Alibaba

Thảo luận trong 'Alibaba' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 20/6/17.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Năm 2036, Alibaba sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
    Tại ngày hội nhà đầu tư hàng năm của Alibaba diễn ra vào tuần trước, Jack Ma đã vạch ra mục tiêu biến Alibaba trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2036, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản

    Lãnh đạo một số tập đoàn trên thế giới đôi khi cũng hay đề cập đến cách công ty của họ vượt qua những rào cản của quốc gia. Tại Trung Quốc, các doanh nhân lại có xu hướng thận trọng khi đề cập về những rào cản từ phía chính phủ và tránh những luận điểm tương tự. Tuy nhiên, vào tuần trước, tỷ phú Jack Ma đã "phá lệ"

    Tại ngày hội nhà đầu tư hàng năm của Alibaba, vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc này đã vạch ra tầm nhìn dài hạn để biến công ty do chính ông sáng lập trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới cho vào năm 2036, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản. Điều đáng nói là hầu hết các doanh nhân ở Trung Quốc đều không dám so sánh như vậy

    “Mọi người có thể cho rằng tham vọng này quá lớn. Nhưng tưởng tượng lớn một chút cũng không sao, phải không ?”, Jack Ma nói về tham vọng của Alibaba

    Rất nhiều người không khỏi “nhún vai”, tỏ ý không hài lòng trước phát ngôn này của Jack Ma. Tuy nhiên, Jack Ma có lý của ông. Để minh chứng cho tham vọng này, ông đã dựa vào dự đoán về số lượng hàng hóa giao dịch trên những nền tảng của công ty và số lượng khách hàng tiềm năng

    Theo đó, doanh thu năm 2016 của Alibaba đạt 23,5 tỷ USD - vẫn khá nhỏ so với con số 90 tỷ USD của Alphabet hay 136 tỷ USD của Amazon. Tuy nhiên, "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba theo Jack Ma mô tả "vẫn chỉ là một đứa trẻ" và còn rất nhiều tiềm năng để "trưởng thành"

    Tại hàng Châu, trước hàng nghìn nhà đầu tư toàn cầu, Jack Ma tự tin cho rằng công ty của ông một ngày sẽ trở thành một trong những nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới thông qua việc phục vụ 2 tỷ người và giúp 10 triệu doanh nghiệp nhỏ buôn bán tự do trên các website nền tảng của công ty này

    Nhiều năm qua, Jack Ma đã không ngần ngại xây dựng hình ảnh một doanh nhân có phần "nổi loạn" vượt ra ngoài bức tường "ưu ái" cho doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Trung Quốc, để nỗ lực thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp tư nhân và trở thành một tỷ phú đô la trong quá trình đó

    Hiện tại, ngoài trụ sở chính ở Trung Quốc, Jack Ma đang nhanh chóng mở rộng thị trường của Alibaba ra các khu vực khác như châu Phi hay Đông Nam Á. Khi Chính phủ Trung Quốc đang tích cực xúc tiến thực hiện sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, Jack Ma cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội để mở rộng Alibaba tại các khu vực này. Riêng năm ngoái, ông đã dành hơn 870 giờ ghé thăm 40 nước để gặp gỡ lãnh đạo nhiều quốc gia

    Những hoạt động này của Jack Ma cũng là tiền đề giúp ông có thể đạt mục tiêu thu hút hàng tỷ khách hàng vào năm 2036. Theo tính toán của riêng Jack Ma, Trung Quốc sẽ chỉ có thể cung cấp 40% thị phần trong tham vọng của Alibaba, phần còn lại sẽ đến từ nước ngoài. Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” sẽ giúp ông thiết lập nền tảng thương mại trên toàn cầu. Ngay cả lời hứa của ông với Tổng thống Donald Trump là tạo ra 1 triệu việc làm tại Mỹ cũng là một phần của kế hoạch đó

    Kiều Châu
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tại sao Alibaba sẽ là nền kinh tế số 5 thế giới
    Hầu hết các tỷ phú công nghệ như Bill Gates (Microsoft), Steve Job (Apple), Larry Ellison (Oracle), Michael Dell (Dell), Jeff Bezos (Amazon), Larry Page (Google), Mark Zuckerberg (facebook)... đều là những người xuất phát từ công nghệ, giỏi kinh doanh, giỏi lãnh đạo

    Riêng Jack Ma lại không nằm trong số đó, Jack Ma xuất phát từ giáo viên tiếng Anh, không biết phần mềm, không biết CNTT, không biết công nghệ, không biết tài chính. Thế mà Jack Ma lại là chủ của công ty về dịch vụ điện tử dùng CNTT làm nền tảng, có giá trị công ty lên đến 352 tỷ USD

    Cách đây một tuần Jack Ma vừa có tuyên bố gây sốc: "20 năm nữa, Alibaba sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới". Để thấy hết ý nghĩa của câu nói, bạn hãy hình dung rằng: theo Jack Ma đến năm 2036, các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Alibaba, Anh (đã ra khỏi châu Âu), Ấn Độ...

    Vậy thì điều đặc biệt gì đã giúp Jack Ma vượt qua các rào cản để trở thành tỷ phú giầu nhất châu Á, đứng thứ 14 trong số những tỷ phú giầu nhất thế giới, ông chủ của một công ty đang ngày càng lớn mạnh với sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, dám đặt khát vọng đưa công ty của mình trở thành một nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới

    Theo tôi yếu tố quan trọng nhất chính là Jack Ma có triết lý sống, triết lý kinh doanh, triết lý lãnh đạo xuất sắc, vượt trội, đi trước thời đại cộng với năng lực hành động kiên định, theo đuổi mục tiêu đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc

    Khi mà hầu hết mọi lãnh đạo chỉ nói về doanh số, lợi nhuận, tăng trưởng, văn hoá công ty, tinh thần đồng đội thì Jack Ma nói về "công ty hạnh phúc", "mỗi nhân viên thấy hạnh phúc khi làm việc ở Alibaba", "Alibaba không chỉ là một nơi làm việc, Alibaba còn là một giấc mơ, nơi khởi đầu cho những thành công mới"

    Khi mà các tỷ phú khác chỉ mới nghĩ đến việc hiến một phần tài sản cho công việc từ thiện thì Jack Ma lại coi khi đã thành tỷ phú thì đấy không phải là tiền của mình nữa mà là tiền của xã hội uỷ thác cho mình để đầu tư, sinh lời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác

    Sống trong một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, xã hội có rất nhiều vấn đề bất cập. Thay vì bức xúc, Jack Ma nhìn nhận vấn đề hết sức nhân văn: "Con người ta không có ai là hoàn hảo. Xã hội được xây dựng trên những con người không hoàn hảo, nên xã hội cũng không hoàn hảo". Vì vậy Jack Ma cho rằng "việc thay đổi thế giới là việc của Obama, còn chúng ta trước hết hãy tự thay đổi chính mình". Ngược lại rất nhiều người chỉ biết kêu ca, phàn nàn, oán trách, chỉ trích, mong muốn chính quyền, lãnh đạo các cấp, mọi người xung quanh thay đổi, còn mình thì không hề thay đổi. Vì thế mà họ kém thành công

    Trước những tiêu cực của xã hội rất nhiều người thường xuyên kêu ca, phàn nàn, than vãn, oán trách, nhưng Jack Ma nhận thức rất nhanh: "kêu ca, phàn nàn, than vãn, oán trách cũng chẳng ích gì cho bản thân", "tốt nhất là mỗi người tự làm tốt nhất công việc của mình thì xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn"

    Về kinh doanh khi lập Alibaba, Jack Ma không chỉ nhìn thấy tương lai của thế giới là Internet, là thương mại điện tử, mà Jack Ma còn nhìn thấy như thế là chưa đủ với những nước kinh tế đang phát triển, với hệ thống vận chuyển, hệ thống thanh toán còn sơ khai. Jack Ma đã quyết định Alibaba phải giúp người mua, người bán vận chuyển hàng hoá, thanh toán tiền hàng. Chính vì vậy Jack Ma quyết định Alibaba không phải là công ty thương mại điện tử mà là công ty dịch vụ điện tử, nghĩa mô hình online kết hợp với offline (mua bán online, vận chuyển và thanh toán offline)

    Thông điệp đơn giản, dễ hiểu: "mọi doanh nghiệp trên thế giới đều mua bán dễ dàng" đã định hướng cho toàn bộ hoạt động của Alibaba, từ lãnh đạo đến nhân viên; Định hướng cho tất cả các khách hàng, đối tác của Alibaba, dù là người mua hay người bán, dù doanh nghiệp vừa hay nhỏ

