Cường quốc lập trình

Thảo luận trong 'Quốc Gia Lập Trình' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 9/9/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Cường quốc lập trình
    Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng để trở thành cường quốc về sản xuất phần mềm, Việt Nam phải xuất khẩu được 70% sản phẩm ra thị trường thế giới, chứ không thể làm phần mềm theo kiểu gia công như hiện nay

    Muốn vậy, không chỉ có điều kiện cần là 9.000 doanh nghiệp với tổng doanh thu 3,8 tỉ USD như hiện nay, mà phải có điều kiện đủ là có doanh nghiệp dẫn đầu và doanh nghiệp chất lượng, cỡ 10 công ty doanh thu tỉ USD thì chắc chắn “bộ mặt” của ngành sẽ khác

    Bill Gate nói “Một lập trình viên giỏi sẽ mang tới mức hiệu năng gấp 10,000 lần một lập trình viên có trình độ trung bình”

    Muốn có sản phẩm phần mềm để xuất khẩu thì người lãnh đạo phải có tư duy tìm nhân tài, kỳ tài trong lĩnh vực phần mềm...không phải đầu tư nhiều tiền, thuê nhiều quân là có sản phẩm phần mềm đạt chuẩn quốc tế

     
    Chỉnh sửa cuối: 2/4/21
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    FPT ủng hộ chiến lược trở thành cường quốc phần mềm
    Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ cần đi tiên phong, thúc đẩy nhanh Cách mạng 4.0 từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố. Đồng thời, phải đi đầu trong xây dựng khuôn khổ pháp lý về số hóa để thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới. Không nên để mô hình kinh doanh cũ tìm cách cản trở mô hình mới như trường hợp Uber

    Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9/2018, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã đề xuất Chính phủ cần đi tiên phong trong cuộc Cách mạng 4.0, thúc đẩy nhanh Cách mạng 4.0 từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố. Đồng thời, phải đi đầu trong xây dựng khuôn khổ pháp lý về số hóa để thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới. Không nên tìm cách cản trở như trường hợp Uber

    Phần mềm là mũi nhọn


    Ông Trương Gia Bình bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về CNTT, Cách mạng 4.0 chính là khát vọng phát triển sự phồn vinh của dân tộc. Việt Nam có thời cơ và cơ hội để thực hiện khát vọng này

    Nhưng để biến khát vọng này thành hiện thực thì chúng ta phải bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào ? Trả lời câu hỏi này, theo ông Trương Gia Bình, phần mềm sẽ là một mũi nhọn, bởi vì phần mềm là ngành đặc biệt có thể mang lại giá trị rất lớn. Nếu xuất khẩu nông nghiệp 1 USD giá trị Việt Nam chỉ 5%, nhưng nếu 1 USD xuất khẩu ngành phần mềm thì giá trị Việt Nam là 100%

    Thêm vào đó, khi xuất khẩu phần mềm Việt Nam sẽ thâm nhập vào các ngành lớn của thế giới, tài chính ngân hàng, viễn thông, ô tô, dầu khí, giao thông. Việc làm ra phần mềm còn đem lại lợi ích lâu dài, khi người ta trả 1 USD cho sản phẩm chúng ta làm ra thì chúng ta còn được trả thêm 3 USD về sở hữu trí tuệ trong đó nữa. Theo ông Trương Gia Bình, phần mềm ô tô Việt Nam đang nắm vững, với ô tô tự lái chúng ta có thể can thiệp sâu bằng phần mềm do chính mình làm ra

    Đầu tư vào mũi nhọn phần mềm sẽ giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động chất lượng cao. Hiện ngành CNTT của Việt Nam có 781.000 lao động, trong đó 350.000 lập trình viên trong lĩnh vực phần mềm, nếu Việt Nam đẩy lên 1 triệu lao động thì có thể so với các cường quốc như Nhật Bản hiện có 1 triệu, Mỹ có 1 triệu và Ấn Độ 1,6 triệu lập trình viên

    Theo ông Trương Gia Bình, năng lực lập trình viên Việt Nam được quốc tế xếp thứ hạng chất lượng rất cao. Theo đó, lập trình viên Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, được đánh giá tốt nhất khu vực ASEAN. Việt Nam được xếp thứ 6 thế giới về cung cấp các chuyên gia lập trình cho thế giới. FPT có số chứng chỉ cao thứ 2 thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI), có 100 khách hàng lớn trên thế giới là của FPT

    Chính phủ phải làm mẫu, đi tiên phong thúc đẩy Cách mạng 4.0


    Đối với việc chuyển đổi số, khách hàng quốc tế chỉ đồng ý cho Việt Nam làm các công việc mới. Cơ hội làm việc cho Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số rất lớn. Nhưng để thuyết phục được các nước thì Việt Nam phải chuyển đổi số cho mình trước, FPT dự kiến sang năm sẽ chuyển đổi số cho chính mình

    Do đó, ông Trương Gia Bình đề xuất, Chính phủ phải làm mẫu, đi tiên phong trong việc thúc đẩy Cách mạng công nghệ 4.0. Nếu Việt Nam giải quyết được bài toán toàn diện giao thông thông minh cho một thành phố thì tất cả các thành phố khác đều cần giải pháp của chúng ta. Nếu Việt Nam có giải pháp toàn diện cho y tế thông minh thì lời giải của Việt Nam tạo được cơ hội đem ra ứng dụng cho toàn thế giới. Để chớp lấy cơ hội của Cách mạng công nghệ thì Việt Nam cần thúc đẩy nhanh Cách mạng 4.0 từ Chính phủ và các thành phố

    Vấn đề nhân lực ngành CNTT cho nhu cầu tăng trưởng cũng cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo đáp ứng nhu cầu. Trong nhiều năm liên tục ngành CNTT tăng trưởng ở mức 30%, nay chậm lại còn 13%, nguyên nhân do thiếu nhân lực, mặc dù nhu cầu của thế giới tăng nhưng các doanh nghiệp như FPT phải từ chối không nhận hợp đồng. Chính vì thiếu nhân lực nên đẩy giá lao động ngành phần mềm lên rất cao. Giá thị trường cho lãnh đạo dự án là 3.000 USD, sinh viên FPT ra trường lương 700 USD

