Sanbox

Thảo luận trong 'Y Tế Số EHC' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 3/9/19.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Thể chế… sandbox và nguồn lực mới của kinh tế Việt Nam
    Nền kinh tế đang xuất hiện vô vàn mô hình kinh doanh mới, cách thức làm ăn mới với những đòi hỏi, yêu cầu mới, thậm chí lạ. Chúng có chỗ trong nền kinh tế Việt Nam không ? Chắc chắn có, nhưng không đương nhiên

    Những thay đổi chóng mặt


    TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trầm ngâm khá lâu trước câu hỏi, con đường nào để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, sau 100 năm lập quốc


    “Grab và những mô hình kinh doanh mới đã đi rất xa rồi. Grab giờ không chỉ làm ứng dụng kết nối di chuyển, mà còn giao nhận thức ăn, thanh toán điện tử. Còn chúng ta vẫn ngồi đây, trong phòng, bàn chưa xong về việc quản lý như taxi hay như cái gì, có phải đếm đầu xe không, đeo mào hay dán tem...”, ông Thiên đặt ngược vấn đề, thêm vô số câu hỏi với nhiều hàm ý

    Đã có quá nhiều bàn luận, thậm chí tranh cãi căng thẳng về mô hình kinh doanh kiểu Grab và cách thức quản lý nhà nước, đến mức, Unicon có gốc gác Malaysia này vừa hưởng lợi bởi sự xuất hiện tràn ngập trên truyền thông, vừa phải gánh chịu những tai tiếng không dễ giải trình từ các cuộc đấu lý giữa các bên

    Mới đây nhất, giữa tháng 8/2019, Hiệp hội taxi Hà Nội còn gửi kiến nghị tới UBND TP.Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề nghị hướng dẫn thủ tục chuyển hình thức kinh doanh từ vận tải hành khách bằng taxi (truyền thống) sang vận tải theo hợp đồng điện tử bằng ô tô dưới 9 chỗ (taxi công nghệ). Lý do là các doanh nghiệp taxi truyền thống đã làm được giống Uber, Grab...


    Nhưng đổi lại, Hiệp hội này đòi hỏi được hồi lại khoản thuế chênh lệch đã nộp (nếu có) những năm trước khi đáp ứng được đồng thời cả hai điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống và công nghệ. Chưa hết, Hiệp hội Taxi Hà Nội còn đặt vấn đề liệu khi chuyển sang mô hình taxi công nghệ, họ có được thanh lý toàn bộ hợp đồng lao động với các lái xe và chuyển sang hình thức cho thuê xe hay không...

    Mọi việc tưởng như đã có thể ngã ngũ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu hủy bỏ đề xuất bắt buộc xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn và dùng công nghệ để quản lý, Bộ cũng đã trình theo hướng dán tem thay thế. Chưa có động thái nào từ phía các bộ, ngành, nhưng rất có thể cuộc tranh luận này sẽ phải mất thêm thời gian để tiếp tục tìm giải pháp

    Trong cùng thời điểm, Grab Holdings công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới, nâng tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam lên 700 triệu USD. Số tiền này sẽ dùng để mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các dịch vụ, giải pháp mới về công nghệ di động (mobility), công nghệ tài chính (fintech), logistics...


    “Câu chuyện của Grab chỉ là một ví dụ. Thế giới đang nói về kinh tế nền tảng mà cơ sở phát triển là vô số nền tảng. Chúng biến đổi liên tục, rất nhanh. Chúng ta có chỗ cho chúng phát triển không? Câu trả lời chắc chắn là có. Nhưng, nếu tư duy xây dựng thể chế, tư duy làm luật vẫn chỉ là chỉnh sửa, gọt tỉa những cái đang có, các mô hình mới, nguồn lực mới có muốn ở lại, chứ chưa nói là tìm đến trong nền kinh tế này không?”, TS. Thiên trăn trở

    Tư duy chỉnh sửa hết thời


    Sự lúng túng của các cơ quan quản lý nhà nước trong đề xuất chính sách liên quan đến các mô hình kinh doanh mới thường được cho là do tư duy. Nhưng, nếu nhìn vào chính sự có mặt của các mô hình này ở Việt Nam, Việt Nam dường như luôn là một điểm đặt chân thuận lợi

    4 năm trước, vào năm 2016, khi cả thế giới chưa phân giải xong bản chất hoạt động của Uber, nhiều quốc gia không đồng ý cho Uber hoạt động, thì Việt Nam đã tiến thí điểm mô hình này tại 5 thành phố lớn. Đầu năm 2019, Chính phủ cũng đã đồng ý cho thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hoá có giá trị nhỏ, dù có thể “động chạm” đến toàn bộ hệ thống ngân hàng...


