Nền kinh tế 5G

Thảo luận trong 'Y Tế Số EHC' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 3/8/18.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Công nghệ 5G sẽ bùng nổ sớm vào năm 2020
    Nokia đánh giá công nghệ 5G đang phát triển nhanh hơn so với dự kiến, có thể được được khai thác ngay từ cuối năm 2018 tại Mỹ

    Theo ông Harpreet Singh, đại diện Nokia khu vực Bắc Á, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác nhân của nó là công nghệ kết nối 5G. Ở giai đoạn đầu, tính từ cuối 2018, 5G chủ yếu hiện diện trên các thiết bị di động như smartphone. Đến 2020, các ứng dụng 5G sẽ trở nên thịnh hành nhờ tốc độ cao, tự động hóa

    Từ năm 2022 sẽ là giai đoạn của những công nghệ như Internet haptic (cảm giác, xúc giác), giúp người dùng có thể cảm thấy những gì mình nhìn thấy. Ví dụ, trong y tế, khi dùng robot để khám bệnh từ xa, bác sĩ có thể cảm nhận được nhiệt độ, bề mặt da của bệnh nhân như khi đang khám trực tiếp

    [​IMG]

    Tuy nhiên, Nokia cho rằng mọi người cần thoát khỏi suy nghĩ "2G thì sẽ đến 3G, 4G và tất nhiên là 5G", bởi 5G rất khác so với các "G" trước. 5G không phải là sự thay đổi đột ngột từ 4G, mà là một hành trình dài

    Kết nối 2G lên 3G là việc chuyển từ dịch vụ thoại đơn thuần sang việc bổ sung dữ liệu và các dịch vụ Internet cơ bản. Từ 3G đến 4G mang đến dịch vụ Internet di động nhanh hơn. Trong khi đó, 5G bao gồm ba khía cạnh cơ bản: tốc độ truy cập Internet cao hơn, có thể lên đến hơn 10Gb/giây; giao tiếp giữa máy và máy còn ở các thế hệ trước đơn thuần là liên lạc giữa con người; và thứ ba, các dịch vụ tức thời nhờ độ trễ trên 5G có thể giảm đi hàng chục lần so với 4G

    Trước đây, các nhà mạng đơn thuần cung cấp dịch vụ viễn thông cho con người. Nhưng với ba đặc tính của 5G, họ có rất nhiều cơ hội tạo ra doanh thu mới trong nhiều ngành kinh tế khác nhau, nhất là khi số lượng cảm biến sẽ lên đến hàng tỷ từ thiết bị cá nhân cho đến thiết bị công cộng

    Dù 4G mới bắt đầu được triển khai ở Việt Nam và vẫn chưa được khai thác tối đa, ông Singh nhận định Việt Nam có thể thử nghiệm 5G ngay trong năm 2020 và đến 2021-2022 có thể thương mại hóa

    "5G là một hành trình và chúng ta không chờ đến khi chín muồi mới triển khai. Chúng ta đi từng bước để tiến đến đích", ông Singh cho hay. Với quan niệm này, Nokia cho biết muốn đồng hành cùng các nhà mạng để chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp cận công nghệ 5G

    Trong sự kiện Innovation Roadshow tại Hà Nội cuối tháng 5, Nokia giới thiệu một loạt giải pháp công nghệ 5G mới, như chipset có tên ReefShark với khả năng đảm bảo dung lượng dữ liệu tăng cao, đồng thời giảm kích thước thiết bị và giảm độ tiêu thụ năng lượng của thiết bị

    Một giải pháp đáng chú ý khác là mạng siêu nhỏ gọn (Ultra Compact Network). Đây là một mạng LTE hoàn chỉnh gồm radio, mạng lõi, ứng dụng, có thể được triển khai trong vòng vài phút để cung cấp các dịch vụ thoại, video và dữ liệu băng rộng, dùng cho dịch vụ công và các khách hàng LTE tư nhân. Giải pháp này được đánh giá phù hợp với Việt Nam, như khi xảy ra thiên tai, lũ lụt dẫn đến các sự cố về viễn thông, nhà mạng chỉ mất 30 phút để đưa Ultra Compact Network vào sử dụng

    Nokia hiện hợp tác với hơn 50 nhà mạng trên toàn thế giới để trình diễn và kiểm chứng công nghệ, hướng đến triển khai thương mại trong thời gian tới

    Châu An
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Sứ mạng của 5G đặt lên vai ngành ICT Việt Nam
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Việt Nam sẽ cho thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại năm 2020 và sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G



    [​IMG]
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới

    Ngày 14/11/2018, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông”. Tọa đàm là cơ hội thảo luận các vấn đề công nghệ thông tin - viễn thông và xây dựng phát triển hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, nhận định các cơ hội và thách thức tiềm năng, đưa ra các giải pháp nhằm phát triển đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

    Việt Nam sẽ dẫn đầu về 5G


    Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 1990, thế giới xuất hiện công nghệ 2G thì chỉ 3 năm sau, năm 1993, Việt Nam đã khai trương mạng điện thoại di động công nghệ số 2G. Năm 2000, thế giới xuất hiện công nghệ 3G, nhưng phải đến năm 2010, tức là 10 năm sau cả ba nhà mạng lớn nhất mới khai trương mạng điện thoại di động 3G. Khi 4G xuất hiện thì lại có câu chuyện tương tự. Đến nay, năm 2018, tức là 8 năm sau khi thế giới xuất hiện công nghệ 4G, chúng ta vẫn chưa cấp được tần số mới để làm 4G. Mạng 4G mà các nhà mạng khai trương năm 2017 là do dồn dịch tần số 2G

