Digital healthcare

Thảo luận trong 'OBAMACARE' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 9/9/19.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Lấy bệnh nhân làm trung tâm
    Quy mô thị trường y tế Việt Nam là đầy tiềm năng cho một nền y tế chăm sóc sức khỏe dựa trên nền tảng số, nhưng y tế số hóa lại chịu thách thức lớn về sự kết nối, cần sự chuyển dịch của các mô hình truyền thống, từ cải tiến quản lý đến đột phá về cách thức tiếp cận dịch vụ theo xu thế lấy bệnh nhân làm trung tâm

    Tiềm năng y tế Việt Nam nói chung và y tế kết nối số (digital healthcare) có thể thấy qua giá trị tăng trưởng của ngành này với tổng chi tiêu y tế hơn 16 tỉ USD năm 2017 (ước tính từ nguồn BMI, IMF, ADB), tương đương 7,2% GDP. Mức tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2017- 2021 khoảng 12,5%, theo đó ước tính giá trị chi tiêu cho y tế vào năm 2020 đạt 21 tỉ USD

    [​IMG]
    Bác sĩ Nguyễn Thành Danh

    Đi cùng với tăng trưởng giá trị thị trường là xu hướng xã hội hóa y tế và sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân. Điển hình nhất gần đây là việc bốn bệnh viện “siêu hạng” gồm Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K và Chợ Rẫy được thí điểm tự chủ toàn diện. Rất nhiều bệnh viện tại TP.HCM cũng đang tiến đến tự chủ hoàn toàn, nhiều nơi tại các tỉnh thành cũng đang phát triển cơ chế bệnh viện tự chủ

    Các bệnh viện tư nhân ở các thành phố lớn không ngừng tăng về số cơ sở mới lẫn chất lượng điều trị, đã và đang cạnh tranh trực tiếp với các bệnh viện công – là những cơ sở y tế vốn có thương hiệu, nguồn lực hạ tầng và đội ngũ nhân viên y tế giỏi. Bên cạnh đó, các mô hình hợp tác công tư (PPP) y tế ngày càng đa dạng; mô hình nhượng quyền cũng ngày càng phổ biến cùng với hàng loạt chuỗi bệnh viện tư đang mở rộng độ phủ: nổi bật như Hoàn Mỹ, Tâm Trí, Phương Châu, Xuyên Á, Mỹ Đức…

    Tất cả việc gia tăng đầu tư y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ theo yêu cầu đổi mới của Bộ Y tế, cùng với cơ chế giá phí mới đã áp dụng càng làm cho sự cạnh tranh của ngành y tế nóng lên vài năm gần đây


    "Chính sách quốc gia về e-health là hướng đến một hệ thống y tế vận hành và tích hợp trên nền tảng số hóa, tạo ra được trải nghiệm chăm sóc sức khỏe dựa vào bệnh nhân và kết quả điều trị có chất lượng tốt"

    Sự cạnh tranh tất yếu dẫn đến xu thế chăm sóc y tế dựa vào giá trị (value based care), theo đó khái niệm bệnh viện - phòng khám nên được xem là “tổ chức cung ứng dịch vụ y tế” theo nghĩa rộng, lấy bệnh nhân làm trung tâm là yêu cầu thay đổi sống còn của các cơ sở y tế

    Như vậy kết nối là sự cần thiết: Kết nối nguồn nhân lực y tế - đang có khuynh hướng dịch chuyển công - tư; kết nối mô hình vận hành “kinh doanh”, chia sẻ nguồn bệnh theo chuyên khoa, theo dõi - chuyển bệnh nhân qua lại; kết nối thanh toán… Tất cả sẽ khó thông suốt nếu không thể chia sẻ dữ liệu người bệnh và các nguồn dữ liệu khác

    Dữ liệu lớn (big data) trong y tế và ưu tiên chính sách e-health. Ngành y tế rất giàu về số liệu, giàu hơn nhiều ngành khác do đặc thù ghi nhận toàn bộ dữ liệu cá nhân, thông số bệnh tật và cần lưu trữ kỹ lưỡng để theo dõi, chia sẻ… Vậy làm gì để dữ liệu trở nên hữu dụng cho quá trình điều trị bệnh nhân đồng thời thúc đẩy phát triển ngành?