    Mới nhất, Việt Nam góp tên vào nhóm những nền kinh tế đi đầu cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox). Mô hình thử nghiệm sandbox được đề cập tại Mỹ năm 2012, được khởi xướng bởi Anh vào năm 2015. Hiện cũng chỉ có một số quốc gia phát triển áp dụng như Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc...

    “Việt Nam thường không ngần ngại tham gia những cơ chế mới, thậm chí khó như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng thường gặp vấn đề trong thực hiện. Tôi đã nghĩ nhiều về điều này, rồi cả việc tại sao giải ngân vốn Nhà nước khó khăn thế, tại sao việc kết nối giữa FDI và doanh nghiệp trong nước không làm được? Nguyên do là vướng đủ thứ, quy định chồng chéo, theo luật này thì vướng luật kia, đến mức xử thì dễ nhưng hành động lại khó. Nhưng, gỡ thế nào vẫn là chuyện phải bàn rất kỹ”, ông Thiên nói

    Trở lại câu chuyện quản lý kinh doanh vận tải bằng ô tô làm ví dụ, ông Thiên cho rằng, không khó giải thích việc Bộ Giao thông – Vận tải ngần ngừ với những đề xuất tìm phương thức mới để quản lý. Với cơ chế hiện hành, mọi việc đang trong guồng chạy, kể cả quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Dù đang gánh khá nhiều điều kiện kinh doanh thực sự không cần thiết, nhưng doanh nghiệp taxi hiện tại đang là nhóm hưởng lợi. Họ đã vượt qua rào, ung dung trong không gian được rào kín. Điều này cũng có nghĩa, lợi ích trước mắt của họ sẽ bị xâm phạm khi rào cản này bị hạ xuống hoặc chuyển sang hình thức khác

    Chính tư duy này khiến các bản sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh vận tải rơi vào tình thế đi giải quyết một vài căng thẳng bằng cách gọt rũa, co kéo quy định hiện hành, thay vì sự sẵn sàng đón nhận mô hình mới ; phá bỏ cơ chế cũ, mở cửa để doanh nghiệp taxi truyền thống tìm kiếm động cơ phát triển mới

    “Tôi lo vì đây vẫn là tư duy phổ biến trong xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật ở Việt Nam. Hầu như chỉ thấy các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa, rất hiếm các yêu cầu bãi bỏ, thay mới. Trong các mô hình kinh doanh mới, nguồn lực quan trọng nhất là ý tưởng và mạng kết nối, chứ không phải là đất đai, vốn liếng... như trong kết cấu doanh nghiệp truyền thống. Năng lực cạnh tranh cũng khác, không dựa vào ưu thế về tài nguyên, sức lao động mà dựa vào mạng lưới và trí tuệ. Nguồn lực khác thì thể chế phải khác. Nếu ép họ vào khuôn thể chế cũ, ngay cả với cơ chế vô cùng ưu đãi về đất đai, tiếp cận vốn… họ sẽ vẫn chuyển đi vì không tìm thấy sự an toàn cho sức sáng tạo”, ông Thiên thẳng thắn

    Nhà nước 4.0 và tư duy hệ sinh thái


    12 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đã được đề nghị loại ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện, ban hành kèm theo Luật Đầu tư. 19 ngành, nghề khác được đề nghị sửa đổi để phù hợp với các yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước


    Cùng với đó, trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, các hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành cũng được đề xuất đưa vào danh mục ưu đãi đầu tư…

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện đúng cam kết mà Chính phủ đưa ra, là sẽ không để tồn tại những rào cản vô lý, những điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp mà không phục vụ bất cứ nhu cầu quản lý nhà nước nào; cũng không để bất cứ một ý tưởng, sáng kiến kinh doanh nào đơn độc trong sự phát triển

    Tất nhiên, mọi đề xuất sẽ cần có thời gian, lộ trình xem xét, nhưng điều quan trọng thông điệp được đưa ra rất rõ. Chính phủ không chỉ bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà sẽ tiếp tục thu hẹp các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mở rộng cửa để người dân, doanh nghiệp sáng tạo

    [​IMG]Trong các mô hình kinh doanh mới, nguồn lực quan trọng nhất là ý tưởng và mạng kết nối, chứ không phải là đất đai, vốn liếng... Nguồn lực khác thì thể chế phải khác...

