Grab

Thảo luận trong 'Vietnam ThinkTank Technology' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 24/8/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Không gian làm việc đẹp như mơ của trung tâm R&D Grab tại Sài Gòn
    Trung tâm R&D (nghiên cứu phát triển) của Grab tại TP.HCM được thiết kế chung cảm hứng với Grab khu vực nhưng vẫn mang nét đặc trưng riêng của Việt Nam

    Grab vừa khánh thành trung tâm R&D của hãng tại TP.HCM, là một trong tổng cộng 6 trung tâm R&D của công ty trên toàn cầu

    Trung tâm R&D đặt tại tầng 18, toà nhà MapleTree Business Center (Q.7, TP.HCM), cũng là nơi đặt trụ sở của Grab Việt Nam. Trung tâm này có không gian rộng 600 m2 và có thể chứa tới 250 kỹ sư, kết nối trong một không gian chung với đội ngũ nhân sự của Grab Financial với 12 phòng họp, khu sinh hoạt chung… Toàn bộ khu vực hầu hết dùng kính thay tường, do đó có góc nhìn đẹp xuống khu vực chung quanh phía dưới

    [​IMG]
    Khu vực nghỉ ngơi, làm việc với tầm nhìn bao la xuống phía dưới

    Cả văn phòng được thiết kế với không gian mở, có tính kết nối cao giữa các khu vực nhằm tạo điều kiện cho mọi người cùng sáng tạo theo tinh thần của một công ty startup

    Nhìn sơ qua có thể thấy thiết kế tổng thể văn phòng Grab Việt Nam mang nhiều nét đặc trưng Đông Nam Á như các văn phòng của Grab tại các quốc gia khác. Việc này nhằm tạo niềm tự hào và cảm giác luôn là một phần quan trọng của Grab, với những ảnh hưởng chung cho cộng đồng người làm việc tại Grab

    Song song đó, văn phòng Việt Nam vẫn có những nét riêng đặc trưng. Các thiết bị và vật liệu, đồ trang trí đều mang dấu ấn của Việt Nam như chất liệu tre, đền lồng… Các phòng họp được đặt tên theo các địa điểm khác nhau trên khắp Việt Nam: Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lâm Đồng…

    [​IMG]
    Cổng vào trung tâm R&D của Grab, có logo được thiết kế tương tự văn phòng chính của tập đoàn tại Singapore

    [​IMG]
    Bên cạnh cổng vào là những cánh cửa màu sắc, mang dáng dấp làng quê Đông Nam Á

    [​IMG]
    Khu vực quầy tiếp tân làm từ gỗ, giữ lại màu sắc tự nhiên của chất liệu này

    [​IMG]
    Khu vực làm việc nhóm lấy cảm hứng từ một xưởng đóng tàu

    [​IMG]
    Một góc họp nhóm khác lấy cảm hứng từ bến sông, con tàu

    [​IMG]
    Thêm góc họp nhóm khác như một chốt nghỉ ngơi giữa khu vực làm việc chung

    [​IMG]
    Góc họp nhóm tuyệt đẹp khác lấy cảm hứng từ trò chơi bầu cua

    [​IMG]
    Một góc họp nhóm cho 4 người

    [​IMG]
    Khu vực nhà ăn của Grab, nhân viên có thể tự mang đồ ăn theo hoặc ăn các đồ đơn giản có tại văn phòng

    [​IMG]
    Một góc khu vực ăn uống, hội họp lấy cảm hứng từ bàn cờ vua

    [​IMG]
    Khu vực làm việc của các kỹ sư tại Grab

    [​IMG]
    Khu vực đào tạo cho nhân viên, kỹ sư

    Trung tâm R&D tại TP.HCM hoạt động theo hình thức phân phối - các nhân viên trong đây sẽ cùng làm việc với những dự án mà có thể được ứng dụng tại khắp các quốc gia mà Grab đang hoạt động

    Hiện tại trung tâm này có vài chục kỹ sư làm việc, đang tuyển thêm khoảng 100 người nữa trong năm nay

    Hải Đăng
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tan Hooi Ling - vị nữ tướng nơi hậu trường của Grab
    - Ở Đông Nam Á ngày nay, nhiều người sử dụng nền tảng đa dịch vụ Grab Platform đã biết đến Tan Long như một trong những tài năng trẻ nổi bật nhất khu vực. Nhưng phía sau hậu trường của công ty công nghệ mới nổi từ 2012 này còn có một nhân vật khác: nữ tướng Tan Hooi Ling

    [​IMG]
    Tan Hooi Ling

    Tan Hooi Ling không chỉ là nhà đồng sáng lập cùng với Tan Long mà còn là người điều hành từ nơi hậu trường, tạo nên sự thành công cho Grab, nhưng hơn hết là người xây dựng sự nghiệp cho giới nữ trong một ngành mà tưởng như chỉ nam giới mới làm được. Tại nhiều nước, đội ngũ nữ tài xế của Grab đã đông hơn nam giới, và đang chiếm nhiều vị trí lãnh đạo trong công ty

    Thích làm việc ở hậu trường

    Cùng xuất hiện với Tổng giám đốc Grab Việt Nam và Tổng giám đốc Grab Financial bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tổ chức tại Hà Nội ngày 11-9, Hooi Ling cho biết hãng taxi công nghệ này muốn có càng nhiều đối thủ cạnh tranh càng tốt. Lòng tự tin này không chỉ xuất phát từ việc tiếp nhận khôn khéo Uber Đông Nam Á mà cô là người trực tiếp đàm phán, và hơn hết Grab đang chuyển từ một dịch vụ gọi xe sang một nền tảng đa dịch vụ hay “siêu ứng dụng” mà Hooi Ling, với tư cách là Giám đốc tác vụ là người đứng ra triển khai. Nền tảng đa dịch vụ này không chỉ nhắm đến việc khách hàng gọi xe và các tài xế lái xe, ở đây gọi là đối tác, mà còn đến các loại hình công ty dịch vụ khác nhau, từ nhà hàng, khách sạn đến cả các hộ gia đình, chẳng hạn khi họ cần người đi chợ. Cũng như Cheng Wei và Jean Liu ở Didi Chuxing, Tan Long (34 tuổi) và Tan Hooi Ling (32 tuổi) cũng là một cặp đôi hoàn hảo trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, và trong khi CEO Tan Long xuất hiện thường xuyên trước công chúng thì COO Tan Hooi Ling là vị nữ tướng điều khiển nơi hậu trường

    Được hỏi về việc ít xuất hiện trước báo giới, Hooi Ling nói: “Bản tính tự nhiên của tôi là thích làm việc ở hậu trường”. Nhiều người tưởng rằng Tan Long và Tan Hooi Ling là bà con, nhưng thực ra họ, đều là người Malaysia, mới chỉ quen nhau khi cùng học Master of Business Administration (MBA) ở Harvard Business School, và cùng với Nadiem Makarim, người Indonesia thực hiện chung đề tài nghiên cứu về ứng dụng gọi xe trong năm 2011. Sau đó mỗi người đều trở về nước và lập nên doanh nghiệp cho mình. Makarim thành công với Go-Jek tại Indonesia và nay mở rộng ra các nước, trong đó có Go-Viet tại Việt Nam, trong khi Tan Long phát triển ứng dụng gọi xe MyTeksi tại Malaysia năm 2012, rồi chuyển sang Singapore năm 2015 và cùng với Tan Hooi Ling thành lập GrabTaxi, và nay là Grab với việc mở rộng từ những ứng dụng gọi xe thành một nền tảng siêu ứng dụng dưới sự quản lý của Hooi Ling. Ứng dụng GrabTaxi đã hoạt động ngay khi Tan Long còn làm việc tại công ty gia đình Tan Chong Motors ở Malaysia, trong khi Tan Hooi Ling vẫn còn lưu lại Mỹ cho tới 2015, tích lũy kinh nghiệm tư vấn tại McKinsey & Company (2012-2013) và kinh nghiệm quản trị tại Salesforce.com (2013-2015)

