Nhân sự ngành công nghệ

Thảo luận trong 'Vietnam StartUp' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 4/7/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Toshiba Memory và bài học nhân sự ngành công nghệ
    - Việc hãng Toshiba hoàn tất thương vụ bán bộ phận chip nhớ Toshiba Memory cho một nhóm công ty Nhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc vào đầu tháng 6 này với giá 18 tỉ đô la là một đòn nữa giáng mạnh vào ngành công nghiệp công nghệ Nhật Bản

    Sự xuống dốc của ngành công nghiệp điện tử từng “bay cao” này có một phần trách nhiệm các tập đoàn Nhật Bản khi họ không coi trọng việc hậu đãi nhân tài, dẫn đến nạn “chảy máu” kỹ sư và công nghệ phát triển trong nước

    Không còn giấc mơ lớn

    Tại chí Nikkei Asian Review gần đây tiến hành khảo sát một số người từng làm việc cho các công ty công nghệ nổi tiếng của Nhật Bản - Toshiba, Hitachi, NEC, Fujitsu và Sony. Họ là kỹ sư làm việc trong những lĩnh vực như chất bán dẫn, màn hình tinh thể lỏng… trước khi chuyển sang những công ty Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…


    “Sự thay đổi đã xảy ra vào cuối những năm 1990. Những người ở vị trí cao cấp không còn muốn mơ giấc mơ lớn. Họ tìm cách tránh rủi ro và không đề cao những ai chấp nhận sự thách thức”, một người cho biết

    Ông Hiroaki Kitahara, cựu nhân viên của hãng IBM tại chi nhánh ở Nhật Bản, cho rằng kỹ sư thường chỉ có cảm giác thỏa mãn khi làm được những gì mình kỳ vọng. Ông Kitahara hiện là nhà tư vấn công nghệ độc lập và quen biết không ít kỹ sư người Nhật làm việc tại Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. “Hầu hết kỹ sư Nhật Bản ra nước ngoài làm việc vì muốn một môi trường nơi họ có thể làm những gì mình muốn”, ông giải thích

    Lương thưởng không tương xứng cũng là một yếu tố thúc đẩy họ ra đi. Tồn tại hàng thập kỷ nay, chế độ làm việc trọn đời của Nhật Bản ấn định lương của nhân viên được tuyển dụng khi mới ra trường và quyết định mức tăng lương hàng năm của họ. Trong lĩnh vực điện tử, mức lương của phần lớn công ty không khác nhau bao nhiêu

    Những ai có nhiều đóng góp cảm thấy nản chí bởi phần thưởng không tương xứng. Tại Nhật Bản, khi một nhân viên phát minh ra thứ gì đó, bằng sáng chế thường thuộc về công ty. Bất kỳ phần thưởng nào dành cho họ thường ở dạng tiền mặt với con số không nhiều. Điều này có thể dẫn đến sự thất vọng khi các kỹ sư Nhật Bản ra nước ngoài dự hội nghị và gặp gỡ các đồng nghiệp được đãi ngộ tốt hơn đến từ Mỹ, Hàn Quốc…

    Sự thiếu hiểu biết về lĩnh vực bán dẫn của ban lãnh đạo các công ty càng thúc đẩy nạn chảy máu chất xám. Các công ty thiết bị điện tử Nhật Bản có phạm vi hoạt động rộng và đa dạng. Chẳng hạn như Toshiba sản xuất đủ thứ, từ thiết bị nhà bếp, máy tính cá nhân cho đến hệ thống dữ liệu và lò phản ứng hạt nhân. Chất bán dẫn và tấm nền màn hình là những mảng kinh doanh được các đế chế kinh doanh này bổ sung gần đây. Việc nhảy vào hai lĩnh vực này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn trong lúc doanh thu dao động thất thường và cổ tức là điều không chắc chắn

    Các tập đoàn công nghệ Nhật Bản gọi hai lĩnh vực này là “mới nổi” và việc quản lý chúng đòi hỏi những kỹ năng khác biệt

    Thiếu năng lực

    Tuy nhiên, không ít kỹ sư phàn nàn rằng các giám đốc điều hành Nhật Bản không hiểu gì về mảng bán dẫn. Họ cho rằng sự thiếu năng lực này đã dẫn đến tiến trình ra quyết định chậm chạp, kém hiệu quả liên quan đến các dự án nghiên cứu và phát triển, cũng như kế hoạch chi tiêu vốn

    Giáo sư Junichi Miyamoto của Trường Đại học Chubu, từng làm việc cho Toshiba như một kỹ sư cao cấp về công nghệ bộ nhớ, cho rằng thực trạng này khiến các công ty Nhật rơi vào tình trạng gần như tê liệt khi Samsung Electronics (Hàn Quốc) và các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu khác tăng tốc trong cuộc đua. “Tại Samsung, ban quản lý cấp cao đưa ra quyết định và toàn bộ công ty lập tức bắt tay hành động. Đây không phải là điều các công ty Nhật Bản có thể sao chép vì họ cố gắng duy trì sự cân bằng ngầm giữa những yếu tố như cơ hội thăng tiến của nhân viên, chi tiêu và sự phối hợp giữa các bộ phận”, ông Miyamoto, người sau đó làm cố vấn cho Samsung Electronics, nhận định

    Tính từ cuối những năm 1990, ít nhất 500 kỹ sư bán dẫn và tấm nền màn hình ở Nhật Bản có thể đã rời công ty trong nước để “đầu quân” cho các đối thủ nước ngoài. Ngoài ra, không ít người chuyển từ các hãng điện tử lớn sang các nhà sản xuất thiết bị, linh kiện trong nước. Điều này dẫn đến tình trạng “chảy máu” gián tiếp chất xám công nghệ đến Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc bởi đây là điểm đến cuối cùng của những sản phẩm họ làm ra

    Dĩ nhiên là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang nỗ lực ngăn các công nghệ “cây nhà lá vườn” rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Thương vụ Toshiba Memory là một trường hợp điển hình. Một số chính trị gia kêu gọi các công ty Nhật Bản giữ lại đa số cổ phần để có quyền biểu quyết trong công ty này. Điều này khiến bộ nói trên chạy đua lên kế hoạch “mua sắm” có sự tham gia của một quỹ được chính phủ hậu thuẫn và một ngân hàng Nhật Bản. Đây là phản ứng điển hình tại Nhật Bản, nơi chỉ thị từ các chính trị gia có thẩm quyền tuyệt đối