    Song, không phải dễ để có những đề xuất này. Thậm chí, so với những dự thảo ban đầu, số lượng các ngành nghề bị loại ra này đã ít hơn

    “Tôi vẫn cho là có thể loại bỏ hơn nữa. Nhiều cơ quan vẫn đặt vấn đề nếu để doanh nghiệp làm mà không kiểm soát xem họ có tiền không, có người đủ năng lực không, họ sẽ lấy tiền ở đâu, nguồn lực nào… Tư duy này đã quá cũ so với xu thể phát triển, nhưng nếu nó chi phối cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh sẽ không dung dưỡng sức sáng tạo - nguồn lực sẽ làm nên không chỉ tốc độ mà cả sức bất mới của nền kinh tế. Tại sao chúng ta không nhìn vào sự thay đổi của doanh nghiệp để thay đổi”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt vấn đề

    Sự thay đổi của doanh nghiệp mà ông Cung nhắc đến không chỉ đến từ các doanh nghiệp trên toàn cầu, mà chính từ các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là sự sẵn sàng của Vingroup khi bước chân vào ngành công nghiệp ô tô với kinh nghiệm bằng 0 hay những kiên trì của Vietjet, FLC Group và tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khi tham gia thị trường hàng không đầy rẫy điều kiện kinh doanh. Thậm chí, sự thành công của Sungroup trong Dự án Sân bay Vân Đồn cũng là một bài học lớn


    “Tôi thấy có sự khác biệt trong tư duy của những doanh nghiệp này. Họ tư duy các kế hoạch kinh doanh theo hệ sinh thái, kế hoạch này gắn với kế hoạch kia; cái này là cầu của cái kia, là cung của kế hoạch khác… Nhà nước có tư duy hệ sinh thái được không khi xây dựng thể chế, có phối hợp các bộ, ngành với nhau để hoàn tất hệ sinh thái này trên lợi ích chung của nền kinh tế không. Có sẵn sàng thử nhiệm chính sách, có năng lực chấp nhận cái mới hay không. Có coi thể chế sandbox là công cụ, phương thức trong xây dựng thể chế của Việt Nam hay không?”, ông Cung đặt vấn đề

    20 năm trước, Việt Nam đã tạo nên cuộc cách mạng trong môi trường kinh doanh, khi cho phép doanh nghiệp tư nhân làm tất cả những gì pháp luật không cấm, Nhà nước chỉ làm những doanh nghiệp không làm được hay không muốn làm. Nhờ vậy, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có hơn 20 năm bứt phá

    Hiện tại, trong bối cảnh công nghệ và mạng Internet, doanh nghiệp có thể làm tất cả, thậm chí cả những thứ mà Nhà nước chưa làm được. Cũng có nghĩa, Nhà nước không thể ngồi yên, phải nhìn xu thế, nhìn doanh nghiệp để thay đổi. Nguồn lực mới cho nền kinh tế sẽ xuất hiện từ chính sự thay đổi này

    Khánh An
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Grab kiến nghị lập 'sandbox' cho các mô hình kinh tế mới
    Sandbox là một kế hoạch thí điểm tạo không gian, thời gian cho các mô hình mới hoạt động, từ đó đánh giá tác động, xây dựng chính sách

    Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, phiên thảo luận chủ đề khởi nghiệp và các mô hình kinh tế mới vào sáng ngày 2/5 thu hút hàng trăm doanh nhân, nhà đầu tư và chuyên gia tham dự

    Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra tại phiên thảo luận là "ứng xử" với các mô hình kinh tế mới như thế nào. Đồng thời làm thế nào để có chính sách phù hợp dành cho những mô hình chưa từng có tại thị trường trong nước, chưa có khung pháp lý và chưa có tiền lệ điều hành

    Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, thời gian qua trước sự xuất hiện của các mô hình kinh tế mới, điển hình là kinh tế chia sẻ với sự xuất hiện của Uber và Grab, Chính phủ và các cơ quan liên ngành đã chủ động tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy chính sách cho phù hợp với chuyển động của thị trường

    [​IMG]
    Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông Tin và Truyền thông

    Thông qua bài học kinh nghiệm của một số quốc gia, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng Việt Nam có thể tiến hành giải pháp thực thi kế hoạch thí điểm, hay còn gọi là "sandbox" để nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá tác đồng toàn diện của các mô hình kinh tế mới đối với thị trường, từ đó xây dựng khung chính sách đúng đắn

    "Tính ưu việt khi dùng công nghệ vào mô hình kinh doanh mới giúp tính cạnh tranh cao. Có một số doanh nghiệp cho rằng mô hình kinh doanh mới phá hủy kinh doanh truyền thống nhưng cá nhân tôi lại có góc nhìn khác. Theo tôi, mô hình kinh doanh mới có áp dụng công nghệ giúp cạnh tranh cao. Chẳng hạn Uber hay Grab có kết hợp giữa thương mại điện tử với vận chuyển", ông Nghĩa khẳng định

    [​IMG]
    Thủ tướng đến thăm gian hàng và gặp gỡ đại diện của Grab

    Đồng tình ý kiến của đại diện Bộ Thông tin Truyền thông, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương cho rằng cần phải có cái nhìn cởi mở với các mô hình mới, giải pháp và công nghệ mới

