Khởi nghiệp Nhật Bản

Thảo luận trong 'Vietnam ThinkTank Technology' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 24/8/17.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Startup Nhật hút nhân tài bằng cách làm “có một không hai”
    Đối với các công ty khởi nghiệp (startup), việc tìm kiếm nhân tài trẻ tuổi nhiều khi khá khó khăn. Do vậy, hãng marketing trực tuyến CyberBuzz của Nhật đã nảy ra ý tưởng “kết nối” với các ứng viên tiềm năng trước khi họ bị các công ty lớn hơn chiêu mộ

    Theo Nikkei, vào sáng sớm một ngày tháng 11 năm ngoái, 3 sinh viên thực tập tới ga Motomachi-Chukagai ở Yokohama, phía Nam Tokyo. Sau đó, họ lên con tàu đậu ở một bến cảng gần đó, khởi hành chuyến câu cá trên vịnh Tokyo. Dẫn đầu chuyến đi này là Giám đốc điều hành (CEO) của CyberBuzz - Akinori Takamura

    Chuyến đi câu cá này là một phần trong chương trình thực tập 2 ngày với khẩu hiệu: “Dã ngoại cùng CEO” của CyberBuzz. Công ty này cho biết việc dành thời gian hoạt động bên ngoài với ông chủ giúp các sinh viên biết được quan điểm và cách ông ấy sử dụng thời gian. Chuyến đi cũng giúp họ hiểu sâu sắc hơn về công ty và mong muốn làm việc gắn bó hơn với CyberBuzz

    "Khi nói chuyện với CEO, tôi nhận thấy ông ấy suy nghĩ rất nhiều về mỗi nhân viên của mình”, một trong ba sinh viên chia sẻ

    Tại Nhật Bản, việc chiêu mộ các ứng viên tốt nghiệp đại học được coi là “cuộc chiến” mà ở đó các công ty nhỏ và vừa ngày càng gặp khó, đặc biệt là thu hút các ứng viên giỏi. Có một cách để tránh phải “đụng độ” với các công ty lớn và nổi tiếng là bắt đầu thu hút sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp trước tháng 6. Đây là thời điểm đa số các công ty lớn bắt đầu phỏng vấn tuyển người

    Nhiều công ty nhỏ còn đưa ra những hứa hẹn về đãi ngộ đối với những sinh viên top đầu. Tuy nhiên, những ứng viên tiềm năng đó vẫn có thể bỏ đi nếu nhận được lời mời hấp dẫn hơn từ các công ty lớn

    Tuy vậy, “việc đưa ra những hứa hẹn như vậy với ứng viên vẫn rất quan trọng để thu hút nhân tài”, Hideki Ogawara, phụ trách tuyển dụng của CyberBuzz cho biết. Ông cũng nói thêm rằng “để được họ lựa chọn, điều quan trọng là các công ty phải biết ‘kết nối’ với họ trên danh nghĩa cá nhân chứ không phải danh nghĩa công ty”

    Takamura, Ogawara cùng các cộng sự tại CyberBuzz đã nảy ra ý tưởng giúp tăng tương tác của ứng viên với các nhân viên công ty. Họ xem xét các hoạt động yêu thích của CEO Takamura ngoài công việc như câu cá, leo núi, lướt sóng… và cho rằng đây là cách thú vị để CEO kết nối với các sinh viên trong chương trình thực tập 2 ngày. Trong ngày còn lại của chương trình, họ sẽ làm việc với CEO tại văn phòng của công ty

    "Thông qua chương trình này, chúng tôi cũng biết được tính cách của các ứng viên”, Ogawara nói. “Ví dụ, qua hoạt động câu cá, chúng tôi biết được họ có đến đúng giờ vào sáng sớm hay không, cũng như cách họ phản ứng với những khó khăn như không có cá cắn câu sau nhiều giờ chờ đợi”. Làm việc ở bên ngoài cũng cho thấy liệu các sinh viên có thể thúc đẩy bản thân đến mức nào…

    Theo CyberBuzz, điều quan trọng nhất của chương trình này là để CEO nhận định và quyết định muốn để nhân viên nào gia nhập công ty, bất kể kỹ năng làm việc thực tế của họ như thế nào, CyberBuzz cho biết

    Tuy nhiên, một trong những rào cản CyberBuzz phải đối mặt, đó là cha mẹ của các sinh viên

