Cờ Vây Xiaomi

Thảo luận trong 'ThinkTank Go Club' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 21/7/21.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Cờ Vây kinh tế Xiaomi
    Chiến lược của Xiaomi được gọi là "Coalescene" - tạm dịch là cùng phát triển. Xiaomi cùng phát triển với người dùng, cùng phát triển với đối tác của họ - gần như khác biệt hoàn toàn với phần lớn công ty công nghệ hiện nay

    Khi Xiaomi lần đầu gia nhập thị trường smartphone đầy cạnh tranh vào năm 2010, họ thậm chí chưa có nổi một chiếc smartphone. Công ty này chỉ cung cấp một hệ điều hành tuỳ biến dựa trên Android mang tên MIUI


    Sau 11 năm, họ trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Samsung. Tuy nhiên, đó chưa phải điều đáng kinh ngạc duy nhất. Xiaomi đang là nhà sản xuất thiết bị IoT lớn nhất thế giới với doanh thu vượt mốc 37 tỷ USD trong năm 2020, với hơn 210 triệu thiết bị IoT bán ra (không tính laptop và smartphone) tại 90 quốc gia

    [​IMG]

    Harvard Business Review đã dành hơn 100 giờ trò chuyện với các chuyên gia, CEO, hãng nghiên cứu thị trường, nhà phân phối vv…, xem xét hơn 5.000 tài liệu của Xiaomi cũng như tham khảo 470 báo cáo và dữ liệu từ bên ngoài để tìm hiểu về công thức phát hiện của công ty được coi là "Apple Trung Quốc" này


    Họ phát hiện ra "bí quyết" của Xiaomi nằm ở thuật ngữ được gọi là "chiến lược coalescene". Từ "coalesce" có nguồn gốc từ chữ Latin gồm co (cùng nhau) và alescene (phát triển)

    "Cùng phát triển" với người tiêu dùng

    Xiaomi gia nhập thị trường đầu tiên – Trung Quốc – bằng cách cung cấp hệ điều hành smartphone. Tại thời điểm đó, thị trường chứng kiến một vài nhà sản xuất nội địa khổng lồ như Huawei, Lenovo cũng như đối thủ quốc tế như Apple Samsung chiếm lĩnh thị trường. Hầu hết nhà sản xuất Trung Quốc khác chỉ tìm cách tạo ra các phiên bản nhái của iPhone, điện thoại Samsung

    Thay vì "đâm đầu vào tường", Xiaomi chọn cách tìm đến những người dùng thực sự yêu công nghệ bằng cách cung cấp cho họ một hệ điều hành tuỳ biến rất sâu, đồng thời xây dựng cộng đồng xung quanh hệ điều hành đó, đón nhận ý kiến của họ về các tính năng của hệ điều hành để cải thiện và phát triển. Nhóm người dùng này đặc biệt thích thú khi có một hãng công nghệ lớn tỏ ra "chăm lo" đến họ như vậy

    Xiaomi tung ra bản cập nhật cho MIUI đều đặn chiều thứ 6 hàng tuần, dành cho những người yêu công nghệ 2 ngày cuối tuần để "vọc vạch" các tính năng mới. Các kỹ sư của Xiaomi thường lắng nghe ý kiến người dùng, phản hồi họ để cùng nhau giải quyết các vấn đề. Chiến lược cùng phát triển này giúp Xiaomi gây dựng thương hiệu và chuẩn bị cho việc ra mắt smartphone Xiaomi mà không tốn nhiều chi phí marketing theo phương thức truyền thống

    Khi giới thiệu smartphone đầu tiên vào tháng 8/2011, Xiaomi định vị sản phẩm của mình là "chất lượng cao ở tầm giá hợp lý". Họ bán sản phẩm trực tiếp cho người dùng, thông qua website với tỉ suất lợi nhuận là 5% - thấp nhất trong ngành công nghiệp smartphone. Điện thoại của họ rẻ hơn bất cứ đối thủ nào cùng cấu hình

