PHUCDUC.vn

Thảo luận trong 'Quốc Gia Phúc Đức' bắt đầu bởi PhucDuc.vn, 6/3/17.

  1. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Bản thiết kế cuộc đời có thể thay đổi được vì Phúc Đức
    Bản thân mỗi người được tồn tại trên đời, được hạnh phúc, được nhiều điều hơn người tất cả đều do Phúc Đức mà ra. Phúc đức người nào càng nhiều, thì những thứ từ vật chất đến tinh thần đều sẽ đong đầy và đứng ở vị thế trên mọi người. Phúc đức còn là một lá chắn bảo vệ chủ nhân, là một siêu năng lực mang đến may mắn. Khi có hoạ hoạn biến cố lập tức phúc đức phát huy sức mạnh của mình là hoá giải, mang sự an toàn đến chủ nhân

    Phúc Đức được chia làm hai phần, PHÚC và ĐỨC. Phúc là điều thể hiện cho quá trình ăn ở của các bậc tiền bối có chung huyết thống với mỗi người. Từ ông bà, cha mẹ, họ hàng sẽ là người tạo ra phần Phúc truyền lại cho con cháu bên dưới, cho nên người ta gọi là Hưởng Phúc. Đức là do bản thân mỗi người trong quá trình sống, qua hành động mỗi ngày mà tích luỹ và được cộng dồn lại để truyền lại phúc cho đời tiếp theo. Đức là do chính bản thân mỗi người tạo ra, vì thế người ta mới gọi là Tích Đức. Phần Phúc sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của một người trước 30 tuổi, và phần Đức sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống còn lại của một người từ 30 tuổi cho đến lúc chết và đời con cháu tiếp theo. Con số 30 chính là cột mốc quan trọng của đời người, con số này đánh dấu sự chính chắn, sự trưởng thành và tuổi 30 người ta gọi là tuổi lập thân, là độ tuổi tự phải có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình và không còn bị ảnh hưởng từ gia đình.( cái tuổi 30 là average thôi nha, mỗi người khác nhau)

    Có những người may mắn được sinh ra trong một gia đình có đạo đức, ông bà cha mẹ là người thiện lương nên phần phúc của người này rất nhiều. Nên trước tuổi lập thân người này sẽ vô cùng may mắn. Do bởi phúc phần của tiền nhân quá nhiều nên có thể phúc sẽ cho thêm một vài năm sau đó được sống trong sung sướng. Nhưng từ 30 trở đi, lúc này tất cả cuộc đời và số mệnh của người này sẽ phải chịu ảnh hưởng của phần Đức. Trong quá trình sống trước đó, nếu người này có sự tử tế, sống lương thiện thì phần đời còn lại cũng sẽ được thành công và yên bình, nếu không thì bắt đầu từ giai đoạn này họ sẽ phải trả giá cho những gì mình đã làm. Người ta gọi đó là NGHIỆP CHƯỚNG, nếu phần nghiệp chướng này quá nhiều nó sẽ được truyền lại cho hậu bối

    Đó là lý do giải thích cho việc tại sao những người ăn ở bất lương nhưng lại thành công là bởi vì phần phúc của họ vẫn còn, nên số phận của người này vẫn còn được bảo vệ và may mắn, nhưng khi sống do không biết tích luỹ, bồi đắp đến một lúc phần phúc mất đi sẽ còn lại phần nghiệp, nếu có sống có đức, thì phần đức này sẽ hoá giải nghiệp chướng còn không thì tai hoạ bắt đầu ập đến từ đây. Nếu bản thân không được may mắn do không hưởng được phần phúc thì chúng ta vẫn còn lại phần đức để cứu giải cho chính mình. Phúc không thể được sinh sôi hay tạo thêm vì nó đã được mặc định là bạn có được bao nhiêu phần, nhưng phần Đức thì không có giới hạn, bạn càng làm nhiều điều tốt, sống càng thiện lương thì phần này càng được tích trữ. Cuộc đời 50% nằm ở thiên định và một nửa còn lại vẫn nằm trong tay chúng ta. Ông trời có đức hiếu sinh, không triệt ai đường sống bao giờ, chỉ có chúng ta tự đẩy mình vào vực thẳm mà thôi

    Phúc Đức là một dạng sức mạnh tâm linh, một dạng siêu năng lực bảo vệ mỗi người. Người hơn người một phần là do tài năng nhưng đa phần là do cách sống và đạo đức đã tạo ra phúc đức mà khiến người này đứng trên mọi người. Tiền bạc và địa vị khi chết sẽ không thể đem theo, nhưng riêng phúc đức hay nghiệp chướng sẽ được lưu truyền từ đời này qua đời khác

    Phúc Đức bị tiêu trừ khi Nghiệp Chướng xuất hiện và Nghiệp Chướng sẽ được hoá giải bởi Phúc Đức. Tự tay mỗi người đang cầm trên tay một thanh gươm báu, sử dụng vào việc tạo phúc hay tạo nghiệp là do mỗi người chúng ta. Bởi bản thân không chỉ sống cho một mình mình mà còn rất nhiều người sẽ bị ảnh hưởng từ việc bản thân tạo ra. Số mệnh có tốt hay xấu ở nửa đời người còn lại là do chúng ta định đoạt

    Chúng ta không thể chọn cách bắt đầu, nhưng khi kết thúc đều do mỗi người định đoạt
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/9/20
  2. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    HỎI:

    Khi sang thế giới khác con người vẫn sống làm việc bình thường, có người nghèo, người giàu, có người lang thang. Có phải trên trần tục ai giàu thì khi chết đi vẫn giàu hay phục thuộc vào người đó được cúng nhiều vàng, bạc, tiền ?

    TRẢ LỜI:

    Một cuộc sống khác sẽ xuất hiện, được bắt đầu lại từ đầu, cuộc sống này chỉ phụ thuộc vào mức năng lượng mà người đó đạt được hay nói một cách khác là công đức mà người đó tích góp được từ những kiếp trước cộng với công đức của kiếp này khi sống ở trần tục chứ không phụ thuộc vào tiền bạc

    Về mặt vật chất thì cái vốn của người trần tục được tính bằng tiền của hoặc bất động sản mà anh ta có hoặc có thể có còn cái vốn của người sau khi chết được tính bằng công đức mà người đó tích lũy được

    Thầy Huệ Tâm
     
  3. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Phúc Đức của người đứng đầu doanh nghiệp

    Thời gian gần đây PhucDuc.vn có đọc cuốn sách của một doanh nhân, nhà tư tưởng lớn của Nhật Bản đương đại, tác giả có đưa ra nhận định về vị trí người lãnh đạo trong doanh nghiệp, nhận định này PhucDuc.vn rất tâm đắc và PhucDuc.vn muốn phân tích sâu hơn nhận định này trong hệ quy chiếu Phúc Đức


    Tác giả Inamori Kasuo nói “Kinh doanh được quyết định bởi khí lượng của người đứng đầu”. Sự phát triển của công ty tùy thuộc vào nhân cách, khí lượng của người lãnh đạo