    Khi chương trình bắt đầu vào năm ngoái, có 4 sinh viên tham gia. Công ty cũng đã đưa ra hứa hẹn về đãi ngộ đối với một nữ sinh viên có vẻ muốn gia nhập công ty. Tuy nhiên, sau đó sinh viên này đã từ bỏ bởi cha mẹ muốn cô làm việc ở một công ty lớn và ổn định hơn chứ không phải một startup

    Sau khi cân nhắc, CyberBuzz nảy ra ý tưởng mới. Đó là từ năm nay, cha mẹ của các sinh viên này cũng sẽ tham gia chuyến câu cá cùng với CEO của công ty

    Japan StartUp
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Nhật Bản và mối lo chảy máu chất xám công nghệ
    TBKTSG Online – Làn sóng các chuyên gia công nghệ Nhật Bản “di cư” sang các công ty ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và nhiều nước châu Á khác, đang làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ ngành công nghệ cao của Nhật Bản giảm sút lợi thế cạnh tranh do tình trạng chảy máu chất xám, theo Nikkei Asian Review

    Hơn 1.000 chuyên gia công nghệ rời Nhật Bản

    Các công ty như Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Huawei (Trung Quốc) tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc trong những năm gần đây khi họ “câu” được các chuyên gia công nghệ từ các đối thủ Nhật Bản như Panasonic và Hitachi về làm việc từ nhiều năm trước. Samsung Electronics thu hút các nhiều kỹ sư chip DRAM của Nhật Bản đến làm việc từ thập niên 1990 nhờ trả lương cao

    “Các chuyên gia với trình độ công nghệ cao đang rời bỏ Nhật Bản”, Ayano Fujiwara, nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia Nhật Bản (NISTEP), cho biết

    Sau khi kiểm tra dòng luân chuyển nhân sự các công ty Nhật từ năm 1976 đến năm 2015, các nhà nghiên cứu của NISTEP xác nhận 490 chuyên gia công nghệ đã rời các công ty điện máy Nhật Bản để sang làm việc cho các đối thủ Hàn Quốc; trong khi đó, 196 người khác “đầu quân” cho các công ty Trung Quốc. 350 chuyên gia công nghệ Nhật Bản khác nữa gia nhập các công ty ở các nước và lãnh thổ châu Á khác như Thái Lan, Đài Loan

    Ít nhất 40% nhân sự tay nghề cao của ngành công nghệ Nhật Bản sang Hàn Quốc đến từ các công ty công nghệ đầu ngành ở Nhật Bản như Panasonic và Hitachi

    Phân tích dữ liệu bản quyền sáng chế công nghệ ở châu Á trong 40 năm qua cho thấy trong nhiều trường hợp tên các chuyên gia Nhật Bản ban đầu xuất hiện trong các bản quyền sáng chế từ các công ty Nhật Bản nhưng rồi sau đó tên của của những người này xuất hiện trên các bản quyền sáng chế từ các công ty nước ngoài. Con số hơn 1.000 chuyên gia công nghệ rời bỏ Nhật Bản chỉ tính các chuyên gia có trình độ cao đủ năng lực phát minh các công nghệ mới, vậy nên, con số nhân sự ngành công nghệ Nhật Bản “di cư” ra nước ngoài có khả năng cao hơn

    Chảy máu tài năng trẻ

    Phần lớn nhân sự công nghệ Nhật Bản chuyển sang các công ty nước ngoài đều ở độ tuổi tương đối trẻ. Chẳng hạn, có hơn 90% nhân sự công nghệ Nhật Bản gia nhập các công ty Trung Quốc đều ở độ tuổi trên 40 trở xuống. Nhà nghiên cứu cấp cao Ayano Fujiwara cho biết đa phần họ đều là những chuyên gia công nghệ hàng đầu của Nhật Bản

    Làn sóng chuyên gia công nghệ Nhật Bản “di cư” đến Trung Quốc và Hàn Quốc bắt đầu mạnh dần lên vào thập niên 2000, đặc biệt là sau cú phát nổ của bong bóng dotcom (thuật ngữ ám chỉ giá trị của các công ty internet bị thổi phồng lên quá cao so với giá trị thực) ở Mỹ vào đầu thập niên và vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008. Trong thời kỳ này, nhiều công ty công nghệ Nhật gặp khó khăn và buộc phải cắt giảm nhân sự dẫn đến hàng loạt chuyên gia công nghệ ra nước ngoài làm việc