    Sớm chấp nhận công nghệ 2G và thúc đẩy cạnh tranh, mạng di động Việt Nam đã từng vào top 20 thế giới. Tuy nhiên, khi chuyển sang công nghệ 3G, 4G vì sự đi sau về công nghệ và thiếu nhân tố cạnh tranh mới mà viễn thông của Việt Nam đang xếp hạng ở thứ 100. Về mật độ thuê bao di động băng rộng, năm 2017, ITU xếp Việt Nam đứng thứ 115/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức là dưới trung bình của thế giới

    Đánh giá về công nghệ 5G đang tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Chưa đi đầu được trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

    "Bộ TT&TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G", Bộ trưởng khẳng định

    Sứ mạng của 5G đặt lên vai ngành ICT Việt Nam


    Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước đây thiết bị mạng 2G và 3G phải nhập ngoại 100% còn khi triển khai 4G thì lần đầu tiên chúng ta có thiết bị 4G Việt Nam, nhưng cũng phải chờ đến 8 năm sau khi công nghệ 4G xuất hiện. Tuy nhiên, với 5G, chúng ta sẽ có thiết bị ngay từ ngày đầu triển khai chính thức năm 2020. Đây là sự thay đổi lớn nhất, sự thay đổi ý nghĩa nhất và cũng là sự chuyển đổi về chất lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà

    Bộ TT&TT khích lệ và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, cả nhà nước và tư nhân, cả to và nhỏ, nghiên cứu sản xuất được thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối, để lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, mạng viễn thông Việt Nam được xây lên bởi thiết bị Việt Nam. Việt Nam cũng phải trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông Made in Vietnam, bao gồm tất cả thiết bị mạng và đầu cuối

    "Công nghệ 2G là công nghệ điện thoại thuần túy. Công nghệ 3G là nửa điện thoại, nửa data. Công nghệ 4G là thuần túy data, nhưng là cho người với người. Công nghệ 5G là công nghệ data, nhưng là công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật, với một loạt tính năng mới như độ trễ thấp, tiêu thụ nguồn nhỏ. Công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Công nghệ 2G, 3G, 4G đã kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo. Và thay đổi cơ bản cuộc sống loài người. Đây là sứ mạng của 5G và sứ mạng ấy đặt lên vai ngành ICT Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói

    Người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh, kết nối vạn vật sẽ yêu cầu một sự đầu tư hoàn toàn khác so với mạng điện thoại di động dành cho kết nối chỉ con người với nhau. Vì vậy, các nhà mạng di động phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với dân tộc

    "Mạng 5G là hạ tầng kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong cách mạng 4.0 thì mạng 5G phải đi trước và đi đầu. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước. Đầu tư trước kinh doanh sau, đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng. Mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới. Số lượng trạm BTS cho 5G sẽ phải lớn hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đó. Do vậy, dùng chung hạ tầng, chia sẻ hạ tầng viễn thông với các hạ tầng điện, nước, giao thông là rất quan trọng để giảm chi phí xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh

    Vẫn theo phân tích của Bộ trưởng Bộ TT&TT, 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam. Vì vậy, chúng ta hãy coi Việt Nam là cái nôi để phát triển công nghệ và sản phẩm, để từ đây đi ra chinh phục thế giới. Cơ hội này rơi lên thế hệ chúng ta và chúng ta phải coi đây là trách nhiệm lịch sử của mình đối với dân tộc

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam cũng cần những nhân tố cạnh tranh mới để thúc đẩy phát triển, để có những đột phá mới về phát triển thuê bao băng rộng, để đến năm 2020 đạt mật độ thuê bao di động băng rộng 100%. Cơ cấu dịch vụ của các nhà mạng cũng sẽ thay đổi để thoại và nhắn tin chỉ còn chiếm dưới 30% tổng doanh thu và tăng tiêu dùng dữ liệu trên đầu người, để Việt Nam vào Top 30-50 trên thế giới. Về chuyển đổi số, các nhà mạng phải là những công ty đầu tiên thực hiện chuyển đổi số triệt để, và cũng sẽ là người ứng dụng đầu tiên hiệu quả các công nghệ AI, Big Data, IoT. Về đổi mới sáng tạo, các nhà mạng phải đóng vài trò phát triển các X-Tech như FinTech, AgriTech, EduTech, nhằm tạo ra sự thay đổi lớn của các ngành

    Kết thúc bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đề chính sách viễn thông, chính sách ICT, chính sách cho cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải đi đầu để thu hút con người, công nghệ, sản phẩm của thế giới về với Việt Nam để Việt Nam trở thành trung tâm của thế giới

    Bình luận về phát biểu này của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết ông được khích lệ bởi tầm nhìn của người đứng đầu Bộ TT&TT. Ông Cao Đức Phát cho rằng, người Việt đã làm và có thể làm được nhiều điều. Vì vậy, ông sẽ kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề cao hơn nữa khát vọng của dân tộc và thiết lập môi trường ủng hộ các sản phẩm Việt

