Đạo đức của thị trường

Thảo luận trong 'Cờ Vây Phúc Đức' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 19/2/20.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Giới hạn đạo đức của thị trường
    Michael J. Sandel là giáo sư triết học chính trị tại Đại học Harvard (Mỹ). Ông là tác giả của nhiều quyển sách về công lý xã hội và triết lý chính trị. Công việc của ông tập trung vào những câu hỏi gai góc về đạo đức và công lý. Một trong những quyển sách gần đây rất nổi tiếng của ông là “Những thứ mà tiền không thể mua được: giới hạn đạo đức của thị trường” (What money can’t buy: the moral limits of markets), từng được xuất bản ở Việt Nam. Quyển sách này cùng nhiều tác phẩm của GS Sandel được dịch ra hàng chục thứ tiếng và xuất bản khắp nơi trên thế giới. Những bài giảng tại Đại học Harvard của ông được chiếu trực tuyến trên mạng Internet, thu hút rất nhiều người xem. Ông cũng thường xuyên đi diễn thuyết ở nhiều nước trước cử tọa có khi đến hàng chục ngàn người. Vào tháng 3/2020, GS Sandel sẽ lần đầu đến Việt Nam và có buổi diễn thuyết ở TP Hồ Chí Minh

    Ngày nay, tiền gần như mua được tất cả mọi thứ. Những việc mua bán này có gì sai trái không? Để trả lời cho những câu hỏi như thế, chúng ta phải đặt ra câu hỏi lớn hơn: Tiền bạc và thị trường đóng vai trò gì trong một xã hội tốt đẹp ?

    Nếu ta bị phạt tù ở Santa Barbara, bang California, nhưng lại không thích điều kiện chuẩn của nhà tù thì ta có thể mua gói nâng cấp buồng giam của mình với giá 90 USD/đêm

    Nếu ta muốn ngăn chặn cái thực trạng bi kịch rằng mỗi năm có hàng ngàn đứa trẻ do các bà mẹ nghiện hút sinh ra thì ta có thể đóng góp vào một quỹ từ thiện dùng cơ chế thị trường để cải thiện vấn đề: đó là tặng 300 USD cho bất kỳ phụ nữ nghiện hút nào tình nguyện đi triệt sản

    Hay nếu ta muốn dự một phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ nhưng lại ngại xếp hàng mấy giờ đồng hồ, ta có thể sử dụng dịch vụ của công ty xếp hàng thuê. Công ty này sẽ thuê những người vô gia cư hay những người cần việc làm để đứng chờ, ngay cả qua đêm nếu cần. Ngay trước khi phiên điều trần diễn ra, khách hàng chỉ việc xuất hiện và lấy chỗ của người đã đứng xếp hàng thay trước đó rồi ngồi vào ghế hàng đầu

    Một số người cho là không; mọi người nên được quyền tự do mua bất cứ thứ gì thiên hạ bán. Một số người khác lại cho rằng có những thứ không nên đem ra đổi chác bằng tiền. Nhưng tại sao lại như vậy? Cụ thể là bán gói nâng cấp phòng giam cho những người có tiền, hay thưởng tiền để triệt sản, hay thuê người xếp hàng thay thì sai ở chỗ nào ?

    Việc đặt ra và tranh luận câu hỏi như thế này trên các diễn đàn chính trị có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta đã chứng kiến một cuộc cách mạng thầm lặng diễn ra trong suốt ba thập kỷ qua. Thị trường và tư duy thị trường đã vươn tới mọi khía cạnh đời sống mà trước kia do các giá trị phi thị trường quyết định như: đời sống gia đình, quan hệ cá nhân, y tế và giáo dục, bảo vệ môi trường và công lý, an ninh quốc gia và đời sống dân sự

    Chúng ta đã trôi dạt từ chỗ có kinh tế thị trường (market economy) đến chỗ trở thành xã hội thị trường (market society) mà gần như không hề hay biết. Sự khác biệt nằm ở chỗ: kinh tế thị trường là công cụ – một công cụ rất giá trị và hiệu quả – trong tổ chức hoạt động sản xuất; còn xã hội thị trường thì ngược lại là một xã hội mà cái gì cũng đem ra bán được. Xã hội thị trường là một lối sống mà giá trị thị trường len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội và thống trị mọi mặt của đời sống

    Chúng ta đã trôi dạt từ chỗ có kinh tế thị trường (market economy) đến chỗ trở thành xã hội thị trường (market society) mà gần như không hề hay biết. Sự khác biệt nằm ở chỗ: kinh tế thị trường là công cụ – một công cụ rất giá trị và hiệu quả – trong tổ chức hoạt động sản xuất; còn xã hội thị trường thì ngược lại là một xã hội mà cái gì cũng đem ra bán được. Xã hội thị trường là một lối sống mà giá trị thị trường len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội và thống trị mọi mặt của đời sống

