StartUp ThinkTank

Thảo luận trong 'Vietnam ThinkTank' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 4/3/20.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    'Vườn ươm' startup nổi tiếng nhất nước Mỹ
    Y Combinator là nơi khởi đầu của khoảng 1.000 startup tại Mỹ, trong đó có những cái tên nổi danh như Dropbox, Airbnb

    [​IMG]

    Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng đây là cách nhiều startup nổi danh tại thung lũng Silicon khởi đầu. Cuối năm 2008, 3 chàng trai trẻ nộp đơn gia nhập Y Combinator (YC) - một vườn ươm startup (incubator), với kỳ vọng nhận được trợ giúp cho công ty nhỏ bé có tên AirBed & Breakfast. Paul Graham - một trong những người sáng lập YC - không ấn tượng với ý tưởng nhưng thích sự khác biệt họ tạo ra

    Để có tiền mặt, bộ 3 này đã đi bán đồ ăn sáng trong suốt chiến dịch tranh cử (giữa Tổng thống Obama và John McCain) để có đủ tiền duy trì hoạt động của startup. Graham và đối tác của mình tại YC giúp họ định hình lại ý tưởng và gặp những nhà đầu tư đầu tiên. Ngày nay, Airbnb cho thuê các căn hộ tại 190 quốc gia, trở thành một trong những startup được nhắc đến nhiều nhất với trị giá thị trường khoảng 25,5 tỷ USD (cuối năm 2015)

    Kể từ năm 2005, YC đã tìm kiếm những starup tiềm năng và kỷ niệm lần góp vốn thứ 1.000 và tháng 11/2015. Mặc dù một nửa trong số đó thất bại, YC vẫn được xem là vườn ươm nổi tiếng nhất cho giới khởi nghiệp Mỹ. Ngoài Airbnb, YC cũng là nơi khởi động dự án Dropbox – nền tảng lưu trữ trên điện toán đám mây và Stripe – công ty thanh toán

    8 trong số những công ty YC hướng nghiệp đã trở thành “kỳ lân” – theo cách gọi tại thung lũng Silicon – với trị giá trên 1 tỷ USD. Tổng cộng, trị giá của những công ty YC góp vốn lên đến 65 tỷ USD, mặc dù họ chỉ chiếm một phần nhỏ cổ phần trong số đó – khoảng 1 đến 2 tỷ USD

    YC được xem là người khổng lồ tại Silicon. Ngày nay, những công ty khởi nghiệp trẻ mới được xem là trung tâm của sự sáng tạo và ảnh hưởng đến giới công nghệ. Bằng cách đào tạo và phát triển thành công hàng loạt startup, YC góp phần tạo ra các giấc mơ khởi nghiệp tại Mỹ

    [​IMG]
    Paul Graham - người sáng lập của Y Combinator

    Giống như một loại bằng tốt nghiệp hạng ưu tại các trường đại học danh tiếng, việc tốt nghiệp chương trình đào tạo 3 tháng của YC là một tài sản vô giá với các startup. Tính đến mùa xuân năm 2015, YC nhận được 6.700 đơn gia nhập nhưng chỉ chấp nhận khoảng 1,6%. Trong khi đó, trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất, tỉ lệ nhập học tại đại học Harvard là 5,3%

    Nhà đầu tư, giáo viên và thẩm phán tài năng

    [​IMG]
    Những startup nổi bật từng được đào tạo bởi Y Combinator

    Paul Graham – người bán startup có tên Viaweb cho Yahoo năm 1998, lập ra YC cùng với Jessica Livingston – một nhân viên ngân hàng và 2 người đồng nghiệp cũ tại Viaweb có tên Trevor Blackwell và Robert Morris năm 2005

    Họ hy vọng tìm ra cách đầu tư hiệu quả vào các công ty khởi nghiệp nhưng không bao giờ nghĩ sẽ tạo ra một gã khổng lồ như Y Combinator

    Họ tình cờ phát hiện một công thức hòa nhập tốt nhất giữa một công ty đầu tư, một trường đại học và ở khía cạnh nào đó là cả chương trình truyền hình thực tế “The X Factor”. YC đào tạo startup trong các lớp học, mỗi sáng lập startup sẽ được gợi ý cách tinh chỉnh sản phẩm của mình sao cho phù hợp với thị trường