    5G
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Nền kinh tế 5G
    Cuộc hôn phối giữa khối công và tư

    [​IMG]
    Ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cao cấp Qualcomm Inc., Chủ tịch Qualcomm Technologies Inc. châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ

    Công nghệ di động 5G thúc đẩy quá trình phát triển IoT tạo nền tảng cho sự hợp tác trên diện rộng giữa chính phủ và các công ty tư nhân

    Năm 2019 được dự báo là sẽ là năm của 5G khi cuộc chạy đua đang bước vào giai đoạn sôi nổi nhất. Đường đua không còn là của các tập đoàn đa quốc gia mà còn là của các chính phủ. 5G sẽ chính thức hoạt động tại nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật trong năm sau

    5G với các tính năng vượt trội như tốc độ cao, đường truyền ổn định và độ phủ rộng, chính là bước ngoặt cho Internet Vạn Vật (IoT). Bên cạnh đó, sự kết hợp của 5G và trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là bước đệm để công nghệ chuyển hóa thành trụ cột của các nền kinh tế

    Ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cao cấp Qualcomm Inc., kiêm Chủ tịch Qualcomm Technologies Inc. châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ, đã trao đổi cùng NCĐT về các vấn đề xung quanh cuộc cách mạng 5G

    3G và 4G đã mở ra một kỷ nguyên mới trên nền tảng di động và tạo ra các mô hình kinh doanh chưa từng có trước đây, làm thay đổi sâu sắc cục diện nền kinh tế. Qualcomm là công ty tiên phong phối hợp nghiên cứu và phát triển với hơn 18 nhà mạng và 20 nhà sản xuất thiết bị lớn nhất toàn cầu. Theo ông, 5G sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam ?

    Tôi đã từng phát biểu trong hội thảo tại Ấn Độ rằng 5G chính là điều kiện tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0. Vì cơ bản cách mạng công nghiệp là quá trình phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mà bạn chưa từng thấy trước đây. Tuy Việt Nam còn chưa được nhắc đến nhiều như các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, nhưng các bạn ở vị thế tốt để vươn lên trong cuộc đua công nghệ này khi các bạn có nền tảng là một ngành công nghiệp chế tạo tốt, một nền nông nghiệp lớn, nền tảng IT tốt và hạ tầng IoT phát triển. Nếu Việt Nam ứng dụng thành công LTE và 5G vào các ngành trên, không những nền kinh tế quốc nội tăng trưởng, mà các bạn còn có thể tiến xa hơn là xuất khẩu các giải pháp công nghệ ra nước ngoài

    Sự thâm nhập của công nghệ luôn diễn ra nhanh hơn tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang chậm trong cuộc đua 5G. Theo ông, các yếu tố nào có thể giúp Việt Nam bắt kịp cuộc đua này ?

    Tại sao là Việt Nam? Các bạn có một đội ngũ kỹ sư phần mềm ưu tú với khả năng lập trình và vận hành hệ thống. Điều này không phải là chuyện thường xảy ra ở những nơi khác. Thêm vào đó, Việt Nam có những doanh nghiệp tốt như FPT, Vingroup, Viettel, VNPT, BKAV. Các hiệp định thương mại cũng đang mang lại lợi thế cho Việt Nam kết hợp với một thị trường nội địa hấp dẫn. Vì vậy, tôi tin rằng Việt Nam sẽ bắt kịp rất nhanh trong quá trình du nhập 5G

    Điều này cũng phù hợp với định hướng Chính phủ. Việt Nam đã thúc đẩy các nhà mạng và các công ty thiết bị đầu cuối (OEM) thử nghiệm 5G trong năm 2019. Hiện có khoảng 30 dự án thành phố thông minh tại Việt Nam và mục tiêu là hoàn thành ít nhất 3 dự án trong 2 năm tiếp theo

    Vậy Qualcomm đã tham gia vào quá trình thúc đẩy 5G tại Việt Nam như thế nào ?

    Có một sự nhầm lẫn thường xuyên rằng Qualcomm là nhà sản xuất chipset, nhưng thực ra chúng tôi là một công ty nghiên cứu và phát triển rất lớn. Trong 30 năm ngắn ngủi của Qualcomm, chúng tôi đã đầu tư hơn 46 tỉ USD vào các dự án nghiên cứu. Vì vậy, chúng tôi đã tạo ra rất nhiều công nghệ mới ảnh hưởng đến toàn ngành. Phát minh của chúng tôi đang mang lại lợi ích cho Chính phủ, người dùng, cũng như giúp các công ty Việt Nam tạo ra các sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế

    Cụ thể hơn, chúng tôi đã có các hoạt động tư vấn 5G cho Chính phủ như làm việc với Cục Tần số, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Chúng tôi cũng làm việc với các nhà mạng như MobiFone, Viettel và VNPT để tối ưu hóa đường truyền của họ. Về các thiết bị thông minh, chúng tôi đang làm việc với BKAV, Viettel, VNPT và Vingroup. Chúng tôi cũng đang hướng đến đầu tư vào các startup Việt Nam. Qualcomm cũng hợp tác với một doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam là Samsung để cung cấp cơ sở hạ tầng Small Cell 5G NR

    Thêm vào đó, Qualcomm đã gởi nhiều kỹ sư giỏi đến Việt Nam, cũng như hỗ trợ các đối tác của mình tại các thị trường nước ngoài. Chúng tôi cũng muốn tăng cường đội ngũ kỹ sư Việt Nam của mình để nâng cao khả năng thử nghiệm các sản phẩm

    Nếu 5G là tương lai gần của Việt Nam, ông có thể chia sẻ cùng bạn đọc về tầm nhìn của một nền kinh tế 5G cùng hệ sinh thái mà 5G tạo ra ?