    Dữ liệu lớn trong y tế chia làm nhiều nguồn, từ dữ liệu có cấu trúc số hóa qua bệnh án điện tử (structured EHR), các ghi chú lâm sàng chi tiết khó hệ thống (unstructured clinical notes), các hình ảnh chẩn đoán/điều trị (medical imaging) cho đến dữ liệu gene (genomic ) và các dữ liệu khác như dịch tễ học, hành vi bệnh nhân…

    Tại Việt Nam, các thảo luận gần đây đều dẫn đến một nhu cầu cần có sự thống nhất và chuẩn hóa dữ liệu, được kê khai - ghi nhận và sử dụng được cho việc cải tiến chất lượng điều trị y tế và kết nối số về dữ liệu chăm sóc sức khỏe

    Tại Việt Nam với sự đa dạng nguồn bệnh, các can thiệp y khoa, nhưng dữ liệu thông tin bệnh viện (HIS) lại rất sơ khai. Đó thật sự là một “mỏ dầu” chưa được khai thác hiệu quả. Chúng ta sẽ làm gì, chuẩn bị thế nào trong xu hướng dữ liệu lớn này hay chờ đợi các đại gia toàn cầu tham gia khai thác và chia sẻ ?

    [​IMG]
    Các thách thức của y tế kết nối số đang ổn dần nhờ vào thời đại số hóa với các ứng dụng kết nối trên di động đang phát triển

    Thách thức lớn và đầu tiên nằm ngay ở cách nhìn nhận việc xây dựng dữ liệu bệnh viện tại Việt Nam, mỗi nơi một hệ thống HIS, thiếu chuẩn đồng bộ, thiếu hệ thống lưu trữ ghi nhận. Bên cạnh đó, ngay cả tại các quốc gia có chính sách e-health và số hóa y tế sớm đồng bộ, thách thức của “big data” trong ngành y tế vẫn hiện diện: các yếu tố như định dạng dữ liệu (data format); nguồn dữ liệu khác biệt, biến động liên tục và tương quan theo thời gian trong quá trình điều trị

    Thách thức còn ở việc chuyển đổi các ghi chú lâm sàng khó dữ liệu hóa; hoặc trong xử lý các hình ảnh y khoa - thông tin - chỉ dấu sinh học - phân tích tương tác di truyền genomic, chuẩn hóa dữ liệu lâm sàng...

    Tuy nhiên các thách thức trên dường như đang ổn dần nhờ vào kỹ thuật thời số hóa, với trí tuệ nhân tạo (AI) hay máy học (machine learning) phân tích các hình ảnh y khoa, công nghệ blockchain, các dụng cụ đeo y tế cảm ứng và các ứng dụng kết nối trên di động…

    Như vậy nhu cầu của y tế “kết nối số hóa” sẽ là bước ngoặc lớn với ngành y và cả xã hội: bức tranh kết nối số hóa của ngành y tế Việt Nam đang tiến triển thế nào trong thời số hóa (digitalized) hiện nay? Thiết nghĩ, các nguyên tắc ưu tiên của nhà nước nên làm cho một chính sách y tế kết nối “e-health”, đó là

    "Ngành y tế rất giàu về số liệu do đặc thù ghi nhận toàn bộ dữ liệu cá nhân, thông số bệnh tật và lưu trữ kỹ lưỡng, vậy làm gì để khai thác "mỏ dầu" này trở nên hữu dụng để thúc đẩy phát triển ngành ?"
    Chính sách quốc gia e-health là một hệ thống y tế vận hành và tích hợp trên nền tảng số hóa, tạo ra được trải nghiệm chăm sóc sức khỏe dựa vào bệnh nhân và kết quả điều trị có chất lượng tốt

    E-health đưa ra ba mục tiêu chính: Bệnh nhân nên được hỗ trợ, thông tin rõ ràng và tương tác chủ động với bệnh của họ; nhân viên y tế có các công cụ đưa ra được quyết định hiệu quả nhất với các phương tiện trị liệu mà họ được đào tạo bài bản; và tổ chức chăm sóc y tế có năng lực chuyên môn cho việc quản lý hiệu quả và minh bạch, có kế hoạch cho cả dịch vụ chăm sóc y tế và kinh doanh

    8 nguyên tắc chi tiết cho các mục tiêu trên, nên là

    1. Lấy bệnh nhân làm trung tâm: là các cam kết trị liệu có hiệu quả cao, sử dụng hệ thống công nghệ cho phép nhân viên y tế chủ động hơn trong vận hành và tạo ra kết quả lâm sàng tốt nhất