    Grab đang chuyển nhanh từ ứng dụng gọi xe sang ứng dụng nền tảng, nơi các dịch vụ khác nhau và các đối tác, các ngành nghề khác nhau đều có đất để phát triển. Hàng triệu người bắt đầu chọn nơi đây làm làm chỗ sinh hoạt hằng ngày, nơi họ có thể đặt mua lương thực, thực phẩm, nơi họ có thể thanh toán, chi trả tiền bạc, nơi mà cho tới tháng 7 năm nay đã thực hiện 2 tỉ chuyến đưa khách và dự kiến mang về cho công ty 1 tỉ đô la Mỹ doanh thu vào cuối năm nay. Grab của Tan Long và Tan Hooi Ling và Go-Jek của Nadiem Makarim là hai công ty khởi nghiệp Đông Nam Á được nói tới nhiều nhất ngày nay. Nhưng cả hai đều không dừng lại ở những ứng dụng hiện hữu mà nhắm tới trở thành thứ ứng dụng hằng ngày cho mỗi người. Hooi Ling nói: “Với Grab Platform, chúng tôi đang chuyển từ công ty vận chuyển hành khách sang một thứ siêu ứng dụng hàng ngày”

    Hooi Ling nói rằng thông qua dịch vụ vận chuyển hành khách “ngày nay chúng tôi đã có một nền tảng khách hàng vững mạnh và một hệ thống phân phối rộng lớn để có thể thực hiện các dịch vụ khác như thực phẩm, thanh toán hay hậu cần”

    [​IMG]
    Grab trở thành nơi mà các dịch vụ khác nhau và các đối tác, các ngành nghề khác nhau đều có đất để phát triển

    Phát triển hệ sinh thái trên nền tảng văn hóa

    Cuộc chiến ứng dụng gọi xe nay mang sắc thái mới, không còn đơn thuần là một sự đột phá công nghệ hay cạnh tranh thị trường, mà là cuộc tranh đua giữa những hệ sinh thái, mà hệ sinh thái lại được phát triển trên nền tảng văn hóa. Go-Jek thành công nhờ nét đặc trưng văn hóa bình dân ở Indonesia trong khi Grab dựa trên nền tảng văn hóa tiên tiến của một trung tâm công nghệ và tài chính lớn nhất châu Á là Singapore. Grab đang tiến gần hơn đến nền tảng di động một nhịp (one-stop) và làm việc với các đối tác để tạo thành mạng lưới giao thông hiệu quả nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn tại các đô thị lớn ở Đông Nam Á, cung cấp nền tảng di động cho mọi lái xe nhằm làm tăng cơ hội thu nhập cho họ

    Trên căn bản dẫn đầu nền tảng O2O (online to offline) tại Đông Nam Á, Grab nhanh chóng mở ra các dịch vụ khác từ GrabFood đến GrabPay. Hiện tại Grab triển khai hoạt động tại 217 thành phố lớn nhỏ ở tám nước trong vùng và cung cấp cho khách hàng phương tiện vận chuyển vừa an toàn vừa tiện nghi, cùng với việc phân phối thực phẩm và các gói hàng, song song với việc cung cấp dịch vụ tài chính và thanh toán qua Grab mobile app. Grab là nền tảng công nghệ đầu tiên tại Đông Nam Á hướng tới doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ và 100 triệu người sử dụng

    Là Giám đốc tác vụ, Hooi Ling luôn chỉ huy ở đằng sau hậu trường của Grab, và ngày 13-6, văn phòng Grab Holdings Inc. tại Singapore cho biết đã đạt được thỏa thuận để một trong các công ty sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới là Toyota Motor Corporation đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ vào ứng dụng gọi xe Đông Nam Á này. Đây là nhà đầu tư chính trong vòng gọi vốn mới nhất đưa giá trị doanh nghiệp của Grab lên 10 tỉ đô la, gấp đôi ứng dụng gọi xe Go-Jek

    Phát biểu nhân sự kiện góp vốn mới, Ming Maa, Chủ tịch tại Grab nói: “Là một công ty hàng đầu trong ngành sản xuất xe hơi, việc Toyota đầu tư vào Grab dựa trên nhận thức của họ rằng ban lãnh đạo chúng tôi đang hướng đến những giải pháp di động mới và mở rộng dịch vụ di động O2O cụ thể như GrabFood và GrabPay”

    Vị Chủ tịch nói tiếp: “Tốc độ gia tăng nhanh người dùng và tăng trưởng doanh thu là bằng chứng rằng chúng tôi có đủ năng lực và điều hành hiệu quả nền tảng công nghệ giữa một vùng đa dạng như Đông Nam Á. Chúng tôi hãnh diện có được sự hỗ trợ của Toyota, Uber, Didi và SoftBank”

    Con đường mà Grab đã chọn cả sáu năm nay, khởi đầu từ ứng dụng sang siêu ứng dụng đã được cặp đôi lãnh đạo trẻ Tan Long và Tan Hooi Ling nhịp nhàng thực hiện, và việc liên kết Toyota-Grab là một sự kiện lớn: Grab sẽ làm việc với Toyota trên nền tảng Toyota Mobility Service Platform (MSPF) để học biết về cách kết nối các dịch vụ xe như bảo hiểm khách hàng, chương trình tài trợ và quản trị dự phòng, nhờ đó làm giàu trải nghiệm cho các lái xe khi hoạt động trên chính nền tảng Grab. Trên thực tế Grab và Toyota sẽ cùng mở ra các dịch vụ kết nối bao gồm cả bảo hiểm cho khách và cho lái xe. Tốc độ tăng trưởng và số lượng đông đảo người tham gia vào ứng dụng buộc Grab phải đầu tư chiều sâu vào công nghệ, và Toyota là một đơn vị công nghệ đặc chủng trong ngành xe hơi

    Grab app nay nằm trên hơn 100 triệu chiếc điện thoại của khách hàng, giúp cho họ tiếp cận với 6,6 triệu người lái xe và nhân viên điều hành với 6 triệu chuyến xe mỗi ngày. GrabFood phân phối cả thức ăn và gói hàng đang hoạt động ở Malaysia, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Trong khi đó dịch vụ Grab Financial đang cung cấp dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt cho hàng triệu người khó tiếp cận hay không có tài khoản ngân hàng tại Đông Nam Á

    Người đấu tranh cho bình quyền phụ nữ

    Được hỏi về cách mà hai nhà đồng sáng lập chia sẻ công việc một cách nhịp nhàng như vậy, Hooi Ling cho biết cô lo về vấn đề nhân sự và tác vụ, trong khi Tan Long hướng ra công việc bên ngoài, và cả hai định kỳ trao đổi các hồ sơ có liên quan với nhau. Hooi Ling nổi lên như một nhà lãnh đạo giỏi về nhân sự, không chỉ trong văn phòng, nơi hậu trường mà cả nơi hàng triệu đối tác truyền thống tức công nhân viên hay Grabber mà hầu hết là các tài xế xe hai hay bốn bánh, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ rất cao trong cả đội ngũ công nhân và dàn lãnh đạo các đơn vị. Một tỷ lệ đến không ngờ: 40% Grabber là nữ giới

    Ở đây người ta thấy sự đồng điệu của hai nữ tướng, Jean Liu tại Didi Chuxing và Tan Hooi Ling tại Grab. Cả hai đang tạo nên sự bình đẳng cho nữ giới không phải bằng các phong trào đấu tranh mà tìm việc cho họ làm, bảo đảm cho họ mức thu nhập không thua kém nam giới, và dành cho họ sự hỗ trợ đặc biệt trong mỗi nghiệp vụ. Hooi Ling đã và đang làm được việc đó, và đó cũng là điểm son lôi kéo vốn đầu tư từ Didi và Softbank vào Grab