    Quá trình đàm phán về Toshiba Memory chứa đựng không ít điều bất ngờ trước khi các bên đi đến thương vụ nói trên. Theo bản thỏa thuận, Toshiba đầu tư lại để nắm 40% số cổ phần công ty. Nhờ thế, Toshiba Memory xem như vẫn là một doanh nghiệp Nhật Bản, với Toshiba và Hoya (một công ty chuyên sản xuất sản phẩm quang học) cùng nhau kiểm soát tổng cộng 50,1% số cổ phần, đủ để có quyền biểu quyết

    Nhưng Toshiba Memory phải trả cái giá không nhỏ cho nỗ lực duy trì “mặt tiền” này. Các bên nước ngoài trong nhóm công ty nói trên yêu cầu cổ tức cao và mong đợi các khoản thanh toán lãi suất. Những khoản tiền này có thể khiến doanh thu Toshiba Memory mất vài chục tỉ yen mỗi năm, khiến câu hỏi đặt ra là liệu công ty có còn đủ tiền để đầu tư cho tương lai mình hay không

    Cuộc “tháo chạy” của những kỹ sư công nghệ

    Tại Viện bảo tàng lịch sử máy tính ở Thung lũng Silicon (Mỹ) có trưng bày hình ảnh những nhân vật có công định hình cuộc cách mạng máy tính, như Steve Jobs, Bill Gates… Trong số này có một kỹ sư Nhật Bản ít được biết đến. Tên ông là Fujio Masuoka, người được mô tả trong dòng ghi chú dưới tấm ảnh là “Phát minh ra bộ nhớ nhưng cảm thấy bị quên lãng”

    Câu chuyện của kỹ sư 74 tuổi này là lời cảnh báo mạnh mẽ gửi đến các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Nhật Bản đang vật lộn duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông Masuoka phát minh ra bộ nhớ flash vào năm 1984 khi làm việc cho Toshiba. Thành tựu này được ca ngợi nhưng bản thân ông Masuoka lại không được tưởng thưởng xứng đáng. Đến năm 1987, Toshiba trở thành công ty đầu tiên trên thế giới phát triển chip nhớ NAND flash, mở đường cho sự ra đời của điện thoại thông minh vài thập kỷ sau đó. Một nhóm kỹ sư do ông Masuoka đứng đầu đã dọn đường cho những ứng dụng thực tế của bộ nhớ flash. Nhóm này không có quy mô lớn khi ra đời trong những năm 1980 và có ngân sách thường niên vài trăm ngàn đô la

    Trước khi bị đem bán, bộ phận chip nhớ Toshiba Memory là viên ngọc quý của Toshiba, mang lại mức lợi nhuận hoạt động 400 tỉ yen (3,63 tỉ đô la) mỗi năm. Tiếc là ông Masuoka không được tận hưởng thành công này sau khi rời công ty năm 1994 và hiện là giáo sư tại Trường Đại học Tohoku. Một phần lý do là ông không hài lòng với sự đối xử của công ty, nhất là việc có liên quan đến những thành tựu của mình. Mười năm sau đó, ông Masuoka nộp đơn kiện đòi Toshiba bồi thường 1 tỉ yen cho vai trò trong việc phát triển bộ nhớ flash. Bị nhiều người chỉ trích là tham lam, ông vẫn không lùi bước khi khẳng định tiền không phải là vấn đề. “Tôi chỉ muốn tiếp tục công việc nghiên cứu và phát triển. Các kỹ sư Nhật Bản phải được tưởng thưởng xứng đáng”, ông nhấn mạnh

    Theo chân ông Masuoka, các thành viên khác của nhóm lần lượt rời Toshiba. Tình trạng chảy máu chất xám không chỉ xảy ra ở Toshiba. Các kỹ sư chip lần lượt “tháo chạy” khỏi những công ty điện tử Nhật Bản khác, như Hitachi, NEC, Sony từ nửa sau thập niên 1990. Hãng Samsung Electronics đã tuyển mộ nhiều kỹ sư trong số này với lương bổng hậu hĩnh hơn, giúp họ nhảy vào lĩnh vực công nghệ cao. Điều đáng lo hơn là những thế lực mới vẫn tiếp tục xuất hiện trong thị trường đang săn lùng kỹ sư chip của Toshiba và sẵn sàng trả mức lương khủng, như Tsinghua Unigroup (Trung Quốc)

    Nếu làn sóng nhân tài tiếp tục rời Toshiba và những công ty Nhật khác để làm việc cho các đối thủ nước ngoài, nỗ lực bảo vệ ngành công nghiệp bộ nhớ trong nước của chính phủ Nhật Bản sẽ thành công cốc. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các công ty Nhật Bản có thể tạo ra những môi trường đủ sáng tạo và sẵn sàng trả lương cao để giữ chân những kỹ sư có tiềm năng tạo ra những công nghệ của tương lai

    Minh Huy
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/11/18
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Google, Apple và 13 công ty lớn khác không còn yêu cầu nhân viên phải có bằng đại học
    “Khi bạn nhìn vào những người không học đại học và vẫn thành công trong sự nghiệp, đó là những người xuất chúng"

    [​IMG]

    Theo báo cáo của trang tìm kiếm việc làm Glassdoor, có tới 15 công ty hàng đầu thế giới đã thay đổi chính sách tuyển dụng và không còn yêu cầu các ứng viên của mình phải có bằng đại học. Trong số đó có các công ty công nghệ lớn như Apple, Google và IBM

    Giám đốc nhân sự Laszlo Bock của Google cho biết: “Khi bạn nhìn vào những người không học đại học và vẫn thành công trong sự nghiệp, đó là những người xuất chúng. Và chúng ta nên làm tất cả mọi thứ để có thể tìm được những người như vậy”