    2. Quản lý đầu tư hiệu quả trên nguyên tắc tách bạch nhưng có cơ chế phối hợp qua các đánh giá, kiểm toán về chuyên môn, nhà quản lý kinh doanh và nhà đầu tư. Muốn vậy cần cơ chế quản lý hiệu quả về tài chính, chi phí, nhà cung ứng và quy trình mua hàng – nhà thầu cho cơ sở y tế

    3. Tìm đối tác theo ưu tiên chiến lược, nguồn lực, chi phí, giá trị đầu tư, dịch vụ và kỹ thuật… để có thể ứng dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến và hiệu quả nhất

    4. Đánh giá, đo lường an toàn - chất lượng điều trị qua thiết kế cấu trúc và quản lý của hệ thống công nghệ thông tin

    5. Đáp ứng chuẩn hóa thông tin, thúc đẩy cho việc tinh giản bộ máy và tăng khả năng tương tác vận hành, giảm chi phí và nâng cao chất lượng

    6. Bảo mật thông tin của bệnh nhân và nhân viên y tế, điện tử hóa thông tin thay cho việc lưu trữ truyền thống hiện nay

    7. Cấu trúc số cần đảm bảo việc chuyển tiếp các chương trình e-health cách nhanh gọn, ổn định để công việc kinh doanh của bệnh viện diễn ra bình thường trong bất kỳ điều kiện nào

    8. Linh động và gợi mở cho sự thay đổi, gắn kết được văn hóa của sự thay đổi từ lãnh đạo về cải tiến kỹ thuật, quản lý, cung cấp dịch vụ, tiếp cận tổng quát về “tái thiết kế” chăm sóc y tế

    Nguyễn Thành Danh
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Thay đổi để bứt phá trong y tế số
    Nền y tế cần vận hành ra sao trước xu thế các phương tiện số đang làm thay đổi vai trò bệnh nhân trong tiếp cận dịch vụ y tế, kể cả góc độ thông tin y khoa lẫn tính lan truyền cộng đồng ?

    Thị trường y tế số toàn cầu tăng trưởng 20% hàng năm, từ 80 tỉ USD năm 2015 ước đạt đến 200 tỉ USD từ 2020, theo số liệu của AMR-Roland Berger. Trong tổng thể này, các ứng dụng và thiết bị kết nối không dây (wireless health) chiếm đến 110 tỉ USD, tăng 23% mỗi năm; bệnh án điện tử (EMR/EHR) tăng 4%; y tế từ xa (telehealth) tăng 15%; chăm sóc sức khỏe qua di động (mobile health) tăng 41%

    ĐỔI MỚI CÁCH THỨC VẬN HÀNH. Vậy y tế cần vận hành ra sao khi các phương tiện số đang làm thay đổi vai trò bệnh nhân trong tiếp cận dịch vụ như vậy? Cho dù tương tác truyền thống bác sĩ – bệnh nhân vẫn đóng vai trò chính nhưng bệnh nhân ngày nay đã chủ động tham gia vào hệ sinh thái y khoa, khi dữ liệu bệnh án điện tử được chia sẻ trực tuyến đến bác sĩ và các đơn vị bảo hiểm y tế trong tương lai rất gần

    Tương tác bác sĩ – bệnh nhận ở vai trò trung tâm sẽ được chèn vào bởi các công ty điều hành hệ thống di động trực tuyến (platform/agencies). Các dụng cụ y khoa di dộng đeo tay cảm ứng (wearable+app) đang làm mờ đi mối quan hệ truyền thống, giúp bệnh nhân tìm đến dịch vụ y tế và bác sĩ cách tốt nhất

    Các dữ liệu sức khỏe cá nhân (EHR) và kết nối di động (m-health) còn thúc đẩy việc kê toa điện tử, đe dọa cả các mô hình nhà thuốc truyền thống. Vì lẽ đó các đại gia ngành dược đã có những động thái mua bán – sáp nhập (M&A) với các startup y tế và các công ty thiết bị “cá nhân hóa y tế qua di động”…

    Việc chủ động tương tác và kết nối trong hệ sinh thái y khoa càng làm phân khúc và đan chéo các quan hệ truyền thống giữa bệnh nhân và bác sĩ. Dữ liệu sinh học theo thời gian thực hỗ trợ theo dõi sớm và đánh giá kết quả điều trị kịp thời, phản hồi nhanh... đã ảnh hưởng đến hầu hết các thành tố trong hệ sinh thái y tế như bảo hiểm, công ty dược, bệnh viện – nhà cung cấp dịch vụ...