    “Có vài ngàn kỹ sư Nhật Bản làm việc ở Trung Quốc vào cuối thập niên 2000”, một chuyên gia săn đầu người của một công ty điện máy Nhật Bản, cho biết. Do vậy, con số hơn 1.000 chuyên gia công nghệ Nhật Bản ra nước ngoài làm việc do NISTEP đưa ra chỉ là một phần nổi của tảng băng

    Các công ty ở Hàn Quốc và Trung Quốc thường chào mời mức lương bổng và đãi ngộ hậu hĩnh để thu hút các chuyên gia công nghệ Nhật Bản, chẳng hạn như trả lương cao hơn so với ở Nhật Bản đồng thời cung cấp căn hộ sang trọng cho họ lưu trú

    Đầu tháng 9 vừa qua, công ty công nghệ Huawei gây xôn xao trên thị trường lao động Nhật Bản với thông báo tuyển dụng các sinh viên Nhật Bản vừa tốt nghiệp ngành kỹ thuật và khoa học với mức lương gần 4.000 đô la Mỹ/tháng, cao hơn mức mà các công ty Nhật Bản như Sony, Sharp đang trả

    Trong khi đó, một công ty săn đầu người rao mức lương lên đến 265.000 đô la Mỹ/năm để tuyển dụng kỹ sư Nhật Bản có kinh nghiệm sang làm việc ở một công ty bán dẫn tại Trung Quốc. Công ty này hứa hẹn sẽ thưởng khoảng 450.000 đô la Mỹ sau khi nhà máy đi vào vận hành

    Ngăn các công ty quan trọng rơi vào tay nước ngoài

    Trong những năm gần đây, các công ty công nghệ Trung Quốc và Hàn Quốc phát triển nhanh chóng. Doanh thu của hãng điện tử Samsung đã tăng gấp đôi trong hơn một thập kỷ lên 177 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016. Công ty công nghệ Huawei cũng chứng kiến doanh thu tăng gấp bốn lần trong 10 năm qua. Trong cùng thời gian đó, doanh thu của các hãng công nghệ Nhật Bản hầu như chỉ dao động không đáng kể

    Sức mạnh công nghệ ngày càng lớn mạnh của Hàn Quốc có thể làm chậm các hoạt động săn lùng nhân tài của Nhật Bản nhưng theo nhà nghiên cứu Fujiwara, những công ty đối thủ ở Trung Quốc và Đài Loan sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chiêu dụ các kỹ sư Nhật Bản

    Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực kiểm soát chảy máu chất xám công nghệ. Ngày 1-10, các sửa đổi của Luật ngoại thương và giao dịch nước ngoài có hiệu lực ở Nhật Bản. Các sửa đổi này nhằm ngăn chặn ngành công nghệ cao của Nhật Bản có liên quan đến an ninh quốc gia bị các công ty nước ngoài thâu tóm. Luật này yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải thông báo trước cho Bộ Tài chính Nhật Bản nếu họ muốn mua cổ phiếu chưa niêm yết của các công ty Nhật Bản trong một số lĩnh vực quan trọng từ các nhà đầu tư nước ngoài khác. Nếu xét thấy khoản đầu tư này gây tổn hại đến an ninh quốc gia hoặc nền kinh tế Nhật Bản, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu dừng việc mua bán. Nhật Bản cũng có các quy định xử phạt các kỹ sư Nhật Bản rò rỉ các công nghệ quan trọng trong nước khi làm việc cho các công ty nước ngoài nhưng các quy định này không thể ngăn chặn chuyên gia công nghệ Nhật Bản ra làm việc ở nước ngoài

    Shunsuke Mikami, Chủ tịch công ty săn đầu người Genius ở Tokyo, nói: “Các kỹ sư có địa vị tương đối thấp tại Nhật Bản. Chúng ta cần chuẩn bị các phương án đãi ngộ họ tốt hơn, chẳng hạn trả lương cao hơn”

    Chánh Tài
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/5/18
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Startup 2 tỉ đô la “dạy” robot biết cách suy nghĩ
    - Sử dụng công nghệ học sâu (deep learning), một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo (AI), công ty khởi nghiệp (startup) giá trị nhất Nhật Bản Preferred Networks có thể giúp các robot công nghiệp biết suy nghĩ, phân tích để hoạt động thông minh hơn thay vì chỉ lặp đi lặp lại tác vụ đã được lập trình sẵn.