    "Cứ làm theo quy định tiến theo quy trình thì không bao giờ có sáng tạo được", ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh

    Từ góc độ doanh nghiệp đang khai thác mạnh mẽ mô hình kinh tế mới – kinh tế chia sẻ, ông Jerry Lim - Tổng giám đốc Grab Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của các cơ quan Chính phủ và chuyên gia đầu ngành. Ông Jerry Lim cho rằng cần thiết có một "sandbox" - kế hoạch thí điểm để tạo không gian, thời gian cho những nền tảng công nghệ, mô hình kinh doanh mới chứng minh khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

    [​IMG]
    Ông Jerry Lim - CEO Grab Việt Nam

    Bằng chứng tại Grab, từ một doanh nghiệp nội địa Malaysia với chỉ 10 nhân viên, sau 7 năm Grab hiện là "kỳ lân tỷ đô" của Đông Nam Á khi có mặt tại 8 quốc gia, đội ngũ 6.000 nhân viên. Sự xuất hiện của mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên thành quả công nghệ mà Grab đang ứng dụng đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động và các đối tác kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ tại khắp Đông Nam Á

    Tuy nhiên do mô hình kinh tế này còn quá mới, chưa có khung pháp lý tại Việt Nam, hoạt động của Grab hiện gặp nhiều khó khăn

    "Sự xuất hiện của công nghệ mới luôn tạo ra sự thay đổi lớn và dĩ nhiên sẽ có một số doanh nghiệp truyền thống không bằng lòng thay đổi. Tuy nhiên các doanh nghiệp truyền thống cũng cần phải ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lợi ích cho khách hàng và giảm gánh nặng hành chính cho bản thân tổ chức", ông Jerry Lim chia sẻ

    Ông Lim đồng tình có thể dùng "sandbox" để đánh giá tác động của các mô hình kinh tế mới. Ví dụ một "sandbox" có thể có một số doanh nghiệp đang theo đuổi mô hình, công nghệ mới. Họ sẽ được phép vận hành trong một thời gian và một phạm vi địa lý nhất định, từ đó khai thác dữ liệu vận hành, nghiên cứu, đánh giá tác động của các mô hình mới và đưa ra khung chính sách phù hợp

    Ông Lim cũng lưu ý khi thành lập một kế hoạch thí điểm, cần đảm bảo số lượng doanh nghiệp tham gia vừa đủ để đánh giá tác động sâu rộng nhưng cũng không nên quá nhiều và trùng lặp về mô hình kinh doanh để tránh lãng phí nguồn lực. Đối tượng doanh nghiệp tham gia cũng cần có sự chọn lọc kỹ càng

    Đồng thời ông đề cao mối quan hệ hợp tác công tư giữa các doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ, nhằm chia sẻ thông tin minh bạch, công khai và đẩy nhanh tiến độ thí điểm, từ vài năm xuống còn vài tháng, để thúc đẩy chính sách sớm được thực thi

    Khánh Anh
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Để cơ chế sandbox phát huy hiệu quả
    - Cơ chế “Sandbox” lần đầu tiên được giới thiệu trong Quyết định 999/QĐ-TTg ngày 12-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. “Sandbox” là một khái niệm khá lạ lẫm tại Việt Nam nhưng có thể coi là một đặc sản của nền kinh tế 4.0

    Đặc sản của nền kinh tế 4.0

    [​IMG]

    Cơ chế “Sandbox” lần đầu tiên được giới thiệu trong Quyết định 999/QĐ-TTg ngày 12-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. “Sandbox” là một khái niệm khá lạ lẫm tại Việt Nam nhưng có thể coi là một đặc sản của nền kinh tế 4.0. Theo nghĩa đen, sandbox là “ô cát” - tức là nơi để trẻ em vui đùa mà không sợ chấn thương hoặc làm phiền người lớn. Từ ý nghĩa ban đầu, sandbox lan sang các lĩnh vực khác như tin học, kỹ thuật hoặc chính sách. Trong tin học, sandbox là một môi trường cô lập để chạy thử nghiệm các phần mềm mới mà không ảnh hưởng đến hệ thống chung. Tương tự như vậy, về mặt chính sách, sandbox là cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm các chính sách, ý tưởng hoặc mô hình kinh doanh mới trong phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý để đánh giá, kiểm nghiệm và điều chỉnh trước khi trở thành một chính sách chung

    Vì sao cần sandbox ?