    Điều đáng chú ý nhất là 5G sẽ tạo ra một làn sóng hợp tác lớn chưa từng có giữa các chính phủ và các công ty công nghệ tư nhân trên thế giới. Vì 5G tiến xa hơn 4G khi vươn tầm ảnh hưởng của mình ra khỏi các thiết bị thông minh. Sự phát triển của 5G sẽ giúp cơ sở hạ tầng của Việt Nam hay bất cứ nước nào bước sang một trang mới

    upload_2018-11-16_19-4-3.png

    Chính phủ sẽ là khách hàng lớn của 5G. Đơn cử một góc đường, bao gồm hệ thống đèn giao thông, chiếu sáng, hệ thống đậu xe, cột nước cứu hỏa, bảng điện và các loại xe tham gia giao thông. Hình dung tất cả các hệ thống này đều kết nối với nhau qua 5G và vận hành bằng AI. Đó chính là IoT ứng dụng vào thành phố thông minh

    Bên cạnh đó, 5G cũng sẽ giúp các công ty viễn thông tiết kiệm nhiều chi phí. Có khoảng 1/2 dân số Việt Nam đã tiếp cận internet, chi phí lắp đặt hệ thống cáp phủ đến 1/2 dân số còn lại sẽ được tiết kiệm nếu thông qua mạng không dây 5G

    Ông có thể chia sẻ kế hoạch 5G của Qualcomm tại Việt Nam ?

    Kế hoạch của chúng tôi bao gồm 3 phần chính. Đầu tiên, chúng tôi đã cam kết hỗ trợ tối đa cho ngành viễn thông thông qua công tác tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm kiến thức của mình. Thứ 2, chúng tôi sẽ giúp các nhà mạng nâng cao công nghệ và chất lượng dịch vụ. Cuối cùng, chúng tôi xúc tiến làm việc với tất cả các đối tác liên quan như các công ty OEM, IoT, thiết bị đeo tay... để hỗ trợ phát triển sản phẩm cũng như giúp các đối tác Việt Nam mang sản phẩm ra nước ngoài

    Bảo Ngọc
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Chiến địa 5G Mỹ - Trung

    [​IMG]
    Công nghệ di động thế hệ thứ 5 sẽ tạo ra khoảng 12.300 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2035

    3G và 4G đã tạo ra một nền kinh tế mới từ các ứng dụng điện thoại thông minh. Các mô hình kinh doanh chưa từng có trước đây (hay các ứng dụng) nhanh chóng biến thành các startup kỳ lân và áp đảo các mô hình kinh doanh truyền thống, như Uber (72 tỉ USD) và Grab (10 tỉ USD). Không chỉ là các mô hình mới, 3G và 4G cũng mang đến chuyển biến lớn trong chính bản thân các bigtech, khi Google công bố chiến lược “mobile first” (ưu tiên nền tảng di động) vào năm 2016 thay lời khẳng định về sự biến chuyển sâu sắc trong thói quen sử dụng của khách hàng

    Cú hích 5G

    Tháng 6 vừa qua, 600 thành viên chính phủ và đại diện các công ty viễn thông của nhiều nước đã chính thức ký kết thỏa thuận đầu tiên thống nhất chuẩn quốc tế của 5G tại San Diego, California

    Rất nhiều chuyên gia tin là 5G sẽ tạo nên một cú hích vượt xa cả mức ảnh hưởng của 3G và 4G. “5G chính là điều kiện thiết yếu của nền kinh tế 4.0!”, ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cao cấp Qualcomm Inc., Chủ tịch Qualcomm Technologies Inc. châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ, khẳng định


    [​IMG]

    Điều này có thể lý giải vì 5G hội tụ các yếu tố như băng thông rộng, tốc độ cao gấp vài trăm lần 4G và tính ổn định cao. Công nghệ viễn thông mới này sẽ mở ra nền tảng cho các ngành công nghiệp tương lai, đặc biệt là phát triển các thành phố thông minh và xe hơi không người lái

    Sẽ có nhiều người thắc mắc về tính khả thi của 5G khi hạ tầng hiện có vẫn chưa sẵn sàng cho công nghệ này. Tuy nhiên, sẽ không là tương lai xa khi 5G chính thức hoạt động tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc vào năm 2019. Với khoảng 30 dự án thành phố thông minh tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã thúc đẩy các nhà mạng và các công ty thiết bị đầu cuối (OEM) thử nghiệm 5G tại Việt Nam trong năm sau

    Theo IHS Markit, 5G sẽ tạo ra khoảng 12.300 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2035. Con số này gần bằng với tổng giá trị chi tiêu của Mỹ hiện tại và lớn hơn tổng giá trị chi tiêu cộng lại của Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh và Pháp. Khảo sát của MIT Technology Review cho biết có gần 70% lãnh đạo các công ty cho rằng nếu 5G không phát triển thì sẽ khá lo ngại về khả năng cạnh tranh của đất nước