    Nếu ai thấu hiểu những điều trên thì sẽ dễ dàng hiểu lý giải sau của Jack Ma: "Nếu một công ty có thể phục vụ được 2 tỷ người tiêu dùng, bằng 1/3 dân số thế giới. Nếu một công ty có thể tạo ra 100 triệu việc làm, có lẽ là lớn hơn tất cả những gì các chính phủ trên thế giới có thể làm. Nếu một công ty có thể hỗ trợ cho 10 triệu doanh nghiệp, giúp họ có lợi nhuận trên nền tảng của mình, thì nó xứng đáng được gọi là một nền kinh tế”

    Phải mất 20 năm nữa chúng ta mới biết Alibaba có thực sự trở thành nền kinh tế lớn số 5 thế giới hay không, nhưng ngay từ bây giờ chúng ta đã và đang được chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của Alibaba, không phải chỉ ở Trung Quốc, mà ở cả châu Á, châu Âu và châu Phi cũng như chứng kiến một con người có sức mạnh kỳ diệu, chỉ cao có 1m52 lại đủ sức nâng bổng dăm chục nghìn nhân viên và 450 triệu khách hàng của mình

    Đỗ Cao Bảo
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    30 năm tới, con người sẽ chỉ làm 4 giờ một ngày
    Ông chủ Alibaba cho rằng trong tương lai, con người sẽ ngày càng làm việc ít hơn, nhờ sự xuất hiện của máy móc

    Bên lề hội thảo Gateway '17 của Alibaba tại Detroit (Mỹ) hôm qua, Jack Ma dự báo rằng với tự động hóa, trong 3 thập kỷ tới, con người sẽ chỉ làm 4 giờ một ngày và có thể 4 ngày mỗi tuần. "Ông tôi đã làm 16 tiếng một ngày trên đồng và nghĩ rằng ông ấy rất bận rộn. Chúng ta thì làm 8 giờ một ngày, 5 ngày một tuần và cũng nghĩ là mình rất bận rộn"

    Đây cũng là điều nhà kinh tế học nổi tiếng - John Maynard Keynes từng dự báo năm 1930. Ông nói rằng 100 năm tới, tuần làm việc sẽ ngắn hơn nhiều, khoảng 15 giờ mỗi tuần, do máy móc sẽ thay thế công việc của con người

    [​IMG]
    Jack Ma tại hội thảo Gateway '17

    Cũng trong hội thảo, Jack Ma cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể châm ngòi cho Đại chiến Thế giới III. "Cuộc cách mạng công nghệ đầu tiên đã dẫn đến Đại chiến I. Cuộc cách mạng lần thứ 2 gây ra Đại chiến 2. Và hiện tại là cuộc cách mạng lần thứ 3", ông nói

    Tuy nhiên, con người sẽ chiến thắng trí tuệ nhân tạo. Vì máy móc không bao giờ có trí tuệ và kinh nghiệm như loài người

    "Trí tuệ đến từ trái tim. Sự thông minh của máy móc thì đến từ bộ não. Anh có thể bắt máy móc học thêm kiến thức mới. Tuy nhiên, nó rất khó có được trái tim như con người", ông nói

    Mục tiêu của trí tuệ nhân tạo là khiến máy móc làm những việc con người không thể làm, thay vì khiến chúng giống như con người, Ma cho biết. Vì thế, dù "máy móc có sức mạnh rất lớn, con người vẫn sẽ vượt qua được trí tuệ nhân tạo"
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Hiện tượng lạ cho thấy Alibaba, Tencent đang trở thành một ‘thế lực’ thật sự ở Trung Quốc

    Người dân chê tiền mặt, chỉ thích thanh toán bằng WeChat, Alipay !

    [​IMG]
    Một hiện tượng kinh tế ‘táo bạo’ đang xảy ra ở Trung Quốc. Nó không liên quan đến nợ nần, chi tiêu cơ sở hạ tầng hay các chủ đề kinh tế lớn nào ngày nay, mà nó liên quan đến tiền mặt. Đó là cách Trung Quốc đang từng bước loại bỏ tiền giấy và tiền xu nhanh chóng và có hệ thống

    Hầu hết tất cả mọi người ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang sử dụng một chiếc điện thoại thông minh để thanh toàn cho gần như tất cả mọi thứ. Ở các nhà hàng, một người bồi bàn sẽ hỏi bạn có muốn sử dụng WeChat và Alipay – 2 lựa chọn thanh toán trên điện thoại – trước khi đề cập đến tiền mặt như một hình thức trả tiền thứ ba

    Quá trình chuyển tiếp diễn ra một cách nhanh chóng. Chỉ 3 năm trước không có chuyện gì xảy ra cả, mọi người vẫn còn sử dụng tiền mặt

    Richard Lim, giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm GSR Ventures, cho biết: “Từ quan điểm kỹ thuật, đây có lẽ là một trong những đổi mới quan trọng nhất xảy ra đầu tiên tại Trung Quốc”

    Một khách hàng quét mã QR để trả bữa sáng sử dụng WeChat, một ứng dụng nhắn tin đã trở nên thiết yếu trong đời sống hằng ngày

    Thanh toán qua smartphone đang trở thành một ‘thế lực’ thật sự ở Trung Quốc

    Đến từ một nước khác, người viết khó có thể tưởng tượng được rằng trong khi Facebook, Google bị chặn hoàn toàn thì ứng dụng WeChat quan trọng như thế nào đối với đời sống thường nhật cho đến khi người thứ 6 trong ngày yêu cầu quét mã QR của bạn – một loại mã vạch – để kết nối điện thoại 2 người

    Thanh toán qua điện thoại thông minh đang trở thành một ‘thế lực’ thật sự ở Trung Quốc. Theo số liệu của công ty tư vấn iResearch, vào năm 2016, thanh toán qua điện thoại của Trung Quốc đạt 5,5 nghìn tỷ USD, gấp khoảng 50 lần con số 112 tỷ USD ở thị trường Mỹ

    Mặc dù vậy, sự thay đổi về văn hóa chỉ có thể được cảm nhận trực tiếp. Sự thay đổi này đặc biệt sâu sắc ở Thượng Hải. Giả sử, bạn không thể kết nối tài khoản ngân hàng với WeChat, chiếc ví ảo cho rất nhiều người và bạn phải đi lại trong thành phố này sử dụng một tập tiền 100 Nhân dân tệ, thì những việc này sẽ xảy ra với bạn

    Tại các cửa hàng cà phê và nhà hàng, bạn sẽ làm mọi người xếp sau phải chờ đợi khi mò mẫm ví và rút những tờ tiền để thanh toán cho người thu ngân. Nếu bạn đói, bạn sẽ phải ra ngoài tìm một nhà hàng, trong khi những đồng nghiệp của bạn có thể mua những bát mỳ, đồ tạp hóa và cà phê thông qua việc trả tiền trên điện thoại. Nếu bạn phải đi đâu đó, bạn không thể mở khóa một trong những chiếc xe đạp được sử dụng phổ biến nằm trong cơn sốt xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc

    Ngay cả những người hát rong cũng hiện đại hơn bạn. Những nhạc sĩ đường phố ở một số thành phố của Trung Quốc dựng những tấm bảng với mã QR để người qua đường có thể chuyển tiền típ trực tiếp cho họ

    Shiv Putcha, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu IDC, cho biết: “Nó đã trở thành một phần mặc định của cuộc sống. Mỗi doanh nghiệp và thương hiệu ở Trung Quốc đã tham gia vào hệ sinh thái này”

    Tiềm năng lớn của thanh toán di động

    Một số quốc gia Scandinavia cũng đã loại bỏ tiền mặt nhưng vẫn thường xuyên sử dụng thẻ. Ở Trung Quốc, thay đổi lại đến từ những chiếc điện thoại. Điều này có nghĩa là Tencent và công ty con của Alibaba về mảng tài chính, Ant Financial, 2 công ty internet Trung Quốc đứng sau WeChat và Alipay đang ngồi trên một mỏ vàng khổng lồ

    Cả 2 công ty đều có thể kiếm tiền từ các giao dịch, tính phí các công ty khác đang sử dụng nền tảng thanh toán của họ cùng lúc đó thu thập thông tin thanh toán của khách hàng để sử dụng cho quảng cáo

    Ông Lim cho biết theo các số liệu gần đây, Ant Financial và Tencent sẽ vượt qua các công ty tín dụng như Visa và Mastercard về tổng số giao dịch/ngày trong năm tới. Nguyên nhân chính là do 2 công ty có thể cung cấp phương thức thanh toán giá rẻ. Chúng cho phép những người làm ăn nhỏ chỉ cần sử dụng một bản in đơn giản của mã QR hoặc điện thoại thay vì một chiếc máy đọc thẻ tốn kém. Một hệ thống tầng sau lưu lại lịch sử thanh toán của người dùng thay vì phải liên hệ với ngân hàng, điều này cũng giúp giảm chi phí