    Apple cũng không còn yêu cầu các ứng viên của mình cần phải có bằng đại học, ngay cả khi ứng tuyển các vị trí quan trọng như kỹ sư thiết kế, quản lý dự án hay chuyên gia kỹ thuật. Các nhân viên có bằng đại học và không có bằng đại học sẽ được ưu đãi giống nhau, hoàn toàn không có sự phân biệt

    Starbucks cũng bắt đầu tuyển dụng vị trí quản lý cửa hàng mà không yêu cầu bằng đại học. Hay thậm chí tổ chức tài chính lớn như Bank of America cũng không còn yêu cầu bằng đại học khi tuyển dụng các vị trí như phân tích giải pháp, quản lý khách hàng, quản lý thị trường, tư vấn doanh nghiệp

    15 công ty lớn trong danh sách của Glassdoor gồm có: Google, Ernst & Young, Penguin Random House, Costco Wholesale, Whole Foods, Hilton, Publix, Apple, Starbucks, Nordstrom, Home Depot, IBM, Bank of America, Chipotle và Lowe's
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Apple đang lấy nhiều nhân tài của Tesla

    [​IMG]

    Trong nhiều năm gần đây, Tesla gần như là đích ngắm của nhiều công ty muốn săn tìm các ứng viên tiềm năng và tài giỏi trong lĩnh vực xe hơi và công nghệ pin. Một trong số đó phải kể đến Apple

    Hãng liên tục chiêu mộ các tài năng từng làm việc tại Tesla về đầu quân với mức lương vô cùng hậu hĩnh. Không phải ngẫu nhiên khi vào năm 2015, CEO Tesla Elon Musk từng chia sẻ, Apple giống như "nghĩa trang của Tesla", tạm hiểu là nơi đến cuối cùng của nhân viên sau khi rời Tesla

    Tính tới đầu năm 2018, Apple đã thu hút được hơn 46 nhân viên từng làm việc cho Tesla. Trước đó đã có hàng chục nhân viên cả cũ lẫn mới của Tesla chuyển sang Apple vào cuối năm 2017

    Theo CNBC, Apple hiện đang tích cực hợp tác với các kỹ sư, chuỗi cung ứng và chuyên gia bán hàng, thậm chí cả các thực tập sinh từng làm việc tại Tesla. Động thái sốt sắng này của Apple là có lý do khi mà hãng đang tham vọng lấn sân sang nhiều lĩnh vực, không chỉ xe hơi với dự án Project Titan mà còn cả công nghệ màn hình, quang học và pin

    [​IMG]

    Táo Khuyết sẵn sàng trả số tiền lương gấp 150% lương mà Tesla trả cho nhân viên. Đó cũng là lý do khiến nhiều tài năng của Tesla đã chọn ngay Apple là bến đỗ mới sau khi không còn mặn mà với công ty của tỷ phú Elon Musk

    Hiện tại cựu phó giám đốc kỹ thuật tại Tesla Doug Field đã chuyển sang đầu quân cho Apple sau môt vài năm gắn bó với hãng sản xuất xe điện. Một kỹ sư của Tesla từng chia sẻ rằng, dù lương ở Tesla không cao nhưng công việc ở đây khá ý nghĩa

    Người này cho rằng, Tesla là nơi tích lũy kinh nghiệm chuyên môn tuyệt vời nhất, thậm chí là công ty tốt nhất thế giới. Bởi lẽ, đây là nơi mọi nhân viên đều rất chăm chỉ và tích cực giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến loài người và thế hệ tương lai

    Trong một tuyên bố của Tesla về cuộc chiến cạnh tranh nhân sự với Apple, phát ngôn viên Tesla không khỏi bi quan về tình thế hiện nay

    "Tesla đang phải đi trên một con đường rất khó khăn. Chúng tôi có ít tiền hơn Apple gấp 100 lần. Bởi vậy tất nhiên họ có thể trả lương cao hơn Tesla. Chúng tôi đang phải vật lộn với cuộc chiến trên thị trường xe hơi khi mà các đối thủ có thể sản xuất số xe gấp 100 lần Tesla vào năm ngoái. Tesla thậm chí còn không có tiền để quảng cáo hoặc giảm giá. Điều giúp chúng tôi tồn tại chính là chất lượng..."

    Apple tất nhiên chưa có bất cứ bình luận nào xoay quanh phát ngôn trên của Tesla

    Tiến Thanh
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Singapore muốn đón thêm lao động nước ngoài
    Singapore tuyên bố cần phải đón thêm lao động nước ngoài trong các lĩnh vực như lập trình phần mềm...

    [​IMG]
    Ông Ong Ye Kung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore

    Singapore, quốc gia đang đối mặt với tình trạng dân số lão hóa và thiếu nhân lực công nghệ cao, tuyên bố cần phải đón thêm lao động nước ngoài trong các lĩnh vực như lập trình phần mềm. Bên cạnh đó, đảo quốc sư tử cũng đang nỗ lực cân bằng lại hệ thống giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai

    Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore Ong Ye Kung nói rằng một vấn đề chính hiện nay đối với nước này là liệu có đủ nguồn nhân lực để duy trì sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích hoạt động doanh nghiệp

    Ông Ong cho biết Singapore sẽ tiếp tục mở rộng cửa đón lao động nước ngoài trong những ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng duy trì một hệ thống hạn ngạch lao động ngoại quốc đối với những ngành đòi hỏi kỹ năng thấp hơn như xây dựng

    "Thế giới nơi đâu cũng thiếu nhân tài như kỹ sư AI, lập trình viên phần mềm", ông Ong nói. "Chúng tôi rộng cửa đón họ vì chúng tôi cần một lực lượng đông đảo lao động trình độ cao để phát triển những lĩnh vực này. Song song với đó, chúng tôi tiếp tục đào tạo người Singapore cho những công việc như vậy"

    Ông Ong, 48 tuổi, là một trong số những bộ trưởng trẻ tuổi hiện nay của Singapore được xem là có khả năng trở thành người kế nhiệm đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long. Ông trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore sau đợt cải tổ nội các hồi tháng 4

    [​IMG]
    Tỷ lệ giữa kim ngạch thương mại so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Singapore cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới

    Đảo quốc nhỏ bé và giàu có Singapore là một trong những nền kinh tế có mức độ phụ thuộc vào thương mại cao nhất thế giới. Những năm gần đây, nước này phát triển theo hướng trở thành một trung tâm tài chính công nghệ cao và một quốc gia có mức độ phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật số. Chiến lược này được gọi là "Smart Nation" - tạm dịch: "Quốc gia thông minh"

    An sinh xã hội và chăm sóc y tế hiện đang là những thách thức lớn nhất đối với Singapore, bởi dân số nước này đang lão hóa nhanh chóng, ông Ong cho hay. Theo số liệu từ Chính phủ Singapore, khoảng 1/4 dân số nước này sẽ là những người từ 65 tuổi trở lên vào năm 2030

    "Chúng tôi cần phải có một sự dịch chuyển, để trở thành một nền kinh tế dựa trên sáng tạo và năng suất", ông Ong nói

    Vị Bộ trưởng cũng nói rằng Singapore cần đẩy mạnh việc dạy học sinh-sinh viên tư duy phản biện. "Trước đây, mọi người quen với quan niệm ‘tri thức là sức mạnh’. Giờ đây, sức mạnh là phải biết tri thức nào cần bỏ qua, tri thức nào cần tiếp nhận, và bạn phải tự quyết định cho bản thân mình", ông nói

    Theo ông Ong, hệ thống giáo dục hiện nay của Singapore "có những điểm mạnh không nên loại bỏ", nhưng vẫn cần phải có những điều chỉnh giữa việc tập trung thái quá vào kết quả các kỳ thi và chất lượng đầu ra

    "Chúng tôi cần cân bằng để việc đi học trở nên vui vẻ hơn, và trẻ em có đam mê và có khả năng quyết định các em muốn làm gì", ông Ong nói. "Giáo dục không chỉ là điểm số, mà còn là phát triển đam mê, đưa ra ý tưởng về tương lai của mỗi em học sinh, về hành trình của mỗi em, và về các kỹ năng mềm"

    Với mức độ phụ thuộc cao vào thương mại, Singapore đang ở trong một thế cân bằng mong manh trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất và lớn thứ tư của nước này

    "Mối quan hệ thương mại song phương trên thế giới quan trọng nhất trên thế giới là giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Ong nói. "Nếu mối quan hệ này không diễn ra tốt đẹp, bắt đầu tư thương mại, thì cả thế giới sẽ chịu ảnh hưởng"

    Gần đây, các nước Đông Nam Á nhận được nhiều đơn hàng hơn trong một số lĩnh vực nhất định, khi sản phẩm của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế quan bổ sung. Tuy nhiên, ông Ong xem đây chỉ là một lợi ích nhất thời che mờ sự nguy hiểm của mối quan hệ bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc

    "Mối lo là trong trung và dài hạn, cuộc chiến thương mại có thể dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực đối với niềm tin của nhà đầu tư và niềm tin toàn cầu. Tôi cho là điều đó sẽ xảy ra", ông Ong phát biểu

    Diệp Vũ
     
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Thiên đường làm việc Google

    [​IMG]

    Làm việc tại Google, bạn sẽ được đáp ứng mọi nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Nhưng nếu không biết sắp xếp, công việc sẽ chiếm toàn bộ cuộc sống của bạn

    Google là công ty công nghệ lớn hàng đầu thế giới và là một trong những nơi làm việc lý tưởng đáng mơ ước của rất nhiều người. Tại đây, những kỹ sư công nghệ xuất sắc nhất thế giới làm việc để tạo ra những công cụ internet phục vụ hàng triệu người trên thế giới. Họ làm việc, sinh hoạt và phát triển tại một “thiên đường”

    Đó là điều mọi người nghĩ, còn thực tế nhiều người từng làm việc tại Google chia sẻ trên mạng xã hội hỏi đáp Quora về môi trường làm việc không chỉ có màu hồng tại đây. Có thể những ý kiến của họ chưa chính xác hoàn toàn nhưng BusinessInsider đã xác nhận, thông tin này trùng khớp với nguồn tin riêng của họ

    Google đáp ứng mọi nhu cầu cơ bản nhất của nhân viên

    “Bạn sẽ được đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng công việc sẽ chiếm trọn cuộc sống của bạn”

    Cựu kế quản lý Joe Cannnella chia sẻ về môi trường làm việc ở Google: "Bạn sẽ sử dụng phần lớn thời gian của cuộc sống tại Google: ăn thức ăn của Google cùng đồng nghiệp, mặc đồng phục, nói ngôn ngữ Google... Dần dần, nếu không chủ động sắp xếp thời gian, công việc tại Google chiếm trọn thời gian của bạn”

    Rất khó để trò chuyện với đồng nghiệp

    Khi làm việc tại Google, bạn sẽ gặp khó khăn khi thảo luận với đồng nghiệp về bất cứ điều gì. Bởi mỗi người có một lãnh thổ riêng, họ hiếm khi quan tâm đến ý kiến của người khác, trừ phi người đó đặc biệt quan trọng

    Mỗi nhân viên tại Google có một lãnh thổ riêng

    Mọi nhân viên đều thừa năng lực

    “Google chỉ tuyển dụng những nhân tài về công nghệ. Yêu cầu tuyển dụng của họ rất gắt gao do thương hiệu, văn hóa công ty và những đãi ngộ hấp dẫn. Nhưng điều tệ nhất khi làm việc tại đây là chuyên môn nghiệp vụ của nhiều người thường cao hơn nhiều so với công việc thực tế”, một cựu nhân viên Google than thở

    Quản lý cấp trung là vị trí nhiều áp lực nhất

    Những người quản lý ở Google thể hiện rất rõ quyền hành quản lý hoạt động và tuyển dụng nhân sự tại Google. Họ hiểu những việc cần làm để quản lý đội nhóm theo hệ thống và thúc đẩy tiến trình công việc. Để tạo động lực cho người khác, người quản lý phải là người có uy tín và sức ảnh hưởng rất lớn đến các thành viên trong đội nhóm