    Hooi Ling cho biết công ty có cả chương trình hướng dẫn cho phụ nữ mang tên là Women at Grab, trong đó bản thân cô và người phụ trách nhân sự công ty là Chin Yin Ong cùng tham gia giảng dạy. Hooi Ling cho biết “chương trình này mỗi ngày một lớn hơn và nhiều người trước đây tham gia khóa học đã trở thành những cô thầy giáo để hướng dẫn người khác”

    Trên thực tế Grab không chỉ hỗ trợ cho công việc của các nữ Grabber mà còn nhắm đến gia đình của họ. Grab biết rằng người phụ nữ ở đây có trách nhiệm lớn với gia đình, họ có những bổn phận bắt buộc ở đó, và cần có thời biểu làm việc mềm dẻo để có thể chu toàn công việc ở cả hai nơi: công ty và gia đình. Năm 2017, số lượng nữ tài xế đã tăng thêm 230%, và chiều dài quãng đường họ lái tăng lên đến 570%. Đặc biệt ở Indonesia, nơi Grab cạnh tranh trực diện với Go-Jek, lực lượng tài xế nữ đã tăng lên đến 500% chỉ sau một năm. Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi ở Grab có cả một Grab Academy for Wives nơi cung cấp cho những người vợ kỹ năng điều hành doanh nghiệp, và cả những lớp học tập cho các bé gái làm quen với những kỹ năng công nghệ trước khi chúng vào đời

    Viết về Tan Hooi Ling, Grab cho biết người đồng sáng lập công ty này coi sóc tất cả những cột trụ chủ yếu cho các hoạt động của công ty, tập trung vào việc phát triển công nghệ và sản phẩm mới, cũng như vào hoạt động nhân sự, trải nghiệm khách hàng và hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, đây là một nữ tướng mà nếu những ai chỉ lướt qua bề mặt công ty sẽ không nhận ra một vị trí rất quan trọng

    Tại cuộc gặp gỡ báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Asean diễn ra tại Hà Nội năm nay, Tan Hooi Ling nói: “Thực sự chúng tôi muốn có nhiều đối thủ cạnh tranh. Bởi vì chỉ nhờ vậy mới có những bài học, để biết làm thế nào nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó phục vụ khách hàng tốt hơn”. Cô nhận định thị trường Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, và một điều thú vị là thị trường này rất năng động. “Điều quan trọng là chúng tôi quan tâm đến khách hàng đang nghĩ gì và sẽ tiếp tục đầu tư để đảm bảo những điều này”, và Hooi Ling tiết lộ: “Chúng tôi là công ty đầu tiên có bảo hiểm cho cả tài xế, khách hàng trên mỗi chuyến xe”

    Hoàng Xuân Phương
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Grab nhận 250 triệu USD từ Huyndai
    Grab chính thức nhận thêm khoản đầu tư 250 triệu USD từ Hyundai của Hàn Quốc. Số tiền này sẽ được đóng góp vào quỹ Series H, nhằm phát triển xe điện EV ở thị trường Việt Nam và Đông Nam Á - trực tiếp cạnh tranh với Go-Jek

    Tháng trước, Grab được Booking Holdings - doanh nghiệp Mỹ sở hữu các trang web du lịch nổi tiếng như Bookings.com, Agoda.com đầu tư 200 triệu USD và tập đoàn SoftBank với 500 triệu USD, đồng thời công bố mối quan hệ hợp tác chiến lược với Microsoft

    Start-up của Singapore này lại vừa tiếp tục được hãng ô tô Hyundai Motor Group của Hàn Quốc đầu tư 250 triệu USD. Trên thực tế Hyundai đã bắt đầu đầu tư vào Grab từ tháng 1 và bổ sung này đã chính thức nâng tổng số tiền huy động được trong vòng Series H lên 2,7 tỷ USD

    [​IMG]
    CEO Anthony Tan của Grab (trái) và Euisun Chung - Phó chủ tịch điều hành của Hyundai Motor Group (phải) bắt tay thỏa thuận, đánh dấu khoản đầu tư trị giá 250 triệu USD mới nhất

    Điều đó có nghĩa là giá trị vốn hóa thị trường của Grab hiện tại là 11 tỷ USD, bao gồm 6 tỷ USD trước đó từ tập đoàn SoftBank của Nhật Bản và Didi của Trung Quốc. Đây thực sự là một con số kỉ lục đối với một start-up ở Đông Nam Á như Grab

    Ngoài ra Grab cũng đồng thời công bố thêm tên của 2 doanh nghiệp đầu tư khác là ngân hàng đầu tư đa quốc gia Gold Sachs và dịch vụ tài chính Citi Ventures. Dự kiến tổng số tiền mà tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào Grab trong năm 2018 sẽ đạt được ít nhất là 3 tỷ USD vào cuối năm nay

    Công ty cũng tuyên bố hiện tại đã có 125 triệu lượt tải ứng dụng trên 8 thị trường Đông Nam Á và đã hoàn thành từ 2 tỷ lượt di chuyển lên 2,5 tỷ lượt tính từ thời điểm tháng 7 cho đến nay

    Giống như Toyota, Microsoft và gã khổng lồ du lịch "Booking.com" được biết đến với tên gọi trước đây là Priceline, sự tham gia của Hyundai vào thị trường gọi xe tại Grab sẽ đóng góp một phần vào chiến lược vận chuyển "đắt tiền" sắp tới là: xe điện

    Grab cho biết sẽ làm việc với công ty Hàn Quốc giới thiệu các dòng xe điện EV ở thị trường Đông Nam Á, bao gồm dòng xe Kia thuộc sở hữu của Hyundai. Đầu năm nay, các công ty xe và Grab cũng đã bắt đầu nghiên cứu triển khai dòng xe IONIQ của Hyundai tại Singapore, tiếp theo sẽ bổ sung Kia EVs và tiếp tục mở rộng ra các quốc gia khác ngoài nước này

    Grab đang xây dựng một "hạm đội xe điện" EV, sẵn sàng đối đầu với Go-Jek

    [​IMG]


    Tuy chưa tiết lộ hoàn toàn nhưng hiện tại Grab đang có một hạm đội làm việc dành riêng cho xe điện EV tại Singapore, đồng thời đang hợp tác với Singapore Power để tung ra một mạng lưới các trạm sạc và gói sạc cho dòng xe điện này khi bắt đầu đi vào hoạt động

    Đầu tư mới nhất của Hyundai sẽ đưa hãng trở thành đại diện đầu tiên cho dòng xe EV vào các nước khác ở Đông Nam Á - thị trường chiếm tới hơn 600 triệu người tiêu dùng, hiện tại vẫn chưa tiết lộ cụ thể thời gian và quốc gia nhắm đến tiếp theo. Ví dụ như ở Singapore, Grab cho biết chiến lược EV sẽ bao gồm các điều kiện được thiết lập cho mạng sạc, gói bảo trì cho người lái và đặt biệt là nghiên cứu chung về cách hoạt động của xe điện EV tại vùng có khí hậu ẩm thấp như Đông Nam Á

    Ngoài kế hoạch EV, quỹ Series H của Grab cũng dành cho việc thúc đẩy hệ sinh thái "siêu ứng dụng", như giao hàng thực phẩm, dịch vụ theo yêu cầu, thanh toán và các dịch vụ fintech - vượt ra ngoài mảng giao thông vận tải. Sở dĩ Grab đang tích cực thúc đẩy mảng xe điện và các dịch vụ khác để cạnh tranh và "dằn mặt" đối thủ Go-Jek của Indonesia đang dần mở rộng trong khu vực Đông Nam Á

    Với mục tiêu tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD, Go-Jek đã chính thức tiến vào thị trường Việt Nam và đang trong quá trình ra mắt tiếp theo tại Thái Lan, cũng như triển khai tuyển dụng lái xe tại Singapore. Điều đó có nghĩa là Grab luôn phải ở trong trạng thái "sẵn sàng chiến đấu" với Go-jek, giống như đã từng xảy ra với Uber trước đây

    Quỳnh Như
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Grab mở trung tâm R&D thứ 7, đặt tại Malaysia