    Nền kinh tế 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tạo ra những ý tưởng kinh doanh hoặc mô hình kinh doanh mới, phủ định nhanh chóng những mô hình cũ. Có thể kể đến ý tưởng về nền kinh tế chia sẻ (shared economy) như Uber, Grab, Airbnb; tiền kỹ thuật số (crypto currency); cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending)... Những mô hình kinh doanh này có thể ảnh hưởng rất lớn đến thể chế kinh tế, thậm chí tạo ra những thay đổi mang tính hủy diệt cơ chế cũ. Ví dụ, việc vận hành một đồng tiền kỹ thuật số (crypto currency) ngay lập tức tạo ra một “đồng tiền” quốc tế, có thể dẫn đến việc vô hiệu hóa hoạt động kiểm soát của ngân hàng trung ương của một quốc gia, ảnh hưởng đến chủ quyền tiền tệ của các nước

    Trước những vấn đề kinh tế mới như vậy, trước đây, các Chính phủ thường tiếp cận một cách bảo thủ như cố gắng ban hành các chính sách nhằm quản lý, kiểm soát hoặc hạn chế các thực tế kinh tế đó, hoặc tệ nhất là “không quản được thì cấm”. Nhưng khi mô hình kinh doanh đó vượt lên tầm kiểm soát của Chính phủ thì giải pháp kiểm soát hoặc cấm đoán là không khả thi, và sẽ thiệt hại cho nền kinh tế nếu như ý tưởng đó mở ra một xu thế phát triển mới

    Từ thực tế đó, Chính phủ một số nước chọn giải pháp tiếp cận mềm dẻo hơn: không ngăn cấm mà để các ý tưởng được tự do phát triển trong một môi trường có kiểm soát và thời gian hạn chế để theo dõi cho đến khi nắm bắt được cách mô hình đó vận hành và đề ra các biện pháp ứng xử phù hợp

    Cơ chế sandbox chính thức đầu tiên thường được nhắc đến được ban hành bởi Cơ quan Quản lý tài chính của Anh Quốc và ban đầu được áp dụng cho các công ty công nghệ tài chính (FinTech). Từ đó, cơ chế này dần dần được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác và ngày càng được nhiều nước nghiên cứu và áp dụng

    Không xa lạ với Việt Nam

    Việt Nam trong thực tế đã áp dụng một số chính sách sandbox trong quá khứ - dưới tên gọi các chương trình thí điểm. Có thể kể đến việc thí điểm cho tổ chức, người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam theo Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 ngày 3-6-2008 của Quốc hội và sau này đã chuyển thành chính sách chính thức trong Luật Nhà ở và Luật Kinh Doanh bất động sản. Hoặc cơ chế thí điểm gây tranh cãi và hiện vẫn còn đang áp dụng theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 của Bộ Giao thông Vận tải thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Và có lẽ nổi tiếng nhất là cơ chế khoán sản phẩm nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú - ông Kim Ngọc và sau đó được chính thức hóa theo Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị. Cơ chế thí điểm giúp cơ quan quản lý có thời gian xem xét các ý tưởng một cách thấu đáo - như một bước đệm khi ban hành chính sách chính thức

    Lợi và hại

    Hiển nhiên là sandbox có nhiều lợi ích. Đó là một cơ chế giúp nhà lập chính sách cho phép nuôi dưỡng một ý tưởng mới mà không dập tắt nó ngay từ đầu, ngay cả khi chưa có cơ chế quản lý nó. Công thức lý tưởng để thực hiện mô hình sandbox là: trước tiên, cứ để cho doanh nghiệp tự do thực hành ý tưởng kinh doanh của họ; kế tiếp mới là cơ quan quản lý theo dõi, từng bước thích nghi hoặc sáng tạo ra chính sách và biện pháp quản lý của mình và từng bước uốn nắn phương thức kinh doanh của doanh nghiệp để làm sao đạt được hài hòa nhất ba mục tiêu: doanh nghiệp lớn mạnh, lợi ích cộng đồng được đáp ứng và kinh tế quốc gia phát triển

    Nhìn từ lịch sử, ở một góc độ nào đó, sandbox thể hiện thái độ ngập ngừng của cơ quan quản lý: nhảy vào cũng sợ (sợ mất kiểm soát), đứng ngoài cuộc cũng sợ (sợ lạc hậu) đối với mô hình kinh tế mới. Nguyên nhân chắc chắn là từ sức ì, là bản chất cố hữu của việc quản lý; nhưng một phần khác nguyên nhân cũng phát xuất từ những hạn chế của bản thân mô hình sandbox. Sandbox về bản chất là cơ chế xin - cho, nghĩa là khi một doanh nghiệp có được giấy phép sandbox, doanh nghiệp có cơ hội trở thành người đầu tiên trên thị trường. Nếu doanh nghiệp phát triển tốt, nó trở thành công ty độc quyền nhờ chính sách (policy monopoly). Nếu không kiểm soát cẩn thận, doanh nghiệp có xu hướng duy trì cơ chế mà nó được cấp phép và ngăn cản sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác, từ đó lại dẫn đến sự hạn chế cạnh tranh trên thị trường