    Xiaomi cũng thực hiện chiến lược bán hàng không giống ai khi chỉ mở website đặt mua sản phẩm 1 lần/tuần với số lượng nhất định. Thông thường, các sản phẩm của họ sẽ cháy hàng chỉ sau ít phút mở bán. Những lượt cháy hàng liên tục khiến cái tên Xiaomi gây bão trên truyền thông, từ trong nước đến quốc tế

    Sau khi có chỗ đứng trong cộng đồng những người yêu công nghệ, Xiaomi vươn rộng hơn đến nhóm người dùng phổ thông. Đây cũng là lúc họ buộc phải xây dựng kênh bán hàng truyền thống, mở hàng trăm cửa hàng tại các ga tàu điện và thành phố nhỏ ở Trung Quốc

    Khác với các hãng smartphone khác, vốn thích mở cửa hàng ở những phố công nghệ (thường hợp tác với các nhà mạng), Xiaomi chọn những điểm có nhiều người đi bộ như các trung tâm mua sắm. Các địa điểm họ chọn cũng sẽ là nơi có nhiều cửa hàng "chất lượng cao giá rẻ" – giúp định vị thêm thương hiệu

    Về cơ bản trong giai đoạn đầu, Xiaomi tập trung vào nhóm người dùng quan tâm đến giá trị sử dụng. Đây cũng là những khách hàng tích cực mua sắm các sản phẩm IoT

    Công thức hợp tác không tìm thấy ở bất cứ công ty nào khác

    Xiaomi coi smartphone là thiết bị điều khiển trung tâm và bắt đầu cho ra mắt hàng loạt thiết bị kết nối với di động (như TV, điều hoà, lọc không khí, đèn thông minh). Ngoài việc tự phát triển, họ tìm kiếm các đối tác để giúp họ nhanh chóng mở rộng danh mục sản phẩm IoT. Tất cả sản phẩm này đều có thể kết nối thành một hệ sinh thái. Do đó, những người mua sản phẩm đầu tiên của Xiaomi thường có xu hướng mua thêm nhiều sản phẩm khác. Nói cách khác, đối thủ rất khó để giành lấy khách hàng của Xiaomi, một khi họ đã gia nhập hệ sinh thái của hãng này

    Để tạo hiệu ứng nhận diện tốt hơn, cũng như thói quen cho khách hàng, tất cả sản phẩm của Xiaomi, gồm cả sản phẩm từ đối tác đều có ngôn ngữ thiết kế chung. Chúng tạo sự kết nối từ bên trong cho đến bên ngoài

    Một điểm cần chú ý là với các sản phẩm IoT, tỷ suất lợi nhuận thu về lớn hơn so với smartphone, cho phép Xiaomi mở nhiều cửa hàng offline hơn để bán hàng loạt sản phẩm, thay vì chỉ riêng smartphone. Nhiều sản phẩm hơn, vòng đời sản phẩm ngắn (chẳng hạn các sản phẩm như vòng đeo thông minh, bóng đèn thông minh) khiến người dùng ghé thăm các cửa hàng nhiều hơn – đồng nghĩa tỷ lệ bán được hàng cũng cao hơn

    Ít người biết, các đối tác sản xuất thiết bị IoT cho Xiaomi đều được chọn trực tiếp bởi người sáng lập Lei Jun hoặc các lãnh đạo cao cấp, thông qua mối quan hệ cá nhân của họ. Nhờ đó, họ có hiểu biết sâu về các đối tác đó. Họ hiểu về khả năng của nhà sản xuất, năng lực đội ngũ lãnh đạo, giúp việc hợp tác thuận lợi hơn

    Nó cũng giúp Xiaomi duy trì mới quan hệ thân thiết hơn với đối tác. Tuy nhiên, điều này cũng có một hạn chế là Xiaomi sẽ khó chọn được đối tác hơn. Với Xiaomi, lãnh đạo của họ tin rằng cách làm này lợi nhiều hơn hại