    Có thể bạn sẽ được Google tuyển dụng bởi một sai lầm nào đó

    Sự nhầm lẫn khi tuyển dụng

    Một cựu nhân viên Google giấu tên đã chia sẻ câu chuyện tuyển dụng hi hữu của anh tại Google: "Tôi ứng tuyển vào vị trí quản lý. Cùng thời điểm đó, một nhân viên khác cùng trúng tuyển vào Google. Bộ phận nhân sự đã nhầm lẫn tên và vị trí làm việc. Họ đặt tôi ở vị trí làm việc rất thấp và khác xa với vị trí ứng tuyển của tôi. Rõ ràng, bộ phận nhân sự đã làm việc thiếu hiệu quả”

    Chẳng ai quan tâm nếu kết quả công việc của bạn không đo lường được

    Hiệu quả làm việc của nhân viên Google không được tính vào thời gian hay công sức bạn đã bỏ ra vì nó. Bất kỳ sự cải tiến nào không dựa trên những tiêu chuẩn “cứng” đều không được công nhân. Tính khả dụng? Số bug lỗi? Sẽ chẳng ai quan tâm nếu hiệu quả của bạn không thể đo lường

    Các dự án có thể bị hủy tùy tiện

    “Điều tệ nhất với tôi khi làm việc tại Google là các dự án có thể bị hủy bỏ một cách tùy ý. Những người thực hiện dự án có thể cảm thấy bị xúc phạm vì những công sức họ bỏ ra dễ dàng bị lãng phí”, một người dùng giấu tên chia sẻ

    Các quản lý thông minh, nhưng là ác mộng của nhân viên

    Nhiều người được tiến cử làm quản lý không phải vì họ có khả năng lãnh đạo mà bởi “thông minh đột xuất” hoặc không còn con đường phát triển nào khác. Vì thế, một số cá nhân rất thông minh nhưng là ác mộng đối với nhân viên

    Những quản lý "ác mông" của nhân viên Google

    Lựa chọn tuyển dụng của Google không đa dạng

    Những nhân viên của Google thường xuất thân từ cùng một trường đại học, cùng thế giới, cùng sở thích. Rất ít trong số họ là người thú vị. Trong 3 năm làm việc tại Google, người dùng giấu tên đã gặp 3 trường hợp như thế

    Không được phát huy hết năng lực

    Cựu kỹ sư phần mềm John L.Miller của Google nói rằng, điều tệ nhất khi làm việc tại công ty khổng lồ này là cảm giác không phát huy hết năng lực. Với kinh nghiệm 25 năm làm lập trình viên, quản lý, kiến trúc sư, tôi chỉ làm những việc tương đương với năng lực của một người có kinh nghiệm 2 năm

    Google hứa hẹn quá nhiều trong quá trình tuyển dụng

    “Nếu bạn đang trong quá trình thương lượng để làm việc tại Google, hãy cố gắng sao cho có lợi nhất và đảm bảo mọi quyết định được xác nhận bằng văn bản. Gôgle thường đưa ra những điều kiện hấp dẫn khi tuyển dụng nhưng sau đó phớt lờ khi bạn đã chấp nhận làm việc”, một nhân viên từng được Google hứa hẹn nhiều lần cho biết

    Đừng tin quảng cáo

    Người sáng tạo ra Chrome – Jefff Nelson khẳng định: “Phần lớn những điều bạn nghe nói về Google thường là sự thổi phồng, do chính Google tạo nên. Bởi những điều này giúp ích cho danh tiếng của công ty”. Điều này được coi là băn hóa "Googley" - một cách để quảng bá và khiến môi trường làm việc tại công ty này trở thành niềm mơ ước. Thực tế, nhiều kỹ sư mới đến Google đáng nhận được nhiều sự ngưỡng mộ hơn

    Không gian làm việc quá chật chội

    Nhân viên thiết kế sản phẩm Anne K. Halsall tiết lộ rằng: “Nếu bạn phải làm việc ở trụ sở chính của Google, không gian làm việc sẽ rất chật hẹp. Không khó để thấy hình ảnh 3 – 4 nhân viên cùng làm việc trên một chiếc bàn nhỏ hoặc ngồi chung phòng với quản lý. Hầu hết không gian được dành làm khu ăn uống, giải trí, tọa đàm… Rất khó tìm thấy một không gian yên tĩnh để suy nghĩ”

    Hoài Trần
     
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    CEO ở Mỹ sẽ tuyển thêm nhân sự mà không xét đến bằng cấp

    [​IMG]

    CEO của Apple, IBM cho tới Siemens đều cho biết họ sẵn sàng tuyển dụng nhân viên không có bằng đại học để tạo thêm cơ hội việc làm

    Giám đốc điều hành của các công ty lớn cho biết tại một diễn đàn của Nhà Trắng hôm thứ Tư rằng họ đang tuyển dụng nhiều người Mỹ không có bằng đại học, khi họ phải đối mặt với vấn đề những ứng viên ngày càng khan hiếm cho các công việc

    Nhà Trắng đã mời các CEO của các tập đoàn lớn tham gia hội đồng cố vấn của chính quyền Trump về các vấn đề lực lượng lao động, bao gồm Apple, IBM Corp, Lockheed Martin, Siemens USA và Home Depot, là những thành viên của hội đồng gồm 25 thành viên, đồng chủ trì bởi con gái và là cố vấn của Tổng thống Donald Trump - Ivanka Trump và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross

    Giám đốc điều hành IBM Ginni Rometty cho biết: "Chúng tôi có cơ hội tuyển dụng rất nhiều người - và không phải lúc nào họ cũng có bằng đại học, bằng cấp dưới bốn năm sẽ có được một công việc lương rất tốt trong nền kinh tế mới"

    CEO Tim Cook của Apple cho biết gần 50% số nhân lực mà công ty thuê ở Mỹ năm ngoái không có bằng đủ bốn năm. "Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng bằng đại học là thứ mà bạn bắt buộc phải có", ông Cook nói và thêm rằng "người sáng lập của chúng tôi là một người bỏ học đại học", theo một tài liệu tham khảo chi tiết về Steve Jobs

