Make in Vietnam

Thảo luận trong 'MEDIBOX GROUP' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 20/8/19.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Make in Vietnam, giành độc lập về công nghệ

    Tuyên bố 'Make in Vietnam' chính là một tuyên bố quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ, được đưa ra đúng thời điểm, khi mà Việt Nam đang trở thành một cơ hội và là điểm thu hút đầu tư lớn

    Doanh nghiệp Việt kỳ vọng lớn


    “Make in Vietnam” đang “gây sóng” trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ khi được xác định là một chiến lược mới để đưa Việt Nam “hóa rồng”. “Tuyên bố Make in Vietnam chính là một tuyên bố quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ, được đưa ra đúng thời điểm, khi mà Việt Nam đang trở thành một cơ hội và là điểm thu hút đầu tư lớn”, ông Nguyễn Thành Nam, Thành viên Sáng lập FPT bình luận

    VinFast vừa chính thức bàn giao lô xe Lux SA2.0 và Lux A2.0 đầu tiên cho khách hàng. Như vậy, hãng xe Việt đã cơ bản hoàn tất việc lắp đặt nhà máy và sẵn sàng vận hành thử nghiệm trước khi đi vào sản xuất hàng loạt. Với việc hoàn thành sản xuất, thử nghiệm mẫu xe hơi đầu tiên, VinFast đang từng bước hiện thực hoá “giấc mơ ô tô Việt”

    Mới đây, chủ tịch FPT Software, ông Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ những hình ảnh về chiếc xe tự lái do đội ngũ lập trình viên của FPT xây dựng trong suốt thời gian 2 năm qua. Dự kiến cuối năm nay, những chiếc xe điện của Yamaha tích hợp công nghệ tự hành của FPT sẽ lăn bánh mà không cần người lái tại khu đô thị sinh thái Ecopark

    Điều này hứa hẹn sẽ mở ra một tương lai mới cho ngành công nghiệp Việt Nam và cả ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam, khi mà công nghệ tự hành được ứng dụng trong thực tế, mang nhiều trải nghiệm mới cho việc di chuyển của cư dân, du khách trong các khu đô thị, khu du lịch cao cấp hay vận chuyển hàng hoá trong nhà máy, kho bãi

    Quyết đi đầu trong Make in Vietnam, cuối tháng 5/2019, Viettel đã thành lập Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, nhiệm vụ chính là tập trung phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp điện tử viễn thông

    Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác đã Make in Vietnam một cách quyết liệt như: Bkav kiên định 10 năm nghiên cứu, sản xuất thành công Bphone và Smarthome. VNG đưa Zalo của người Việt Nam ra thế giới, FastGo, Be phát triển ứng dụng gọi xe thành những siêu ứng dụng và mở rộng ra ASEAN

    Hiện thực hóa “Make in Vietnam”, Got It vừa qua đã ra mắt sản phẩm Querychat - một dịch vụ hướng tới các kho lưu trữ dữ liệu trên nền điện toán đám mây, khởi đầu với Google BigQuery

    Chuẩn bị thế và lực


    Ông Nguyễn Thành Nam đánh giá, Việt Nam đang đứng trước thời cơ. Trong thời đại toàn cầu hóa, ở đâu có cơ hội, ở đó có cạnh tranh. Cơ hội càng lớn, cạnh tranh càng khốc liệt. “Chúng ta không nên và không thể đối đầu với thế giới. Ngược lại chúng ta cần mềm dẻo, lấy "vũ khí địch đánh địch", tận dụng tối đa lợi thế của người đi sau”, ông Nam nói

    Để đặt được bài toán, hiểu thấu bài toán một cách mạch lạc, cần có một đội ngũ giỏi về khoa học công nghệ và có kiến thức nền rất rộng. Đội ngũ này ở Việt Nam vừa thiếu vừa phân tán. Do đó việc tập hợp được đội ngũ này, tạo điều kiện cho họ cọ xát và cộng hưởng là việc cần được ưu tiên cao nhất

