Cờ Vây Ing Cup

Thảo luận trong 'ThinkTank Cup' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 12/3/23.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Cờ Vây Ing Cup
    Có một nhân vật không phải là kì thủ chuyên nghiệp nhưng lại nhận được sự ngưỡng mộ lớn lao của giới cờ vây. Ông được tôn vinh là "Người cha của cờ vây Trung Quốc thế kỉ 20" và cũng là người đã sáng lập và tài trợ cho giải đấu Ing Cup - giải đấu lớn nhất của giới cờ vây hiện đại. Ông là Ứng Xương Kỳ - một cái tên có lẽ rất ít người Việt Nam biết tới

    Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới thế giới và cờ vây cũng không phải là ngoại lệ. Giải đấu Ing Cup 2020 đã bị hoãn lại và buộc phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. 16 kì thủ mạnh nhất thế giới đã bắt đầu thi đấu với nhau theo thể thức loại trực tiếp để chọn ra nhà vô địch. Tính đến thời điểm này, giải đấu đã xác định được hai kì thủ lọt vào trận chung kết, đó là Tạ Khoa 8 đẳng của Trung Quốc và Shin Jinseo 9 đẳng của Hàn Quốc. Cả hai đều sinh năm 2000, tức là sau khi Ứng Xương Kỳ qua đời khoảng 3 năm. Như vậy là sau 9 lần tổ chức, Ing Cup vẫn chưa tìm ra được kì thủ nào 2 lần vô địch giải đấu. Đương kim Á quân Park Junghwan bị loại ngay từ vòng 1, qua đó chấm dứt tham vọng lập kỉ lục 3 lần liên tiếp lọt vào trận chung kết. Park vẫn chỉ đạt được thành tích tham dự 2 trận chung kết Ing Cup liên tiếp, ngang với Choi Cheolhan và Thường Hạo

    Khi Ứng Xương Kỳ thành lập giải đấu, ông đã 70 tuổi. Đó chính là giải cờ vây thế giới chuyên nghiệp đầu tiên. Giải đấu được đặt tên là "Ứng thị bôi" (Ing Cup), tức giải cờ họ Ứng. Là một người rất hào phóng, ông Ứng đã đặt mức tiền thưởng rất cao cho giải đấu. Theo đó, các kì thủ đủ tư cách tham dự giải sẽ nhận ngay 5.000$. Kì thủ lọt vào vòng tứ kết sẽ nhận 15.000 $. 25.000 $ là số tiền thưởng cho người bị thua ở bán kết. Á quân của giải đấu sẽ nhận 100.000 $ và nhà vô địch sẽ ẵm trọn 400.000 $ tiền thưởng. Tổng quỹ thưởng của Ing Cup lên tới 650.000 $. Ông Ứng chỉ được chứng kiến 3 kì Ing Cup trước khi qua đời vào năm 1997. Sau khi ông mất, con trai ông là doanh nhân Ứng Minh Hạo thay cha quản lí giải đấu. Ông Ứng Minh Hạo cũng mất vào năm 2019 ở tuổi 76 nhưng Ing Cup vẫn sẽ được tổ chức theo di nguyện của cha ông

    Ứng Xương Kỳ sinh ngày 23-10-1917 tại trấn Từ Thành, khu Giang Bắc, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Như vậy là ông Ứng cùng quê với nhà văn Kim Dung, người cũng rất yêu thích cờ vây. Ngay từ khi còn bé, ông Ứng đã tỏ ra rất thông minh và ham học. Vào thời điểm ấy, Trung Quốc là một đất nước bị chia rẽ bởi các lực lượng quân phiệt. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ứng Xương Kỳ không thể học lên Đại học

    Hoàn thành bậc trung học, ông xin học việc tại Ngân hàng Thống Nguyên ở Thượng Hải với mức lương rất ít ỏi. Mặc dù vậy, ông không nản chí, vẫn kiên trì tự học sau giờ làm. Ông học rất nhiều môn: tiếng Anh, toán học, kế toán, ngân hàng, vẽ minh họa và cả thư pháp. Những nỗ lực không mệt mỏi đã khiến ông trở thành một nhân vật có học vấn đáng ngưỡng mộ. Lúc này, Ngân hàng Phúc Kiến đăng tin tuyển dụng 3 nhân viên cao cấp tại Thượng Hải. Hàng trăm lá đơn đăng kí và ông Ứng cũng nằm trong số ấy. Thế nhưng, quy định trình độ lúc đó phải là có bằng Đại học. Ông Ứng bị gạt ra khỏi vòng sơ tuyển. Không cam chịu, ông đã đấu lí với nhà tuyển dụng và buộc họ phải nhận hồ sơ. Sau những kì thi cực kì gắt gao, ông Ứng đã vượt qua tất cả, đạt điểm cao nhất và chính thức trở thành một nhân vật cốt cán trong lĩnh vực ngân hàng