    Ông Cook nói rằng ông tin tưởng "mạnh mẽ" rằng trình độ mã hóa máy tính phải là một yêu cầu trước khi sinh viên Mỹ tốt nghiệp trung học

    Giám đốc điều hành của Lockheed Martin, Marillyn Hewson, cho biết 14.000 người đã được Lockheed thuê năm ngoái, một nửa số đó không có tấm bằng 4 năm và 6.500 người đang trong quá trình học. Công ty đã tăng cường đào tạo lực lượng lao động, cô nói

    Trump cho biết ông muốn giúp các công ty tìm được nhân sự và ông muốn có nhiều người nhập cư có tay nghề cao hơn vì tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức thấp 4%. "Theo một cách nào đó, tôi hài lòng với nó", ông Trump nói về tỷ lệ thất nghiệp thấp. "Nhưng mặt khác, tôi không muốn làm khó bạn"

    Tháng trước, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết cơ hội việc làm của Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12 ở mức 7,3 triệu. Nhà Trắng cho biết các cơ hội việc làm thể hiện "sự không phù hợp giữa các kỹ năng cần thiết và những người được đào tạo, đòi hỏi sự can thiệp ngay lập tức để giúp nhiều người Mỹ tham gia lực lượng lao động hơn"

    Các thành viên hội đồng tư vấn sẽ làm việc "để phát triển và thực hiện chiến lược cải tổ lực lượng lao động Mỹ để đáp ứng tốt hơn những thách thức của thế kỷ 21", Nhà Trắng cho hay

    Thành viên hội đồng cũng bao gồm các giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội Các nhà Sản xuất Quốc gia (NAM), cũng như các thống đốc bang Iowa và Indiana, chủ tịch của Hiệp hội Xây dựng Bắc Mỹ và thị trưởng Charlotte, Bắc Carolina, trong số những người khác

    Phạm Cường
     
  7. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Đối thoại ở thung lũng Silicon
    Trong bữa tối với những người bạn ở Thung lũng Silicon, bạn tôi Vikash nói “Phần lớn công ty khởi nghiệp công nghệ ở đây được tạo nên bởi các kỹ sư Ấn Độ”

    Bốn mươi năm trước, khi những người di cư Ấn Độ bắt đầu tới Mỹ, họ không bao giờ nghĩ mình có thể thành công như người đi trước - Trung Quốc hay Nhật Bản. Nhưng trong hai mươi năm qua, rất nhiều người Ấn Độ đã làm việc và thành công ở đây hơn những nhóm người di cư khác. Chẳng hạn, Sundar Pichai - CEO của Google, Satya Nadella - CEO của Microsoft, Santana Narayen - CEO của Adobe, và nhiều nghìn người nắm những vị trí quản lý cấp cao. "Chúng tôi thậm chí còn vươn tới các ngành công nghiệp khác, các bạn có thể thấy Indira Nooyi - CEO của Pepsi Cola, Vikram Pandit - CEO của Citi group, và nhiều người nữa", Vikash tiếp

    Tôi ngạc nhiên: "Đó là thông tin thú vị đây, nhưng tôi tự hỏi cái gì đã xảy ra cho những nhóm khác như người Trung Quốc và Nhật Bản?". Vikash giải thích, rằng phần lớn người di cư Trung Quốc đều hội tụ vào kinh doanh nhỏ, như thương mại, nhập khẩu, xuất khẩu hay nhà hàng; đa số người Nhật Bản đã quan tâm tới việc làm trong chính phủ, nhưng ít người chú ý tới khu vực công nghệ. Người Ấn Độ nắm lấy cơ hội này và trở nên thành công nhất trong số những người di cư trong công nghiệp công nghệ

    Vikash lý giải tiếp cho câu hỏi tại sao sau đó của tôi. Một trong những thành công then chốt của người Ấn là họ có nhiều thông tin về thị trường việc làm. Chẳng hạn, phần lớn người di cư Trung Quốc đều lấy thông tin từ gia đình và họ hàng. Truyền thống gia đình vẫn ảnh hưởng tới quyết định của họ. Nếu bố mẹ sở hữu nhà hàng, con cái đi theo bằng việc mở nhà hàng. Còn người Ấn đều đi theo cái mới một cách cẩn thận. Họ đọc nhiều về thị trường việc làm và xu hướng xã hội, và họ chia sẻ thông tin về công nghệ và cơ hội việc làm rộng rãi bằng hàng nghìn blogs, tài khoản mạng xã hội

    Khi thị trường công nghệ Mỹ đòi hỏi các kỹ năng đặc biệt, nhiều người Ấn biết điều đó, nhanh chóng để học những kỹ năng này. Mơ ước của thanh niên Ấn Độ là thoát khỏi nghèo nàn bằng cách làm việc ở Mỹ. Và việc thiếu hụt kỹ năng ở Mỹ mở ra cánh cửa cho họ

    Ramesh, một người bạn khác, nói thêm: "Một trong những ưu thế là chúng tôi nói tiếng Anh rất tốt khi so sánh với những người di cư khác". Vì ưu thế này, sinh viên Ấn Độ học tốt ở đại học cũng như làm tốt ở công ty vì có kỹ năng giao tiếp. Nếu nhìn xa hơn, ta sẽ thấy người Ấn không chỉ thành công ở Mỹ mà còn ở các nước khác như Singapore, Anh, Đức, Australia, và Scandinavia

    Tôi không chịu: "Nhưng ngày nay nhiều người Trung Quốc và người Nhật Bản cũng nói tiếng Anh tốt nữa. Cái gì ngăn cản họ đạt tới thành công mà người Ấn có được?". Vikash trả lời ngay: "Đó là khía cạnh văn hoá. Bởi lý do nào đó, nhiều người không chia sẻ thông tin với người khác mà giữ nó cho bản thân họ. Chẳng hạn, khi Google đi tìm những kỹ năng nào đó, trong vòng vài phút, phần lớn các blogs và trang Facebook ở Ấn Độ đều đăng tin này nhưng anh không thấy điều đó ở các nước khác"