    Theo ông Nam, trong lúc chưa tập hợp được nguồn nhân tài, chưa có thời cơ rõ ràng, thì điều quan trọng nhất là chuẩn bị lực lượng. Chính phủ cần ưu tiên nhanh chóng giãn sức "doanh", tức tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp, để họ có thể tích lũy nguồn lực. Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích những công ty lớn, những đại gia, những quỹ đầu tư bỏ tiền để "chiêu hiền, đãi sĩ"

    Về phía các doanh nghiệp công nghệ, ông Nam cho rằng, trước hết phải là một doanh nghiệp bình thường, công nghệ không phải là đũa thần. Không phải cứ danh xưng công nghệ hoặc cứ "make" được công nghệ là sẽ thành công, tức là vẫn phải giải quyết thấu đáo các câu hỏi như thị trường của mình ở đâu, có những nhu cầu gì đặc biệt, đối thủ mình là ai, mình có gì hơn họ...

    Không ảo tưởng cho rằng vì mình ở Việt Nam nên mình sẽ hiểu nhu cầu Việt Nam hơn đối thủ nước ngoài. Sau đó cần trả lời những câu hỏi như mình cần nguồn nhân lực cỡ như thế nào, ở Việt Nam có không, có bao nhiêu, nếu không có thì bù đắp như thế nào và cuối cùng ai sẽ là nhà đầu tư cho mình, vì sao họ lại bỏ tiền

    "Độc lập về công nghệ là một giấc mơ kỳ vĩ. Muốn giấc mơ đó trở thành hiện thực, ngoài quyết tâm, cái chúng ta cần nhất lúc này có lẽ là nỗ lực lao động một cách kiên nhẫn và thông minh, dựa trên một hiểu biết sâu sắc về thực tiễn và những sự thay đổi lớn lao do tác động công nghệ đang xảy ra trên toàn cầu', ông nhấn mạnh

    Duy Anh
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Thoát bẫy thu nhập trung bình bằng công nghệ
    [​IMG]

    Phát triển công nghệ là con đường tắt giúp Việt Nam tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế và xã hội

    Theo thống kê, đến hết năm 2018, quy mô GDP của Việt Nam đạt trên 250 tỉ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600USD. Tuy nhiên, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam

    Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến triển nhanh chóng, Việt Nam có cơ hội lớn để tăng năng suất, tiến tới ngưỡng toàn cầu. “Những thay đổi công nghệ đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, ví dụ robot, tự động hóa, in 3D... Những điều này hết sức quan trọng với Việt Nam”, ông Ousmane Dione nói

    [​IMG]

    Theo Giáo sư Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST), do có xuất phát điểm tương đồng nên Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc. Hàn Quốc từng là một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới với GNP bình quân đầu người là 82USD, chủ yếu dựa vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 60% việc làm. Đầu những năm 80, Hàn Quốc rất quan tâm phát triển công nghệ thông tin vì đây là ngành tận dụng được tri thức và không tốn nhiều lao động. Hàn Quốc cũng đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) dựa trên khu vực tư nhân

    “Chúng tôi sớm nhắm vào mục tiêu ưu tiên những công nghệ có tiềm năng thương mại lớn hơn, những dự án lớn có thể hợp tác liên bộ... Qua đó, đưa Hàn Quốc vào bản đồ công nghệ thông tin trên toàn cầu”, Giáo sư Chung chia sẻ. Những tập đoàn công nghệ lớn trở thành xương sống cho nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay. Chẳng hạn, Samsung thời gian đầu đã đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi công nghệ, nhưng sau 10 năm phát triển, Samsung đã trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Hay Tập đoàn Posco cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ về đầu tư ban đầu và hạ tầng. Trong vòng 15 năm, doanh nghiệp này đã phát triển nhiều công nghệ tối tân để sản xuất thép

    Hiện tại, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (A.I), Internet vạn vật (IoT), robot, Blockchain... Xác định các chương trình R&D là công nghệ lõi của cách mạng 4.0, quốc gia này định vị được phân khúc, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh

    [​IMG]