    Ví dụ, người lãnh đạo dẫn dắt một công ty nhỏ đến thành công, công ty phát triển và quy mô ngày càng lớn, việc lèo lái công ty không còn suôn sẻ và cuối cùng sụp đổ. Đó là do khí lượng của người lãnh đạo đã không lớn kịp cùng sự phát triển của công ty. Muốn đẩy mạnh sự nghiệp, làm cho công ty lớn mạnh, không chỉ dừng lại ở những kiến thức hay kỹ năng kinh doanh mà người lãnh đạo còn phải không ngừng nỗ lực nâng cao khí lượng. Khí lượng ở đây là tính người, là nhân cách, triết học, cách nghĩ của chính bản thân người lãnh đạo công ty

    Theo tác giả nhân cách được hình thành từ tính cách cha sinh mẹ đẻ cùng với triết học mà người đó học hỏi, thu nhận được trong cuộc đời

    Có không biết bao nhiêu cuốn sách viết về các bài học thành công và thất bại của doanh nghiệp nhưng chưa có cuốn sách nào viết rằng thành công và thất bại của doanh nghiệp phụ thuộc vào một yếu tố vô hình là “Khí lượng của người đứng đầu doanh nghiệp”. Đặt trong hệ quy chiếu Phúc Đức thì PhucDuc.vn cho rằng “Khí lượng” này chính là năng lượng của người lãnh đạo

    Theo PhucDuc.vn thì mô hình phát triển của doanh nghiệp cũng là một cấu trúc năng lượng, trong đó năng lượng của người lãnh đạo là hạt nhân trung tâm. Hạt nhân trung tâm có năng lượng ngày càng lớn thì cấu trúc năng lượng của doanh nghiệp cũng phát triển ngày càng lớn

    Để phát triển doanh nghiệp ở thực thể thì người lãnh đạo doanh nghiệp phải thiết kế thành công được mô hình cấu trúc năng lượng của doanh nghiệp. Khi mô hình năng lượng phát triển nhanh hơn và được ứng dung vào mô hình doanh nghiệp thực thể thì doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững. Cấu trúc năng lượng của doanh nghiệp sẽ bảo vệ cấu trục thực thể của doanh nghiệp. Khi mô hình thực thể của doanh nghiệp lớn hơn mô hình năng lượng của doanh nghiệp, mô hình năng lượng không thể bảo vệ cấu trúc thực thể của doanh nghiệp thì lúc đó doanh nghiệp có rủi ro kinh doanh và dẫn đến sụp đổ (Lãnh đạo ảo tưởng, thiếu tầm nhìn, đánh giá thị trường sai, đưa ra quyết định sai…tất cả những quyết định trên đều làm suy yếu và phá hủy cấu trúc năng lượng của doanh nghiệp)

    Người đứng đầu doanh nghiệp là người thiết kế mô hình năng lượng của doanh nghiệp, doanh nghiệp có lớn mạnh ở thực thể, ở ngoài thương trường hay không còn phụ thuộc vào các nguồn lực như nỗ lực của hội đồng quản trị, của cổ đông, của toàn thể nhân viên công ty…quyết tâm xây dựng công ty, đưa bản thiết kế mô hình năng lượng của doanh nghiệp trở thành mô hình phát triển thực thể của doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi nhanh hay chậm phụ thuộc vào năng lực triển khai của lãnh đạo và tập thể nhân sự của doanh nghiệp

    Người đứng đầu doanh nghiệp có tâm sáng, phát triển doanh nghiệp vì nhân viên của mình, vì khách hàng, vì đối tác, vì đất nước thì người đứng đầu doanh nghiệp còn nhận được nguồn năng lượng từ bên ngoài ủng hộ, bổ sung và làm cho cấu trúc năng lượng của doanh nghiệp ngày càng lớn, doanh nghiệp ngày càng phát triển. Nguồn năng lượng bên ngoài này đến từ năng lượng vô hình của khách hàng, của đối tác, năng lượng từ linh khí vùng đất, linh khí quốc gia phù trợ để doanh nghiệp phát triển. Đất nước có nhiều doanh nghiệp phát triển thì tiềm lực quốc gia cũng được nâng cao

    Người đứng đầu doanh nghiệp phải tu luyện, phải nâng cao năng lượng của bản thân, đó chính là gốc dễ xây dựng cấu trúc năng lượng bền vững cho doanh nghiệp, là gốc dễ để doanh nghiệp phát triển trường tồn
     
  4. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Chuyện rút nhẫn kim cương, hiến 10.5kg vàng của doanh nhân đất Cảng
    Trong Tuần lễ vàng tháng 8/1945, doanh nhân Sơn Hà không ngần ngại rút chiếc nhẫn quý gắn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng. Theo cụ: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải nếu mất nước, tiền và của cải nhiều cũng chẳng để làm gì”

    Trong căn biệt thự cổ nhuốm màu thời gian ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng, họa sĩ Nguyễn Thị Sơn Trúc (SN 1944) còn lưu giữ khá nhiều kỷ vật về cha mình, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980)

    Cụ là một trong những thương gia hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc, được biết đến như ông tổ của nghề sản xuất sơn ở Việt Nam


    “Cụ Sơn Hà sinh ra trong một gia đình có 7 anh em ở huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Con đường khởi nghiệp kinh doanh của cha tôi không hề dễ dàng. Đó là cả một câu chuyện dài…”, bà Sơn Trúc mở đầu câu chuyện về cha mình

    Thời trẻ, doanh nhân Sơn Hà làm thuê cho một hãng sơn của người Pháp ở Hải Phòng. Sau đó, muốn đứng ra kinh doanh độc lập, cụ khởi đầu bằng việc tự chế tạo loại sơn riêng của bản thân

    Để có tiền vốn, Nguyễn Sơn Hà bán chiếc xe đạp, tài sản duy nhất mình có lúc bấy giờ, dùng tiền để mua một chiếc máy xay bột. Loại máy này giúp cụ nghiền nguyên liệu để chế tạo sơn. Tuy nhiên mẻ sơn đầu tiên không thành công, sơn bán ra bị ế. Sơn Hà không bỏ cuộc, tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời những mẻ tiếp theo

    “Trong những câu chuyện sau này của gia tộc kể lại, tôi vẫn thường được nghe về những ngày đầu khởi nghiệp thiếu thốn của cha tôi. Để có tiền, cụ phải tự làm đồ chơi cho trẻ em

    Sau đó, những ngày gần đến trung thu, đêm nào cha tôi cũng mang ra ga tàu bán đến tận khuya. Tất cả chỉ để theo đuổi ước mơ tạo được hãng sơn riêng của người Việt. Tôi thường mường tượng về hình ảnh đó và nó ám ảnh tôi mãi”, bà Sơn Hà chia sẻ

    [​IMG]
    Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà

    Để tạo loại sơn riêng, cụ Sơn Hà chú trọng vào nguồn nhiên liệu có sẵn trong nước như nhựa thông, dầu của các loại cây. Theo cụ, nguồn nguyên liệu này sẽ làm giá thành sản xuất rẻ và an toàn. Sau khi có mẫu sơn ưng ý, cụ đẩy mạnh vào việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ

    “Cha tôi tìm khách hàng bằng cách bán sơn cho cai thầu người Hoa ở Hải Phòng với giá rẻ, biếu hàng mẫu, gửi sơn cho các hãng buôn lớn bán với lãi suất cao mà lại không phải trả tiền hàng ngay…