    Có nhiều blogs cung cấp lời khuyên và hỗ trợ kỹ năng trên khắp Ấn Độ. Những người khác nắm bắt và tìm cách đáp ứng. "Chúng tôi tin cách tốt nhất để khuyến khích thanh niên học là cung cấp nhiều thông tin hơn, nhiều tin tức công nghệ hơn về các cơ hội việc làm và điều công nghiệp cần - không chỉ ở Mỹ mà mọi nơi khác", Vikash nói

    Như lời anh nói, ngày nay internet là công cụ mạnh kết nối những người Ấn Độ làm việc ở hải ngoại và sống ở nước nhà. Ta có thể thấy rằng ở bất kì nước nào có công nghiệp công nghệ mạnh sẽ có các kĩ sư Ấn Độ ở đó. Anh tiếp: "Công nghệ càng tiến bộ, càng tốt hơn cho người Ấn vì tất cả chúng tôi đều biết cách nắm lấy cơ hội để tạo ra việc sống trong thế kỉ 21"

    Báo cáo Công nghiệp năm 2019 toàn cầu dùng từ "nóng" cho thị trường kỹ sư phần mềm ở Mỹ do thiếu hụt người có kỹ năng và cạnh tranh trong các công ty hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft và Apple. Năm năm qua, số sinh viên ghi danh vào ngành Khoa học máy tính, Kỹ nghệ phần mềm đã tăng trên 30% nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Điều được dự báo là việc thiếu hụt này sẽ tiếp tục trong ít nhất bảy năm nữa

    Phải học cái gì để có nghề nghiệp thành công trong một thế giới nơi công nghệ đang dẫn lái mọi thứ? Điều gì xảy ra nếu tôi không thể vào được đại học? Cách tốt nhất là gì để sống còn trong thị trường thay đổi thường xuyên này? Đó là những câu hỏi tôi đã nhận được mọi tuần từ nhiều người trên khắp thế giới kể từ khi blog của tôi được dịch sang nhiều thứ tiếng. Nhiều bố mẹ đã hỏi tôi: "Thầy sẽ khuyên con tôi học khoa học máy tính hay công nghệ thông tin chứ? Thầy sẽ khuyên chúng vào đại học nào đó như thầy đã vào chứ?". Câu trả lời của tôi là: "Điều đó phải tuỳ vào con bạn sau khi chúng nghiên cứu về trường và môn học chúng muốn"

    Phần lớn các bố mẹ đều muốn con họ vào đại học và có bằng cấp. Nhưng đại học không dành cho mọi người, một số người sẽ học tốt nhưng những người khác có thể không học tốt và bị phí thời gian ở đó. Ngày nay, bằng cấp không đảm bảo cái gì nhưng nhiều bố mẹ vẫn muốn con họ vào đại học vì đó là niềm tự hào của gia đình và là một phần của văn hoá đã tồn tại trong nhiều thế kỷ

    Tuy nhiên, có nhiều phương án khác như trường trực tuyến, các môn học trực tuyến mở cho đại chúng (MOOCs) và các chương trình đào tạo được thiết kế cho một lĩnh vực đặc thù nhưng giúp người học phát triển những kỹ năng cần thiết để họ có việc làm tốt. Phần lớn các môn học trực tuyến tại edX, Coursera, Udemy đều hội tụ vào kết quả vì chúng ngắn và thực tế. Và phần lớn các môn học trực tuyến trên mạng mở cho bất kỳ ai, không tính tiền (nếu bạn cần chứng chỉ thì mới phải nộp 20 tới 50 USD). Nhưng bằng việc đi qua các môn này, người học sẽ có kết quả ngay lập tức và hiểu ra điều họ muốn và có thể không muốn. Tôi cho rằng, rất đáng dành ra vài tháng học các môn này trước khi quyết định rằng vào đại học có thể tốt hơn cho bạn hay không

    Người học ngày nay cần chủ động hơn vì học để thành người độc lập và để xác định tương lai, điều mình muốn làm với cuộc đời, để nhận biết bản thân cũng như thị trường việc làm. Người có giáo dục không phải là người có tri thức chuyên môn hay bằng cấp mà là người hiểu biết bản thân mình và phát triển một tâm trí mạnh để có thể học bất kì cái gì muốn học. Người có giáo dục cũng thường đọc nhiều sách hữu dụng để giáo dục bản thân mình vì việc đọc có thể ảnh hưởng tới tâm trí và thái độ của họ trong cuộc sống. Vấn đề là ngày nay, nhiều người không đọc gì thêm mà để các phương tiện khác kiểm soát họ. Xem thụ động video trên YouTube, đọc mọi thứ trên Facebook, Twitter có thể làm lãng phí nhiều thời gian

    Hiện tượng người Ấn Độ thành công ở Thung lũng Silicon cho thấy, trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng này, có kỹ năng tốt là chưa đủ. Bạn phải có tính dự ứng bằng việc liên tục chia sẻ, tìm hiểu và tự học nếu bạn muốn giữ việc làm tốt

    Giáo dục chính thức (tại trường học) kết thúc và bạn có bằng cấp. Nhưng nó chỉ là bắt đầu. Bạn phải liên tục tự học khi mọi thứ thay đổi quá nhanh, bạn cần giữ cho mình bắt kịp thế giới và sẽ được đánh giá bởi điều bạn biết. Khi ở trong trường, bạn dành vài tuần để học trước kì thi và đỗ nó, quan trọng để được điểm tốt và bằng cấp. Nhưng sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ khám phá ra rằng "giáo dục thực" bắt đầu sau giáo dục chính thức khi bạn học về việc làm, về trách nhiệm, về tương tác với người khác và các kỹ năng mềm mà bạn đã không được học trong trường. Khi đó, bạn bắt đầu cuộc sống độc lập riêng của bạn. Không có điểm số, không bằng cấp, không đánh giá, không đỗ hay trượt nhưng bạn phải tạo ra qui tắc riêng của bạn, việc học riêng của bạn, và cuộc sống riêng của bạn

    Bạn sống thế nào, bạn làm việc thế nào, bạn phản ứng thế nào, bạn hỗ trợ gia đình, xã hội và bạn giáo dục bản thân thế nào để đối diện với "cuộc sống thực" - điều đó sẽ định vị hạnh phúc và thành công của bạn