    Xiaomi cũng sẽ đầu tư vào các công ty này, nhưng không nắm quyền khống chế hoạt động. Điều này tạo ra sự tin tưởng. Họ cũng đồng thời tiếp cận sâu được về cấu trúc hoạt động và chi phí sản xuất của các đối tác, từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh hợp lý hơn

    Những đối tác được chọn này đa phần là một nhóm nhỏ, hoặc công ty startup. Họ sẽ chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ sản phẩm, từ đó có sự tập trung cho sản phẩm được duy trì tuyệt đối. Xiaomi sẽ đóng vai trò là "vườn ươm" đối với họ: hỗ trợ R&D bằng cách gửi đội ngũ kỹ sư của hãng sang, giúp đối tác tìm kiếm nhà cung cấp và đàm phán hợp đồng. Danh tiếng của Xiaomi đủ để tạo niềm tin với các nhà cung cấp, thay vì hợp tác với 1 hãng khởi nghiệp vô danh

    HBR kết luận, chiến lược của Xiaomi khó tìm thấy ở bất cứ công ty nào, nơi họ vừa có thể thắt chặt chi phí sản xuất, vừa gắn bó với tối tác, người dùng, lại tạo được sự khác biệt lớn về danh mục sản phẩm. Nhờ đó, chỉ sau khoảng hơn 10 năm phát triển, Xiaomi trở thành một đế chế thực sự trong ngành di động cũng như thiết bị IoT như ngày nay
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/8/21
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    CEO Xiaomi “Tôi thực sự thích chơi cờ vây"
    Chiến thắng lịch sử vừa qua của AlphaGo trước kỳ thủ Lee Sedol đã thực sự làm nhiều người lo sợ về tương lai, nhưng không phải ai cũng nghĩ thế, Lei Jun là người như vậy

    Cuộc đấu lịch sử giữa người và máy đang diễn ra. Máy tính AlphaGo của Google đang đọ sức với nhà vô địch cờ vây Hàn Quốc, Lee Sedol trong một trận đấu năm ván. Cho đến nay, máy tính đã là người chiến thắng dù Lee Sedol vừa gỡ được 1 ván

    Điều này dường như không phải vấn đề lớn. Máy tính Deep Blue của IBM từng hạ nhà vô địch thế giới cờ vua Garry Kasparov gần 20 năm trước, nhưng cờ vây khác hẳn cờ vua. Bàn cờ vây rộng hơn, và cũng số nước đi nhiều hơn. Có một số lý do tại sao việc dạy máy tính chơi cờ vây khó hơn nhiều so với cờ vua, và phải mãi đến gần đây, các máy tính chơi cờ vây mới có thể thắng bất cứ trận đấu nào với các kỳ thủ cấp cao. Nhưng Lee Sedol là kỳ thủ 9-dan đầu tiên đấu với máy tính. Nói cách khác, đến nay anh là người chơi giỏi nhất thi đấu với cỗ máy chơi cờ vây này. Và quả thật, anh là một trong số những người chơi giỏi nhất môn này

    Cho đến nay, anh ấy đã thua 3 trong tổng số 5 trận

    Không cần phải nói, trận đấu này thu hút nhiều sự chú ý trong giới công nghệ cao Trung Quốc, và một vài người có ảnh hưởng nhất trong giới công nghệ của quốc gia này đã nói chuyện về nó. Dưới đây là bài bình luận của CEO Xiaomi, ông Lei Jun về trận đấu này và trí tuệ nhân tạo trên Sina Tech


    Tôi thực sự thích chơi cờ vây

    Hơn nữa, tôi đã lập trình được 10 năm và có 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghệ

    Vì vậy, tôi rất quan tâm đến trận đấu giữa AlphaGo của Google với nhà vô địch thế giới Lee Sedol. Vào buổi chiều tôi có cuộc họp tại Đại lễ đường nhân dân, nhưng tôi đã kịp xem trộm vào giờ ăn trưa, và sau đó, tôi theo dõi trên điện thoại để bắt kịp quá trình của trận đấu. Cho dù trận đấu đầu tiên kết thúc với việc Lee Sedol bị đánh bại, tôi nghĩ anh ấy là đại diện xứng đáng cho loài người trong môn Cờ vây, với sự khôn ngoan và can đảm, sự bình tĩnh và tự tin trong suốt trận đấu. Tôi thực sự ngưỡng mộ anh ấy