    Điều đáng chú ý là trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành mũi nhọn của Cách mạng 4.0 nhưng trường đại học duy nhất ở Việt Nam đào tạo và sắp có hàng trăm sinh viên ra trường là Đại học Quy Nhơn chứ không phải là những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam

    Cũng theo ông Trương Gia Bình, muốn trở thành cường quốc về CNTT thì Việt Nam cần đi đầu trong khuôn khổ pháp lý về số hóa

    Ông Bình nêu ra một dẫn chứng rất cụ thể liên quan đến chính sách cho các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ mới: “Các quy định do chúng ta quyết định, nếu ứng xử với Uber như vừa rồi thì ai còn muốn đầu tư vào Việt Nam nữa. Một mô hình kinh doanh công nghệ hiện đại mà rất nhiều nước phát triển khuyến khích, Việt Nam lại cản trở. Thông thường khi một mô hình kinh doanh mới ra đời thì mô hình cũ sẽ tìm cách cản trở, vậy chúng ta sẽ ứng xử với mô hình cũ thế nào, thay đổi chính sách thế nào để thúc đẩy mô hình mới, điều này rất cần để phát triển”

    My Lan
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/3/21
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    1 triệu nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin
    Cùng xu hướng phát triển CNTT với thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới cùng trong tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Đặc biệt, ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực CNTT lên tới hơn 1 triệu người vào năm 2020

    “Thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI) đã trở nên trầm trọng ngay trên toàn châu Á – nguồn nhân lực hiện có đủ đáp ứng cho công việc trên AI trên toàn cầu cũng chỉ dừng lại ở mức 300.000 người, trong khi nhu cầu là hàng triệu chuyên gia. Điều này có nghĩa là nhân lực công nghệ cao trong AI sẽ vẫn còn thiếu hụt trên toàn cầu trong tương lai gần” - Tiến Sỹ Alan Sixsmith - Giảng viên cao cấp Tiến sĩ Alan Sixsmith đến từ Đại học Công nghệ Sydney (UTS) chia sẻ

    Hiện nay, các nhà tuyển dụng trên toàn châu Á đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên CNTT đủ điều kiện để lấp đầy các vị trí tuyển dụng. Khoảng 18-22% các tổ chức thấy khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên CNTT cấp trung

    [​IMG]
    Sinh viên ngành CNTT đang có nhiều cơ hội việc làm toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

    “Với nhu cầu nhân lực CNTT tăng cao trên toàn cầu, những cá nhân có các kĩ năng phát triển và quản lý CNTT sẽ có nhiều lợi thế hơn. Chọn được nguồn cung ứng nhân lực phù hợp để đáp ứng các cơ hội phía trước vẫn đang là vấn đề nan giải của nhiều doanh nghiệp”

    Còn tại Việt Nam, báo cáo năm 2018 của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Khối thịnh vượng chung về Nền kinh tế kỹ thuật số tương lai của Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu tuyển dụng hơn một triệu nhân lực CNTT vào năm 2020, với nhu cầu về kỹ năng CNTT tăng 47% mỗi năm

    Xu hướng nóng về CNTT ở Việt Nam bao gồm Trí tuệ nhân tạo, Lưu trữ đám mây, Thực tế ảo (VR), Thực tế tăng cường (AR) và công nghệ Blockchain. Các lĩnh vực quan trọng khác bao gồm Internet vạn vật, Thương mại điện tử, Quy trình kinh doanh và Gia công phần mềm CNTT

    Về vai trò của công nghệ thông tin tại Việt Nam, tiến sĩ Sixsmith cho biết “Cơ sở hạ tầng CNTT và công nghệ kỹ thuật số vững chắc sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất”

    Với bản kế hoạch tổng thể phát triển ngành Thương mại điện tử và Công nghệ Thông tin của Chính phủ Việt Nam, dự đoán các ngành này sẽ đóng góp 8-10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vào năm 2020


    Tiến sĩ Sixsmith cho hay “các nhà tuyển dụng Việt Nam cần nhân viên có kỹ năng CNTT và trình độ kỹ thuật số xuất sắc, nhưng những nhân viên này cũng cần có kỹ năng mềm và kỹ năng xã hội tốt để xây dựng các nhóm làm việc và giao tiếp hiệu quả với khách hàng quốc tế”

    “Nguồn nhân lực hiện nay cần có các kỹ năng và kinh nghiệm đa lĩnh vực cũng như tính sáng tạo, hợp tác, giải quyết vấn đề và áp dụng kiến thức vào thực tế”, Tiến sỹ Sixsmith cho biết thêm

    Duy Anh
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Hơn 100 trường đại học tại Việt Nam bàn vấn đề phát triển nhân lực ICT trình độ cao
    Hơn 100 trường đại học có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực ICT đã góp mặt tại buổi tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” được tổ chức sáng nay (30/3) nhằm tìm ra những giải pháp mới để phát triển nguồn nhân lực CNTT

    Tham dự sự kiện có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cùng đại diện từ hơn 100 trường đại học có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực ICT

    Tọa đàm phát triển nguôn nhân lực ICT trình độ cao được tổ chức với mục tiêu thực hiện có hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược của Đảng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số lấy CNTT và TT làm nền tảng

    Tại sự kiện, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước. Chủ trương này đã được nêu rõ trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ 11, 12 và tới đây sẽ phải tiếp tục, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ ngày càng phát triển"

    "Nền kinh tế chuyển sang số hóa, chúng ta thấy rất nhiều thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen. Hơn lúc nào hết, nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực ICT ngày càng có vai trò quan trọng nhưng cũng có thách thức rất lớn", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói

    Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho hay: "Vấn đề kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp không phải là vấn đề mới và các nước phát triển trên thế giới đã làm rất tốt, trở thành việc thường xuyên, thành nhu cầu tự thân. Các trường đại học như những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, luôn ý thức về thị trường, tư duy thị trường trong cung cấp nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp như là những bạn hàng của các cơ sở giáo dục đại học"

    Đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng được sự thay đổi của thời đại"

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Truyền thống đào tạo của chúng ta là học trước thì làm sau, không biết thì hỏi thầy, học sách giáo khoa là chính, thầy dạy trò nghe, nghe theo là quan trọng, học thuộc là quan trọng, học cách giải quyết vấn đề là chính, giảng đường là cơ sở chính của đại học, học nhiều thực hành ít, đào tạo dài hạn là chính"