    Giá trị tiềm năng của 5G tạo ra cuộc đua kéo dài trong vài năm gần đây cho ngôi vị quốc gia đầu tiên thực hiện thương mại hóa công nghệ này, với hai ứng viên nặng ký đương nhiên là Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo của IHS cũng dự đoán đây sẽ là hai nước dẫn đầu về số vốn đầu tư vào 5G với Mỹ là 28% và Trung Quốc là 24% trong tổng số vốn đầu tư 5G toàn cầu

    [​IMG]

    Đường đua 5G: Cạnh tranh và cộng sinh

    Đại diện cho 2 hai quốc gia này trong cuộc đua 5G chính là Qualcomm và Huawei. Trong 3 năm trở lại, hai tập đoàn công nghệ này liên tục đổ vốn vào các dự án nghiên cứu và chạy thử nghiệm 5G. Gần đây nhất, Qualcomm đã công bố hợp tác với Samsung để phát triển các giải pháp 5G small cell nhằm tối ưu chi phí và phát triển hạ tầng 5G cho các nhà mạng. “Small cell chính là điều kiện thiết yếu của 5G”, ông Thomas Noren, đứng đầu 5G Thương mại Ericsson, công ty cung cấp thiết bị viễn thông lớn thứ 2 trên thế giới, khẳng định

    Qualcomm cũng đã nhanh chóng hợp tác với hơn 18 nhà mạng và 20 nhà sản xuất thiết bị lớn nhất toàn cầu để đua nước rút hiện thực hóa 5G. Tại Việt Nam, doanh nghiệp này đang làm việc với các đơn vị như Viettel, Vingroup, VNPT, MobiFone, FPT, BKAV để phát triển song song hạ tầng và thiết bị phần cứng

    Đánh bại Ericsson để chiếm ngôi vị nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei chính là đối thủ nặng cân của Qualcomm khi tập đoàn Trung Quốc này chiếm 28% thị phần toàn cầu (Ericsson so kè với 27%). Ông Yu Chengdong, CEO Huawei, đã khẳng định Huawei sẽ là người dẫn đầu công nghệ 5G. Lợi thế dân số của Trung Quốc là không thể chối cãi, CCS Insights dự báo 1/2 số người sử dụng 5G vào năm 2023 sẽ là người Trung Quốc (trên tổng số 1,3 tỉ người dùng 5G)

    Một động thái khác, Huawei cam kết sẽ ra chiếc điện thoại 5G của thương hiệu này vào giữa năm 2019. Qualcomm lại nhanh chân hơn Huawei bằng cách công bố chiếc điện thoại 5G bản thử nghiệm của mình vào giữa tháng 10 vừa qua, với dự định bán rộng rãi vào quý I/2019, sớm hơn chiếc điện thoại của Huawei vài tháng

    Tuy chắc chắn sẽ dẫn đầu về số người dùng 5G nhưng xét về chạy đua số bằng sáng chế của công nghệ 5G, Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn. Huawei, ZTE và các công ty Trung Quốc khác chỉ chiếm khoảng 10% tổng số bằng sáng chế, theo LexInnova. Liên minh các nước phương Tây lại có những con số ấn tượng hơn hẳn như Qualcomm (15%), Nokia (11%), Ericsson (8%)

    [​IMG]

    Tại Việt Nam, bên cạnh định hướng Chính phủ cho thành phố thông minh, 5G có thể sẽ không là tương lai xa với khả năng thay thế mạng internet. “Với độ phổ cập internet là khoảng 1/2 dân số, 5G sẽ có thể giúp các công ty viễn thông tiết kiệm tiền đầu tư hạ tầng internet, cụ thể là cáp quang, để tiếp cận phần còn lại của dân số. Về thiết bị cứng cho 5G, như điện thoại thông minh, cuộc chạy đua 5G sôi nổi sẽ giúp giảm giá thành xuống mức hợp lý một cách nhanh chóng”, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương, cho biết

    Bảo Ngọc
     
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    5G sẽ là huyết mạch của nền kinh tế mới
    Mạng 5G được xem như là công nghệ thế hệ mới có khả năng mang lại thay đổi cho nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, y tế tới nông nghiệp

    Giới chuyên gia công nghệ ví von rằng nếu 1G giống như chiếc ván trượt, 2G là chiếc xe đạp, 3G là chiếc ôtô, 4G là máy bay thì 5G sẽ giống như tên lửa vậy

    “Về cơ bản, 5G sẽ mang lại một đường dẫn kết nối rộng hơn và nhanh hơn”, phát ngôn viên của Verizon, Marc Tracey cho biết. Về lý thuyết, 5G sẽ có tốc độ hòa mạng là 1Gbps và có thể đẩy lên đến 20 Gbps

    Theo dự kiến, mạng 5G sẽ được triển khai trên toàn thế giới vào năm 2020, tồn tại song song với công nghệ 3G và 4G để giúp người dùng có thể trực tuyến bất cứ nơi nào

    [​IMG]


    CNN cho rằng 5G sẽ là huyết mạch của nền kinh tế thế giới mới. Với 5G, thế giới sẽ thực sự xuất hiện ôtô tự lái, thực tế ảo, thành phố thông minh hay các mạng lưới robot. Công nghệ kết nối mạng thế hệ mới này cũng hứa hẹn mở ra cơ hội cho phương pháp phẫu thuật mới, vận tải an toàn cũng như các trò chơi nhập vai