    Trong vấn đấu đầu tiên, không bên nào bộc lộ bất cứ điểm yếu nào ngay từ đầu, và khó để nói ai đã ở thế thượng phong. Một số nhà bình luận cho rằng Lee đã mắc sai lầm khi cho phép AlphaGo có được lợi thế, nhưng trong giai đoạn giữa của ván đấu, Lee đã tấn công dứt khoát và giành lại nó. Vì vậy, một số người cho rằng, nếu AlphaGo là một con người có thể nó đã đầu hàng. Nhưng cuối cùng, chiến thắng lại giành cho AlphaGo

    Là một người đam mê cờ vây và là một người làm việc trong ngành công nghiệp máy tính, tôi luôn tin rằng việc một máy tính giành chiến thắng chỉ là vấn đề thời gian, nhưng tôi thực sự không nghĩ rằng điều đó lại xảy ra ngay trong ván đầu tiên. Hôm nay chỉ là ván đấu đầu tiên, nhưng trận đấu này còn có ý nghĩa lịch sử lớn hơn nhiều việc ai thắng hay thua. Kể từ khi máy tính Deep Blue của IBM đánh bại vô địch thế giới cờ vua Garry Kasparov 19 năm trước, ngành khoa học máy tính đã hấp thụ sự khôn ngoan của con người và phát triển sức mạnh tính toán khổng lồ cũng như tiềm năng phát triển đầy ấn tượng. Hôm nay, rất nhiều người chơi cờ vây cảm thấy không hiểu nổi các một số nước đi của AlphaGo. Các kỹ sư của Google cho biết rằng từ lâu AlphaGo đã ngừng phát triển chiến lược của mình dựa trên các trận đấu nổi tiếng được ghi lại. Việc đó cho phép máy móc khả năng bắt đầu tự học từ chính bản thân mình – đó là một điều kỳ diệu


    [​IMG]

    Quan trọng hơn, Lee Sedol là người đại diện hàng đầu cho sức mạnh của nhân loại trong cờ vây, vậy mất bao lâu nữa để phát triển một tài năng như vậy ? Trên toàn thế giới, hiện có bao nhiêu người như Lee Sedol? Nhưng chúng ta có thể copy và paste – theo nghĩa đen – hàng triệu hay hàng tỷ AlphaGo một cách dễ dàng. Một con người, với trí tuệ và kỹ năng cao của họ, có thể chỉ có một tác động hạn chế đến người khác, bất kể họ được tự nhiên ban tặng những gì. Nhưng một trí thông minh nhân tạo có thể đi bất kỳ đâu, như một cỗ máy. Từ góc độ này, tôi thực sự phấn khích về tương lai phát triển của trí tuệ nhân tạo

    Từ mười năm nay, công nghiệp máy tính đã tiếp tục mang lại sự thay đổi cho thế giới. Tất cả chúng ta đều đã biết sự thay đổi to lớn mà các thiết bị thông minh (như smartphone) mang đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tất cả chúng ta có thể tăng cường và mở rộng khả năng của mình một cách dễ dàng thông qua về sử dụng các thiết bị thông minh. Hãy nghĩ về những thứ đã thay đổi to lớn như các cỗ máy tìm kiếm và những bản đồ GPS, đã tác động đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta

    AI, điện toán thông minh, phần cứng thông minh … cuối cùng chúng ta hy vọng sẽ sử dụng khả năng nhân rộng của các công nghệ này để phục vụ tất cả mọi người. Nhờ vào khoa học và công nghệ, cuộc sống của một người trung bình hôm nay thậm chí có thể tốt hơn nhiều so với một vị hoàng đế hàng trăm năm trước

    Hôm nay, một đồng nghiệp đã chia sẻ câu chuyện này với tôi: AlphaGo đánh bại Lee Sedol không đáng sợ, điều đáng sợ là nó cố tình để thua anh ấy

