Microsoft

Thảo luận trong 'Microsoft' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 20/7/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Doanh thu Microsoft vượt mốc 100 tỷ USD
    Microsoft báo cáo kết quả kinh doanh khả quan khi doanh thu, thu nhập ròng và EPS đều tăng

    Kết quả kinh doanh quý tài khóa IV/2018 của Microsoft vừa được tiết lộ, theo đó doanh thu đạt 30,1 tỷ USD, thu nhập ròng 8,9 tỷ USD, EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) 1,14 USD. Các chỉ số này cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (lần lượt là 23,3 tỷ USD, 6,5 tỷ USD và 0,83 USD). Ba mảng kinh doanh đều chứng kiến tăng trưởng hai chữ số (gồm mảng doanh nghiệp, đám mây thông minh và điện toán cá nhân)

    Các nhà phân tích dự báo Microsoft thu về 29,21 tỷ USD doanh thu và EPS 1,08 USD. Nhờ vượt mức kỳ vọng, cổ phiếu công ty tăng điểm trên thị trường chứng khoán ngoài giờ. Trong một tuyên bố, CEO Natya Sadella đánh giá Microsoft đã có một năm không thể tin được, chạm mốc doanh thu 100 tỷ USD nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân viên và lòng tin của khách hàng. Ông cũng cho biết các khoản đầu tư vào đám mây và trí tuệ nhân tạo đang có kết quả

    Doanh thu 100 tỷ USD là con số vô cùng ấn tượng. Thành công này có được nhờ kế hoạch biến Microsoft thành doanh nghiệp đám mây của ông Nadella. Cổ phiếu Microsoft đã tăng 180% kể từ khi ông trở thành người đứng đầu năm 2014. Giá trị thị trường của hãng lần đầu tiên vượt mốc 800 tỷ USD vào đầu tháng 7/2018

     
    Chỉnh sửa cuối: 11/8/20
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Microsoft trở thành công ty giá trị nhất nước Mỹ
    Theo đó, dựa trên các giao dịch điện tử ngoài giờ trên thị trường phố Wall, giá trị vốn hóa của Microsoft đã đạt 753 tỉ USD, vượt qua giá trị thị trường của táo khuyết là 746 tỉ USD

    Sự tăng trưởng ngoạn mục của Microsoft cho thấy, các nhà đầu tư đang đặt cược lớn vào các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng đám mây

    Microsoft vừa trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất nước Mỹ, đạt 753,3 tỉ USD, vượt qua hãng "táo khuyết" Apple

    Sự tăng trưởng ngoạn mục của Microsoft cho thấy niềm tin gia tăng của nhà đầu tư trong bối cảnh nhu cầu về nền tảng đám mây ngày càng tăng từ các doanh nghiệp lớn và nhỏ trên toàn thế giới

    Apple là công ty đầu tiên đạt giá trị vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD vào tháng 8.2018, song trong vài tuần qua hãng này đã chứng kiến sự lao dốc mạnh của giá cổ phiếu. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 23.11 vừa qua, cổ phiếu của "táo khuyết" tiếp tục giảm, khiến giá trị vốn hóa rớt xuống còn 746,8 tỉ USD


    Bên cạnh đó, doanh số bán iPhone thấp hơn dự kiến trong bối cảnh các nhà cung cấp linh kiện, gia công lắp ráp cắt giảm chi phí và lực lượng lao động là một trong những nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu Apple rớt giá mạnh


    Tập đoàn thương mại điện tử Amazon, công ty thứ hai cán mốc giá trị vốn hóa 1.000 tỉ USD cũng cùng cảnh với Apple khi giá trị vốn hóa thị trường giảm xuống còn 736,6 tỉ USD, và hiện đứng thứ 3 sau Apple

    Từ báo cáo kết quả kinh doanh quý sau, Apple sẽ không báo cáo cụ thể doanh số iPhone, iPad và Mac - ba dòng sản phẩm chính được chú ý

    Về mảng dịch vụ, Apple đạt doanh thu 9,98 tỉ USD, tăng 27% so với cách đây một năm song lại không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích là 10,2 tỉ USD. Danh mục doanh số dịch vụ của Apple gồm doanh số App Store, số lượng đăng ký Apple Music và bộ nhớ iCloud. Doanh thu dịch vụ còn bao gồm doanh thu từ các công cụ thanh toán kỹ thuật số của hãng như Apple Pay

    Kết phiên giao dịch 1/11 (giờ Mỹ), cổ phiếu Apple có giá 222,22 USD. Bất chấp kết quả kinh doanh không hẳn tệ như trên, cổ phiếu Apple vẫn giảm mạnh 7% xuống còn 206 - 207,81 USD trong phiên giao dịch ngoài giờ. Vốn hóa thị trường của hãng có lúc hạ về dưới 1.000 tỉ USD khi mất đến 70 tỉ USD. Dù vậy sau đó, Apple tăng lại để giữ vững ngôi doanh nghiệp nghìn tỉ đô duy nhất của Mỹ từ tháng 8 đến nay