    Tốc độ nhanh hơn, kết nối nhanh hơn và truy cập lên đám mây nhanh hơn là ba lợi ích chính mà 5G sẽ mang lại cho thế giới, theo CNN

    Tốc độ nhanh hơn

    Giống như các công nghệ kết nối không dây thế hệ mới, 5G sẽ giúp điện thoại của mọi người kết nối nhanh hơn gấp 100 lần so với 4G. Để tải một video 8K hay một bộ phim 3D về thiết bị của mình, người dùng 4G sẽ mất 6 phút và người dùng 5G chỉ mất 3 giây

    So với công nghệ 4G, 5G có băng thông rộng hơn, cho phép nhiều thiết bị truy cập vào một mạng cùng một lúc. Trong tương lai, không chỉ điện thoại thông minh, ngay cả thiết bị cảm biến, máy điều chỉnh nhiệt độ, ôtô, robot và các công nghệ mới khác cũng sẽ đều sử dụng mạng 5G. Công nghệ 4G hiện nay không có đủ băng thông để chứa một lượng dữ liệu khổng lồ để tất cả thiết bị đó truyền tải

    Để làm được những điều này, phần lớn mạng 5G sẽ sử dụng sóng vô tuyến siêu cao tần, bởi tần số cao hơn sẽ đảm bảo tốc độ nhanh hơn và băng thông rộng hơn

    Tuy nhiên, sóng cao tần không thể đi xuyên tường, cửa sổ hay mái nhà và sẽ yếu đi đáng kể trên khoảng cách xa. Điều này có nghĩa là các công ty viễn thông sẽ phải lắp đặt hàng nghìn, thậm chí hàng triệu tháp di động thu nhỏ trên đỉnh cột đèn, bên ngoài các tòa nhà cũng như bên trong các hộ gia đình.

    Đó là lý do tại sao ban đầu 5G được triển khai để hỗ trợ 4G chứ không phải thay thế hoàn toàn. Trong các tòa nhà và những nơi đông dân, 5G có thể giúp tăng tốc độ truy cập nhưng 4G vẫn sẽ được sử dụng để đảm bảo kết nối mạng trên diện rộng trong thời gian tới

    Kết nối nhanh hơn

    Với mạng 5G, độ trễ giữa thiết bị và máy chủ mà chúng đang kết nối tới gần như bằng 0

    Các mạng kết nối hiện nay chưa cần tới 1 giây để thiết bị gửi và nhận thông tin về. Thiết bị liên tục giao tiếp với mạng khi hiển thị các tệp lớn như trò chơi thực tế ảo hay video HD

    Độ trễ bằng 0 đồng nghĩa rằng các loại ôtô tự lái sẽ xử lý toàn bộ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định mang tính sống còn trong nháy mắt. Ngành y tế tin rằng 5G có thể mở ra thời đại mới với công nghệ điều trị từ xa và phẫu thuật tự động

    Thế giới sẽ được chứng kiến sự ra đời của những công nghệ tân tiến này chỉ khi quá trình giao tiếp giữa mạng và thiết bị diễn ra suôn sẻ

    [​IMG]

    Truy cập lên đám mây nhanh hơn

    5G có thể hoạt động giống như một máy chủ đám mây, thực hiện phần lớn công việc tính toán và lưu trữ mà ôtô tự lái sẽ phải làm nếu không có sự hỗ trợ từ mạng này. Khi đó, mỗi chiếc ôtô sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng và không gian

    Các trung tâm dữ liệu ngày nay được xây dựng tập trung ở một số nơi. Trung tâm dữ liệu càng xa, thời gian truy cập tới dữ liệu càng dài. Tuy nhiên, mạng 5G sẽ giúp rút ngắn rất nhiều khoảng cách giữa thiết bị và kho lưu trữ, nói cách khác là giúp thiết bị truy cập thông tin nhanh hơn

    Với công nghệ 4G hiện nay, xe tự lái và thực tế ảo cần phải lưu trữ dữ liệu ngay tại chỗ. Việc truy cập vào các trung tâm dữ liệu mất quá nhiều thời gian, gây ra hiệu tượng giật hình ảnh trên thực tế ảo và có thể đe dọa mạng sống của người đang lái ôtô

    5G sẽ làm nên nông nghiệp thông minh

    [​IMG]
    Lợi ích của 5G không chỉ dừng lại ở đó. Mạng thế hệ mới này cũng sẽ tác động tới môi trường khi được sử dụng trong nông nghiệp thông minh

    Ông David Houghton, Giám đốc bộ phận Asset Tracking Solutions tại công ty NimbeLink, trả lời CNN về cách 5G và Internet of Things (Internet vạn vật, hay IoT) bảo vệ ong mật nói riêng và nguồn cung lương thực toàn cầu nói chung

    NimbeLink đã hợp tác với công ty The Bee Corp để phát triển một hệ thống theo dõi và quản lý tổ ong. Những dữ liệu cần thiết như nhiệt độ, độ ẩm, tình hình di chuyển và địa điểm của đàn ong sẽ được các thiết bị cảm biến thu thập, sau đó được chuyển về cho người nuôi để phân tích