    Các buổi học diễn ra tại khuôn viên nhỏ nhắn của YC tại Mountain View. Các lớp học có tính “hoang tưởng” và cạnh tranh cao. Họ không chỉ dạy người khởi nghiệp cách vận hành ý tưởng mà còn giúp họ bán ý tưởng cho nhà đầu tư

    Sau 3 tháng, startup sẽ “tốt nghiệp” trong “ngày demo”, nơi họ có một bài thuyết trình về sản phẩm với một nhóm nhà đầu tư hàng đầu tại thung lũng Silicon. “Ngày demo” được xem là cơ hội vàng của các startup bởi nhà đầu tư không cho họ nhiều cơ hội

    Các nhà đầu tư thường phàn nàn về việc YC đẩy giá trị của các startup lên cao. Điều này đúng. Thông thường, YC sẽ đầu tư 120.000 USD, đổi lấy 7% cổ phần của startup, khiến mỗi công ty này có trị giá lên đến hơn 1 triệu USD

    [​IMG]
    Paul Graham chia sẻ thông tin với các "học viên" tại trụ sở của Y Combinator vào năm 2009

    YC cũng đóng vai trò nhưng một tổ chức bảo vệ quyền lợi của các startup trước nhà đầu tư. YC cũng bí mật xếp hạng các nhà đầu tư, và tiết lộ danh sách này với người sáng lập startup. Điều này đã làm thay đổi cán cân quyền lực so vơi quá khứ khi “các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn coi doanh nghiệp như người làm công chứ không phải các tài năng”, Steve Blank – một doanh nhân chia sẻ

    Tài sản của các startup biến động không ngừng. Do đó, phần lớn lợi nhuận của YC đều nằm trên giấy tờ. Ngoại trừ Twitch – công ty chuyên phát video của người chơi game – bị thâu tóm bởi Amazon với giá gần 1 tỷ USD năm 2014, chưa công ty nào qua tay YC niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc bị mua lại

    Hiện tại, mô hình vườn ươm khởi nghiệp phát triển hết sức rộng mở tại Mỹ và nhiều nước khác. Chỉ riêng tại thung lũng Silicon, có thể đếm được hàng trăm các vườn ươm khác nhau với mô hình, triết lý tương tự họ. Tất nhiên, không vườn ươm nào có được danh tiếng lớn như họ
     
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Nền kinh tế tài sản vô hình
    Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy nhanh hơn sự chuyển dịch sang nền kinh tế nhẹ (light asset economy), nơi các doanh nghiệp được định giá dựa vào với các tài sản vô hình như thương hiệu, dữ liệu, các hoạt động nghiên cứu và phát triển, mạng lưới khách hàng trực tuyến, thay vì các tài sản hữu hình như máy móc sản xuất, cửa hàng trực tiếp

    [​IMG]
    Đại dịch Covid-19 tăng tốc sự chuyển dịch sang nền kinh tế ‘tài sản nhẹ’, vốn đã thể hiện từ lâu qua sự tăng trưởng của các nền tảng công lớn như Amazon

    Doanh nghiệp ‘tài sản nhẹ’ được định giá cao


    Nếu giới đầu tư muốn đặt cược vào sự phục hồi của thị trường buôn bán xe cũ trong năm nay, Công ty CarMax dường như là sự lựa chọn hợp lý vì đây là hãng kinh doanh xe cũ lớn nhất Mỹ với 200 cửa hàng với lịch sử lợi nhuận đáng tin cậy

    Thế nhưng thị trường chứng khoán lại có ý tưởng khác. Công ty Carvana, có trụ sở ở bang Arizona, chuyên buôn buôn bán xe đã qua sử dụng trên nền tảng trực tuyến, chỉ bán số xe bằng phân nửa do với doanh số của CarMax. Hơn nữa, công ty này vẫn đang thua lỗ. Tuy nhiên, giá trị thị trường của Carvana chỉ kém hơn một chút so với CarMax vào cuối năm 2019 và giờ đây đã tăng lên mức 37 tỉ đô la Mỹ, cao hơn gấp đôi so với đối thủ