    "Thế giới bây giờ đã nhiều thay đổi, làm trước rồi học sau, tự học để biết đến 70 – 80% rồi mới học thầy, học nhiều hơn những cái mới của tháng trước, quý trước, năm trước là cái không có trong sách giáo khoa. Mời doanh nhân, mời chuyên gia vào giảng nhiều hơn. Tư duy phản biện là quan trọng để phục vụ cho sáng tạo và đổi mới. Người thầy bây giờ đóng vai huấn luyện viên để giao việc cho trò làm. Học cách tìm ra vấn đề là quan trọng hơn, các phòng lab trở thành cơ sở chính của nhà trường, nghiên cứu trong môi trường ảo, mô trường mô phỏng nhiều hơn là trong môi trường thực, tiếng Anh, IT trở thành công cụ tối thiểu và bắt buộc", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói

    "Hôm nay chúng ta sẽ bàn về những đổi mới đào tạo đại học và nhân lực Việt Nam, đáp ứng tốt nhất cuộc cách mạng số, cuộc CMCN 40. Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp, nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã bám doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa?", Bộ trưởng Bộ TT&TT đặt câu hỏi.

    Tọa đàm tập trung thảo luận 4 nội dung chính, trong đó nhấn mạnh vào thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong ngành ICT và thực trạng về sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp trong giai đoạn 2011-2020, định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030 trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Từ thực trạng này đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để gắn kết cung - cầu trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao; đề xuất cụ thể về mô hình hợp tác doanh nghiệp – nhà trường – sinh viên trong nghiên cứu, đào tạo và tìm kiếm việc làm của sinh viên chuyên ngành ICT

    Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ICT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT đồng thời nâng cao nhận thức của các bên về gắn kết cung - cầu trong việc phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao trong bối cảnh hội nhập và phát triển

    Cũng trong khuôn khổ sự kiện, lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa một số cơ sở giáo dục đại học với đối tác doanh nghiệp ICT được tổ chức. Đồng thời, Triển lãm với sự tham gia của 15 trường đại học và 10 doanh nghiệp lớn sử dụng nguồn nhân lực ICT sẽ diễn ra trong cả ngày 30/3/2019

    Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với các trường đại học, với học sinh, sinh viên về công nghệ, sản phẩm, tiềm năng và nhu cầu tuyển dụng, các cơ hội việc làm, cơ hội thực tập, những yêu cầu cụ thể đối với sinh viên khi tốt nghiệp các ngành thuộc lĩnh vực ICT. Đồng thời, cũng là dịp để các trường đại học có cơ hội giới thiệu với nhà tuyển dụng, với người học về năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng như những thông tin về hướng nghiệp, tuyển sinh, về các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực ICT, hỗ trợ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, hỗ trợ hướng nghiệp cho học sinh
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/3/21
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Ngành phần mềm phải là hạt nhân
    Chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế số

    Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được Bộ TT&TT lần đầu tiên tổ chức ngày 9/5/2019, Lãnh đạo Chính phủ, Bộ TT&TT đã thêm một lần nữa khẳng định cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, xu thế chuyển đổi số chính là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hoá khát vọng hùng cường

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. “Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì điều đầu tiên là phải làm chủ công nghệ và quản lý, có năng lực phát minh, sáng chế ra những công nghệ mới, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tiến lên trình độ đi đầu trong thiết kế, sản xuất sản phẩm chất lượng cao”, Thủ tướng nói

    Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Sau 30 năm lắp ráp, gia công, nay đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện để chuyển sang sáng tạo làm ra các sản phẩm công nghệ Việt. Việt Nam cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để phát triển doanh nghiệp công nghệ. "Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất” chính là tuyên bố của chúng ta”

    Tinh thần, định hướng phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với slogan “Make in Vietnam” cũng đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong phát biểu khai mạc Diễn đàn. Theo Bộ trưởng, công nghệ chính là câu trả lời chung cho những trăn trở về tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường

    “Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh

    Doanh nghiệp phần mềm cần quay về dùng công nghệ giải các bài toán Việt Nam


    Trước đó, tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) mở rộng đầu xuân 2019 được tổ chức hồi cuối tháng 2, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng muốn giải được bài toán Việt Nam, muốn đưa Việt Nam trở thành cường quốc thì chúng ta phải dám nghĩ lớn và có ước mơ lớn

    Nhấn mạnh thay đổi đất nước chính là các doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp có nguồn lực lớn hãy nghĩ mình có thể thay đổi Việt Nam. “Khi doanh nghiệp nghĩ mình có một sứ mạng lớn lao, mình sẽ thay đổi Việt Nam để Việt Nam không nhược tiểu và trở thành cường quốc, những cản trở nhỏ doanh nghiệp có thể vượt qua khá dễ dàng”, Bộ trưởng nói

    Theo chia sẻ của Bộ trưởng, ai cũng cho rằng doanh nghiệp phần mềm là những doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo nhưng trên thực tế lại không bằng doanh nghiệp bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản đó (Vingroup - PV) khi chuyển sang làm công nghệ đã có cách tiếp cận khác hẳn, rất cách mạng về công nghệ. Đã đến lúc thay vì tiếp tục đi xin các cơ chế ưu đãi thuế, doanh nghiệp phần mềm cần chọn những việc giá trị cao mà làm, đóng thuế để xây dựng đất nước. Và vì chúng ta phải đóng thuế như bất kỳ doanh nghiệp nào khác nên chúng ta bắt buộc phải nâng cao năng suất lao động

    Nhấn mạnh triết lý: ai lớn lên, trưởng thành cũng phải đi từ một cái nôi mà nôi tốt nhất chính là nhà mình, nước mình, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, các doanh nghiệp phần mềm cần đi từ câu chuyện làm sản phẩm trong nước, giải bài toán Việt Nam, coi Việt Nam là cái nôi để từ đó đi ra quốc tế

    Nhận định việc các doanh nghiệp tìm việc dễ để làm là hoàn toàn đúng, song Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Qua 20, 30 năm mà vẫn tiếp tục đi làm cái dễ thì lại không đúng nữa. FPT trưởng thành rồi mà vẫn tiếp tục làm thuê, vẫn tiếp tục làm gia công phần mềm thì không còn đúng. FPT hãy mang tri thức tích lũy được trong 20 năm vừa qua về Việt Nam, giải bài toán Việt Nam, tạo thành giải pháp, sản phẩm Việt Nam và từ đấy đi ra thế giới. Ra đi là để quay về. Đó là cách chúng ta giải bài toán trưởng thành, bài toán thương hiệu”