    Robot công nghiệp có thể tự học việc

    [​IMG]
    Toru Nishikawa (phải) và Daisuke Okanohara, hai đồng sáng lập của Preferred Networks

    Hãng tin Bloomberg ngày 16-5 cho biết, công ty Preferred Networks, là start-up có giá trị nhất Nhật Bản nhờ vòng gọi vốn vào năm ngoái, định giá công ty này ở mức hơn hai tỉ đô la Mỹ

    Hai kỹ sư khoa học máy tính Toru Nishikawa và Daisuke Okanohara thành lập Preferred Networks vào năm 2014 và quyết định tập trung vào việc phát triển các máy móc công nghiệp thông minh, một hướng đi khôn ngoan vì Nhật Bản có sẵn thế mạnh về các các thiết bị sản xuất hiện đại và các đối thủ hàng đầu về AI như Google và Facebook vẫn chưa xâm nhập vào lãnh địa này

    Một trong những người đầu tiên bị thuyết phục bởi tầm nhìn của Nishikawa và Okanohara là ông Yoshiharu Inaba, Chủ tịch công ty sản xuất robot công nghiệp lớn nhất thế giới Fanuc (Nhật Bản). Ông là một doanh nhân nổi tiếng thận trọng và là một kỹ sư xuất sắc, người đã sáng chế ra nhiều công cụ quan trọng cho dây chuyền sản xuất ô tô, Inaba đồng ý gặp hai nhà sáng lập của Preferred Networks vào đầu năm 2015

    Cuộc trò chuyện diễn ra trong một tiếng đồng hồ đã thuyết phục Inaba đầu tư 9 triệu đô la Mỹ vào công ty của hai nhà khoa học máy tính trẻ cũng như cho phép họ tiếp cận một số bí mật thương mại quan trọng nhất của ông, đó là những khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra bởi hàng ngàn robot trong các dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Fanuc

    Bốn tháng sau, Toyota đầu tư 10 triệu đô la Mỹ vào Preferred Networks và vào tháng 8 năm ngoái, tiếp tục rót thêm 100 triệu đô la Mỹ nữa. Các công ty có thế mạnh sản xuất khác như Hitachi, Mizuho Financial Group và Mitsui cũng góp vốn đầu tư cho Preferred Networks vào tháng 12-2017

    Điều khiến Preferred Networks khác biệt với hàng trăm start-up khác trong lĩnh vực AI là công ty này kết hợp AI với sức mạnh sản xuất của Nhật Bản. Các thuật toán học sâu phụ thuộc vào phân tích dữ liệu và Preferred Networks có cách tiếp cận dữ liệu độc đáo. Các thỏa thuận hợp tác với Toyota và Fanuc, cho phép Preferred Networks tiếp cận các nhà máy hàng đầu thế giới

    Trong khi Google sử dụng dữ liệu từ cỗ máy tìm kiếm và Facebook khai thác dữ liệu từ mạng xã hội của nó để vươn lên trở thành những thế lực hàng đầu về AI, Preferred Networks lại tìm cơ hội phân tích dữ liệu từ hoạt động của robot để cải thiện quy trình sản xuất

    Các robot công nghiệp của Fanuc được sản xuất bằng những đội quân robot khác. Chúng làm việc dưới sự giám sát của năm nhân viên

    “Những gì tôi chứng kiến là các robot này sản xuất ra những robot khác mà không có sự can thiệp của con người. Nếu duy trì các robot này hoạt động liên tục, dữ liệu thu được là vô hạn”, Nishikawa, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Preferred Networks, nói

    Tuy nhiên, Nishikawa nhận thấy rằng dù nhà máy của Fanuc rất hiện đại nhưng công nghệ AI lại không được ứng dụng

    Với sự hỗ trợ công nghệ học sâu theo thời gian thực của Preferred Networks, các robot sản xuất của Fanuc được nâng cao hiệu quả hoạt động rõ rệt

    Các robot công nghiệp chỉ thực sự hiệu quả khi làm một tác vụ lặp đi lặp lại với sự chính xác cao. Tuy nhiên, khi dây chuyền sản xuất thay đổi, các kỹ sư phải mất nhiều ngày để viết một chương trình mới, điều chỉnh hoạt động của các robot này. Nếu được trang bị nên tảng học sâu, các robot trên một dây chuyền sản xuất có thể tự học và “tự dạy” nhau tác vụ mới một cách nhanh chóng