    Mức tăng trưởng thần kỳ đó phản ánh một sự chuyển đổi rộng lớn hơn trong nền kinh tế Mỹ. Giá trị của các doanh nghiệp ngày càng được tạo ra nhiều hơn từ các nền tảng số hóa, phần mềm và các khoản đầu tư vô hình khác hơn là tài sản hữu hình và các mối quan hệ truyền thống

    Xu hướng này, vốn đã thể hiện từ lâu ở sự tăng trưởng của nền tảng công nghệ lớn như Google, Facebook và Amazon, tăng tốc trong năm nay khi dịch bệnh Covid-19 chuyển dịch các tương tác của con người từ trực diện sang không gian ảo

    Carvana đang đi theo bước chân của Amazon. Trang web của công ty này xử lý phần lớn quy trình giao dịch và bán xe. Mike Montani, nhà phân tích ở Công ty tư vấn đầu tư Evercore ISI, cho rằng Carvana sở hữu một trong nền tảng kinh doanh trực tuyến tốt nhất hiện nay

    Nền tảng này cung cấp thêm sự minh bạch, tiện lợi và tính an toàn trong thời kỳ dịch bệnh. Khách hàng có thể chọn hình thức được giao xe đến tận nhà hoặc đến nhận xe ở một ‘máy bán xe’ (một tòa tháp gương chứa xe nhiều tầng) của Carvana

    Sức hấp dẫn của mô hình tài sản nhẹ cũng giải thích phần nào mức định giá cao ngất ngưỡng của hãng xe điện Tesla. Phần lớn giá trị của Tesla nằm ở phần mềm hỗ trợ lái tự động. Phần mềm này ngốn rất nhiều ngân sách để phát triển nhưng chi phí cài đặt rất thấp, giúp tạo ra mức biên lợi nhuận béo bở

    Trong một báo cáo hồi tháng 5, các nhà phân tích ở Ngân hàng Morgan Stanley cho biết gói cài đặt công nghệ lái tự động đầy đủ của Tesla (một tùy chọn mua thêm có trị giá 8.000 đô la khi mua xe của Tesla), có thể đóng góp 6% tổng doanh thu của Tesla nhưng gần 25% lợi nhuận gộp của công ty này vào năm 2025

    Giá trị tài sản vô hình lên ngôi


    Trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, nhà kinh tế trưởng Jason Thomas ở Công ty quản lý tài sản Carlyle Group, cho biết công nghệ đã chắp cánh cho nhiều mô hình kinh doanh mới trong nhiều thập kỷ qua. Chẳng hạn, nhờ tận dụng sức mạnh của công nghệ, các ty kinh doanh dịch vụ taxi như Uber, Grab không cần sở hữu taxi và các công ty đặt phòng như Oyo Rooms, Airbnb không cần sở hữu khách sạn

    “Sự xuất hiện và tăng trưởng của các doanh nghiệp hoạt động dựa vào nền tảng trực tuyến cung cấp một bằng chứng rõ ràng rằng, trong thời đại số, giá trị doanh nghiệp đổ dồn vào các ý tưởng, hoạt động nghiên cứu và phát triển, nội dung, dữ liệu và vốn con người, hay còn gọi là tài sản vô hình, thay vì máy móc công nghiệp, nhà máy hay các tài sản hữu hữu khác”, Thomas viết

    Trong kỷ nguyên công nghiệp, nhà đầu tư thường tìm kiếm những công ty có cổ phiếu giao dịch với mức giá thấp hơn giá trị sổ sách của chúng (tổng tài sản trong bảng cân đối kế toán trừ đi nợ vay và các khoản nợ phải trả khác)

    Ngày nay, phần lớn giá trị của các công ty đến từ các tài sản vô hình, thường không xuất hiện trong giá trị sổ sách của họ, chẳng hạn như tài sản sở hữu trí tuệ (bản quyền sáng chế, phần mềm, thương hiệu và mạng lưới người dùng)