    May phước là điều đó đã không xảy ra”
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/7/21
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Xiaomi đặt mục tiêu vượt Samsung trong 3 năm
    Sau khi thế chỗ Apple, trở thành nhà sản xuất smartphone số 2 thế giới, Xiaomi hướng đến mục tiêu cao hơn là truất ngôi Samsung

    Hôm 10/8, CEO Xiaomi Lei Jun phát biểu: “Nhiệm vụ hiện nay của chúng ta là củng cố vị trí thứ 2 trên thị trường toàn cầu. Chúng ta đặt mục tiêu trở thành số 1 thế giới trong 3 năm nữa”. Nhà sáng lập Xiaomi nói trong sự kiện trực tuyến kỷ niệm 10 năm ra mắt mẫu smartphone đầu tiên của mình

    Trong một hội thảo năm 2014, ông Lei Jun từng cam kết đưa Xiaomi thành hãng smartphone bán chạy nhất trong 5 tới 10 năm. Ý tưởng này là do một lãnh đạo Apple cũng có mặt trong sự kiện thách thức

    Doanh số smartphone những quý gần đây của Xiaomi cho thấy đây không phải lời hứa suông. “Tôi vẫn còn nhớ vị lãnh đạo Apple đó đã nói “nói thì dễ, làm mới khó”. Tôi đáp lại tình huống ngượng ngùng ấy và hỏi: “Nếu điều đó thành sự thật thì sao”, ông hồi tưởng

    Xiaomi đã giành thị phần từ Huawei tại Trung Quốc lẫn nước ngoài. Năm 2020, Huawei có thời điểm là thương hiệu smartphone đứng đầu thế giới, song lệnh cấm vận từ Mỹ đã khiến mảng kinh doanh smartphone của hãng lao dốc. Theo ông Lei Jun, trong quý II, Xiaomi giành vị trí số 1 tại châu Âu, đồng thời là đối thủ mạnh nhất tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ

    Cũng trong hôm 10/8, Xiaomi công bố hàng loạt sản phẩm mới như smartphone Mix 4, tivi, máy tính bảng, loa thông minh, robot CyberDog. Mix 4 hướng đến phân khúc cao cấp, sử dụng chip Snapdragon 888+ hiện đại nhất của Qualcomm

    Nửa đầu năm 2021, doanh số smartphone Xiaomi đạt 101,7 triệu máy, tăng trưởng hơn 75% so với cùng kỳ năm 2020, theo hãng nghiên cứu IDC. Xiaomi giành 17% thị phần smartphone toàn cầu trong quý II, chỉ sau Samsung (18,8%) và đứng trên Apple (14,1%)

    Nikkei đưa tin, Xiaomi tăng cường mua sắm linh kiện để sản xuất tối đa 240 triệu smartphone trong năm nay. Cũng như Huawei, Xiaomi từng bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xem là nguy cơ an ninh quốc gia và bị liệt vào danh sách cấm vận thương mại. Tuy nhiên, vào tháng 5, công ty thắng kiện và được gỡ tên khỏi danh sách

    Xiaomi thành lập năm 2010, nổi tiếng với các thiết bị giá rẻ, chất lượng tốt và chiến lược marketing sáng tạo, thu hút khách hàng trẻ, nhạy cảm với giá. Từ đó tới nay, công ty mở rộng sang các lĩnh vực khác như tivi thông minh, thiết bị IoT… và xây dựng thành công hệ sinh thái của mình

    Ông Lei được giới công nghệ trong nước gọi là “Steve Jobs của Trung Quốc”. Vào tháng 6, ông tuyên bố Xiaomi sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào ô tô điện, đích thân ông dẫn đầu mảng kinh doanh mới. Ngoài ra, công ty cũng có tham vọng tự cường bán dẫn và tích cực đầu tư vào các doanh nghiệp liên quan tới bán dẫn trong vài năm qua
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Kinh doanh thua lỗ, chủ tịch từ chức, sa thải nhân viên
    Sau khi công bố kết quả kinh doanh sụt giảm nhiều tháng liên tiếp, nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới - Xiaomi đã tiến hành cắt giảm việc làm của 5.000 nhân viên để tối ưu hóa nhân sự. Mới đây, lại xuất hiện thêm thông tin về việc vị chủ tịch của công ty đã từ chức và hai nhà đồng sáng lập quyết định rời bỏ công việc điều hành của mình. Chuyện gì đang xảy ra tại công ty có tham vọng muốn lật đổ vị thế của Apple đây?