    Chúng ta nên lấy làm lo ngại trước xu hướng này vì hai lý do. Thứ nhất, khi cái bóng đồng tiền ngày càng lớn trong xã hội, thì sự khác biệt giữa có tiền và không có tiền sẽ ngày càng rõ rệt. Nếu người giàu chỉ hơn người khác chủ yếu ở những chuyện có du thuyền sang trọng hay những kỳ nghỉ hào nhoáng thì sự bất bình đẳng trong xã hội cũng chẳng quan trọng như ngày nay. Nhưng khi đồng tiền quyết định quyền tiếp cận giáo dục, y tế, ảnh hưởng chính trị, và sự an toàn của cộng đồng, thì cuộc sống sẽ trở nên rất khó khăn cho những người có thu nhập khiêm tốn. Thị trường hóa tất cả mọi thứ sẽ làm hố ngăn cách giàu–nghèo trở nên gay gắt

    Lý do thứ hai mà chúng ta không nên ra giá cho mọi hoạt động của con người là vì làm như vậy tức là hành vi lũng đoạn. Mại dâm là một ví dụ kinh điển. Một số người phản đối mại dâm vì họ cho rằng nghề này chủ yếu bóc lột người nghèo, những người mà chuyện bán thân không thực sự là tự nguyện. Nhưng có những người khác phản đối mại dâm với lý do rằng biến tình dục thành món hàng là một hành động làm thoái hóa, biến chất con người

    Ý tưởng cho rằng quan hệ thị trường làm lũng đoạn những thứ có ý nghĩa lớn không chỉ giới hạn trong vấn đề tình dục hay cơ thể người, mà nó còn có thể bao gồm cả lợi ích và hành vi công dân. Ví dụ như bầu cử. Chúng ta không cho phép bầu cử vận hành theo cơ chế thị trường tự do, mặc dù một thị trường như thế sẽ vận hành “hiệu quả” theo cách hiểu kinh tế học. Nhiều người không hề đi bầu, vậy tại sao ta lại bỏ phí các lá phiếu đó? Tại sao không để cho những người không quan tâm lắm đến kết quả bầu cử đem lá phiếu của họ bán cho người quan tâm ? Đôi bên sẽ đều có lợi

    Lý lẽ hay nhất để phản đối chuyện mua bán phiếu là vì phiếu bầu không phải là tài sản tư mà nó là một trách nhiệm công. Coi lá phiếu như hàng hóa để tạo ra lợi nhuận tức là làm suy đồi, biến chất ý nghĩa thể hiện trách nhiệm công dân của nó

    Nhưng nếu thị trường phiếu bầu đáng bị phản đối vì nó làm lũng đoạn nền dân chủ, vậy hệ thống tài chính vận đồng bầu cử thì sao? Các hệ thống này, bao gồm cả hệ thống tài chính phục vụ tranh cử ở Mỹ, cho phép người giàu có tiếng nói lớn hớn trong các kỳ bầu cử. Bác bỏ thị trường phiếu bầu để giữ gìn tính liêm chính của nền dân chủ có thể là một lý do để chúng ta đặt ra mức trần trong đóng góp tài chính cho các ứng viên chính trị

    Đương nhiên là chúng ta thường bất đồng về định nghĩa thế nào là “lũng đoạn” hay “suy đồi”. Để nhận định xem mại dâm có phải là suy đồi hay không thì phải xem chuyện tình dục của con người cần được đánh giá đúng mực ra sao. Để đánh giá xem chuyện nâng cấp buồng giam có làm lũng đoạn ý nghĩa công lý hay không thì phải xem mục đích của việc trừng phạt tội phạm phải là gì. Để đưa ra quyết định có cho phép mua bán nội tạng con người cho mục đích cấy ghép, hay có được dùng lính đánh thuê trong chiến tranh hay không, chúng ta phải xem xét nghiêm túc phẩm giá của con người và trách nhiệm công dân

    Những vấn đề nêu trên đều là những vấn đề gây tranh cãi và người ta thường ngại phải đối mặt với chúng trên các diễn đàn công cộng. Nhưng đó là một sai lầm. Sự ngần ngại của chúng ta khi đối mặt với những câu hỏi liên quan đến đạo đức này trong chính trị khiến chúng ta bị động khi xem xét một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại: Ở đâu thì thị trường phục vụ cho lợi ích chung, còn chỗ nào thì không nên có thị trường ?