    Thái Bình
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/8/20
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Mở cửa công nghệ và văn hóa
    Microsoft đã bất ngờ vượt qua Apple trở thành hãng công nghệ giá trị nhất nước Mỹ. "Kỳ tích" của Microsoft diễn ra một cách âm thầm nhưng là kết quả của chiến lược đúng đắn mà CEO Satya Nadella vạch ra ngay từ khi nhậm chức

    Chỉ vài năm trước, Microsoft còn bị xem là gã khổng lồ chậm chạp của giới công nghệ. Dù lớn và có lãi, công ty không thành công trong các lĩnh vực di động, tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến và điện toán đám mây. Trong thập kỷ kết thúc năm 2012, cổ phiếu chỉ tăng 3%

    Ngày hôm nay của Microsoft lại là một câu chuyện khác. Nhà sản xuất Windows đã đoạt ngôi công ty đại chúng giá trị nhất nước Mỹ từ tay Apple nhờ cổ phiếu tăng 30% trong 12 tháng qua. Việc ấy đã xảy ra như thế nào ?

    Sức mạnh của Microsoft


    Các nhà đầu tư của Apple lo ngại doanh số iPhone chậm lại, trong khi Facebook và Google bị tấn công liên tục vì vai trò trong phát tán tin giả mạo. Giới đầu tư lo lắng chính sách quyền riêng tư của họ có thể khiến người dùng và nhà quảng cáo sợ hãi. Microsoft đã trở thành ví dụ thực tiễn của việc một công ty từng thống trị thị trường có thể thành công nhờ vào sức mạnh của bản thân và tránh việc trở thành “tù nhân của quá khứ”

    Microsoft theo đuổi điện toán đám mây, rút lui khỏi thị trường smartphone và quay lại gốc rễ với tư cách nhà cung ứng công nghệ cho khách hàng doanh nghiệp. Chiến lược này được ông Satya Nadella vạch ra không lâu sau khi trở thành Tổng Giám đốc năm 2014. Kể từ đó đến nay, cổ phiếu Microsoft đã tăng gần gấp ba giá trị


    Chặng đường đến với điện toán đám mây – xử lý, lưu trữ, phân phối phần mềm như một dịch vụ trên môi trường Internet từ các trung tâm dữ liệu từ xa – của Microsoft khá dài và đôi khi không như mong đợi. Công ty là người tiên phong về điện toán đám mây những năm 1990 với dịch vụ MSN và sau này là Bing. Năm 2010, 4 năm sau khi Amazon tiến vào thị trường đám mây, Microsoft mới giới thiệu dịch vụ đám mây riêng nhưng không có sản phẩm nào so được với Amazon cho đến năm 2013


    Khi ấy, dịch vụ đám mây của Microsoft vẫn chỉ là mảng phụ. Windows là mối quan tâm lớn nhất, đây chính là thứ đã mang lại sự giầu có và quyền lực cho hãng trong suốt kỷ nguyên điện toán cá nhân. Điều đó thay đổi sau khi ông Nadella thế chân người tiền nhiệm Steve Ballmer. Ông đưa đám mây thành ưu tiên hàng đầu và nay, Microsoft là người chơi lớn thứ 2 chỉ sau Amazon. Thị phần đám mây của hãng đạt 13% vào cuối năm 2015, còn Amazon là 33%

    Microsoft cũng xây dựng phiên bản đám mây của các ứng dụng Office nổi tiếng như Word, Excel, PowerPoint, mang tên Office 365. Nó thu hút những người muốn sử dụng phần mềm như dịch vụ Internet và mang lại cạnh tranh cho Microsoft so với các đối thủ khác như Google

    Nỗ lực của Microsoft được đền đáp chậm mà chắc. Theo David Yoffie, Giáo sư Đại học kinh tế Havard, ông Nadella đã làm được điều thiết yếu là chuyển dịch sang đám mây, đưa Microsoft về lại con đường tăng trưởng mạnh. Chính điều đó góp phần đẩy giá cổ phiếu công ty lên cao hơn

    Tránh xa các thất bại


    Khi Microsoft mua mảng di động Nokia năm 2013, ông Ballmer gọi đây là “bước đi táo bạo vào tương lai”. Hai năm sau, ông Nadella đã tránh xa tương lai đó, sa thải 7.800 nhân sự. Microsoft không cố gắng cạnh tranh với những người dẫn đầu trên thị trường smartphone như Apple, Google, Samsung. Thay vào đó, họ tập trung phát triển ứng dụng và phần mềm khác cho khách hàng doanh nghiệp