    Trong giai đoạn 1995-2018, tài sản vô hình tăng từ 68% lên 84% trong giá trị doanh nghiệp (bao gồm vốn cổ phần và nợ) của các công ty trong chỉ số S&P 500 ở Mỹ, theo ước tính của Thomas. Ông ước tính rằng trong 10 năm qua, 10% của các số công ty có chỉ số P/B (tỷ lệ giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) mang lại mức sinh lời cho giới đầu tư trung bình 18% mỗi năm, trong khi đó, 10% trong số công ty có chỉ số P/B thấp nhất chỉ mang lại mức sinh lời chưa đến 5%

    Thomas cho rằng các cơn suy thoái gây cú sốc cho các doanh nghiệp, buộc họ phải tái định hình mô hình kinh doanh. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm đóng băng thị trường tín dụng đối với bất động sản, hàng tồn kho và tiền lương của các công ty. Điều này thúc đẩy sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh dựa vào ‘tài sản nhẹ’, chẳng hạn như các công ty gọi xe

    [​IMG]
    Mức định giá của Carvana cao hơn gấp đôi so với đối thủ CarMax, công ty buôn bán xe cũ lớn nhất Mỹ với 200 cửa hàng, cho thấy giới đầu tư đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Carvana nhờ vào mô hình ‘tài sản nhẹ’

    ‘Tài sản nhẹ’ giúp Walt Disney giảm tổn thương trong mùa dịch


    Đại dịch Covid-19 đã ‘dạy’ cho các doanh nghiệp biết hoạt động mà không cần văn phòng và tiếp xúc với khách hàng trên không gian ảo thay vì trực diện. Vì vậy, họ có khả năng sẽ tiếp tục giảm chú trọng các tài sản hữu hình để ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu, thâu tóm khách hàng và quản lý dữ liệu, theo dự đoán của Thomas

    Sự phụ thuộc của hãng truyền thông giải trí Walt Disney vào các tài sản như khu nghỉ dưỡng, du thuyền, rạp phim...đã khiến doanh thu của hãng này bị sụt giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch. Nhưng giờ đây, Walt Disney đã có sự bù đắp từ một danh mục tài sản nhẹ, đó là sự tăng trưởng của mảng kinh doanh phát sóng trực tiếp (streaming) qua nền tảng trực tuyến bao gồm các dịch vụ Disney +, Hulu và ESPN + với 100 triệu dùng đã đăng ký thuê bao

    Mảng kinh doanh phát sóng trực tiếp giúp Walt Disney giảm sự phụ thuộc vào rạp phim, các giấy phép phát sóng và truyền hình cáp để truyền phát các nội dung đến khán giả

    Nó cũng cho phép Walt Disney cung cấp phim bom tấn mới ra mắt Mulan (Hoa Mộc Lan) cho khán giả thông qua dịch vụ Disney + khi nhiều rạp phim ở Mỹ đóng cửa trong thời kỳ dịch bệnh. Hồi tháng 1, thị trường định giá mảnh kinh doanh phát sóng trực tiếp của Walt Disney khoảng 108 tỉ đô la, theo các nhà phân tích của Ngân hàng Barclays

    Con số này bằng phân nửa vốn hóa thị trường hiện tại của Netflix, một nền tảng chỉ chuyên dịch vụ phát sóng trực tiếp. Thị trường chứng khoán có thể đúng khi đánh giá cao triển vọng trong tương lai của các doanh nghiệp tài sản nhẹ nhưng điều này không có nghĩa là thị trường đã chọn đúng ai sẽ là người chiến thắng

    Mảng kinh doanh phát sóng trực tiếp của Walt Disney vẫn đang thua lỗ. Và Tesla, có mức định giá cao hơn mức định giá của Toyota và Volkswagen gộp lại, đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt để chiếm lĩnh một thị trường xe điện với quy mô còn nhỏ

    Carvana cũng đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt. CarMax đang phát triển mảng bán xe trực tuyến để bổ sung cho hoạt động kinh doanh ở các cửa hàng