    "Nâng tầm các startup Việt Nam thành một kết nối quy mô lớn có giá trị kêu gọi đầu tư hay tạo giá trị dẫn dắt mô hình doanh thu là một thách thức lớn"

    Điều đó buộc các hệ thống chăm sóc y tế phải tập trung vào bệnh nhân và các giải pháp trị liệu y tế mới, các bên liên quan phải tính toán về mô hình kinh tế của mình. Mô hình P4 medicine (Predictive, Preventive, Personalized & Participatory) được giáo sư L.Hook nhắc đến: bệnh nhân chủ động hơn, cá nhân hóa việc phòng ngừa bệnh tật. Khách hàng gắn kết hơn trong tương quan tiếp cận, tự tìm kiếm dịch vụ y tế qua các phương tiện số

    VẬY CƠ HỘI NÀO CHO STARTUP ? Thử quan sát những chuyển biến tại Việt Nam để đánh giá những cơ hội nào trong nền y tế số nói chung và startup nói riêng ?

    Trong các mảng như công nghệ y tế (digital healthtech) hay bệnh án điện tử (ERM) không có nhiều đất cho các startup do tính chất quy mô kết nối, các tiêu chuẩn quốc gia, nguồn lực phát triển hiện tại và khả năng nâng cấp trong tương lai

    Các tập đoàn lớn như FPT, VNPT đang phát triển phần mềm bệnh viện - bệnh án điện tử (HIS/EMR), Viettel phát triển hệ thống kết nối dữ liệu nhà thuốc… Trong tương lai gần các định hướng chuẩn hóa quốc gia ra đời sẽ tạo cơ sở cho các tập đoàn lớn công nghệ lớn thích ứng với hệ thống dữ liệu y tế bệnh viện. Nếu không, các đại gia toàn cầu có thể hợp tác và địa phương hóa như là Epic, Cerner, McKesson (Mỹ) đang tìm cơ hội vào Việt Nam, hoặc đã vào như IBM Watson…

    Y tế từ xa và qua thiết bị đi động (telemedicine/m-health): Cả hai mảng đều có tiềm năng cho các startup về xây dựng cơ bản hệ thống riêng lẻ, điều chỉnh theo từng bệnh viện – phòng khám, khi hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS), kết nối y tế qua thiết bị di động phổ biến và tiện dụng cho chăm sóc y tế ban đầu, bác sĩ gia đình hay tuyến địa phương…

    Các thiết bị di động cá nhân tích hợp cảm ứng theo dõi sức khỏe cũng góp phần phát triển y tế từ xa. Kết nối y tế qua các nền tảng (platform) này dễ thực thi, phù hợp từng đơn vị y tế nhỏ như phòng khám tư nhân… Các thiết bị tương tác với người dân sẽ đánh giá đo lường, ghi nhận, tầm soát căn bản, khám ban đầu…

    Việc kết nối các dịch vụ dễ làm, không đòi hỏi nguồn lực lớn, thực hiện cho từng cơ sở y tế - nhóm bệnh và nhóm tiêu dùng y tế, sẽ là phân khúc thị trường lớn cho nhiều startup y tế tham gia. Giá trị phát triển sản phẩm và doanh nghiệp trong tương lai sẽ phụ thuộc rất lớn về việc tạo ra “trải nghiệm khách hàng bệnh nhân tích cực và cải tiến nhất”

    Có khá nhiều startup kết nối nhu cầu chăm sóc y tế qua các nền tảng tương tác như lên lịch hẹn khám chữa bệnh (booking), cung ứng nhân sự y tế, tư vấn bệnh nhân… nhưng việc vận hành platform, hiệu chỉnh tối ưu giá trị trong platform y tế vẫn còn khá lúng túng do chưa nắm hết hành vi khách hàng - bệnh nhân và bác sĩ - nhân viên y tế, vốn phức tạp hơn các “booking” về sản phẩm tiêu dùng - thương mại với phân khúc khách hàng đơn giản hơn của lĩnh vực y tế

    [​IMG]
    Các dịch vụ y tế kết nối qua di động đang ngày càng phổ biến trong dân chúng