    Du Tencent không công khai khoản tiền công ty này kiếm được từ thanh toán di động. Trong báo cáo doanh thu quý 4 năm 2016, lợi nhuận từ mục “dịch vụ khác” của Tencent đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái đạt 6,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, hay 940 triệu USD, hầu hết là nhờ thanh toán di động

    Và những thách thức

    Việc hoàn toàn chào đón thanh toán di động của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một số vấn đề tiềm năng trong tương lai

    Khi quốc gia xây dựng một nền kinh tế tiêu dùng xoay quanh 2 nền tảng thanh toán điện thoại thông minh tư nhân, nó đang dần dần ‘đóng cửa’ với những người không tiếp cận được những mạng lưới này, và phụ thuộc nền kinh tế vào những công ty này

    Ở cấp độ đơn giản nhất, nó khiến cuộc sống của những khách du lịch và những người đi công tác trở nên khó khăn khi họ khó có thể mở một tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc, do đó khó có thể biến những chiếc điện thoại trở thành những chiếc ví ảo

    Nói rộng hơn, những doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Những công ty nước ngoài muốn bán hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc phải hợp tác với Alibaba và Tencent hoặc phải đối mặt với nguy cơ không nhận được tiền. Tương tự, các công ty Trung Quốc phụ thuộc vào Alibaba và Tencent phải xây dựng những bộ phận riêng biệt để làm việc với một thế giới bên ngoài vẫn được chiếm ưu thế bởi Facebook, Google và thẻ tín dụng

    [​IMG]

    Alibaba và Tencent đang đẩy mạnh việc mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc để đảm bảo dịch vụ “đẻ trứng vàng” của họ không bị biến mất nhanh chóng. Tuy nhiên, khả năng về một sự cạnh tranh là chưa thực sự rõ ràng

    Ông Lim nói: “Câu hỏi triệu đô là liệu các công ty phương Tây có quyết định xây dựng một hệ thống và cạnh tranh hay không? Câu trả lời có lẽ là CÓ”

    K Nguyễn
     
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Alibaba chi 15 tỉ đô la xây dựng mạng lưới logistics toàn cầu
    – Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba hôm 26-9 thông báo sẽ đầu tư 100 tỉ nhân dân tệ (15,1 tỉ đô la Mỹ) trong 5 năm tới để xây dựng mạng lưới kho vận (logistics) toàn cầu, theo Reuters[​IMG]

    Alibaba cho biết khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để phát triển công nghệ dữ liệu và cải thiện hệ thống nhà kho cũng như mạng lưới giao nhận. Mục tiêu của Alibaba là bảo đảm giao hàng trong vòng 24 tiếng ở Trung Quốc và trong vòng 72 giờ ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới

    Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Alibaba đang nhanh chóng mở rộng hoạt động thương mại điện tử và mạng lưới kho vận ở nước ngoài, bao gồm các kênh bán hàng trực tiếp ở Indonesia, Thái Lan và Philippines sau khi Alibaba đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ vào công ty thương mại điện tử Lazada

    Cùng ngày, Alibaba cho biết đầu tư 5,3 tỉ nhân dân tệ (800 triệu đô la Mỹ) vào Công ty logistics Cainiao (Trung Quốc) để nâng cổ phần tại Cainiao từ 47% lên 51%. Khoản đầu tư này sẽ nâng mức định giá của Công ty logistics Cainiao, một liên doanh giữa Alibaba và bảy công ty khác, lên con số 20 tỉ đô la Mỹ

    “Cam kết của chúng tôi đối với Cainiao và kế hoạch đầu tư thêm vào lĩnh vực kho vận chứng tỏ quyết tâm của Alibaba nhằm xây dựng một mạng lưới kho vận hiệu quả nhất ở Trung Quốc và trên toàn thế giới”, Daniel Zhang, Giám đốc điều hành Alibaba, nói

    Khoản đầu tư mới nhất vào Cainiao cũng cho thấy tham vọng Alibaba nhằm kiểm soát thị trường giao nhận và nhà kho ở Trung Quốc đang ngày càng mang tính cạnh tranh cao

    Chánh Tài
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/11/18
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Startup Trung Quốc hút gần một nửa vốn đầu tư mạo hiểm trên thế giới
    Trung Quốc vượt qua Bắc Mỹ trong việc thu hút vốn đầu tư mạo hiểm khi các nhà đầu tư muốn nhắm tới nền kinh tế với 1,4 tỷ người này...


    [​IMG]
    Ant Financial vừa có vòng gọi vốn huy động 14 tỷ USD vào tháng trước

    Trong quý 2/2018, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua khu vực Bắc Mỹ trong thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, chủ yếu nhờ vòng gọi vốn "khủng" của startup Ant Financial Services - công ty con của Tập đoàn Alibaba

    Vốn mạo hiểm rót vào các startup Trung Quốc chiếm tới 47% tổng số trên toàn cầu trong quý 2, còn tỷ lệ của Mỹ và Canada là 35%, theo một báo cáo của Crunchbase

    Kết quả này được cho là nhờ vào vòng gọi vốn huy động 14 tỷ USD của Ant Financial vào tháng trước với các nhà đầu tư gồm Singapore's GIC, Temasek Holdings, Warburg Pincus, Canada Pension Plan Investment Board và Silver Lake. Vòng gọi vốn này đưa định giá của Ant Financial lên 150 tỷ USD, gần gấp đôi so với định giá của startup Mỹ Uber

    Không tính Ant Financial, số vốn huy động được của các startup Trung Quốc trong quý 2 tăng nhẹ so với quý trước, chiếm khoảng 36% toàn cầu, theo Crunchbase

    Vài năm trở lại đây, Trung Quốc chứng kiến sự nở rộ của các startup khi chính phủ cam kết sẽ hành động nhiều hơn nữa để thực hiện chiến lược phát triển theo hướng đổi mới nhằm giúp đất nước trở nên cạnh tranh hơn

    Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi từ vị thế công xưởng của thế giới trở thành quốc gia hàng đầu về công nghệ

    Các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót hàng tỷ USD vào những lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo cho tới blockchain, bị thu hút bởi triển vọng tạo ra Alibaaba, Tencent hay Baidu tiếp theo của Trung Quốc, còn người sáng lập trở thành những tỷ phú như Jack Ma, Ma Huateng...

    Trung Quốc là thị trường đầy tiềm năng với 1,4 tỷ người đang ngày càng kết nối với Internet và chi tiêu vào mọi thứ từ giải trí cho tới chăm sóc sức khỏe nhiều hơn

    Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Zero2IPO tại Trung Quốc, tiêu dùng cá nhân, chăm sóc sức khỏe và y tế, công nghệ và thông tin là những lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất tại nước này trong tháng 5

    Theo tờ South China Morning Post, trên thực tế, báo cáo của Crunchbase chưa thể hiện hết khối lượng vốn đầu tư mạo hiểm rót vào startup Trung Quốc bởi chỉ theo dõi những vòng gọi vốn lớn

    Năm 2017, các thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm trên thế giới đạt giá trị kỷ lục 182 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2016, kể cả khi số lượng thương vụ giảm, theo hãng dịch vụ dữ liệu Preqin. Trong đó, Mỹ đứng đầu danh sách với số vốn thu hút được chiếm tỷ lệ 42%, tương đương hơn 76,4 tỷ USD, Trung Quốc xếp thứ 2 với 65 tỷ USD - tương đương 36%

    Đức Anh
     
  7. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tiềm lực quá dồi dào, Alibaba và Tencent đang "bóp nghẹt" các Startup

    [​IMG]

    Ngày càng có nhiều công ty cảnh báo rằng thương vụ với các ông lớn có thể là một cái bẫy. Họ phải trả giá khi nhận được sự hậu thuẫn từ những gã khổng lồ này

    Tính đến thời điểm này, ngày càng có nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc chào sàn tại Mỹ, đều là nhờ vào khoản đầu tư rất lớn của Alibaba cũng như Tencent. Thế nhưng, khi xem xét hồ sơ IPO của các công ty Trung Quốc, có thể thấy rằng các công ty startup hưởng lợi từ những khách hàng và nguồn tiền mà Alibaba và Tencent cung cấp, thì những thương vụ đó lại như một cái bẫy. Những công ty này cho Alibaba và Tencent quyền biểu quyết và phủ quyết ngang hàng với vị trí trong hội đồng quản trị, dẫn đến những xung đột lợi ích về việc thuê, sáp nhập và mua lại, cùng những quyết định mang tính chiến lược khác. Đồng thời khiến cho các công ty startup phải dựa dẫm nhiều hơn vào những công ty lớn