    Nhà phân tích Mike Montani cho rằng mức định giá hiện nay của Carvana cho thấy giới đầu tư kỳ vọng công ty này sẽ trở thành doanh nghiệp buôn bán xe cũ lớn nhất Mỹ vào năm 2030. Nhưng Montani cho rằng để đạt được ngôi vị đó, Carvana cần phải đầu tư nhiều hơn cho các tài sản hữu hình, bao gồm các cửa hàng chăm sóc những vị khách vẫn muốn đến xem xe trực tiếp rồi mới quyết định mua. Ông nhận định rốt cục, các mô hình kinh doanh của Carvana và CarMax sẽ hội tụ lại với nhau
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Khi thế giới muốn trói tay công ty công nghệ
    Sau nhiều năm dài khuyến khích các công ty công nghệ phát triển với kỳ vọng dùng thành quả công nghệ để thúc đẩy các đột phá cho nền kinh tế nói chung, nay các nước trên thế giới đang bắt đầu siết lại chính các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu này

    [​IMG]

    Theo tổng kết của tờ New York Times, ở Trung Quốc chính phủ nước này phạt tập đoàn Alibaba với mức phạt kỷ lục 2,8 tỉ đô la vì cách thức kinh doanh độc quyền. Ở châu Âu, Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị ban hành hàng loạt quy định hạn chế các công nghệ dùng nền tảng trí tuệ nhân tạo. Còn ở Mỹ thì chính quyền Biden đang xúc tiến nhiều biện pháp kềm chế các “ông lớn” công nghệ như Amazon, Facebook hay Google

    Trước đó, Úc thông qua luật buộc các công ty công nghệ như Facebook hay Google phải trả phí cho báo chí. Nước Anh thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý doanh nghiệp công nghệ. Ấn Độ thông qua các biện pháp mới nhằm kiểm soát các mạng xã hội. Nga chặn bớt lưu lượng của Twitter tại nước này... Trong lĩnh vực này, Trung Quốc có vẻ mạnh tay nhất khi đưa ra nhiều ràng buộc để kiểm soát sự lớn mạnh và độc quyền của nhiều doanh nghiệp công nghệ chứ không chỉ tập trung vào Alibaba

    Việc tập trung sự chú ý như thế vào một lĩnh vực kinh tế là chưa có tiền lệ và sự thống nhất trong quan điểm của chính phủ các nước trong ứng xử với các công ty công nghệ cũng là điều chưa từng thấy. Tuy nhiên mục đích tối hậu của các nước là khác nhau: có thể châu Âu và Mỹ trói tay công ty công nghệ vì sợ chúng ngày càng độc quyền, bóp nghẹt cạnh tranh và hủy hoại quyền riêng tư của người dân. Trong khi đó, mục đích của các nước khác có thể là tăng thẩm quyền kiểm soát xã hội mà họ sợ các công ty công nghệ đang giành mất

    Daniel Crane, một giáo sư luật ở trường Đại học Michigan chuyên về luật chống độc quyền nói với tờ New York Time: “Thật là chưa có tiền lệ khi cả thế giới tập trung vào cùng một chuyện. Đó là giải quyết câu hỏi cả thế giới đều phải tìm câu trả lời: Liệu chúng ta có thoải mái để những công ty như Google có nhiều quyền lực như hiện nay?”

    Đúng là các công ty công nghệ hiện đang có quá nhiều quyền lực. Mười công ty lớn nhất, toàn là doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát các ngành như thương mại điện tử, tài chính, giải trí, truyền thông... cộng lại có tổng giá trị vốn hóa đến 10.000 tỉ đô la, so với GDP của các nước thì chỉ riêng 10 công ty này đã bằng nền kinh tế xếp thứ ba toàn cầu

    Điểm đặc biệt là trong khi chính sách của các nước đối với các công ty công nghệ là tương đồng, họ lại chẳng bao giờ chịu phối hợp để có các biện pháp đối phó chung. Ngược lại, các nước lại có quan điểm bảo vệ doanh nghiệp mình khi đụng chuyện ở nước khác. Như Mỹ siết các doanh nghiệp công nghệ của mình là thế nhưng khi các nước đòi đánh thuế doanh nghiệp công nghệ của Mỹ thì nước này đòi trả đũa bằng thuế