    Kế đến, “ô cát” cho trẻ con chơi đùa là một không gian khoanh vùng, biệt lập với bên ngoài, những gì cho phép làm trong ô cát là không được phép ở ngoài ô cát; người chơi trong ô cát và người đứng ngoài ô cát hầu như không ảnh hưởng đến nhau, những hành vi trong ô cát không ảnh hưởng gì đến bên ngoài. Nhưng sandbox trong nền kinh tế thì hoàn toàn khác. Những ý tưởng mới, táo bạo nói trên cần phải được thể nghiệm trong thực tế; nói cách khác, trước khi cơ quan quản lý tìm được chính sách và biện pháp quản lý thích hợp, những ý tưởng kinh doanh đó đã có thời gian để tác động lên cộng đồng, thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội, tùy sức lan tỏa của ý tưởng mới. Ví dụ của taxi công nghệ Uber và Grab là điển hình

    Những hạn chế vừa nêu có thể khắc phục hay không là tùy thuộc vào tính hiệu quả của các chính sách và biện pháp quản lý

    Các khuyến nghị

    Hiện nay dư địa cho cơ chế sandbox là rất lớn và có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực

    Về mặt chính sách, để cơ chế sandbox phát huy hiệu quả, một cơ chế sandbox cụ thể cần đáp ứng những yêu cầu sau

    Thứ nhất, phải có tiêu chí rõ ràng, cụ thể (về quy mô, ngành nghề, nội dung, ý tưởng kinh doanh...) để sàng lọc, tuyển chọn doanh nghiệp tham gia sandbox (doanh nghiệp sandbox) trong từng thời kỳ. Tính chất thể nghiệm đòi hỏi một số lượng đủ để có thể rút ra kết luận cần thiết nhưng đồng thời cũng yêu cầu phải có sàng lọc, không làm đại trà. Một trong những tiêu chí nhất thiết cần cân nhắc là phạm vi và chiều sâu của cuộc thể nghiệm đối với từng loại doanh nghiệp sandbox và cả từng doanh nghiệp sandbox cụ thể. Một ví dụ trong lĩnh vực công nghệ cao, đến nay, hơn 17 năm sau khi khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước (Khu công nghệ cao TPHCM) đi vào hoạt động, vẫn chưa có tiêu chí cụ thể về doanh nghiệp công nghệ cao

    Thứ hai, cần có sự theo dõi, giám sát đối với từng doanh nghiệp sandbox bởi một đội ngũ nhân sự chuyên trách, hiểu biết sâu về lĩnh vực kinh doanh, có khả năng thẩm định ý tưởng kinh doanh mới và đánh giá khách quan kết quả đạt được để đề xuất biện pháp uốn nắn phương thức kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian thể nghiệm và chính sách, biện pháp quản lý khi ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp sandbox được áp dụng một cách chính thức trên thị trường

    Thứ ba, có quy định về thời hạn thể nghiệm đi kèm với những tiêu chí rõ ràng, cụ thể để xác định kết quả của thời gian thể nghiệm. Một lần nữa, cần lưu ý đến kinh nghiệm của loại hình taxi Grab: thời hạn thể nghiệm và tiêu chí để kết thúc thể nghiệm không có nên thời gian thể nghiệm cứ kéo dài trong khi công việc kinh doanh của Grab ngày càng lan rộng và tác động ngày càng lớn đến ngành dịch vụ vận chuyển công cộng

    Lương Văn Lý - Trần Thanh Tùng
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Doanh nghiệp có thể đề xuất thí điểm chính sách sandbox
    - Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc triển khai cơ chế chính sách thí điểm đặc thù (sandbox) và các doanh nghiệp có thể đề xuất thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông

    [​IMG]
    Thanh toán di dộng cũng được cho là một trong những lĩnh vực cần có sandbox

    Tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước quí 3 của Bộ Thông tin và Truyền thông được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, ngành công nghệ thông tin và truyền thông là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc triển khai sandbox. Các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành này có thể đề xuất thí điểm thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan này sẽ có trách nhiệm đại diện các đơn vị đứng ra làm việc với các bộ, ngành có liên quan

    Như vậy, khi muốn đề xuất chính sách trong lĩnh vực công nghệ thông tin-viễn thông, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để đề đạt ý kiến của mình

    Theo ông Hùng, cơ chế sandbox được ứng dụng cho những thử nghiệm mới ở bất kỳ tổ chức nào, thậm chí cơ quan nhà nước nên đi đầu. Có thể thử nghiệm những mô hình mới trong phạm vi nhỏ, sau đó mới tiến hành nhân rộng