    “Tổ ong là thứ có giá trị và vì mọi người có nhu cầu nên những người nuôi ong cần phải bảo vệ chúng. Vì vậy, họ sử dụng các thiết bị theo dõi tài sản chủ yếu để giám sát tình trạng sức khỏe của đàn ong”, ông Houghton nói

    Tất nhiên, đây chỉ là một trong những ứng dụng nhỏ của 5G đối với lĩnh vực nông nghiệp

    Trong khi chúng ta vẫn bị choáng ngợp bởi mạng thế hệ mới 5G thì các nhà khoa học lại đang nghiên cứu về một thứ lớn hơn. “5G tốt nhưng 6G còn tốt hơn”, giáo sư khoa học Ari Pouttu tại Đại học Oulu (Phần Lan) cho biết. Được kỳ vọng sẽ ra mắt vào năm 2030, mạng 6G sẽ là một bước phát triển vượt xa điện thoại thông minh

    Thanh Tùng
     
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Mô hình nào cho phát triển 5G tại Việt Nam
    Việt Nam nếu muốn triển khai 5G năm 2020 với tư cách là người tiên phong thì phải chấp nhận một số thử nghiệm để tìm ra những ứng dụng có tính chất đột phá...

    [​IMG]
    Mục tiêu giai đoạn thử nghiệm của các mạng là đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí như vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G và cơ sở hạ tầng mạng hiện tại
    Việt Nam đã chính thức "khởi động chuyến tàu 5G". Sau Viettel, dự kiến trong quý 2 tới, VNPT và MobiFone cũng sẽ được cấp phép thử nghiệm 5G. Một vấn đề quan trọng được đặt ra là mô hình phát triển 5G sẽ như thế nào để phù hợp với thực tế tại Việt Nam

    Mô hình phát triển 5G ở đây, trước mắt là lộ trình thử nghiệm, như về tần số, địa điểm, dịch vụ. Theo Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Đức Trung, Việt Nam sẽ tiến hành triển khai 5G trong 1 năm, chia thành 3 giai đoạn: thử nghiệm (2019), hoạch định băng tần (2019-2020) và cấp phép triển khai 5G thương mại (2020)

    Có thể tiếp cận 5G kiểu "hình tháp ngược"

    Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết, giấy phép thử nghiệm của Viettel có thời hạn một năm, trong quý 3/2019, Viettel sẽ thử nghiệm dịch vụ 5G tại Hà Nội và Tp.HCM. Trong giai đoạn thử nghiệm, Viettel sẽ đánh giá về mặt kỹ thuật, băng tần, vùng phủ sóng, ảnh hưởng của độ nhiễu, ứng dụng

    Giống như Viettel, VNPT và MobiFone cũng có kế hoạch lựa chọn hai đô thị lớn Hà Nội và Tp.HCM làm nơi thử nghiệm 5G. Theo thông tin bước đầu, cả ba nhà mạng lớn sẽ có tổng cộng khoảng 44 điểm thử nghiệm tại Hà Nội và 52 điểm tại Tp.HCM. Các điểm thử nghiệm sẽ được tập trung ở các quận nội thành

    Mục tiêu giai đoạn thử nghiệm của các mạng là đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí như vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G và cơ sở hạ tầng mạng hiện tại. Từ đó, các nhà mạng có thể lên kế hoạch, thiết kế và triển khai mạng 5G thử nghiệm trên dải tần trung bình (<6Ghz) và dải tần siêu cao (mmWave) khi ứng dụng công nghệ MassiveMimo

    Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương (Qualcomm là một trong những hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới và công ty đi tiên phong phát triển công nghệ mạng 5G), cho biết, hiện 5G mới được triển khai ở một số nước và cũng chưa triển khai ở phạm vi lớn nên khó có thể lấy kinh nghiệm thành công ở các nước để xây dựng mô hình cho Việt Nam

    Cho nên, theo ông Nam, Việt Nam muốn đi đầu về 5G thì cần phải… tự làm tự nghĩ. Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương cho rằng, 5G tại Việt Nam cần phát triển theo giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, 5G và 4G sẽ tồn tại song song, rất lâu. 4G vẫn là nền tảng rộng để cung cấp những dịch vụ di động cho mọi người. 5G sẽ tập trung vào những hotspot, những thành phố lớn trước, ở những nơi mà nhu cầu dùng cao. Nhu cầu sử dụng video 8K trên điện thoại di động sẽ bắt đầu từ những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng

    Kết nối mạng có thể triển khai ở những thành phố lớn trước để cung cấp những dịch vụ cần tốc độ cao, hay những địa điểm triển khai dự án thành phố thông minh (Smartcity)… Sau đó khi công nghệ đã chín muồi, giá thành của thiết bị 5G đi xuống, nhà mạng bắt đầu mở rộng đầu tư vào các giai đoạn sau

    Theo ông Nam, 5G ở Việt Nam tóm lại sẽ phát triển theo hướng, đầu tiên tập trung vào một số các ngành như thành phố thông minh (Smartciy) hoặc những người có nhu cầu rất cao, hoặc những ứng dụng mới như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), ôtô tự lái

    Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện một sự tiếp cận được khuyến nghị cho 5G là cách tiếp cận theo các pha. Pha đầu là sự bổ sung tăng dung lượng của 5G cho 4G tại các thành phố lớn, các trung tâm thành phố, và khi đó 4G vẫn là mạng chính. Đây chính là ứng dụng nâng cao chất lượng di động băng rộng của 5G - Enhanced Mobile Broadband