    Một hệ quả có thể thấy ngay là không gian Internet sẽ bị phân mảnh, Internet nước này sẽ khác Internet nước khác. Tùy theo chính sách của từng nước mà người truy cập Internet nước đó sẽ tiếp cận nội dung, mức độ bảo vệ sự riêng tư khác nhau, không nhất thiết do sự kiểm soát của từng nước mà do các công ty công nghệ uyển chuyển thay đổi chính sách để phù hợp với yêu cầu của từng nước. Giấc mơ Internet biến thế giới thành một ngôi làng thu nhỏ càng xa vời hơn bao giờ hết

    Đó cũng là cách các công ty công nghệ lập luận để tránh né sự kiểm soát của các nước. Chẳng hạn, Nick Clegg, Phó chủ tịch Facebook phụ trách mảnh chính sách và truyền thông, cho rằng các quyết định mà nhà làm luật các nước sẽ đưa ra trong những năm tháng tới sẽ có tác động sâu sắc lên Internet, các liên minh quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. Ông nói Facebook hy vọng “các nền dân chủ công nghệ tại Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và các nơi khác sẽ cùng nhau hợp tác để duy trì và nâng cao các giá trị dân chủ là trái tim của một mạng Internet mở, ngăn ngừa không để nó phân mảnh thêm nữa”. Ông này trước đây từng là Phó thủ tướng Anh

    Đại diện cho Google, ông Kent Walker, Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu cũng kêu gọi các nước phối hợp với nhau. “Chia cắt, đưa ra các quy định không nhất quán sẽ không giúp ích gì mà còn làm mọi thứ tệ hại hơn”, ông nói. Amazon thì nói họ sẵn sàng hợp tác với các cuộc điều tra chống độc quyền nhưng cho rằng cứ giả định có thái độ chống độc quyền là sẽ dẫn đến thành công là một sai lầm

    Hiện nay các nước tập trung đối phó với các công ty công nghệ ở hai hướng: chống độc quyền và yêu cầu kiểm soát nội dung. Đây cũng chính là hai điểm yếu của các công ty công nghệ. Google, Facebook, Apple, Alibaba, Amazon đều đang chiếm lĩnh các lĩnh vực từ quảng cáo, tìm thông tin đến thương mại điện tử và chợ ứng dụng. Tất cả đều từng mang tai tiếng lạm dụng vị thế để mua đứt đối thủ cạnh tranh, giành ưu tiên cho sản phẩm của chính họ và chặn đường bất kỳ ai muốn chống lại. Các công ty này cũng từng bị săm soi vì sao để tin giả, nội dung thù hằn, các thuyết âm mưu tràn lan trên nền tảng họ cung cấp, để chúng tác động lên thế giới thật

    Ngoài ra các quan chức châu Âu còn nhắm tới những nền tảng công nghệ mới nổi như kiểu phòng ngừa từ xa. Họ đang soạn thảo các quy định ngăn ngừa các rủi ro từ công nghệ trí tuệ nhân tạo như hạn chế các công ty dùng công nghệ kiểu này để đưa ra quyết định và tác động lên các hành xử của người dùng

    Công nghệ là tốt hay xấu, các công ty công nghệ đang cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích miễn phí hay đang lợi dụng toàn nhân loại là cuộc tranh cãi chưa có hồi kết. Dù sao thế giới cũng đã bước qua giai đoạn khen ngợi công nghệ hết lời để tìm một thái độ thích hợp hơn, dù đó là trí tuệ nhân tạo hay vạn vật kết nối

    Nguyễn Vũ
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Trung Quốc tăng trưởng trì trệ, châu Á bị vạ lây
    Nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất suy yếu kết hợp với cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các nước láng giềng có quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

    [​IMG]
    Nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất suy yếu, cùng với khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang tác động đến tăng trưởng ở các nước châu Á
    Hàn Quốc ghi nhận sản lượng công nghiệp suy giảm tính theo tháng dài nhất trong gần nửa thế kỷ, trong khi các nhà xuất khẩu lớn khác ở khu vực Đông Á cũng bị tác động do nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc

    Các hoạt động sản xuất ở Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, được coi chỉ báo hàng đầu về sức khỏe của chuỗi cung ứng công nghệ trong khu vực, giúp củng cố tăng trưởng toàn cầu trong nhiều thập niên