    Microsoft có một sản phẩm tiêu dùng thành công, đó là máy chơi game Xbox. Là một mảng độc lập và mang về doanh thu 10 tỷ USD, Xbox vẫn chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu công ty. Sản phẩm chính của Microsoft vẫn là về tiện ích, bao gồm các công cụ làm việc để mọi người làm tại nhà hoặc công ty. Công nghệ đám mây Azure là dịch vụ cho doanh nghiệp và là nền tảng để lập trình viên viết ứng dụng

    Những vụ thâu tóm lớn mà ông Nadella thực hiện nhằm mục đích đa dạng hóa dịch vụ cung cấp cho người dùng doanh nghiệp và lập trình viên. Năm 2016, Microsoft mua lại mạng tuyển dụng LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD để kết hợp “đám mây chuyên nghiệp và môi trường chuyên nghiệp”. Năm nay, công ty lại chi 7,5 tỷ USD mua GitHub, một nền tảng phần mềm nguồn mở đang được 28 triệu lập trình viên sử dụng

    Mở cửa công nghệ và văn hóa


    Dưới thời ông Nadella, Microsoft tỏ ra thoải mái hơn. Microsoft không còn là trung tâm hay mỏ neo của hãng nữa. Các ứng dụng Microsoft không chỉ chạy trên máy tính Macintosh mà còn trên các hệ điều hành khác. Phần mềm nguồn mở và miễn phí – từng bị ghét cay ghét đắng tại Microsoft – giờ đây trở thành công cụ quan trọng cho phát triển phần mềm hiện đại

    Ông Nadella chủ trương suy nghĩ theo lối cởi mở. Trong cuốn sách “Hit Refresh” xuất bản năm 2017, người đứng đầu Microsoft viết: “Chúng ta cần tham lam trong khát khao học hỏi từ bên ngoài và đưa kiến thức đó vào Microsoft”. Hiệu quả kinh doanh của công ty gợi ý công thức của ông đang đúng

    Giáo sư Michael Cusumano của Viện Công nghệ Massachusetts nhận định: “Thế giới quan xoay quanh Windows cũ kỹ cản trở đổi mới. Microsoft đã thay đổi về văn hóa và trở lại là nơi làm việc hấp dẫn”

    Thủy Vũ
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/8/20
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Microsoft giá trị đứng đầu thế giới năm 2018
    Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, Microsoft đã trở thành công ty đại chúng giá trị nhất thế giới, vượt xa các đối thủ như Apple hay Amazon

    [​IMG]

    [​IMG]
    Năm 2018 chứng kiến một cuộc chiến giữa Apple và Amazon để xem ai sẽ trở thành công ty đại chúng đầu tiên của Mỹ đạt giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD. Lúc ấy dù Apple đang dẫn trước, thế nhưng với mức tăng trưởng 300% trong 2 năm từ 2016, nhiều người tin rằng Amazon mới chính là cái tên đầu tiên chạm mốc nghìn tỷ USD

    Đến 2/8/2018, vài ngày sau buổi báo cáo quý tài chính thứ 3 đầy thành công, giá trị vốn hóa của Apple chính thức đạt mốc 1.000 tỷ USD. Một tháng sau, Amazon cũng đến được vị trí này

    Tuy nhiên giá trị nghìn tỷ USD của cả hai không duy trì được lâu. Theo PhoneArena, trong phiên giao dịch cuối cùng năm 2018, cổ phiếu của Apple từ mức đỉnh cao trước đó 4 tháng giảm đến 32%, tương đương giá trị vốn hóa 748,5 tỷ USD, còn Amazon giảm 27%, giá trị vốn hóa đạt 734 tỷ USD

    Vậy Apple hay Amazon, hãng công nghệ nào đã kết thúc năm 2018 với tư cách công ty đại chúng giá trị nhất thế giới? Câu trả lời chính là... Microsoft

    Cụ thể hơn, Microsoft kết thúc năm 2018 với giá trị vốn hóa 780 tỷ USD. Từ khi Satya Nadella giữ chức CEO, ông tập trung hơn vào các bộ phận "ăn nên làm ra" như Azure hay phần mềm dạng đăng ký theo chu kỳ, đồng thời mạnh tay cắt bỏ các phân khúc được xem là thất bại như Windows Phone và một vài dự án khác

    Theo MSPowerUser, bằng cách làm hài lòng các nhà phân tích thì Microsoft đã hái quả ngọt, bằng chứng là cổ phiếu công ty liên tục tăng trong nhiều năm

    Chưa rõ 2019 sẽ như thế nào, song với những nỗ lực, dự án đang thực hiện, hy vọng Microsoft sẽ có thêm nhiều thành công hơn trong năm mới

    Phúc Thịnh
     
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Sau 16 năm, Microsoft lại là công ty vốn hóa lớn nhất toàn cầu
    Một số nhà phân tích đã dự báo vốn hóa của Microsoft sẽ vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD trong năm 2019...