    Robot gắp vật thể của Fanuc sử dụng nền tảng học sâu tăng cường của Preferred Networks để tự học một tác vụ mới. Nó cố gắng gắp các vật thể trong khi tự quay video quá trình này. Mỗi lần gắp thành công hay thất bại, nó sẽ tự rút ra kinh nghiệm để cải thiện cho lần gắp sau

    Shohei Hido, Giám đốc nghiên cứu của Preferred Networks, cho biết chỉ trong vòng tám tiếng, robot này có thể gắp chính xác vật thể với tỷ lệ thành công 90%. Khi tám robot của Fanuc làm việc song song cùng nhau, chúng có thể học hỏi tác vụ mới chỉ trong vòng một tiếng thay vì tám tiếng

    Đó là nhờ các robot này truyền những gì chúng học được vào một mạng nơ-ron nhân tạo, nơi các robot khác có thể học hỏi đồng thời “chia sẻ” kinh nghiệm của chúng, giúp quá trình tự học diễn ra nhanh hơn

    “Phải mất 10 năm để đào tạo một thợ máy lành nghề và kiến thức của họ không thể được truyền thụ sang người khác nhanh chóng. Nhưng khi bạn có một chuyên gia robot, bạn có thể nhân rộng kiến thức đó ra bất tận”, ông Yoshiharu Inaba nói

    Ứng dụng công nghệ học sâu cho xe tự lái

    Preferred Networks không chỉ tập trung phát triển các thuật toán học sâu theo thời gian thực trong sản xuất mà còn trong nhiều lĩnh vực khác bao gồm y tế, bán lẻ, an ninh mạng và xe tự lái

    Hãng xe Toyota, cổ đông lớn nhất của Preferred Networks, đã rót tổng cộng cho công ty này 110 triệu đô la Mỹ khi đặt cược rằng các thuật toán học sâu do Preferred Networks phát triển sẽ giúp Toyota cạnh tranh với xe tự lái của Waymo, công ty con của tập đoàn công nghệ Alphabet

    Tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng Las Vegas năm 2016, Preferred Networks đã sử dụng các ô tô đồ chơi để trình diễn năng lực của công nghệ học sâu. Sáu chiếc ô tô đồ chơi chạy vòng trong một không gian có chướng ngại vật. Ban đầu, các ô tô đồ chơi này liên tục đụng nhau khi di chuyển nhưng sau hai tiếng, chúng chạy vòng tròn và có thể né nhau một cách tài tình như thế có những tài xế chuyên nghiệp đang cầm lái ở bên trong

    Điều đáng ngạc nhiên là không hề có một lập trình viên con người nào viết các hướng dẫn để điều khiển chúng. Thay vào đó, nhờ được trang bị công nghệ họd sâu, những chiếc ô tô đồ chơi này tự học hỏi các quy tắc hoạt động từ kinh nghiệm và quá trình học hỏi được thúc đẩy nhanh bằng cách chia sẻ kinh nghiệm thông qua một mạng nơ-ron nhân tạo

    Lê Linh
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Các công ty khởi nghiệp Nhật Bản tìm kiếm vận may tại Đông Nam Á

    Ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp Nhật Bản mở cửa tại Đông Nam Á - thị trường 600 triệu dân, từ đó tìm cách nhảy vào thị trường thế giới, hơn là chịu sa lầy tại thị trường nội địa

    Các nhà sáng lập người Nhật của AnyMind, chuyên về quảng cáo và tuyển dụng bằng trí thông minh nhân tạo, đã lựa chọn thành lập công ty ở Singapore bởi vì “ngay từ đầu chúng tôi đã muốn xây dựng một doanh nghiệp tầm cỡ thế giới”, CEO của công ty, ông Kosuke Sogo, cho biết

    AnyMind đã có văn phòng tại 10 quốc gia và khu vực, chủ yếu tại Đông Nam Á. Mạng lưới xuyên biên giới rộng lớn này đã giúp khai thác nhu cầu từ các công ty đa quốc gia, nâng doanh số lên khoảng 2,8 tỷ yen Nhật (25,2 triệu USD) trong năm 2017, năm hoạt động thứ hai của AnyMind. Công ty này có kế hoạch mở rộng hoạt động sang Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Philippines và Nga trong năm nay, đồng thời đang chuẩn bị cho việc niêm yết tại Mỹ