    [​IMG]
    Grab đặt kế hoạch tuyển dụng 100 kỹ sư công nghệ cho trung tâm R&D tại Kuala Lumpur trong năm đầu tiên hoạt động

    Grab, nền tảng di động Online-to-Offline (O2O) hàng đầu Đông Nam Á ngày 11.12 công bố khánh thành trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) mới tại Kuala Lumpur, Malaysia. Đây là trung tâm R&D thứ 7 của Grab, bên cạnh các trung tâm R&D trên toàn cầu được đặt tại Bangalore, Bắc Kinh, TP.HCM, Jakarta và Singapore

    Grab đặt kế hoạch tuyển dụng 100 kỹ sư công nghệ cho trung tâm R&D tại Kuala Lumpur trong năm đầu tiên hoạt động, bao gồm kỹ sư phần mềm, chuyên gia dữ liệu và chuyên gia phân tích dữ liệu. Đội ngũ kỹ sư sẽ tập trung vào việc phát triển và nâng cao các tính năng giao tiếp thông tin theo thời gian thực, ví dụ như điện thoại VOIP (truyền giọng nói trên giao thức IP) thông qua tính năng GrabChat; xây dựng những sản phẩm web mới, hấp dẫn cho Grab; và nâng cao, phát triển các giải pháp an toàn thông qua máy học (machine learning)

    Ông Ditesh Gathani, Giám đốc Kỹ thuật của Grab, cho biết kể từ cuối năm 2017, Grab đã tăng gấp đôi số lượng kỹ sư khắp 6 trung tâm R&D, và có kế hoạch tuyển dụng thêm 1.000 kỹ sư nữa trong năm 2019. Grab cũng đã nâng số lượng 30 thành phố có mặt vào đầu năm 2017 lên 235 thành phố tính đến thời điểm hiện tại

    Ông Vassilakis, Giám đốc Công nghệ (CTO) của Grab, cho biết, quyết định mở trung tâm R&D tại Malaysia là sự mở rộng của triết lý phát triển những giải pháp có tính địa phương hóa cao ở những quốc gia có người dùng Grab, trong khi vẫn thu hút được những tài năng công nghệ xuất sắc nhất khắp thế giới”

    Mô hình phân tán các đội ngũ kỹ sư của Grab cho phép công ty tiếp cận với những nhóm chuyên môn cụ thể tại mỗi trung tâm R&D khắp thế giới, ví dụ như máy học, phân tích dự báo dữ liệu, công nghệ di động mới nhất và trải nghiệm người dùng tập trung vào khách hàng

    Lê Hằng
     
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Yamaha Motor thực hiện đầu tư vào Grab
    Công bố hợp tác chiến lược trong lĩnh vực đặt xe máy công nghệ

    [​IMG]
    Yamaha Motor sẽ đầu tư 150 triệu USD vào Grab

    Yamaha Motor Co., Ltd. (Yamaha Motor) và Grab Holding Inc. (Grab), nền tảng di động online-to-offline (O2O) hàng đầu Đông Nam Á, hôm nay công bố đạt được thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược nhằm hợp tác trên lĩnh vực đặt xe máy công nghệ trong khu vực Đông Nam Á, tập trung vào thị trường Indonesia. Là một phần của thỏa thuận hợp tác chiến lược, Yamaha Motor sẽ đầu tư 150 triệu USD vào Grab

    Thông qua quan hệ hợp tác này, Yamaha Motor và Grab hướng đến phát triển các dịch vụ vận chuyển thế hệ tiếp theo thông qua việc ứng dụng các giải pháp và sáng tạo, trong đó

    1. Tận dụng công nghệ và bí quyết của Yamaha Motor trong lĩnh vực an toàn cho xe máy để giúp các đối tác tài xế xe máy của Grab lái xe an toàn và tự tin hơn, từ đó đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ đặt xe máy công nghệ ngày càng tăng cao cũng như gia tăng sự hài lòng cho người dùng;

    2. Giảm bớt những rào cản khi mua xe máy cho những người đang tham gia (hoặc đang có ý định tham gia) vào lĩnh vực đặt xe máy công nghệ

    Yamaha Motor cũng đặt mục tiêu tận dụng nền tảng khách hàng của Grab tại Đông Nam Á và sự am hiểu trong lĩnh vực đặt xe máy công nghệ của Grab để phát triển các sản phẩm trong tương lai. Grab là một trong những nền tảng di động O2O được sử dụng thường xuyên nhất tại Đông Nam Á, cung cấp các dịch vụ quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày của người dùng

    Hiện nay, ứng dụng Grab đã được tải xuống trên hơn 125 triệu thiết bị di động, giúp người tiếp cận với hơn 8 triệu đối tác tài xế, đối tác kinh doanh và đại lý. Grab đang hợp tác với đội ngũ phương tiện vận chuyển đường bộ lớn nhất khu vực và đã thực hiện hơn 2,5 tỉ chuyến xe kể từ khi được thành lập vào năm 2012. Grab hiện đang cung cấp các dịch vụ đặt xe công nghệ đa dạng nhất khu vực, bên cạnh dịch vụ giao nhận thức ăn và giao nhận hàng hóa, tại khắp 235 thành phố thuộc 8 quốc gia Đông Nam Á

    Hải An
     
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Grab mở trận cho vay tiêu dùng

    [​IMG]
    Tham vọng thực sự của Grab tại Việt Nam không phải là gọi xe mà phải là: tài chính tiêu dùng

    Năm 2019 sẽ là năm các ứng dụng fintech (các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính) tham gia thị trường cho vay tiêu dùng và dẫn đầu xu hướng này không ai khác hơn là Grab. Thông qua các siêu ứng dụng, nơi khách hàng có thể đặt xe, thanh toán và mua sắm trực tuyến, các công ty như Grab có thể tính toán được thu nhập bình quân hằng tháng của người sử dụng và đưa ra gói vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn nhóm các công ty tiêu dùng hiện nay

    Mặt trận lớn của Grab

    Tháng 12.2018, anh Quốc Hùng (quận 1, TP.HCM) nhận được tin nhắn về gói vay 28 triệu đồng cho 12 tháng từ Grab với mức lãi suất khá hấp dẫn là 2,92%/tháng. Như vậy, nếu chấp nhận, anh sẽ trả lãi suất khoảng 36%/năm cho gói vay mà Grab đề xuất. Con số này cao hơn các ngân hàng thương mại, vốn có mức lãi suất trung bình từ 10-25%/năm nhưng thấp hơn rất nhiều với mức 55% đến 84%/năm của các công ty tài chính ở Việt Nam

    Cũng phải lưu ý rằng không dễ gì vay được của các ngân hàng thương mại, chính vì thế nếu để lên bàn cân lựa chọn thì gói vay của Grab rõ ràng có lợi thế hơn. Mức lãi suất thấp có được nhờ vào sự phổ biến của siêu ứng dụng Grab

    Thông qua đó, Công ty có thể chấm mức tín dụng dựa trên lịch sử giao dịch của hàng chục triệu người sử dụng bằng công nghệ. Quy mô tiếp cận lớn hơn, chi phí thấp hơn và rủi ro cũng thấp hơn là lợi thế của các công ty fintech như Grab so với các công ty cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, vốn vẫn dựa vào sức người cho việc thẩm định

    Cách làm này không mới, như Ant Financial, công ty sở hữu ứng dụng thanh toán Alipay của Alibaba chẳng hạn. Năm 2015, đơn vị này đưa ra hệ thống chấm điểm tín dụng dựa trên lịch sử giao dịch 450 triệu người sử dụng Alipay với các website thương mại điện tử của Alibaba Group

    Sau khi có trong tay điểm tín dụng của khách hàng, Ant Financial sẽ cung cấp các khoản vay mua nhà, ô tô với mức lãi suất tỉ lệ nghịch với điểm tín dụng họ có, điểm càng cao lãi suất càng thấp và ngược lại. Báo cáo gần đây nhất của Bloomberg cho biết dư nợ cho vay tiêu dùng của đơn vị này đã đạt 95 tỉ USD sau hơn 1 năm thành lập, được định giá khoảng 150 tỉ USD