    Có đến gần 20 công ty đã "đánh dấu" Tencent hoặc Alibaba chính là yếu tố rủi ro đối với những đợt IPO của họ trong vòng 2 năm qua. Trong số đó có Meituan Dianping, gã khổng lồ dịch vụ giao thực phẩm, đã huy động được 6 tỷ USD vốn trong đợt IPO tại Hồng Kông và Pinduoduo, một trang web mua sắm trực tuyến, cảnh báo: "Thất bại trong việc duy trì mối quan hệ với Tencent có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của chúng tôi"

    Quyền lực của Alibaba, Tencent và Baidu đã trở nên bành trướng và là điều chưa từng thấy, khi họ đưa ra quyết định công ty nào sẽ thành công hoặc thất bại. Và trái lại, sự bành trướng đó không chỉ thể hiện mức độ ảnh hưởng thực sự của họ

    Alibaba cho biết những khoản đầu tư và quan hệ đối tác của họ được thiết lập để giúp những công ty khác phát triển song song với các dịch vụ riêng của họ. Tencent không đưa ra phản hồi về việc này

    Đương nhiên, những gã khổng lồ công nghệ ở Mỹ cũng bị chỉ trích vì các hoạt động mang tính độc quyền. Sự khác biệt ở đây là, Amazon, Apple và Facebook có xu hướng mua lại và sáp nhập những công ty đó hơn là việc "chống lưng" trên con đường đi tới IPO, vì thế những xung đột như ở Trung Quốc là điều dường như không thể

    Tuy vậy, cũng có trường hợp ngoại lệ. Vào năm ngoái, Microsoft và Facebook là những nhà đầu tư đầu tiên vào công ty thương mại điện tử của Ấn Độ - Flipkart (hiện thuộc quyền sở hữu của Walmart). Quỹ GV của Alphabet cũng đã đầu tư vào khá nhiều những đợt pre-IPO của các công ty startup với hơn 1 tỷ USD cho mỗi đợt, trong đó có Uber Techonologies và Stripe Inc. Nhưng trong khi GV đầu tư vào 300 công ty thì, con số của Tencent lại lên đến 600

    Tencent và Alibaba đã tài trợ cho 45% trong số 77 công ty tại Trung Quốc. Hai gã khổng lồ, hiện đang nắm giữ 60 tỷ USD tiền mặt, đã sử dụng nguồn tiền này với mục đích đổi mới và đưa Trung Quốc lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại cho rằng việc nhận được sự hậu thuẫn từ những công ty này lại báo hiệu các nhà đầu tư nên thật sự cẩn thận. Xu Chenggang, giáo sư kinh tế học tại Cheung Kong Graduate School of Business cho hay: "Với số tiền đầu tư lớn như vậy, rất khó để chắc chắn rằng họ thận trọng như thế nào với những thương vụ này"

    Pinduoduo (PDD) chắc chắn sẽ chẳng thể tồn tại nếu không có We Chat của Tencent. Nền tảng này giúp PDD có được 344 triệu người sử dụng, họ được giảm giá khi giới thiệu đến bạn bè các ứng dụng khác khi sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên đợt IPO hồi tháng 6 vừa rồi của PDD là hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư rằng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu không duy trì mối quan hệ đối tác với Tencent, hiện đang nắm giữ 17% cổ phần của PDD

    Khi những người đứng đầu của các công ty này bất đồng với những ông lớn đang hậu thuẫn, thì họ thường có xu hướng thoả hiệp. Tencent hiện là cổ đông lớn nhất của Meituan Dianping (nắm giữ 20% cổ phần, nhà sáng lập Wang Xing nắm giữ 11%) và họ sử dụng các ứng dụng tin nhắn của Tencent để thu hút khách hàng cho các dịch vụ đặt chỗ tại nhà hàng, giao thực phẩm của mình

    Trong hồ sơ IPO, công ty này cho biết Tencent đã giúp họ phát triển không ngừng, nhưng cũng cảnh báo các nhà đầu tư về việc "các lựa chọn bị hạn chế" đối với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và thanh toán tại Trung Quốc. Meituan còn nói thêm, nếu họ không duy trì mối quan hệ đối tác với Trung Quốc thì các hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề

    Khi Sogou - công cụ tìm kiếm lớn thứ hai của Trung Quốc chính thức cổ phần hoá vào năm ngoái, Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã yêu cầu họ tiết lộ thêm thông tin về mối quan hệ với Tencent. Sau đó, Sogou đưa ra lời cảnh báo với các nhà đầu tư về việc họ hoàn toàn có thể mất đi lợi thế kinh doanh nếu không còn là công cụ tìm kiếm mặc định trên We Chat và những nền tảng khác của Tencent

    Công ty còn cho biết, Tencent có thể lựa chọn một nhà cung cấp dịch vụ khác hoặc tự tạo ra công cụ tìm kiếm của riêng mình. Tencent nắm giữ 52% quyền biểu quyết tại Sogou và có thể chấm dứt thoả thuận độc quyền vào tháng 9 năm nay

    Ngoài ra, China Literature, nền tảng đọc sách lớn nhất Trung Quốc cũng có lời cảnh báo tương tự tại đợt IPO hồi tháng 11 năm ngoái, rằng họ nắm giữ nhiều hơn 53% cổ phần có nghĩa là "những quyết định của Tencent liên quan đến chúng tôi hoặc hoạt động kinh doanh có thể giải quyết theo cách ủng hộ Tencent" và điều đó "có thể không mang lại lợi ích cho chúng tôi và các cổ đông khác." Mới đây, vào ngày 14 tháng 8, cổ phiếu của China Literature đã giảm đến 17%, mức giảm cao nhất kể từ IPO, sau khi công ty này đạt được thoả thuận mua lại New Classics Media Corp., một công ty con của Tencent với 2,3 tỷ USD

    Tencent "nhanh chân" hơn Alibaba trong việc rót vốn vào những công ty trên con đường đến IPO. Điều đó có thể là do chiến lược phát triển của họ phụ thuộc vào 1 tỷ tài khoản We Chat. Gã khổng lồ công nghệ phải thu hút sự chú ý của khách hàng bằng dịch vụ của những công ty khác, ví dụ như PDD hay Meituan, để lấy phí quảng cáo hoặc các loại phí khác. Họ cũng mua lại một số công ty thuộc lĩnh vực liên quan đến những hoạt động kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là công ty phát triển trò chơi Supercell Oy. Tuy nhiên, họ thường không muốn chạy cùng một lúc tất cả các ứng dụng và dịch vụ phụ trợ này, bởi họ chỉ muốn giảm bớt các loại chi phí

    Ngược lại, các doanh nghiệp thương mại điện tử của Alibaba lại kiếm tiền dựa vào lượng truy cập để phát triển. Đó lại một phần lý do tại sao công ty này lại thường mua và sáp nhập các công ty startup như Ele.me, một dịch vụ giao thực phẩm. Tuy nhiên, khi nhìn lại bản báo cáo bạch của đợt IPO của nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát bưu kiện ZTO Express Cayman, có thể thấy rằng sự hậu thuẫn của Alibaba là rất lớn. Vào năm đó, ZTO đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng 75% số lượng bưu kiện đều đến từ Alibaba. Họ cho biết, nhiều đối tác của Alibaba "có thể sẽ tăng chi phí kinh doanh của chúng tôi, làm giảm tương tác của chúng tôi với khách hàng hoặc thậm chí có thể gây rối loạn mô hình kinh doanh hiện tại"

    Tất cả đều là lời cảnh báo về sự bành trướng quyền lực của các ông lớn Trung Quốc, và điều này lại không thể tránh khỏi, Vey-Sern Ling - nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết

    Hương Giang
     
  8. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Không cướp nhân tài từ tay đối thủ cạnh tranh
    Chúng tôi không bao giờ cướp nhân tài từ tay đối thủ cạnh tranh, tôi cũng không hy vọng nhân tài được tuyển dụng từ tay người khác trở thành một người bất trung, bất nghĩa, bất hiếu

    [​IMG]

    Từ lúc khởi nghiệp cho đến nay, Alibaba vẫn tuân theo nguyên tắc "Không cướp nhân tài từ tay đối thủ cạnh tranh"

    Trong chương trình truyền hình "Thắng tại Trung Quốc", Jack Ma từng nhận xét một một thí sinh như sau

    "Tôi có một lời khuyên đối với bạn về cạnh tranh giữa các lĩnh vực, nhân viên của bạn rời khỏi công ty, cách tốt nhất căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, quan trọng nhất nên nghiêm túc tiến hành huấn luyện đạo đức nghề nghiệp đối với nhân viên và quản lý của công ty bạn, khiến họ thật sự hiểu được tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp

    Hiện nay số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều, thế nên rất nhiều người đều có xu thế nhảy sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh với công ty cũ của mình, tôi không muốn tuyển dụng một người thường xuyên nhảy việc hoặc là đến từ đối thủ cạnh tranh của mình"

