Giã từ… công nghệ

Thảo luận trong 'Vietnam StartUp' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 4/11/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Giã từ… công nghệ

    - Hai câu chuyện sau cho thấy đang có một sự phản kháng đối với công nghệ nói chung và các công ty công nghệ

    [​IMG]
    Người dân phản đối một dự án của Google

    Chỉ mới cách đây mấy năm người ta còn bàn về sự cách biệt kỹ thuật số trong học sinh với hàm ý học sinh con nhà giàu được tiếp cận Internet sớm, thủ đắc các kỹ năng công nghệ trong khi học sinh con nhà nghèo không có Internet tốc độ cao, băng thông rộng, chẳng có máy tính xách tay, nhà trường mà bắt làm bài tập trực tuyến là coi như thua. Nhưng nay sự cách biệt kỹ thuật số lại mang ý nghĩa trái ngược lại hẳn: con em dân Silicon Valley đang chuyển dần sang một cuộc sống không có màn hình trong khi con em dân lao động chân tay chỉ còn biết giải trí bằng chiếc điện thoại di động

    Ông chủ các công ty công nghệ lớn từng biết tác hại của công nghệ lên trẻ con. Tim Cook, CEO của Apple đầu năm nay từng nói ông ta không muốn cháu ông chơi mạng xã hội; Bill Gates cấm con dùng điện thoại di động khi còn nhỏ; Steve Jobs không cho con tới gần chiếc iPad... Dần dà những cảnh báo của giới công nghệ về khả năng các loại máy móc hiện đại có thể gây ra cho bộ não trẻ con thấm dần trong giới thượng lưu. Thay cho nhà thông minh, người ta bỏ tiền xây những ngôi nhà không high-tech

    Thế nhưng giới thiết kế công nghệ bỏ nhiều công sức tạo ra những sản phẩm mang tính gây nghiện nên không dễ gì từ bỏ chúng. Chính vì thế hạn chế trẻ em tiếp xúc với màn hình, với công nghệ đòi hỏi công sức, kể cả tiền bạc nên chỉ có nhà giàu mới làm được. Chẳng hạn, giới nhà giàu Silicon Valley có thể ký hợp đồng với các bảo mẫu chăm sóc con em cho họ trong đó có điều khoản bảo mẫu phải bỏ điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay ở nhà và trong thời gian chăm trẻ không được xem ti vi. Trong khi đó con nhà nghèo có thể phải dụ trẻ ăn bằng cách cho xem YouTube liên tục

    Câu chuyện thứ nhì xảy ra ở Berlin, Đức, khi Google phải từ bỏ kế hoạch chuyển đổi một tòa nhà cũ thành vườn ươm cho các startup công nghệ

    Dân vùng Kreuzberg phản đối dự án vì cho rằng nó sẽ biến đổi khu vực này y như thành phố San Francisco ở Mỹ từng trải qua. Khi dự án khởi động, chắc chắn nó sẽ thu hút dân nhà giàu vào tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp, giá nhà cửa sẽ đắt đỏ, giá thuê nhà cũng sẽ tăng vọt; dân địa phương sẽ bị lấn ra khỏi khu vực này theo quy luật cung cầu. Bên cạnh đó, bọn tội phạm sẽ vào làm ăn, kể cả dân vô gia cư và dân ăn xin như từng xảy ra tại San Francisco

    Hiện Kreuzberg vẫn là khu giá rẻ ở Berlin, nơi lưu trú ưa thích của sinh viên, dân nhập cư, nghệ sĩ, giới hoạt động cánh tả. Nó có nét văn hóa đặc trưng mà người dân sợ rằng e mất đi khi Google hiện diện. Cũng có người phản đối vì không thích chính sách thu thập dữ liệu người dùng của Google cũng như các tai tiếng về chuyện tránh thuế của doanh nghiệp này. Thật là trái ngược với mong muốn của chính quyền địa phương khi mất đi nguồn thu kinh tế và danh tiếng thân thiện với lĩnh vực công nghệ

    Các nhóm dân cư phản đối tổ chức rất nhiều hoạt động, kể cả chiếm đóng tòa nhà trong một thời gian ngắn và cuối cùng cân nhắc thiệt hơn Google đành bỏ cuộc. Google từng bị phản đối khi muốn triển khai một dự án ở Toronto, Canada và ở San Jose, California. Nếu đối chọi với nỗ lực của một số thành phố tìm cách để thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn thì đây là xu hướng rất mới - rất đáng theo dõi

    Nguyễn Phan
     

Chia sẻ trang này