    Đối với doanh nghiệp phần mềm, theo Bộ trưởng, để giải quyết câu chuyện “What to do” mà chỉ nghĩ đến coding, gia công phần mềm cho nước ngoài thì dễ bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Hiện giờ là lúc doanh nghiệp phải nghĩ đến sản xuất ra các sản phẩm của Việt Nam, dùng để giải quyết vấn đề của Việt Nam, coi Việt Nam là cái nôi để từ đó đưa sản phẩm Việt Nam ra quốc tế

    “Chúng ta phải tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ nghĩa là dùng công nghệ để giải các bài toán, công nghệ ở đây là công nghệ số, trong đó có CMCN 4.0. Việt Nam ở đây nghĩa là sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam để đưa ra quốc tế. Một ví dụ cụ thể, khi chuyển hướng từ gia công phần mềm lên phát triển sản phẩm Việt Nam thì doanh thu trên mỗi một lập trình viên sẽ tăng vọt từ 25.000 USD lên 57.000 USD”, Bộ trưởng lý giải

    Bộ trưởng cũng cho rằng, muốn vậy chúng ta cần có những suy nghĩ khác và cách làm khác mang tính cách mạng về công nghệ để làm sao hội tụ tinh hoa thế giới về đây, đưa Việt Nam trở thành hub kết nối, làm sao để công nghệ số hội tụ về với Việt Nam. Nếu Việt Nam tạo ra việc có giá trị cao, tạo cảm hứng và trả lương cao thì Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của thế giới

    Ngay với vai trò, sứ mệnh của ngành phần mềm, theo Bộ trưởng, giờ cũng cần phải nghĩ khác. Phần mềm giờ không phải là phần mềm quản trị nhân sự mà chính là con chip, là bộ não của bất cứ thiết bị công nghệ nào. Hay trước đây, chúng ta thường nghĩ công nghiệp phần mềm là một bộ phận của ngành ICT và ngành ICT là một bộ phận của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ rằng công nghiệp phần mềm sẽ là hạt nhân để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế số thì chúng ta không còn là một bộ phận của nó nữa, khi đó chúng ta sẽ thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế, thay đổi toàn bộ cơ cấu nền kinh tế. “Sứ mạng khác, nhiệm vụ khác, tầm nhìn khác và công việc cũng sẽ khác”, Bộ trưởng nói

    Ở góc độ doanh nghiệp, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng chia sẻ: “Chúng tôi đã đúc kết, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của sự sáng tạo không giới hạn. Sự sáng tạo không giới hạn thì chỉ phụ thuộc vào cái bạn nghĩ. Bạn dám nghĩ như thế nào và bạn thực hiện nó. Cách làm sẽ phải bài bản và sẽ phải tập trung vào cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Còn nếu như doanh nghiệp chỉ tập trung vào thương mại để kiếm lợi nhuận thì sẽ không thể tạo ra nhân lực về R&D”

    Trao đổi với ICTnews, đại diện Công ty Tinh Vân nhận định chiến lược Bộ TT&TT đưa ra cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp phần mềm thay vì chú trọng làm gia công phần mềm xuất khẩu cần quay về dùng công nghệ giải những bài toán thực tế tại Việt Nam là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đại diện Tinh Vân cũng cho rằng: “Để thực hiện chiến lược, định hướng mới này Nhà nước cần có chính sách thu hút người tài về Việt Nam”
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/3/21
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Nữ kỹ sư công nghệ 9X chinh phục khách hàng Nhật Bản
    Khởi đầu với vị trí lập trình viên Ngô Thu Huyền vươn tới vị trí Trưởng một văn phòng tại Nhật Bản của FPT Software có doanh số triệu USD

    Sinh năm 1990, Ngô Thu Huyền sinh sống và làm việc tại Nhật Bản 8 năm. Làm việc với nhiều khách hàng lớn mang phong cách cẩn trọng của người Nhật, Huyền gây dựng văn phòng FPT Software Fukuoka và lọt top 100 nhân viên xuất sắc của công ty quy mô 16.000 nhân sự

    Tốt nghiệp trường lập trình Aptech năm 2010, Ngô Thu Huyền vào làm việc tại FPT Software ở vị trí lập trình viên. Dự án đầu tiên Huyền tham gia làm việc với một khách hàng Nhật Bản. Sau đó, lập trình viên 9X tiếp tục học để trở thành kỹ sư cầu nối của công ty làm việc tại đất nước mặt trời mọc

    Đến Nhật Bản, ban đầu Huyền lại bị khớp vì khối lượng công việc lớn và cách giao tiếp với người bản xứ. Đã có lúc, cô gái trẻ nghĩ đến việc quay trở lại Việt Nam. Nhưng bị hấp dẫn với ngành Công nghệ thông tin (CNTT), ngôn ngữ lập trình chỉ có đúng và sai, Huyền quyết tâm ở lại

    [​IMG]
    Sau giờ làm việc, Huyền trau dồi tiếng Nhật và liên tục học những chứng chỉ phục vụ công việc. Ngoài vai trò kỹ sư cầu nối, Huyền thường xuyên tham gia làm việc trực tiếp với khách hàng, thuyết phục khách hàng mới. Nhờ đó mà khả năng giao tiếp, năng lực chuyên môn của cô ngày càng khá lên

    Dấn thân vào làm việc với khách hàng, Huyền nhận ra điểm thú vị của ngành kinh doanh. Công việc này đòi hỏi phải hiểu sản phẩm rõ nhất để thể thuyết phục khách hàng, khả năng giao tiếp, hiểu tâm lý người đối diện

    Với lợi thế là một lập trình viên, Huyền am hiểu chuyên môn. Kết hợp với khả năng giao tiếp khéo léo, cô có thể truyền cảm hứng cho khách hàng khi phải diễn giải ngôn ngữ công nghệ trừu tượng. Huyền cũng giỏi thuật ngữ chuyên ngành, và giải thích từ tiếng Anh sang tiếng Nhật để khách hàng nắm bắt được công việc. Biết người Nhật tỉ mỉ, cẩn thận trong mọi chi tiết, khi làm bất cứ công việc gì Huyền cũng tập trung cao độ