    Đại diện Grab từ chối bình luận về chương trình. Theo nguồn tin của NCĐT, đây là chương trình đang thử nghiệm với quy mô nhỏ với các tài xế của Grab. Có thể khẳng định rằng cho thanh toán trực tuyến và vay tiêu dùng ở Đông Nam Á mới là thị trường mà Grab nhắm đến ngay từ những ngày đầu thành lập. Vận chuyển chỉ là hình thức đơn vị này gần với các hoạt động tiêu dùng của người sử dụng trên nền tảng internet mà thôi

    [​IMG]

    Thống kê của Grab, quy mô thị trường thanh toán trực tuyến ở Đông Nam Á lên đến 500 tỉ USD. Còn về khoản cho vay theo thống kê của World Bank, có khoảng 2 tỉ người, chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà hệ thống ngân hàng không thể tiếp cận được. Còn ở Việt Nam, theo báo cáo của LPB Research, con số này là 65 triệu người (độ tuổi từ 15-65)

    [​IMG]

    Đặc biệt, vay tiêu dùng ở Việt Nam được cho là sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Với dân số trẻ và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam đã gia nhập nhóm có thu nhập trung bình trong năm 2014-2016 với khoảng hơn 900.000 người chuyển từ nông thôn đến thành thị mỗi năm. Điều này dẫn đến tiêu dùng cá nhân của Việt Nam (một thành phần của GDP) cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á với nhiều khoản chi tiêu cho mua ô tô, thiết bị gia đình, điện thoại thông minh, các hoạt động giải trí như du lịch

    [​IMG]


    Theo số liệu từ Financial Times Confidential Research (FTCR), các khoản vay tiêu dùng của Việt Nam, không bao gồm vay thế chấp, chỉ đạt 23 tỉ USD trong năm 2017, tương đương gần 10% GDP cả nước. Con số này khá thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, điển hình như Thái Lan, nợ hộ gia đình của quốc gia này bao gồm cả vay thế chấp, tương đương gần 80% GDP

    Trước tiềm năng lớn này, hàng loạt các công ty tài chính tên tuổi lớn của nước ngoài đã tham gia thị trường này như Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) mua lại TechcomFinance; Shinhan Card mua lại Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC). Hay như 49% vốn HD Saison của HDBank thuộc về Tập đoàn Credit Saison (Nhật); Tập đoàn Shinsei (Nhật) giữ 49% cổ phần Mcredit (MB)...

    FTCR đánh giá người Việt Nam là những người đi vay đáng tin cậy. Trong số những quốc gia ASEAN có thể tiếp cận nguồn tín dụng chính thống, người Việt Nam có tỉ lệ được chấp thuận cho vay cao nhất. Năm 2017, 65% dân số Việt Nam cho biết đơn xin vay vốn của họ đều được chấp nhận, mức cao nhất trong khối ASEAN 5. Theo số liệu của StoxPlus, đối tác liên kết của Nikkei (công ty mẹ của Financial Times), nợ tiêu dùng của Việt Nam, không bao gồm vay thế chấp, tăng trưởng trung bình 45%/năm trong giai đoạn 2013-2017. Giai đoạn này được ghi dấu bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đề án chiến lược của ngành ngân hàng nhằm dịch chuyển từ phân khúc tổ chức sang bán lẻ

    Đổ xô cho vay tiêu dùng

    Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), các công ty tài chính mới chỉ khai thác được 18 triệu trong số 38 triệu hồ sơ cá nhân. Vì vậy, các công ty fintech và cả những công ty như Grab muốn lấp đầy khoảng trống này bằng tiềm lực về tài chính, công nghệ và dữ liệu. Nhưng cho vay và chuyển tiền là vấn đề nhạy cảm đối với nhiều quốc gia và được quản lý chặt chẽ bởi luật pháp. Đó là lý do Grab phải mua lại Moca để có giấy phép là đơn vị thanh toán trung gian. Tuy nhiên, để cho vay, Grab buộc phải liên kết với một ngân hàng trong hoặc ngoài nước

    [​IMG]


    Khá trùng hợp khi mới đây, CIMB Việt Nam, ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ hai của Malaysia, công bố chiến lược đẩy mạnh mảng khách hàng cá nhân. Ông Thomson Fam Siew Kat, Tổng Giám đốc Điều hành CIMB Việt Nam, cho biết Ngân hàng đang bắt tay với các fintech để cải thiện thời gian duyệt hồ sơ cho vay và cấp thẻ tín dụng. “Chúng tôi đang hợp tác với hai công ty fintech mạnh cho ứng dụng OCTO và dự kiến sẽ mở rộng hợp tác với các fintech khác để đem lại giá trị cho người dùng”, ông Thomson Fam Siew Kat nói

    Việt Nam không có hệ thống đáng giá điểm tín dụng như các nước phát triển nên việc xét duyệt cho vay rất khó và không vượt qua các quy định quản trị rủi ro của khối ngân hàng ngoại. Các công ty như fintech có thể xem là cứu cánh về việc cung cấp lịch sử tiêu dùng của người sử dụng và các ngân hàng chỉ cần thêm các tiêu chí về đánh giá rủi ro để tiến hành cho vay

    Dĩ nhiên quy trình này sẽ không dễ dàng nhưng ít nhất là đem lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng hơn so với việc tiếp cận một khách hàng truyền thống, không có bất cứ dữ liệu giao dịch nào. Bên cạnh đó, dù có nhiều dữ liệu hơn nhưng các công ty fintech cũng phải “dựa dẫm” nhóm ngân hàng. Bởi nhóm này sở hữu các giấy phép mà các công ty fintech không thể có, như việc cho vay chẳng hạn. Cả Grab và CIMB Việt Nam từ chối công bố các đối tác của mình dù rằng ở Malaysia, cả hai đang là đối tác của nhau

    [​IMG]

    Không chỉ Grab nhận ra tiềm năng từ việc cho vay tiêu dùng ở Việt Nam. Be, ứng dụng gọi xe 2 bánh, 4 bánh của một doanh nghiệp trong nước, cũng cho thấy sẽ tấn công mảng này dù mới xuất hiện trên thị trường không lâu. Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là một trong những đối tác tài chiến lược của Be. Theo đó, VPBank hỗ trợ tài chính cho Be trong quá trình vận hành, hoạt động đồng thời cùng nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng cá nhân để hỗ trợ tài xế

    Còn quá sớm để nhận xét về khả năng của Be, nhưng rõ ràng việc nhìn ra đích đến cuối cùng của trò chơi siêu ứng dụng sẽ có lợi cho Be hơn so với các ứng dụng gọi xe của doanh nghiệp Việt Nam khác đang vất vả với bài toán cạnh tranh về giá với Grab. Go-Viet, đằng sau lưng là Go-Jek, đối thủ trực tiếp của Grab ở Đông Nam Á, cho đến nay vẫn chưa cho thấy các động thái sẽ tham gia thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam

    [​IMG]


    Đầu năm 2019, SoftBank (Nhật) công bố sẽ đầu tư thêm 1,5 tỉ USD cho Grab. Sau 6 năm hoạt động, Grab đã huy động được 6,5 tỉ USD và được định giá hơn 11 tỉ USD

    Mục tiêu chính của Grab vẫn là giữ chặt người sử dụng với siêu ứng dụng của mình

    Sau vận tải, thanh toán tực tuyến và giao đồ ăn, không có gì lạ khi Grab tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử. Việc tham gia thương mại điện tử cũng giúp Grab có thêm nhiều dữ liệu cho việc chấm điểm tín dụng người sử dụng