    Thấy sơn rẻ lại chất lượng tốt, khách bắt đầu đặt hàng. Dần dần, số lượng sơn của cha tôi bán ra ngày càng tăng”, bà Sơn Trúc cho biết

    Năm 1920, Nguyễn Sơn Hà khi đó là một thanh niên 26 tuổi đã xây dựng một cơ xưởng ở Lạch Tray, Hải Phòng với diện tích 7.000 m2. Cụ mở rộng sản xuất, sắm máy xay và các phương tiện hiện đại

    Để chủ động nguồn nguyên liệu, cụ mua đất ở các huyện trồng các loại cây như trẩy, thông… Doanh nhân này cũng đăng tuyển những thợ giỏi nhất và mày mò nghiên cứu tìm nguyên liệu đa dạng để tạo màu cho sơn

    Chất lượng sơn của cụ đã chinh phục nhiều người tiêu dùng với giá thành sơn rẻ hơn rất nhiều so với các loại sơn khác. Sơn của Sơn Hà xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc sau đó có mặt tại Sài Gòn. Chưa dừng lại ở đó, nó còn được tiêu thụ tại Lào, Campuchia

    “Đặc biệt, trước năm 1945, cha tôi từng đưa sơn của công ty sang Pháp tham dự hội chợ. Ông muốn quảng bá sơn của người Việt ra thế giới”, họa sĩ Sơn Trúc cho biết


    Uy tín trong giới làm ăn ngày được củng cố, Nguyễn Sơn Hà nhanh chóng vươn lên là một trong những nhà tư sản lớn ở Việt Nam thời bấy giờ. Doanh nhân này sở hữu rất nhiều đất đai, biệt thự tại Hải Phòng, Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận

    Năm 1939, vợ chồng Nguyễn Sơn Hà được vua Bảo Đại mời vào Huế để dự tiệc chiêu đãi. Cũng trong lần đi này, cụ Sơn Hà có cơ duyên gặp mặt cụ Phan Bội Châu, người đang bị Pháp quản thúc tại Huế


    Cuộc gặp gỡ này đã tác động sâu sắc đến vị doanh nhân đất Cảng.

    ‘Còn đất nước thì sẽ còn của cải’


    Cùng với Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Trương Văn Bền… dư luận nhắc đến Sơn Hà không chỉ là một doanh nhân thành đạt, cụ còn có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng

    Trước cách mạng, Nguyễn Sơn Hà tham gia thành lập các cơ sở từ thiện, mở trường nuôi dạy trẻ lang thang, cơ nhỡ

    Cụ còn cho người đến Hà Đông học nghề dệt vải để sau đó về mở cơ sở sản xuất tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân và mua tặng dân làng 4 máy dệt

    Trong nạn đói Ất Dậu (1945), cụ dùng số thóc thu được từ 200 mẫu ruộng ở Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) vào việc phát chẩn cứu đói. Vợ cụ Sơn Hà là Nguyễn Thị Ngọc Mùi (1918 - 1997) cùng các con trực tiếp nấu cháo và làm bánh tấm, bánh cám để phát cho dân

    Đặc biệt, trong Tuần lễ vàng, Nguyễn Sơn Hà rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác tham gia


    Cụ thể, cụ Ngọc Mùi và con gái trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng 105 lạng vàng ròng và số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) lên đến 10,5 kg vàng

    “Có giai thoại kể lại rằng, trong sự kiện này, cha tôi không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng”, bà Sơn Trúc kể

    Ngoài ra, gia đình cũng ủng hộ vào quỹ Ủy ban chuẩn bị tổng khởi nghĩa (Tháng 8/1945), 4 vạn 5.000 đông dương (năm 1945, trị giá khoảng 2.000 lạng vàng). Số tiền trên ông ông Vũ Quốc Uy, chủ tịch TP Hải Phòng đương thời, tiếp nhận

    Bà Sơn Trúc tiếp tục chia sẻ: “Sau Cách mạng tháng Tám, cha tôi cũng tổ chức một đoàn tàu vượt biển ra Côn Đảo đón tù chính trị bị giam giữ trở về đất liền trước thời điểm Pháp nổ súng gây hấn và chiếm lại Nam bộ ngày 23/9/1945

    “Lý giải cho hành động của mình, cha tôi từng nói: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải nếu mất nước, tiền và của cải nhiều cũng chẳng để làm gì”, bà Sơn Trúc kể lại

    Ngọc Trang - Diệu Bình
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/2/21
  5. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tỷ phú Thomas Denny Sanford tài trợ 100 triệu USD cho nghiên cứu về từ bi
    - Được gợi cảm hứng từ cuộc trò chuyện với Đức Dalai Lama về lòng từ bi, như một nguồn hạnh phúc - tỉ phú Mỹ Thomas Denny Sanford đã tài trợ 100 triệu USD cho Đại học California San Diego để tạo quỹ nghiên cứu khoa học về sự đồng cảm và lòng từ bi cũng như cách tu dưỡng các phẩm chất đạo đức này trong đội ngũ nhân viên y tế, chăm sóc sức khỏe để mang đến lợi ích thiết thực cho bản thân họ và người bệnh

    Theo
    Buddhist Door Denny Sanford là tỉ phú ngành ngân hàng và cũng là người hay tham gia vào công tác từ thiện xã hội. Năm 2017, ông có cuộc gặp riêng với Đức Dalai Lama khi ngài đến thăm UC San Diego và phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của trường; hoạt động này nằm trong chuyến đi truyền thông điệp “Từ bi không biên giới” của ngài đến Hoa Kỳ

    “Tôi được truyền cảm hứng bởi việc làm và những lời dạy của Đức Dalai Lama, người có mối quan tâm sâu sắc và hiểu biết uyên bác về sự giao thoa giữa khoa học học và tinh thần, tâm linh” - chia sẻ của vị tỉ phú


    Tôi đã có cơ hội được nhìn thấy sự nhân hậu, nhân văn và tử tế đã làm thay đổi con người và thế giới như thế nào. Món quà này sẽ mở rộng hơn nữa cho tầm nhìn đó. Bác sĩ làm việc trong môi trường rất cần đến lòng từ bi nhưng lại dễ dàng đánh mất lòng từ bi của mình trong môi trường khắc nghiệt ấy​

    [​IMG]

    Nếu chúng ta có thể giúp đỡ các nhân viên y tế bảo tồn và thúc đẩy lòng từ bi của mình dựa trên những phát hiện của khoa học, thế giới sẽ có thể trở nên hạnh phúc hơn, là một nơi khỏe mạnh hơn - ông nói thêm, theo Trung tâm Tin tức Đại học California San Diego

    Nhờ sự hỗ trợ tài chính này, các nhà nghiên cứu của viện vừa được thành lập mang tên Viện Đồng cảm và Từ bi T. Denny Sanford tại UC San Diego sẽ nghiên cứu các chức năng thần kinh học của lòng từ bi, tìm kiếm các bằng chứng minh xác để thiết lập chương trình học tập trung vào lòng từ bi trong đào tạo nhân viên y tế và phát triển các phương pháp bảo vệ trạng thái hạnh phúc của cả người chăm sóc y tế và sự khỏe mạnh của người bệnh