    Mới đây, theo nguồn tin từ Bloomberg, tình hình nhân sự cấp cao tại Xiaomi đang có biến động lớn trước khi sang năm 2023. Theo đó vào ngày 30/12 sắp tới, Chủ tịch Wang Xiang - một cựu lãnh đạo của Qualcomm đã gia nhập Xiaomi vào năm 2015 sẽ từ chức. Thông tin này do đích thân Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty - ông Lei Jun viết trong lá thư gửi nhân viên của mình

    Người được chọn để thay thế ông Wang Xiang là Lu Weibing - hiện đang là Chủ tịch khu vực Trung Quốc, đồng thời cũng là Giám đốc mảng hợp tác quốc tế và Tổng giám đốc thương hiệu Redmi. Kể từ khi gia nhập Xiaomi từ năm 2019 để dẫn dắt thương hiệu con của tập đoàn - Redmi, ông Lu đã liên tục được thăng chức sau khi gây dựng được danh tiếng, quyền lực lớn mạnh tại nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới này

    Bên cạnh đó, hai đồng sáng lập khác là ông Hong Feng và Wang Chuan cũng sẽ rời khỏi công việc điều hành hoạt động hàng ngày của công ty. Ông Lei Jun chia sẻ với nhân viên rằng: “Chúng ta sẽ bổ sung thêm các khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và tiếp tục đẩy mạnh những chiến lược tạo ra những sản phẩm cao cấp nhất”. Và ông khẳng định công tác quản lý sẽ được nâng cao để cạnh tranh với các đối thủ khác

    Nhà sáng lập Lei Jun chỉ mới xuất hiện lại vào gần đây, sau khi gần như biến mất khỏi hoàn toàn khỏi truyền thông kể từ đầu năm 2021, thời điểm ông tuyên bố Xiaomi sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong vòng 10 năm để sản xuất xe ô tô điện riêng của hãng

    [​IMG]
    Ông Wang Xiang (trái) - chủ tịch Xiaomi vừa mới từ chức và người thay thế - ông Lu Weibing (phải)

    Việc biến động này diễn ra chỉ sau vài ngày xuất hiện thông tin Xiaomi đang bắt đầu quá trình sa thải hàng nghìn nhân viên ở nhiều bộ phận khác nhau. Ngày 20/12, một đại diện của công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đã cho biết rằng, khoảng 10% tổng số nhân sự sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động “tối ưu hóa nhân sự thường niên và quy hoạch hóa tổ chức” của công ty. Mặt khác, theo báo cáo của hãng thông tấn Jiemian, hãng công nghệ của Trung Quốc sẽ cắt giảm khoảng 15% số lượng nhân sự ở công ty, nhiều nhất là bộ phận đơn vị kinh doanh smartphone và dịch vụ internet

    Ngay lập tức, trên các trang mạng xã hội của đất nước tỷ dân như: Weibo, Xiaohongshu, Maimai đã xuất hiện hàng loạt bài đăng xác nhận từ những người bị cho nghỉ việc, và họ cũng đã nhận được một khoản lương thưởng từ công ty. Nhân sự của công ty tính đến ngày 30-9-2022 có tổng cộng 35.314 người, trong đó có khoảng 32.000 nhân viên đang làm việc tại thị trường nội địa. Theo như kế hoạch, thì số lượng nhân viên bị sa thải có thể lên đến 5.000 người