    Pha tiếp theo sẽ là ứng dụng IoT diện rộng - Massive IoT, và ứng dụng IoT với tính năng độ trễ thấp, độ tin cậy cao. Và cuối cùng, sẽ là sự xuất hiện của 5G trong tất cả các lĩnh vực

    Có thể hiểu, cách tiếp cận 5G trên giống như mô hình hình tháp ngược. Tức là sẽ lựa chọn ở những nơi, những ứng dụng, những người thực sự có nhu cầu và nhu cầu cao, sau đó mới mở rộng, lan dần ra các ngành nghề, các ứng dụng, các địa bàn khác, và bước cuối cùng là 5G - nền tảng kết nối - sẽ hiện diện ở mọi lĩnh vực và khắp cả nước

    Dịch vụ 5G nào cho Việt Nam ?

    5G là tốc độ, nhanh hơn 20 - 30 lần so với 4G, là độ trễ vô cùng thấp, là kết nối được hàng nghìn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo, thay đổi cơ bản cuộc sống loài người khi vạn vật "cất tiếng nói và giao tiếp" như con người, thế nhưng, chưa dễ hình dung về những dịch vụ cụ thể của mạng 5G sẽ được triển khai tại Việt Nam

    Ông Tào Đức Thắng cho biết, qua tiếp cận với các nhà mạng trên thế giới cho thấy ứng dụng đầu tiên của 5G là Internet trên điện thoại di động (Mobile Broadband). Với 4G, tốc độ lên tới 100 Mbps, nhưng với 5G tốc độ là hàng GB. Thứ hai, do 5G tốc độ cao nên một số nơi người ta đã dùng thay cho cáp (cáp quang)

    Và thứ ba là ứng dụng 5G hỗ trợ cho thực tế ảo và thực tế tăng cường được giới thiệu (demo). Ví dụ như ứng dụng mổ, theo đó hai bác sĩ ở hai đầu khác nhau thực hiện mổ cho bệnh nhân (dựa trên công nghệ tốc độ cao của 5G với độ trễ gần như rất thấp). Hay ứng dụng lắp máy, các kỹ sư ở những điểm khác nhau và thực hiện lắp máy ở chỗ khác. Ngoài ra là ôtô tự lái với nhiều thiết bị 5G gắn trên xe

    Tuy nhiên, vị lãnh đạo tập đoàn Viettel cho rằng, ở Việt Nam những ứng dụng 5G như ôtô tự lái hay mổ thì vẫn chưa thể phổ biến và còn khá xa. Khoảng đến năm 2022 khi mọi thứ được số hóa nhiều hơn thì 5G sẽ phát huy tác dụng rất mạnh, bởi mọi thứ sẽ được gắn chip, được gắn IoT 5G (trên 1km2, 5G có thể đáp ứng cho 1 triệu điểm kết nối)

    Theo Tổng giám đốc Qualcomm Thiều Phương Nam, trước mắt 5G có thể phục vụ những người có nhu cầu tốc độ cao trên những nguồn truyền thống như smartphone và đây vẫn là một hỗ trợ lớn. Bởi trải nghiệm trên smartphone với tốc độ như cáp quang, trải nghiệm video 8K. Bên cạnh đó, ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường trong giáo dục, y tế cũng cần tốc độ cao nên việc tăng cường băng thông rộng khá quan trọng với 5G

    Ông Nam lấy ví dụ ở Mỹ có những dịch vụ mới trên 5G khá thú vị. Như người dùng đã sử dụng AR, VR để xem những sự kiện lớn như âm nhạc, thể thao. Có thể ngồi nhà để xem những trận bóng đá và cảm giác như mình đang ở ngoài sân vận động. Sự khác biệt giữa 4G và 5G cực kì lớn. Như 4G hình ảnh cho được chất lượng HD nhưng nhìn có thể có sạn và hình ảnh có thể bị trễ. Dịch vụ này, theo ông Nam, có thể sẽ sớm phát triển ở Việt Nam

    Hay cũng ở Mỹ, tuần trước có thử nghiệm đầu tiên về phẫu thuật từ xa thông qua 5G, ông kể. "Việt Nam nếu muốn triển khai 5G trong 2020 với tư cách là người tiên phong, người đi đầu thì phải chấp nhận một số thử nghiệm để tìm ra những ứng dụng có tính chất đột phá", ông Thiều Phương Nam nêu quan điểm

    Tất nhiên, những ví dụ mà ông Thắng, ông Nam kể trên chỉ là rất nhỏ về các ứng dụng mà 5G mang lại

    Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, 5G sẽ tạo ra những thay đổi lớn, đó là tăng dung lượng và tốc độ cho thông tin băng rộng; tạo kết nối cho vạn vật, IoT, nhất là các kết nối đòi hỏi phản ứng thời gian thực; thay đổi căn bản nhiều ngành công nghiệp (Vertical Industries), như các ngành công nghiệp sản xuất (Smart Factories), giao thông, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 5G cũng tạo ra một ngành công nghiệp mới, công nghiệp sản xuất hàng ngàn tỷ thiết bị, sensors, cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành, và cuối cùng, tạo ra sự kết nối không giới hạn cho tất cả

    Thủy Diệu
     

Chia sẻ trang này