    Viện sẽ áp dụng các công nghệ và kỹ thuật hiện đại về thần kinh học để xác định và bản đồ hóa hoạt động của não bộ được tạo ra bởi hành vi từ bi, định lượng các yếu tố thúc đẩy hay làm cản trở hành vi từ bi và thiết kế các phương thức mới làm gia tăng các tín hiệu từ bi trong não bộ con người - đại diện viện này cho biết

    Đức Dalai Lama thường xuyên nói về lòng từ bi như một sự thực hành trong đời sống hằng ngày và xem đó là yếu tố nền tảng thiết yếu trong giáo dục, hướng đến hình thành những cá nhân có nhận thức đầy đủ hơn và một xã hội toàn cầu từ bi hơn

    Trần Trọng Hiếu
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/5/23
  6. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Người trẻ nên đặt mục tiêu làm thứ mình đam mê
    Theo nhà nhân chủng học nổi tiếng thế giới Jane Goodall, người trẻ nên hướng tới những tiêu chuẩn thành công khác nhau ngoài tiền bạc và danh tiếng

    Jane Goodall được biết đến với những nghiên cứu về loài tinh tinh. Năm 1960, bà phát hiện tinh tinh lấy cỏ lùa kiến khỏi tổ để ăn, từ đó cho thấy con người không phải loài duy nhất biết sử dụng công cụ

    Trong cuộc phỏng vấn với CNBC tuần trước, khi được hỏi về cách đánh giá thành công của người trẻ, Goodall cho rằng thanh niên không nên cố gắng trở thành Bill Gates thứ hai

    "Chẳng ai cần nhiều tiền thế cả", nhà khoa học 86 tuổi nhận định. "Hãy nghĩ đến cả Amazon và Jeff Bezos nữa. Họ không cần toàn bộ số tiền ấy"

    Theo Forbes, Bezos và Gates hiện lần lượt là người giàu thứ nhất và thứ hai thế giới

    [​IMG]
    Nhà khoa học Jane Goodall trong một chuyến đi tới Congo
    Một số người trẻ nói với Goodall rằng họ muốn trở nên "thành công và nổi tiếng" như bà và muốn xin lời khuyên để đạt được điều đó

    "Đầu tiên, các bạn không nên đặt mục tiêu như thế", Goodall đáp. "Bạn nghĩ tôi có muốn thành công và nổi tiếng không? Tôi chỉ muốn tìm hiểu loài tinh tinh thôi. Nếu biết mình có danh tiếng như bây giờ, tôi có lẽ đã bỏ cuộc lâu rồi"

    Theo Goodall, người trẻ nên đặt mục tiêu làm thứ mình đam mê song cũng cần dành chỗ cho "những tiêu chuẩn thành công khác nhau"

    "Thành công là có được sự nghiệp, nghề nghiệp và cuộc sống bạn mong muốn", nhà khoa học nói. "Bạn có thể muốn dành hết thời gian cho gia đình và trở thành một bà nội trợ. Điều đó không nên bị chế nhạo"

    Bên cạnh đó, Goodall đề cao vai trò của bố mẹ trong những năm đầu đời của trẻ. Ở tinh tinh, bà nhận thấy những con được bố mẹ hỗ trợ lúc còn nhỏ về sau sẽ có vị trí cao hơn trong bầy

    Cũng nhờ những lời khuyên của mẹ mà Goodall kiên trì theo đuổi đam mê, làm việc cật lực và vượt qua khó khăn. Trong thời gian học tập, bà từng bị các học giả khác chỉ trích vì đặt tên và dùng các từ vốn chỉ người như "tuổi thơ", "tuổi vị thành niên", "nhân cách" để dùng cho tinh tinh

    "Hãy cố gắng không để ý đến những lời phê phán", Goodall khuyên. "Tôi biết có những phụ nữ cảm thấy thật khó xâm nhập vào thế giới đàn ông và cách duy nhất để chứng tỏ bản thân là tạo ra kết quả tốt. Nhờ đó, bạn sẽ có vị thế bình đẳng"
     
  7. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Tỷ phú hạnh phúc vì đã hết tiền
    Ngày 14/9, cựu tỷ phú Charles "Chuck" Feeney, 89 tuổi, đặt bút ký lệnh đóng cửa quỹ Atlantic Philanthropies vì toàn bộ tài sản của ông đã được phân phát hết

    Người đàn ông này là đồng sáng lập tập đoàn bán hàng miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers với Robert Miller vào năm 1960. Dù kiếm được hàng tỷ USD, Feeney lại sống cuộc đời như tu sĩ. Ông đưa ra ý tưởng "cho đi khi còn sống" vì quan niệm nếu không thể mang theo tiền khi chết thì con người nên đóng góp cho cộng đồng lúc còn có thể nắm quyền kiểm soát và chứng kiến thành quả

    [​IMG]
    Chân dung cựu tỷ phú Chuck Feeney
    Từ năm 1984 đến nay, thông qua quỹ từ thiện của mình mang tên Atlantic Philanthropies, Feeney đã quyên góp hơn 8 tỷ USD cho các tổ chức, trường đại học và quỹ nhân đạo khắp thế giới. Năm 2012, Feeney tiết lộ ông để dành 2 triệu USD làm tiền nghỉ hưu cho hai vợ chồng. Điều đó có nghĩa số tiền cựu tỷ phú cho đi gấp 4.000 lần phần ông giữ lại

    Đặc biệt, trong khi nhiều nhà tài phiệt có một đội ngũ quảng bá mỗi lần làm từ thiện, Feeney lại quyên góp ẩn danh. Cuối thập niên 1990, những hoạt động vì cộng đồng của ông mới được hé lộ sau thương vụ bán cổ phần Duty Free Shoppers cho tập đoàn LVMH của Pháp. Tạp chí Forbes gọi Feeney là "James Bond từ thiện"

    Feeney dùng tiền cho các mục tiêu từ thiện khác nhau. Ông dành 3,7 tỷ USD cho giáo dục, 870 triệu USD cho nhân quyền và hoạt động thay đổi xã hội, 700 triệu USD cho chăm sóc sức khỏe, trong đó có 270 triệu USD để cải thiện nền y tế Việt Nam

    Một trong những món quà cuối cùng là 350 triệu USD hỗ trợ Đại học Cornell xây dựng trung tâm công nghệ trên đảo Roosevelt ở New York. Thay vì chờ đợi, ông tìm kiếm những vấn đề cần sự trợ giúp và sẵn sàng đầu tư khi giá trị, tiềm năng của dự án lớn hơn rủi ro

    [​IMG]
    Warren Buffet (phải) coi Feeney (trái) là người hùng

    Chuyên bán hàng xa xỉ cho khách du lịch, Feeney lại sống cùng vợ trong một căn hộ giản dị, trông như một phòng ký túc xá ở San Francisco. Trên tường, cựu tỷ phú treo vài tấm hình chụp cùng gia đình, bạn bè. Ở cái bàn nhỏ bên dưới chỗ ảnh, có một kỷ niệm chương nhỏ ghi: "Chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD"