    Cuộc Thế chiến thứ 2 bùng nổ, Ứng Xương Kỳ lúc này đã là một quản lí cao cấp của Ngân hàng Phúc Kiến. Ông cùng gia đình di chuyển khắp các tỉnh của Trung Quốc để chủ trì công việc ở các chi nhánh bất chấp sự khó khăn về giao thông và dưới bom đạn của hai phe. Sau năm 1945, ông Ứng gia nhập Ngân hàng Đài Loan với cương vị Giám đốc kinh doanh khi mới 28 tuổi. Ông dần dần thăng tiến rất nhanh, trở thành Phó Tổng giám đốc rồi Quyền Tổng giám đốc khi chỉ mới ngoài 30 tuổi. Trong hơn 10 năm, ông Ứng là trụ cột của Ngân hàng này, điều hành các hoạt động kinh doanh và hỗ trợ cả Chính phủ Đài Loan về mặt quản lí và điều hành tài chính quốc gia. Năm 1963, ông Ứng rời khỏi ngành ngân hàng và bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp - sản xuất, góp công lớn trong sự phát triển của kinh tế Đài Loan. Ông trở thành một doanh nhân được kính trọng ở hòn đảo này và cả ở Trung Quốc đại lục

    Khi Ứng Xương Kỳ trở về Từ Thành vào năm 1988 sau hơn 40 năm xa cách, bất chấp việc ông đang là công dân Đài Loan, ông vẫn được chính quyền Trung Quốc đón tiếp nhiệt thành. Tấm lòng yêu nước và cờ vây của ông đã xóa nhòa đi sự ngăn cách về chính trị. Đích thân lãnh đạo thành phố Ninh Ba đón chào ông. Ngôi nhà nơi ông sinh ra ở Từ Thành cũng được sửa chữa lại và trở thành một khu lưu niệm. Năm 1991, ông Ứng tài trợ 1,4 triệu $ xây dựng lại trường tiểu học Trung Thành - nơi ông đã từng học khi còn ấu thơ. Ông còn hỗ trợ Trung Quốc trong cả việc phát triển ngành công nghiệp và giáo dục đại học cho đến khi qua đời ở tuổi 80

    Ngay từ khi còn nhỏ, Ứng Xương Kỳ đã yêu thích cờ vây. Lớn lên ở Thượng Hải, ông cảm thấy rất buồn khi chứng kiến cờ vây Nhật Bản phát triển trong khi cờ vây Trung Quốc suy vi. Vì thế, ngay từ lúc ấy, ông đã có tham vọng hồi sinh cờ vây quốc gia. Năm 1952, ông tham gia sáng lập Hiệp hội cờ vây Đài Loan, giữ chức Giám đốc điều hành và sau đó là Chủ tịch. Ông đóng góp rất nhiều tiền bạc và công sức, dùng danh tiếng của mình để hỗ trợ cờ vây phát triển. Chính ông là người đã sáng tạo ra cách tính điểm kiểu Trung Quốc mà ngày nay được phổ biến bên cạnh cách tính điểm kiểu Nhật Bản

    Năm 1983, Ứng Xương Kỳ khởi xướng thành lập Quỹ giáo dục cờ vây mang tên ông. Quỹ Ứng Xương Kỳ đã nhanh chóng thu hút được khoản đóng góp lên tới 3,5 triệu $ và không ngừng tăng thêm. Đến nay, Quỹ quản lí số tiền hoạt động vào khoảng gần 30 triệu $. Năm 1996, ông Ứng tới Thượng Hải và đề nghị hỗ trợ chính quyền thành phố lập Quỹ Ứng Xương Kỳ Thượng Hải. Quỹ này được gia đình ông Ứng tài trợ ngay 160 triệu nhân dân tệ. Ông còn hỗ trợ thành lập Viện cờ Ứng Xương Kỳ tại Thượng Hải để đào tạo các kì thủ trẻ. Nhưng niềm tự hào lớn nhất của ông Ứng chính là việc ông đã tổ chức thành công Ing Cup, biến giải đấu này thành khát vọng lớn nhất của mọi kì thủ cờ vây. Ing Cup đã và vẫn đang là giải cờ vây số 1 hành tinh, là nơi quy tụ "tinh hoa của tinh hoa". Chỉ có những kì thủ tài năng xuất chúng nhất của các quốc gia mới có tư cách tham gia ... vòng sơ loại của giải đấu trước khi chọn ra được 16 người giỏi nhất dự tranh vòng chung kết. Để cổ vũ cho cờ vây ngoài châu Á, ông Ứng còn sẵn sàng cho các kì thủ châu Âu và Bắc Mỹ tham gia vòng loại bất chấp việc họ chưa đủ đẳng cấp (thường chỉ là các kì thủ từ 2-4 đẳng chuyên nghiệp)

    Cuộc đời của ông Ứng là một cuộc đời hoạt động sôi nổi với ý chí chiến đấu kiên cường, từ một cậu bé nghèo khó trở thành vị đại doanh nhân được người đời kính trọng. Như chính ông từng nói, bởi trái tim ông luôn có "ngôi sao hi vọng"

    Vu Hoang
     

Chia sẻ trang này