    "Chúng tôi không bao giờ cướp nhân tài từ tay đối thủ cạnh tranh, tôi cũng không hy vọng nhân tài được tuyển dụng từ tay người khác trở thành một người bất trung, bất nghĩa, bất hiếu. Nếu người từ đối thủ cạnh tranh về đầu quân cho chúng tôi tiết lộ các bí mật kinh doanh của công ty cũ, đó chính là bất trung; nếu không tiết lộ, đó chính là bất hiếu đối với công ty mới; cho dù không bắt anh ta nói thì trong quá trình làm việc cũng sẽ vô ý nói ra, đó chính là bất nghĩa"

    Jack Ma rất ghét "cướp nhân tài từ tay đối thủ cạnh tranh" là có nguyên do. Năm 2005, ngay sau khi sáp nhập Yahoo Trung Quốc vào Alibaba, Jack Ma vẫn còn chưa kịp hết mừng vui thì hết lần này đến lượt khác các công ty săn đầu người gọi điện đến cho nhân viên của Yahoo Trung Quốc khiến Jack Ma hết sức đau đầu

    Jack Ma nhớ lại tình cảnh lúc đó và nói: "Hình như các công ty săn đầu người trên toàn thế giới mấy ngày đó cứ quanh quần lượn lờ trước mặt chúng tôi". Lúc đó, Jack Ma phải đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất trong những lần mua bán và sáp nhập. Ông cảm thấy sự việc vô cùng nghiêm trọng và ngay lập tức đưa ra phương án giải quyết

    Jack Ma quyết định tự mình trấn thủ và hầu như ngày nào cũng gặp gỡ nhân viên và đội ngũ quản lý của Yahoo Trung Quốc, ông nhiệt tình và chân thành chỉ cho họ thấy một viễn cảnh tươi sáng cho Yahoo Trung Quốc

    Cuối cùng, nhờ sức thu hút của Jack Ma và giá trị quan của Alibaba mà chỉ có 4% số nhân viên lựa chọn xin nghỉ việc và ông đã ổn định được đội ngũ nhân viên của mình. Cũng có thể từ đó mà ông có thái độ kịch liệt phản đối với việc "cướp nhân tài từ đối thủ cạnh tranh" và "bị cướp nhân tài bởi đối thủ cạnh tranh"

    Cũng bởi Jack Ma đã trải qua nỗi đau ngước mắt nhìn "nhân tài bị cướp khỏi tay mình" nên ông có ác cảm và kiên quyết nói không với "nẫng" người tài từ tay đối thủ cạnh tranh. Jack Ma từng nói: "General Electric của Mỹ và Siemen của Đức cạnh tranh rất khốc liệt. Tuy nhiên nhân viên nghỉ việc tại General Electric lại có suy nghĩ "cho dù mình có đói rách đến đâu cũng không thèm làm việc tại Siemen", hay ngược lại nhân viên nghỉ việc tại Siemen cũng như vậy

    Đó chính là vì nếu nhân viên nghỉ việc tại General Electric đến làm việc tại Siemen, khi Siemen hỏi anh ta về tình hình kinh doanh nội bộ của General Electric, nếu anh ta nói thì lại cảm thấy có lỗi với General Electric, các đồng nghiệp và đội ngũ quản lý đã cùng sát cánh với anh ta, còn nếu không nói, anh ta lại cảm thấy có lỗi với đồng nghiệp mới. Vì vậy, họ kiên quyết không đi đầu quân cho đối thủ cạnh tranh với công ty cũ của mình. Họ luôn luôn chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp, đó chình là điều mà tôi cần nói"

    Trong một đợt tuyển dụng của Alibaba, Jack Ma đã phỏng vấn một ứng viên và nói chuyện với anh ta hết sức nhiệt tình sôi nổi như hai người bạn đã quen từ lâu. Tuy nhiên cuối cùng Jack Ma lại không tuyển dụng người này, chỉ bởi vì một câu nói của ứng viên. Jack Ma nói: "Tôi nghĩ rằng ứng viên này rất thông minh, rất có năng lực, chúng tôi đều quyết định sẽ tuyển dụng anh ta. Kết quả là khi rời khỏi bàn phỏng vấn anh ta nói một câu: "Tôi rất thích đến làm việc tại công ty ông, tôi bảo đảm sẽ dành hết số khách hàng tôi hiện có trong tay sang công ty ông"

    Tôi nói xin lỗi, chúng tôi cần con người anh chứ không phải là khách hàng của anh, người còn có thể thiết lập mối quan hệ và khách hàng mới. Nếu anh kéo toàn bộ khách hàng sang bên chúng tôi thì thật là không chuyên nghiệp, không có đạo đức nghề nghiệp. Tôi không bao giờ cần người như vậy"

    Cuối năm 2005, để gia nhập thị trường tìm kiếm, Yahoo Trung Quốc đã tiến hành tuyển dụng nhân tài với quy mô lớn tại các trường đại học. Lúc đó, Baidu và Google cũng tổ chức các hoạt động tuyển dụng nhằm chiêu mộ người tài, Google thậm chí còn đưa ra đợt tuyển dụng 50 "đệ tử truyền ngôi" của Lý Quang Thục, cạnh tranh vô cùng khốc liệt

    Lúc đó phóng viên đã hỏi Jack Ma: "Nếu sinh viên đã ký hợp đồng tuyển dụng với Google muốn nhảy sang Yahoo Trung Quốc làm việc, Alibaba sẽ hỗ trợ họ tiền nộp phạt hủy hợp đồng tuyển dụng không?". Jack Ma trả lời hết sức dứt khoát: "50 đệ tử truyền ngôi của Lý Quang Thục, mỗi người bị phạt 50.000 nhân dân tệ tiền hủy hợp đồng tuyển dụng. Cho dù chúng tôi tuyển hết thì cái giá phải trả cũng hết sức rẻ chỉ có 2,3 triệu nhân dân tệ, tuy nhiên chúng tôi không bao giờ làm như vậy"

    Jack Ma cho rằng người nhảy việc liên tục cũng giống như một người kết hôn rồi lại ly hôn, ly hôn rồi lại kết hôn, kết hôn rồi lại ly hôn, người như thế này không đáng tin cậy. Ông không thích người thích nhảy việc, đặc biệt là nhân viên thay đổi nhiều công việc, người như vậy ông không mấy tin tưởng. Nếu một người gửi cho ông một bản sơ yếu lý lịch mà trong đó ghi 5 năm thay đổi 7 lần công việc, những nhân viên như vậy ông không bao giờ cần tuyển dụng

    Nhật Minh
     
  9. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Alibaba thắng lớn nhờ công nghệ
    - Sự chọn lựa một hay loạt công nghệ phù hợp không chỉ mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng mà còn giúp người bán hàng bán đắt hàng. Sự kiện 11-11-2018 ở Alibaba mới đây là một câu chuyện đầu tư công nghệ thành công của một tập đoàn thương mại điện tử đồng thời khẳng định rằng sự đầu tư rất cần đến yếu tố “chọn lựa phù hợp”

    [​IMG]

    Nhờ sử dụng các công nghệ từ trí thông minh nhân tạo (AI) đến kỹ thuật làm mát trung tâm dữ liệu, học máy và blockchain mà tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) đã vượt qua kỷ lục 45,3 tỉ nhân dân tệ của lễ hội mua sắm – Ngày độc thân 11-11-2017 – để ghi một kỷ lục mới 213,5 tỉ nhân dân tệ – 30,8 tỉ đô la – cho mùa lễ hội 11-11 năm nay

    Sự hỗ trợ từ hạ tầng mạnh

    Alibaba đã sử dụng nền tảng điều hành thông minh DC Brain để tối ưu hóa hiệu suất của 200 trung tâm dữ liệu Internet toàn cầu (IDC) nơi đặt máy chủ các cửa hàng trực tuyến khu vực trong các vấn đề về năng lượng, nhiệt độ, hiệu quả năng lượng và độ tin cậy. Thông qua công nghệ học máy, DC Brain dự đoán mức tiêu thụ điện và hiệu quả sử dụng điện của mỗi IDC theo thời gian thực, phân bổ hợp lý nhằm giảm thiểu sự lãng phí năng lượng. “Trung tâm dữ liệu xanh siêu quy mô” nằm ở Zhangbei, miền bắc Trung Quốc cũng được vận hành. Alibaba cho biết, thông qua việc sử dụng công nghệ làm mát bằng sức gió và chất lỏng của cơ sở, mức tiêu thụ năng lượng đã giảm tới 59%