    Sau khi ra mắt nền tảng Grab ở Đông Nam Á, Công ty đang mở Học viện Grab (GrabAcademy), chương trình đào tạo về tiếp thị số dành cho các đối tác tham gia nền tảng của Grab cho thị trường Việt Nam. Đây có thể xem là tin không vui đối với ngôi sao đang lên trong lĩnh vực thương mại điện tử là Shopee của Sea. Dù tự nhận mình là sàn thương mại điện tử có doanh thu lớn nhất Đông Nam Á, nhưng có một thực tế là định giá của Sea đang bị Grab bỏ xa. Và đây là điều không tốt trong các vòng gọi vốn tiếp theo của đơn vị này

    Trên thực tế, đích đến cuối cùng của các công ty thương mại điện tử vẫn là thanh toán trực tuyến và cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, sự thành công của mô hình thương mại điện tử kết hợp cho vay tiêu dùng như Alibaba và Ant chỉ phù hợp với Trung Quốc, nơi các công ty ngoại bị cấm cửa. Còn đối với các thị trường mở như Đông Nam Á, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe như Grab đang kéo người sử dụng về phía họ nhiều hơn và là rào cản cho các công ty như Shopee đi đến đích cuối cùng là cho vay

    Thậm chí, giới đầu tư dự đoán rằng Sea sẽ sớm ra mắt ứng dụng gọi xe ở Đông Nam Á để cạnh tranh với Grab. Còn ở Việt Nam, Now, công ty con của Sea ở Việt Nam, phải tham gia vào thị trường gọi di chuyển để cạnh tranh thị phần với Grab. Now đang là cái tên dẫn đầu trong mảng gọi thức ăn, Shopee dẫn đầu về thương mại điện tử ở Việt Nam nhưng cả hai đang cảm thấy sức nóng của Grab từ phía sau

    Năm 2019, Sea sẽ lấn sân sang các mảng của Grab và ngược lại, Grab cũng bổ sung thêm đơn vị này vào danh sách đối thủ bên cạnh Go-Jek trong cuộc đua cho vay ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong khi đó, nhóm các công ty cho vay tiêu dùng và ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển thị phần mảng khách hàng cá nhân, vốn đang đem lại tăng trưởng rất tốt trong thời gian qua và việc hợp tác nhiều hơn với các công ty công nghệ trong việc chấm điểm tín dụng là xu hướng chung

    CreditScore, dịch vụ chấm điểm tín dụng dựa trên dữ liệu lớn được phát triển bởi Fibo (Việt Nam), hiện đã hợp tác với hai đối tác cho vay tiêu dùng lớn ở Việt Nam, dự kiến sẽ công bố trong quý I/2019. Ông Nguyễn Dương Huy Vũ, Giám đốc Điều hành Fibo, cho biết, theo chiến lược CreditScore sẽ tích hợp với khoảng 20.000 website thương mại điện tử ở trong nước để hỗ trợ các đối tác cho vay đơn giản thủ tục xét duyệt

    Công ty kỳ vọng sẽ hợp tác khoảng 10 ngân hàng và công ty tài chính trong năm nay

    Mới đây, MoMo, công ty fintech Việt Nam có lượng người sử dụng lớn nhất (10 triệu người), cũng phát đi thông báo huy động vòng gọi vốn vòng C từ quỹ Warbug Pincus. Tính đến thời điểm hiện tại, MoMo chỉ hợp tác với Shinhan Bank trong việc quảng cáo các khoản vay tiêu dùng của ngân hàng này với người sử dụng của MoMo. Tuy nhiên, với tiềm lực và quy mô của mình, khả năng tham gia sâu hơn trong sân chơi cho vay tiêu dùng của Momo chỉ là vấn đề thời gian

    Năm 2019 sẽ không dùng tiền mặt thanh toán tiền điện, học phí, viện phí ở đô thị. Đó là nội dung trong Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt với các khoản chi phí sinh hoạt được Chính phủ yêu cầu thực hiện trước tháng 12.2019. Để thúc đẩy mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho phép thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng cho biết sẽ có ít nhất một doanh nghiệp viễn thông thí điểm phương thức này

    Với độ phủ 100% dân số, các công ty viễn thông sẽ là đối thủ đáng gờm trong thị trường thanh toán trực tuyến và là đối tác không thể tốt hơn đối với các ngân hàng trong việc thẩm định cho vay tiêu dùng. Chính vì thế, 2019 được xem là năm chứng kiến các cuộc hợp tác giữa công ty tài chính, ngân hàng với nhóm fintech và nhiều khả năng đây sẽ là năm đầu tiên lãi suất cho vay tiêu dùng ở Việt Nam giảm dưới tỉ lệ 50%/năm

    Công Sang
     
  7. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Grab nhận thêm gần 1,5 tỷ USD vốn đầu tư từ SoftBank Vision Fund
    Khoản đầu tư này nằm trong vòng gọi vốn hiện tại của Grab với các nhà đầu tư khác gồm Toyota Motor Corp, Microsoft và Hyundai Motor Co...

    [​IMG]
    Ứng dụng của Grab có hơn 138 triệu lượt tải xuống tại 8 thị trường Đông Nam Á
    Startup gọi xe Grab dự kiến nhận thêm gần 1,5 tỷ USD từ quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank, nằm trong vòng gọi vốn mới nhất của công ty này, hãng tin Reuters dẫn lời Ming Maa, chủ tịch của Grab, cho biết

    Vòng gọi vốn mới nhất của Grab, dự kiến huy động tổng cộng hơn 4,5 tỷ USD, được khởi động không lâu sau khi Uber dừng hoạt động tại Đông Nam Á vào tháng 3/2018, kết thúc cuộc chiến cạnh tranh tốn kém và đổi lấy 27,5% cổ phần Grab

    "Chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới, và có thể cân nhắc tăng quy mô gọi vốn trong tương lai", Maa, cho biết

    Maa, 42 tuổi, là cựu giám đốc tại SoftBank và là người đứng sau những khoản đầu tư của SoftBank vào Grab trước khi gia nhập startup này vào năm 2016

    Trước khoản đầu tư mới nhất từ SoftBank, Grab được định giá 11 tỷ USD và nằm trong top 15 startup "kỳ lân" (định giá trên 1 tỷ USD) trên thế giới, theo hãng nghiên cứu CB Insights

    Maa cho biết Grab không chú trọng việc chào bán cổ phiếu, kể cả khi các công ty gọi xe của Mỹ gồm Lyft và Uber đều đang ráo riết lên sàn trong năm nay

    "Nói chính xác là chúng tôi hoàn toàn không đặt trọng tâm vào IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hay một lộ trình IPO vào thời điểm này", Maa cho biết. "Hiện tại, chúng tôi chỉ tập trung vào phát triển thị phần, phát triển kinh doanh, thay vì một thương vụ trên thị trường chứng khoán"

    Grab cho biết vòng gọi vốn hiện tại của công ty thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn như Toyota Motor Corp, Microsoft và Hyundai Motor Co. Theo nguồn thạo tin, kể từ khi thành lập vào năm 2012, startup Singapore đã huy động được khoảng 8 tỷ USD, được dùng để mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á - khu vực với khoảng 650 triệu dân.