    Taihei Kobayashi thành lập công ty hỗ trợ phát triển phần mềm Framgia tại Việt Nam vì chú ý tới các tài năng kĩ thuật tại đây. Công ty này hiện có 1.200 kĩ sư công nghệ thông tin, chủ yếu ở Việt Nam

    “Thế giới đang thiếu lập trình viên. Tôi muốn phát triển doanh nghiệp của chúng tôi thành một cầu nối các kỹ sư và khách hàng”, ông Kobayashi, CEO và chủ tịch công ty, cho biết. Các khách hàng của Framgia bao gồm công ty taxi Nhật Bản Nihon Kotsu và Money Forward, nhà cung cấp dịch vụ phần mềm kế toán dựa trên công nghệ đám mây

    Các doanh nhân khởi nghiệp cũng bị thu hút bởi nguồn vốn mạo hiểm ở Đông Nam Á. Dữ liệu từ PitchBook cho thấy tổng đầu tư vốn mạo hiểm trong khu vực lên đến 4,4 tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay, lớn hơn tổng số của khu vực trong cả năm 2017, và lớn gấp 16 lần của Nhật Bản trong cùng kỳ

    Dịch vụ gọi xe Go-Jek của Indonesia đã gọi được 1,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư, trong đó có vốn của các công ty Trung Quốc. Dịch vụ mua bán trực tuyến Bukalapak, cũng của Indonesia, đã tự quảng cáo là một công ty “kỳ lân” (từ chỉ các công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD)

    Paul Ford, một chuyên gia về xu hướng khởi nghiệp, cho biết các công nghệ tiên tiến và mô hình kinh doanh khởi nghiệp sẽ được nhiều người hoan nghênh tại Đông Nam Á. Ông Ford nói nguyên nhân là dân số khu vực đang tăng và có nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi, cũng như cơ sở hạ tầng còn kém phát triển

    Tình yêu của các nước Đông Nam Á với sản phẩm và văn hóa Nhật Bản cũng góp phần không nhỏ. Công ty Agri Holdings có trụ sở tại Tokyo và một văn phòng lớn tại Singapore, văn phòng này điều hành việc kinh doanh tại đây và tại Mỹ, chuyên bán cơm nắm onigiri và các món ăn Nhật Bản khác làm từ gạo Nhật. Công ty này đảm nhận mọi bước của quá trình, từ sản xuất cho đến xuất khẩu và bán

    Issey Maeda, CEO của công y nói: “Chúng tôi nhắm đến việc trở thành một tập đoàn toàn cầu chuyên tận dụng sức mạnh của Nhật Bản”

    Khung pháp lý dễ dàng – lợi và hại

    Đông Nam Á có khung pháp lý cho phép các doanh nghiệp lớn tự do hơn là ở Nhật Bản, làm lợi cho các công ty khởi nghiệp như Onise Holding, một nhà phát triển công nghệ blockchain và dịch vụ thanh toán có trụ sở tại Singapore nhưng hoạt động chủ yếu tại Thái Lan. Onise điều hành hệ thống thanh toán thẻ tín dụng của hai ngân hàng lớn của Thái Lan

    “Điều đó là bất khả thi với các công ty lớn ở Nhật, họ hoạt động rất chậm chạp vì các quy định khó khăn”, CEO Jun Hasegawa cho biết

    Nhưng các quy định dễ dàng này cũng có nguy cơ. Môi trường pháp lý thay đổi nhanh chóng đã đẩy Onise ra khỏi việc kinh doanh hệ thống dịch vụ thanh toán tại Indonesia hồi năm ngoái, sau khi nước này áp dụng các biện pháp có thể nhằm chèn ép các công ty nước ngoài

    Các công ty khởi nghiệp Nhật Bản hy vọng thành công tại Đông Nam Á cần phải nghiên cứu kỹ và tìm kiếm các tài năng sở hữu hiểu biết sâu rộng về khu vực

    Theo ông Yuji Horiguchi, người đứng đầu công ty đầu tư mạo hiểm Spiral Ventures của Singapore, “Chính quyền và các doanh nghiệp địa phương có chính sách mềm dẻo trong việc chấp nhận các công ty khởi nghiệp hơn là ở Nhật Bản. Đó là một lợi thế cho các công ty biết tận dụng điều này một cách hiệu quả”

    Phương Anh
     

Chia sẻ trang này