    Dịch vụ hậu cần thông suốt

    Với sự kiện 11-11 vừa qua, người tiêu dùng Trung Quốc đã sử dụng ứng dụng Mobile Taobao để cập nhật thông tin về lô hàng nhập khẩu được đặt trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Tmall Global của Alibaba

    Nhờ vận dụng các hệ thống Alibaba Cloud và Cainiao, hệ thống Internet of Things (IoT) và công nghệ blockchain, TMall Global xác minh các sản phẩm được người tiêu dùng mua thông qua phương thức xác thực kép và mã hóa hai chiều, đồng thời theo dõi vị trí theo thời gian thực dịch vụ dựa trên vị trí và GPS. Alibaba đã đầu tư mạnh vào nền tảng hậu cần trung tâm Cainiao Smart Logistics để liên kết một mạng lưới các đối tác hậu cần, giúp xử lý hàng triệu gói hàng mà nó cần cung cấp

    Với 700 chiếc xe được điều khiển tự động (AGV), nhà kho thông minh mới của Cainiao – cũng là kho thông minh được trang bị robot lớn nhất ở Trung Quốc – đã sử dụng IoT để tự động điều khiển AGV di chuyển, tải và bốc dỡ hàng. Alibaba cho biết hiệu quả hoạt động của kho thông minh Cainiao cao hơn 50% so với kho truyền thống. Cainiao cũng triển khai một hệ thống theo dõi video dựa trên đám mây, gọi là Sky Eye Program, sử dụng máy ảnh tại các trạm hậu cần trên toàn quốc và bằng cách sử dụng kết hợp công nghệ thị giác máy tính và thuật toán của Cainiao để xác định tài nguyên nhàn rỗi và bất thường trong công tác hậu cần. Hệ thống này sẽ gửi các thông tin cập nhật trạng thái cho ban điều hành do con người thực hiện theo thời gian thực, giúp hệ thống được thông suốt, không bị tắt nghẽn. Cũng ở sự kiện 11-11 năm nay, Alibaba lần đầu tiên đưa vào sử dụng công nghệ hỗ trợ khách hàng bị khiếm thị. Công cụ Smart Touch này do Trường Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc và Phòng thí nghiệm Nghiên cứu chung của Alibaba về sự trải nghiệm tương tác tự nhiên phát triển

    Sức mạnh mang tên AI

    Điều một khách hàng cần khi mua hàng trực tuyến là hiểu được mặt hàng muốn mua, đặc biệt là với hàng nhập khẩu thường dùng tiếng Anh. Alibaba DAMO Academy, một sáng kiến nghiên cứu toàn cầu của Alibaba, đã phát triển một công cụ dịch thuật AI nhằm loại bỏ rào cản ngôn ngữ giữa người bán và người mua. Chatbot trực tuyến, vừa được tung ra trên Lazada, cung cấp bản dịch tức thời từ tiếng Anh sang tiếng Thái, tiếng Việt, tiếng Indonesia và ngược lại. Chatbot cũng cung cấp hỗ trợ cho AliExpress, nền tảng bán lẻ trực tuyến toàn cầu của Alibaba liên kết người mua và người bán trò chuyện bằng tiếng Anh, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù đây là lần đầu tiên công cụ trí tuệ nhân tạo (sử dụng công nghệ học máy) này được đưa vào hệ thống hỗ trợ bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử của Alibaba, nhưng hiệu ứng mang tính phá vỡ rào cản này thật sự có ý nghĩa với xu hướng bán hàng không biên giới khắp toàn cầu

    Các nhà bán hàng trên Tmall năm nay cũng bắt đầu triển khai Alime Shop Assistant, một chatbot dịch vụ khách hàng do AI hỗ trợ, để xử lý các yêu cầu của khách hàng trong khoảng thời gian 24 giờ. Alibaba cho biết trợ lý ảo này có thể cung cấp các dịch vụ thông minh bao gồm các khuyến nghị sản phẩm dựa trên các yêu cầu của người mua và các tùy chọn mua sắm trước đó và cập nhật cho người mua về trạng thái lô hàng của họ và thông báo khi đơn đặt hàng của họ được giao đến

    Khoảng 180.000 thương hiệu và 200.000 cửa hàng thông minh ngoại tuyến đã tham gia vào sự kiện mua sắm qua hệ sinh thái của Alibaba ở Trung Quốc và trên toàn thế giới. Trong số này có 237 thương hiệu vượt qua mức doanh thu 100 triệu nhân dân tệ. Công cụ chỉnh sửa video AI Alibaba Wood, robot AI hỗ trợ người bán với các loại sản phẩm và khuyến nghị, dự báo bán hàng, chiến lược định giá, sản xuất C2B và quản lý không gian quảng cáo, chỉnh sửa video quảng cáo… tất cả đều tự động, nhịp nhàng và lặng lẽ đằng sau cơn sốt mua sắm điên cuồng trong thời gian 24 giờ hôm 11-11 vừa qua

    Computerworld
     
  10. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Alibaba tạo hơn 40 triệu việc làm ở Trung Quốc trong năm 2018
    Báo cáo do Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) công bố ngày 26/3 cho biết tập đoàn thương mại điện từ Alibaba của Trung Quốc đã tạo ra 40,82 triệu việc làm trong năm 2018

    [​IMG]
    Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Tập đoàn thương mại điện từ khổng lồ Alibaba của nước này đã tạo ra 40,82 triệu việc làm trong năm 2018
    Báo cáo do Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) công bố ngày 26/3 cho biết các nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn này, trong đó gồm cả Taobao, đã cung cấp khoảng 15,58 triệu việc làm cho các nhà bán lẻ trực tuyến trong năm 2018, đồng thời cũng hỗ trợ tạo ra khoảng 25,24 triệu việc làm trong các khu vực đầu nguồn và hạ nguồn của dịch vụ bán lẻ trực tuyến

    Viện trưởng Học viện Lao động và Nhân sự thuộc RUC, ông Dương Vĩ Quốc (Yang Weiguo) cho biết các nền tảng thương mại điện tử, trong đó gồm cả Alibaba, đang đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và thúc đẩy việc làm

    Ông cho rằng các hình thức việc làm mới - là kết quả tất yếu từ sự phát triển của nền kinh tế số - đã cho những người làm công nhiều sự lựa chọn hơn

    Tháng 1/2019, Bộ nguồn nhân lực và an sinh xã hội Trung Quốc đã công bố kế hoạch bổ sung 15 vai trò việc làm mới, trong đó gồm cả chức danh quản lý kỹ thuật số

    Dự kiến, số lượng các nhà quản lý kỹ thuật số đã đăng ký sẽ đạt một triệu vào cuối tháng 3 này

    Bên cạnh đó, báo cáo còn chỉ ra rằng Taobao đang trở nên dần phổ biến như một nền tảng để tiến hành khởi nghiệp

    Lương Tuấn
     
  11. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Alibaba đầu tư 28 tỷ USD vào dịch vụ đám mây do Covid-19
    Trong một tuyên bố, Tập đoàn cho biết sẽ dành số tiền này cho việc phát triển hệ thống bán dẫn và hệ điều hành cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu của mình

    Trong khi hầu hết các nhân viên nhà nước của Trung Quốc làm việc tại nhà suốt tháng 2 vừa qua thì Alibaba đã chứng kiến sự gia tăng trong việc sử dụng phần mềm của họ, đáng chú ý nhất là DingTalk, một ứng dụng trò chuyện tại nơi làm việc được sử dụng bởi cả doanh nghiệp và trường học

    Chủ tịch của Alibaba Cloud Intelligence - Jeff Zhang cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế nói chung trên toàn ngành công nghiệp và công ty hy vọng khoản đầu tư này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tốc quá trình phục hồi

    Bộ phận đám mây của Alibaba là một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất. Doanh thu quý 4/2019 tăng 62% lên 10,7 tỷ Nhân dân tệ, lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ Nhân dân tệ trong một quý

    Theo công ty nghiên cứu Canalys cho biết, Alibaba thống trị thị trường đám mây Trung Quốc trong quý 4/2019 với 46,4% thị phần, trong khi đó Tencent Cloud và Baidu Cloud đã thấy nhu cầu cho các sản phẩm của họ tăng đột biến, lần lượt chiếm 18% và 8,8% thị phần

    Trong quý đầu tiên của năm 2020, bộ phận đám mây của Alibaba cũng đã hỗ trợ chính quyền thành phố Hàng Châu trong việc tạo ra và đưa ra một hệ thống theo dõi sức khỏe kỹ thuật số nhằm đánh giá mức độ phơi nhiễm của Covid-19 với các mã màu đỏ, vàng và xanh lục. Hệ thống này sau đó đã được triển khai trên toàn quốc
     
  12. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Jack Ma và câu nói "sai một li, đi một dặm"

    [​IMG]