    "Chúng tôi sẽ đầu tư phần lớn số vốn huy động được vào phát triển nền tảng siêu ứng dụng và cung cấp các dịch vụ mới cho khách hàng, đặc biệt là ở Indonesia," Maa nói

    Các lĩnh vực trọng tâm của Grab gồm dịch vụ tài chính, giao đồ ăn, giao hàng chặng cuối để phục vụ cho các doanh nghiệp như Tokopedia - sàn thương mại điện tử lớn nhất Indonesia

    Ứng dụng của Grab có hơn 138 triệu lượt tải xuống tại 8 thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, startup này đang vấp phải nhiều rào cản pháp lý kể từ sau khi Uber rút khỏi khu vực

    Grab mở rộng sang Indonesia - quê hương của đối thủ Go-Jek, trong bối cảnh cả hai công ty đều đang huy động hàng tỷ USD để đưa dịch vụ ngân hàng, gọi xe, giao đồ ăn và thương mại điện tử đến với mọi ngóc ngách ở Đông Nam Á

    "Chúng tôi không thấy bất kỳ suy giảm tăng trưởng nào trong các mảng kinh doanh cốt lõi, và nếu có, chúng tôi sẽ tiếp tục tung ra các dịch vụ mới, và dự báo tăng trưởng từ các dịch vụ mới này sẽ cao hơn những dịch vụ đã phát triển của công ty", Maa nói

    Năm 2018, doanh thu của Grab tăng lên hơn 1 tỷ USD, gần gấp đôi so năm trước

    Cả Grab và Go-Jek đều bắt đầu với dịch vụ gọi xe và nhanh chóng thu hút hàng triệu khách hàng với hàng loạt chương trình giảm giá tại các quốc gia thu nhập thấp. Go-Jek nhận được đầu tư từ Temasek Holdings, Tencent Holdings và Google

    Trong khi đó, Grab có kế hoạch cung cấp dịch vụ video theo yêu cầu hợp tác với HOOQ, chăm sóc sức khỏe trực tuyến hợp tác với Ping An Good Doctor và đặt phòng khách sạn cùng với Booking Holdings

    Maa cho biết Grab đã có lãi trong mảng kinh doanh dịch vụ gọi xe tại một số thị trường phát triển của mình, nhưng không đưa ra mốc thời gian chính xác

    Ngọc Trang
     
  8. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Grab muốn trở thành ngân hàng điện tử
    Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đang nghiên cứu tiềm năng của việc cho phép các công ty có nguồn gốc phi ngân hàng hoạt động dưới dạng ngân hàng trực tuyến...

    [​IMG]
    Grab đang quan tâm tới lĩnh vực ngân hàng

    Startup gọi xe Grab đang muốn lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng khi chính phủ Singapore cân nhắc cấp phép ngân hàng trực tuyến, nguồn tin của Reuters cho biết


    Theo nguồn tin trên, Grab đang tìm tới các đơn vị tư vấn để phân tích những tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng của công ty và chuẩn bị để nộp đơn xin cấp giấy phép hoạt động ngân hàng trực tuyến tại Singapore khi chính sách này được thông qua. Startup Singapore từ chối bình luận về thông tin này

    Trước đó, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết đang nghiên cứu tiềm năng của việc cho phép các công ty có nguồn gốc phi ngân hàng hoạt động dưới hình thức duy nhất là ngân hàng trực tuyến tại Singapore

    Trong khi đó, trung tâm tài chính lớn khác là Hồng Kông đã bắt đầu cấp giấy phép cho ngân hàng dạng này từ hồi đầu năm nay

    Việc Grab, công ty được đầu tư bởi tập đoàn Nhật Bản SoftBank, cùng nhiều công ty khác có thể gia nhập sẽ đánh dấu sự xáo trộn lớn trên thị trường ngân hàng Singapore - đang được thống trị bởi các ngân hàng như DBS Group Holdings Ltd, Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC) và United Overseas Bank Ltd

    Nguồn tin của Reuters cho biết MAS có thể đưa ra quyết định cấp phép ngân hàng trực tuyến cùng tiêu chí dành cho các ứng viên đăng ký xin cấp phép trong vài tháng nữa. Nhà chức trách của nước này có thể sẽ chỉ cấp 2 - 3 giấy phép trong giai đoạn đầu tiên

    Sự quan tâm của Grab cho thấy các công ty phi ngân hàng tại châu Á đang sẵn sàng thách thức các ngân hàng truyền thống với lợi thế về công nghệ và dữ liệu người dùng. Nếu được cấp phép trở thành ngân hàng số tại Singapore, Grab có thể tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ về hoạt động giao thông, các giao dịch thanh toán và hành vi của người dùng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ

    Năm ngoái, startup này cũng hợp tác với công ty Credit Saison Co Ltd của Nhật để cung cấp các khoản vay tại khu vực Đông Nam Á. Nhiều hãng công nghệ tài chính toàn cầu cũng đang nhắm tới xin giấy phép tại Singapore và một số thậm chí đã thành lập liên doanh, nguồn tin của Reuters cho biết

    Tại Hồng Kông, các công ty con của Alibaba Group Holding Ltd và Xiaomi Corp, và liên minh dẫn đầu là Standard Chartered PLC và BOC Hong Kong Holdings Ltd đã giành được giấy phép hoạt động ngân hàng trực tuyến

    "Tại Hồng Kông, hướng dẫn về những điều kiện mà các ứng viên xin cấp giấy phép phải đáp ứng rất chi tiết, so với tại châu Âu thì chi tiết hơn nhiều", Dan Jones, đối tác của APAC tại hãng tư vấn Capco Digital. "Rất đáng chờ đợi để xem MAS đưa ra quyết định tương tự như Hồng Kông... theo đó, những công ty có thể xin giấy phép là những công ty lớn, chứ không phải những startup nhỏ"

    Như tại Hồng Kông, các ngân hàng trực tuyến ở Singapore có thể cũng sẽ cung cấp những dịch vụ như tài khoản tiết kiệm, khoản vay cá nhân và bảo hiểm du lịch

    Ngọc Trang
     
  9. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    500 triệu USD 'đổ' vào Việt Nam không chỉ để kiếm lời
    Sau công bố “đổ” 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam của Grab, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về mục tiêu của khoản “siêu” đầu tư này

    Trong bối cảnh chính sách đối với các mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam còn chưa thật sự rõ ràng, có mạo hiểm không khi Grab quyết định “rót” một khoản đầu tư lớn như vậy vào Việt Nam thời điểm này, thưa ông ?

    - Hiện nay kết nốivận tải là dịch vụ cốt lõi của Grab tại Việt Nam và đúng như bạn nói, khung pháp lý cụ thể thông qua Nghị định 86 vẫn chưa đi đến hồi kết. Thế nhưng trong mấy tháng trở lại đây, tinh thần của Nghị định đang trở nên rõ ràng hơn, dần thay đổi theo hướng cởi mở, đón nhận những nền tảng công nghệmới. Chúng tôi đang rất trông chờ và hy vọng vào quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, vận chuyển chỉ là 1 phần trong hệ sinh thái mà Grab đang xây dựng tại Việt Nam. Nhiều sản phẩm dịch vụ như giao hàng, gọi đồ ăn, thanh toán… đang phát triển rất tốt và nhận được sự chào đón, hỗ trợ nhiều từ cả phía khách hàng, đối tác cũng như cơ quan quản lý. Do đó, khung pháp lý hiện chưa hẳn là yếu tố rủi ro quá lớn tại thị trường Việt Nam

    Trái lại, chúng tôi nhìn nhận đây là thời điểm lý tưởng. Cụ thể, dân số trẻ và khá cởi mở, người Việt rất hào hứng với các sản phẩm mới, công nghệ mới. Có đến 90% người trẻ tại Việt nam sở hữu từ 1 đến hơn 1 điện thoại thông minh (smart phone) và các sản phẩm cốt lõi mà Grab đã phát triển trong thời gian qua như vận tải, giao nhận hàng hóa, thanh toán điện tử… đang được đón nhận rất tốt. Điều này không chỉ tạo nền tảng vững chắc để Grab tiếp tục tiềm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực mới mà còn là đòn bẩy thúc đẩy Chính phủ đưa ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ. Minh chứng rõ nhất, bên cạnh việc ủng hộ những ý tưởng đổi mới sáng tạo, bản thân Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều ý tưởng như xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thành lập Trung tâm ươm mầm công nghệ, Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, các dự án đô thị thông minh… Rõ ràng thị trường còn rất nhiều tiềm năng và khoản đầu tư mới này thể hiện mong muốn của Grab được gắn bó lâu dài với Việt Nam

    [​IMG]
    "Mọi khoản đầu tư của Grab không phải chỉ để kiếm về lợi nhuận cho bản thân doanh nghiệp mà phải tạo ra các giá trị cho xã hội, kinh tế tại thị trường đó"
    Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam

    * Khoản đầu tư 500 triệu USD sẽ được phân bổ cụ thể thế nào ?