    Xuất khẩu của nước này trong tháng 7 giảm với tốc độ mạnh nhất trong hơn ba năm, dẫn đầu là các lô hàng chip bán sang Trung Quốc. Chỉ số nhà quản trị mua hàng của ngành sản xuất ở Hàn Quốc, công bố hôm 1-9, cho thấy hoạt động của nhà máy giảm trong tháng 8, đánh dấu tháng thứ 14 suy giảm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất trong lịch sử

    Dữ liệu cũng cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật Bản giảm tháng thứ 5 liên tiếp . Trong khi đó, Đài Loan chứng kiến sản lượng nhà máy giảm và nhu cầu nước ngoài yếu hơn

    Mối lo ngại gia tăng trong những tuần gần đây sau khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát, làm dấy lên lo ngại về tiêu dùng yếu, đồng nội tệ mất giá, lĩnh vực bất động sản tiếp tục bất ổn và mức nợ chính quyền địa phương không bền vững

    Theo dữ liệu chính thức công bố hôm 31-8, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc suy giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 8

    “Khi Trung Quốc hắt hơi, châu Á sẽ bị cảm lạnh. Với việc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cự tuyệt các lời kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng đang suy yếu thông qua kích thích mạnh mẽ, toàn khu vực châu Á sẽ cảm nhận hậu quả”, Vincent Tsui, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Gavekal ở Bắc Kinh, nói

    Tsui cảnh báo, các trung tâm thương mại và tài chính trong khu vực như Hồng Kông và Singapore sẽ dễ bị tổn thương nhất khi kinh tế Trung Quốc suy yếu. Điều này là do nhu cầu của Trung Quốc lần lượt chiếm 13% và 9% GDP của Hồng Kông và Singapore

    Bộ Tài chính Hàn Quốc đã thành lập nhóm chuyên trách để theo dõi tình hình kinh tế của Trung Quốc. Hàn Quốc cũng công bố một ngày nghỉ lễ quốc gia mới nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước

    “Hàn Quốc khó có thể sớm phục hồi trừ khi nền kinh tế Trung Quốc bật dậy nhanh chóng”, Park Chong-hoon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của chi nhánh của ngân hàng Standard Chartered ở Seoul, nói

    Ông cũng lưu ý những thách thức đối với kinh tế Hàn Quốc xuất phát từ căng thẳng Mỹ-Trung và chính sách tăng cường năng lực tự cung tự cấp của Trung Quốc nhằm thay thế hàng nhập khẩu

    Nền kinh tế Úc đã chứng tỏ sự kiên cường trong những năm gần đây khi trải qua căng thẳng thương mại với Trung Quốc, nước đã áp thuế quan đối với một số hàng hóa từ than đá, lúa mạch đến tôm hùm. Trong năm này, Bắc Kinh đã dỡ bỏ một số chính sách thuế đó

    Tuy nhiên, hiện tại, Úc dường như dễ bị tổn thương trước tình trạng bất ổn kinh tế của đối tác thương mại lớn nhất, với đồng đô la Úc giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ trong 10 tháng do kỳ vọng về tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm

    Các doanh nghiệp lớn nhất Úc , bao gồm cả tập đoàn khai mỏ BHP, bắt đầu bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh doanh của họ nếu Trung Quốc không thành công trong nỗ lực kích thích tăng trưởng

    Việt Nam, nước xuất khẩu chủ chốt về hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ cũng như đồ điện tử, báo cáo xuất khẩu quí 2 giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sản xuất công nghiệp chậm lại trong năm nay

    Dữ liệu trong tháng này chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng của Malaysia chậm nhất trong gần hai năm, do thương mại với Trung Quốc suy giảm

    Nền kinh tế Thái Lan cũng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự kiến trong quí 2, do bất ổn chính trị trong nước và lượng du khách Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng

    Các nhà phân tích của Gavekal cảnh báo các khu vực khác bên ngoài châu Á cũng sẽ hứng chịu nhiều tổn thất hơn khi kinh tế Trung Quốc trì trệ

    “Khi nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, các nhà cung cấp nước ngoài trong lĩnh vực nguyên liệu thô và máy móc sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Cú sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ không nhanh chóng đảo ngược và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện”, họ viết trong một báo cáo
     

Chia sẻ trang này