    [​IMG]
    CEO Satya Nadella của Microsoft

    Quý 4/2018 không phải là một quý tuyệt vời đối với cổ phiếu Microsoft, nhưng "đế chế" phần mềm này vẫn đạt một thành công quan trọng là giành lại vị trí công ty đại chúng có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất của Mỹ và thế giới

    Và dù những đợt công bố sản phẩm mới của Microsoft có thể không thu hút sự chú ý lớn như của Apple, hãng này vẫn có những bước tiến lớn trong năm qua, sau nhiều nỗ lực cải tổ dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Satya Nadella - theo hãng tin CNBC

    Kể từ khi ông Nadella lên cầm quyền, Microsoft đã ưu tiên phát triển những mảng như điện toán đám mây, phần mềm mã nguồn mở, và các dịch vụ đa nền tảng, song song với việc giảm tập trung vào mảng hệ điều hành Windows

    Chiến lược này đã mang lại kết quả. Đến nay, một tháng đã trôi qua kể từ khi Microsoft giành lại ngôi vị công ty đại chúng có giá trị vốn hóa lớn nhất Mỹ từ Apple. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2002 Microsoft kết thúc năm ở vị thế công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới

    Quý 4 vừa qua, cổ phiếu Microsoft chung cảnh bị bán tháo của toàn thị trường chứng khoán Mỹ, chốt quý với mức giảm 11%

    Tuy nhiên, mức giảm này vẫn là khá "dễ chịu" nếu so với mức giảm của các cổ phiếu công nghệ lớn khác trong quý, như cổ phiếu Amazon giảm 25%, hay cổ phiếu Apple "bốc hơi" 30%

    Tính cả năm 2018, cổ phiếu Microsoft tăng khoảng 19%, trở thành một trong 5 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc chỉ số Dow Jones trong năm

    Chốt năm, giá cổ phiếu Microsoft đứng ở 101,57 USD/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa thị trường của hãng đạt 779,7 tỷ USD

    Một số nhà phân tích đã dự báo vốn hóa của Microsoft sẽ vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD trong năm 2019

    Diệp Vũ
     
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Khi Microsoft mở rộng cửa công nghệ và phần mềm
    - Microsoft đã chứng minh được rằng một công ty từng thống trị ngành công nghệ vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng dựa trên thế mạnh và tránh trở thành tù nhân của quá khứ. Những gì đại công ty công nghệ này làm là từ bỏ những canh bạc thua lỗ, tận dụng sức mạnh hiện có, tập trung vào điện toán đám mây và đặc biệt không còn xem Windows là trung tâm nữa

    Chỉ một vài năm trước đây, Microsoft bị xem là điển hình của một công ty lớn chậm chân trong thế giới công nghệ. Họ vẫn là đại công ty công nghệ và đạt nhiều lợi nhuận nhưng mất đi ánh hào quang sau khi gặp thất bại hoặc đi sau các đối thủ trong việc thâm nhập vào các thị trường của tương lai, như di động, tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến và điện toán đám mây. Giá cổ phiếu chỉ tăng 3% trong giai đoạn 2002-2012

    Giờ đây, câu chuyện về Microsoft lại hoàn toàn khác. Họ đang tranh đua với một đại gia công nghệ khác là Apple cho vị trí công ty niêm yết có giá trị nhất thế giới sau khi giá cổ phiếu tăng 30% trong 12 tháng qua. Hôm 30-11 vừa qua, giá trị vốn hóa thị trường của Microsoft lên đến 851,2 tỉ đô la, qua mặt Apple (847,4 tỉ đô la), đánh dấu việc lần đầu tiên họ trở lại vị trí dẫn đầu, dù chỉ tạm thời, kể từ năm 2002. Nhờ đâu Microsoft có kết quả ấn tượng như nói trên ?

    Tận dụng tốt sức mạnh

    Có cả lời giải thích ngắn hạn và dài hạn cho sự trỗi dậy của Microsoft trên thị trường chứng khoán. Câu trả lời ngắn hạn là cổ phiếu của công ty không chịu tác động nhiều bởi làn sóng bán tống bán tháo cổ phiếu công nghệ trong thời gian gần đây. Các nhà đầu tư của Apple đang lo lắng về sự sụt giảm doanh số điện thoại iPhone. Trong khi đó, hai công ty Facebook và Google thường xuyên bị chỉ trích vì vai trò trong việc phát tán tin tức giả và các thuyết âm mưu, khiến giới đầu tư lo ngại chính sách bảo mật của họ có thể khiến người sử dụng và nhà quảng cáo tránh xa