    - Lộ trình triển khai khoản đầu tư này được xây dựng theo quá trình hoàn thành sứ mệnh Công nghệ vì cộng đồng (Tech For Good) của Grab, với các mục tiêu phù hợp với những ưu tiên chính sách của “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020” của Chính phủ. Cụ thể, Grab sẽ cố gắng tối ưu hóa khoản đầu tư này theo 3 mảng chính

    Thứ nhất là chuẩn bị nguồn lực tài chính để tiếp tục mở rộng các lợi ích to lớn của nền kinh tế số từ các dịch vụ Grab đang triển khai tới khắp 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Theo đó, nếu được sự cho phép của cơ quan quản lý, Grab sẽ mở rộng dịch vụ kết nối gọi xe đến nhiều địa phương, không chỉ gói gọn trong 5 tỉnh, thành theo Quyết định 24 hiện nay. Dịch vụ GrabFood hiện hoạt động tại 15 tỉnh, thành, cũng cần đầu tư tiếp tục phát triển. Về lĩnh vực tài chính ngân hàng, niện nay phần lớn người Việt đều dùng tiền mặt nhưng riêng trong hệ sinh thái của Grab đã có khoảng 35% sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ cao so với mặt bằng chung của thị trường. Chúng tôi đang tiếp tục để đẩy mạnh hơn nữa và đặt mục tiêu hợp tác với các tổ chức tài chính để cung cấp dịch vụ tài chính cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp họ tiếp cận với các sản phẩm tín dụng, bảo hiểm để phát triển

    Thứ hai, Grab sẽ đầu tư xây dựng các sản phẩm mới như giao thực phẩm từ chợ, siêu thị (đi chợ giùm), đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay hay các dịch vụ về công nghiệp, sức khỏe… sản phẩm/dịch vụ thân thiện với môi trường như di chuyển chung - GrabBus nhằm hướng tới một tương lai di chuyển chia sẻ, liền mạch và thông minh cho người Việt

    Cuối cùng, đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng để đầu tư đổi mới công nghệ cho đến năm 2020, bao gồm mục tiêu có 1 triệu nhân lực thành thạo công nghệ số vào năm 2023. Với mong muốn đóng góp vào mục tiêu này, Grab sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam. Mong muốn làm sao nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động thiên hướng nhiều hơn về mặt công nghệ, có nhiều hơn các sản phẩm về mặt cải tiến và tiến bộ dựa trên nền tảng công nghệ. Đồng thời, đầu tư vào các tài năng công nghệ Việt Nam, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp công nghệ và hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam

    [​IMG]


    * Như vậy nghĩa là 1 trong 3 phần chính yếu của khoản đầu tư sẽ được “rót” vào các start-up công nghệ - các doanh nghiệp có thể là đối thủ của Grab trong tương lai ?

    - Đúng vậy, nhưng cần nhấn mạnh là ngay từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam, chúng tôi không xác định coi ai là đối thủ để đấu đá, giành giật miếng bánh của nhau. Kim chỉ nam trong kinh doanh của Grab là hợp tác để đem đến lợi ích cho tất cả các bên, mục đích cuối cùng là mang đến những giá trị thiết thực cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế chung của đất nước. Mọi khoản đầu tư của Grab không phải chỉ để kiếm về lợi nhuận cho bản thân doanh nghiệp mà phải tạo ra các giá trị cho xã hội, kinh tế tại thị trường đó

    Chúng tôi nhận thấy các start-up công nghệ Việt có rất nhiều ý tưởng hay nhưng đa phần thiếu nguồn vốn hoặc một số đang thiếu kỹ năng trong việc mở rộng thị trường. Chúng tôi sẽ đánh giá để hợp tác với các start-up phù hợp, thậm chí trở thành nhà đầu tư và hướng dẫn, xem xét cơ hội để giúp các start-up, doanh nghiệp địa phương có thể phát triển thành công hơn ở Việt Nam, mục tiêu vươn tầm khu vực và xa hơn là tầm quốc tế. Grab đã xây dựng cả một chương trình Grab Ventures để thực hiện mong muốn nâng tầm nhân lực, nâng tầm doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực công nghệ

    * Là một trong những cái tên mở màn cho sự thâm nhập của mô hình kinh tế chia sẻ, của cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam, Grab hiện cũng đang giữ vị trí “anh cả” trên thị trường kết nối vận tải. Chặng đường phát triển thần tốc 5 năm qua tại Việt Nam đã khiến ông hài lòng ?

    - (Cười) Không không, đừng gọi chúng tôi là “anh cả”. Như đã nói ở trên, chúng tôi không hoạt động trên mục tiêu giành giật thị trường. Chúng tôi chỉ biết liên tục tìm kiếm, tìm hiểu thêm nhu cầu, khó khăn để xây dựng các sản phẩm mới, tiếp tục tạo ra các giá trị thặng dư cũng như để người dân Việt Nam có cuộc sống tốt hơn. Đây là điều quan trọng nhất để hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển bền vững. Thành công của Grab ngày hôm nay được xây dựng nhờ sự ủng hộ của khách hàng và đến từ chính các đối tác trong hệ sinh thái của Grab. Để thực hiện hết các mục tiêu ở trên, Grab cần sự hỗ trợ, hợp tác của cả khách hàng, Chính phủ và rất nhiều doanh nghiệp địa phương trong tương lai

    Hà Mai
     
  10. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Grab nhận khoản đầu tư hơn 850 triệu USD
    Tập trung phát triển mảng tài chính cho tài xế, người dùng, nhà hàng

    Grab hôm 25/2 vừa công bố nhận được khoản đầu tư mới lên đến hơn 850 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, bao gồm Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. (MUFG) và TIS Inc. (TIS). Khoản đầu tư sẽ được dùng với mục tiêu “mang những sản phẩm tài chính tiết kiệm và dễ tiếp cận đến với mọi người dân Đông Nam Á, đồng thời góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện trong khu vực”

    Thông báo của Grab cho biết MUFG, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới và là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, sẽ đầu tư 706 triệu USD vào Grab. TIS, nhà cung cấp giải pháp mạng và dịch vụ hệ thống tích hợp hàng đầu Nhật Bản, sẽ đầu tư 150 triệu USD vào Grab

    Khoản đầu tư mới từ các nhà đầu tư Nhật Bản là kết quả sau sự tăng trưởng ấn tượng của Grab trong năm 2019, khi công ty củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn và thanh toán di động ở khu vực Đông Nam Á. Grab Financial Group cũng nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh, bổ sung thêm các sản phẩm dịch vụ tài chính như bảo hiểm tiêu dùng và cho vay tiêu dùng trong khu vực. Grab đã nộp hồ sơ xin giấy phép ngân hàng số tại Singapore và ra mắt giải pháp quản lý tài sản GrabInvest

    Phát biểu về khoản đầu tư mới và hợp tác chiến lược với các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, cho biết: “Chúng tôi rất hào hứng được hợp tác với hai đối tác MUFG và TIS để đồng phát triển các sản phẩm và giải pháp tài chính cho khu vực Đông Nam Á. Đảm bảo mọi người dân Đông Nam Á có thể tiếp cận được với các sản phẩm, dịch vụ tài chính ở mức giá phải chăng là chìa khóa để thúc đẩy tài chính toàn diện cho cả khu vực”

    Theo thỏa thuận hợp tác với MUFG, cả hai công ty sẽ đồng phát triển các dịch vụ và sản phẩm tài chính thế hệ mới dựa trên sự thấu hiểu khách hàng của hai bên, hướng đến đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của đối tác nhà hàng, đối tác tài xế và người dùng Grab

    Là một phần của thỏa thuận hợp tác giữa Grab và TIS, cả hai công ty sẽ hợp tác để nâng cao cơ sở hạ tầng thanh toán di động trong khu vực Đông Nam Á và tại Nhật Bản, từ đó thúc đẩy các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Cả hai công ty cũng hợp tác phát triển các công nghệ thanh toán mới
     

Chia sẻ trang này