    Ông Hùng cho biết thông tin trên sau khi rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã kiến nghị với các cơ quan chức năng, bộ ngành, Chính phủ thông qua nhiều hội thảo, hội nghị khác nhau được tổ chức gần đây. Họ cho rằng Việt Nam cần có cơ chế sandbox để có chính sách thử nghiệm với những dịch vụ, mô hình kinh doanh mới
     
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Thí điểm vượt rào, làm nên chuyện 12 tỷ USD
    Với con số lên tới hàng tỷ đô nhưng do thiếu cơ chế nên hiện nay nhiều startup hay fintech đang chưa thể bứt phá. Cơ chế sandbox là động lực lớn thúc đẩy tiềm năng này

    “Phá rào” hay thí điểm


    Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google và Temasek công bố vừa qua dự báo: Quy mô nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 sẽ đạt 12 tỷ USD, đứng thứ ba Đông Nam Á là quốc gia có tỷ trọng kinh tế số trên GDP cao nhất khu vực (tổng giá trị giao dịch của các hoạt động kinh tế số Việt Nam ước tính chiếm 5% GDP, vượt hẳn so với mức dưới 4% của các quốc gia còn lại)

    Cùng với Indonesia, Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số với mức tăng khoảng 40%/năm, trong khi Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan tăng ở mức 20-30%/năm

    Trong lĩnh vực fintech, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), ước tính, doanh thu từ các fintech đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD. Giao dịch tài chính qua điện thoại di động ở Việt Nam đang phát triển bùng nổ, trở thành miếng bánh ngon cho các fintech khai phá, từ thanh toán, cho vay, chuyển tiền đến thu hộ, chi hộ...

    Thị trường tỷ đô


    Tuy nhiên, việc không vượt qua được rào cản của các quy định cũ có thể làm hạn chế những ưu điểm mà công nghệ mới do các doanh nghiệp sáng tạo mang lại. Điển hình nhất là quy định về gắn mào để quản lý xe taxi công nghệ. Nếu không được điều chỉnh phù hợp thì quy định xe taxi dù công nghệ hay truyền thống đều phải gắn mào sẽ làm mất đi lợi ích mà công nghệ số mang lại đó là cho phép chia sẻ tài nguyên

    Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Nextech, đưa ra 5 kinh nghiệm cho thấy việc thiếu cơ chế pháp lý thí điểm sẽ có hệ luỵ gì cho xã hội

    Sandbox là khung thể chế thí điểm cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia

    Thứ nhất, cản trở sáng tạo. Sự sáng tạo sẽ không có nếu không thể dùng khung pháp lý truyền thống để áp dụng cho mô hình kinh doanh mới

    Thứ hai, lãng phí xã hội khi thiếu những cơ chế cụ thể giúp các hoạt động được triển khai nhanh chóng, thuận tiện hơn thông qua các mô hình điện tử

    Thứ ba, nếu không có cơ chế pháp lý, thì ngoài lãng phí còn giây bất ổn đến xã hội

    Thứ tư, thất thu cho quốc gia. Nếu không có cơ chế thí điểm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam, thì các doanh nghiệp sẽ tìm đến các kênh khác như thanh toán chui, thanh toán lậu... dẫn đến thất thu trong nước

    Thứ năm, nếu không có một cơ chế cụ thể cũng dễ dẫn đến cản trợ trong hoạt động đầu tư

    Chủ tịch Next Tech cho rằng, xây dựng cơ chế sandbox để thử nghiệm các chính sách cho mô hình kinh doanh, giải pháp công nghệ mới sẽ thúc đẩy phát triển. “Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo", ông Bình nhấn mạnh

    Đề xuất thành lập Văn phòng sandbox quốc gia


    Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc cần áp dụng sandbox cho chuyển đổi số là rất cần thiết, để điều chỉnh các mô hình kinh doanh cũ được phát triển dựa trên các công nghệ đã được phát minh trước đây, rất khó để giới thiệu những mô hình kinh doanh mới, có tính đột phá, mà vẫn tuân thủ các quy định pháp lý có tính ràng buộc cao như hiện nay. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, chúng ta cũng chưa biết được kết quả ra sao nếu không bắt tay vào thực hành

    [​IMG]
    Chuyên gia đề xuất thành lập Tổ công tác của Chính phủ về Sandbox

    Theo TS. Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), để sớm đưa Sandbox vào ứng dụng, trước hết cần một hành lang pháp lý thiết lập các quy tắc chung

    Bà Hồng cho rằng, với doanh nghiệp vì đã có ý tưởng song chưa có các bước cụ thể để thực thi, song đứng ở góc độ nhà quản lý thì cũng sẽ là đơn vị gánh chịu trách nhiệm rất lớn khi cơ chế này đi vào vận hành. Chính vì vậy, nếu không có những yêu cầu về trách nhiệm và những quy tắc miễn trừ nhất định, các cơ quan nhà nước có thể không có động lực trong việc triển khai xây dựng regulatory sandbox trong lĩnh vực quản lý của mình