    Theo Giáo sư Massimo Piccardi, Đại học Công nghệ Sydney (UTS), A.I sẽ mang lại nhiều chuyển đổi to lớn về năng lực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngày nay, A.I và robot tự trị có thể xây dựng cả ngôi nhà. A.I có thể chỉnh sửa hàng loạt, ứng dụng trong y tế, giao thông... Bản thân World Bank cũng đưa ra nhiều tư vấn về việc ứng dụng A.I trong xây dựng thành phố thông minh, xây dựng hệ sinh thái ứng dụng A.I và phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam

    Nền kinh tế số cần sử dụng công năng để nâng cao hiệu năng sản xuất. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Data 61 (Úc), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm nếu chuyển đổi số thành công. Trong sự biến chuyển này, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số

    Có thể thấy kinh tế số Việt Nam thời gian qua cơ bản là phát triển tự phát, nhưng phát triển khá nhanh. Điều này là do Việt Nam có nền tảng hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng khắp với mật độ người sử dụng cao. Chính phủ cũng đã thử nghiệm Sandbox cho mô hình kinh tế mới nhằm đẩy mạnh các sáng tạo đột phá trong startup, fintech... Với hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành trong 2 năm qua, cùng với đó là 40 quỹ tổ chức đầu tư mạo hiểm, mạng lưới đầu tư thiên thần, nếu có một không gian kinh tế phù hợp, sẽ có thể tạo nên sức bật mạnh mẽ cho kinh tế Việt Nam

    Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019), khảo sát về tính sẵn sàng cho cách mạng công nghệ 4.0, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam, cho biết, Việt Nam còn khá non trẻ với mức xếp hạng 4.9, đứng sau nhiều nước như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore... “Điểm đáng mừng là Việt Nam đang có sự chuyển dịch, hướng đến nhóm các nước sẵn sàng đón đầu kinh tế số”, ông nói

    [​IMG]

    Mới đây, Viettel đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ 5G. Hay hàng loạt mạng xã hội Việt Nam như Lotus, Gapo... mạnh dạn đầu tư để cạnh tranh với Facebook. Công nghệ cũng đang rất phát triển tại Việt Nam và được ứng dụng trong nhiều ngành sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ... Mặc dù vậy, nền tảng của nền kinh tế số Việt Nam đang có một số vấn đề như số lượng kỹ sư có trình độ cao còn ít, cơ sở hạ tầng dữ liệu và chất lượng dữ liệu còn hạn chế, doanh nghiệp chưa có động lực đầu tư vào công nghệ cao để tự động hóa vì chi phí lao động còn thấp...

    Theo Giáo sư Sungchul Chung, tính sẵn sàng về công nghệ chỉ có thể có được thông qua R&D và học hỏi, điều này đòi hỏi năng lực và đầu tư hấp thụ công nghệ lớn. Để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế số, chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân không chỉ trong quá trình thiết kế chính sách mà cả khi xây dựng cơ sở hạ tầng

    Ông Eric Sidgwick cũng cho rằng để nâng cao tính sẵn sàng cho kinh tế số, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, chất lượng giáo dục và kỹ năng, đồng thời tạo hệ sinh thái công nghệ startup thuận lợi, tạo môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp phát triển. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ và đổi mới công nghệ để mở con đường tắt nhằm bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội, quan trọng hơn là không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

    Hà Cúc
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Sếp Viettel “Chúng tôi muốn có cơ chế đầu tư mạo hiểm đúng nghĩa chấp nhận mạo hiểm”

    [​IMG]

    "Viettel mong muốn có cơ chế đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa là chấp nhận mạo hiểm chứ không phải đầu tư dự án với nhiều thủ tục phức tạp như hiện tại"...

    Kiến nghị được ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nêu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về công nghiệp 4.0 diễn ra ngày 3/10 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức

    Theo ông Dũng, trong Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Bộ Chính trị có đề cập tạo cơ chế để doanh nghiệp nhà nước đầu tư mạo hiểm

    "Do đó chúng tôi rất mong muốn có cơ chế đầu tư mạo hiểm theo đúng nghĩa là chấp nhận mạo hiểm chứ không phải đầu tư dự án với nhiều thủ tục phức tạp như hiện tại", ông Dũng nói

    Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho rằng, hạ tầng viễn thông là nền tảng cho chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0. Để xây dựng kinh tế số, một xã hội thông minh thì phải tạo ra hàng trăm triệu kết nối vạn vật, kết nối dữ liệu siêu lớn, phát triển các siêu ứng dụng số, điều đó yêu cầu phải có một hạ tầng viễn thông siêu băng rộng và độ tin cậy siêu cao

    Do đó, theo lãnh đạo Viettel, mạng viễn thông cần được xây dựng đi trước một bước, tức là ngay thời điểm hiện tại phải có mọi điều kiện pháp lý xây dựng mạng 4G, 5G, như giấy phép thiết lập mạng, tần số vô tuyến, giấy phép xây dựng hạ tầng thụ động

    "Lúc này cấp phép nhanh, kịp thời là quan trọng nhất. Chúng ta nên chọn phương án cấp phép có thủ tục gọn nhẹ nhất, không nên đặt quá nặng về thu ngân sách hay phân vân quá việc cân đối giữa các doanh nghiệp. Nên đi theo nguyên tắc mũi nhọn, doanh nghiệp nào mạnh, đầy đủ nguồn lực thì đi trước doanh nghiệp mới đi sau một chút", theo Tổng giám đốc Viettel

    Cũng theo ông Dũng, hạ tầng quan trọng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài nguyên quốc gia… đang triển khai chậm và đề xuất cần nhanh chóng giao cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính, con người và công nghệ để thực hiện các dự án này

    Và để tránh đầu tư lãng phí, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể đóng vai trò giám sát, bắt buộc các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư vào những công nghệ tiên tiến nhất như mạng 4G, mạng 5G, ảo hoá, cloud… Lãnh đạo Viettel đồng thời cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần nhanh chóng cấp phép Mobile Money, chuyển mạch tài chính số cũng như các sản phẩm dịch vụ mới để sử dụng hiệu quả hạ tầng mà doanh nghiệp đã xây dựng

    Liên quan đến ý kiến doanh nghiệp tại Phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về công nghiệp 4.0 trên, ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group - một start-up Việt hoạt động trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách kích thích đầu tư cụ thể và sâu rộng các lĩnh vực như cơ sở dữ liệu lớn, máy học, trí thông minh nhân tạo...

    Bởi theo ông Hải, để hiện thực hoá Nghị quyết 52, Việt Nam phải có đầy đủ nguồn lực cả con người lẫn nền tảng công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng. Theo đó là các chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích cho doanh nghiệp đang đầu tư sâu hay chính sách thuế thu nhập cá nhân cho các nhân sự trong ngành. Từ đó có thể kêu gọi khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và phát triển các ứng dụng sáng tạo, đầu tư vào các nền tảng công nghệ 4.0

    CEO Be Group cũng cho rằng cần có cơ chế thí điểm cho các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên nên có những chế tài khống chế về không gian, thời gian hay thị phần nhất định trong khuôn khổ thí điểm sandbox, tránh để vài doanh nghiệp trong cơ chế thí điểm chiếm những thị phần lớn mà tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh

    Thuỷ Diệu
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Bộ Tài chính nghiên cứu sàn giao dịch vốn cho startup

    Thủ tướng giao Bộ Tài chính báo cáo về đề án sàn giao dịch vốn trong năm 2020-2021

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước đang tồn tại nhiều rào cản, kém sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân đến từ việc môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, quy định về điều kinh doanh chưa phù hợp, thiếu hỗ trợ về cơ sở vật chất và tài chính, chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm mới...

    Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát huy năng lực. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ chủ trì xây dựng đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và hướng dẫn hạch toán kế toán. Bộ Kế hoạch – Đầu tư được giao đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng giúp nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi trong việc thành lập, góp vốn, mua cổ phần của quỹ đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam

    Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng thể chế cho các ngành, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới, đã xuất hiện hoặc tiềm năng xuất hiện. Đối với các ngành tiềm năng nhưng mức độ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế như tài chính, ngân hàng..., ông yêu cầu xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho doanh nghiệp có thể phát triển và thí điểm sản phẩm mới

    Phương Đông
     

Chia sẻ trang này