    Câu trả lời dài hạn và điều quan trọng hơn là Microsoft đã trở thành ví dụ tiêu biểu về cách một công ty từng thống trị ngành công nghệ có thể tiếp tục tăng trưởng dựa trên thế mạnh và tránh trở thành tù nhân của quá khứ. Công ty đón nhận mạnh mẽ điện toán đám mây, từ bỏ bước đi sai lầm trong việc xâm nhập thị trường điện thoại thông minh và trở về cội nguồn với tư cách là nhà cung cấp công nghệ cho khách hàng doanh nghiệp. Đây là chiến lược được ông Satya Nadella đề ra ngay sau khi trở thành Giám đốc điều hành Microsoft năm 2014. Kể từ đó đến giờ, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng gần gấp ba

    Thắng lớn với điện toán đám mây

    Con đường Microsoft tiến vào mảng dịch vụ điện toán đám mây (xử lý, lưu trữ và cung cấp phần mềm như một dịch vụ qua Internet từ các trung tâm dữ liệu từ xa) rất dài và cũng có những lúc gặp sự cản trở. Công ty này bắt đầu những bước đi đầu tiên vào lĩnh vực điện toán đám mây từ những năm 1990 với dịch vụ trực tuyến MSN và sau đó là công cụ tìm kiếm Bing. Đến năm 2010, Microsoft mới trình làng dịch vụ đám mây của riêng mình, gọi là Azure, tức bốn năm sau khi tập đoàn thương mại điện tử Amazon gia nhập thị trường điện toán đám mây với dịch vụ Amazon Web Services (AWS)

    Ngay cả khi Azure trở thành đối thủ đáng gờm của AWS từ năm 2013, dịch vụ này vẫn là mảng kinh doanh phụ của Microsoft bởi trọng tâm của họ vẫn là hệ điều hành Windows - sản phẩm quyết định sự thành bại và sức mạnh của công ty trong suốt kỷ nguyên máy tính cá nhân. Mọi chuyện chỉ thay đổi sau khi ông Nadella lên làm Giám đốc điều hành thay thế ông Steven A. Ballmer, người đảm nhận cương vị này trong 14 năm

    Ông Nadella lập tức xem dịch vụ đám mây là sự ưu tiên hàng đầu, nhờ đó Microsoft hiện đứng vững ở vị trí thứ hai sau Amazon. So với cuối năm 2015, mức thị phần của Microsoft trên thị trường này đã tăng gần gấp đôi, đạt 13%, theo công ty nghiên cứu Sunergy Research Group. Mức thị phần của Amazon ổn định ở mức 33% trong giai đoạn này

    Microsoft còn chỉnh sửa các phần mềm phổ biến, gồm Word, Excel và PowerPoint thành một phiên bản đám mây gọi là Office 365 nhằm đáp ứng nhu cầu của những người muốn sử dụng phần mềm như một dịch vụ Internet, từ đó giúp Microsoft cạnh tranh với các nhà cung cấp ứng dụng trực tuyến khác, trong đó có Google

    Thành quả tài chính từ sự thay đổi này đang có xu hướng tăng nhanh. Trong năm tài chính kéo dài từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2018, doanh thu của Microsoft tăng 15% lên 110 tỉ đô la trong lúc lợi nhuận hoạt động tăng 13%, lên 35 tỉ đô la. Microsoft cho đến giờ không tiết lộ doanh thu hàng quý của dịch vụ đám mây Azure nhưng vẫn thường xuyên nói về tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nó. Một số nhà phân tích của ngân hàng đầu tư KeyBanc Capital Markets (Mỹ) thậm chí ước tính Azure sẽ mang về doanh thu nhiều hơn sản phẩm Windows trong năm tài chính 2021 của công ty. Cụ thể, doanh thu của Azure khi đó là 26,4 tỉ đô la, so với 20,3 tỉ đô la của Windows

    “Những gì ông Satya Nadella đã làm là chuyển hướng mạnh mẽ về phía lĩnh vực đám mây. Ông ấy đã đưa Microsoft trở lại lĩnh vực kinh doanh có mức tăng trưởng cao”, ông David B. Yoffie, một giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, nhận định. Chính suy nghĩ rằng Microsoft đang trên đà tăng trưởng mạnh đã giúp giá cổ phiếu của công ty này gia tăng

    Từ bỏ những canh bạc thua lỗ

    Khi Microsoft thâu tóm mảng thiết bị di động của Nokia vào năm 2013 với giá 7,2 tỉ đô la, ông Ballmer đã ca tụng động thái này như “một bước đi vững chắc vào tương lai”. Hai năm sau, người kế vị của ông Ballmen quyết định rút khỏi tương lai đó. Thay vì tìm cách cạnh tranh với các tên tuổi dẫn đầu lĩnh vực điện thoại thông minh, như Apple, Google, Samsung, Microsoft tập trung phát triển ứng dụng và các phần mềm khác dành cho khách hàng doanh nghiệp