    Tại Trung Quốc, việc cắt giảm nhân sự không thể diễn ra một cách ồ ạt và đồng loạt như những quốc gia khác. Theo luật của nước này, các công ty phải có văn bản trình lên chính quyền nếu cho nghỉ việc cùng lúc 20 nhân sự trở lên. Vì thế, thông thường các doanh nghiệp sẽ sử dụng hình thức “tối ưu hóa kinh doanh” và sa thải từ từ, nhằm tránh sự giám sát của các cơ quan quản lý

    Những động thái này của Xiaomi diễn ra trong bối cảnh gặp khó khăn vì nhu cầu của người tiêu dùng giảm và lệnh phong tỏa Covid-19 của Chính phủ Trung Quốc. Do đó doanh thu của công ty trong quý 3/2022 đã giảm mạnh khoảng 10%, chỉ ghi nhận 70,5 tỷ nhân dân tệ và lỗ ròng 1,5 tỷ nhân dân tệ. Trước đó ba tháng, kết quả kinh doanh quý II của hãng công nghệ này đã giảm đến 20% doanh thu chỉ còn 70,1 tỷ nhân dân tệ. Thậm chí lợi nhuận thuần giảm thê thảm khoảng 83% so với cùng kỳ, xuống còn 1,36 tỷ nhân dân tệ. Kể từ đầu năm đến nay, vốn hóa thị trường của công ty đã bốc hơi hơn một nửa giá trị chỉ còn lại 31 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với mức hơn 100 tỷ USD thiết lập đầu năm cách đây hai năm trước

    Ngoài ra, theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, số lượng xuất xưởng điện thoại thông minh trên toàn thế giới chỉ còn 297,8 triệu chiếc, giảm 9% so với cùng kỳ. Riêng tại thị trường tỷ dân, doanh số chỉ còn 70 triệu chiếc, giảm khoảng 11%. Đến tháng 11 vừa qua, công ty Jefferies lại cho rằng doanh số mảng smartphone toàn cầu đã giảm đến 12,2% trong năm nay, và dự báo sẽ tiếp tục giảm 2,9% trong năm 2023. Cũng theo đơn vị này, doanh số Xiaomi cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng giảm của thị trường
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/12/22
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    CEO Xiaomi tặng 2,2 tỷ USD cho trường Đại Học

    [​IMG]
    Tỷ phú Lei Jun
    Theo thông báo từ Đại học Vũ Hán, ông Lei đã tặng nhà trường 1,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 4.400 tỷ đồng). Đây là khoản quyên góp tiền mặt lớn nhất từ trước đến nay cho một trường đại học Trung Quốc từ một cựu sinh viên

    Số tiền này sẽ được sử dụng để cải tiến ngành khoa học máy tính, cũng như đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu của sinh viên

    Khoản quyên góp từ người giàu Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây khi Chủ tịch Tập Cận Bình nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bằng chiến dịch “thịnh vượng chung”

    Hồi tháng 7/2021, ông Lei đã chuyển số cổ phiếu Xiaomi trị giá 2,2 tỷ đô la Mỹ cho Quỹ Xiaomi và Quỹ Lei Jun

    Ông Lei (53 tuổi) tốt nghiệp Đại học Vũ Hán năm 1991 với bằng cử nhân khoa học máy tính trước khi bắt đầu sự nghiệp công nghệ

    Ông làm việc tại nhà sản xuất phần mềm Trung Quốc Kingsoft và đến năm 1998 trở thành giám đốc điều hành của công ty này

    Sau đó, ông đồng sáng lập một công ty bán lẻ trực tuyến rồi bán cho Amazon.com vào năm 2004. Xiaomi được thành lập vào năm 2010

    Theo Bloomberg Billionaires Index, ông Lei hiện có khối tài sản trị giá 14,3 tỷ đô la Mỹ, chủ yếu là cổ phần của ông trong các công ty công nghệ, bao gồm Xiaomi và Kingsoft

    Tuần trước, Xiaomi đã báo cáo doanh thu tăng lần đầu tiên sau gần hai năm khi mở rộng mạnh mẽ sang các mẫu điện thoại cao cấp hơn trong và ngoài nước
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/12/23

Chia sẻ trang này