    Nguyễn Trịnh Đôn
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    250.000 doanh nghiệp “xác sống” Nhật Bản có nguy cơ phá sản hàng loạt

    [​IMG]

    Việc tăng lãi suất của BOJ có thể khiến các công ty zombie sụp đổ khi chi phí đi vay cao hơn

    Lần tăng lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong 17 năm có thể tạo tiền đề cho việc giải quyết di sản tiêu cực của chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo và thúc đẩy kinh tế

    Tác động của chính sách tiền tệ cũ đã làm sản sinh ra nhiều công ty “zombie” (xác sống) – thuật ngữ chỉ các công ty cố gắng tồn tại một cách tạm bợ và kiếm đủ tiền để duy trì hoạt động mà không có lợi nhuận

    Vào hôm thứ Ba, BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm hôm thứ Ba và tuyên bố các điều kiện tài chính phù hợp vẫn sẽ được duy trì “trong thời điểm hiện tại”. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất có thể khiến các công ty zombie sụp đổ khi chi phí đi vay cao hơn

    Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng, sự phá sản gia tăng – có thể dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng, chưa hẳn là bất lợi

    Koichi Fujishiro, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định: Tình huống này có thể “tiếp thêm sinh lực” cho nền kinh tế, vì các doanh nghiệp thua lỗ phá sản có thể thúc đẩy người lao động tìm kiếm cơ hội tốt hơn trong các ngành đang phát triển khác

    Theo khảo sát của công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank, số lượng công ty zombie ước tính đã tăng lên 251.000 tính đến tháng 3/2023, tăng khoảng 30% so với một năm trước đó và là mức cao nhất kể từ năm tài chính 2011

    Xét theo ngành, lĩnh vực bán lẻ có số lượng công ty zombie lớn nhất, chiếm 27,7%. Tiếp theo là lĩnh vực vận tải và viễn thông, chiếm 23,4%

    Các vụ phá sản ngày càng tăng trên khắp Nhật Bản, bởi các công ty phải chịu áp lực hoàn trả các khoản vay theo gói hỗ trợ của chính phủ trong đại dịch, giá nguyên vật liệu leo thang và chi phí lao động ngày càng tăng

    Theo công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research, số doanh nghiệp phá sản vào năm 2023 đã tăng 35,2% so với một năm trước đó lên 8.690 – mức tăng lớn nhất kể từ năm 1992 sau khi nền kinh tế lạm phát tài sản của Nhật Bản bùng nổ

    BOJ bắt đầu nới lỏng tiền tệ vào năm 2013 nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát kinh niên của Nhật Bản. Năm 2016, ngân hàng đặt lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và đưa ra chương trình kiểm soát đường cong lợi suất và lãi suất dài hạn được giữ ở mức cực thấp

    Những chính sách như vậy đã khiến doanh nghiệp gần như không chịu nhiều gánh nặng trả lãi. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã tạo điều kiện tái cấp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tung ra các biện pháp kích thích lớn trong giai đoạn đại dịch

    Osamu Naito, người đứng đầu cuộc khảo sát về các công ty zombie, cho biết tình trạng thiếu lao động hiện tại ở Nhật Bản có thể giúp bù đắp một số tác động tiêu cực của tình trạng vỡ nợ có thể xảy ra. Ông nói: “Chúng tôi đang chứng kiến nhiều trường hợp các công ty thuê nhân viên của các công ty đối thủ đã phá sản như để đảm bảo nhân sự”

    Trong khi đó, các ngân hàng và tổ chức tài chính được cho là sẽ hưởng lợi từ việc BOJ tăng lãi suất khi có thể tăng lợi nhuận bằng cách nâng lãi suất cho vay

    Sau quyết định của ngân hàng trung ương, ba ngân hàng thương mại lớn nhất Nhật Bản là MUFG Bank, Sumitomo Mitsui Banking và Mizuho Bank đang lên kế hoạch đưa ra mức lãi suất tốt hơn cho tài khoản tiết kiệm – đánh dấu lần tăng lần đầu tiên kể từ năm 2007

    Saisuke Sakai, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mizuho Research & Technologies, cho biết: “Việc BOJ quyết định thay đổi chính sách cho thấy nền kinh tế thực sự đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn”

    Tuy nhiên, ông lưu ý rằng quyết định mới nhất của BOJ sẽ “chỉ là bước đầu tiên” trong một loạt động thái hướng tới bình thường hóa chính sách tiền tệ của mình, với nhiều đợt tăng lãi suất dự kiến sẽ diễn ra

    Ông nói: “Mặc dù tác động tổng thể đến các doanh nghiệp sẽ bị hạn chế do mức độ thay đổi chính sách không quá triệt để (tính đến thời điểm hiện tại), nhưng điều này vẫn khiến các công ty vừa và nhỏ khó tồn tại hơn”
     

Chia sẻ trang này