    Nâng tầm các startup Việt Nam thành một kết nối quy mô lớn có giá trị kêu gọi đầu tư hay tạo giá trị tương tác, dẫn dắt mô hình doanh thu cũng là thách thức lớn. Hiện các startup này tại Việt Nam có thể tham gia cung ứng một phần giá trị trong hệ sinh thái y tế tư nhân, tự cải tiến để chuẩn bị cho tương lai. Tuy nhiên việc này khá chậm trễ và thách thức, khi các platform hay ứng dụng (app) quốc tế thâm nhập thị trường với phiên bản Việt hóa, có tính chuẩn hóa y khoa cao, tương tác rộng và mô hình kinh doanh có hệ sinh thái rất mạnh

    Kinh doanh sản phẩm sức khỏe qua kênh thương mại điện tử (consumer health e-commerce) cũng đang phát triển tốt. Dịch vụ cung ứng sản phẩm y tế như thuốc không kê toa (OTC), thực phẩm chức năng, vật dụng y tế cá nhân hay dịch vụ chăm sóc đơn giản tại nhà (chăm sóc điều dưỡng, sau sinh, người già yếu, vật lý trị liệu, chế độ ăn kiêng, nhân viên tập luyện sức khỏe dành cho cá nhân…) đang bùng nổ trên các nền tảng sinh thái y tế

    Tại Việt Nam, mô hình các chuỗi nhà thuốc mọc lên hàng loạt (Pharmacity, Vinfa, Long Châu…) đang thúc đẩy các tiện nghi y tế tiêu dùng tại chỗ, cùng với việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các giao dịch thương mại điện tử về sản phẩm y tế. Nhóm các startups phát triển mô hình kinh doanh này chắc chắn đi nhanh nhất và rộng khắp, nhưng lại theo hướng tối đa hóa tiêu dùng y tế hơn là tạo giá trị chăm sóc sức khỏe cho ngành y

    Không thể không nhắc đến các “tay chơi mới” trong lĩnh vực công nghệ truyền thông hay phát triển phần mềm, mạng di động… đã và đang tạo sự đột phá trong lĩnh vực y tế, có thể làm cho các kết nối truyền thống, đó là: Nhà nước - chính sách y tế - bảo hiểm - người chi trả - công ty dược và trang thiết bị vật tư y tế - bệnh viện -phòng khám, nhà cung cấp dịch vụ y tế… phải thay đổi đột phá cho các giá trị số hóa

    Chúng ta đã nghe đến nhiều khái niệm dịch vụ vụ y tế mới và các dịch vụ này sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới đều có liên quan đến "di động" (mobile hay m-) hay “từ xa” (tele-) như điều trị từ xa (telemedicine), chăm sóc điều dưỡng từ xa (tele-nursing), chăm sóc sức khỏe gia đình từ xa (tele-homecare), tư vấn điều trị qua video với nhân viên y tế từ xa (tele-video consulting) hay phòng mạch tư ảo qua điện thoại di động (m- health clinics)…

    Nguyễn Thanh Danh
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Chuyển đổi công nghệ số trong y tế: Cách làm của “người mở đường”
    Trẻ em bị viêm tai mũi họng tiến tới không phải đến bệnh viện chờ đợi, mà có thể sử dụng thiết bị sàng lọc gửi thông tin đến bác sĩ để thăm khám trực tuyến và cấp thuốc; bệnh nhân không phải xếp hàng chờ khám, mô hình chăm sóc sức khỏe ảo... là những ứng dụng cụ thể của việc chuyển đối số trong y tế đang và sắp được áp dụng tại Việt Nam, sớm nhất là vào năm 2020 tới

    Trong đó, Bệnh viện Vinmec đang nằm trong nhóm tiên phong chuẩn bị đưa công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh

    Công nghệ giúp điều trị “cá thể hóa”

    Theo Bà Lê Thúy Anh, TGĐ Hệ thống y tế Vinmec, bệnh viện đang có những chuẩn bị tích cực để có thể áp dụng công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh

    "Dân số VN đang già đi và mô hình bệnh tật thay đổi, vì thế luôn cần có những giải pháp mới cho y tế. Từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống dữ liệu để đưa vào các mô hình, như mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà, mô hình chăm sóc sức khỏe ảo để bác sĩ có thể sàng lọc bệnh nhân nhanh nhất. Ví dụ như trẻ em bị viêm tai mũi họng tiến tới không phải đến bệnh viện chờ đợi, mà có thể sử dụng thiết bị sàng lọc gửi thông tin đến bác sĩ, bác sĩ sẽ thăm khám trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ và chẩn đoán, trong 24g tới cần uống thuốc hay chăm sóc như thế nào, nếu mẹ không có thuốc thì bệnh viện sẽ cấp thuốc về nhà", bà Lê Thúy Anh nói