    Feeney không có ôtô siêu sang hay vật dụng xa xỉ nào, cũng chưa bao giờ mặc đồ hiệu. Ông đeo kính cũ, đi máy bay hạng phổ thông và uống rượu loại 2 tại các nhà hàng

    Sống khiêm nhường, Feeney vẫn có ảnh hưởng lớn đến những người xung quanh. Khi biết ông đứng đằng sau những khoản từ thiện hào phóng, nhiều doanh nhân khác cũng tham gia hành động vì cộng đồng. Tấm lòng của Feeney là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy Bill Gates và Warren Buffett thành lập Giving Pledge, chiến dịch kêu gọi giới nhà giàu cho đi ít nhất 50% tài sản trước khi qua đời

    "Chuck là hình mẫu cho tất cả chúng ta. Ông ấy là người hùng", Warren Buffett nói. Bill Gates thì nhận định: "Chuck đã tạo ra con đường để các nhà từ thiện khác đi theo"

    Buổi lễ công bố "dừng hoạt động quỹ Atlantic Philanthropies" sau 40 năm hoạt động, được tổ chức qua ứng dụng Zoom với ban quản lý quỹ. Bill Gates và cựu Thống đốc Jerry Brown gửi video chúc mừng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng gửi thư cảm ơn Feeney vì những gì ông đã làm

    [​IMG]
    Ngày 14/9, Chuck Feeney cùng vợ là Helga Feeney ký giấy tờ kết thúc bốn thập niên làm từ thiện của Atlantic Philanthropies
    "Tôi hạnh phúc vì cho đi toàn bộ tài sản trước khi hết thời gian của cuộc đời", Feeney nói với Forbes. "Tôi xin gửi lời cảm ơn tới những người cùng tham gia hành trình này. Và với những ai còn thắc mắc về ý tưởng cho đi khi còn sống, hãy thử đi và bạn sẽ thích nó"
     
  8. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    ‘Vua phần mềm’ Ấn Độ - tỷ phú giàu lòng vị tha
    Cuốn “Azim Premji: The Man Beyond the Billions” hé lộ nhiều điều về sự nghiệp làm giàu và từ thiện của vị tỷ phú phần mềm Ấn Độ Azim Premji

    Azim Hasham Premji là người kỳ quặc. Ông trùm kinh doanh 75 tuổi này không tuân theo những điều mọi người thường nghĩ về một tỷ phú. Ông thích ăn sôcôla và không sợ món này ngay cả lúc nửa đêm. Ông cũng thích trải nghiệm thức ăn đường phố khi đi du lịch

    Với cách sống chi tiêu tiết kiệm, ông được thế giới kinh doanh coi là Uncle Scrooge (nhân vật nổi tiếng trong loạt truyện về vịt Donald với sự giàu có và lối sống kín đáo)

    Chưa hết, ông cũng quyên góp 75% tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. Với tổng trị giá khoảng 21 tỷ USD, khoản quyên góp của ông cho Azim Premji Foundation, tổ chức phi lợi nhuận tập trung giáo dục, đã đưa Premji trở thành một trong những nhà từ thiện hàng đầu thế giới

    Năm thập kỷ phấn đấu để tạo nên bước ngoặt


    Là một trong những tỷ phú ẩn dật, thông tin về Premji cũng không xuất hiện nhiều trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Điều này khiến hai nhà báo Sundeep Khanna và Varun Sood gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm hiểu về cuộc đời của vị doanh nhân tài ba kiêm nhà từ thiện hào phóng này

    Các tác giả đã tìm kiếm những người biết về quá khứ và hiện tại của Premji, những người có thể đưa ra góc nhìn sâu sắc về cuộc sống của người đàn ông quyết liệt bảo vệ sự riêng tư của bản thân và gia đình gắn bó chặt chẽ của ông, bao gồm vợ Yasmeen và các con trai Rishad và Tariq

    Từ việc nỗ lực cứu công ty dầu mỏ đang mắc nợ của gia đình ở Amalner đến việc thành lập một tập đoàn chân chính có doanh thu hơn 10 tỷ USD, Azim Premji: The Man Beyond the Billions ghi lại hành trình phấn đấu kéo dài năm thập kỷ của Azim Premji. Ông không có kiến thức về ngành công nghệ thông tin (CNTT), nhưng công ty của ông (Wipro) đã trở thành một phần của bộ ba công ty khởi nghiệp về CNTT, cùng Infosys và TCS, đưa Ấn Độ có mặt trong bản đồ dịch vụ phần mềm toàn cầu

    Vào cuối năm 1971, ông đã đặt ra các nguyên tắc, chính trực, tôn trọng con người và lấy khách hàng làm trung tâm, làm tôn chỉ trong hoạt động kinh doanh. Tập đoàn của ông được biết là luôn quyết liệt giữ vững những giá trị này

    Chia sẻ về Premji, Nandan Nilekani, chủ tịch không điều hành của đối thủ Infosys, nói: “Ông ấy là một người đàn ông khác thường”. Và Premji đúng như vậy. Không giống hầu hết tỷ phú, ông không đi lại với tấm vé hạng nhất và cũng dành niềm tin vào các sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ. Quản lý mọi thứ ở tầm vi mô, Premji đi sâu vào lĩnh vực của mọi vấn đề nhỏ. Ông mang theo tập giấy màu vàng nổi tiếng của mình, trong đó ông ghi chép tỉ mỉ những vấn đề ông tìm hiểu, quan sát được

    Sự tôn trọng của Premji với các nguồn tài nguyên được thể hiện rõ qua tính tiết kiệm của ông. Premji đi xung quanh để tắt đèn và quạt sau khi mọi người đã ra khỏi hoặc kiên trì yêu cầu cả hai mặt của một tờ giấy phải được sử dụng khi photocopy, hay khi ông đòi dùng tiền túi để trả cho các cuộc gọi cá nhân ông thực hiện tại nơi làm việc, điều tạo ra tiền lệ để tất cả noi theo

    Cá tính đặc biệt và sự vị tha đáng quý


    Cuốn sách cũng tràn ngập nhiều giai thoại thú vị như việc một người bạn của Premji, lãnh đạo doanh nghiệp Kiran Mazumdar-Shaw kể lại cách tỷ phú này ngụy trang bằng một chiếc mũ và một bộ ria mép giả khi muốn mua một số tác phẩm nghệ thuật

    Lý do của ông là: "Thời điểm họ biết tôi là Azim Premji, họ sẽ tính phí tôi rất nhiều". Lật giở các trang sách, độc giả cũng biết đến các cột mốc quan trọng của cá nhân ông như đám cưới của Premji và con trai Rishad, đều chỉ mời 100 khách mỗi dịp

    Cuốn sách cũng đề cập nhiều sai lầm mà công ty đã mắc phải và cách họ đương đầu với hoàn cảnh khó khăn sau khi đưa ra nhiều quyết định sai lầm

    Trên thực tế, những thành tựu kinh doanh của Premji thường bị lu mờ bởi sự hào phóng nổi tiếng của Premji, phẩm chất mà ông thấm nhuần từ mẹ của mình là tiến sĩ Gulbanoo Premji, người đồng sáng lập Hiệp hội Phục hồi chức năng Trẻ em tàn tật Mumbai