    Mặt khác, Microsoft đang có một sản phẩm tiêu dùng thành công: máy chơi trò chơi Xbox, mang lại doanh thu khoảng 10 tỉ đô la. Các sản phẩm chính của Microsoft là công cụ tiện ích - năng suất, được sử dụng ở nhà hoặc văn phòng. Trong khi đó, Azure là dịch vụ dành cho doanh nghiệp và là một nền tảng dành cho các nhà phát triển phần mềm xây dựng ứng dụng, một loại hệ điều hành đám mây

    Những thương vụ thâu tóm “khủng” của Microsoft thời ông Nadella đều nhằm bổ sung vào các dịch vụ, sản phẩm cung cấp cho người sử dụng doanh nghiệp và nhà phát triển. Vào năm 2016, Microsoft mua lại LinkedIn, mạng xã hội dành cho người đi làm, với giá 26,2 tỉ đô la. Năm nay, Microsoft tiếp tục bỏ ra 7,5 tỉ đô la để mua GitHub, một nền tảng phần mềm nguồn mở đang được 28 triệu lập trình viên sử dụng

    Hướng ngoại và hợp tác

    Dưới sự điều hành của ông Nadella, Microsoft không còn xem Windows là trung tâm. Các ứng dụng của công ty chạy được không chỉ trên hệ điều hành Macintosh của Apple mà còn trên nhiều hệ điều hành khác nữa. Phần mềm nguồn mở và miễn phí - một thời bị căm ghét ở Microsoft - giờ đây được chào đón như một công cụ quan trọng của quá trình phát triển phần mềm hiện đại. Dưới thời ông Nadella, Microsoft cũng sẵn sàng gạt sang một bên những “thù hận” xưa cũ. Công ty hiện có mối quan hệ đối tác với các công ty từng là đối thủ cạnh tranh, như Dropbox, Red Hat, Saleforce và thậm chí là Amazon

    Một nét mới đáng chú ý khác được ông Nadella mang đến công ty là tư duy hướng ngoại. “Chúng ta cần phải khao khát học hỏi từ bên ngoài và mang những kiến thức học được vào Microsoft”, ông viết như thế trong cuốn sách “Hit Refresh” xuất bản vào năm ngoái. Kết quả tài chính và giá cổ phiếu của Microsoft chứng tỏ công thức của Nadella có hiệu quả. “Quan điểm xem Windows là trung tâm đã kiềm chế sự đổi mới, sáng tạo. Công ty đã thay đổi về văn hóa. Microsoft một lần nữa trở thành một nơi hấp dẫn để làm việc”, ông Michael A. Cusumano, một giáo sư tại trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, đúc kết

    Minh Huy
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/9/20
  7. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Ăn nên làm ra, Microsoft rút thêm 40 tỷ USD mua lại cổ phiếu
    Mấy năm qua, Microsoft luôn chia sẻ với cổ đông lượng tiền mặt khổng lồ chảy vào công ty...

    [​IMG]
    Microsoft hiện là công ty giao dịch đại chúng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới

    Hãng phần mềm Microsoft ngày 18/9 tuyên bố sẽ chi tới 40 tỷ USD để mua lại cổ phiếu và tăng cổ tức 11%, trong bối cảnh công ty ngày càng ăn nên làm ra nhờ mảng điện toán đám mây

    Mấy năm qua, Microsoft luôn chia sẻ với cổ đông lượng tiền mặt khổng lồ chảy vào công ty. Kế hoạch vừa được công bố đánh dấu lần thứ ba Microsoft đưa ra một kế hoạch mua lại cổ phiếu ở quy mô lớn như vậy. Trước đó, Hội đồng Quản trị Microsoft đã phê chuẩn hai đợt mua lại cổ phiếu tương tự vào năm 2013 và 2016

    Microsoft không đưa ra một thời hạn cụ thể nào cho chương trình mua lại cổ phiếu mà hãng vừa đưa ra, nhưng cho biết có thể rút ngắn chương trình nếu cần thiết

    Microsoft hiện là công ty giao dịch đại chúng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/9, giá trị vốn hóa thị trường của "gã khổng lồ" này đạt khoảng 1,06 nghìn tỷ USD

    Nhờ đặt cược vào lĩnh vực điện toán đám mây dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc (CEO) Satya Nadella, Microsoft liên tục báo lãi "khủng" trong những quý gần đây. Quý 2 vừa qua, cả doanh thu và lợi nhuận của hãng đều vượt dự báo của Phố Wall, với doanh thu tăng 12% và lợi nhuận tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái

    Kế hoạch mua lại cổ phiếu mà Microsoft công bố ngày 18/9 được đưa ra vào thời điểm hãng chuẩn bị kết thúc chương trình mua lại cổ phiếu triển khai từ năm 2016

    Theo dữ liệu được công bố, ở thời điểm cuối tháng 6, chương trình này còn 11,4 tỷ USD. Trong quý 2, chương trình mua vào 4,6 tỷ USD cổ phiếu. Với tốc độ mua cổ phiếu như vậy, ước tính Microsoft chỉ còn vài tháng để kết thúc chương trình

    Microsoft cho biết trong các năm tài khóa từ 2017 đến 2019, công ty mua lại tổng cộng 419 triệu cổ phiếu, với tổng trị giá 35,7 tỷ USD

    Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Microsoft đã tăng giá 36%

    Trong tài khóa kết thúc vào ngày 30/6/2019, dòng tiền từ hoạt động sản xuất-kinh doanh của Microsoft đạt 52,2 tỷ USD. Hồi tháng 7, Microsoft cho biết đà tăng trưởng của công ty vẫn đang mạnh

    Giám đốc tài chính (CFO) của Microsoft, bà Amy Hood, nói với các nhà phân tích rằng, mảng điện toán đám mây của công ty sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu hai con số trong tài khóa hiện tại. Trong lĩnh vực điện toán đám mây, Microsoft hiện chỉ đứng sau đối thủ Amazon
     
  8. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Kinh doanh tốt, Microsoft tăng thù lao 66% cho sếp lớn
    Khoản thu nhập “khủng” của CEO Satya Nadella phản ánh cú chuyển mình ngoạn mục của Microsoft kể từ khi ông lên nắm quyền...

    [​IMG]
    Tổng giám đốc Satya Nadella của Microsoft

    Gói thù lao dành cho Tổng giám đốc (CEO) Satya Nadella của Microsoft tăng mạnh trong năm tài khóa gần nhất, khi "đế chế" phần mềm Mỹ đạt mục tiêu kinh doanh và chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh

    Hãng tin CNBC dẫn thông tin niêm yết trên sàn chứng khoán ngày 16/10 cho biết, ông Nadella nhận được gói thù lao trị giá 42,9 triệu USD từ Microsoft trong tài khóa 2019 kết thúc vào ngày 30/6, trong đó chủ yếu là thưởng cổ phiếu

    So với tài khóa trước, gói thù lao của vị CEO trong tài khóa 2019 tăng 66%. Tuy nhiên, gói lương thưởng này vẫn thấp hơn con số 84,3 triệu USD mà ông Nadella nhận được từ công ty vào năm 2014, khi ông tiếp quản vị trí CEO từ người tiền nhiệm Steve Ballmer

    Khoản thu nhập "khủng" mà ông Nadella có được trên cương vị đứng đầu Microsoft phản ánh cú chuyển mình ngoạn mục của công ty kể từ khi ông lên nắm quyền

    Một năm trước, Microsoft đã giành lại từ Apple vị trí công ty đại chúng có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới. Trong phiên giao dịch ngày 16/10, giá trị vốn hóa của Microsoft có lúc vượt 1,07 nghìn tỷ USD

    Trong tài khóa 2019, lương cơ bản của ông Nadell tăng thêm 1 triệu USD và thưởng cổ phiếu cũng tăng mạnh

    Hội đồng Quản trị Microsoft nói rằng "vai trò lãnh đạo mang tính chiến lược của ông Nadella, bao gồm nỗ lực của ông trong việc tăng cường niềm tin với khách hàng, đã thúc đẩy sự thay đổi văn hóa trong toàn công ty, cũng như sự tiến bước và mở rộng thành công trong những công nghệ và thị trường mới"

    Tuyên bố nhấn mạnh tăng trưởng ở bộ phận Intelligent Cloud của Microsoft, trong đó bao gồm mảng đám mây Azure đang cạnh tranh quyết liệt với Amazon Web Services. Trong quý gần đây nhất, Intelligent Cloud đã trở thành một trong ba bộ phận lớn nhất của Microsoft

    Trong tài khóa 2019, Microsoft tiếp tục vượt nhiều mục tiêu linh doanh chủ chốt, bao gồm mục tiêu ở các mảng mạng xã hội LinkedIn, doanh thu từ dịch vụ Commercial Cloud, và số thiết bị kích hoạt hệ điều hành Windows 10

    Tuyên bố của Microsoft nói rằng trong 5 năm đầu tiên ông Nadella giữ cương vị CEO, vốn hóa của Microsoft tăng thêm 509 tỷ USD
     
  9. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Microsoft đóng vĩnh viễn toàn bộ cửa hàng vật lý

    [​IMG]