    Vừa học vừa làm, Huyền "say" việc. Một ngày bắt đầu vào 8 giờ sáng và kết thúc vào 2 hoặc 3 giờ sáng hôm sau, có những ngày họp với khách từ 5 đến 7 cuộc rồi về văn phòng trả lời 300 lá thư điện tử. Nhiều cái Tết Nguyên Đán, Huyền vắng bóng trong mâm cơm tất niên, tân niên cùng bố mẹ

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    Sau 6 năm làm việc ở vị trí kỹ sư cầu nối, Huyền một lần nữa quyết định mạo hiểm, nhận trách nhiệm phát triển văn phòng công ty tại Fukuoka - thành phố cách Tokyo 1.000km với hai người đồng nghiệp hỗ trợ

    Là người "khai hoang", Huyền cùng cộng sự vấp phải sự dè dặt của những đối tác mới. Cô gái sinh năm 1990 cũng thiếu thông tin về hoạt động kinh doanh của khách hàng. Huyền và hai cộng sự phải kiêm nhiệm tất cả các công việc để tiếp cận khách hàng từ kỹ thuật, marketing đến chăm sóc khách hàng...

    Những khi quá nản chí, Huyền nghĩ lại năm 18 tuổi mình từng trượt Đại học ngành kinh tế, tay trắng trước cánh cửa vào đời. Lúc đó, cô quyết định học CNTT tại trường trung cấp, bất chấp sự phản đối của gia đình, định kiến xã hội. Những ngày đầu theo học CNTT, Huyền hoang mang vì không bắt nhịp được với lớp. Nhưng vì trách nhiệm với lựa chọn của mình, cô quyết tâm, vùi đầu vào những dòng code đầu tiên, cố gắng gấp hai, ba lần và tự mày mò học trực tuyến. Nhớ về sự can đảm trong quá khứ, Huyền đứng dậy, xác định bắt đầu từ con số không và làm việc quên ăn ngủ, tận dụng mọi mối quan hệ, nguồn thông tin để tiếp cận khách hàng

    [​IMG]
    Sau ba năm, văn phòng do Huyền phụ trách đã mang về cho công ty những khách hàng triệu đô, năm 2019 đạt mức tăng trưởng 216% so với năm trước. Fukuoka trở thành một trong 10 văn phòng, chi nhánh quan trọng của FPT Software tại thị trường Nhật Bản hướng đến mục tiêu đưa FPT Software đứng trong Top 30 công ty CNTT hàng đầu tại thị trường này

    Nhìn lại chặng đường sống và làm việc tại Nhật Bản, Huyền thấy mình trưởng thành, bản lĩnh hơn. "Người Việt ở nước ngoài có rất nhiều cách để đóng góp cho đất nước, có người xây những công trình cộng đồng với vốn đầu tư khủng hay tổ chức hoạt động từ thiện, cũng có không ít người ngày đêm cố gắng tạo cơ hội việc làm cho đồng hương nơi trời Tây... Song với tôi, khát vọng lớn nhất là mang sản phẩm, thương hiệu Việt ra thế giới", Huyền chia sẻ

    Nguyễn Lê
     
  7. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Kết hợp Vật Lý và CNTT
    Tại hội thảo về Khởi nghiệp Vật lý ở Phenikaa, mặc dù tôi, GS Hoài và GS Đức rất nhiệt tình thúc đẩy quan điểm ứng dụng Vật lý, nhưng có vẻ rơi tõm vào thinh không. Có vẻ như cộng đồng Vật lý đang già cỗi, chưa sẵn sàng cho sự thay đổi. Có GS gặp tôi còn góp ý là chưa thông cảm, hay chưa đánh giá hết được thành tựu của cộng đồng vật lý

    Tôi cũng phải nói thật, dân tộc ta đứng dậy từ bùn đất, để được tới ngày hôm nay đã là tốt lắm, thành tích vĩ đại vô cùng. Nhưng muốn thành tích vĩ đại này được nhắc nhở tôn vinh hơn nữa, trước hết phải làm cộng đồng vật lý lớn mạnh, mới có người tôn vinh thành tích. Hay thực tế hơn là ngăn chặn đừng làm nó tiếp tục teo tóp. Cũng như giáo chủ muốn có quyền lực thì phải có giáo chúng và phải truyền đạo. Truyền đạo không phải ngồi ở Vatican ngắm bích họa Michelangelo, mà phải đến các làng hẻo lánh ở châu Phi, Việt Nam sống với họ

    Có hai việc thiết thực cần làm là phổ biến và phát triển công nghệ. Một thói quen không ổn của các nhà vật lý là muốn tìm ứng dụng mà mình phải nổi bật, làm sếp sòng. Tôi làm CNTT thấy được vì lý do vì sao CNTT phát triển mạnh mẽ, mặc dù về concept không có gì ghê gớm, là vì các chuyên gia IT luôn đặt mình ở vị thế hỗ trợ, sẵn sàng làm quân hầu cho mọi dự án của ngành khác. (Tất nhiên ở VN thì dân IT cũng thích làm sếp sòng ở một mức độ ít hơn dân Vật lý một chút). Nhưng có 10 dự án ở các ngành khác nhau thì ngành nào cũng có IT

    Tôi nghĩ hiện nay ngành IT có triển vọng phát triển hùng mạnh và có tác động trực tiếp nhất tới tiến bộ xã hội. Như vậy, Vật lý muốn vào công nghệ, nên quan tâm hàng đầu đến Công nghệ Máy tính, chấp nhận cửa dưới ở vai trò hỗ trợ, may ra mới có cơ hội khá lên được

    Tôi đang xây dựng một Khoa CNTT ở một đại học tư nhân nhỏ, có bộ môn Hạ tầng tính toán tương lai, rất muốn xây dựng hướng chủ đạo là Next Generation Computer, nếu có chuyên gia Vật lý nào muốn về xây dựng từ đầu, quan tâm tới CNTT xin inbox

    AiViet Nguyen
     
  8. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Công nghệ và triệu phú
    Khi Microsoft lên sàn chứng khoán, bốn người lập tức trở thành tỷ phú, 12.000 nhân viên của hãng thành triệu phú.