    Cổ nhân có câu "lời nói chẳng mất tiền mua". Có lẽ ai đó nên nói điều này với Jack Ma, nhà sáng lập "đế chế" thương mại điện tử Alibaba và là người nắm quyền kiểm soát công ty công nghệ tại chính Ant Group


    Ở thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là cổ phiếu Ant lên sàn chứng khoán trong vụ IPO kỷ lục 37 tỷ USD, Jack Ma phạm phải một sai lầm "chết người". Theo hãng tin Reuters, ngôi sao sáng nhất trong làng doanh nhân Trung Quốc đã có một cuộc chỉ trích công khai và mạnh mẽ nhằm vào các cơ quan giám sát tài chính và ngân hàng nước này

    SAI MỘT LI, ĐI MỘT DẶM

    Phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải hôm 24/10, Jack Ma nói rằng hệ thống giám sát của Trung Quốc đang gây trở ngại cho sự sáng tạo và phải được cải cách để thúc đẩy tăng trưởng. Dự hội nghị này có các quan chức cấp cao đến từ hệ thống tài chính, giám sát và chính trị của Trung Quốc

    Không dừng ở đó, Jack Ma còn nói các ngân hàng Trung Quốc đang hoạt động theo tinh thần của "hiệu cầm đồ"

    Chính bài phát biểu này của Jack Ma đã dẫn tới một chuỗi sự kiện mà hệ quả là kế hoạch niêm yết của Ant bị đình chỉ vào phút chót - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters

    Theo nguồn tin, sửng sốt trước những lời chỉ trích không kiêng nể của nhà sáng lập Ant, giới chức Trung Quốc đã bắt tay vào việc kiềm chế công ty tài chính đang phát triển nở rộ này. Vào ngày thứ Ba, hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông đồng loạt tuyên bố tạm dừng vụ phát hành của Ant, chỉ hai ngày trước khi cổ phiếu Ant chính thức chào sàn

    Nguồn tin gần gũi với Jack Ma cho biết lúc đầu, bản thân vị tỷ phú 56 tuổi có thể không nhận thức được ảnh hưởng tai hại của bài phát biểu, nhưng những người thân cận đã cảm thấy e ngại khi biết trước nội dung cùa bài phát biểu đó. Họ khuyên Jack Ma sử dụng từ ngữ dịu hơn, bởi nhiều quan chức giám sát tài chính cấp cao sẽ dự hội nghị, nhưng Jack Ma không nghe theo sự can gián này. Ông tin rằng ông hoàn toàn có thể nói những gì ông muốn nói - theo nguồn tin

    "Jack là Jack. Ông ấy muốn nói lên suy nghĩ của ông ấy", một nguồn tin nói

    Và đó là một quyết định "sai một li, đi một dặm"

    Nhiều quan chức giám sát tài chính đã nổi giận trước những lời chỉ trích của Jack Ma, nguồn tin tiết lộ với Reuters. Một người nói các quan chức cảm thấy bài phát biểu chẳng khác gì "một cú đấm vào giữa mặt họ"

    CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC

    Ngay sau đó, các cơ quan giám sát bắt đầu soạn các báo cáo, bao gồm một báo cáo về việc Ant đã sử dụng các sản phẩm tài chính kỹ thuật số - chẳng hạn dịch vụ thẻ tín dụng ảo Huabei - như thế nào để khuyến khích người thu nhập thấp và người trẻ vay nợ, nguồn tin cho hay

    Văn phòng Hội đồng Nhà nước Trung Quốc soạn một báo cáo về quan điểm của công chúng về bài phát biểu của Jack Ma, trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình - theo nguồn tin

    Một vài trong số những báo cáo này cho thấy công chúng có đánh giá tiêu cực về Jack Ma và những phát biểu của ông, nguồn tin nói

    Sau đó, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc bắt đầu nhìn sâu hơn vào sự việc và yêu cầu điều tra kỹ lưỡng các hoạt động kinh doanh của Ant. Nguồn tin cho hay, hoạt động điều tra cuối cùng dẫn tới việc đình chỉ vụ phát hành của Ant, lẽ ra đã trở thành vụ IPO lớn nhất thế giới

    Cũng theo các nguồn thạo tin, cơ hội để kế hoạch phát hành của Ant được sớm trở lại đúng hướng là rất mong manh, bởi các cơ quan chức năng đang tìm cách siết chặt giám sát đối với công ty này. Chí ít là trong vài tháng tới, cổ phiếu Ant không thể lên sàn


    Đây là một sự đảo ngược vận may chóng mặt đối với Jack Ma, người lẽ ra đã chứng kiến khối tài sản ròng cá nhân tăng thêm ít nhất 27 tỷ USD nhờ vụ IPO của Ant

    Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã để Jack Ma "tự tung tự tác", một phần bởi vị doanh nhân cỡ bự này có quan hệ thân thiết với một số quan chức cấp cao, một phần cũng bởi niềm tự hào quốc gia có được từ thành công của ông

    Nhưng với bài phát biểu hôm 24/10, Jack Ma đã đánh giá sai về những ưu tiên đang dịch chuyển của Bắc Kinh, tin rằng mình có thể thách thức các cơ quan giám sát tài chính mà vẫn giữ được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo trung ương - nguồn tin là một quan chức cấp cao cho biết

    Vị này nói rằng năm nay, mục tiêu chính của Bắc Kinh là củng cố ngành tài chính và siết chặt quy chế giám sát để ngăn rủi ro hệ thống trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tai hại của bệnh dịch

    Từ trước khi Jack Ma có bài phát biểu, cơ quan chức năng Trung Quốc đã dần tăng cường giám sát Ant - công ty đang phát triển mạnh với tư cách một nền tảng công nghệ và không hề chịu sự bó buộc của các quy chế giám sát ngân hàng, cho dù cung cấp hàng loạt dịch vụ tài chính. Trong đó, sự giám sát được hướng nhiều hơn cả vào mảng cho vay tiêu dùng trên mạng - bộ phận được coi là "cỗ máy tin tiền" của Ant, theo nguồn tin

    NGẠO MẠN VÀ KHIÊM NHƯỜNG

    Bài phát biểu của Jack Ma ở Thượng Hải như một "giọt nước làm tràn ly" thúc đẩy các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao yêu cầu cơ quan chức năng, bao gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), rà soát kỹ hoạt động kinh doanh của Ant. Các cơ quan này, vốn từ lâu muốn kiềm chế công ty công nghệ tài chính của Jack Ma, hành động nhanh chóng và quyết liệt sau khi nhận được văn bản chỉ đạo từ cấp cao, bao gồm Phó thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - nguồn tin tiết lộ với Reuters


    Hôm thứ Hai tuần này, các cơ quan chức năng nhanh chóng công bố một báo cáo tham vấn về siết quy chế giám sát đối hoạt động cho vay vi mô (micro lending) trên mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến Ant - theo nguồn tin. Dự thảo yêu cầu các công ty cho vay vi mô cấp vốn ít nhất 30% bất kỳ khoản vay nào mà họ đồng cung cấp với các ngân hàng. Ở thời điểm cuối tháng 6, chỉ có 2% giá trị các khoản vay vi mô mà Ant cung cấp là nằm trong bảng cân đối kế toán của công ty - theo tài liệu IPO của Ant

    Sau khi báo cáo tham vấn trên được công bố, Jack Ma và hai nhà điều hành cấp cao khác của Ant bị triệu tập tới một cuộc gặp chung hiếm hoi với 4 cơ quan giam sát gồm PBOC, Ủy ban Quản lý bảo hiểm và ngân hàng, Ủy ban Điều tiết chứng khoán, và Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước (SAFE)

    Tại cuộc gặp, lãnh đạo của Ant được cho biết công ty này, chủ yếu là hoạt động cho vay tiêu dùng, sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn về một số vấn đề, bao gồm tỷ lệ đủ vốn và tỷ lệ đòn bẩy

    Cơ quan chức năng đã rất ngạc nhiên trước quy mô và mô hình rủi ro mảng cho vay của Ant, với những chi tiết được đưa ra trong hồ sơ IPO của công ty này. Bộ phận cho vay đóng góp 40% doanh thu của công ty trong nửa đầu năm nay

    Một ngày sau cuộc gặp, Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải tuyên bố đình chỉ vụ IPO của Ant, với lý do có một "sự thay đổi quan trọng" trong môi trường giám sát. Cùng với đó, Ant cũng đóng băng kế hoạch phát hành tại Hồng Kông

    Sau đó, Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc nói rằng những thay đổi gần đây về quy chế giám sát có thể có "ảnh hưởng lớn" đến cấu trúc kinh doanh và mô hình lợi nhuận của Ant. Cơ quan này cũng nói đình chỉ vụ IPO của Ant là một động thái có trách nhiệm đối với cả nhà đầu tư và thị trường