    John Vũ
     
  8. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Thế giới công nghệ cần được tinh gọn lại, đặc biệt là ở Việt Nam
    Anh em làm công nghệ bị rơi vào cái "bẫy" công nhân khi quá coi trọng kiến thức công nghệ, coi thường nghiệp vụ, coi thường kỹ năng viết, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý công việc, quản lý thời gian, quản lý tương tác. Anh em phải hiểu là mọi loại ngôn ngữ là công cụ, kể cả ngôn ngữ lập trình. Giỏi tiếng Anh mà không giỏi y thuật thì cũng khó mà đọc được sách ngành y bằng tiếng Anh. Giỏi lập trình mà không giỏi về lĩnh vực mà bạn đang làm sản phẩm thì giá trị mà bạn mang lại thấp, và sẽ thành rất thấp khi mà AI sẽ đánh chiếm những loại công việc của "công cụ"

    Full stack engineers không phải là biết cả back, cả front. Full stack engineers là làm một việc từ đầu đến cuối mà ít phụ thuộc vào vị trí bổ trợ: từ phân tích chi tiết nghiệp vụ, đến thực hiện và kiểm tra. Điều này không có nghĩa là Engineers phải làm tất cả các việc mà là làm việc của mình với chất lượng cao và rủi ro thấp, qua đó đẩy nhanh tiến độ tiến hoá của sản phẩm

    Nếu anh em để ý về việc chuyển đổi mô hình sản xuất phần mềm từ waterfall sang agile thì sẽ thấy đó là quá trình chuyển dịch từ "coder" sang "developer". Waterfall coi việc xây dựng phần mềm như xây nhà với các bước: thiết kế đầy đủ cho đến thực thi rồi nghiệm thu. Coder đóng vai trò như công nhân, thực hiện đúng theo "yêu cầu" (requirements)

    Tuy nhiên chất lượng một ngôi nhà tập trung vào các yếu tố chính
    - vật liệu
    - thiết kế
    - giám sát

    Tay nghề xây dựng của công nhân tương đối dễ đào tạo đến một mức độ đủ dùng

    Còn chất lượng của phần mềm lại

    - không có vật liệu hữu hình
    - để có được "bản vẽ" chi tiết đầy đủ, đúng mong ước thì lại cực kỳ tốn công, chi phí quá cao và rủi ro cũng cực cao cho việc quản lý thay đổi
    - giám sát chất lượng phần mềm lại không đơn thuần chỉ là việc làm đúng chức năng, tính năng. Chất lượng phần mềm còn nằm ở hiệu năng chạy, hiệu năng vận hành, khả năng mở rộng, khả năng chịu lỗi, khả năng thích ứng với thay đổi. Mà những thứ này thì phụ thuộc rất nhiều vào "trình độ" của người phát triển.
    - xây một ngôi nhà có thể ở 10 năm, 20 năm thậm chí cả trăm năm, nhà cổ có khi còn quý. Nhưng công nghệ thì thay đổi chóng mặt

    Có điều, anh em kỹ thuật vì quá quen với tư duy làm theo yêu cầu nên vẫn cứ coi những thứ non-tech là những thứ "phèn". Càng coi những thứ đó là "phèn" thì sẽ càng mọc ra những vị trí "quản lý" để lái hộ anh em những thứ "phèn" và bẫy anh em vào cái bẫy công nhân, khiến cho phần thu nhập của anh em giảm đi đáng kể vì những thứ "phèn phèn" phải có người khác làm hộ

    Xu thế của ngôn ngữ lập trình sẽ tiến dần về ngôn ngữ tự nhiên (từ bìa đục lỗ, đến assembly, đến complier, rồi virtual machine, rồi framework, và sẽ tới virtual code tương tự như pseudo code dùng mô phỏng giải thuật hồi đi học í ạ). Machine will do the machine's work (máy sẽ làm những thứ máy móc). Và giá trị của con người sẽ tập trung mạnh mẽ vào "problem solving" thứ mà máy tính sẽ khó cạnh tranh với con người. Ví dụ đến giờ thì robot quét nhà có thể tự chạy quanh nhà mà không cần con người chạy theo. Nhưng chẳng may một hôm chó ỉa thì robot nó vẫn sẽ cứ di hết cứt chó ra nhà mà không e dè hậu quả. Và thằng người vẫn phải "problem solving"))

    Trong bóng đá, lương của các cầu thủ giỏi cao hơn nhiều so với lương của huấn luyện viên hay người quản lý câu lạc bộ. (Mình tính những người làm công ăn lương chứ không tính những ông chủ hay nhà đầu tư nhé). Tuy nhiên những cầu thủ giỏi không chỉ có kỹ thuật rê dắt mà phải hiểu chiến lược, hiểu lối chơi, biết phối hợp nhịp nhàng. Nếu chỉ biết kỹ thuật thì vẫn là chơi bóng bằng chân, chưa phải bằng đầu

    Ở Mỹ, Sing và các nước làm sản phẩm, lương của kỹ sư phần mềm cũng cao hơn với những vị trí như Project Manager, Product Manager, Scrum Master với cùng level. Họ cũng xây dựng cơ chế để người mạnh về cống hiến cá nhân cũng có con đường thăng tiến không kém gì những người mạnh về quản lý, quản trị (tất nhiên là trừ tầng Excutives vì lên đến Excutives thì không thể nào chỉ giỏi chuyên môn hoặc chỉ giỏi quản lý mà phải có tư duy, kỹ năng tổng hợp và tầm nhìn vạn dặm)

    Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Mọi sự tồn tại đều có lý do chính đáng của nó. Nhưng không có nghĩa là không được so sánh hay không được thay đổi

    Trong cơn khủng hoảng, loạng quạng của thế giới, chúng ta đang có cơ hội lớn nếu chuyển mình kịp thời

    Kính mong các anh em kỹ sư xem xét cân nhắc thoát khỏi bẫy công nhân do chính định kiến và tư duy của chúng ta đóng khung sự nghiệp của chúng ta

    Vũ Thị Thanh Bình
     

Chia sẻ trang này