    Khi cổ phiếu Apple niêm yết, hơn 300 người lập tức trở thành triệu phú. Sau phiên IPO cổ phiếu Google, số người trở thành tỷ phú không được tiết lộ, nhưng trên 900 nhân viên đã thành triệu phú.

    Nghiên cứu chỉ ra, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã tạo ra xấp xỉ 38% việc làm mới tại Mỹ trong thập kỷ qua. Nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ hôm nay vẫn đang tăng trưởng về kích cỡ, liên tục tạo việc làm và đóng góp vào sự thịnh vượng địa phương. Hiện tượng tỷ phú và triệu phú trên chỉ là một biểu hiện dễ thấy.

    Bắt chước theo mô hình Mỹ, hai công ty Trung Quốc, Alibaba và Tencent cũng đã tặng cổ phần cho nhân viên của họ. Và khi họ lên sàn chứng khoán, tuy con số chính xác không được tiết lộ, hàng nghìn nhân viên đã trở thành triệu phú.

    Làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ dâng lên thập kỷ qua đã khuyến khích nhiều người trẻ lao vào khởi nghiệp, mơ ước tạo ra công ty riêng, được dẫn lái bởi giấc mơ rằng họ cũng có thể thành công như Steve Jobs. Nhiều chính phủ cũng nhận ra rằng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có thể trở thành người đi đầu tạo ra đột phá tăng trưởng cho đất nước.

    Nhưng, dường như nhiều người, gồm cả những lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp, chưa có cái nhìn đầy đủ về vai trò của khoa học công nghệ với nền kinh tế, trong đó cốt lõi là tinh thần khởi nghiệp và tạo việc làm.

    Người ta vẫn đưa ra vô số ý kiến về cách mạng công nghiệp thứ tư và ảnh hưởng của nó lên các nền kinh tế. Một số tin rằng tác động này sẽ nghiêm trọng với các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc hơn là các nước Đông Nam Á và châu Phi. Đó là sai lầm. Cuộc cách mạng này sẽ tàn phá các nước đang phát triển nhiều hơn, vì họ đã không chuẩn bị tốt khi nó đến

    Tác động của cách mạng 4.0 có thể được mô tả bằng ba từ: vận tốc, phạm vi và xã hội. "Vận tốc" tức là nó gây ra tác động và biến đổi rất nhanh, thường với tốc độ của Internet. "Phạm vi" nó tác động là với mọi ngành, mọi doanh nghiệp lớn và nhỏ, trên khắp thế giới ở bề rộng. "Xã hội" chỉ chiều sâu của sự tác động, tới mọi người, mọi tầng lớp giàu và nghèo, bất kể họ làm việc gì

    Sự thật là nhiều phát kiến công nghệ như điện toán đám mây, Intenet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robotics, kỹ nghệ Nano, in 3D, xe điện và xe tải tự lái, dữ liệu lớn... đã thay đổi thế giới

    Không lâu trước đây, xe tự lái còn là chuyện khoa học viễn tưởng, ngày nay nó là thực tại. Robots thông minh có thể làm nhiều việc đã từng chỉ xảy ra trong phim, ngày nay là thực tại. Lao động giá rẻ từng được coi là lực lượng then chốt trong nền kinh tế, nhưng ngày nay tự động hoá và robotics mới là ưu thế. Cũng không lâu trước, thuê ngoài (outsourcing) là chiến lược kinh doanh tiên tiến, nhưng ngày nay, việc chuyển công xưởng về công ty để tự động hoá mới là cách tốt nhất để tăng lợi nhuận

    Lịch sử đã mất trên 100 năm để điện thay thế hơi nước, trên 50 năm để điện thoại thay thế điện tín. Nhưng chỉ không đầy 10 năm, robots thay thế nhiều công nhân và chỉ mất 5 năm để văn phòng thông minh thay thế con người. Những công ty vận tải công nghệ trên dưới 5 tuổi đã có thể phá huỷ ngành công nghiệp vận tải, đẩy các tài xế taxi và xe tải ra khỏi sinh kế, chẳng mấy chốc các loại xe ô tô và xe tải cũng không cần người lái. Những công ty mới khởi nghiệp 5 -7 năm đã dễ dàng xô đổ những ngành đã tồn tại hàng trăm năm

    Trong thế giới dần được dẫn lái bằng công nghệ, chúng ta ta cần lực lượng lao động có kỹ năng, giỏi kỹ thuật, có tư duy công nghệ để tương thích với thách thức

    Khi giảng dạy ở các nước châu Á, tôi thấy họ nhắc tới "khởi nghiệp" nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác. Nhưng thực tế, không có nhiều công ty khởi nghiệp lớn thành công ở châu Á

    Một giáo sư châu Á giải thích rằng, phần lớn người phương Đông thích mơ mộng nhưng không mấy ai hành động. Trong văn hoá Á đông, thất bại là thứ tồi tệ. Nhiều người mơ làm Bill Gates hay Steve Jobs nhưng rất ít người chấp nhận rủi ro để bất chấp tất cả với công ty riêng của mình

    Tôi ngạc nhiên, vì để thành công, doanh nhân phải sẵn lòng nhận rủi ro và thất bại như một phần của việc học. Mọi doanh nhân thành công đều trải nghiệm thất bại, kể cả Bill Gates và Steve Jobs. Không ai giàu ngay lập tức. Tôi nghĩ mọi khóa học về khởi nghiệp nên bắt đầu bằng bài học thất bại

    Hệ thống giáo dục của nhiều nước bị tụt lại nhiều năm sau các nước nên điều học sinh đang được dạy gần như lỗi thời. Không thể thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển đội ngũ doanh nhân thế hệ mới nếu dựa trên hệ thống tư duy cũ. Cho dù vẫn có những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, những doanh nhân đã tự học kỹ năng mới từ Internet, nhưng họ là thiểu số

    Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đã ở đây rồi. Nền tảng của mọi công ty khởi nghiệp thành công là công thức: công nghệ là tri thức lõi được hình thành nhờ chiến lược đào tạo mạnh về khoa học và công nghệ

    Muốn thành tựu mới phải buông bỏ kiến thức cũ, cài đặt lại tư duy mới cho người quản lý nhà nước và mọi thầy cô giáo. Những người này sẽ liên tục cập nhật, điều chỉnh chính sách, đào tạo thế hệ tương lai để ứng phó với thay đổi