    Sau tuyên bố trên của ủy ban chứng khoán, Ant ra một tuyên bố nói rằng công ty cam kết "đón nhận" các quy chế giam sát

    "Họ chẳng còn lựa chọn nào khác", nhà phân tích Andrew Batson của Gaveka Research nhận định trong một báo cáo. "Sự ngạo mạn của Jack Ma giờ đã biến thành sự khiêm nhường"

    An Huy
     
  13. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    'Tài sản' khiến Jack Ma khốn đốn
    Một trong những “tài sản” giá trị nhất, cũng chính là thứ khiến Ant Group bị nhắm tới là khối dữ liệu khổng lồ của khách hàng

    Khi Ant Group, tập đoàn tài chính công nghệ do tỷ phú Jack Ma sáng lập bị chính quyền Trung Quốc hạn chế vào tháng 11 với những quy định tài chính mới, thì đối tượng thực sự đang bị nhắm tới lại là một thứ vô hình: dữ liệu người dùng

    Wall Street Journal nhận định Jack Ma không có nhiều cơ hội để mặc cả, khi mà công ty mà ông gầy dựng trong nhiều năm đã bị chính quyền đưa vào tầm ngắm. Đó dường như là hậu quả khi vị tỷ phú nổi tiếng mạnh miệng quá tập trung vào công ty của mình, thay vì để ý tới mục tiêu kiểm soát rủi ro tài chính của chính quyền

    [​IMG]
    Quyết định không chia sẻ dữ liệu của Ant Group khiến cho công ty này khốn đốn

    Một trong những điểm khiến Ant Group bị đưa vào tầm ngắm là lợi thế cạnh tranh bằng dữ liệu, mà các nhà quản lý cho rằng không công bằng đối với các đơn vị cho vay nhỏ, và thậm chí cả với các ngân hàng lớn. Lượng dữ liệu khách hàng này được Ant Group thu thập trong nhiều năm qua ứng dụng thanh toán Alipay

    Khi Ant hiểu quá rõ người dùng


    Với hơn một tỷ người dùng, Alipay có đủ dữ liệu để biết rõ về thói quen chi tiền, hành vi vay vốn cũng như lịch sử vay, thanh toán của họ

    Nhờ có lượng dữ liệu đó, Ant đã mở rộng thị trường cho vay lên tới hơn nửa tỷ khách hàng, và liên kết với khoảng 100 ngân hàng thương mại để có dòng vốn. Khi ấy, các ngân hàng vẫn phải chịu rủi ro nếu khách hàng vỡ nợ, trong khi Ant thu lợi khi làm trung gian

    Mô hình này được các nhà quản lý tại Trung Quốc đánh giá là không công bằng, và yêu cầu Ant phải thay đổi

    Không chỉ đứng trước rủi ro bị quản lý hoạt động cho vay như một ngân hàng, đồng nghĩa với tự tìm nguồn vốn cho khách hàng vay, Ant còn có thể bị siết chặt về lượng dữ liệu họ đang quản lý

    [​IMG]
    Dữ liệu của người dùng Ant Group là thứ "tài sản" quý, bị nhắm tới

    Một trong những kế hoạch được đề xuất là yêu cầu Ant cung cấp thông tin cho hệ thống chấm điểm tín dụng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Lựa chọn khác là Ant phải chia sẻ thông tin khách hàng cho đối tác đánh giá tín dụng, cũng nằm dưới sự kiểm soát của ngân hàng trung ương

    “Vấn đề chính ở đây là làm thế nào quản lý việc độc quyền dữ liệu”, Wall Street Journal dẫn lời một thành viên của hội đồng chống độc quyền chính phủ Trung Quốc

    Đến nay, vẫn chưa rõ chính quyền sẽ yêu cầu Ant chia sẻ toàn bộ hay chỉ một phần dữ liệu, và nếu chỉ một phần thì có bao gồm dữ liệu mật về độ tin cậy của từng khách hàng hay không

    “Công khai lịch sử và điểm đánh giá tín dụng là một điều tốt. Nó giúp hoạt động cho vạy cạnh tranh hơn, tránh tình trạng vay vốn quá sức”, Martin Chorzempa, nhà nghiên cứu về chính sách tài chính công nghệ Trung Quốc chia sẻ

    Tham vọng của cơ quan quản lý


    Nhiều năm qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cố gắng xây dựng hệ thống đánh giá tín dụng như điểm FICO được sử dụng ở Mỹ. Hệ thống này sẽ giúp những đơn vị cho vay phân tích rủi ro nhanh hơn, và có thể đánh giá cả công ty lẫn cá nhân

    Đây là một trong những nỗ lực số hóa chính phủ của Trung Quốc

    Bản thân Jack Ma cũng có nhiều biện pháp để hỗ trợ chính phủ Trung Quốc. Dữ liệu của Alibaba từng được dùng để truy bắt tội phạm, nhận dạng người bất đồng. Ứng dụng Alipay cũng có tính năng truy vết, giúp Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 nhanh hơn

    Tuy nhiên, nhà sáng lập Ant cũng nhiều lần bày tỏ sự phản đối khi các nhà quản lý muốn sử dụng dữ liệu tín dụng cá nhân mà Ant sở hữu

    Năm 2015, Ant bắt đầu đưa ra hệ thống riêng tính điểm tín dụng, gọi là Zhima Credit. Hệ thống này chấm điểm cả những cá nhân, doanh nghiệp nhỏ chưa từng vay tiền ở dâu trong hệ thống ngân hàng

    [​IMG]
    Phát biểu của Jack Ma vào tháng 10/2020 cũng là một nguyên nhân khiến Ant Group gặp rắc rối

    Vào năm 2018, ngân hàng trung ương Trung Quốc mở công ty thống kê điểm tín dụng cá nhân có tên Baihang Credit. Ant, Tencent Holdings cùng 6 doanh nghiệp khác được mời trở thành cổ đông thiểu số của Baihang Credit. Cổ đông lớn nhất là Hiệp hội tài chính Internet quốc gia, nằm dưới sự kiểm soát của ngân hàng trung ương

    Kế hoạch ban đầu là Ant và các công ty khác sẽ cùng đóng góp vào kho dữ liệu người dùng chung, được các tổ chức tài chính trên toàn Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã đổ bể

    Ant từ chối cung cấp dữ liệu người dùng, thứ mà họ cho là mấu chốt cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, tham vọng của Zhima Credit cũng bị thu lại. Chương trình này giờ đây về cơ bản là một chương trình ưu đãi khách hàng trung thành, với những phần quà như tặng sạc điện thoại, xe đạp cho người có điểm tín dụng cao

    Bản thân Jack Ma cũng vướng vào những rắc rối sau một bài phát biểu vào cuối tháng 10. Tại hội nghị thương mại ở Thượng Hải, ông chỉ trích cách quản lý tài chính của Trung Quốc. Trong bài phát biểu dài 21 phút, ông cho rằng mối lo ngại của hệ thống tài chính Trung Quốc không phải rủi ro hệ thống

    Ông chỉ trích các nhà quản lý "chỉ tập trung vào rủi ro mà bỏ qua sự phát triển". Tỷ phú Ma cũng cáo buộc các ngân hàng lớn nuôi dưỡng "tâm lý tiệm cầm đồ". Ông Ma cho rằng điều đó đã làm tổn thương nhiều doanh nhân

    Sau bài phát biểu đó, sóng gió đến với Ant khi các nhà quản lý siết chặt công ty này. Theo nguồn tin của Wall Street Journal, trong cuộc họp vào đầu tháng 11/2020, Jack Ma đề nghị chính phủ “có thể lấy bất cứ thứ gì cần thiết từ Ant”

    [​IMG]
    Ant Group đang bị hạn chế, buộc phải giảm quy mô ở nhiều hoạt động tín dụng

    Vào cuối tháng 12/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra lộ trình để Ant tái cấu trúc mô hình kinh doanh, trong đó yêu cầu công ty này phải được cấp phép trước khi tham gia thị trường tín dụng

    Trong thông báo của mình, Phó thống đốc ngân hàng chỉ trích Ant vì đã “không tuân thủ các quy định”

    Vài tuần gần đây, Ant đã buộc phải giảm quy mô hoạt động, hạ thấp mức tín dụng với người dùng cá nhân và gỡ bỏ các sản phẩm tài chính đang bị soi

    Từ thời điểm vụ IPO bị hủy vào đầu tháng 11, giá trị của Ant đã tụt từ mức 859 tỷ USD xuống còn dưới 600 tỷ USD vào cuối năm 2020. Alibaba, công ty hiện sở hữu khoảng 1/3 số cổ phần của Ant cũng chịu ảnh hưởng khi cổ phiếu đã mất 2% trong năm nay
     

Chia sẻ trang này