    Khi dịch bệnh Covid-19 gõ cửa Ấn Độ, tập đoàn Wipro đã quyên tặng khoảng 180 triệu USD, số tiền hỗ trợ lớn nhất từ một công ty Ấn Độ, bên cạnh việc phân phát hàng triệu suất ăn và giường bệnh

    Tại một buổi thuyết trình với sinh viên trường kinh doanh Stanford, Mỹ, Premji đã tóm tắt cách ông đối mặt những thành công và thất bại trong sự nghiệp của mình: “Không thể tạo ra một vài ý tưởng tốt mà không có nhiều ý tưởng tồi. Thất bại nên được tha thứ và lãng quên hoàn toàn”
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/2/24
  9. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Phúc âm của sự giàu có

    [​IMG]

    Doanh nhân Andrew Carnegie đã cho đi hết tài sản của mình trước khi qua đời. Ông cũng yêu cầu gia đình khắc trên bia mộ của mình câu nói để đời trên

    Cách đây đúng 100 năm, người từng giàu nhất thế giới Andrew Carnegie qua đời tại Lenox, Massachusetts. Nhưng khi ở trên giường bệnh, ông hoàn toàn khánh kiệt. Ông đã cho đi nốt 30 triệu USD cuối cùng của đời mình. Ông ra đi trong sự khánh kiệt, không phải bởi vì ông để lại tài sản cho người nhà mà vì ông đã quyên góp cho đến đồng đô la cuối cùng cho hoạt động từ thiện

    Theo Wiki, toàn bộ tài sản (Net worth) của ông Vua thép Andrew Carnegie thời đó, tương đương với 373 tỉ đô la năm 2014, hơn cả tài sản của ba người giàu nhất trên thế giới ngày nay Jeff Bezos, Bill Gates, và Warren Buffett cộng lại

    Andrew Carnegie sinh ra trong một gia đình rất nghèo, di cư từ Scotland tới Mỹ. Với hoài bão to lớn, tinh thần học hỏi mạnh mẽ, ông đã dấn thân vào kinh doanh ngành thép, mở nhà máy thép. Và nhờ vào chất lượng thép và uy tín cá nhân mà ông có được hợp đồng xây dựng cầu sắt và đường ray tàu hỏa với chính phủ Mỹ

    Những khác với các triệu phú thời đó, Andrew Carnegie sống rất giản dị. Ông rất xem trọng và luôn cổ vũ việc học và việc đọc. Theo ông đó là nguồn gốc của sự tiến bộ cá nhân và sự phát triển, văn minh của xã hội

    Từ 1901 cho tới năm 1919, Carnegie đã cho đi phát hầu hết tài sản của ông cho xã hội, đặc biệt là cho giáo dục như việc in và phân phối sách cho người nghèo, xây rất nhiều thư viện, bảo tàng, và trường đại học (một trong số đó là trường Carnegie Mellon)

    [​IMG]

    Trong cuốn sách The Gospel of Wealth (tạm dịch: Phúc âm của sự giàu có), Carnegie viết rằng những người giàu có không nên giữ lại tài sản của mình khi qua đời. "Những người để lại tài sản của mình theo cách này có thể coi lại không để lại chút di sản nào. Đáng lẽ, họ nên đem theo số tài sản họ có xuống mồ"

    Thay vào đó, nghĩa vụ một triệu phú nên làm là hãy phân chia hết tài sản họ có trong cuộc đời. "Một người giàu có chết đi mà vẫn sở hữu số của cải anh ta có trong suốt cuộc đời, sẽ qua đời một cách vô danh. Bất kể mục đích anh ta giữ lại số tài sản đó là gì"

    Trước khi từ giã cõi đời, sau khi đã cho đi gần hết tài sản, doanh nhân Andrew Carnegie yêu cầu gia đình ông khắc trên bia mộ của mình một câu đơn giản: "The man who dies thus rich, dies disgraced". Tạm dịch "Người chết đi mà vẫn giàu, là chết nhục nhã!"

    Chính Andrew Carnegie là người khởi xướng cho giải pháp thiết thực về vấn đề mà bất kỳ triệu phú, người giàu có nào đang lo lắng về một cái chết bất đắc kỳ tử. Ông viết: Bất kỳ triệu phú nào đang gặp vấn đề về giải pháp để đạt được lợi ích to lớn từ số tài sản còn lại của họ sau khi qua đời, thì đây là một giải pháp không bao giờ lỗi thời. Đó chính là là đầu tư tiền vào lĩnh vực giáo dục. Chính Andrew Carnegie cũng đã chi phần lớn tài sản lúc sinh thời của mình (số tiền tương đương 372 tỉ đô la ngày nay) cho lĩnh vực giáo dục. Điều không chỉ có nghĩa là trao tiền cho các trường học, tổ chức giáo dục, Carnegie con thành lập hơn 3.000 thư viện công cộng trên khắp thế giới. Và đó chính là một trong những di sản từ thiện lớn nhất của ông

    Nhưng bất kỳ hành trình nào cũng phải có sứ mệnh. Ông tin rằng, sứ mệnh của các nhà từ thiện là tập trung vào những gì có thể để tạo ra sự khác biệt chứ không chỉ là thỏa mãn niềm đam mê từ thiện

    Andrew Carnegie tin tưởng mạnh mẽ rằng, sự giàu có nên được cho đi trong suốt cuộc đời đến nỗi ông đã cho đi 100% tài sản của mình. Các tỷ phú trên thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg đã noi gương của ông bằng cách để lại phần lớn tài sản của mình cho xã hội
     
  10. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Phúc Đức không tương xứng với địa vị
    Nếu một người có quá ít phúc đức, đạo đức quá kém nhưng địa vị lại quá cao, mang trong mình quá nhiều dục vọng, sẽ khó tránh được có ngày gặp tai ương, mệnh khổ phúc mỏng

    Phúc Đức của một người phải tương ứng với địa vị và dục vọng của người đó, một khi hai vế này không tương ứng với nhau tất sẽ có tai họa


    Một người có thành tựu sự nghiệp lớn bao nhiêu thì phải có phúc - đức bấy nhiêu

    Một người có quá ít phúc đức, nhưng lại muốn rất nhiều thứ thì nhất định không tránh khỏi tai họa


    Chỉ có học cách tạo thêm phúc đức bằng sự tu dưỡng của bản thân, để cho phúc đức lớn hơn dục vọng của bạn, cuộc đời của bạn mới có thể thuận buồm xuôi gió
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/3/21
  11. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Vì sao người quá tử tế chưa chắc đã hạnh phúc
    Mọi người đều muốn ở bên những người tử tế vì họ toát ra năng lượng tích cực. Nhưng tại sao những người tử tế chưa chắc đã hạnh phúc, may mắn hơn người khác ?