    Không có số lượng lớn kỹ sư phần mềm, lập trình viên, kỹ sư mạng, chuyên gia dữ liệu và trí tuệ nhân tạo giỏi, không thể có các đế chế như ở thung lũng Silicon. Chúng ta chỉ có thể cải tiến năng suất nền kinh tế nhanh và bền vững bằng cách tập trung thúc đẩy và hỗ trợ các công ty để họ thành công thực sự. Sự thành công của doanh nghiệp sẽ mau chóng cải thiện tính cạnh tranh của đất nước

    Phát triển quốc gia khởi nghiệp thực thụ đòi hỏi chính phủ đổi thay cách nghĩ, hội tụ nhiều hơn vào khoa học và công nghệ thông qua các chính sách thiết thực, đồng thời cải tiến hệ thống giáo dục

    Tôi nói với giáo sư đồng nghiệp rằng không có trọng tâm đúng, giáo dục đúng, quốc gia không thể có hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh. "Cách mạng 4.0" vẫn là cụm từ dùng cho sang nhưng không tạo ra triệu phú nào

    John Vũ
     
  9. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    “Cậu IT” sở hữu số tài sản hơn 400 triệu USD chỉ nhờ viết code
    Nói đến nghề lập trình viên, không ít người có ấn tượng rằng họ là những gã hay mặc áo kẻ sọc, tay xách ba lô, đầu tóc bù xù, không biết xã giao, chỉ biết viết mã. Hơn nữa, nhóm người này thường làm việc khuya và suốt ngày làm thêm giờ, chắt chiu cuộc sống để đổi lấy mức lương cao, nên hầu hết không được lòng mọi người

    Nhưng tất nhiên trong giới lập trình viên cũng có những ngoại lệ. Nhiều gã khổng lồ Internet được tạo ra từ các lập trình viên, chẳng hạn như Lôi Quân của Xiaomi, Steve Jobs của Apple, hay Bill Gates… Đất nước tỷ dân Trung Quốc cũng có một "cậu IT" như vậy, người chỉ nhờ vào tài năng viết mã mà hiện có giá trị tài sản ròng lên tới hơn 2,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 400 triệu USD

    Anh ấy là Cai Jingxian, lập trình viên "cấp thần" của Alibaba, có biệt danh "Duolong", người một tay gây dựng nên nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng Taobao

    [​IMG]
    Cai Jingxian

    Cai Jingxian sinh năm 1976, trong một gia đình nông dân ở tỉnh Chiết Giang. Ngay từ thuở nhỏ, tính cách của anh đã rất nhút nhát, bị giáo viên nhận xét là gần như vô hình trong lớp. Anh gặp nhiều khó khăn với các môn học ngôn ngữ, nhưng lại thể hiện tài năng đặc biệt trong môn toán

    Năm 1994, Cai được nhận vào Đại học Hàng Châu, ban đầu muốn đăng ký học chuyên ngành máy tính, nhưng sau đó bị chuyển sang học chuyên ngành khoa học sinh học. Nhưng điều này không cản trở tình yêu của anh với công nghệ và máy tính. Trong suốt 4 năm đại học, anh dành phần lớn thời gian trong thư viện, trong phòng máy tính và thậm chí vì tò mò nên từng đến tháo máy tính ở văn phòng giáo viên thành từng phần để xem linh kiện bên trong. Sau khi bị la mắng, anh đã ngoan ngoãn lắp nó trở lại bình thường

    Sau khi tốt nghiệp đại học, anh nhận được lời đề nghị từ một công ty ở Nhật Bản, nhưng cuối cùng từ chối để chọn vào đầu quân cho tập đoàn Alibaba, khi đó vẫn còn vô cùng non trẻ

    [​IMG]
    Cai Jingxian, thứ ba từ trái sang, một trong những người đầu tiên gây dựng nền móng cho Alibaba

    Bước ngoặt xảy ra vào năm 2003, khi eBay gián tiếp thâm nhập thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của Alibaba

    Ngày 9/4/2003, CEO Jack Ma gọi Cai Jingxian đến văn phòng và giao cho anh ta một bản hợp đồng mới. Ông hỏi: "Cậu có muốn tham gia vào một dự án bí mật không?"

    Cai không thể đọc hiểu bản hợp đồng vì nó được viết bằng tiếng Anh. Anh hỏi thẳng: "Nó vẫn là viết code phải không?"

    Jack Ma đáp: "Đúng, là viết code"

    Dường như chỉ chờ câu khẳng định của ông chủ, Cai Jingxian đã không cần đọc hợp đồng mà đồng ý tham gia ngay vào việc phát triển dự án mới một cách không do dự. Lúc đó, anh không hề biết rằng dự án mà mình sắp tham gia có tên là Taobao, thứ sau đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh, cũng như cách sống của vô số người dân Trung Quốc

    Cùng với hai lập trình viên khác, trong vòng một tháng, anh đã xây dựng hoàn thiện một trang web tên là "Taobao", bao gồm tất cả các hệ thống giao dịch và hệ thống diễn đàn. Sau khi chính thức ra mắt, với sự gia tăng liên tục của lượng truy cập và nhiều vấn đề bất ngờ khác, việc bảo trì các công cụ tìm kiếm đã trở thành công việc hàng ngày của anh

    Tại thời điểm này, lợi thế về lập trình của Cai đã từng bước được thể hiện. Từ năm 2003 đến năm 2007, anh đã một mình xây dựng và duy trì công cụ tìm kiếm Taobao. Bên cạnh đó, anh cũng đảm nhiệm việc duy trì hệ thống tệp tfs, hệ thống khóa giá trị, bộ nhớ cache, khung giao tiếp...