    Bên cạnh đó, việc triển khai môi trường pháp lý thử nghiệm liên quan đến sự lựa chọn, do vậy, các tiêu chí lựa chọn cần được quy định một cách công khai, minh bạch để đảm bảo các đối tượng liên quan được tiếp cận một cách bình đẳng

    Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng, ưu tiên lớn nhất là cần thành lập ngay Tổ công tác của Chính phủ về sandbox để điều phối và thực thi thống nhất tầm nhìn chính sách của Chính phủ về công nghệ

    Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ

    Nghị quyết 52 cũng chỉ rõ phải "Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0

    Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm. Nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới. Thực hiện định danh, công nhận, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới"

    Hải Nam
     
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Thủ tướng yêu cầu NHNN trình ngay quyết định cá biệt về thí điểm Mobile Money

    [​IMG]

    Thủ tướng yêu cầu NHNN cần tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công

    Trong Chỉ thị vừa ban hành sáng nay (6/3), Thủ tướng yêu cầu NHNN trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money)

    Trước đó, tại buổi họp giao ban Bộ TT&TT giữa tháng 2/2020 vừa qua, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ đã đưa ra kiến nghị mốc thời gian thí điểm Mobile Money là trong quý I/2020

    “Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%”, theo Bộ trưởng

    Trong Nghị quyết 02/NQ-CP ban hành đầu năm nay, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới

    Cũng tại chỉ thị vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng); chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2019

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công
     
  7. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Thủ tướng yêu cầu phải cấp phép thí điểm ngay dịch vụ Mobile Money để thúc đẩy kinh tế

    [​IMG]
    Thủ tướng yêu cầu phải cấp phép thí điểm ngay dịch vụ Mobile Money để thúc đẩy kinh tế

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19

    Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử

    Theo Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ

    Trước đó, ngày 7/1/2020, Chính phủ đã thúc giục việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ và thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời bảo đảm công tác quản lý. Tuy nhiên, việc cấp phép dịch vụ này vẫn chưa được thực hiện

    Trong kịch bản thúc đẩy kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số kiện nghị trong đó có việc cho thí điểm Mobile Money trong quí 1/2020

    “Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói

    Theo thống kê hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, vì vậy Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch, từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch. Dịch vụ Mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay. Ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông được Ngân hàng nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money, chỉ sau một đêm, 100% các thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới

    Ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT&TT cho biết, Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện đến những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; tận dụng hạ tầng viễn thông, do đó, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ ngân hàng truyền thống, qua đó góp phần nâng mức sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng được mạng lưới viễn thông, các điểm giao dịch rộng khắp cả nước để phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống. Do vậy, doanh nghiệp viễn thông có thể mở rộng dư địa để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh

    Cho đến thời điểm này, cả nhà nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã chính thức đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử Mobile Money. Mobile Money - hình thức sử dụng tài khoản di động để thanh toán là hết sức khả thi trong giai đoạn hiện nay với tỉ lệ người dân đều sở hữu điện thoại di động cao đến hơn 90%. Phát triển thanh toán qua di động có thể sẽ là một cú huých cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam. Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0

    Theo đại diện của Viettel Telecom, việc sử dụng tài khoản thuê bao di động để tiêu dùng giá trị nhỏ được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước như Nhật Bản, Singapore và các nước thuộc liên minh châu Âu. Trong đó, việc ứng dụng tập trung ở các loại giao dịch như: Thanh toán trên các trang thương mại điện tử, nạp tiền vào ví điện tử, thanh toán phí dịch vụ giao thông công cộng, phí đỗ xe tại nhiều nước châu Âu, nhiều loại hình giao dịch có giá trị nhỏ như dịch vụ truyền hình, thẻ quà tặng, thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ, thanh toán các dịch vụ nội dung số như Game, chợ ứng dụng. Tại các nước giao dịch sử dụng tài khoản thuê bao di động cao gấp 5 lần sử dụng tài khoản ngân hàng

    Bình luận về chính sách cho Mobile Money, ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra nhận định, nếu muốn theo cuộc chơi trên thế giới thì chúng ta không thể nằm ngoài xu hướng toàn cầu. Chúng ta phải bỏ chính sách “quản đến đâu thì mở đến đó” mới có thể phát triển được. Bài học từ Trung Quốc về vấn đề thanh toán điện tử vượt qua cả Châu Âu và Mỹ là minh chứng tốt cho việc triển khai thanh toán điện tử ở Việt Nam. Hãy để doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm. Vậy chúng ta cần phải đổi mới thể chế, có chính sách Sandbox để cắt ngắn thời gian và thủ tục chứ không thể có thêm những hạn chế mới cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường này


    Thái Khang
     

Chia sẻ trang này