    Theo nghiên cứu của Filip Fors Connolly và Ingemar Johansson Sevä của Đại học Umeå, Thụy Điển, có những lý do vững chắc về mặt lý thuyết cho sự khó thăng tiến của những người quá tử tế, tốt bụng


    [​IMG]

    Theo mô hình tính cách 5 yếu tố (OCEAN) tạo nên một người tử tế gồm: O là sự cởi mở (Openness) - C là sự tận tâm (Coscientiouness) - E là sự hướng ngoại (Extraversion) - A là sự tử tế, dễ chịu (Agreeableness) - N là sự nhạy cảm (Neuroticism)... Điều đáng nói là những yếu tố này lại có thể cản trở khả năng của một cá nhân đạt được vị trí đứng đầu. Ví dụ, người khác có thể thích sự dễ chịu, nhưng họ không chọn người có tính cách dễ chịu làm lãnh đạo. Từ đó, người tử tế có thể chỉ trở thành một người thân thiết, đáng tin cậy khi ai đó cần động viên tinh thần

    Connolly và Sevä nhận xét: "Tính cách dễ chịu và địa vị ít khi có sự tỷ lệ thuận. Người ta có thể nể trọng người mà họ không thích (ví dụ một đối thủ đã thành công), và thích một người mà người ta không nể trọng"

    Sự thiệt thòi về địa vị xã hội khiến những người tử tế thường không nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ, điều này khiến họ thiếu đi một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên cảm giác hạnh phúc. Thậm chí, họ có thể dễ dàng bị biến thành "tấm thảm chùi chân" cho người khác. Sự tử tế quá mức có thể khiến một người dễ bị bóc lột, trong trường hợp đó, người khác có thể mất đi sự tôn trọng đối với họ

    Những người tử tế, như các nhà nghiên cứu lưu ý, có nguy cơ bị lợi dụng trong các tình huống xã hội, khiến họ ít có khả năng thực hiện các mục tiêu cá nhân hơn

    Các chuyên gia tổng kết những vấn đề mà một người tử tế quá mức có thể gặp phải

    Nếu bạn luôn cống hiến, mọi người sẽ luôn mong đợi điều đó ở bạn

    Bạn sẽ góp phần phát triển những kỳ vọng không thực tế của người khác. Mọi người sẽ đến với bạn chỉ khi họ cần điều gì đó

    Bạn sẽ quên đi việc cần phải đối xử tốt với chính mình

    Bạn bị coi là yếu đuối. Điều này không chỉ có thể dẫn đến việc người khác lợi dụng bạn mà còn có thể khiến mọi người không coi bạn là một người mạnh mẽ hoặc có quyền lực

    Mọi người sẽ không tin tưởng bạn. "Rất ít người thực sự tốt, thế nên khi bạn quá tốt, mọi người sẽ tự hỏi liệu bạn có động cơ thầm kín hay không?. Bạn sẽ dễ gặp sự ngờ vực, dẫn đến khó thiết lập các mối quan hệ", Jessica Stillman, tác giả cuốn "5 Ways Being Too Nice Can Hurt You" viết
     
  12. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Doanh nhân loay hoay chữa lành
    Công việc quá tải: đi tìm khóa tu để chữa lành. Gia đình lục đục, bế tắc: đi tìm khóa chia sẻ của chuyên gia để chữa lành. Nợ nần ngập đầu: đi thiền chữa lành… Từ khóa “chữa lành” được dùng khắp nơi với tần suất chẳng kém các từ “stress” hay “sang chấn”. Và mức độ lạm dụng các từ khóa đó, dưới nhiều hình thức, cũng tương tự nhau

    [​IMG]
    Thiền – một giải pháp xoa diu những sang chấn, những áp lực trong cuộc sống
    Tấm vé chữa lành nhanh, dễ

    Một hôm, bạn nhìn vào mặt tôi và nói rằng: “Anh nên bỏ hết công việc để đi tham gia một khóa thiền V. ở Đồng Nai. Tới đó, cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài trong một vài tuần, khi trở về anh sẽ thấy rất khác!”. Bạn nhấn mạnh “sẽ thấy rất khác” là trải nghiệm của chính bạn, và bạn cũng đang cố giải quyết cho xong mớ công việc gây căng thẳng để lại đến với khóa thiền ngắn hạn của pháp môn V… Bạn khuyên tôi hãy đi cùng bạn để được chữa lành

    Một lần khác, một doanh nhân nhìn chằm chằm vào tôi và mách cho có một ngôi bảo tháp của phái mật tông mới được xây trên vùng cao nguyên, thỉnh thoảng có những bậc tu hành đến đó gặp gỡ chúng sinh. Mọi người xếp hàng tham quan, và kỳ lạ lắm, đi về thì trút bỏ được mọi ưu phiền, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, trong trẻo

    Lần khác nữa, tôi gặp lại người bạn cũ. Bạn nói suốt sáu tháng kinh doanh thất bại, bạn phải chống chọi chứng trầm cảm bằng cách đi điều trị tâm lý, đồng thời, học luôn một khóa tâm lý trị liệu ngắn ngày dành cho doanh nhân. Thầy của bạn cũng từng là một doanh nhân kinh doanh thất bại, chuyển sang học khóa tâm lý trị liệu. Và bạn, sau khóa học lần này thì bạn sẽ khởi nghiệp trở lại với việc mở các hội thảo, tọa đàm về tâm lý kết hợp nghỉ dưỡng hướng tới giới doanh nhân

    Hẳn đây là một điều hay, ở chỗ nó không chỉ giúp bạn tìm được lối ra cho những trục trặc tâm lý của bản thân, mà còn cho bạn ý tưởng về một dự án kinh doanh. Khách hàng, không ai khác, đó là những người cùng cảnh ngộ với bạn. Có thể, bạn đã nắm bắt thời cuộc thị trường đang đẩy nhiều doanh nhân vào chỗ bi đát và sang chấn chăng?

    “Lại có người tham gia các khóa chia sẻ tâm lý không phải vì họ gặp vấn đề tâm lý, mà là để tìm kiếm mối quan hệ, mạng lưới làm ăn. Một số khác thì nhằm xây dựng hình ảnh, họ muốn gắn bản thân vào các sinh hoạt chuyên sâu với mục đích gia tăng thương hiệu và nhân hiệu. Nhưng vẫn phải thấy rằng đa số đến với các khóa thiền hoặc chia sẻ tâm lý là để được xoa dịu một cách nhanh nhất những sang chấn, những áp lực trong thời kỳ làm ăn khó khăn và nhiều rủi ro…”, chị Ngọc Vũ, một doanh nhân thường xuyên tham gia các khóa thiền, chia sẻ. Theo nữ doanh nhân này, hiện có rất nhiều “gói chữa lành” nhanh và hiệu quả để chọn lựa. Phần nhiều là do các nhóm, hội doanh nhân kết nối các diễn giả tổ chức ra những chuyến dã ngoại kết hợp nói chuyện chuyên đề, hoặc tìm đến các cơ sở tôn giáo có mở các khóa tu và tiếp nhận cư sĩ ngắn hạn

    “Quay cuồng mãi hoài”