    Nhờ những nỗ lực của đội do Cai Jingxian dẫn đầu, thị phần của Taobao đã tăng từ 8% lên 59% trong hai năm kể từ khi ra mắt vào năm 2003, vượt qua eBay Trung Quốc, khiến nó giảm mạnh thị phần từ 79% xuống 36%. Thành công đó đã đặt nền móng vững chắc cho việc niêm yết của Alibaba lên sàn chứng khoán năm 2014

    Trước ngày công ty niêm yết, trong bản cáo bạch cuối cùng của Alibaba, công ty đã thêm vào ba "đối tác" mới, một trong số đó là Cai Jingxian. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép anh nắm giữ một số lượng lớn cổ phần của công ty, thậm chí có quyền tham gia bỏ phiếu để xác định ứng cử viên cho ban giám đốc. Nên biết rằng ở hiện tại, Alibaba có hàng trăm nghìn nhân viên nhưng chỉ có không quá 40 đối tác. Và không giống như các giám đốc điều hành và lãnh đạo cao cấp khác của công ty, Cai là người duy nhất trở thành đối tác với tư cách là lập trình viên cấp cao

    Năm 2017, anh lọt vào danh sách những tỷ phú của Tạp chí Hurun Report với giá trị tài sản 2,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 400 triệu USD


    [​IMG]

    Theo các nhân sự trong ngành chia sẻ, các đoạn mã do Cai viết ra hầu như không cần phải thử nghiệm. Đó cũng là một trong các lý do khiến anh được mệnh danh là "lập trình viên cấp thần" của công ty

    Shu Du, tổng giám đốc Alibaba Video Cloud, từng kể một câu chuyện về anh như sau: "Một lần, nhóm của chúng tôi phải giải quyết một vấn đề kỳ lạ là máy chủ bị sập mà không có lý do. Chúng tôi mất ba ngày nhưng không tìm ra nguyên nhân. Vì vậy, tôi đã đến hỏi Cai. Tôi thấy anh ấy liếc nhìn nó khoảng 3 phút và sau đó đưa ra đáp án cho vấn đề. Chúng tôi hoàn toàn đứng hình khi thấy nó"

    Theo Shudu, trước năm 2009, Alibaba không có một nhóm riêng nào chịu trách nhiệm để giải quyết các lỗi kỹ thuật. Thường vào nửa đêm, Cai bị gọi dậy để giải quyết và khắc phục sự cố. Thậm chí khi được đồng nghiệp nhờ, anh vẫn luôn cáng đáng hộ mà không hề từ chối

    "Cai là một người kì lạ, luôn ngồi một góc để giải quyết vấn đề khó khăn của người khác. Anh ấy ngồi trước máy tính ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, liên tục bận rộn với Taobao và những dự án khác của Alibaba", Xingdian, giám đốc công nghệ của Alibaba kể lại. "Anh ấy thậm chí có thể giải quyết một số vấn đề kỳ lạ của người khác một cách nhanh chóng, ngay cả khi chưa bao giờ đụng đến"

    Một đồng nghiệp của Cai cũng từng chia sẻ: "Anh ấy làm những việc một mình nhưng tương đương với cả một đội. Ví dụ như viết một hệ thống tệp, công việc đòi hỏi lượng lớn nhân sự, có khả năng là một nhóm dự án, hoặc thậm chí toàn bộ công ty. Nhưng anh ấy tự làm một mình từ đầu đến cuối. Nó đã được hoàn thành trong một thời gian ngắn. Và thậm chí đó không phải là tất cả công việc của anh ấy, bởi anh ấy còn làm nhiều việc khác cùng lúc"

    Nhưng với Cai, quan điểm của anh lại đơn giản hơn nhiều

    Anh nói: "Không có cái gọi là thần thánh ở đây. Mọi thứ thực sự bắt đầu từ việc thực hiện các dự án. Khi mới bắt đầu, tôi thực sự không hiểu gì cả. Ví dụ, khi tôi tham gia Alibaba năm 2000, tôi thậm chí còn không hiểu gì về Java. Khi bạn gặp một vấn đề trong công việc, hãy tìm kiếm thông tin, sau đó tìm hiểu và hiểu nó. Chỉ cần bạn sẵn sàng bỏ thời gian và công sức thì tự nhiên bạn sẽ làm được"

    "Cuối tuần mình cho con đi chơi Cung thiếu nhi, trong lúc chờ thì cầm máy tính xem tài liệu hay viết code. Nhiều trường hợp thực sự không có đường tắt, chỉ phụ thuộc vào bạn có chịu dành thời gian hay không thôi", anh chia sẻ thêm

    "Hãy học cách tóm tắt. Ví dụ, nếu bạn thường làm một số công việc lặp đi lặp lại, bạn có thể tạo một công cụ để giải phóng bản thân khỏi công việc lặp đi lặp lại này. Tìm ra vấn đề, giải quyết chúng và không bỏ qua chính vấn đề đó. Các kỹ sư phải cố gắng để đạt được sự xuất sắc trong viết mã, cho dù đó là hiệu suất, hay sự đơn giản và sang trọng, họ phải cẩn thận đánh bóng công việc của chính mình"

    [​IMG]
    Cai Jingxian không giỏi ăn nói, không giỏi ngoại giao, không chơi mạng xã hội. Nhìn chung, mọi người rất khó để nhìn thấy anh ở nơi công cộng

    Có một khu vườn nhỏ trong khuôn viên của Alibaba, nơi các nhân viên sẽ đi dạo vào thời gian rảnh. Nhưng Cai hầu như không bao giờ đến đó. Mỗi ngày, anh đều chỉ tới quán cà phê gần công ty nhất để ăn sáng, sau đó trở về chỗ ngồi và gõ máy tính

    Anh được mọi người nhận diện với mái tóc đầu đinh và chiếc túi đựng máy tính đeo vai màu đen, trông giống như một sinh viên đại học. Bàn làm việc của anh thậm chí còn đơn giản hơn, với một cuốn sổ, điện thoại di động, và một chiếc cốc giữ nhiệt được tặng trong một sự kiện của công ty

    Năm 2010, một cuộc thi bóng bàn được tổ chức trong nội bộ nhân viên. Trận chung kết được diễn ra tại khu giải trí, chỉ cách chỗ Cai ngồi khoảng 20m. Tất cả mọi người đều bị thu hút quanh bàn bóng, chỉ có anh dường như vẫn bị mắc kẹt trên ghế làm việc trong toàn bộ thời gian này

    Có lẽ thành công của Cai Jingxian là do anh đã chọn đúng ngành và đi theo đúng người. Nhưng, lý do cơ bản nhất chính là tình yêu của anh với lập trình. Còn trong mắt cộng sự, tài năng của Cai ngoài thiên phú thì chính là đến từ việc học tập và làm việc chăm chỉ, giống như câu nói huyền thoại của Lý Tiểu Long: "Ta không sợ người luyện 10.000 chiêu, ta chỉ sợ người luyện một chiêu 10.000 lần"
     

Chia sẻ trang này