    Theo CNN, Microsoft đang "rút" khỏi lĩnh vực bán lẻ vật lý truyền thông. Hôm 26/6, công ty này cho biết họ sẽ đóng cửa toàn bộ 83 cửa hàng vật lý và chuyển toàn bộ hoạt động sang bán hàng trực tuyến

    Microsoft thông báo, các cửa hàng tại London, New York City, Sydney và Redmond vẫn mở cửa, nhưng chỉ hoạt động dưới hình thức là "trung tâm trải nghiệm". Các địa điểm này sẽ trưng bày các sản phẩm và công nghệ của Microsoft như máy tính Surface, Xbox, game Minecraft, Windows và Office, nhưng không bán bất kỳ sản phẩm nào

    Cho đến nay, gã khổng lồ công nghệ đã mở cửa hàng tại một loạt các địa điểm sầm uất như khu Fif Avenue của Manhattan. Tuy nhiên, do sự bùng phát của đại dịch, nhiều cửa hàng của công ty này vẫn đóng cửa và Microsoft đang dần từ bỏ mảng kinh doanh này

    Hiện tại, Microsoft vẫn là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực phần mềm hiện đại và vẫn tiếp tục bán sản phẩm trực tuyến. Công ty này ước tính họ có thể tiếp cận 1,2 triệu khách hàng mỗi tháng qua các cửa hàng trực tuyến tại Microsoft.com và trên Xbox, Windows

    Phó chủ tịch Microsoft – David Porter, cho hay: "Doanh số bán hàng trực tuyến của chúng tôi đã tăng lên khi danh mục sản phẩm đã chuyển sang hình thức kỹ thuật số. Các nhân viên của chúng tôi đã thành công trong việc chứng minh rằng việc phục vụ khách hàng trực tuyến có hiệu quả hơn bất kỳ cửa hàng vật lý nào"

    Microsoft cho biết việc đóng toàn bộ cửa hàng sẽ khiến họ phải chi khoảng 450 triệu USD chi phí trước thuế

    Các nhà phân tích của Wedbush cho biết: "Đây là một quyết định khó khăn nhưng, nhưng là chiến lược thông minh của Nadella và công ty ở thời điểm này. Doanh thu của các cửa hàng vật lý là không đáng kể và mọi hoạt động cũng đang chuyển sang hình thức kỹ thuật số trong vài năm qua"
     
  10. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Bộ Quốc phòng Mỹ không thay đổi hợp đồng 10 tỷ USD với Microsoft
    Bộ Quốc phòng Mỹ đã hoàn tất xem xét về sự cạnh tranh đối với dự án Cơ sở Hạ tầng quốc phòng doanh nghiệp chung và xác định đề xuất của Microsoft đem lại “giá trị tốt nhất cho chính phủ”

    [​IMG]
    Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định trao dự án điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD cho Microsoft

    Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 4/9, Bộ Quốc phòng Mỹ đã một lần nữa khẳng định quyết định trước đó của cơ quan này về việc trao hợp đồng điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD cho tập đoàn Microsoft

    Thông báo của bộ trên cho biết đã hoàn tất xem xét về sự cạnh tranh đối với dự án Cơ sở Hạ tầng quốc phòng doanh nghiệp chung (JEDI) và xác định rằng đề xuất của Microsoft thể hiện “giá trị tốt nhất cho chính phủ”

    Thông báo cũng cho biết việc thực hiện hợp đồng sẽ không được tiến hành ngay do một lệnh của tòa án liên bang được ban hành vào tháng 2 vừa qua vẫn chưa được làm rõ

    Tuy nhiên, Lầu Năm Góc thể hiện mong muốn được cung cấp cơ sở này cho các quân nhân trong quân đội. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trao hợp đồng quân sự "béo bở" trên cho Microsoft hồi tháng 12/2019

    "Đại gia" trong lĩnh vực bán lẻ - tập đoàn Amazon đã đệ đơn kiện nhằm trì hoãn hoặc xem xét lại thỏa thuận, với cáo buộc rằng quá trình phê duyệt hợp đồng trên đã có sự thiên vị rõ ràng từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump


    Việc tập đoàn Amazon phản đối đã khiến cơ quan giám sát của Lầu Năm Góc tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề này


    Tuy nhiên, báo cáo điều tra được công bố vào tháng 4 vừa qua cho biết Bộ Quốc phòng không thể “xác định rõ ràng” liệu Nhà Trắng có gây ảnh hưởng đến quyết định trao hợp đồng cho Microsoft thay vì Amazon hay không

    Tổng thống Trump trước đó đã công khai khẳng định không muốn hợp đồng này trao cho Amazon - công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Jeff Bezos, một mục tiêu chỉ trích thường xuyên của ông
     

Chia sẻ trang này