    Có một khóa “thiền tập” gọi là làm lành với thiên nhiên diễn ra tại khu hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt). Một vị sư dạy cho khách tham gia đi vòng quanh các gốc cây thông và cùng nhau hát một bài hát có ngôn từ đơn sơ đến ngây ngô của chính vị sư. Khách được khuyên cười nói với nhau giữa rừng như những đứa trẻ, xem đó là liệu pháp để xóa bỏ ưu phiền và những vướng mắc tâm trí. Rồi họ ăn chay và ở lại trong khu resort gần đó một vài ngày. Chi phí phải trả cho những buổi thiền hành giống như thế khá cao. Đổi lại, mọi người thấy thanh thản sau đó. Họ trở về thành phố và tiếp tục công việc, đối diện với cuộc sống bằng một nguồn năng lượng mới

    “Áp lực có thể quay lại, nhưng miễn được chữa lành, còn hơn ngồi một chỗ loay hoay không biết phải làm gì”, một người đã tham gia khóa tu tập này cho biết. Cũng có thể hiểu là sự “trồi sụt tâm lý” sẽ còn tiếp diễn và các khóa chữa lành ngắn hạn chỉ như những liều thuốc giảm đau nhất thời. Khi quay lại với công việc, với áp lực thương trường, những khó khăn khiến cho doanh nhân “thấy mình bị khủng hoảng” trước đó vẫn còn ở đó. Họ buộc phải đối diện, phải căng thẳng giải quyết, và những đợt khủng hoảng tâm lý tiếp theo vẫn chực chờ với mức độ không hứa hẹn thuyên giảm

    Câu hỏi đặt ra có vẻ luẩn quẩn là: Tại sao phải bỏ thời gian cho những việc này mà không trị tận căn gốc những biểu hiện của stress trong cuộc sống và công việc?

    Ngoài lý do thuộc về tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, các doanh nhân trong cơn khủng hoảng còn được sự lôi kéo của đồng nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh ngành tâm lý đang được đề cao trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, từ quản trị đến tương quan với khách hàng, và tâm lý trị liệu, một mặt được áp dụng vào việc xây dựng giá trị doanh nghiệp theo xu hướng, mặt khác là phương thuốc hữu hiệu dập tắt những cơn khủng hoảng cấp thời

    Ai chữa lành ai?

    Điều cần nói là trong bối cảnh nhu cầu chữa lành tâm lý cao như vậy, các liệu pháp và người đưa ra liệu pháp liệu có đủ sức đáp ứng và đảm bảo sự khả tín đến đâu?

    Nhìn qua các khóa chữa lành tâm lý hay các đợt thiền tập ngắn ngày của những pháp môn dành cho doanh nhân, có thể thấy nhiều “người trị liệu” không phải là những bậc chân tu hay thực học, mà trong giới KOL (Key Opinion Leader: tư vấn quan điểm có ảnh hưởng đặc biệt trên mạng xã hội) được khoác áo “chuyên gia”. Đa số thông điệp được các KOL trình bày là kinh nghiệm mang tính chia sẻ và tâm tình, đồng cảm, cùng lắm là đưa ra một vài lời khuyên cá nhân. Hiếm thấy những chuyên gia được đào tạo bài bản về tâm lý học, có liệu trình lẫn kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng như có hiểu biết về thời tiết kinh doanh, để mang lại những chìa khóa hướng dẫn

    Bên cạnh đó, các giáo pháp tham gia vào cũng chỉ đưa ra được những phương pháp tu tập chung chung, một số chuyển hướng sang thương mại lộ liễu. Chung quy, các chuyến trải nghiệm này rất dễ sa vào lầm tưởng về tính hiệu quả. Việc tạo ra một môi trường để mọi người tạm thời thoát ly khỏi công việc, tạm thời cắt đứt mọi vướng bận trong một quãng thời gian, bản thân nó đã là một điều kiện để các “cư sĩ” tìm lại sự nhẹ nhàng trong tinh thần. Những bài thuyết pháp, những phương pháp thực hành đơn giản có lẽ chỉ làm cho việc nghỉ ngơi thêm phần dễ chịu nhưng lại được lầm tưởng mang lại hiệu quả lâu dài

    Người ta sẵn lòng chi trả một chi phí rất cao để dự một buổi nói chuyện của một người có triệu chứng tâm lý lẫn vấn đề tinh thần… khá giống mình

    Gần đây còn có nhiều hình thức gọi là chữa lành, tháo gỡ khó khăn tâm lý cho giới làm ăn kinh doanh, trong đó có các bữa trà chiều trò chuyện về nuôi dưỡng cảm xúc, củng cố gia đình, hay thậm chí là làm sao để sống thanh lịch, tao nhã trong một cuộc sống bận rộn… Các KOL trong lĩnh vực này xuất hiện nhiều vô kể. Có người hôm trước mới trong vai người khủng hoảng thì hôm sau đã xuất hiện trong một talkshow riêng trước một cộng đồng đang cần sự chia sẻ. Còn những người tìm đến sự chữa lành thì đơn giản là được tắt điện thoại, được ngồi nghe nói chuyện để thoát khỏi mớ áp lực ngày thường

    Người nọ bảo người kia tham gia vào các nhóm, hội, câu lạc bộ…, và những chương trình chữa lành ngắn lại tiếp tục được lên lịch. “Chữa lành” trở thành xu hướng thoát ly tạm thời trong bối cảnh kinh doanh nhiều rủi ro và áp lực đè nặng lên giới doanh nhân hiện nay
     
  13. PhucDuc.vn

    PhucDuc.vn Administrator Thành viên BQT

    Cựu giảng viên tặng trường y 1,3 tỷ USD để miễn học phí cho sinh viên
    Bà Ruth Gottesman - một cựu giảng viên Trường Y dược Albert Einstein đã quyên góp 1 tỷ đô la Mỹ cho ngôi trường này để trả học phí cho tất cả các sinh viên

    [​IMG]
    Bà Ruth Gottesman
    Theo Reuters , số tiền trên được bà Gottesman quyên góp từ tài sản của người chồng quá cố David “Sandy” Gottesman - một nhà tài chính ở Phố Wall đã qua đời vào tháng 9/2022

    Bà Gottesman cho biết trong một tuyên bố: "Tôi rất biết ơn người chồng quá cố vì đã để lại số tiền này cho tôi. Tôi cảm thấy may mắn khi được nhận đặc ân lớn lao là tặng món quà này vì mục đích xứng đáng như vậy"

    Bà Gottesman bắt đầu công tác tại trường y dược vào năm 1968. Trong thời gian làm việc tại trường, bà đã nghiên cứu về trẻ em và xây dựng chương trình xóa mù chữ cho người trưởng thành

    Với món quà của bà Gottesman, tất cả các sinh viên chính quy hiện tại sẽ được hoàn trả học phí học kỳ mùa xuân năm 2024, và các học sinh trong tương lai cũng sẽ được miễn học phí

    Học phí của trường y Albert Einstein là khoảng 60.000 đô la Mỹ /năm/sinh viên. Trong đó nhiều sinh viên đã mắc nợ hơn 200.000 đô la Mỹ sau khi tốt nghiệp

    Nhà trường cho biết: “Món quà này sẽ giúp thu hút một nhóm cá nhân tài năng và đa dạng, những người có thể không có đủ điều kiện để theo học ngành y". Đây là món quà lớn nhất từ trước đến nay được trao cho một trường y ở Mỹ

    Trường Albert Einstein có khoảng 1.100 sinh viên theo học, nằm ở Bronx (New York)
     

Chia sẻ trang này