu tóm dịch vụ chuyển tiền Mỹ MoneyGram không thành công khi bị giới chức Mỹ bác bỏ năm 2017. Năm nay, Alibaba mở rộng dấu ấn tại khu Bay Area với phòng thí nghiệm tập trung vào công nghệ chip và AI. Đây là một phần trong cam kết 15 tỉ USD mà Alibaba đưa ra năm ngoái, nhằm thành lập nhiều cơ sở nghiên cứu công nghệ mới nổi ở nhiều thành phố trên thế giới

    Baidu


    Doanh nghiệp đứng sau công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc đầu tư mạnh vào AI. Hãng mở văn phòng đầu tiên ở Sunnyvale hồi năm 2011, mở thêm một trung tâm nghiên cứu, phát triển lớn vào năm ngoái. Công ty có khoảng 200 nhân viên ở Thung lũng Silicon. Họ làm việc với ứng dụng AI như dịch thuật đồng thời, robot và xe tự hành.
    Baidu là một trong các doanh nghiệp đầu tiên xin giấy phép thử nghiệm xe không người lái ở California, được chấp thuận vào tháng 9.2016. Hãng còn có phòng thí nghiệm chuyên về AI với nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu khám phá các lĩnh vực như khai thác dữ liệu, học máy và thị giác máy tính

    ByteDance

    [​IMG]
    Ứng dụng TikTok của ByteDance có sức hút cả bên ngoài Trung Quốc

    ByteDance là một trong các hãng internet lớn nhất, bận rộn nhất ở Trung Quốc lúc này. Bộ ứng dụng tin tức và video ngắn gây nghiện được điều khiển bởi thuật toán AI là yếu tố đưa ByteDance trở thành một trong các startup giá trị nhất thế giới. Hãng được định giá 75 tỉ USD trong vòng gọi vốn tháng 11, theo CB Insights

    Không như các hãng công nghệ Trung Quốc khác, ByteDance có nền tảng truyền thông xã hội thu hút được người dùng Mỹ. TikTok, ứng dụng video ngắn của ByteDance đang đứng top nhiều bảng xếp hạng gần đây, đạt hạng 1 trong danh sách ứng dụng miễn phí của US App Store hồi tháng 10. Đầu năm 2018, công ty mở văn phòng tại Menlo Park, khu có trụ sở Facebook, và tuyển dụng 50 người

    Didi Chuxing


    Đây là hãng gọi xe số một Trung Quốc, đẩy Uber ra khỏi thị trường quốc nội năm 2016 sau cuộc chiến giành khách tốn kém. Với định giá 56 tỉ USD, Didi đang thách thức hoạt động của Uber tại nhiều thị trường khác. Phát ngôn viên của Didi cho hay đội ngũ ở Thung lũng Silicon của Didi phát triển sản phẩm và công nghệ an ninh cho hoạt động ở Brazil, Mexico, Úc và Nhật Bản

    Cũng như Baidu, Didi có giấy phép thử nghiệm xe tự lái ở bang California từ tháng 5. Didi Labs khai trương năm ngoái tại Mountain View, gần khuôn viên của Google, với 100 nhân viên

    Tencent


    Hãng trò chơi và mạng xã hội này là một trong các công ty internet đầu tiên của Trung Quốc đến Thung lũng Silicon, lập cửa hàng vào năm 2007. Văn phòng ở Palo Alto của Tencent gần Facebook, hãng công nghệ Mỹ mà Tencent hay bị so sánh. Tencent là nhà đầu tư lớn vào nhiều gương mặt công nghệ khác của Mỹ như Tesla, Snap

    Mới đây, có thông tin cho hay Tencent sẽ xây dựng thêm cơ sở mới ở Palo Alto với sức chứa 250 nhân viên. Bên cạnh mảng game di động, AI và dịch vụ đám mây, đội ngũ ở California của Tencent còn chuẩn bị phát triển xe tự lái

    Thu Thủy
     

Chia sẻ trang này