    [​IMG]
    Vinmec đang hoàn thiện hệ thống dữ liệu để đưa vào các mô hình, như mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà, mô hình chăm sóc sức khỏe ảo để bác sĩ có thể sàng lọc bệnh nhân nhanh nhất

    Vinmec cũng đang nỗ lực chuẩn bị để tiến tới người bệnh đến viện sẽ không phải chờ đợi và đăng ký khám chữa bệnh, mà quy trình sẽ được xử lý tự động từ khi khách đặt hẹn qua hệ thống. Khách sẽ được cấp 1 mã thẻ để có thể nhận diện ở các phòng khám, phòng chăm sóc, nhờ vậy sẽ giảm được thời gian chờ đợi, thanh toán... thông qua các mô hình tài chính tự động tích hợp

    Thay vì chờ 30 phút thì giờ đây người bệnh có thể về sau khi được khám bệnh, mọi động tác thanh toán sẽ tự động tính và trừ trên ví điện tử, từ đó cũng tiết giảm được thời gian chờ đợi của người bệnh, thay đổi và cải thiện trải nghiệm của người bệnh khi đi khám chữa bệnh

    Xu thế công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ khiến các cơ sở y tế của cả hai khu vực trong và ngoài công lập không thể “đứng ngoài cuộc”. Thực tế cho thấy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành và khám chữa bệnh của các bệnh viện là vô cùng cần thiết, giúp cho mọi hoạt động của bệnh viện nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn, người bệnh và nhân viên y tế đỡ vất vả hơn, từ đó làm tăng sự hài lòng người bệnh nhiều hơn

    Hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe hiện nay đang chuyển dần sang hướng điều trị cá thể hóa. Muốn làm được điều này, các bệnh viện cần phải có dữ liệu để từ đó phân tích, đưa ra giải pháp điều trị phù hớp với từng cá nhân. Trong bối cảnh đó, Vinmec đang hướng đến xây dựng hệ thống điều trị và nghiên cứu, tiên phong chuẩn bị đưa công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh

    Người bệnh hưởng lợi từ chuyển đổi số

    Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông minh và quản trị thông minh vào y tế đem lại nhiều lợi ích. Đối với chuyên môn, các ứng dụng trên nền tảng số như hội chẩn từ xa, ứng dụng kỹ thuật thông minh như phẫu thuật robot hoặc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc đọc, tập hợp và phân tích dữ liệu đưa ra những đề xuất chẩn đoán và chỉ định... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán điều trị

    Đối với người bệnh và thân nhân, công nghệ giúp tăng tiện ích dịch vụ y tế trong quá trình trải nghiệm khám chữa bệnh, tăng cường giao tiếp với nhân viên y tế và giảm thời gian chờ đợi thông qua các tiện ích như đặt lịch hẹn online, thẻ khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm online. Chuyển đổi số cũng giúp các bệnh viện và nhà nước quản lý hoạt động của bệnh viện hiệu quả hơn

    “Quan trọng nhất của chuyển đổi số là chuyển đổi cách suy nghĩ về định hướng để từ đó đưa ra cách làm phù hợp, các giải pháp công nghệ phù hợp để mở ra nhiều cách tiếp cận với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng nâng lên của khách hàng cũng như của nhu cầu quản trị, vận hành bệnh viện. Để tăng tiếp cận tốt thì phải mở ra nhiều cách tiếp cận khác nhau chứ không thể cứ ngồi chờ”, bà Thuý Anh nhấn mạnh

    Dự kiến năm 2020 tới, Vinmec sẽ đưa những ứng dụng đầu tiên trong tiến trình xây dựng bệnh viện thông minh vào triển khai. Nhiều bệnh viện khác cũng đang có những kế hoạch tương tự để có thể tận dụng những lợi thế về công nghệ thông tin, giúp giải quyết những điều tưởng rất xa lạ và khó khăn, như những trường hợp người bệnh chuyển nặng đột ngột và không kịp chuyển tuyến, nếu không có công nghệ thông tin sẽ rất khó hỗ trợ điều trị kịp thời
     

Chia sẻ trang này